Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

CAU CHUYEN NGU NGON VA DAO PHAT



Buổi sáng hôm nay bầu trời Cali quang đãng và xanh ngắt. Hồ nước trước nhà trong veo và cá lội tung tăng… nhả bọt. Thiện đang mơ hồn trong cảnh đẹp thì nghe Từ, vợ chàng gọi rối rít:
“Anh ơi đi nhanh chở con đi học, trễ giờ của con rồi.”
Thiện thủng thỉnh bước vào nhà sửa soạn thay quần áo. Chàng chưa muốn rời khỏi nhà vì tâm hồn còn đang thả mộng ở bên hồ cá và bầu trời đẹp xanh lơ thơ mộng.
Từ lại kêu:
“Kìa anh, em và con đang chờ trong xe. Sau đó mình đi lên chùa Dược Sư cầu nguyện nhé và ghé qua tiệm Goodwill để coi giùm em cái máy khâu. Hôm qua em ghé Goodwill thấy có cái máy coi bộ còn tốt, em cần mua để khâu vá chút đỉnh cho con.”
Thiện thay quần áo và quay trở ra xe, nhìn vợ và con sẵn sàng. Chàng nói:
“Được em, mình lên chùa cầu nguyện đi, năm cùng tháng tận rồi. Cầu nguyện và cúng dường để gia đình mình có được chút phước đức cho các con, sắp sang năm mới rồi đó em.”
Từ, vợ chàng mỉm cười, nụ cười thật xinh xắn. Từ thủa xa xưa, chàng đã thương nụ cười xinh ấy của Từ, vừa đẹp và vừa có nét từ bi. Chàng quay sang bên và hôn Từ. Vợ chàng sung sướng hôn lại và lại nở nụ cười rạng rỡ.
Hai người đã quen nhau trong khung cảnh của chùa và trong sự hộ trì che chở của ánh đạo vàng. Rồi cùng nhau chia sẻ đời sống gia đình, tuy khó khăn và bon chen của đất Mỹ, nhưng lúc nào cũng cùng nhau quay về đạo pháp. Hai đứa con trai vẫn thường cùng cha mẹ tụng chú Đại bi vào buổi tối trong bầu không khí thật là đầm ấm của gia đình.
Cuộc đời dĩ nhiên chẳng khi nào vẹn toàn. Bản chất bất toàn và bất hạnh lúc nào cũng chực chen vào trong mọi giây phút của đời sống. Và dường như trong cõi thế gian vốn bất toàn và bất hạnh đó, mỗi người đều phải im lặng chịu đựng nỗi bất toàn, bất hạnh… mà chẳng thể nào nói ra. Tâm thức chao đảo trước nỗi khổ đau của cuộc đời. Dù lớn hay nhỏ, những nỗi khổ đau vẫn gậm nhấm tâm hồn và nếu không biết cách đối phó, tâm thức sẽ băng hoại từ từ và dẫn dắt đến một sự nổi loạn ở bên trong với niềm cô đơn bao la và đáng sợ.
Đôi khi, chỉ cần nhìn một lá thu rơi rụng… hay một đóa hoa tàn úa, Thiện cảm thấy nỗi sầu muộn đang từ từ dâng tràn trên tâm thức. Dĩ nhiên là chàng có đôi lần tâm sự với Từ, nhưng vợ chàng có một tâm thức khác. Từ có một tâm hồn thánh thiện tự bản chất của nàng, có một tâm thức giản dị và dễ hiểu hơn Thiện, nhìn sự việc qua các hiện tướng và hiểu sự vật qua các hiện tướng đó.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì hai vợ chồng sống hạnh phúc và bình lặng, cùng nhau nuôi con và thực hành Phật pháp và cùng nhau mang lại niềm an vui, hạnh phúc cho gia đình. Tình yêu giữa hai người thật là trầm lặng nhưng cũng rất là sâu đậm, vượt lên ngoài tất cả những lý luận phiến diện của tâm thức.
Sau khi bỏ con tại trường học và lái thêm một chút thì đã đến cổng chùa Dược sư, hôm nay chùa hơi vắng. Khi đến nơi thì hai vợ chồng mới biết là có một vị cao tăng đến từ Ấn Độ ghé qua chùa từ hơn tuần nay để hoằng pháp và quyên góp tịnh tài để trùng tu một chánh điện của tu viện nơi ngài trụ trì.
Thiện nói với Từ, vào đi em kẻo trễ, nhân dịp này mình cúng dường cho cuối năm luôn đi em. Từ mỉm cười gật đầu. Thiện lại nhìn nụ cười và thầm nói trong đầu:
“Em ơi, anh thương đôi môi xinh đẹp này của em quá.” Nhưng vợ chàng không biết gì cả và nắm tay chàng đi vào chánh điện tìm chỗ ngồi.
Thiện nhìn lên chánh điện, vị tăng sĩ đã ngồi trên tòa và đang chú nguyện cho vài vị Phật tử lên xin chú nguyện cho tượng Phật thỉnh tại chùa để mang về nhà thờ phụng. Khuôn mặt của Sư thật là từ bi, nhưng thật là nghiêm trang, mang dáng dấp của một vị đại sư, tái sinh trong một hóa thân với những đại nguyện cứu độ mọi chúng sinh hữu tình. Thiện liên tưởng đến những bài kệ tụng, nói đến cõi tịnh độ, “trang nghiêm cõi Phật”.
Trang nghiêm tự tâm mình chính là trang nghiêm cõi Phật… Tự tâm tịnh độ…
Sau buổi cầu nguyện ngắn, vị tăng sĩ khởi sự thuyết pháp. Thiện thật là ngạc nhiên bởi vì Sư nói tiếng Anh rất là thuần thục và lưu loát. Quả thật hôm nay mình may mắn được diện kiến và nghe pháp thẳng bằng tiếng Anh từ một vị đại đạo sư. Thiện để hết tâm thức trong lời giảng…
Vị tăng sĩ thuyết pháp về Duy thức, một môn học khá khó hiểu trong Phật pháp, vì thính chúng có lời thỉnh cầu. Chắc vì thế mà hôm nay hơi vắng. Đề tài khá khó đối với những Phật tử bình thường. Nhưng Thiện vô cùng hứng khởi bởi vì đây là một đề tài chàng đã bỏ công học hỏi từ nhiều năm nay. Chàng uống cạn từng lời thuyết giảng và lâu lâu quay lại nhìn vợ, Từ cũng chăm chú theo dõi buổi thuyết pháp.
Sau buổi thuyết giảng thì vị Sư người Việt trụ trì chùa Dược Sư lên cảm tạ vị tăng sĩ đến từ Ấn Độ và giới thiệu về vị đó cũng như chương trình trùng tu chánh điện tại Ấn Độ. Lúc đó Thiện mới được biết là vị tăng sĩ này có bằng Anh ngữ từ bên Anh quốc và thường đi du hành theo Đức Đạt Lai Lạt Ma để thông dịch. Thảo nào mà bài thuyết giảng của Sư cực kỳ rõ ràng và thấm sâu trong lòng người đi nghe pháp. Tuy vậy mà chùa Dược Sư cũng vẫn cho người dịch sang tiếng Việt cho một số Phật tử không quen các từ Anh ngữ khó hiểu của đạo.
Sư dạy là mình phải chính niệm theo dõi cái ngã trong đời sống thường ngày, sự chấp ngã điều khiển mình chạy theo tam độc tham sân si, do cái thức thứ bảy là Mạt-na thức… Vì Mạt-na thức, nó núp sau thức thứ tám là Tạng thức, điều khiển mọi hành động thường ngày của mình, thúc đẩy mình tạo biết bao nhiêu nghiệp tích lũy trong Tạng thức để rồi khi chết đi, tái sinh trong thân người mới, chẳng mang theo được gì, của cải tiền bạc, danh tiếng đều bỏ lại… mà chỉ mang nghiệp tích lũy trong Tạng thức của mình đi theo qua thân người trong kiếp mới mà thôi.
Điều này là điều mà Thiện cố gắng thực tập hằng ngày, luôn luôn cố gắng theo dõi xem tâm thức của mình có bị chấp ngã tức là bị Mạt-na thức sai sử không. Bởi vì có một thời gian, chàng đã theo học về thiền Minh sát rất lâu…
Sau khi cúng dường và được vị Sư hộ trì, ban phép lành xong, Thiện và Từ rời chùa ngay chứ không ở lại thọ trai, bởi vì phải đi xem cái máy may và đi đón con tại trường học cho kịp giờ.
Khi đến Goodwill, Thiện đi vào xem máy may ngay, xuất thân là một kỹ sư, chàng có khả năng sửa các máy móc bị hư. Nhưng khi nhìn cái máy cũ kỹ, mà lại còn thiếu khá nhiều bộ phận, chàng lắc đầu nói với Từ là không thể mua dùng vì các bộ phận thiếu có thể sẽ không còn mua được nữa và dù có bán thì giá bán cũng sẽ rất đắt. Từ vui vẻ nói là vậy để thủng thẳng mình đi kiếm cái khác sau.
Vì quyết định không mua máy may nhanh chóng, không cần phải thử máy, cho nên hai vợ chồng còn thì giờ và đi loanh quanh xem. Trời Cali đang mùa thu và sắp vào mùa đông. Khí trời có những hôm trở nên lạnh buốt. Hai người theo bản năng vô tình đi vào khu bán quần áo. Từ đi xem quần áo cho mùa lạnh và gọi chàng khi thấy hai chiếc áo khoác thật là đẹp và cũng là hàng hiệu mà Goodwill bỏ ra bán rẻ.
Chàng thử hai chiếc áo. Thật là vừa vặn, và đẹp nữa. Mùa đông có áo ấm như thế này mặc bên trong chiếc áo lạnh khoác ngoài thì thật là ấm áp.
Từ nhìn chồng và hài lòng, nàng nói:
“Bán rẻ quá anh.
Thiện cũng thấy thế, chàng cầm hai chiếc áo đi theo Từ loanh quanh để Từ xem áo cho nàng và cho con. Trong lúc đi theo vợ, Thiện im lặng quán sát tâm mình. Hình như chàng vừa mới khởi lên một tâm niệm thích thú hai chiếc áo. Ừ nhỉ đẹp, ấm và thích đấy. Phải giữ lại không người khác mua mất, giá lại quá rẻ so với giá trị thật của chiếc áo gần như còn mới toanh. Thích đấy!
Nhìn ngắm dòng người tranh nhau đi mua đồ rẻ, rồi nhìn vợ chàng cũng thích thú đi xem và lùng các món đồ rẻ, chàng tự nhiên cảm thấy hơi mệt. Không phải cơn mệt của thân thể vật lý. Cơn mệt này đến từ một sự nhàm chán cuộc sống bon chen. Có cái gì mà mình thiếu đâu nhỉ? Ở nhà Thiện còn một đống quần áo chưa bao giờ mặc hết. Cả vợ con chàng cũng vậy. Căn nhà từ nhiều năm nay đã khá đầy ắp đồ đạc chẳng bao giờ dùng đến. Rồi sau vài năm hay hơn, vợ chàng lại đi tom góp các đồ chưa kịp dùng, nhưng đã lỗi thời ấy mang cho các cơ quan từ thiện, như là Goodwill mà chàng và vợ chàng đang ham thích đi lùng mua hôm nay.
Chàng nhớ lại những hành trì chính niệm. Hồi còn theo học Minh sát, chàng nhớ đến vị thầy nhắc nhở các đệ tử qua câu kệ tụng:
“Bất phạ niệm khởi
Chỉ phạ giác trì…”
Đừng sợ niệm khởi, chỉ sợ biết chậm. Chàng đã biết niệm khởi trong tâm chưa. Hình như cơn ham mê thích thú làm chàng quên đi và chưa để ý đến niệm tham ái đang làm chàng vui thích hai món đồ. Ít nhất, sau cùng, mình cũng thấy bộ mặt của ngã, của Mạt na đang thò lò đằng sau tâm thức và giựt sợi dây của con múa rối.
Thiện thầm nghĩ: “Đừng mong nhé, Mạt-na kia, tên ăn trộm tâm chính niệm của ta ơi. Hôm nay, thêm một lần nữa ta đã nhìn thấy mi. Ta xin chào mi, nhưng xin hãy rời khỏi nơi tâm ta, vì khi ngộ rồi thì ánh sáng sẽ chiếu soi, và màn đêm của vô minh tăm tối phải bị xua tan ngay tức khắc.”
Trở lại gian hàng treo áo lạnh của đàn ông, Thiện mắc hai áo trên giàn treo và thầm tiếp tục nói trong tâm: “Giã từ hai món đồ xinh đẹp. Tiền này mang cúng dường hay tặng các cơ quan từ thiện, lại còn giúp cho mình vượt thoát tâm dính mắc không ngừng nghỉ chạy theo ngoại vật. Ít nhất là thoát khỏi tâm tham ái thô, dù cho mình vẫn còn yêu vợ và con, nó cũng là một chặng đường tiến dần đến sự xả bỏ cái tâm tham ái thô này.
Tiếng Từ đằng sau lưng làm chàng giật mình quay lại:
Ơ sao anh lại bỏ áo lạnh đẹp vào giàn treo.
Thiện nhìn vợ và nói:
Thôi, nhà còn nhiều áo quần lắm em. Anh nghĩ dùng chưa hết, mình đâu cần thêm làm gì.
Không hiểu là khuôn mặt của Thiện khi trả lời Từ như vậy có diễn tả sự tiếc nuối nào không. Nhưng Từ nhìn chàng một lúc rồi nói:
Anh xài tiền kỹ lưỡng quá. Có lẽ anh giống ông Hùng.
Trong thời gian còn trẻ, lúc còn đi học trường đại học chung với các bạn bè của Thiện, Hùng nổi tiếng là một người hà tiện. Anh bạn này vốn xài tiền rất kỹ và không bao giờ chịu giúp ai tiền bạc. Vì sau này, Từ không thích anh bạn đó, cho nên Thiện cũng không còn liên lạc nhiều.
Thiện im lặng ẩn nhẫn. Cả hai ra xe, Thiện lái xe trên đường về đi đón con. Nhưng tâm tư Thiện cảm thấy có một không khí xa cách đang bay lảng vảng trong bầu không gian ở giữa hai vợ chồng.
.........
Bẵng đi một vài ngày… Câu chuyện hình như đã được hai vợ chồng bỏ vào quá khứ, lui vào dĩ vãng.
Sáng hôm ấy nhằm ngày thứ bảy, cuối tuần. Sáng hai vợ chồng ngủ dậy trễ. Các con cũng còn ngủ. Chín giờ sáng rồi, Thiện dậy đi tắm rửa, vệ sinh sáng xong thì ra làm ăn sáng cho vợ chồng và hai con. Đang làm xong thì Từ cũng dậy và làm vệ sinh rồi bước ra phòng bếp ngồi ăn sáng với chồng.
Thiện hỏi Từ: “Các con còn ngủ hả em?
Từ nũng nịu ngả đầu vào vai chồng: “Dạ, lâu nay mình mới có được một buổi ăn sáng riêng tư, cho hai vợ chồng thôi nhé.
Thiện mỉm cười hôn đôi môi vợ. Chàng nói: “Em có muốn nghe anh kể chuyện ngụ ngôn cổ tích không?
Từ gật đầu sung sướng:
Có chứ anh, em ưa thích giọng nói trầm ấm của anh thủ thỉ bên tai em kể chuyện cổ tích hay là nói về đạo cho em nghe. Ngày xưa lúc chưa có con, chưa bận rộn, anh hay kể cho em nghe. Em nhớ giọng nói của anh lắm, nghe như là mình đã nghe quen thuộc từ các kiếp xa xôi nào vậy.
Thiện lại cười nhẹ và hỏi: “Em có nhớ chuyện ngụ ngôn Cáo mượn oai hùm không?
Từ nhỏ nhẻ nói:
Dạ, em không nhớ. Nhưng dù em nhớ, em vẫn thích nghe anh kể mà.
Ngày xưa khi các loài vật còn biết nói chung một thứ tiếng thì có một hôm cáo ta đang đi dạo trong rừng và gặp hùm, là loài tự xưng chúa tể sơn lâm.
Hùm đang đói bụng định vồ lấy cáo ta. Chẳng ngờ, cáo đã không sợ mà lại còn đứng lên dõng dạc nói. Nhà ngươi định làm điều ngu xuẩn gì đây? Không biết ta là chúa tể sơn lâm sao?
Hùm đang định chụp cáo nghe vậy thì giật mình chột dạ. Tại sao nó lại không sợ mình. Hay là ta đã làm sai cái gì chăng. Bèn ngừng lại hỏi cáo. Ta mới là chúa sơn lâm, mọi loài đều phải khiếp phục. Cáo ta vẫn dõng dạc. Ngươi lầm rồi. Ta mới là chúa tể trong khu rừng này.
Hùm ngờ ngợ, nhưng thấy là chẳng cần vội vã vì muốn xem rằng mình có cái gì chưa biết rõ chăng. Bèn hỏi tiếp. Vậy chứ nhà ngươi có bằng cớ gì là chúa tể khu rừng này chăng.
Cáo cười ha hả và trả lời. ???c, ?? nh? ng??i m? to m?t ra m? t? nh?n. H?y ?i theo sau l?ng ta. Ta s? ?i d?o quanh r?ng, nh? ng??i ?i xa xa theo sau m? xem.
Được, để nhà ngươi mở to mắt ra mà tự nhìn. Hãy đi theo sau lưng ta. Ta sẽ đi dạo quanh rừng, nhà ngươi đi xa xa theo sau mà xem.
Hùm theo lời đi theo cáo. Cáo ta khệnh khạng oai vệ đi dạo trong rừng. Từng buớc cáo đi đến đâu thì các loài thú vật đều sợ hãi qùy mọp hoặc lẩn trốn ngay từ đàng xa.
Sau vài vòng chứng tỏ mình là chúa tể khu rừng, cáo ta chờ hùm đến và nói. Hôm nay ta không có đói bụng và mở lượng từ bi tha cho ngươi, hãy đi mau cho khuất mắt ta.
Hùm bèn sợ hãi cúp đuôi len lén bỏ đi, tự cho rằng may mắn vừa thoát một tai nạn, một tai kiếp ngày hôm nay. Trong khi đó, cáo đứng, vểnh râu, vuốt râu và cười sằng sặc.
Giọng kể trầm trầm và nhỏ nhẹ của Thiện làm Từ thích thú. Nàng sà vào lòng Thiện ngồi lim dim.
Thiện nói: “Thế em còn nhớ bài giảng Duy thức mấy hôm trước mình đi nghe thuyết pháp ở chùa Dược sư không?
Từ nhíu mày suy nghĩ. “Có chứ, mà sao anh lại hỏi chuyện hôm nghe pháp.
Thiện cười đáp: “Duy thức học và chuyện ngụ ngôn anh kể có liên hệ đến nhau và liên hệ đến thực hành Duy thức ngay trong đời sống thường ngày đấy em.
Từ càng cảm thấy mờ mịt không hiểu, bèn hỏi:
“Em chẳng thấy liên hệ gì ra sao cả.”
“Thế em nhớ là thầy giảng Duy thức ra sao, và Duy thức nói về cái gì không?”
“Thì em nhớ là thầy nói về mắt tai mũi lưỡi v.v…”
“Phải rồi, đó là những thức thô sơ gọi là tiền ngũ thức. Nhưng các thức vi tế thì sao.”
“Em không nhớ, danh từ Hán Việt khó hiểu quá.”
“Thức thứ sáu là ý thức. Em có nhớ thức thứ bảy và thứ tám không?”
“Em nhớ ra là Mạt-na thức và Tạng thức.”
“Phải rồi em. Vậy em có nhớ thầy giảng là Mạt-na thức bám rễ theo Tạng thức để điều khiển mình qua chấp ngã và tạo nghiệp qua tam độc tham sân si không?”
“Có, em nhớ.”
“Tuy vậy Mạt-na thức sẽ tan rã khi lìa đời và chỉ có Tạng thức chứa tất cả các nghiệp và chủng tử nghiệp đi đầu thai theo mình sang thân người của kiếp tái sinh mới thôi. Khi lìa đời mình phải buông bỏ lại thế gian tất cả của cải, tiếng tăm v.v…”
“Nhưng em vẫn chưa hiểu Duy thức liên hệ gì đến câu chuyện ngụ ngôn anh vừa kể.”
“Có chứ em, Mạt-na thức núp dưới Tạng thức, bám rễ Tạng thức điều khiển sai sử mình hành động theo tham ái, chạy theo tam độc mà tạo nghiệp. Mình phải nhận diện ra nó trong các hành động của đời sống thường ngày, chỉ điểm, lôi ra tên ăn trộm của mặt trời tỉnh thức chính niệm, nó ăn cắp sự chính niệm của mình làm cho mình không biết là mình đang tạo nghiệp, lao đao trong luân hồi sinh tử. Nó chính là con cáo mượn oai hùm. Mình đừng sợ nó, đừng theo nó và nhìn thẳng vào mặt nó, làm cho nó phải cúp đuôi mà bỏ đi”.
“Hay quá, em thấy ra rồi. Mà sao anh không kể cho em nghe sớm hơn.”
“Thực ra, anh nghĩ là em biết và hiểu tất cả. Nhưng có lẽ là em không để ý tâm của em để áp dụng bài dạy Duy thức một cách thực tế vào trong đời sống thường ngày mà thôi”.
“Sao anh biết em không áp dụng?”
“Em còn nhớ hôm đi Goodwill không?”
“Em nhớ, mới có vài ngày qua thôi mà.”
“Phải rồi em, hôm đó em còn nhớ là anh thích hai cái áo, rồi lại không mua mà trả lại trên giàn treo không?”
“Có anh, rồi sao nữa?”
“Thì hôm đó anh vạch mặt con cáo Mạt-na trong tâm anh, nên bỏ lại hai cái áo lạnh.”
“A, em nhớ rồi, vậy mà em nói anh hà tiện giống ông Hùng.”
“Hì hì, đúng rồi em.”
“Vậy anh có buồn không?”
“Lúc đầu anh hơi buồn vì anh bị hiểu lầm, nhưng sau đó vài ngày, anh nhìn em cười thì anh quên hết.”
“Nhớ nhé anh, sorry anh nhé.”
Thiện nhìn vợ và nói:
Love means never having to say you are sorry.
Từ mỉm cười vít đầu chồng xuống và hôn lên môi chàng.
Còn Thiện thì sung sướng mở đầu cuối tuần trong nụ hôn yêu thương nồng nàn đầu ngày.


CHÚ THÍCH


Goodwill là một tiệm bán đồ rất rẻ, phần lớn là đồ cũ, nhưng cũng có cả đồ mới trong vùng Cali.

“Sorry” nghĩa là xin lỗi. “Love means never having to say you are sorry” tạm dịch: Tình yêu là không bao giờ còn cần phải nói xin lỗi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...