Thứ Ba, 7 tháng 8, 2018

Bai giang ngay thu tam



Định luật tăng trưởng và nghịch đảo, luật diệt trừ – sự bình tâm là hạnh phúc lớn nhất – sự bình tâm giúp ta sống một cuộc sống với hành động chín chắn – bằng cách giữ được bình tâm, ta bảo đảm một tương lai hạnh phúc cho mình

Tám ngày đã qua, quý vị còn hai ngày nữa để tu tập. Trong những ngày còn lại, quý vị phải chắc là mình hiểu được phương pháp một cách đúng đắn, để có thể tu tập tại đây cũng như áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Nên hiểu rõ Dhamma (Pháp) là gì: đó là luật của thế giới tự nhiên, là chân lý, là quy luật phổ quát.

Một mặt có một tiến trình tăng trưởng không ngừng. Mặt khác, có một tiến trình diệt trừ. Điều này được giải thích rõ ràng trong vài chữ:

Mọi sự hữu nghiệp đều vô thường
với đặc tính sinh và diệt
Nếu chúng nảy sinh và bị diệt trừ
sự diệt trừ mang lại hạnh phúc thực sự

Mọi sankhara, mọi nghiệp, đều vô thường, đều có bản chất sinh và diệt. Nó bị diệt trừ, nhưng giây phút kế tiếp nó lại tiếp tục nảy sinh, và lại nảy sinh; đây là cách sankhara sinh sôi tăng trưởng. Nhưng khi ta có trí tuệ và bắt đầu quan sát một cách khách quan, tiến trình tăng trưởng chấm dứt và tiến trình diệt trừ bắt đầu. Khi một sankhara nảy sinh, nhưng thiền giả giữ được sự bình tâm; nó mất đi sức mạnh và bị diệt trừ. Hết lớp này đến lớp khác, những sankhara cũ sẽ nổi lên và bị diệt trừ, với điều kiện ta phải giữ được sự bình tâm. Càng nhiều sankhara bị diệt trừ chừng nào ta càng hưởng được nhiều hạnh phúc chừng đó, hạnh phúc của sự giải thoát khỏi đau khổ. Nếu tất cả những sankhara trong quá khứ bị diệt trừ, ta hưởng được hạnh phúc vô tận của sự giải thoát hoàn toàn.

Thói quen cố hữu của tâm là phản ứng, và gia tăng những phản ứng. Một điều gì không như ý xảy ra, thế là ta tạo ra một sankhara ghét bỏ. Khi sankhara này nảy sinh trong tâm, một cảm giác khó chịu trong thân cũng nảy sinh. Giây phút sau đó, vì thói quen phản ứng cố hữu, ta lại sinh ra ghét bỏ cảm giác khó chịu trong người vừa nảy sinh đó. Nguyên nhân bên ngoài gây ra sự nóng giận là phụ; sự phản ứng thực ra là phản ứng đối với các cảm giác trong người. Cảm giác khó chịu khiến ta phản ứng bằng ghét bỏ rồi từ đó sinh ra một cảm giác khó chịu khác, rồi lại khiến ta phản ứng. Bằng cách này tiến trình tăng trưởng bắt đầu. Nếu ta không phản ứng lại cảm giác mà trái lại mỉm cười và hiểu được bản chất vô thường của cảm giác, thì khi đó ta không tạo ra sankhara mới, và sankhara đã nảy sinh sẽ mất đi mà không tăng trưởng. Giây phút kế tiếp, một sankhara giống như thế sẽ nảy sinh từ sâu trong nội tâm; ta giữ được bình tâm, và nó sẽ biến mất. Giây phút kế tiếp, một cảm giác khác nảy sinh, ta vẫn giữ được bình tâm, và nó biến mất. Tiến trình diệt trừ bắt đầu.

Tiến trình mà ta quan sát trong chính ta cũng xảy ra trong khắp vũ trụ. Ví dụ, ai đó gieo hạt giống cây bồ đề. Từ hạt giống nhỏ xíu đó mọc thành một cây vĩ đại, khi còn sống, cho vô số trái từ năm này sang năm khác. Và ngay cả khi cây đã chết, tiến trình vẫn tiếp tục, bởi vì mỗi trái của cây đó đều mang những hạt giống có cùng đặc tính của hạt giống nguyên thủy sinh ra cây đó. Khi một hạt giống này rơi xuống đất màu mỡ, nó đâm chồi và mọc thành một cây khác và cây này lại sinh ra hàng ngàn quả trong có đầy hạt giống. Quả và nhân, nhân và quả; một tiến trình sinh sôi nảy nở vô cùng tận. Tương tự như vậy, vì vô minh, ta gieo hạt giống sankhara (hành), không sớm thì muộn cũng sinh ra quả, cũng được gọi là sankhara (nghiệp), và cũng chứa hạt giống cùng một loại. Nếu ta gieo hạt giống này vào đất màu mỡ nó sẽ sinh ra sankhara mới, và nỗi khổ của ta gia tăng. Tuy nhiên, nếu ta bỏ hạt giống này vào đất sỏi đá khô cằn, nó không thể nảy mầm, không có gì sinh ra từ hạt giống này. Tiến trình tăng trưởng ngừng lại, và tự động tiến trình ngược lại bắt đầu, đó là tiến trình diệt trừ.

Nên hiểu rõ tiến trình này xảy ra như thế nào. Ta được giải thích là sự luân lưu của sự sống, của tinh thần và vật chất cần được tiếp tế nguyên liệu để tiếp tục. Nguyên liệu cho cơ thể là thực phẩm chúng ta ăn cũng như bầu không khí nơi ta sống. Nếu một ngày ta không ăn, sự luân lưu của vật chất không ngừng ngay lập tức. Nó tiếp tục bằng cách tiêu thụ năng lượng dự trữ trong người. Chỉ khi nào tất cả năng lượng dự trữ đã tiêu thụ hết sự luân lưu mới ngừng, cơ thể chết đi.

Cơ thể chỉ cần đồ ăn hai hay ba lần một ngày, nhưng sự luân lưu tinh thần cần được tiếp tế liên tục. Nguyên liệu tiếp tế cho tinh thần là sankhara. Trong mỗi giây phút, sankhara do ta tạo ra giúp cho dòng tâm thức tiếp tục trôi chảy. Tâm sinh ra vào giây phút kế tiếp là sản phẩm của sankhara này. Mỗi giây phút ta tiếp tế bằng sankhara, dòng tâm thức tiếp tục. Nếu vào lúc nào đó ta ngừng không tạo ra sankhara mới, sự luân lưu không ngừng ngay lập tức; thay vào đó nó tiêu thụ những sankhara dự trữ cũ. Một sankhara cũ bị bắt buộc tạo ra quả, nghĩa là, nổi lên bề mặt của tâm để duy trì dòng luân lưu; và nó thể hiện bằng cảm giác trong thân. Nếu ta phản ứng lại cảm giác, ta lại tạo ra sankhara mới, gieo nhân mới của khổ đau. Nhưng nếu ta quan sát cảm giác với sự bình tâm, sankhara mất đi sức mạnh và bị diệt trừ. Giây phút kế tiếp, một sankhara cũ phải nổi lên để duy trì dòng tâm thức. Một lần nữa ta không phản ứng, và nó lại bị diệt trừ. Khi nào ta còn duy trì được ý thức và sự bình tâm, hết lớp sankhara này đến lớp sankhara khác sẽ nổi lên trên bề mặt của tâm và bị diệt trừ; đây là luật tự nhiên.

Chính ta phải chứng nghiệm được tiến trình này bằng sự tu tập. Khi ta nhận ra rằng khuôn mẫu thói quen cố hữu của mình, nỗi khổ cố hữu, đã bị diệt trừ, khi đó ta biết rằng tiến trình diệt trừ đã có hiệu quả.

Trong cách luyện kim đương thời có một phương pháp tương tự. Để thanh lọc một kim loại nào đó, để cho nó được tinh ròng, cần phải loại trừ ngay cả khi chỉ có một phân tử ngoại lai trong hàng tỷ phân tử. Việc này được thực hiện bằng cách đúc kim loại này thành một thanh dài và làm một vòng tròn bằng kim loại hoàn toàn tinh ròng này. Vòng tròn này được luồn qua thanh kim loại dài và tạo ra một từ trường tự động đẩy những tạp chất ra hai đầu. Cùng lúc đó, tất cả những phân tử trong thanh kim loại được sắp xếp lại; nó trở thành dẻo dai, dễ uốn nắn hơn. Bằng cách tương tự, phương pháp Vipassana có thể coi như luồn một vòng tròn bằng ý thức tinh khiết qua cơ thể, đẩy ra mọi bất tịnh, đem lại những lợi ích tương tự.

Ý thức và sự bình tâm sẽ đưa đến sự thanh lọc tâm. Những gì ta cảm nghiệm trên con đường tu tập, dù là dễ chịu hay khó chịu, đều không quan trọng. Điểm quan trọng là không phản ứng lại bằng sự ham muốn hay ghét bỏ, bởi vì cả hai không đem lại gì ngoài khổ đau. Thước đo duy nhất để đo sự tiến bộ của ta trên con đường tu tập là sự bình tâm mà ta đạt được. Và sự bình tâm phải ở tại lãnh vực cảm giác trên thân nếu ta muốn đi sâu vào nội tâm để diệt trừ hết mọi bất tịnh. Nếu ta biết cách ý thức được cảm giác và giữ được bình tâm đối với cảm giác, ta dễ dàng giữ được bình tâm đối với những tình huống bên ngoài.

Có lần Đức Phật được hỏi sự an vui thực sự là gì. Ngài trả lời rằng sự an vui cao đẹp nhất là giữ được tâm bình thản khi gặp những khó khăn, thăng trầm của cuộc đời. Ta có thể gặp những hoàn cảnh dễ chịu hay đau đớn, thành công hay thất bại, được hay thua, tiếng tốt hay tiếng xấu; ai cũng sẽ gặp những hoàn cảnh này. Nhưng liệu ta có thể mỉm cười trong mọi hoàn cảnh, một nụ cười thực sự phát xuất từ con tim? Nếu ta có sự bình tâm từ tận đáy lòng, ta sẽ có được hạnh phúc thật sự.

Nếu sự bình tâm chỉ ở bề ngoài, nó sẽ không giúp được gì trong cuộc sống hằng ngày. Có thể ví như trong mỗi người đều mang một thùng dầu lửa hoặc xăng. Nếu có một tia lửa, một hậu quả do phản ứng trong quá khứ, lập tức đưa tới một sự bùng nổ, tạo thêm hằng triệu tia lửa mới, những sankhara mới mà sẽ tạo thêm những ngọn lửa mới, tạo thêm đau khổ trong tương lai. Bằng cách tu tập Vipassana, ta từ từ làm cạn hết thùng dầu. Những tia lửa sẽ vẫn tiếp tục xảy ra do sankhara cũ của mình, nhưng khi chúng đến, chúng chỉ tiêu thụ những nhiên liệu chúng mang theo; không có nhiên liệu mới được thêm vào. Chúng cháy rất nhanh cho tới khi đã tiêu thụ hết nhiên liệu chúng có, rồi chúng sẽ tàn rụi. Sau này, khi ta tiến xa hơn trên con đường tu tập, ta tự nhiên tạo ra nước mát của tình thương và lòng từ bi, và thùng chứa sẽ chứa đầy loại nước này. Bây giờ, ngay khi một tia lửa tới, nó liền bị dập tắt. Nó không thể đốt cháy ngay cả một ít nhiên liệu nó mang theo.

Ta có thể hiểu điều này ở mức độ tri thức, và biết rằng ta phải có một bơm nước sẵn sàng để dùng khi có lửa tới. Nhưng khi lửa thực sự tới, ta lại mở bơm xăng làm cho lửa cháy to thêm. Sau đó, ta nhận ra lỗi lầm, nhưng lần tới vẫn vấp phải lỗi lầm khi có lửa tới, bởi vì sự hiểu biết của ta rất nông cạn. Nếu ta có trí tuệ thực sự trong nội tâm, khi gặp phải lửa, một người như thế sẽ không đổ dầu vào lửa, hiểu rằng làm như vậy chỉ thêm tai hại. Trái lại, ta đổ nước mát của tình thương và lòng từ bi, giúp người và giúp mình.

Trí tuệ phải ở tầng lớp cảm giác. Nếu ta tập cho mình có ý thức được những cảm giác trong mọi hoàn cảnh và giữ được bình tâm đối với chúng, không gì có thể chế ngự được ta. Quý vị có thể quan sát mà không phản ứng trong chốc lát. Sau đó, với tâm quân bình này, quý vị quyết định cách hành động. Chắc chắn đây là hành động chín chắn, tích cực, giúp ích cho người bởi vì nó được thực hiện với một tâm quân bình.

Nhiều khi trong đời cần phải có hành động mạnh. Ta cố cắt nghĩa cho một người nào một cách lịch sự, từ tốn, với nụ cười, nhưng người đó chỉ hiểu được lời nói nặng, hành động mạnh. Do đó, ta phải có lời nói và hành động mạnh. Nhưng trước khi làm như thế, ta phải xét xem tâm ta có được bình tĩnh hay không, và ta có tình thương và lòng từ bi cho người đó hay không. Nếu được như vậy, hành động sẽ rất hữu ích; nếu không, nó sẽ chẳng giúp được ai cả. Ta có hành động mạnh để giúp đỡ người đang sai quấy. Với căn bản của tình thương và lòng từ bi này ta không thể nào đi sai đường.

Trong trường hợp một cuộc gây gổ, một thiền giả Vipssana sẽ tìm cách tách rời người gây hấn và nạn nhân, có từ tâm không những cho nạn nhân mà cho cả người gây hấn. Ta nhận ra rằng người gây hấn không biết rằng họ đang tự hại mình. Hiểu được điều này, ta cố giúp bằng cách không cho người đó có những hành động gây ra khổ đau cho họ trong tương lai.

Tuy nhiên, ta phải cẩn thận không bào chữa cho hành động của mình chỉ sau khi sự việc đã xảy ra. Ta phải kiểm điểm tâm mình trước khi hành động. Nếu tâm chứa đầy phiền não, ta không thể giúp được ai. Trước tiên, ta phải sửa lỗi của mình trước khi sửa lỗi cho người khác. Trước tiên, quý vị phải thanh lọc tâm bằng cách quan sát chính mình. Sau đó quý vị mới có thể giúp được nhiều người.

Đức Phật nói trên thế gian này có bốn hạng người: hạng người đi từ chỗ tối đến chỗ tối, hạng người đi từ chỗ sáng đến chỗ tối, hạng người đi từ chỗ tối đến chỗ sáng, và hạng người đi từ chỗ sáng đến chỗ sáng.

Một người trong nhóm thứ nhất, tất cả xung quanh đều là bất hạnh, đen tối, nhưng điều bất hạnh lớn nhất là người đó cũng không có trí tuệ. Mỗi lần bị khổ, người đó trở nên tức giận hơn, thù hận hơn, ghét bỏ hơn, và đổ lỗi cho người khác về nỗi khổ của mình. Tất cả những sankhara của giận giữ, oán hận sẽ chỉ mang lại cho người đó thêm đen tối, thêm khổ đau trong tương lai.

Một người trong nhóm thứ hai có mọi thứ trên thế gian gọi là tươi sáng: tiền tài, địa vị, quyền lực, nhưng người đó cũng không có trí tuệ. Vì vô minh, người đó trở nên ngạo mạn, không biết rằng sự kiêu căng sẽ chỉ mang lại đen tối cho mình trong tương lai.

Một người trong nhóm thứ ba ở trong hoàn cảnh tương tự như người trong nhóm thứ nhất, bị bóng tối bao phủ; nhưng người đó có trí tuệ, và hiểu rõ hoàn cảnh của mình. Nhận thức được rằng, sau cùng, mình là người có trách nhiệm về nỗi khổ của mình, người đó bình tĩnh, từ tốn làm hết sức để thay đổi tình thế, nhưng không một chút tức giận hoặc oán ghét người khác; trái lại người đó chỉ có tình thương và từ tâm đối với những người làm hại mình. Người đó tạo ra toàn sự tươi sáng cho mình trong tương lai.

Cuối cùng, người trong nhóm thứ tư, cũng giống như người trong nhóm thứ hai, hưởng được tiền của, địa vị và quyền lực, nhưng không như người trong nhóm thứ hai, người đó có trí tuệ. Người đó tận dụng những gì mình có để mình và người thân sinh sống, nhưng những gì còn lại người đó dùng vào việc làm lợi ích cho người khác, với tình thương và từ tâm. Sự tươi sáng ở ngay trong hiện tại và cả trong tương lai.

Trong hiện tại ta không thể chọn lựa hoàn cảnh đen tối hay tươi sáng; điều này do sankhara trong quá khứ của mình quyết định. Quá khứ không thể thay đổi, nhưng ta có thể làm chủ được hiện tại bằng cách làm chủ lấy mình. Tương lai chỉ là quá khứ cộng thêm những gì trong hiện tại. Vipassana dạy ta cách làm chủ bản thân bằng cách phát triển được ý thức và sự bình tâm đối với các cảm giác. Nếu ta phát triển được việc làm chủ này trong hiện tại thì tương lai đương nhiên sẽ tươi sáng.

Hãy tận dụng hai ngày còn lại để học cách làm chủ được giây phút hiện tại, làm chủ lấy chính mình. Hãy tiếp tục lớn mạnh trong Dhamma, thoát khỏi mọi khổ đau, và hưởng được hạnh phúc thực sự ngay tại đây và ngay bây giờ .

Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...