Thứ Năm, 9 tháng 8, 2018

3. PHA VO DINH KIEN



Một số khái niệm thông thường của chúng ta là không phù hợp với thực tại. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng ta chỉ chết sớm nếu như mắc phải các bệnh ung thư, AIDS hoặc các bệnh hiểm nghèo khác, và nếu không bị những bệnh nan y như thế thì chúng ta sẽ được sống lâu.

Chúng ta liên kết cái chết với những bệnh tật này và kết quả là không tự mình cảm nhận được mối quan hệ giữa chính ta với cái chết. Điều trước tiên chúng ta phải làm là từ bỏ định kiến rằng ta chỉ chết sớm nếu như mắc phải những bệnh hiểm nghèo, và nếu không bị bệnh hiểm nghèo thì ta sẽ được sống lâu. Điều này hoàn toàn sai lầm. Có nhiều người khoẻ mạnh sẽ chết trong hôm nay. Thật ra, mỗi ngày có nhiều người khoẻ mạnh chết đi hơn so với số người bị bệnh tật. Mỗi ngày có hàng trăm ngàn người khoẻ mạnh, không hề mắc bệnh ung thư hay AIDS, đã chết vì những tai nạn xe hơi, vì chiến tranh và vì nhiều tình huống khác. Sự thật là những bệnh ung thư, AIDS không phải nguyên nhân duy nhất dẫn đến cái chết; có quá nhiều cách chết!

Quan niệm rằng mình sẽ không thể chết yểu vì không có bệnh hiểm nghèo là sai lầm. Và cũng sai lầm nếu bạn thật sự mắc phải bệnh ung thư hay AIDS và nghĩ rằng mình sẽ chết sớm chỉ vì mắc bệnh, nếu không thì sẽ được sống lâu. Định kiến này sẽ hành hạ bạn bằng cách làm cho bạn âu lo và sợ hãi. Bạn cần phải phá vỡ khái niệm sai lầm này bằng cách nhớ lại rằng ngay cả nếu không bị ung thư hay AID, nhiều nguyên nhân khác cũng có thể đưa bạn tới cái chết. Biết được như thế, bạn sẽ có được sự yên tĩnh thanh thản trong tâm. Và nhờ vậy mà việc mắc bệnh ung thư hay AIDS sẽ bớt phần đáng sợ, bớt làm cho bạn hoảng loạn. Một khi thấy rằng có nhiều điều kiện khác cũng có thể gây ra cái chết, bạn sẽ thấy rằng việc mắc bệnh ung thư hay AIDS cũng không có gì là khác thường. Điều đó sẽ không làm cho bạn quá lo âu.

Trong đời sống hằng ngày chúng ta cần nhận thức về sự vô thường và cái chết. Chết là môt hiện tượng tự nhiên. Có sinh ra thì sẽ có chết đi, cũng giống như cây cỏ mọc lên rồi lụi tàn. Việc cố gắng lờ đi sự thực này của cuộc sống chỉ làm phát sinh nhiều cảm xúc tiêu cực, bao gồm cả bệnh trầm cảm. Vì cái chết là một điều mà tất cả chúng ta đều phải trải qua nên chúng ta cần ý thức về cái chết và chuẩn bị cho nó.

Chúng ta phải trừ bỏ khái niệm về sự thường hằng của riêng mình, vốn đang đánh lừa chúng ta; và hãy mở rộng tâm để chấp nhận ý tưởng rằng dù có hay không có bệnh nan y thì cũng như nhau, vì cái chết có thể xảy ra cho bất kỳ ai trong chúng ta vào bất cứ lúc nào. Dù có khoẻ mạnh hay không thì chúng ta vẫn có thể chết vào bất kỳ lúc nào. Việc chấp nhận điều này sẽ ngay lập tức đem lại sự bình an, vì việc tự mình thoát khỏi khái niệm về sự thường hằng của riêng mình giúp ta được thoải mái, bớt căng thẳng. Sự thay đổi thái độ này là nền tảng của việc điều trị bệnh, vì nó làm giảm bớt lo lắng và sợ hãi. Tất nhiên là điều này cũng quan trọng đối với tất cả mọi người chứ không riêng gì những người đang mắc bệnh nan y.

Chúng ta phải chấp nhận rằng cái chết là một thực tế, rằng ta có thể chết bất kỳ lúc nào và có nhiều điều kiện khác ngoài bệnh tật có thể làm cho ta chết sớm. Nhất là khi đầu óc chúng ta tràn ngập sự lo âu sợ hãi hay vướng mắc trong những khao khát không được thỏa mãn, chúng ta cần nhớ rằng ta có thể chết bất kỳ lúc nào – có thể trong tháng này, tuần này, hoặc thậm chí là ngay hôm nay.

Vì tâm vị kỷ và sự tham đắm đối với cuộc đời này khiến chúng ta phát sinh nhiều ham muốn được sung sướng, giàu có, quyền lực, tiếng tăm và rồi chúng ta phải gánh chịu nỗi lo lắng, sợ hãi khi những ham muốn này không được thỏa mãn. Việc nhớ lại rằng chúng ta có thể chết ngay hôm nay, thậm chí chỉ trong giờ tới, sẽ giúp chúng ta loại bỏ ngay lập tức tất cả vọng tưởng mê lầm và ham muốn. Việc nhớ đến cái chết giúp chúng ta có khả năng thấy rõ rằng mọi vọng tưởng ham muốn đều không có ý nghĩa gì cả. Ngay khi chúng ta nhớ đến sự vô thường và cái chết, lập tức chúng ta tìm thấy sự bình yên, hạnh phúc và thanh thản, vì chúng ta đã loại bỏ được tất cả những ham muốn không cần thiết, vốn chỉ đem lại cho ta những bất ổn.

Chúng ta cần tỉnh táo nhận biết về bản chất thật sự của cuộc sống ta, thân thể ta, gia đình và bạn bè ta cũng như những vật sở hữu của ta. Tất cả đều chỉ là những hiện tượng duyên sinh, nghĩa là có bản chất giả tạm. Chúng ta cần tỉnh táo nhận biết về bản chất thật sự của chúng và không để bị đánh lừa bởi khái niệm thường hằng, nhìn thấy một cách sai lầm rằng chúng thường hằng và mong muốn chúng được thường hằng. Và rồi chúng ta bám víu vào những thứ giả tạm này và bực tức khi nghĩ đến cái chết, khi ta phải xa lìa chúng. Điều này chỉ có nghĩa là ta đang bực tức với bản chất tự nhiên của các hiện tượng, và sự từ chối chấp nhận bản chất của sự vật càng làm cho cái chết của ta trở nên khủng khiếp hơn.

Chết không phải là vấn đề, khái niệm của chúng ta về cái chết mới là vấn đề. Tự thân cái chết không đáng sợ; nhưng tâm ý của ta làm cho cái chết trở nên đáng sợ và khó chấp nhận. Tâm tham đắm của chúng ta bám chặt vào những hiện tượng bên ngoài của cuộc sống này – thân xác ta, gia đình bạn bè ta, những vật sở hữu của ta. Nhưng như vậy cũng giống như bám luyến vào những gì hiện ra trong giấc mơ, vì tâm tham đắm của ta dựa trên một khái niệm huyễn ảo. Chúng ta nhìn thấy những thứ đó như là có thật và tồn tại độc lập, có tự tánh tự hữu, cho dù tất cả chỉ là do tâm gán đặt tên gọi. Chúng ta không nhận thức được rằng chúng phụ thuộc vào những thành phần tạo ra chúng, phụ thuộc vào nhân và duyên (điều kiện), hay phụ thuộc vào tâm, vào khái niệm tên gọi và thực thể. Tất cả những thứ đó hiện ra trước mắt ta như thể chúng có tự tánh tự hữu, và chúng ta tin vào sự trình hiện giả dối này như là có thật.

Trên căn bản của khái niệm ảo tưởng này, chúng ta cường điệu những phẩm chất tốt đẹp của thân thể ta, gia đình, bạn bè ta và những gì ta sở hữu, và rồi bám chặt vào những phóng tưởng của mình. Thí dụ, chúng ta tham đắm một đối tượng xinh đẹp, như thể cái đẹp của đối tượng đó là tự có, khách quan, không liên quan gì đến tâm của chúng ta; và sự tham luyến này ngăn cản không cho ta chấp nhận thực tại của cuộc sống, chấp nhận sự vô thường và cái chết. Sự tham đắm cuộc đời này đã không cho phép chúng ta chấp nhận cái chết, thay vào đó nó khiến ta thấy cái chết thật đáng sợ và thậm chí là khó nghĩ đến.

Tuy nhiên, cái chết tự nó không thật có, cái chết tự nó không đáng sợ. Cái chết là sự sáng tạo của chính tâm thức ta. Vì thế, tâm ta cũng có thể làm cho cái chết trở nên thú vị; chúng ta có thể sử dụng tâm để chuyển hóa cái chết trở thành một kinh nghiệm hạnh phúc, phấn khởi. Vì chúng ta sẵn có khả năng chuyển hóa cái chết từ một sự việc đáng sợ thành một sự việc thú vị, nên ta có thể sử dụng cái chết của chính mình để phát triển tâm thức, để kinh nghiệm về cái chết trở nên lợi lạc cho chính ta và cho tất cả chúng sinh hữu tình.

Một pháp thiền định thiết yếu và thực tiễn sẽ giúp ta hiểu rõ việc những khái niệm của ta đã tạo ra các vấn đề bất ổn cho ta như thế nào, kể cả sự lo sợ về cái chết, và tôi sẽ trở lại thảo luận sâu hơn về điều này.

Tất cả chúng ta đều giống nhau về căn bản. Khi dạ dày trống rỗng, chúng ta đều thấy đói và muốn ăn. Nhưng vào lúc bạn không thấy đói, một người khác có thể đang đói; và vào lúc khác có thể bạn thấy đói trong khi một người khác không đói. Bệnh tật cũng giống như vậy. Bạn có thể đã kiểm tra sức khoẻ tổng quát gần đây và tin rằng bạn không bị mắc bệnh, nhưng thực ra đó chỉ là vấn đề thời gian. Điều đó chắc chắn không có nghĩa là trước đây bạn chưa từng mắc phải những căn bệnh mà những người khác đang mắc phải vào lúc này; và cũng không có nghĩa là trong tương lai bạn sẽ không bao giờ mắc phải những bệnh đó. Trong vô số kiếp quá khứ, bạn đã vô số lần trải qua tất cả những bệnh tật có thể có trên trái đất này cũng như mọi vấn đề bất ổn khác. Chẳng có bệnh tật hay bất ổn nào là mới mẻ cả. Có những lúc bạn vượt qua được bệnh tật và có những lúc khác thì không. Tuy nhiên, khi bạn bỏ lại thể xác này, bạn cũng bỏ lại bệnh tật. Tâm thức bạn tương tục, nhưng vì tâm không mang theo bệnh tật của thể xác nên bạn không tái sanh với căn bệnh đó.

Mặc dù theo quan điểm của phương Tây thì một số căn bệnh nào đó có thể được xem như mới phát sinh, nhưng theo quan điểm của Phật giáo nó không có gì mới cả. Theo giải thích của Phật giáo về tâm thức và về toàn bộ sự trải nghiệm trong luân hồi, mỗi chúng ta đã trải qua mọi kinh nghiệm trong vô số lần. Điều đó hoàn toàn tự nhiên, giống như mầm cây mọc ra từ hạt giống. Điểm cần phải hiểu là, nếu chúng ta không làm điều gì đó ngay từ bây giờ để hoàn thiện tâm thức mình, chúng ta sẽ tiếp tục trải qua những kinh nghiệm này vô số lần nữa.

Chúng ta nên cảm thấy hạnh phúc rằng mình đã có thể sống được đến lúc này và đặc biệt vui mừng vì có được cơ hội để phát triển tâm thức và chuyển hóa tất cả kinh nghiệm thành hạnh phúc. Cho dù chúng ta có mắc phải điều mà các bác sĩ gọi là bệnh tật, chúng ta vẫn còn có cơ hội vô cùng to lớn để làm nên sự tiến bộ tâm linh, phát triển trí tuệ, tâm bi mẫn cùng với những phẩm tính hiền thiện khác. Chúng ta có cơ hội sử dụng bệnh tật của mình để đi từ hạnh phúc này đến hạnh phúc khác, cho tới hạnh phúc tối thượng của sự giác ngộ viên mãn, tức là vĩnh viễn thoát khỏi mọi vấn đề bất ổn cùng với nguyên nhân của chúng.

Tâm chúng ta có thể đưa ta tới chỗ kết thúc sinh tử, kết thúc mọi khổ đau. Trong thời gian hiện nay, khi ta đang phát triển tâm thức hướng tới mục tiêu đó, chúng ta cần làm cho bệnh tật và tất cả các kinh nghiệm khác của ta đều trở thành có giá trị, không chỉ cho chính ta mà còn là cho tất cả chúng sinh hữu tình khác đang khổ đau. Chúng ta nên sử dụng bệnh tật của chính mình để giải thoát tất cả những chúng sinh khác khỏi khổ đau, đem lại cho họ hạnh phúc tạm thời và đặc biệt là hạnh phúc tối thượng.

Bởi vì chúng ta đang có một cơ hội quí báu lạ thường như thế để phát triển tâm thức và đem lại hạnh phúc cho những chúng sinh khác, nên điều hết sức quan trọng là đừng lãng phí những năm tháng, ngày giờ hoặc thậm chí là từng phút giây quý giá còn lại của đời ta. Chính thái độ của ta sẽ quyết định cuộc đời ta là có ý nghĩa hay vô nghĩa. Nếu thái độ của ta không lành mạnh, chúng ta lãng phí thời gian và sống một cuộc sống vô nghĩa. Nếu thái độ của chúng ta lành mạnh, nếu mong ước của ta là đem lại sự bình an và hạnh phúc cho các chúng sinh hữu tình khác, chúng ta sẽ làm cho cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...