Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

6. Nhan thuc dung dan ve ban than



Những phương pháp đối trị kiêu mạn

Kiêu mạn là một khái niệm, một cách nhìn nhận sự việc với sự thổi phồng những phẩm chất của chính mình - như vẻ đẹp hay sức khỏe, học vấn, địa vị xã hội hoặc tài năng - và tự cho rằng mình vượt xa những người khác.

Một khuynh hướng như vậy có rất nhiều bất lợi. Do ảnh hưởng của sự kiêu mạn, ta luôn tìm cách để chắc chắn rằng mọi người đều biết được ta tốt đẹp như thế nào. Chúng ta luôn nói về những thành tích của mình, tìm cách gây ấn tượng với người khác để được ngợi khen, danh vọng và tiền bạc. Tâm kiêu mạn khiến ta luôn xem thường người khác, vì nghĩ rằng họ không có những phẩm chất tốt đẹp như ta.

Khi rơi vào khuynh hướng tự cho mình là quan trọng, chúng ta thực sự rất đáng thương. Nếu có sự trung thực với chính mình, hẳn ta phải thấy được rằng, phía sau vẻ ngoài ngụy tạo, ta không hề thực sự tin chắc rằng bản thân mình tốt đẹp. Nhằm tự thuyết phục chính mình nghĩ khác đi, ta cố hết sức làm cho người khác tin rằng ta có phẩm chất tuyệt vời nào đó. Ta nghĩ rằng, nếu người khác đã rằng ta tuyệt hảo, thì nhất định ta đúng là như vậy. Nhìn sâu vào nội tâm, tất cả những con người bình thường như chúng ta đều có những hình tượng tồi tệ về chính mình. Ngay cả một người mang dáng vẻ cao quý và dường như là biểu tượng của sự thành công theo những tiêu chuẩn thế tục, vẫn không tự cảm thấy thỏa mãn. Vì khó lòng chấp nhận sự bất toàn của chính mình, ta che giấu điều đó bằng cách tỏ ra cao ngạo.

Vì sao những người có vẻ như thành đạt lại có thể không thấy hài lòng với chính mình? Họ cũng như chúng ta, luôn hướng ra bên ngoài để tìm kiếm sự thẩm định giá trị tự thân, sự ngợi khen và chấp nhận. Vì thế, ta không nhận biết được về tiềm năng phát triển toàn diện trí tuệ và từ bi của chính mình. Trong khi ta hướng ra bên ngoài để tìm kiếm hạnh phúc, lòng tự trọng, thì những phẩm tính này lại chỉ thực sự có được thông qua sự phát triển nội tâm.

Sự kiêu mạn luôn khiến ta hành động một cách lố bịch: chúng ta phô trương ngoại hình của mình, thường là rất ngớ ngẩn trong mắt người khác. Chúng ta tự do phê phán người khác, và rồi bối rối khi mọi người không muốn làm bạn với ta. Chúng ta cư xử bất công với người khác, và rồi than phiền khi không có sự hòa hợp trong tập thể. Sự bất hòa luôn xảy ra trong bất kỳ tập thể nào khi người ta cao ngạo và xem thường cảm nhận của người khác.

Cho dù những kẻ kiêu mạn luôn đòi hỏi người khác tôn trọng họ, nhưng sự tôn trọng lại không thể ép buộc. Trong thực tế, cộng đồng xã hội chỉ tôn trọng những người khiêm tốn. Trong số những người nhận giải Nobel Hòa bình, không có ai huênh hoang ngạo mạn cả. Khi đức Đạt-lai Lạt-ma XIV nhận giải thưởng cao quý này vào năm 1989, ngài không xem đó như là phần thưởng cho riêng mình, mà là cho thái độ vị tha chân thành và những hành vi khởi sinh từ tâm bi mẫn.

Chúng ta có thể tôn trọng hết thảy mọi người. Những người thua kém ta về tài sản, học vấn hoặc tài năng, có thể sẽ có nhiều phẩm tính và năng lực mà ta không có. Mọi người đều xứng đáng được tôn trọng, đơn giản chỉ vì họ có những cảm nhận riêng. Ít nhất thì mọi người cũng đều xứng đáng được lắng nghe. Những kẻ cao ngạo không tôn trọng điều đó nên thường khinh người và không khoan thứ. Những người thực sự tự tin luôn tốt bụng, khiêm tốn và biết học hỏi nơi hết thảy mọi người. Nhờ đó, họ tạo ra sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau.

Kiêu mạn là một trong những trở lực chính yếu ngăn cản sự phát triển trí tuệ và tiềm năng nội tại. Vì tự cho mình là uyên bác, tài năng và tuyệt hảo, nên những người kiêu mạn luôn lấy làm tự mãn. Họ không muốn và cũng không thể học hỏi từ người khác. Chính sự kiêu mạn đã giam hãm họ trong ngục tù mê muội.

Sự tự tin

Sự kiêu mạn thường dễ nhầm lẫn với sự tự tin, và sự khiêm tốn lại thường dễ nhầm lẫn với tính tự ti. Tuy nhiên, hành động một cách cao ngạo không có nghĩa là ta đang tự tin, và bày tỏ sự khiêm tốn không có nghĩa là ta đánh giá thấp bản thân mình. Những người tự tin cũng đều khiêm tốn, vì họ chẳng có gì để phải bảo vệ hay chứng tỏ với người khác.

Việc đánh giá chính mình một cách khách quan là rất khó. Chúng ta thường có khuynh hướng quá hạ thấp hoặc quá đề cao chính mình, vì thế nên dao động giữa hai cực đoan của việc tự cho mình là vô dụng, khó ưa hoặc tự cho mình là tuyệt hảo. Cả hai cách nhìn nhận đó đều không phải là sự đánh giá chính xác về bản thân, vì tất cả chúng ta đều có một số những phẩm chất tốt đẹp song song với những khuyết điểm cần hoàn thiện.

Chúng ta không thể loại bỏ những khuyết điểm của mình bằng cách che giấu chúng, hoặc bằng cách huyênh hoang so đọ với người khác để chứng tỏ rằng mình giỏi nhất. Nhưng chúng ta có thể trung thực thừa nhận những điểm yếu của mình và nỗ lực khắc phục chúng. Tương tự, lòng tự tin không có được từ sự tự phụ công bố những tính chất tốt đẹp của mình, mà là từ sự thẩm xét những tài năng, khả năng của mình để phát huy chúng.

Ở đây, sẽ rất hữu ích nếu nhớ lại rằng chúng ta luôn sẵn có tiềm năng để trở thành một vị Phật, xóa bỏ hoàn toàn mọi che chướng và phát triển hoàn toàn mọi phẩm tính lợi lạc. Điều này mới nghe qua có vẻ như một sự khẳng định phi lý, nhưng khi chúng ta bắt đầu hiểu về tánh Phật và con đường tu tập hướng đến giác ngộ, thì niềm tin vào tính xác thực của điều này sẽ gia tăng. Chương "Tánh Phật" và phần "Con đường hướng đến giác ngộ" sẽ làm rõ điều này hơn nữa. Tánh Phật quý báu là điều ta sẵn có từ lúc sinh ra. Tánh Phật không bao giờ mất đi hay rời khỏi chúng ta. Hiểu được điều này, ta sẽ có được một nền tảng vững vàng và thực tiễn cho sự tự tin.

Chúng ta có thể chấp nhận chính mình với những gì hiện có và tin tưởng vào khả năng phát triển từ bi, trí tuệ. Cách nhìn nhận quân bình về chính mình như vậy sẽ giúp ta rộng mở tâm hồn để nhận hiểu và tôn trọng người khác, vì mọi chúng sinh đều có những phẩm tính đáng tôn trọng. Người tự tin có khả năng thừa nhận những gì mình không biết, và nhờ đó sẽ hoan hỷ sẵn lòng học hỏi từ người khác. Như vậy, những phẩm chất tốt đẹp và trí tuệ của họ được phát triển.

Khi chúng ta có những phẩm chất tốt đẹp thì tự nhiên mọi người sẽ biết đến. Chúng ta không cần phải quảng bá chúng. Thánh Mahatma Gandhi là một ví dụ điển hình cho điều này. Ngài sống đơn giản, trang phục giản dị, không bao giờ tự đề cao mình, và luôn tôn trọng người khác. Cho dù ngài không hề quảng bá phẩm hạnh của mình, nhưng sự nghiệp cao cả và vĩ đại của ngài hiển nhiên được mọi người biết đến.

Đối trị kiêu mạn

Những phương thức nào có thể dùng để đối trị với sự kiêu mạn? Vì kiêu mạn là một thái độ sai trái và hẹp hòi, nên việc phát triển một nhận thức toàn diện hơn sẽ giúp ta nhìn sự việc một cách thực tiễn hơn. Bằng cách đó, ta có thể làm giảm đi tính kiêu mạn.

Lấy ví dụ, khi ta thấy kiêu ngạo về học vấn của mình, ta chỉ cần nhận biết rằng toàn bộ kiến thức của ta đều là nhờ vào do công lao dạy dỗ nhiệt thành của các thầy cô giáo. Khi mới sinh ra, ta hoàn toàn không hiểu biết gì và không có khả năng làm gì cả: thậm chí không thể tự ăn uống hoặc nói ra những gì mình cần. Tất cả những gì chúng ta biết được - ngay cả việc nói năng hay cách buộc dây giày - đều có được từ lòng tốt của những người đã dạy dỗ chúng ta. Vậy thì có gì để ta kiêu ngạo? Không có sự quan tâm chăm sóc của người khác, hẳn là ta sẽ có rất ít kiến thức, rất ít kỹ năng. Suy nghĩ theo cách này thì ta sẽ không còn kiêu mạn nữa.

Tương tự, nếu ta thấy kiêu ngạo vì có nhiều tiền bạc, ta có thể nhớ lại rằng những đồng tiền đó từ trước đây vốn không phải của ta. Nếu ta nhận được tiền bạc từ gia đình hoặc được thừa kế, thì sự biết ơn đối với gia đình hoặc người đã để lại di sản, sẽ thích hợp hơn là tự mình kiêu ngạo. Ngay cả khi ta tự kiếm tiền, thì đồng tiền đó vẫn có được từ nhiều người khác - từ ông chủ trả lương cho ta, hay những người được ta thuê mướn, hoặc khách hàng của ta. Nhờ việc ông chủ đã cho ta công việc, hay nhờ những nhân công đã giúp cho việc kinh doanh của ta phát triển, nên giờ đây ta mới có được nhiều tiền. Trong ý nghĩa đó thì những người nói trên đều rất tốt với ta.

Có thể trước đây ta không thường nghĩ đến lòng tốt của người khác theo cách như vậy, nhưng nếu ta suy nghĩ, ta sẽ thấy điều đó hết sức hợp lý. Cho dù ta có cảm giác như mình đạt được thành công bất chấp sự thiếu thiện cảm từ người khác, nhưng trên thực tế, chỉ riêng những nỗ lực của ta không đủ để mang đến thành công. Chúng ta phụ thuộc vào người khác. Hiểu được điều này, những người khôn ngoan luôn cảm thấy biết ơn chứ không phải là kiêu ngạo với người khác.

Chúng ta cũng có thể kiêu ngạo về tuổi trẻ, sắc đẹp, sức mạnh hoặc tài năng của mình, nhưng những phẩm tính đó luôn biến đổi. Ta có thể cảm thấy mình trẻ, đẹp, khỏe mạnh và năng động trong một thời gian dài, nhưng những phẩm tính này trôi qua rất nhanh. Từng giây phút trôi qua, chúng ta đang già đi. Những nếp nhăn không đột nhiên xuất hiện, những cái răng không rơi rụng tức thì; nhưng dần dần, thân thể ta mất đi thời tươi đẹp của nó.

Con người luôn cố sức ngăn chặn hoặc che giấu sự già đi, nhưng trong thực tế, một cầu thủ bóng đá cơ bắp cuồn cuộn chính là đang trong quá trình trở thành ông lão chống gậy, ngồi xem bên ngoài sân cỏ. Một hoa hậu xinh đẹp nhất cũng không tránh khỏi sẽ trở thành một bà già lọm khọm. Khi thấy được rằng thân thể mình đang liên tục già yếu đi, thì có gì đâu để ta kiêu ngạo?

Nếu ta có được một thân thể khỏe mạnh và hấp dẫn, ta có thể trân trọng những phẩm chất tốt đẹp đó mà không kiêu căng tự phụ. Tương tự, ta có thể hoan hỷ với bất kỳ những tài năng, sản nghiệp hay kiến thức nào ta có được, nhưng không kiêu căng tự mãn. Ngược lại, ta sử dụng bất kỳ phẩm chất nào mình có được để làm lợi ích cho người khác.

Để đối trị sự kiêu ngạo về trí thông minh của mình, ta có thể suy ngẫm về một chủ đề thật khó. Điều này giúp ta nhận ra những hạn chế của mình và tự nhiên từ bỏ sự kiêu ngạo. Với một nhận thức quân bình hơn về chính mình, ta sẽ biết sử dụng năng lực của mình để tự hoàn thiện và làm lợi ích cho người khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...