Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018

Chuong 5: Tap luyen giu gioi



Để thoát khỏi khổ, chúng ta phải diệt trừ nguyên nhân gây ra khổ: thèm muốn, chán ghét, vô inh. Để đạt được điều này, Đức Phật đã khám phá, đã thực hành, và đã dạy một con đường thực tiễn để đạt được mục đích này. Ngài gọi con đường này là Bát Thánh Đạo.

Có lần, được thỉnh cầu giải thích giáo huấn này bằng ngôn từ giản dị dễ hiểu, Ngài nói:

                          

                           "Tránh mọi điều ác,

                          hãy làm điều lành,

                          thanh lọc tâm mình -

                                      đây là giáo huấn chư Phật"

Sự trình bày này rất rõ ràng, và mọi người đều đồng ý chúng ta nên tránh những hành động gây hại và thực hành những hành động có ích lợi. Nhưng làm sao định nghĩa được thế nào là lợi hại, thế nào là thiện hay bất thiện? Để làm công việc này, chúng ta dựa trên quan điểm, truyền thống, dẫn chứng, thành kiến, và rốt cuộc chúng ta đưa ra một định nghĩa hạn hẹp, tông phái, được một số người chấp nhận, nhưng không được những người khác chấp nhận. Thay vì đưa ra sự diễn giải hạn hẹp, Đức Phật đưa ra một định nghĩa phổ quát về thiện, bất thiện, và tốt lành và tội lỗi. Bất cứ hành động nào gây hại, làm xáo trộn sự bình an, và hòa hợp của người khác là một hành động xấu xa, tội lỗi. Và bất cứ hành động nào giúp người, góp phần trong sự tạo dựng sự bình an và hòa hợp là một hành động tốt và thiện lành. Hơn nữa, tâm chỉ thực sự thanh tịnh bằng trải nghiệm trực tiếp thực tế của bản thân, và tập luyện một cách có hệ thống để loại trừ những điều kiện gây ra khổ, chứ không phải bằng cách thực hành những nghi thức tôn giáo hay luyện tập tri thức.

           Bát Chánh Đạo có thể chia ra làm ba giai đoạn tập luyện gồm: giới (sila), định (samadhi), tuệ (panna). Giới là thực hành luân lý, tránh những hành động bất thiện bằng việc làm và lời nói.

Định là tập chú tâm, phát triển khả năng điều khiển và kiểm soát một cách có ý thức những tiến trình của tâm mình. Tuệ là trí tuệ, là sự phát triển tuệ giác thanh lọc bản chất mình.

 

Giá Trị Của Sự Giữ Giới

           Bất cứ người nào muốn thực hành Dhamma đều phải bắt đầu bằng sự giữ sila (giới). Đây là bước đầu tiên, nếu không giữ giới thì không thể nào tiến bộ được. Chúng ta phải tránh mọi hành động và lời nói làm thương tổn đến người khác. Đây là điều dễ hiểu: xã hội đòi hỏi hành vi như vậy để tránh xáo trộn. Thật ra, chúng ta tránh mọi hành động như vậy, không những vì chúng ta làm tổn thương đến người khác, mà còn vì chúng làm hại chính mình. Chúng ta không thể làm hành động bất thiện – chửi rủa, giết người, trộm cắp, hiếp dâm – nếu không tạo ra nhiều bồn chồn, thèm muốn, chán ghét, và như vậy chắc chắn trong tương lai sẽ chuốc lấy đau khổ.

Đức Phật nói:

                                  Bị thiêu đốt  bây  giờ,  bị thiêu đốt  về  sau

                                  Người  làm  điều  sái  quấy  sẽ  khổ   đau  gấp đôi

                                  Hạnh  phúc  bây  giờ,  hạnh  phúc  về  sau

                                  Người  đức  hạnh,  hưởng  phúc  gấp  đôi.

Chúng ta không phải đợi đến khi chết mới có kinh nghiệm về thiên đàng hay địa ngục; chúng ta có thể kinh nghiệm ngay trong đời này, và ngay trong bản thân. Khi chúng ta làm những điều xấu xa, chúng ta phải chịu lửa hỏa ngục của thèm muốn, chán ghét. Khi chúng ta làm điều tốt lành, chúng ta được hưởng thiên đàng của sự bình an nội tâm. Vì vậy tránh việc làm và lời nói bất thiện, không những chỉ có ích lợi cho người khác mà còn có lợi cho chính mình và tránh làm hại bản thân.

Còn một lý do nữa để giữ giới. Chúng ta muốn khảo sát chính mình để có được tuệ giác vào chiều sâu của thực tế của chúng ta. Muốn làm được như vậy đòi hỏi một tâm thanh tịnh. Chúng ta không thể nào nhìn rõ xuống đáy ao khi nước bị khuấy động. Muốn nội quán cần một tâm an tĩnh, không giao động. Khi chúng ta làm điều bất thiện, tâm ta bị giao động. Chỉ khi nào ta tránh được những hành động bất thiện bằng việc làm và lời nói, thì tâm mới có cơ hội có đủ bình an để nội quán có thể tiến hành được.

Còn một lý do nữa tại sao giữ giới lại tối quan trọng: Người thực hành Dhamma là luyện tập để đạt được mục đích tối thượng của sự giải thoát khỏi mọi đau khổ. Trong khi làm công việc này, người ấy không thể dính dấp vào những hành động làm gia tăng những thói quen mà người đó muốn loại bỏ. Bất cứ hành động nào làm hại người khác đều do thèm muốn, chán ghét, vô minh đi kèm theo gây ra. Làm những hành động đó là thụt lùi hai bước cho mỗi bước tiến trên con đường, làm trở ngại cho mọi tiến bộ đến mục tiêu.

Như vậy, giới không những cần thiết cho sự tốt lành của xã hội, mà còn cho sự tốt lành của mỗi người trong xã hội, và không những chỉ vì lợi ích trần tục, mà còn cho sự tiến bộ của người đó trên con đường Dhamma.

Ba phần của Bát Thánh Đạo nằm trong sự luyện tập sila: lời nói chân chính, hành động chân chính, nghề nghiệp chân chính.

 

Lời Nói Chân Chính

 

Lời nói phải trong sạch và thiện lành. Thanh tịnh đạt được nhờ xóa bỏ bất tịnh, và chúng ta phải hiểu thế nào là lời nói bất tịnh. Đó là: nói dối, nói thêm bớt ngoài sự thật; bịa chuyện làm chia rẽ bạn bè; nói xấu sau lưng, hay vu oan; ác khẩu làm người khác bực bội, không có lợi ích gì; nói chuyện tầm phào, vô nghĩa, mất thì giờ của mình và của người khác. Tránh được những lời nói bất tịnh trên là nói lời chân chính.

Đây không phải chỉ là khái niệm tiêu cực. Đức Phật giải thích, người thực hành lời nói chân chính,

 nói thật và luôn luôn trung thực, đáng tin cậy, thẳng thắn với người khác. Người đó hòa giải những tranh cãi, và khuyến khích đoàn kết. Người đó hân hoan trong sự hòa hợp, tìm kiếm, vui hưởng và tạo hòa hợp bằng lời nói. Lời nói của người đó nhẹ nhàng, dễ nghe, hiền từ, làm ấm lòng người, lễ độ, dễ chịu, và làm cho nhiều người vui. Người đó nói đúng lúc, đúng sự kiện, theo những gì có thể giúp ích, thuận theo Dhamma, và thuận theo luân lý. Lời người đó đáng ghi nhớ, đúng lúc, đúng lẽ, khéo chọn, và xây dựng.

 

Hành Động Chân Chính

Hành động cũng phải trong sạch. Cũng như lời nói, chúng ta phải hiểu những hành động nào là những hành động không trong sạch để chúng ta có thể tránh. Đó là: giết hại sinh vật; trộm cắp; dâm dục, thí dụ như hãm hiếp hay ngoại tình; và say sưa làm mất lý trí không còn biết mình làm gì hay nói gi. Tránh bốn hành động trên là hành động chân chính.

Đây cũng không phải là những khái niệm tiêu cực. Diễn tả một người có hành động chân chính, Đức Phật nói, "Buông bỏ gươm giáo và gậy gộc, người này cẩn thận không làm hại ai, đầy lòng nhân từ, tìm sự tốt đẹp của mọi chúng sinh. Không còn dấu giếm, người ấy sống như một người thanh tịnh."

 

Giới Luật

Đối với người bình thường sống ở đời, để thực hành lời nói chân chính và hành động chân chính là giữ Năm Giới:

  1. tránh giết hại bất cứ một sinh vật nào;
  2. tránh trộm cắp;
  3. tránh tà dâm;
  4. tránh nói dối;
  5. tránh say nghiện

Năm giới trên là căn bản tối thiểu cần cho luân lý. Người nào muốn thực hành Dhamma cũng cần phải giữ.

Tuy nhiên, có những lúc trong đời, có thể có cơ hội tạm thời buông bỏ việc đời ra một bên – có thể trong vài ngày, hay chỉ trong một ngày – để thanh lọc tâm, để luyện tập để giải thoát. Thời gian đó là lúc thực hành Dhamma nghiêm chỉnh, và vì vậy ta phải thận trọng trong hành động hơn là những lúc bình thường. Điều quan trọng là tránh những hành động có thể làm sao lãng hay ảnh hưởng đến công việc tự thanh lọc. Bởi vậy, lúc đó ta phải giữ tám giới. Những giới này gồm có năm giới căn bản với một thay đổi: thay vì tránh tà dâm, ta phải ngưng mọi hoạt động về tình dục. Ngoài ra còn phải tránh ăn không đúng giờ (nghĩa là không được ăn sau giờ trưa); tránh những trò giải trí bằng khoái cảm, tránh trang điểm; và tránh ngủ trên giường xa hoa. Sự đòi hỏi cử tình dục và thêm vài giới để trợ giúp cho sự an tĩnh và cảnh giác, cần thiết cho công việc nội quán, và giúp cho tâm khỏi bị quấy rối bởi những xáo động bên ngoài. Tám Giới chỉ cần giữ trong thời gian chuyên chú tập Dhamma mà thôi. Khi thời gian chấm dứt, quay lại giữ Năm Giới như là kim chỉ nam cho hành vi đạo đức.

Cuối cùng, có Mười Giới dành cho một người vô gia đình của người tu ẩn dật, cho một vị tăng hay một vị ni. Mười giới này gồm tám giới vừa nói ở trên với giới thứ bảy chia làm hai, và thêm một giới nữa: tránh không nhận tiền bạc. Những người tu ẩn dật sống nhờ hoàn toàn vào sự hiến tặng của người khác để họ có thể dành hết thì giờ vào việc thanh lọc tâm để có ích lợi cho chính họ và cho mọi người.

Giới luật, dù là năm, tám hay mười không phải là những công thức trống rỗng do truyền thống tạo ra. Chúng là những "bước bổ xung cho sự tập luyện", một phương tiện thực tiễn để giúp hành động và lời nói không làm hại người và hại mình.

 

Nghề Nghiệp Chân Chính

Mỗi người phải có nghề đúng đắn để nuôi bản thân. Có hai tiêu chuẩn cho nghề nghiệp chân chính. Thứ nhất, nghề đó không phạm vào Năm Giới, vì nếu như vậy sẽ làm hại người khác. Ngoài ra, ta cũng không được làm gì để khuyến khích người khác phạm vào Năm Giới, vì như vậy cũng gây hại. Nghể nghiệp của ta cũng không được gây tổn thương cho người khác dù trực tiếp hay gián tiếp. Vì vậy nghề nghiệp nào đòi hỏi sự giết chóc người hay súc vật hiển nhiên không phải nghề nghiệp chân chính. Ngay cả việc giết hại do người khác làm, và ta chỉ buôn bán các phần của con vật đã bị giết như da, thịt, xương, vân vân, thì đó cũng không phải là nghề ghiệp chân chính, vì còn lệ thuộc vào hành động sái quấy của người khác. Bán rượu hay ma túy có thể được nhiều lời, và mặc dầu ta không dùng, nhưng hành động bán đó là khuyến khích người khác dùng độc dược, như vậy có hại cho họ. Mở một sòng bạc có thể rất có lời, nhưng những người đến đánh bạc đều tự làm hại họ. Bán chất độc hay khí giới – súng ống, bom đạn, hỏa tiễn – là việc buôn bán phát đạt, nhưng làm hại sự bình an và hòa hợp của bao nhiêu người. Tất cả những nghề nêu trên đều không phài nghề nghiệp chân chính.

Ngay cả những công việc có thể không thật sự làm hại người khác, nhưng nếu làm với ý định hại người, thì cũng không phải là nghề nghiệp chân chính. Bác sĩ hy vọng có bệnh dịch, người buôn hy vọng có nạn đói đều không phải thực hành nghề nghiệp chân chính.

Mỗi người là một thành viên của xã hội. Chúng ta mỗi người phục vụ xã hội bằng công việc chúng ta làm, phục vụ người khác bằng những cách khác nhau. Để đổi lại, chúng ta nhận thù lao để sinh sống. Ngay cả đến nhà sư, hay những người tu ẩn dật cũng phải làm việc đúng đắn để được hiến tặng: việc thanh lọc tâm để ích lợi cho mình và cho người khác. Nếu họ khai thác bằng cách lừa đảo, thực hiện những trò quỷ thuật, hay dối trá xưng mình đã thành đạo, là không thực hành nghề nghiệp chân chính.

Những thù lao ta nhận được do công việc ta làm là để nuôi sống bản thân và gia đình. Nếu còn dư thừa, ít nhất lấy một phần trong đó trả lại xã hội bằng cách giúp đỡ người khác. Nếu chúng ta  làm với ý định phục vụ xã hội và để nuôi sống bản thân và giúp đỡ người khác, thì công việc chúng ta làm là nghề nghiệp chân chính.

 

Thực Hành Sila Trong Khóa Thiền Vipassana

Lời nói chân chính, hành động chân chính, nghề nghiệp chân chính phải được thực hành vì chúng có ý nghĩa đối với chúng ta và những người khác. Khóa thiền Vipassana cho chúng ta có cơ hội áp dụng mọi khía cạnh của sila. Đây là thời gian dành riêng cho sự thực hành Dhamma một cách chuyên chú, và vì vậy, mọi người tham dự phải giữ Tám Giới. Tuy nhiên có ngoại lệ cho những người mới tham dự lần đầu, hay cho những người có bệnh: họ được phép ăn một bữa ăn nhẹ vào buổi chiều. Vì lý do này, những người đó chỉ giữ có Năm Giới, mặc dầu họ cũng thực sự giữ giới thứ bảy và thứ tám.

Ngoài những giới, người tham dự còn phải nguyện giữ im lặng cho đến ngày cuối cùng của khóa học. Họ có thể nói với các thiền sư phụ tá hay những người điều hành khóa học, nhưng không được nói với các thiền sinh khác. Do vậy những sự phân tâm được giảm đến mức tối thiểu. Mọi người có thể sống và hành thiền gần sát nhau mà vẫn không làm phiền lẫn nhau. Trong bầu không khí yên tĩnh và bình an này, mỗi người có thể thực hiện nội quán được.

Để đổi lại cho việc thực hiện nội quán, các thiền sinh được ăn, ở miễn phí. Mọi chi phí đều do người khác hiến tặng. Vì vậy trong khóa học, các thiền sinh sống như những người tu ẩn dật, sống nhờ vào sự hiến tặng của người khác. Bằng cách hành thiền hết sức mình để được ích lợi cho bản thân và cho người khác, thiền sinh đã thực hành nghề nghiệp chân chính trong khi tham dự khóa học Vipassana.

Giữ giới là một phần trên con đường Dhamma. Không giữ giới thì không có tiến bộ, vì tâm quá giao động, không thể quan sát được thực tế bên trong. Có người nói rằng sự phát triển tâm linh vẫn có thể thực hiện được mà không cần phải giữ giới. Nhưng người đó dù có thể làm gì đi nữa, cũng không phải là những người tuân theo lời dạy của Đức Phật. Không giữ giới cũng vẫn có thể thể nghiệm được vài trạng thái cực lạc, nhưng coi đó là thành quả tâm linh là một sự sai lầm. Lẽ dĩ nhiên, nếu không giữ sila, thì ta không bao giờ giải thoát tâm khỏi khổ đau và thể nghiệm được sự thật tối hậu.

                                           

 

       Vấn Đáp

Câu Hỏi: Có phải thực hành hành động chân chính là một loại ràng buộc không?

Thiền sư S. N. Goenka:  Không. Chỉ cần làm hết sức mình, và hiểu rằng kết quả ngoài sự kiểm soát của mình. Bạn hãy làm việc của mình, còn kết quả thì phó mặc cho tự nhiên, cho Dhamma: "Trời sẽ lo liệu."

            Như vậy có phải là muốn phạm lỗi hay không?

Nếu bạn vấp phải lỗi lầm, hãy chấp nhận và cố không tái phạm. Bạn có thể thất bại, bạn mỉm cười và cố gắng tìm cách khác. Nếu bạn có thể mỉm cười được trước sự thất bại, bạn không bị dính mắc. Nhưng nếu thất bại làm bạn chán nản, và thành công làm bạn mừng quýnh, thật sự bạn đã bị ràng buộc.

            Như vậy, hành động chân chính chỉ cho sự cố gắng của mình chứ không phải cho kết quả?

Không phải kết quả. Kết quả tự nhiên là tốt nếu hành động tốt. Dhamma lo liệu việc đó. Chúng ta không có quyền lựa chọn kết quả, nhưng chúng ta có thể chọn lựa hành động của chúng ta. Hãy cứ làm hết sức mình.

            Vô ý làm hại người khác có phải là một hành động sái quấy không?

Không. Phải có ý định làm hại một người nào đó, và phải thành công trong sự gây ra tai hại, thì hành động sái quấy mới được thực hiện. Sila không nên đưa đến cực đoan, vừa không thực tế vừa không ích lợi. Mặt khác, bất cẩn trong hành động khiến bạn tiếp tục làm hại người khác, và rồi tự bào chữa rằng mình không có ý đồ làm hại. Dhamma dạy chúng ta phải có ý thức.

Xin thiền sư cho biết sự khác biệt giữa hoạt động tình dục phải và trái. Đó có phải là một vấn đề về chủ ý không?

Không. Tình dục có một chỗ đứng thích hợp trong đời sống gia đình. Chúng ta không nên cố dồn nén nó, vì bắt buộc cuộc sống cử tình dục chỉ gây nên căng thẳng, tạo thêm nhiều vấn đề, nhiều khó khăn. Tuy nhiên nếu bạn buông thả theo sự đòi hỏi của tình dục, và làm tình với bất cứ người nào khi thể xác đòi hỏi, thì chẳng bao giờ bạn có thể thoát khỏi đam mê. Hãy tránh hai cực đoan này, Dhamma đưa ra con đường trung dung, một sự thực hành lành mạnh về tình dục mà vẫn cho phép sự phát triển về tâm linh. Đó là sự liên hệ tình dục giữa một người nam và người nữ đã kết hợp với nhau. Và nếu người phối ngẫu của bạn cũng là một thiền sinh Vipassana thì khi sự đam mê nổi dậy, cả hai hãy quan sát nó. Đây không phải là một sự buông thả hay dồn nén. Bằng cách quan sát bạn có thể thoát khỏi đam mê một cách dễ dàng. Đôi khi bạn hãy còn liên hệ tình dục, nhưng dần dần cả hai tiến triển đến giai đoạn trong đó làm tình trở thành vô nghĩa. Đó là giai đoạn thực sự không tình dục tự nhiên, ngay cả một ý tưởng đam mê cũng không có. Sự cử tình dục này tạo một niềm vui vượt xa những thỏa mãn tình dục. Ta luôn luôn cảm thấy hài lòng và hòa hợp. Chúng ta phải học cách để trải nghiệm chân hạnh phúc này.

Ở  phương Tây, hai người trưởng thành thỏa thuận có tình dục với nhau là một điều được chấp thuận.

Quan điểm này cách xa Dhamma (Pháp) nhiều lắm. Một người nào đó có liên hệ tình dục với một người, rồi một người khác, và một người khác nữa thì sự thèm muốn gia tăng gấp bội, và đồng thời làm tăng sự đau khổ. Bạn chỉ làm tình với một người hoặc cử tình dục.

Còn đối với sự dùng ma túy để trải nghiệm về một vài loại cảm giác, về những thực tế khác thì sao?

Có vài thiền sinh nói với tôi rằng khi dùng loại thuốc tâm thần, họ đã có những kinh nghiệm tương tự như trong khi hành thiền. Dù chuyện này có thật hay không, thì khi phải dùng thuốc để có một kinh nghiệm là một hình thức lệ thuộc vào một yếu tố bên ngoài. Dhamma dạy bạn làm chủ lấy mình để có thể thực nghiệm thực tại theo ý muốn vào bất cứ lúc nào. Còn một điều khác biệt quan trọng nữa là sự dùng ma túy làm nhiều người mất quân bình tâm trí, làm hại cho chính họ, còn khi trải nghiệm sự thật bằng cách thực hành Dhamma thì thiền sinh trở nên quân bình hơn, không hại chính họ hay người nào khác.

Giới thứ năm là tránh chất gây say nghiện hay tránh bị say nghiện? Nói cho cùng, nếu uống vừa phải, không say, thì có vẻ gì là hại đâu? Chỉ uống một ly ruợu có coi là phạm giới không?

Dù chỉ uống một chút, nhưng về lâu về dài, bạn sẽ thèm ruợu. Bạn không ý thức được, nhưng bạn đã bước đầu tiên vào con đường nghiện ngập, chắc chắn làm hại bạn và hại người khác. Mỗi người nghiện đều khởi đầu bằng chỉ một ly. Tại sao lại bước cái bước thứ nhất vào con đường đau khổ? Nếu bạn hành thiền nghiêm chỉnh và một ngày nào đó bạn quên hay vì giao tế mà bạn phải uống một ly, bạn sẽ thấy hôm đó bạn thiền kém hẳn đi. Dhamma không thể đi chung với sự dùng chất gây say nghiện. Nếu bạn thật sự muốn phát triển trong Dhamma, bạn phải tránh hết mọi sự say nghiện. Đây là kinh nghiệm của hàng ngàn người hành thiền. Những người phương Tây đặc biệt cần phải hiểu hai giới liên quan đến việc tránh tà dâm và  dùng chất gây say nghiện.

Ở đây người ta thường nói rằng: "Nếu tôi cảm thấy tốt thì tất phải đúng".

Bởi vì họ không nhìn thấy thực tế. Khi bạn hành động vì chán ghét, tự nhiên bạn cảm bất an. Và khi bạn hành động vì thèm muốn, tuy bề ngoài bạn cảm thấy thoải mái, nhưng trong thâm tâm bạn thấy giao động. Bạn cảm thấy tốt đẹp chỉ vì vô minh. Khi bạn nhận ra rằng những hành động như vậy đã hại bạn như thế nào, thì tự nhiên bạn sẽ ngưng ngay những hành động đó.

Ăn thịt có phải là phạm giới không?

Không, trừ phi bạn giết con vật đó. Nếu thịt mang đến cho bạn và bạn thấy thích như bạn ăn các món ăn khác thì bạn chẳng phá giới nào cả. Tuy nhiên ăn thịt là gián tiếp khuyến khích người khác phạm giới sát sinh. Và ở một mức độ tế nhị hơn, bạn ăn thịt là bạn tự hại mình. Từng giây, từng phút con vật phát sinh thèm muốn, chán ghét, nhưng nó không có khả năng quan sát chính nó, thanh lọc tâm nó. Vì vậy mỗi thớ thịt nó đều tẩm đầy thèm muốn và chán ghét. Đó là những gì bạn tiếp nhận vào mỗi khi bạn ăn thịt. Thiền giả muốn loại bỏ thèm muốn và chán ghét, vì vậy thấy rằng kiêng ăn thịt rất hữu ích.

Có phải vì vậy trong khóa thiền chỉ cho ăn chay?

Phải, vì nó tốt cho thiền Vipassana.

Thầy có khuyên nên ăn chay trong đời sống hằng ngày không?

Nếu ăn được cũng hữu ích.

Đối với người hành thiền, kiếm tiền như thế nào thì có thể chấp nhận được?

Nếu bạn thực hành Dhamma, dù bạn không kiếm ra tiền bạn vẫn hạnh phúc. Nhưng nếu bạn kiếm ra tiền và không thực hành Dhamma thì bạn sẽ khổ. Dhama quan trọng hơn. Sống ở đời, bạn phải tự nuôi sống bản thân. Bạn phải làm việc vất vả và lương thiện để kiếm tiền; chẳng có gì là sái quấy trong chuyện đó. Nhưng phải làm với Dhamma.

Nếu công việc mình làm có thể gây ra ảnh hưởng không tốt, hay nếu những gì mình làm có thể bị dùng một cách không tốt, thì có phải là nghề nghiệp sai trái không?

Đó còn tùy thuộc vào ý định của bạn. Nếu bạn chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền cho thật nhiều, và nghĩ :"Mặc kệ người khác bị hại, ta không cần, miễn là ta có tiền là được rồi", thì đó là một sinh kế sai lầm. Nhưng nếu bạn có ý định phục vụ, và mặc dầu có người bị hại, thì bạn cũng không bị trách cứ gì.

Hãng tôi sản xuất một loại máy dùng để thu thập những dữ kiện về sự nổ của nguyên tử. Tôi được chỉ định làm về cái máy này, nhưng tôi cảm thấy có vẻ không đúng.

Nếu là thứ chỉ được dùng để làm hại người khác, thì chắc chắn là bạn không nên dính dấp vào. Nhưng nếu nó có thể được dùng cho cả mục đích tốt lẫn xấu thì bạn không có trách nhiệm gì đối với sự sử dụng của người khác. Bạn làm với ý định người ta phải dùng cho mục đích tốt. Không có gì sái quấy trong việc đó cả.

Thiền sư nghĩ gì về phong trào hòa bình?

Nếu hòa bình có nghĩa là bất động trước sự xâm lược thì thật sự là sai lầm. Dhamma dạy bạn hành động một cách tích cực và phải thực tế.

Còn về phương pháp bất bạo động của Mahatma Ghandhi hay của Martin Luther King thì sao?

Còn phải tùy thuộc vào hoàn cảnh. Nếu kẻ gây hấn không hiểu ngôn ngữ nào ngoài võ lực, chúng ta phải dùng tay chân, nhưng luôn luôn giữ được bình tâm. Nếu không, ta nên dùng phương thức bất bạo động, nhưng không phải vì sợ, mà là một hành động tinh thần can đảm. Đây là đường lối của Dhamma, và đó là điều mà Thánh Gandhi dạy người ta làm. Nó đòi hỏi sự can đảm bằng tay chân không để đương đầu với kẻ gây hấn có võ trang. Hành động như vậy ta phải sẵn sàng để chết. Chết sẽ đến không sớm thì muộn; người ta có thể chết trong sự sợ hãi hay trong can trường. Một cái chết theo Dhama  không thể trong sự sợ hãi. Thánh Gandhi thường nói với những người theo ông khi họ đối diện với sự đối lập mãnh liệt, "Hãy để bị thương ở trước ngực, chứ không phải ở sau lưng". Ngài đã thành công vì đã có Dhamma trong người.

Chính Thiền sư nói rằng người ta có những sự trải nghiệm tuyệt vời về thiền mà không cần giữ giới. Như vậy, quá nhấn mạnh về hành vi luân lý có phải là độc đoán và cứng rắn không?

Tôi đã thấy trường hợp một số thiền sinh không cho việc giữ giới là quan trọng, nên đã không thể tiến bộ được trên con đường. Trong nhiều năm, những người đó có thể đến dự những khóa thiền, và có được những kinh nghiệm tốt đẹp về thiền, nhưng trong đời sống hằng ngày họ đã không có gì thay đổi. Họ vẫn bị giao động và khổ sở vì họ chỉ chơi đùa với Vipassana, như họ đã từng đùa với nhiều trò chơi khác. Những người đó là những kẻ thua cuộc. Người nào thực sự muốn dùng Dhamma để thay đổi đời họ cho tốt đẹp hơn thì phải giữ sila càng cẩn thận bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

 

      TOA   THUỐC

 

Một người bị bệnh và đi khám bác sĩ. Bác sĩ khám xong và biên cho ông một toa thuốc. Người này rất tin tưởng vào vị bác sĩ. Ông về nhà, vào phòng dùng để cầu nguyện, và bầy bức hình rất đẹp của bác sĩ lên. Đoạn ông ngồi xuống và kính lậy bức hình. Ông vái ba vái và dâng hương hoa. Sau đó ông lấy đơn thuốc ra và cung kính tụng, "Hai viên buổi sáng, hai viên buổi trưa, hai viên buổi tối!". Suốt ngày, suốt cuộc đời ông liên tiếp tụng toa thuốc này vì ông tin tưởng mãnh liệt nơi vị bác sĩ, nhưng toa thuốc đã không giúp gì được cho ông.

Rồi muốn hiểu rõ hơn về toa thuốc, ông đến gặp bác sĩ và hỏi, "Tại sao bác sĩ kê thuốc này cho tôi? Nó sẽ giúp tôi như thế nào?" Là người thông minh vị bác sĩ giảng. "Trông đây, ông bị bệnh này, đây là nguyên nhân sinh sâu xa của bệnh; nếu ông dùng thuốc mà tôi kê toa thì căn nguyên của bệnh sẽ hết. Khi nguyên nhân bị diệt trừ thì tự nhiên khỏi bệnh." Người này nghĩ, "A, thật là kỳ diệu!  Bác sĩ của tôi thật tài giỏi! Đơn thuốc của ông thật hữu ích." Ông về nhà và bắt đầu tranh cãi với hàng xóm, quyến thuộc, "Bác sĩ của tôi là vị bác sĩ giỏi nhất! Các bác sĩ khác đều vô dụng." Nhưng ông đã được gì trong sự tranh cãi ấy? Có thể ông còn tiếp tục tranh cãi suốt đời, nhưng sự kiện này chả giúp gì cho ông. Chỉ khi nào ông uống thuốc thì ông mới hết bệnh và hết đau khổ. Chỉ lúc đó thuốc mới giúp ích cho ông.

Mọi người đã giải thoát đều giống như vị bác sĩ. Vì lòng trắc ẩn, ngài cho toa chỉ cho người ta cách nào để thoát khỏi đau khổ. Nếu người ta phát triển lòng tin mù quáng vào người nào đó, họ sẽ biến toa thuốc thành "kinh điển" và bắt đầu tranh đấu với các giáo phái khác, cho rằng chỉ có giáo lý mà vị giáo chủ của mình giảng dạy mới cao cả hơn hết. Nhưng chẳng ai quan tâm đến thực hành giáo huấn, uống thuốc để chữa bệnh.

Có lòng tin nơi bác sĩ chỉ hữu ích nếu nó khuyến khích bệnh nhân theo lời khuyên của bác sĩ. Hiểu được tác dụng của thuốc như thế nào chỉ có ích nếu nó khuyến khích bệnh nhân dùng thuốc. Nhưng nếu không thực sự uống thuốc thì không thể nào khỏi bệnh được.

Vậy chính bạn phải tự uống thuốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...