Liệu một cuộc đối thoại giữa khoa học và Phật Giáo có hay không một lý do để tồn tại? Để tìm ra câu trả lời, cần phải xác định những lĩnh vực nghiên cứu của hai con đường nhận thức này và tìm hiểu xem liệu Phật Giáo (và các dạng tâm linh nói chung) có thể có những đóng góp giá trị ở chỗ mà các giới hạn của khoa học để lại một khỏang trống cần lấp đầy. Khoảng trống này nằm chủ yếu ở lĩnh vực đạo đức, ở sự tu chính cá nhân, ở sự hiểu biết về tâm linh của chúng ta và ở một chính quả tâm linh đích thực. Sự quan tâm mà Phật Giáo từ lâu dành cho nhiều vấn đề gần với những vấn đề cơ bản của Vật lý hiện đại liệu có một ý nghĩa nào đó đối với khoa học không? Liệu khoa học có thể cung cấp những yếu tố cơ bản cho Phật Giáo trong quá trình khám phá hiện thực khách quan của nó hay không?
Trịnh Xuân Thuận: Công việc khiến tôi luôn phải tự vấn mình về những khái niệm hiện thực, vật chất, thời gian và không gian. Mỗi khi đứng trước những khái niệm này tôi lại không thể không tự hỏi Phật giáo nhìn nhận những khái niệm này như thế nào, cái thực tại khách quan vốn được tiếp thu bằng phương pháp duy lý có thể phù hợp như thế nào với cái thực tại khách quan được cảm nhận bởi người nhập định? Hai cách am hiểu thế giới này tương hợp hay mâu thuẫn nhau? Hay đơn giản là chúng không có điểm gì chung? Vì chưa được nghiên cứu kinh lý Phật giáo, tôi chưa có đầy đủ các yếu tố cần thiết cho suy nghĩ này.
Những năm 1960 là thời kỳ hoàng kim của vật lý thiên văn. Bức xạ hóa thạch (nhiệt còn sót lại từ thời Big Bang, cũng được gọi là bức xạ nền) và các quasar (các thiên thể sáng chói nằm ở biên của vũ trụ và phát ra năng lượng bằng cả một thiên hà với thể tích chỉ hơi lớn hơn hệ Mặt trời) đều đã được phát hiện vào thời kỳ này. Lúc tôi đến Mỹ cũng là lúc cuộc khám phá hệ Mặt trời của các vệ tinh nhân tạo đang đạt được những kết quả rực rỡ. Tôi còn nhớ cảm giác trầm trồ khi những hình ảnh đầu tiên về bề mặt Hỏa tinh được con tàu thăm dò Mariner truyền về và hiển thị trên màn hình máy tính trong phòng học lớp tôi. Những hình ảnh của sa mạc khô cằn trên Hỏa tinh nói với nhân loại rằng ở đó không có sự sống có trí tuệ: những kênh rạch mà các nhà vật lý thiên văn của thế kỉ XIX tin là tồn tại trên Hỏa tinh thực ra chỉ là những ảo ảnh quang học do các cơn bão cát sinh ra. Sống và học tập ở môi trường trí tuệ như vậy, việc tôi trở thành một nhà vật lý thiên văn là điều không tránh khỏi. Kể từ đây, tôi không ngừng quan sát vũ trụ bằng các loại kính thiên văn tối tân nhất, trên Trái đất cũng như trên quỹ đạo không gian, đồng thời suy nghĩ về bản chất, nguồn gốc, quá trình phát triển và số phận của vũ trụ.
Điều gì khiến cho ông không hài lòng trong sự nghiệp khoa học của mình? Rời bỏ một phòng nghiên cứu sinh vật học ở Paris để đến một thảo am Tây Tạng ở Népal ít nhất là một sự chuyển hướng khác thường !
Matthieu: Đối với tôi, sự chuyển hướng này diễn ra theo một sự tiếp nối tự nhiên, trong quá trình tìm kiếm ngày càng say mê hơn ý nghĩa của tồn tại. Tôi đã chỉ làm cái việc là nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác, từ thung lũng này sang thung lũng khác đẹp hơn, từng phút từng giây theo đuổi cái làm tôi say mê nhất, cố gắng hết sức để không lãng phí một khoảnh khắc nào của cuộc sống con người hết sức quý báu này. Tôi đã có may mắn rất lớn được sống nhiều năm bên những con người uyên bác. Đó là một trãi nghiệm vừa giản dị vừa trực tiếp và như vậy rất sâu sắc mà tôi thường không thể diễn tả hết. Người ta có thể thừa nhận sự hoàn thiện của con người và tâm linh khi người ta nhìn thấy nó tận mắt, nhưng thật là không công bằng khi chỉ giới hạn nó vào những từ ngữ xuất hiện hàng ngày trong đầu: tri thức, hiểu biết, lòng tốt, sự cao quý, tính giản dị, sự nghiêm khắc và trung thực...
Tôi tin rằng điều quan trọng nhất đối với mỗi người là sớm chuyên tâm vào cái mà mình thực sự muốn làm trong cuộc đời. Mặc dù nghiên cứu khoa học rất lý thú nhưng tôi vẫn có cảm tưởng là nó chỉ góp được một chấm màu nhỏ vào một bức tranh điểm họa mà chưa biết chất về bố cục cuối cùng của nó. Liệu điều đó có đáng để tôi dành cho nghiên cứu khoa học cái kho báu cơ hội duy nhất mà cuộc đời ban tặng cho mình hay không? Ngược lại, trong con đường của Phật giáo, xuất phát điểm, mục đích cần hướng tới, các phương tiện thực hiện và những cản trở cần vượt qua đều rất rõ ràng và không thể rõ ràng hơn: chỉ cần phân tích trí tuệ, chỉ cần thấy rằng con người thường xuyên chịu sự chi phối của tính ích kỷ đồng thời tính ích kỷ này bắt nguồn từ sự vô minh, sự không có hiểu biết gì về bản chất thực sự của con người và của thế giới. Tình trạng này chỉ có một kết thúc chắc chắn, đó là sự đau khổ của bản thân và của người khác, nên nhiệm vụ cấp bách nhất của một con người là phải làm chấm dứt nỗi đau khổ ấy. Phương pháp để đạt được điều đó là phải làm nảy nở tình yêu và lòng trắc ẩn, đồng thời phải diệt trừ sự vô minh bằng cách đi theo con đường của Giác ngộ. Người ta nhận thấy rằng sau một thời gian, có thể là vài ngày hay vài năm, sẽ có một sự thay đổi tạo ra niềm vui hiếm hoi, thoát khỏi mọi hy vọng và lo sợ, và phẩm cách của sự thay đổi này không ngừng nuôi dựng niềm nhiệt thành của tôi.
Trịnh Xuân Thuận: Nếu vậy thì đối thoại với một nhà khoa học để làm gì?
Matthieu: Khám phá bản chất của hiện thực là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của triết học Phật giáo. Nói như vậy không có nghĩa là tôi tự coi mình là một nhà khoa học hay một người diễn giải với tư cách nhân danh Phật giáo trong tổng thể của nó. Tôi chỉ có thể cố gắng chia sẻ những ý tưởng đã tìm làm tôi say mê.
Trịnh Xuân Thuận: Hiện nay, các nhà vật lý thiên văn nghĩ là có thể viết ra lịch sử của vũ trụ kể từ khởi thủy của nó, hoặc gần như thế. Sự tiến hóa của vũ trụ được mô tả bằng hai lý thuyết lớn về vật lý ra đời đầu thế kỉ XX. Cái vô cùng bé được mô tả bằng cơ học lượng tử, một môn khoa học ra đời vào những năm 1920-1930 và đã giúp chúng ta khám phá ra những khía cạnh phi trực quan và rất lạ lùng trong hành trạng của vật chất ở thang nguyên tử và dưới nguyên tử. Cái vô cùng lớn, tức cũng chính là cấu trúc của vũ trụ, được giải thích bằng thuyết tương đối rộng do Einstein xây dựng năm 1915. Thuyết này đã xem xét lại các khái niệm truyền thống của chúng ta về không gian và thời gian.
Tuy nhiên, trong thế giới khoa học có một điều luôn làm tôi thất vọng. Như anh biết đấy, năm 19 tuổi, tôi đến Caltech thời đó là "Thánh địa" của khoa học thế giới. Tại đây, tôi được gặp gỡ những nhà khoa học lỗi lạc nhất, những người được giải Nobel và các thành viên khác của Viện Hàn lâm Khoa học. Ngày đó, tôi ngây thơ nghĩ rằng hiểu biết và khả năng săng tạo của họ chắc đã làm cho họ trở thành những người ở đẳng cấp cao, kể cả ở các lĩnh vực khác của cuộc sống cũng như trong các mối quan hệ giữa người và người. Nhưng tôi đã phải thất vọng một cách chua chát. Người ta có thể là một nhà khoa học rất vĩ đại, một thiên tài trong lĩnh vực chuyên môn của mình, nhưng lại là một cá nhân rất tồi tệ trong cuộc sống hàng ngày. Sự khập khiễng này khiến cho tôi câm thấy sốc. Tôi nghĩ rằng Phật giáo hay những dạng thức tâm linh khác có thể bổ sung cho khoa học ở những chỗ khoa học không có gì để nói, đặc biệt là ở lĩnh vực đạo đức.
Matthieu: Tích lũy đơn thuần kiến thức thôi thì chưa đủ. Thầy tôi Khyentsé Rinpotché, từng nói: "Nếu chúng ta ra sức tích lũy kiến thức chỉ với mục đích trở thành người có ảnh hưởng hoặc nổi tiếng, thì chúng ta sẽ ở trong tình trạng tinh thần của một ca sỹ, hát chỉ để nhận tiền thù lao. Tri thức như thế sẽ chẳng có tác dụng gì, cả cho chính chúng ta và cho những người khác. Ngạn ngữ có câu: "Càng biết nhiều càng hãnh diện". Vậy thì làm thế nào người ta có thể giúp đớ người khác diệt trừ được những mầm mống của cái xấu, cái ác đã ăn sâu bám rễ trong con người chúng ta? Nuôi một tham vọng như vậy thực ra chỉ là một trò hề, giống như một người ăn mày mời cả làng dự đại tiệc." .
Những dấu hiệu thành công của cuộc sống suy niệm rất nhiều, nhưng dấu hiệu quan trọng nhất là sau một vài tháng hoặc vài năm, tính ích kỷ trong con người chúng ta phải giảm, nhường chỗ cho lòng vị tha phát triển. Nếu như lòng tham, lòng hận thù, tính kiêu ngạo và ghen ghét vẫn còn mạnh như trước thì có nghĩa là chúng ta đã phí thời gian, đã lạc đường, đã lừa gạt người khác. Trái lại, tri thức do các môn khoa học tự nhiên mang lại giúp ta tác động vào thế giới, theo cách xây dựng hoặc tàn phá, nhưng lại có ảnh hưởng tương đối ít ỏi đến chính chúng ta. Rõ ràng là kiến thức khoa học, về bản chất vốn không gắn với lòng tốt hay tình thương, đồng thời tự bản thân nó không chịu đựng những giá trị đạo đức.
Trịnh Xuân Thuận: Trong lịch sử khoa học đã có rất nhiều ví dụ về các bộ óc khoa học vĩ đại, nhưng hành vi của họ rất ít mang tính xây dựng trong lĩnh vực quan hệ giữa con người và con người. Chẳng hạn như trường hợp của Newton, người cùng với Einstein, chắc chắn là nhà vật lý học vĩ đại nhất từ trước tới nay. Ông đã trị vì một cách độc đoán Hội Hoàng gia Luân Đôn (thực chất là một Viện Hàn lâm), đã buộc tội sai lầm Leibniz là đã ăn cắp phát minh vé phép toán vi tích phân của mình, trong khi đó Leibniz đã xây dựng phép toán này một cách hoàn toàn độc lập, và chính Newton cũng là người đã trừng trị một cách trơ trẽn đối thủ của mình, nhà thiên văn học Hoàng gia John Flamsteed. Còn đáng buồn hơn nữa, các nhà vật lý Đức Philipp Lenard và Johannes Stark, cả hai đều được giải Nobel vật lý, nhưng đều là những người đã ủng hộ mạnh mẽ Đức quốc xã và chính sách bài Do Thái của chế độ này, họ đều cao giọng tuyên bố "khoa học Đức" ở đẳng cấp cao hơn "khoa học Do Thái".
Thi thoảng, nhưng thật buồn là hết sức hiếm hoi, mới có người kết hợp được thiên tài khoa học với ý thức nóng bỏng về luân lý và đạo đức. Đó là trường hợp Einstein, người đã được tạp chí Time của Mỹ bình chọn là nhân cách nổi bật nhất của thế kỷ XX. Trong Đại chiến Thế giới II, bất chấp sự giận dữ của Kaiser, Einstein đã không ngần ngại ký tên trong đơn kiến nghị phản đối chiến tranh. Trước sự nổi lên của chế độ Quốc xã Đức, Einstein đã trở thành một thành viên hăng hái của phong trào Do Thái độc lập nêu lên vấn đề các quyền của người Arập trong sự hình thành Nhà nước Do Thái. Tị nạn sang Mỹ, mặc dù là người có tư tưởng hòa bình sâu sắc nhưng ông vẫn tích cực ủng hộ một hành động quân sự chống Hitler. Đó là bức thư của ông gửi tới Tổng thống Roosevelt, điểm khởi đau cho dự án Manhattan về việc chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới: cần phải nhanh chóng đánh bại Hitler. Sau thảm họa Hiroshima và Nagasaki, Eistein đã đấu tranh quyết liệt đòi cấm sản xuất vũ khí hạt nhân. Ông cũng là người đã đứng lên chống lại Chủ nghĩa Mc. Cathy (Chủ nghĩa "chống cộng" được triển khai ở Mỹ trong những năm 50 do Thượng nghị sĩ Joseph Mc. Cathy - một nhà chính trị chống cộng điên cuồng khởi xướng, dẫn đến các cuộc bắt bớ, lục soát trong toàn bộ chính quyền liên bang và cả trong giới nghệ sĩ và trí thức (điện ảnh, trường đại học, báo chí), chống lại tất cả những ai bị nghi ngờ là có thiện cảm với cộng sản hoặc chỉ đơn giản là những người cấp tiến - ND) và đã sử dụng uy tín của mình để tấn công tất cả các loại phong trào cuồng tín và phân biệt chủng tộc. Nhưng trong đời tư của Einstein cũng có những khoảng tối: ông là một người cha thờ ơ và một người chồng không phải lúc nào cũng chung thủy. Einstein đã ly dị người vợ thứ nhất và bỏ rơi cô con gái tật nguyền, đtta con mà ông đã có với người vợ này. Người ta cũng đã quan sát thấy ở Einstein những vết rạn nứt trên bình diện cá nhân, như chính bản thân ông từng nói: "Đối với một người như tôi, trong quá trình phát triển của mình, sẽ xuất hiện một bước ngoặt quyết định khi dần dần không còn quan tâm gì đến những cái chỉ mang tính chất riêng tư và bột phát nữa, nhằm dành toàn bộ những nỗ lực của mình cho việc tìm hiểu bản chất vạn vật."
Matthieu: Điều quan trọng không phải là kết tội nhà khoa học này và ca ngợi nhà khoa học khác, chính sự thiếu vắng mối quan hệ giữa thiên tài khoa học và các giá trị nhân bản mới là điểm có vấn đề. Nhận định này cho phép đặt lại khoa học vào đúng vị trí của nó, đồng thời đặt nó trong một viễn cảnh rộng lớn hơn của cuộc sống và đặt ra một cách gay gắt hơn vấn đề, về mục đích sử dụng khoa học. Tâm linh, theo tôi, là một quá trình tu chính bản thân, nó không phải là sự bổ sung đơn thuần cho khoa học, mà là một nhu cầu hàng đầu của tồn tại. Đây chính là vấn đề của thế giới khoa học. Tu chính bản thân không phải là điều dễ thực hiện, ngay cả với người dành toàn bộ nghị lực cho nó, huống họ nếu người ta chỉ dành cho nó một tầm quan trọng thứ yếu; do vậy mà người ta sẽ khó có cơ may thực hiện được. Việc bị gạt ra đằng sau và bị xếp vào lĩnh vực không bắt buộc cái đáng lẽ phải ở tâm điểm của tồn tại đã phủ một cái bóng lên toàn bộ quá trình nghiên cứu khoa học. Chủ định không rõ ràng, các phương tiện thực hiện thường không được đánh giá đúng, và các kết quả thì lại mập mờ hai mặt. Do không có một động cơ tích cực và sáng rõ một cách cơ bản, nên sự quyến rũ do việc khám phá các giới hạn của cái có thể mang lại đã chiến thắng sự xem xét kỹ lưỡng những cái mong ước hoặc những cái bắt buộc phải có.
Nhiều nhà khoa học cho rằng công việc của họ là khám phá và phát hiện, rằng việc sử dụng các phát minh của họ không thuộc phạm vi trách nhiệm của họ nữa. Một quan điểm như thế cho thấy sự mơ hồ, thậm chí mù quáng hay tồi tệ hơn là niềm tin lệch lạc.
Tri thức tạo ra quyền lực, mà quyền lực thì lại đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, đòi hỏi phải có ý thức tính đến những hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp do các hành động của chúng ta gây ra. Người ta vẫn thường thấy nhiều công trình nghiên cứu khoa học được tiến hành với chủ ý tốt (mặc dù điều này không phải lúc nào cũng như vậy) khi rơi vào tay các chính trị gia, các nhà quân sự và doanh nhân đã bị họ sử dụng với những mục đích đáng ngờ. Người ta chẳng lạ gì sự đan xen nhau giữa khoa học, quyền lực và kinh tế. Tuy nhiên, rất ít nhà khoa học nghi ngờ sự hợp pháp của một số công trình nghiên cứu, mặc dù những "chuyển hướng sử dụng" của chúng là hoàn toàn có thể dự báo được. Thường thường, chỉ khi cái ác đã xảy ra rồi thì họ mới bắt đầu nghi ngờ, như trường hợp của các nhà khoa học cha đẻ của bom nguyên tử, chẳng hạn. Một số nhà khoa học thậm chí còn không thèm tự ẩn mình phía sau bức tường vốn từng được xem là trung lập của những nghiên cứu cơ bản, mà còn hợp tác tích cực với việc chế tạo các loại vũ khí vi trùng và các dụng cụ gây đau khổ khác.
Trịnh Xuân Thuận: Thật không thể tha thứ được cho một nhà khoa học cứ thản nhiên làm việc mặc dù đã biết rõ mục đích của sự phát triển các công cụ giết người và phá hủy hàng loạt. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi đã cảm thấy hết sức bàng hoàng khi biết tin rằng nhiều nhà khoa học lớn của Mỹ, trong đó có cả những người được nhận giải Nobel, đã tham gia các hoạt động của "Ủy ban Jason", một ủy ban do Lầu Năm Góc lập ra nhằm mục đích phát triển các loại vũ khí mới. Tôi đã lên tiếng phản đối ý định mời các nhà khoa học lớn này tập hợp nhau lại hàng tháng đề nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí có khả năng sát hại càng nhiều người càng tốt.
Matthieu: Trong khoảng thời gian từ 1936-1976, Chính phủ Thụy Điển đã triệt sản 60.000 người bị cho là ở "đẳng cấp thấp". Từ 1932-1972, chỉ với mục đích nghiên cứu quá trình phát triển về lâu dài của bệnh giang mai, 400 công dân Mỹ của Bang Alabama, tất cả đều nghèo và đều là người da đen, đã bị Sở Y tế Công cộng sử dụng như những chú chuột bạch thí nghiệm mà không hay biết. Trước đó, người ta đã hứa với các bệnh nhân này rằng họ sẽ được chăm sóc miễn phí và được hưởng một số khoản ưu đãi nhỏ khác (trong đó có 5.000 USD cho chi phí mai táng) để họ thường xuyên đến các cơ sở y tế để các bác sĩ theo dõi. Trên thực tế, họ đã không hề được điều trị. Đây đơn thuần chỉ là một nghiên cứu về quá trình phát triển của bệnh giang mai không được điều trị do các vị bác sĩ và nhà khoa học "khả kính" tiến hành và sau đó kết quả nghiên cứu của họ được công bố trên các tạp chí y học cũng "khả kính" không kém. 28 bệnh nhân đã chết vì căn bệnh này, 100 người bị biến chứng, 40 người vợ và 19 em bé bị lây nhiễm. Công trình nghiên cứu này đã đột ngột bị đình chỉ khi một nhà báo nữ tên là Jean Heller phát hiện ra và công bố rộng rãi trên báo chí. Tuy nhiên, không một thành viên nào của Sở Y tế Công cộng có liên quan đến nghiên cứu này tỏ ra dù chỉ một chút hối tiếc. Mà đây đâu có phải là các bác sĩ Đức Quốc Xã, họ đều là những viên chức và các nhà nghiên cứu, các công dân của một đất nước tự do. Các nạn nhân cuối cùng chỉ nhận được một khoản tiền đền bù nhỏ nhoi và không một vị bác sĩ nào bị truy tố trước pháp luật. Phải mãi đến năm 1997, Tổng thống Bill Cliton mới nhân danh nhân dân Mỹ nói lời xin lỗi.
Năm 1978, Tiến sĩ Hisato Yoshimura đã được nhận huân chương cao nhấ't của Nhật Bản - phần thưởng dành cho các công trình nghiên cứu của ông về "khoa học về sự thích nghi với môi trường". Trong Đại chiến Thế giới II, TS Yoshimuna đã từng là giám đốc Đơn vị 731, đơn vị tiến hành các thí nghiệm trên tù nhân của quân đội Đồng minh và Trung Quốc. Những nghiên cứu của ông vé sự thích nghi với môi trường chủ yếu là bắt những tù nhân ấy phải ngâm mình trong nước băng giá, rồi sau đó dùng búa nện vào họ để xác định thời điểm mà chân tay họ bị đông cứng lại. Nhiều cuộc thí nghiệm khác như phân phát cho trẻ em Trung Quốc kẹo chocolate chứa vi khuẩn gây bệnh than để kiểm tra xem sau bao lâu các em sẽ phát bệnh và chết. Các ví dụ này chỉ là những trường hợp hạn hữu so với những nỗ lực vô cùng lớn lao của khoa học để cải thiện cuộc sống của nhân loại, nhưng chúng cũng cho thấy rằng khoa học không có đạo đức nào khác ngoài cái đạo đức mà người ta gần cho nó.
Trịnh Xuân Thuận: Tôi tin rằng nhà khoa học không thể mãi thờ ơ với những hậu quả do các công trình nghiên cứu của anh ta gây ra. Anh ta phải đứng ra nhận trách nhiệm, đặc biệt nếu các nhà quân sự, các chính trị gia và các doanh nhân sử dụng kết quả nghiên cứu của anh ta để gây chiến, để củng cố quyền lực và để kiếm thêm nhiều tiền bằng cách bóc lột người nghèo hoặc phá hủy môi trường.
Matthieu: Việc buôn bán vũ khí là một trong những hình thức đáng giận nhất của thói đạo đức giả của các nhức giàu: 95% vũ khí của thế giới là do 5 nước thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sản xuất và bán? Đây lại là một thất bại hoàn toàn của đạo đức và ý thức trách nhiệm.
Điều tương tự xảy ra liên quan đến việc lãng phí tài nguyên tại các nước giàu. 6 tỷ đô la Mỹ là đủ để đảm bảo cho sự nghiệp giáo dục tiểu học trên phạm vi toàn thế giới, vậy mà hằng năm châu Âu và Mỹ tiêu tốn 12 tỷ USD cho nước hoa, cả thế giới tiêu tới 400 tỷ USD cho các chất ma túy và 700 tỷ cho chi phí quân sự. Trịnh Xuân Thuận: Tuy nhiên, người ta không thể kết tội các nghiên cứu cơ bản vì những lệch lạc này, và hơn thế nữa càng không thể buộc tội trí tuệ con người. Câ hai chỉ là những công cụ mà thôi.
Matthieu: Đành rằng việc sử dụng một cách nguy hiểm hoặc phù phiếm các kết quả nghiên cứu xét đến cùng chỉ là phản ánh sự yếu kém của đạo đức. Nhưng đó không thể là một lý do để cáo lỗi. Mặc dù một số ứng dụng của nghiên cứu khoa học đã khiến công chúng phải trầm trồ thán phục, như trường hợp kỹ thuật gene và năng lượng nguyên tử, nhưng đạo đức thì vẫn chưa phải là mối bận tâm chính của mỗi người. Đạo đức là đối tượng của các ủy ban để suy ngẫm, nhưng tác động của các kết luận mà họ đưa ra tới cuộc sống hàng ngày còn quá yếu ớt so với chủ nghĩa cơ hội chính trị, và còn yếu hơn nữa so với các quy luật nghiêm ngất của các thị trường thương mại.
Một ví dụ rất thời sự là trường hợp Công ty dược phẩm Mỹ Glaxo dọa sẽ kiện các chính phủ Nam Phi và Thái Lan nếu như hai nước này tự ý sản xuất các loại thuốc hợp thành tam liệu pháp chữa bệnh AIDS để bán với giá chấp nhận được đối với nhiều người như vậy, Glaxo muốn cuớp đi cơ hội sống thêm vài năm nữa của hàng triệu bệnh nhân. Ở đây, chúng ta nhận thấy lòng vị tha bị chối bỏ một cách trơ trẽn và đáng xấu hổ. Mà tại các nước giàu, việc chống lại bệnh AIDS đâu có thiếu nguồn kinh phí, và việc để các nước nghèo sản xuất hàng loạt các loại thuốc này sẽ không hề làm thay đổi doanh thu của Glaxo vì trong mọi trường hợp, các bệnh nhân của châu Phi và châu Á đâu có đủ tiền để mua thuốc của Mỹ. Tại Népal nơi tôi sống, theo các đánh giá chính thức, có khoảng 5-10% dân số nước này bị nhiễm HIV, vậy mà không ai được điều trị bằng tam liệu pháp.
Thậm chí các loại thuốc này còn không được nhập khẩu. Điều trị theo phương pháp mà Glaxo nắm độc quyền phải mất khoảng 420 USD mỗi tháng, trong khi đó lương tháng trung bình của một nhân viên văn phòng chỉ vỏn vẹn có 42 USD. Tôi hình dung được sự phẫn nộ của một nhà khoa học trung thực trước những chiến lược kinh doanh ghê tởm này. Đây thực chất là chính sách không hỗ trợ cho những người đang gặp nguy hiểm.
Một ví dụ đáng báo động khác, đó là sự bất lực hoàn toàn của các chính phủ trong việc hạn chế thãi khí gây ô nhiễm vào khí quyển, mặc dù rõ ràng rằng các điều kiện sống của nhân loại đang bị các loại khí thải này ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ có sự phản ứng rộng rãi dựa trên lòng quyết tâm của tất cả mọi người mới có thể ngăn chặn được hiện tượng này. Theo chiều hướng đó, có lẽ, một biện pháp tâm linh không giáo điều như của Phật giáo có thể sẽ có những đóng góp có giá trị.
Trịnh Xuân Thuận: Bằng cách nào?
Matthieu: Biện pháp "không giáo điều" theo tôi hiểu là một biện pháp không nhằm kết tội cuộc chạy đua tìm kiếm "tiến bộ" nhân danh sự quay trở lại ngây thơ với lối sống đã qua, cũng không phải là đi theo một cách khờ khạo quan điểm cho rằng tiến bộ được đo bằng tăng trưởng kinh tế hằng năm và những thành tựu công nghệ là không thể thiếu đối với hạnh phúc của nhân loại. Nếu như mục đích của chúng ta là để cho sự tồn tại của chúng ta được thỏa mãn một cách sâu xa, thì sẽ có những điều không thể thiếu, nhưng cũng có những cái khác mà chúng ta chắc chắn có thể bỏ qua. Cách nhìn nhận của Phật giáo về thế giới giúp chúng ta thiết lập một bảng theo thứ bậc các mục đích và hoạt động của chúng ta, cho phép chúng ta làm chủ được cuộc sống của mình. Cách phân tích của Phật giáo về các cơ chế của hạnh phúc và đau khổ cho chúng ta thấy rõ thói ích kỷ và lòng vị tha sẽ dẫn chúng ta tới đâu.
Trịnh Xuân Thuận: Nhưng làm thế nào điều này có thể dẫn đến đạo đức được?
Matthieu: Trên thực tế, những nền tảng của đạo đức rất đơn giản. Không có cái thiện và cái ác tự thân, chỉ có cái thiện và cái ác thông qua hạnh phúc và đau khổ cho người khác và cho chính mình. Nếu chúng ta biết làm nảy sinh trong ta một thái độ yêu thương khiến chúng ta quan tâm sâu sắc tới hạnh phúc của người khác thì tình thương và lòng vị tha này sẽ trở thành người dẫn dắt đáng tin cậy nhất đối với mọi suy xét của chúng ta. Đối mặt với cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ có nhiều khả năng đánh giá được đâu là những hành vi sẽ tạo ra nhiêu hạnh phúc và xoa dịu được nhiều nỗi đau. Đây là một kinh nghiệm trực tiếp hơn là những lý thuyết đạo đức hay là các quy tắc đã có sẵn. Kinh nghiệm này đòi hỏi một sự chú ý thường xuyên tới những suy nghĩ thúc đẩy chúng ta. Tâm hồn được so sánh với một tinh thể có màu sắc phụ thuộc vào vị trí mà người ta đặt nó. Bản thân nó là trung tính, và chính những chủ ý của chúng ta mới quyết định đặc tính thực sự của các hành vi của chúng ta, bất kể vẻ bề ngoài của các hành vi này có như thế nào đi chăng nữa.
Vấn đề ở đây không phải là kết tội những người hành động theo sự chi phối của hận thù, của lòng tham lam, kiêu ngạo hay ghen ghét, cũng không phải là dung túng cho những tình cảm phá hoại nàynhư các thành phần không thể tránh khỏi của tồn tại, mà phải coi nó như những triệu chứng của cái ác, mà khi cố gắng, người ta có thể loại bỏ được. Tóm lại, biện pháp của Phật giáo là hết sức hữu dụng.
Nghiên cứu khoa học cung cấp cho chúng ta thông tin, nhưng nó không dẫn đến bất kỳ một thay đổi bên trong nào. Ngược lại, nỗ lực tinh thần hay suy niệm lại dẫn đến một sự biến đổi sâu sắc về cách cảm nhận thế giới và tác động vào thế giới của chúng ta. Chẳng hạn như trong trường hợp của vật lý lượng tử, biết rằng ý thức của chúng ta không thể tách rời khỏi hiện thực tổng thể của thế' giới các hiện tượng là chưa đủ, mà cần phải nhận biết bằng trãi nghiệm cá nhân rằng nó là một phần của cái tổng thể đó. Chuyển từ một hiểu biết lý thuyết như vậy (mà rất có khả năng đó chỉ là các hiệu ứng ảo) sang một trãi nghiệm trực tiếp là chìa khóa của vấn đề đạo đức. Khi đạo đức là sự phản ánh của các phẩm chất bên trong và chi phối hành động của chúng ta, nó sẽ được xuất hiện một cách tự nhiên trong các suy nghĩ trong lời nói và hành động của chúng ta, và trở thành nguồn cảm hứng cho những người khác.
Trịnh Xuân Thuận: như vậy đây chính là sự thích hợp giữa lý thuyết và trãi nghiệm.
Matthieu: Đúng, và đây cũng chính là chỗ mà sức mạnh của kinh nghiệm phát huy hết giã trị của nó. Phát hiện ra các hiện tượng phụ thuộc lẫn nhau bằng khoa học là chưa đủ: trí tuệ chúng ta còn phải thấu triệt những hậu quả của phát hiện này, và cuộc sống của chúng ta nhờ đó phải có chuyển biến. Người tu hành Phật giáo đạt chính quả biết rằng việc thực hiện trên thực tế sự phụ thuộc lẫn nhau phải được thể hiện bằng lòng trắc ẩn không gì cờng nổi đối với mọi sinh linh và làm thay đổì sự tồn tại của mình cho tới tận chân tơ kẽ tóc. Ai đã từng được gặp những người như Đạt Lai Lạt Ma chẳng hạn đều biết rằng những giây phút ngắn ngủi bên ông cũng nói lên được nhiều điều hơn hàng trăm bài phát biểu về tình yêu và lòng trắc ẩn.
Còn về phương pháp nói riêng, nhìn chung, nó phải dần dần. Nó bất đầu bằng lắng nghe và học hỏi, sau đó là suy ngẫm và đạt đến đỉnh điểm trong sự hòa nhập vào bản thân chúng ta nhờ sự nhập định, một sự cảm nhận mới về sự vật và một hành vi mới. Trong trường hợp này, nhập định có nghĩa là làm quen với sự cảm nhận mới này về thế giới. Từ hiểu sẽ sinh ra nhập định, và sự nhập định này sẽ được thể hiện thành hành động như vậy là người ta chuyển tiếp liên tục từ hiểu biết sang biến đổi bên trong và sau đó là sang đạo đức thực thụ.
Xã hội của chúng ta sản sinh ra quá ít các nhà thông thái. Nó thường chỉ tạo ra các ủy ban đạo đức gồm các nhà tư tưởng lớn. Trong xã hội Tây Tạng nơi tôi sống, không bao giờ người ta chấp nhận đưa vào các ủy ban này nọ những người không có những phẩm chất nhân văn xác đáng theo bất cứ quan điểm nào. Người Tây Tạng không thể tưởng tượng nổi chuyện nhà tu hành cực giỏi trong việc truyền giảng tâm linh nhưng lại ích kỷ, nóng nảy, huênh hoang hay hành xử không tốt. Những người như thế sẽ chẳng được ai đến học hỏi cả.
Trịnh Xuân Thuận: Ở phương Tây, các tiêu chí đề lựa chọn thành viên của những "ủy ban các nhà thông thái" chủ yếu dựa trên những kết quả nghề nghiệp của họ. Còn các phẩm chất nhân văn ít khi được tính đến. Vậy mà rõ ràng là một nhà thông thái theo đúng nghĩa của nó trước hết phải có những phẩm chất của tinh thần và trái tim ở trình độ cao nhất.
Quan trọng hơn nữa, cách tiếp cận tâm linh còn cung cấp cho chúng ta một đường hướng hành xử trong cuộc sống. Trong lĩnh vực nghiên cứu của tôi, khoa học đứng trước nhiều vấn đề về đạo đức có tầm ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhiều trong thế kỉ XXI: phổ biến vũ khí hạt nhân, tàn phá môi trường, nhân bản vô tính, biến đổi gene và có thể cả việc lựa chọn một số loại người nữa. Vậy có nên kiểm soát nghiên cứu? Để đưa ra được câu trả lời, cần phải suy nghĩ sâu sắc thấu đáo bởi vì cũng cần bảo vệ sự tự do sáng tạo và nghiên cứu. Tri tưởng tượng phải được thể hiện mà không gặp cản trở, nếu không, nó sẽ lụi tàn. Chúng ta đã được chứng kiến những tác động thảm hại của sự độc đoán ở Trung Quốc hay ở Liên Xô cũ đến các hoạt động khoa học như thế nào. Vụ Lyssenko tại Liên Xô cũ là một ví dụ điển hình. Bởi vì Trofim Lyssenko đã có thể thủ tiêu mọi thành phần đối lập và từ 1932-1964, mặc dù không có một bằng chứng thực nghiệm nào, nhưng ông ta đã áp đặt quan điểm cho rằng gene không tồn tại và như vậy đã làm chậm lại tiến bộ của sinh vật học và di truyền học Xô Viết mấy thập kỷ.
Mặt khác, xã hội phải ý thức được rằng một số loại nghiên cứu có thể đi chệch hướng. Sự "can thiệp" vào các gene có thể làm sống lại những luận điểm của thuyết ưu sinh nhằm bảo vệ những chủng tộc được gọi là "thượng đẳng" và loại bỏ những người "hạ đẳng". William Shockley, người được giải Nobel về vật lý vì phát hiện ra transitor, đã dành những năm cuối đời để xúc tiến một chương trình triệt sản dựa trên chỉ số thông minh.
Theo tôi, nhà khoa học không nên tham gia vào một số nghiên cứu mà chưa tính toán kỹ lưỡng những hậu quả của nó về mặt đạo đức vậy thì phải dựa vào tiêu chí nào để quyết định? Tôi cũng nghĩ như ông, đó phải là lòng vị tha và tinh thần trách nhiệm toàn nhân loại mà Phật giáo có nói đến: nhà khoa học phải định hướng những nghiên cứu của mình đề nó không gây ra đau khổ cho người khác.
Đáng tiếc là nói thì dễ mà làm mới khó, vì đánh giá những hậu quả của các nghiên cứu của mình không phải là điều dễ dàng đối với các nhà khoa học. Tôi xin đưa ra một ví dụ cụ thể: trong quá trình xây dựng thuyết tương đối hẹp, khi Einstein phát hiện ra sự tương đương của vật chất và năng lượng, ông vẫn chưa thể hình dung được rằng phát hiện này sẽ dẫn đến phát minh bom nguyên tử và gây tang tóc cho biết bao người dân Hiroshima và Nagasaki.
Matthieu: Một ví dụ khác: đó là sự la ó phản đối hơi thiếu suy nghĩ đối với sự ra đời bằng phương pháp nhân bản vô tính của con cừu Dolly. Vấn đề ở đây không phải là bản thân di truyền học hay vật lý nguyên tử, mà là cách người ta sử dụng chúng. Năm 1952, trong một bài phát biểu của mình, Phó Tổng thống Mỹ Adlai Stevenson đã nói: "Tự nhiên hoàn toàn trung tính. Con người đã ấy đi của Tự nhiên khâ năng biến thế giới thành sa mạc hoặc làm cho các sa mạc khô cằn trở nên trù phú. Cái ác không nằm trong nguyên tử mà nằm trong đầu óc con người". Khoa học vừa có thể bão vệ sự sống, vừa có thể chế tạo ra các loại vũ khí để hủy diệt sự sống. Mục đích ở đây không phải là ngăn cản nghiên cứu khoa học, điều này khó có thể chấp nhận và không thể thực hiện được, mà là phải thừa nhận tầm quan trọng lớn lao hơn của những phẩm chất nhân văn và chính những phẩm chất này sẽ gợi ý cho các nhà nghiên cứu các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách. Đúng là trí tuệ, sự giàu có, sức mạnh cơ thể, cái đẹp và quyền lực - tất cả đều là những công cụ vốn trung tính nhưng lại có thể được sử dụng cho mục đích tết hoặc xấu. Chính vì thế, một trong những mặt cơ bản của việc thực hành Phật giáo là nhấn mạnh đến sự phát triển của lòng vị tha.
Trịnh Xuân Thuận: Như vậy, khoa học tự bản thân nó không mang các giá trị. Chính những ứng dụng của khoa học theo mục đích của con người mới mang giá trị tốt hay xấu. Nhân bản vô tính tự bản thân không xấu. Nó có thể giúp làm giảm thiểu những nỗi đau lớn bằng cách chẳng hạn như tạo ra khả năng nuôi cấy các tế bào mới để thay thế các tế bào da của những người bị bỏng nặng, các tế bào não của những người bị bệnh Alzheimer hay Parkinson, hay các tế bào tủy sống trong xương bị phá hủy do quá trình điều trị bằng hóa học cho các bệnh nhân ung thư.
Nói như vậy phải chăng thái độ cởi mở của Phật giáo đối với nhân bản vô tính là do Phật giáo không xem xét quan niệm về một Đấng Tạo hóa? Nhân bản vô tính bị tất cả các tôn giáo lớn khác đồng loạt lên án: Thiên Chúa giáo, Tin lành, Hồi giáo và Do Thái giáo, vì các tôn giáo này nhận thấy trong kỹ thuật này một âm mưu thay thế Chúa. Tội phạm thượng này sẽ không tồn tại nữa ngay khi khái niệm Đấng tạo hóa không tồn tại.
Matthieu: Tôi không nghĩ rằng quan điểm của Phật giáo đối với nhân bản vô tính có thể được coi là cởi mở, nhưng quan điểm này không giáo điều. Vấn đề nhân bản vô tính xác lập lại sự tôn trọng các quyền cơ bản của các sinh vật, dù là con người hay động vật, đều được tránh xa đau khổ và sống hạnh phúc. Các sinh vật sinh ra bằng phương pháp vô tính chẳng khác gì những cặp song sinh thực thụ, chỉ có điều chúng không cùng tuổi mà thôi. Tạo ra các sinh vật bằng phương pháp vô tính nhằm mục đích thực dụng cũng dã man chẳng kém gì việc sinh ra các em bé nhằm mục đích biến chúng thành những ngân hàng cung cấp các bộ phận thay thế. Mong muốn được nhân bản vô tính để kéo dài vĩnh viễn sự tồn tại của mình chỉ là một biểu hiện nực cười về một cái tôi thái quá. Muốn tạo ra bằng phương pháp vô tính một vận động viên thể thao đỉnh cao, một minh tinh màn bạc hoặc một con chó của mình để vĩnh viễn có nó bên cạnh mình là một lòng tham trẻ con không hề giống với tình yêu và lòng nhân ái. Chúng ta phải học cách đánh giá chính xác tiềm năng kỳ diệu của cuộc sống con người. Thế giới về bản chất là phù du, vì vậy mong muốn bám một cách vô vọng vào ảo tưởng về sự vĩnh cửu của các sự vật, vào một giấc mơ về sự vĩnh hằng, chỉ có thể là nguồn gốc của những thất vọng vô ích. Ngược lại, tôi đồng ý với ý kiến cho rằng nghiên cứu về nhân bản vô tính có thể dẫn đến những kỹ thuật mới về nuôi cấy mô, thậm chí là các bộ phận có thể làm giảm nhẹ nhiều nỗi đau. Tại sao lại không thay thế gan bị bệnh của một ai đó bằng một lá gan khỏe mạnh được tạo ra từ một trong các tế bào của người đó? như vậy, không phải thành tựu của di truyền học hay các ngành khoa học khác là đáng sợ mà cái đáng sợ chính là những động cơ không rõ ràng và thiếu trách nhiệm quyết định mục đích sử dụng của các ngành khoa học này.
Trịnh Xuân Thuận: Tôi đã thường nghĩ rằng Đức Phật răn dạy trước hết một triết lý thực dụng: mục đích chính của con người là tự cải thiện mình trong quá trình sống hàng ngày mà không cần phải bận tâm về nguồn gốc của vũ trụ hay của sự cấu thành vật chất.
Matthieu: Khi một ai đó chỉ vì tò mò hỏi Đức Phật đâu là nguồn gốc của vũ trụ và quấy nhiễu Ngài bằng các câu hỏi không có bất kỳ một tác động nào đến sự tiến bộ của tinh thần, Ngài sẽ im lặng. Vì trước hết là một con đường dẫn đến Giác Ngộ, nên Phật giáo xác lập ra một cách tự nhiên thứ bậc giữa các tri thức giúp con người đạt được mục đích này và những tri thức khắc, mặc dù cũng rất đáng trân trọng, nhưng chỉ có tác động nhỏ đến mục đích này.
Trịnh Xuân Thuận: Phật giáo hiểu Giác ngộ là gì?
Matthieu: Đó là sự chấm dứt mọi sai lầm và gắn liền với nó là một lòng thương người vô bờ bến. Đó là sự hiểu biết, nhưng không phải là sự tích lũy đơn thuần các dữ liệu như trong khoa học, mà là sự hiểu thấu các phương thức tồn tại tương đối (cách mà các sự vật thể hiện trước chúng ta) và cuối cùng (bản chất thực của chúng) của trí tuệ chúng ta và của thế giới. Sự hiểu biết này là phương thuốc chính cho sự vô minh. Vô minh ở đây được hiểu không phải đơn thuần là sự thiếu thông tin, mà là một cái nhìn sai lệch về hiện thực làm chúng ta tin rằng các sự vật là vĩnh cửu và bền vững, rằng cái tôi của chúng ta tồn tại thực sự, và do đó chúng ta thường lẫn lộn niềm vui thoáng qua hay sự giảm nhẹ một nỗi đau bằng hạnh phúc lâu dài. Chính sự vô minh này đã thúc đẩy chúng ta xây dựng hạnh phúc trên nỗi đau của người khác. Chúng ta tham lam để thỏa mãn cái tôi của chúng ta và thể hiện thái độ ghê tởm với những cái dường như làm tổn hại đến cái tôi đó. Dần dần, các sự kiện tâm lý đan xen chặt chẽ với nhau sinh ra ngày càng nhiều lẫn lộn trong đầu óc của chúng ta và dẫn tới một hành vi hoàn toàn vị kỷ. Sự vô minh cứ thế kéo dài mãi và làm mất đi sự yên ổn bên trong của chúng ta. Giác ngộ mà Phật giáo đề cập tới là phương thuốc hữu hiệu chống lại đau khổ. Theo cách nhìn này thì người ta buộc phải chấp nhận rằng biết độ sáng của các ngôi sao hay khoảng cách giữa chúng tuyệt đối chẳng có tác dụng gì và thậm chí cũng chẳng dạy cho chúng ta biết làm thế nào để trở thành những con người tốt hơn.
Trịnh Xuân Thuận: Chính nhận định này đã khiến tôi nghĩ rằng Phật giáo không quan tâm tới tất cả những loại kiến thức không tác động trực tiếp đến sự tiến bộ về đạo đức và tâm linh của chúng ta cũng như đến hành vi của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày vậy thì bằng cách nào, hiểu biết về nguồn gốc của vũ trụ và về số phận của nó, hoặc hiểu biết về bản chất của thời gian và không gian có thể giúp chúng ta đạt đến Niết bàn?
Matthieu: Tôi xin kể ra đây ví dụ về một người hỏi Đức Phật về một số điểm thuộc vũ trụ luận. Đức Phật cầm lấy một nắm lá và hỏi người đó: "Lá trong tay ta nhiều hay lá trong rừng nhiều?" Chắc chắn là lá trong rừng nhiều hơn rồi, người đó đáp. Đức Phật nói tiếp "Thếnhưng, những chiếc tá mà ta cầm trong tay tại biểu hiện những hiểu biết dẫn tới làm tiêu tan đau khổ. Như vậy, Đức Phật đã chứng tỏ rằng một số câu hỏi là vô ích. Thế giới cung cấp một phạm vi nghiên cứu vô hạn, cũng nhiều như lá cây trong rừng vậy. Nếu điều mà người ta mong muốn tột đỉnh trong cuộc đời là đạt đến Giác Ngộ, thì nên dành trọn cuộc đời cho mục đích ấy bằng cách chỉ tích lũy những kiến thức giúp ta đạt được ước vọng này.
Kinh nghiệm cho thấy rằng để xóa đi ngu muội, cần phải hiểu một cách chính xác bản chất của thế giới bên ngoài và của bản ngã, những cái mà chúng ta gọi là "hiện thực". Chính vì thế, Đức Phật biến sự thấu hiểu này thành chủ đề chính trong những bài giảng giải của Ngài. Ngài cũng nhiều lần bác bỏ quan điểm về một nguyên nhân đầu tiên và duy nhất về thế giới hiện tượng. Ngài còn nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa cách thức mà chúng ta cảm nhận các hiện tượng và bản chất thực của chúng và về những tác động xấu của quan niệm sai lệch này. Trong lúc tranh tối tranh sáng, nhìn sợi dây thừng thành con rắn gây ra những sợ hãi vô ích, nhưng ngay khi chiếu sáng sợi dây này và nhận ra bản chất đích thực của nó, nỗi sợ hãi của chúng ta sẽ không còn lý do để tồn tại nữa. Sự nghiên cứu của Phật giáo dẫn đến nhận định rằng cái tôi và các hiện tượng bên ngoài không tòn tại một cách độc lập, rằng sự phân biệt giữa "tôi", và "người khác" chỉ là một cãi nhãn ảo tưởng. Đây là điều mà Phật giáo gọi là "sự trống rỗng", hay còn gọi là không thực sự tồn tại. Mặt khác, mong muốn bằng mọi giá tìm ra một nguyên nhân đầu tiên cho các hiện tượng là sự phản ánh đơn thuần xu hướng của suy nghĩ con người muốn vật chất hóa tất cả những gì chúng ta cảm nhận; muốn gắn cho chúng một sự tồn tại tự thân, một hiện thực bền vững phù hợp với cách cảm nhận thông thường của chúng ta về sự vật Quan niệm về "nguyên nhân đầu tiên" này đã ngự trị trong tư tưởng tôn giáo, triết học và khoa học phương Tây trong hơn hai thiên niên kỷ.
Trịnh Xuân Thuận: Thật vậy, cho tới thế kỉ XIX, khoa học cổ điển vẫn quan niệm sự vật như những thiên chất của một hiện thực tự thân và bị chi phối bởi các quy luật cứng nhắc về nhân-quả. Người ta đã giảng dạy điều này dưới dạng "các bài học về sự vật. Cơ học lượng tử ra đời đầu thế kỉ XX đã làm lung lay đáng kể ý tưởng về một hiện thực tự thân tạo bởi các yếu tố cơ bản của vật chất và đã xem xét lại một số khái niệm về quan hệ nhân quả: Nhưng quan niệm này của Phật giáo về sự trống rỗng lẽ nào lại không khiến người ta nghĩ đến một hư không, một sự không tồn tại của tất cả? Các sự vật hiện tượng có thể vận hành như thế nào nếu như chúng là "trống rỗng"?
Matthieu: Khi dạy rằng sự trống rỗng là bản chất cuối cùng của sự vật Phật giáo muốn nói rằng các hiện tượng và những chức năng mà chúng thực hiện không hề tồn tại độc lập và vĩnh viễn như vậy, sự trống rỗng không phải là một loại thực thể độc lập. Đó là kiểu tồn tại của sự vật như nó được phát lộ thông qua sự phân tích. Đây hoàn toàn không phải là hư không, là hoàn toàn không có các hiện tượng như những nhà phê bình Phật giáo đầu tiên ở phương Tây đã từng nghĩ. Đến lượt mình, khái niệm trống rỗng lại không được dùng để làm chỗ dựa cho việc xây dựng các nội dung khái niệm mới. Chính vì thế, Đức Phật luôn thận trọng khi nói đến "sự trống rỗng của trống rỗng". Thực tế, các khái niệm về tồn tại và không tồn tại chỉ có nghĩa trong tương quan với nhau. Nếu như người ta không thể nói về tồn tại thực thì nói về không tồn tại sẽ trở nên vô lý. Cuốn Luận cơ bản về sự hoàn thiện của minh triết viết: "Những ai quyến luyến với trống rỗng sẽ vô phương cứu chữa. Tại sao lại vô phương cứu chữa? Bởi vì suy nghĩ về cái trống rỗng là phương thuốc giúp tự giải phóng khỏi những quan niệm lệch lạc về bản chất của vạn vật, khỏi sự quyến luyến với một hiện thực bền vững. Vậy nên nếu phương thức này bản thân nó trở thành một nguồn của sự quyến luyến với "trống rỗng", thì sẽ vô phương cứu chữa. Cũng cuốn sách này kế't luận: "Vì vậy, kế't quả là sự thông tuệ sẽ không còn tồn tại trong cả tồn tại lẫn không tồn tại".
Chính trong bối cảnh đó mà triế't học Phật giáo cố gắng phân tích sự tồn tại, hay không tồn tại, của các phần tử không thể phân chia được nữa của vật chất và những thời điểm của ý thức. Theo Phật giáo, sự phân tích thế giới phi hiện thực của các sự vật là một phần không thể tách rời của con đường tâm linh, vì nó cho phép xóa bỏ niềm tin của chúng ta về sự tồn tại tự thân của các hiện tượng.
Trịnh Xuân Thuận: Mục đích của sự hiểu biết về thế giới các hiện tượng có phải là hiểu biết về chính bản thân mình?
Matthieu: Hai loại hiểu biết này gắn bó với nhau, vì đó là một cách nghiên cứu tổng thể, trong đó tính hai mặt giữa mình và thế giới tự xóa nhòa trong thế giới phi hiện thực các hiện tượng. Hiểu biết về bản chất của tâm linh chúng ta và hiểu biết về bản chất của các hiện tượng sẽ trở nên rõ ràng và bổ sung lẫn nhau, và mục đích cuối cùng của chúng là làm tiêu tan đau khổ.
Trịnh Xuân Thuận: Phải chăng điều này giải thích cho mối quan tâm ngày càng gia tăng đối với Phật giáo ở phương Tây?
Matthieu: Các phương pháp phân tích và chiêm nghiệm của Phật giáo không bao giờ tự gắn cho mình mục đích xây dựng các hệ thống triết học u mê và cũng không lao vào những tư biện vô ích. Chúng chủ yếu nhằm giải thoát cho chúng ta khỏi sự lẫn lộn mơ hồ trong tâm tưởng - vốn là nguồn gốc của sự đau khổ. Sự hiểu biết này là cực kỳ thực dụng và kéo theo những thay đổi bên trong không thể phủ nhận được.
Tôi thấy sự quan tâm đối với triết học Phật giáo từ vài năm trở lại đây là chuyện hoàn toàn tự nhiên. Điều này gần giốngnhư người ta phát hiện ra một cái hòm chứa đầy sách vở của các nhà thông thái Hy Lạp mà cho tới lúc đó chưa ai biết tới. Tôi không nghĩ rằng sự quan tâm này chỉ có tính phong trào chạy theo mốt, mà là kết quả của một cuộc tìm kiếm tri thức đúng đắn. Từ rất lâu, như Roger-Pol Droit đã từng chứng tỏ trong cuốn Sự lãng quên của Ấn Độ, một chứng mất trí triết học rằng triết học Phật giáo và các triết học khác của phương Đông đã không được các nhà tư tưởng phương Tây biế't đế'n. Họ đều nhất trí cho rằng không bao giờ có một triế't học nào nghiêm túc như ở châu Âu. Tại sao các triế't học khác lại không được giảng dạy tại các trường học của phương Tây ngang bằng với triết học Hy Lạp mà bản thân các trường học này đã quá dư thừa? Liệu có hay không một thực thể bền vững đằng sau những vẻ bề ngoài? Nguồn gốc của thế giới hiện tượng là gì? Mối quan hệ nào giữa hữu sinh và vô sinh? Thời gian, không gian và các quy luật của tự nhiên có thực sự tồn tại hay không? Từ 2.500 năm nay, các nhà siêu hình Phật giáo đã miệt mài nghiên cứu các câu hỏi này. Các tài liệu về Phật giáo đã có rất nhiêu sách luận về logic, về các lý thuyết tri giác, về các phân tích tính hiện thực của thế giới các hiện tượng ở các trình độ khác nhau, cũng như các sách về tâm lý học đi sâu phân tích chi tiết các loại "sự kiện trí óc" khác nhau và các khía cạnh khác của tinh thần con người. Đây hoàn toàn không phải là những việc mơ mộng viển vông!
Trịnh Xuân Thuận: Ông muốn nói Phật giáo là một khoa học về tâm linh? Liệu đây có phải là một khoa học giống như khoa học tự nhiên dựa trên quan sát, đo đạc và có ngôn ngữ là toán học?
Matthieu: Tính xác thực của một khoa học không nhất thiết phụ thuộc vào các phép đo vật lý, cũng như các phương trình toán học phức tạp. Một giả thuyết có thể được kiểm chứng bằng kinh nghiệm bên trong mà vẫn không hề thiếu tính chặt chẽ. Phương pháp của Phật giáo bắt đầu bằng phân tích và thường viện đến "những thực nghiệm trong óc", những thực nghiệm không thể bác bỏ được trên phương diện khái niệm, ngay cả khi chúng không thể được tiến hành trong hiện thực vật lý. Đây là một cách tiến hành đã được sử dụng rộng rãi trong khoa học. Trịnh Xuân Thuận: Thật vậy, các thực nghiệm được tiến hành thuần túy bởi tư duy rất hữu ích trong vật lý. Chúng thường được Einstein và các nhà vật lý nổi tiếng khác áp dụng không chỉ để chứng minh các nguyên lý vật lý mà còn để làm sáng tỏ các kết quả nghịch lý trong việc diễn giải một số tình huống vật lý. Chẳng hạn, để nghiên cứu bản chất của thời gian và không gian, Einstein đã tưởng tượng mình cưỡi lên một hạt ánh sáng. Để suy nghĩ về lực hấp dẫn, ông đã tưởng tượng mình đứng trong một cầu thang máy rơi tự do trong chân không.
Tôi nghĩ rằng vật lý hiện đại, sau hàng loạt những phát minh và những câu hỏi siêu hình không thể tránh được, sẽ tìm thấy trong Phật giáo (hoặc trong các tôn giáo hay triết học khác) những đồng vọng hết sức bất ngờ. Nhưng tại sao Phật giáo lại quan tâm đến khoa học hiện đại, đặc biệt là vật lý và vật lý thiện văn, trong khi đó nó lại không hề quan tâm tới công nghệ?
Matthieu: Tất nhiên, mối quan tâm chủ yếu của Phật giáo không phải là khoa học hiện đại, nhưng Phật giáo quan tâm đến khoa học hiện đại là vì trong quá trình phân tích hiện thực, Phật giáo từ lâu đã tự đặt ra cho mình những câu hỏi tương tự những câu hỏi mà vật lý hiện đại nêu lên: các hạt tự lập không thể phân chia được nữa có thể tạo nên các "viên gạch" dùng để xây dựng nên thế giới vĩ mô không? Liệu chúng có một hiện thực tối hậu, hay sẽ được quy về những cái nhãn tưởng tượng? Các định luật vật lý có tồn tại tự thân theo cách như những Ý niệm của Platon? Phật giáo coi sự phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng là sự mô tả thích hợp nhất về hiện thực bề ngoài. Mà khái niệm về tính tổng thể (sự phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các hiện tượng và chủ thể cảm nhận hiện tượng đó) được áp đặt từ thời Niels Bohr và Heisenberg- cha đẻ của vật lý lượng tử, lại đã được kiểm chứng bằng thực nghiệm trong 20 năm trở lại đây. Như vậy, khái niệm này thể hiện một trong số những phát hiện cơ bản nhất của vật lý hiện đại. Không bị rơi vào bẫy của những vẻ tương tự bề ngoài, việc khai thác hai cách tiếp cận láy có thể sẽ giúp chúng ta tìm hiểu sâu sắc thêm những khía cạnh cơ bản về thế giới quan của chúng ta.
Phật giáo trước hết là một nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm trực tiếp nên nó không xơ cứng trong các giáo điều mà nó biết cách tránh xa, nếu không sẽ phải xem xét lại chính những cơ sở tồn tại của mình. Phật giáo sẵn sàng chấp nhận tất cả các cách nhìn nhận hiện thực có những tiêu chí của chân lý đích thực. Đức phật đã nhiều lần khuyến khích các đệ tử của mình hãy bằng chính những kinh nghiệm của mình phát hiện lại sự phụ thuộc lẫn nhau của ý thức và thế giới, để thay đổi cách nhìn nhận về hiện thực của mình Ngài đã thường xuyên cảnh báo họ về sự nguy hiểm của một niềm tin mù quáng và giáo điêu. Ngài nói: "Hãy kiểm tra sự đúng đắn của những lời giảng giải của ta như các ngơi kiểm tra sự thuần khiết của một khối vàng, bằng cách đập nó vào đá, lấy búa rèn nó hoặc nung chảy nó. Đừng chấp nhận điều ta nói chỉ đơn giản vì lòng kính trọng đối với ta". Như vậy, vấn đề không phải là tin mà là biết. Kinh nghiệm cá nhân, dựa trên sự phân tích nội quan giúp chúng ta hiểu rằng cái tôi chỉ là sự vật chấ't hóa không có cơ sở của một tập hợp các mối liên kết động, tạm thời và không thể nắm bắt được.
Trịnh Xuân Thuận: Trong Phật giáo không có chủ nghĩa giáo điều, điều này luôn làm cho tôi khâm phục. Vả lại chính tinh thần vị tha và rộng mở này đã giúp Phật giáo chung sống hòa bình với các tín ngưỡng khác trong các xã hội mà Phật giáo thâm nhập vào. Liệu có tìm được những phân tích mà ông vừa mô tả trong các kinh sách Phật giáo ở Tây Tạng không?
Matthieu: Những phân tích này nằm trong hàng trăm cuốn kinh ghi lại lời của Đức Phật đã được các đệ tử của Ngài thu thập lại, cũng như trong các cuốn sách bình chú của Ấn Độ được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng (213 cuốn) kể từ thế kỉ IX đến nay. Chúng cũng được trình bày trong hàng nghìn cuốn bình chú của người Tây Tạng. Đức Phật ra đời vào thế kỉ V trước CN. Phật giáo bắt đầu suy tàn ở Ấn Độ kể từ thế kỉ VII và biến mấ't khỏi nước này vào khoảng thế kỉ XII. Nhiều nứơc ở châu Á khi đó đã tiếp nhận nó. Điều này đã cho ra đời ở Tây Tạng một truyền thống kinh viện và thiền na rấ't phong phú. Hệ thống kinh lý Tây Tạng là phong phú nhấ't ở phương Đông, chỉ sau kinh lý cổ điển bằng tiếng Phạn và tiếng Trung Quốc. Ngoài các cuốn bình chú còn có các cuộc tranh luận siêu hình giữa Phật giáo và Ấn Độ giáo. Các cuộc tranh luận này chủ yếu đề cập đến sự tồn tại hay không tồn tại một Đấng Tạo hóa, một tâm hồn lĩnh cửu, những thực thể phổ biến tương đương với những ý tưởng của Platon. Các cuộc tranh luận này cho đến nay vẫn còn tiếp diễn tại các thảo am, cho phép làm sáng tỏ quan điểm của Phật giáo về nhiều vấn đề mà chúng ta sẽ tranh luận.
Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rộng nếu không có một lòng vị tha, yếu tố quyết định để làm tiêu tan những nguyên nhân của đau khổ đến tận gốc rễ của nó thì tất cả những gì chúng ta nói sẽ chỉ là vô ích.
Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018
Chuong 1: Noi giao nhau cua nhung con duong
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hien huu nhu that da va dang
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Nhờ có sự hộ niệm cho cuộc diện kiến mặt-đối-mặt như thế, cho dù thần thức có yếu đuối thế nào đi nữa, chắc chắn không còn nghi ngờ gì là c...
-
Chính vì muốn dẫn dắt khéo léo các đệ tử mà ta khai thị nhiều pháp môn khác nhau. Laṅkāvatārasūtra Kinh Lăng già Maria Montenegro...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét