Đức Phật nói: "Trong suốt 49 năm Ta đã chưa từng thuyết một lời nào."
Trong Đại Phẩm, Ngài Tu Bồ Đề hỏi:
- Nếu các pháp cứu cánh là Không thì vì cớ gì Phật dạy Bồ Tát từ sơ địa cho đến thập địa?
Phật đáp:
- Do các pháp cứu cánh Không cho nên liền có sơ địa cho đến thập địa. Nếu các pháp có tánh quyết định thì không có một địa cho đến mười địa.
Lời dạy trên khiến chúng ta liên tưởng đến cách phân chia Ngũ Thời Bát Giáo của Pháp Hoa Tông, tất cả đều nương nơi Không mà lập nghĩa. Vì là Không nên các pháp thành tựu, nếu chẳng phải là Không thì các pháp chẳng thể thành. Năm thời giáo hóa theo Thiên Thai Trí Khải là thời Hoa Nghiêm, Lộc Uyển, Phương Đẳng, Bát-nhã, và Niết Bàn. Trong năm thời có tám cách thức giáo hóa khế hợp căn tánh chúng sinh. Tám cách thức giáo hóa này lại được chia ra làm hai. Thứ nhất là Hóa Nghi Tứ Giáo gồm có: Đốn giáo, Tiệm giáo, Bí mật giáo, Bất định giáo. Thứ hai là Hóa Pháp Tứ Giáo gồm có: Tam tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, và Viên giáo. Cách thức phân chia này cho chúng ta thấy rất rõ Đức Phật đã vì chúng sinh mà thuyết pháp khế cơ, cho nên trong Hóa Nghi Tứ Giáo còn có Bất Định Pháp trong đó thính chúng mỗi người tùy căn tánh nên nghe pháp nhưng giác ngộ khác nhau.
Ấn Quang Đại Sư nói:
"Pháp Như Lai thuyết khế cơ nhưng đồng vị
Dùng Quyền môn ẩn Thật pháp bên trong
Năm thời giáo hóa, pháp pháp dung thông
Thời cơ đến liền khai Quyền hiển Thật."
(Trích tập Lời Vàng Ấn Quang Đại Sư, Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch)
Cho đến ngày nay, ngoài sự chia rẽ giữa các pháp môn (Thiền tông, Tịnh độ tông…) của một số người quá khích, còn có sự tách biệt giữa Bắc Tông và Nam Tông, còn gọi là Đại thừa và Tiểu thừa. Một số người theo Nam tông thích danh từ Phật giáo nguyên thủy hơn là danh từ Tiểu thừa, tức Phật pháp cội nguồn trước khi được phổ biến sang Trung quốc. Theo tôi, dù chỉ nói đến ứng thân vị Phật lịch sử là Đức Thích Ca Mâu Ni, nếu dùng chữ "nguyên thủy" thì chữ "nguyên" này phải là "nhất âm giáo" tức từ kim khẩu Phật thuyết ra trong các thời pháp trước khi phân hóa.
Tuy nhiên, chữ Nhất (一) lại có nhiều nghĩa:
1: Một, là số đứng đầu các số đếm. Phàm vật gì chỉ có một đều gọi là Nhất cả.
2: Cùng. Như sách Trung Dung 中庸 nói : Cập kì thành công nhất dã 及其成工一也 nên công cùng như nhau vậy.
3: Dùng về lời nói hoặc giả thế chăng. Như vạn nhất 萬一 muôn một, nhất đán 一旦 một mai.
4: Bao quát hết thảy. Như nhất thiết 一切 hết thảy, nhất khái 一概 một mực như thế cả.
5: Chuyên môn về một mặt. Như nhất vị 一味 một mặt, nhất ý 一意 một ý.
Ngoài ra chữ Nhất còn biểu thị bình đẳng, tuyệt đối. Âm là âm thanh của Đức Phật.
Ngài Cưu Ma La Thập cho rằng thuật ngữ "nhất âm" có nghĩa là chúng sinh đồng thời nghe lời Phật thuyết nhưng vì căn cơ chúng sinh có sâu cạn khác nhau nên tiếp thu lời dạy khác nhau, do đó mà chia cắt thành Đốn, Tiệm, Đại, Tiểu v.v…
Ngài Bồ Đề Lưu Chi thì cho rằng trong "nhất âm giáo" của Đức Phật có đủ các pháp Đại thừa và Tiểu thừa.
Như vậy, dù là âm thanh đầu tiên xuất phát từ kim khẩu Đức Bổn Sư thì đó cũng chính là pháp bất định trong Ngũ Thời Bát Giáo đã nói ở trên. Khi đã bất định thì không thể khen pháp này, chê pháp nọ v.v…
Pháp Hoa Huyền Nghĩa, quyển 10, Thiên Thai Trí Khải nói:
"Vấn nạn về nhất âm giáo là chỉ nói một đại thừa không có ba thừa sai biệt, tức là chỉ có Thực trí, không có Quyền trí. Nếu chỉ có Đại thừa thì cớ sao trong kinh Pháp Hoa lại nói [Nếu ta khen ngợi Phật thừa thì chúng sanh chìm vào khổ não, sẽ không tin và phá pháp cho nên rơi vào ba đường ác], và [khi Phật tư duy tìm kiếm phương tiện, thì chư Phật khắp mười phương đều hoan hỷ] cho nên phải biết rằng chẳng phải Phật chỉ nói một thừa giáo. Kinh nói: "Phật tánh cũng chẳng phải nhất định nói ba thừa, tức là ba và cũng là tất cả các thừa phương tiện: ba thừa, năm thừa, bảy thừa v.v…"
Chúng ta chú ý đến cách thức Thiên Thai Trí Khải diễn đạt tính chất phổ thuyết, phổ môn, phổ hóa… của Phật pháp trong cách đại sư dùng chữ ba thừa, năm thừa, bảy thừa v.v… cho đến trăm ngàn muôn ức thừa hoặc tám vạn bốn ngàn pháp môn. Điều này càng xiển minh rõ ràng Phật giáo là chiếc nôi phổ môn, trong đó có Thánh đạo, của nhân loại như đã nói ở Phần I.
Cũng trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa, quyển 10, Đại sư nói: "Nay nếu quyết hiểu rõ các thừa thì tức là Như Lai Tạng. Tạng ấy gọi là Phật tánh. Từ sự thiện của Trời, Người cho đến các thừa riêng biệt đều là pháp vốn bất động nên trở thành Diệu."
Như hai mặt của một bàn tay, không phải lìa vô minh mà có trí tuệ, không phải lìa sinh tử mà có Niết Bàn, không phải lìa phiền não mà có Bồ Đề ở một nơi nào khác. Tánh và Tướng nhất như, Không và Giả dung hóa lẫn nhau tạm gọi là Trung Đạo. Băng là nước đông lại và nước là băng tan rã. Đông đặc hay tan rã là cái dụng thần biến của trí tuệ bát-nhã như hai cánh chim Đại Bàng bay vút giữa không trung, vượt trên tất cả trói buộc của các loại quy chế giả lập mà tưởng lầm đó là chân lý duy nhất.
Thí dụ, pháp Thập nhị nhân duyên thường được nhìn là pháp tu của các bậc Duyên Giác, pháp Tứ Diệu Đế là pháp tu của các bậc Thanh Văn. Người đời hỏi bạn tu pháp môn gì, sau đó lập tức nghĩ ngay đến quả vị tối hậu mà bạn có thể chứng đắc. Cũng vì vậy mà có sự phân chia, đối nghịch giữa người với người. Sự thật thì không phải như vậy.
Pháp Hoa Huyền Nghĩa, quyển 8, nói:
"Đại kinh nói: mười hai nhân duyên có bốn cách quán chiếu. Người hạ trí quán thì đạt đuợc Bồ-đề của Thanh văn, người có trí bậc trung quán sát thì đạt được Bồ-đề của Duyên giác, người thượng trí quán sát thì đạt được Bồ-đề của Bồ Tát, bậc thượng thượng trí quán sát thì đạt được Bồ-đề của Phật." Vì sao? vì mười hai nhân duyên vốn là một cảnh. Nhưng do duyên hiểu bất đồng mà mở ra thành bốn loại trí. Nay dùng ý của bốn giáo để giải thích vấn đề đó."
"Như vậy, quán sát tam đạo không khác với tam đức và tam đức không khác với tam đạo. Người ở trong ba đường ác mà đầy đủ tất cả Phật pháp, Vì sao? Vì ba đường ác tức là ba đức và ba đức là Đại Niết Bàn nên gọi là "tạng bí mật". Đây tức là đầy đủ quả Phật, nếu quán sát sâu sắc về mười hai nhân duyên tức ngồi vào đạo tràng."
Tất cả các loại trí từ thấp lên cao là nhân của tất cả các quả vị giả lập. Trí tức Không, tức Giả, tức Trung thì quả vị cũng tức Không, tức Giả, tức Trung, huống chi là pháp môn và các thừa, hoặc các loại tôn giáo và tín ngưỡng.
Xưa kia Đức Như Lai vì muốn cứu một em bé sắp rơi xuống giếng mà đưa ra nắm tay trống không, bảo em bé rằng hãy bò ngay lại đây sẽ được một chiếc kẹo. Đây là phương tiện quyền biến khiến chúng sinh được lợi ích. Vì vậy, thật không hợp lý nếu có người khăng khăng chấp Thực hoặc chấp Quyền mà không thấy được chỗ Song Phi, chẳng quyền chẳng thực, tức Quyền Thực Bất Nhị Môn. Từ thể tánh Không hóa hiện ra nhiều Tướng mạo làm lợi ích chúng sinh cho nên có thể nói rằng Tánh Tướng cũng như Quyền Thực đều là Một, tức không phải hai.
Trí tuệ của mỗi chúng sinh tức là cái thấy của chúng sinh đó. Phật nói về năm cái thấy là nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, và Phật nhãn. Thông thường thì năm loại mắt trên được diễn tả là mắt phàm phu, mắt chư thiên, mắt nhị thừa, mắt Bồ Tát và mắt Phật.
Đọc "Luận về Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa của Nam Nhạc Tuệ Tư Đại Thiền Sư" (515-577, tôn sư của Thiên Thai Trí Khải, nguyên tác Anh ngữ do các Giáo sư Daniel Stevenson và Hirohi Kanno biên soạn, Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch, Nhà xuất bản Phương Đông 2012) chúng ta thấy tư tưởng siêu việt về cái thấy qua ngũ nhãn phát sinh từ thực tướng phàm thánh không hai như sau:
[698c28] "Chủng" (種) có nghĩa là gì? Có hai loại: một là phàm chủng (凡種 prtagjana), hai là thánh chủng (聖種 àrya). Phàm nhân thì chưa có cái thấy giác ngộ. Họ thấy sắc liền sinh tham ái. Tham ái chính là vô minh. Vì tham ái mà tạo nghiệp. Đây gọi là hành (samskara). Theo chủng tử mà thọ báo trong khắp sáu cõi khác nhau. Đi trong sáu cõi, đây gọi là hành. Tiếp nối không dừng nghỉ là chủng (gotra), đây là cái gọi là phàm chủng.
[699a3] "Thánh chủng" gần gũi thiện tri thức, có được cái thấy giác ngộ. Khi mắt thấy sắc liền phản tỉnh như sau: Khi thấy sắc, ai là người thấy? Nhãn căn thấy? Nhãn thức thấy? Không gian và ánh sáng thấy? Chính sắc khiến có cái thấy? Hoặc ý thức đối sắc mà thấy? Nếu chỉ do sắc đi vào phạm vi của ý thức, thì người mù từ sơ sinh cũng phải thấy được sắc. Nếu sắc chính nó phản ảnh cái thấy, thì cũng như trên. Nếu có người cho rằng không gian và ánh sáng đưa đến cái thấy, nhưng không gian và ánh sáng không cảm thọ, và thiếu sự tựu thành của ý niệm nên không thể thấy sắc. Nếu nói rằng nhãn thức thấy, thức không có tự thể. Thức tùy thuộc vào vô số nhân duyên, và sự hội tụ của nhân duyên bản tánh vốn rỗng lặng, không hợp mà cũng chẳng tan. Nếu có người chiêm nghiệm cẩn thận những điều nói trên, từng điểm một, thấy rằng tự thể của mắt bất khả đắc. Ngoài ra, không có cái gì gọi là "mắt". Nếu chính mắt có thể thấy thì người có bệnh xanh mắt cũng phải phân biệt được hình tướng. Tại sao? Vì nhãn căn không có sự hư hoại."
[699a18] Phàm chủng và thánh chủng là một, không phải hai. Vô minh và minh cũng như vậy. Vì vậy mà nói rằng: "Tướng của lục chủng là diệu." Tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng không khác.
[699a20] Tự tại vương bản tánh thanh tịnh. Trước hết hãy nhìn vào tánh tự tại của mắt. Khi mắt thấy sắc, con người thường sinh tâm ái thủ. Ái chính là vô minh. Tất cả phiền não, không trừ một thứ nào, đều nằm trong cái vòng của ái và thủ. Nếu có người có thể điều phục được ái và vô minh, thì người ấy tự tại như một vị vua.
Nam Nhạc tôn giả dùng cái thấy của mỗi chúng sinh để phân ra phàm và thánh. Minh hoặc vô minh cũng từ cái thấy mà ra. Cái thấy này hoặc từ tự tánh thanh tịnh hoặc từ sự mê chấp vào sắc tướng. Tôn giả kết luận phàm thánh thật sự không phải là hai hạt giống sai khác, nhưng sự chân vọng thì có khác nhau. Mắt tai mũi lưỡi thân ý là sáu tướng diệu kỳ nếu hành giả biết sử dụng tài năng của sáu tướng này.
Vô minh nên tham ái
Hành tạo nghiệp thiên thu
Bước chân đời mê mải
Qua mấy cõi sa mù.
Đối sắc, bậc thánh nhân
Quán chiếu tánh nhãn thức
Tùy thuộc vạn nhân duyên
Tuyệt nhiên vô tự thể.
Nhân duyên tánh rỗng lặng
Không hợp cũng chẳng tan
Nhất thừa – nhất đế quán
Trăng ngọc chẳng khi tàn.
Bất liễu – chấp có tướng
Chấp có nữ, có nam
Chấp đây thiện, kia ác
Chấp sinh tử, Niết bàn.
Hư không chẳng tham ái
Cũng chẳng đoạn hôn mê
Chân như trong vạn pháp
Phiền não tức Bồ đề.
Vạn pháp vốn vô sinh
Mặc nhiên vô lão tử
Ba nghìn cõi miên miên
Vẫn không ngoài bảo xứ.
Phàm thánh chẳng phải một
Mà cũng chẳng phải hai
Minh, vô minh, mê, ngộ
Lục chủng tướng diệu kỳ.
(Trích Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa Tôn giả Nam Nhạc Tuệ Tư, Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch, nxb Phương Đông 2012)
Sáu cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, và nhận biết diệu kỳ của sáu căn trần thức này chính là cái thấy của trí tuệ. Thiên Thai Trí Khải dùng từ ngữ "nhất tâm tam trí" để nói về Nhất thiết chủng trí của Phật là Thực trí, Đạo chủng trí của Bồ Tát và Nhất thiết trí của Nhị thừa là Quyền trí. Ba trí không chướng ngại nhau nên quyền hoặc thực cũng không chướng ngại nhau. Trong quyền có thực và trong thực có quyền.
Tại sao lại phải nói đến tánh của cái thấy ở đây? Bởi vì muốn điều phục được yêu ghét của vô minh thì phải phá chấp để vào được chỗ viên thông của tất cả các ngả đường đưa về cái thấy chân thật. Thật trí bao gồm tất cả pháp do Quyền trí giả lập từ phương tiện thiện xảo, tất cả các pháp đều thu nhiếp vào một Thực Tướng. Thật tướng vốn chỉ có một pháp nhưng có nhiều tên gọi: Diệu Hữu, Chơn Thiện, Diệu Sắc, Thật Tế, Tất cánh Không, Như Như, Niết-bàn, Hư Không, Phật tánh, Như Lai Tạng, Trung Thật Lý Tâm, Phi Hữu Phi Vô Trung Đạo, Đệ nhất Nghĩa Đế, Vi Diệu Tịch Diệt v.v… Tuy có nhiều tên gọi khác nhau nhưng thảy đều chỉ cho Thật tướng. Người thiểu trí chấp vào tên gọi mà đưa ra những sự giải thích khác nhau.
Pháp Hoa Huyền Nghĩa, quyển 8, nói:
"Thiện Tài Đồng Tử đi khắp pháp giới gặp vô lượng trí thức nói vô lượng giáo môn và vô lượng quán hành. Thành Hỷ Kiến có một nghìn hai trăm cửa, vậy thành quách của pháp Thật tướng há chỉ có một lối!
Do đó Đại Luận nói nếu không đạt được phương tiện Bát-nhã thì rơi vào "có, không". Khi hiểu thể tánh của các pháp thì biết đều như huyễn hóa."
Những dòng kinh văn này khiến tôi nghĩ đến hình ảnh chúng sinh chắp tay trước tôn tượng. Chỉ có một tượng Phật mà cả năm ngón tay dài ngắn đều cùng lúc chỉ lên. Tượng Phật ví như Thực tướng, năm ngón tay ví như các con đường hướng về thực tướng, tuy có dài ngắn, cao thấp khác nhau nhưng tất cả đều đồng hồi quy về một chỗ. Mỗi con đường là một pháp đối trị dục vọng của chúng sinh. Vì sự tham muốn của chúng sanh không giống nhau nên sự đối trị cũng khi cạn khi sâu khác biệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét