Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2018

1. Gioi thieu Thien tinh lang va Noi quan



Pháp thiền này từ văn bản Kho Tàng Hiểu Biết "The Treasury of Knowledge". Văn bản này được gọi là quý báu vì nó tập hợp rất nhiều tài liệu từ kinh và chú và trình bày theo dạng súc tích. Chẳng những văn bản chứa đựng mục đích lời dạy của đức Phật mà còn dạy về chương cú, y học, thơ phú, thiên văn, và các đề tài khác. Vì văn bản bao gồm rất nhiều đề mục, nên được gọi là "văn bản bao trùm tất cả trí hiểu biết."

Tác giả quyển "Treasury of Knowledge" (Kho Tàng Hiểu Biết) là Tôn giả Jamgon Kongtrul (1813-1899). Ngài sanh vào gia đình nghèo, lúc ra đời cha vừa mất, vì thế gia đình chỉ còn Ngài và mẹ. Mẹ Ngài gởi Ngài vào Tu viện để tránh vào quân ngũ. Ngài làm đệ tử cho Tai Situpa thứ Chín, Pema Wangpo.

Về sau, Ngài làm giáo thọ cho Karmapa thứ 15, Khakhyab Dorje.

Trong quyển "Treasury of Knowledge" giảng dạy tất cả tầng lớp, bao gồm kinh điển và mật tông. Luôn cả sự giảng dạy cho người hành giả phải thực hành thế nào cho mỗi giai tầng, làm cách nào để tiến triển ở mỗi cấp bực v.v...

Tại sao chúng ta phải hành thiền? Để bắt đầu, Tôn giả Jamgon Kongtrul trả lời câu hỏi: Tại sao phải hành thiền. Thiền, Phạn ngữ là "samadhi", Tây Tạng là "ting dzin". "Dzin" nghĩa là "giữ", giữ một cách vững chắc, không giao động, để không có một động tác lay chuyển nào. Có nghĩa là trong lúc hành thiền, tâm không bị vọng tưởng, chướng ngại và ý thức tiêu cực làm ảnh hưởng. Thay vào đó, tâm được hoàn toàn vững chãi không giao động. "Samadhi" được dịch là "gom" (Tạng ngữ). Từ này rất gần với từ "kom", có nghĩa là "để trở thành thói quen làm một việc gì," cho đến khi nó trở thành một phần của bản thân. Thiền giống từ làm cho quen vì hành giả tiếp tục hành thiền dù thỉnh thoảng không được như ý. Chướng duyên và sự cố thường xảy ra, nhưng cứ tiếp tục hành trì thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng và tự nhiên. Vì thế qua thói quen hành giả có thể giữ trạng thái thiền.

Samadhi gồm thiền tĩnh lặng 'samatha' và nội quán "vipasyana". Sau khi nhận lãnh sự chỉ dạy về hai loại thiền này, hành giả cần phải hiểu rõ bằng trí tuệ để đạt thật thấu đáo. Sau khi thấu rõ rồi, cần phải thực hành và thiền quán để những gì đã học được thấm nhuần. Dù người đã lão thông giáo pháp, cũng không có ích lợi nếu không thông hiểu rõ pháp thiền định và tuệ. Vì thế, hành giả phải thực hành để những gì đã học trên lý thuyết trở thành một phần của mình. Do đó, trước tiên chúng ta cần phải nghiên cứu phương pháp thiền.

Có rất nhiều giai đoạn để hiểu về thiền. Khi nghe (văn học) giáo pháp, ta có được sự hiểu biết, từ sự suy tư về lời giảng dạy ta có được kiến thức (tư học). Hai pháp này chưa đủ để mở mang kiến thức vì ta cần phải quán vào trong để có sự thông hiểu đạt từ thiền quán. Thay vì chú tâm ra bên ngoài để nghe giảng dạy, ta phải đem sự chú tâm vào trong để phát sanh sự thẩm thấu về thiền, chú tâm vào vạn tượng bên ngoài không đạt được lợi lạc vì tâm sẽ bị quấy nhiễu bởi vọng, chỉ có cách duy nhất để thoát khỏi vọng là quay trở vào trong mà thiền quán.

Tôn giả Jamgon Kongtrul cho hai thí dụ để rõ sự cần thiết quan trọng của thiền. Thí dụ thứ nhất là người nông phu. Người nông phu được ấm no và hạnh phúc, ông ta cần phải cày ruộng, siêng năng để gặt hái kết quả. Để có lúa tốt đầy ruộng chưa đủ, ông ta phải gom lúa lại và nấu ăn. Giống thế, chỉ nghe và suy tư không đủ, ta phải thực hành để loại bỏ tiêu cực trong tâm và phát sanh trí tuệ. Trong thí dụ thứ hai, mượn từ tôn giả Tịch Thiên, người bác sĩ cần hiểu rõ các loại thuốc và cách trị bệnh của mỗi vị thuốc qua sự học. Sự thông hiểu không trị hết bệnh, phải uống thuốc mới khỏi. Giống thế, nghe và suy tư giáo pháp không đủ vì nó không thể diệt vọng tưởng và an tâm. Để phát triển khả năng trí tuệ, ta cần phải thực tập thiền quán. Thực tập thiền quán có nghĩa là làm quen với thiền quán. Nếu tâm ta an tĩnh và hạnh phúc trong đời sống thường nhật, thì tất cả ngoại cảnh đều vui tươi và đẹp đẽ, nếu tâm ta không vui thì tất cả vật chất bên ngoài đều không đẹp. Chúng ta cần phải làm cho tâm được an tĩnh và hạnh phúc để phát sanh trí tuệ, điều này được thành tựu nhờ thiền quán.

Samadhi, trạng thái thiền sâu thẳm, được hàm chứa bởi hai yếu tố: định và tuệ. Sự thật thì có rất nhiều kỹ thuật thiền quán, nhưng tất cả chỉ được phân loại làm hai phần. Trong kinh "Definite Explanation of the View", đức Phật dạy: Thiền quán của A La Hán, thuộc Nam tông, Bồ tát thiền của Đại thừa và Như Lai thiền. Tất cả đều gồm hai loại: Định và Tuệ. Để hiểu rằng tất cả thiền quán đều từ Định và Tuệ hành giả nên chuẩn bị để thực hành, và cũng nên tìm hiểu lời giáo huấn đặc biệt để thực hành. Mục đích thực hành thiền định và tuệ trong Nam tông là để đạt hạnh phúc và các khả năng đặc biệt. Mục đích của đại thừa là đem lợi lạc cho chúng sanh, quan điểm này rộng lớn nên cần động cơ thúc đẩy mạnh hơn. Vì vậy nên được gọi là cỗ xe lớn. Trong đạo Phật, kết quả của đại thừa và tiểu thừa phát xuất từ sự thực hành định và tuệ. Và đạt kết quả .... cũng do định, tuệ.

Tôi đã gặp rất nhiều người trong các chuyến hoằng pháp bên Châu Âu và Bắc Mỹ. Họ cho tôi biết về các sự cố cá nhân thuộc tinh thần, thể chất, không hạnh phúc, bất toại ý với công việc và của cải. Để trả lời cho tất cả sự cố này đều như nhau: làm sao cho tâm bình, tĩnh lặng và phát triển trí tuệ

thông hiểu. Hạnh phúc bình thường trên thế gian đều tùy thuộc vào sự thực hành định và tuệ. Trong kinh đức Phật dạy căn đế để thành tựu mục đích cho tất cả thế gian và hành động tâm linh là định và tuệ. Trong kinh này đức Phật và ngài Bồ-tát Di Lặc vấn đáp trong dạng thơ. Đức Phật nói với Bồ-tát rằng: Tất cả khả năng mà các hàng A La Hán, Bồ-tát và các vị Như Lai thành tựu là do kết quả của định và tuệ. Điều này nói lên tầm quan trọng của định tuệ vì chúng là gốc rễ của tất cả thiền quán. Biết được như thế, người hành trì nên phát tâm thực tập hai loại thiền quán này.

THỰC CHẤT THIẾT YẾU CỦA ĐỊNH VÀ TUỆ

Định là an tâm chuyên chú vào một đề mục để cho các vọng tưởng không phát sanh, tâm trở nên yên vững. Tâm an trong tĩnh lặng. Vậy định là trạng thái tâm an trong tĩnh lặng. Đơn giản giữ tâm yên một chỗ không phải là định của thiền quán, vì theo chân định, đề mục được dùng phải là vật gì tích cực. Vật tiêu cực sẽ gây ra sự vin níu, bám víu, nóng nảy, hoặc làm cho tâm phát sinh lãng đãng, không thể an. Chú tâm vào đề mục tích cực khiến tâm an trú vào tĩnh lặng. Định là sự thực tập để ngăn chận các vọng tưởng phát sanh. Có người có thể lầm nghĩ rằng định là trạng thái không có ý tưởng, giống như khối đá. Không phải thế, vì tâm định trong thiền quán rất an bình, vững chãi và rất trong sáng, để tâm có thể phân biệt và chia loại vạn pháp rõ ràng. Sự trong sáng này là tuệ, hay nội quán, được phát sanh qua định.

Bản chất hay thực tánh của định được diễn tả trong kinh "Cloud of Jewels". Kinh cho biết nếu tâm có nhiều ý tưởng, người đó không thể chú tâm vào đề mục. Tâm không chú tâm vào đề mục vì vọng tưởng khiến cho tâm bị xao lãng, phóng ra. Nếu tâm có thể chú mục vào đề mục không xao lãng, không đi hoang thì đạt định. Kinh cũng cho biết tuệ là sự hiểu biết tường tận trong đó mọi vấn đề thông thấu rõ ràng minh bạch; tục đế thấy rõ tục đế, chân đế thấy rõ chân đế. Thấy rõ bản thể vạn pháp như nó là, điều này nói rõ ý nghĩa của tuệ minh sát. Bài bình luận trong kinh "Cloud of Jewels" được sáng tác bởi ngài Thế Thân, là một đại thiền giả về Vi Diệu Pháp. Ngài Thế Thân cho rằng trong chân định, tâm có thể an trú trong tâm. Tâm thật sự thư giãn nên nó có thể tự an trú như nó là, một cách tự nhiên, không bị vọng tưởng lay động. Phóng tâm, Tạng ngữ là "Yengwa", có nghĩa là bị lôi kéo. Từ phóng tâm trong văn bản này có gốc từ sự cuốn đi không tự chủ bởi dòng thác mạnh. Giống thế, tâm không thể đứng yên một nơi vì bị lôi kéo. Nếu như tâm an trú trong tâm, thì nó ở yên một chỗ, nó trở nên vững chãi, tĩnh lặng, và thư giãn. Kinh cũng nói, "Định là tâm an trú một nơi," ngài Thế Thân giải thích trong bài bình luận rằng tuệ là "sự phân biệt rõ ràng các vạn pháp", có nghĩa là các hiện tượng xuất hiện được nhận thức mỗi vật khác biệt theo bản chất riêng của chúng, một cách rõ ràng. Đây là bản thể của tuệ. Với định và tuệ hành giả có được chân trạng thái của thiền quán với tâm an trú trong tâm và có khả năng phân loại các hiện trạng vũ trụ. Nếu không có định và tuệ, hành giả không thể có được chân định trong chân tuệ.

Văn bản thứ ba lấy ra từ tôn giả Jamgon Kongtrul là của ngài Liên Hoa Giới (Kamalasila). Vào thế kỷ thứ Tám, tôn giả Nguyệt Xứng đến Tây Tạng dạy các cấp bậc thiền quán. Với sự thực chứng, Ngài biết rằng mình sắp viên tịch, nên Ngài cho biết trong tương lai sẽ có sự cố xảy ra. Khi đó hãy đến Ấn Độ mời đệ tử ta là Liên Hoa Giới, sẽ giảng dạy thiền quán và đối trị tất cả sự sai lầm có thể xảy đến. Đây là di chiếu cuối, xong Ngài viên tịch.

Sự giảng dạy của ngài Liên Hoa Giới có thể tìm thấy trong quyển Giai Tầng Thiền Quán "Stages of Meditation". Trong quyển Kho Tàng Hiểu Biết "Treasury of Knowledge" là sự giảng nghĩa về định và tuệ chiếu theo sự giảng dạy của ngài Liên Hoa Giới. Phần thứ hai của "Stages of Meditation" giảng nghĩa bản chất của định. Trong định tâm liên tục chăm chú vào trong nên tâm rất an định và tất cả pháp bên ngoài đều lắng dịu. Chướng ngại của định là pháp ngoài như âm thanh sắc tướng v.v... Định được phát sanh khi tâm liên tục quán vào trong và an trú tự nhiên trong trạng thái đó. Ngài Liên Hoa Gìới cho biết có hai sự sanh khởi từ định. Thứ nhất là bám vào định vì cho nó quan trọng và sanh cảm giác trong trạng thái hỷ lạc, cho đó là tự nhiên. Thứ hai cho rằng tâm "hoàn toàn thuần thục", có nghĩa là hành giả không còn tranh đấu với vọng tưởng hay phóng tâm. Hành giả có thể trụ tâm tùy ý không cần bất cứ sự đối lập nào. Đây là hai khả năng của định.

Tóm lại, khi hành giả đạt định, hành giả không phải trong trạng thái vô tri, nghễnh ngãng. Khi đạt định hành giả loại trừ ý tưởng phóng tâm làm mất đi sự phân biệt rõ mọi vật. Không còn sự phóng tâm dẫn tới sự nhận thức và phân biệt rõ là tuệ. Bản chất của định và tuệ được ngài Liên Hoa Giới giải thích như thế.

TỪ NGUYÊN CỦA ĐỊNH VÀ TUỆ

Định - Phạn ngữ được dịch từ Tạng ngữ "Shi-ne". Sama, nghĩa là "an bình", Tạng ngữ "shiwa" cũng là "an bình". An bình có nghĩa là tâm không bị phóng ra vì khi tâm bao trùm bởi giận tức, buồn chán, hối hận, thèm muốn, nó trở nên phóng túng. Nhưng trong định, tâm rất thư giãn không có sự cố nào. Từ "tha" có nghĩa là "an trú", hay "vững". Tạng ngữ là "nepa". Trong văn bản này có nghĩa là tâm không liên kết bất cứ hành vi mạnh nào hay khó khăn nào mà an trụ trong trạng thái an. Có rất nhiều loại định khác nhau, hay trạng thái thiền quán, nhưng định là căn đế của tất cả trạng thái thiền trong đó tâm an trú không xao lãng vào đề mục và hoàn toàn giữ sự chuyên chú vào đề mục đó.

Từ tuệ theo Phạn ngữ được làm thành hai phần. Phần thứ nhất, "vi" là từ ngắn của "visera", có nghĩa là "đặc biệt" trội hơn "ưu việt". "Pasyana" có nghĩa "thấy, nhìn". Vipasyana là nhìn vạn pháp một cách trực tiếp, một cách đặc biệt rõ ràng. Nhìn và trực nhận bằng con mắt trí tuệ.

SỰ CẦN THIẾT CỦA CẢ HAI: ĐỊNH VÀ TUỆ

Bạn có thể nghĩ rằng thực tập định hay tuệ riêng không cần cả hai. Nhưng, dù thực tập phương pháp nào, bạn cần phải thực tập cả định và tuệ chung. Có thể lấy ví dụ cây đèn bơ. Đèn bơ rất tỏ và sáng, nó cần có sự tương tục và không gió. Nếu ánh sáng không tỏ không tương tục, chúng không rọi sáng bóng đêm. Giống thế, để nhận thức rõ bản chất vạn pháp bạn cần phải hiểu rõ, chuyên tâm vào đề mục bao lâu tùy ý. Nếu không, thì không thể thấu rõ bản chất sự vật. Bạn cần phải có đủ định và tuệ. Như thế, bạn được hoàn toàn tự do chú tâm và có thể chuyển chướng duyên để phát sanh trí tuệ, nếu thực hành định mà không có tuệ, bạn sẽ không đạt thấu bản chất vạn pháp, bạn chỉ có thể trụ tâm một chỗ giống như bạn đi nghỉ hè, có kinh nghiệm an tĩnh ngắn hạn mà không được kết quả lâu dài.

Nếu bạn thực tập tuệ không định, bạn sẽ không chuyển được tánh tiêu cực cần phải dẹp bỏ, vì tuệ không định sẽ không vững. Vì thế nếu bạn hiểu rõ tuệ, tâm bạn vẫn bồn chồn. Vì thế, bạn cần phải thực tập cả hai định và tuệ. Đức Phật cũng dạy rõ trong kinh và cả trong Kim Cang thừa.

Tiến trình theo thứ lớp của thiền quán. Câu hỏi kế tiếp là: Hành giả khởi đầu với định, hay tuệ, hay cả hai cùng lúc?

Câu trả lời là bắt đầu với định rồi thực tập tuệ vì định là căn bản của thiền và tuệ nương vào định. Trong thí dụ ngọn đèn bơ, định là bơ hay dầu còn tuệ là giây mồi. Nếu không có bơ dầu thì không thể đốt đèn. Có dầu bơ thì bạn sẽ có ánh sáng. Giống thế, người hành giả cần định rồi phát khởi tuệ quán.

Ngài Tịch Thiên là một đại học giả Ấn Độ, người được tôn giả Văn Thù gia trì, sáng tác quyển "A Guide to the Bodhisattvas' Way of Life." Ngài diễn tả tất cả Sáu độ (Paramita). Ngài cho biết hành giả cần phải có tuệ nương vào định. Một định an bình. Định mà hành giả hoàn toàn quen thuộc và thuần thấu. Nếu chúng ta có tuệ giác này phát sanh từ chân định thì chúng ta có thể vượt thoát vô minh. Vì thế, chúng ta cần phải khởi sự trước tiên với định. Trong chương thiền Sáu độ, ngài Tịch Thiên nói tinh túy của tuệ là nhận thức vạn vật một cách rõ ràng không xao lãng. Trí-tuệ-không- phân-biệt này nhận thức vạn hữu tương đối như nó là vật tương đối.

Vậy với trí tuệ không phân biệt chúng ta có thể nhận định bản thể tâm, như nó là. Nhưng trước đó, tâm chúng ta cần phải được huấn luyện. Có nghĩa là chúng ta có thể sử dụng tâm như ý. Nếu chúng ta đưa tâm đi đâu, thì tâm đi đến đó, nếu chúng ta dụng tâm đến một chỗ, tâm sẽ ở đấy. Như chúng ta biết, thông thường thì tâm chúng ta như thuộc vào người khác. Nó lén phóng đi khắp nơi. Vì thế chúng ta cần hoàn toàn điều khiển tâm ta để được nhận rõ sự vật theo sự hiểu biết của tuệ giác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...