Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

The nao la thai do chan chanh khi hanh thien?



Thái độ chân chánh là mấu chốt quan trọng nhất trong Tâm Quán Niệm Xứ.

- Khi hành thiền:

Đừng tập trung quá độ.

Đừng kềm chế.

Đừng tự gò ép hay bó buộc.

Đừng cố tạo ra bất cứ điều gì.

Đừng chối bỏ những gì đang diễn ra.

Chỉ chánh niệm trong những gì đang xảy ra là đủ.

Cố tạo ra điều gì là THAM.

Chối bỏ những gì đang xảy ra là SÂN.

Không hiểu những gì đang xảy ra hay đang hoại diệt là SI.

Chỉ khi nào Tham, Sân, Si vắng bóng trong Tâm, thì bạn mới hành thiền tốt đẹp được.

- Đừng dự tính. Đừng mong muốn. Đừng lo âu. Khi có những thái độ này trong Tâm bạn, bạn sẽ rất khó hành thiền.

- Sao bạn lại tập trung quá độ khi hành thiền? Bạn đang mong muốn điều gì à? Ban đang trông đợi điều gì xảy ra à? Bạn đang muốn điều gì chấm dứt à?

Hãy tự hỏi xem bạn đang có những thái độ này hay không.

- Khi bạn thấy Tâm mình rã rời, mệt mỏi, đó là việc hành thiền của bạn đang có vấn đề rồi.

- Khi Tâm căng thẳng, bạn không thể hành thiền tốt đẹp được. Hãy xem lại cách hành thiền của bạn.

- Thiền là quan sát và nhẫn nại chờ đợi với chánh niệm và hiểu biết: Không suy nghĩ, không phản ứng, không phán xét.

- Đừng hành thiền với Tâm mong cầu hay mong ngóng điều gì đó xảy ra. Hành thiền như vậy chỉ khiến bạn mệt mỏi mà thôi.

- Khi hành thiền cả Thân và Tâm đều phải buông thư. Một cái Tâm nhẹ nhàng và tự tại sẽ khiến việc hành thiền của bạn tốt đẹp. Hãy tự hỏi bạn có thái độ chân chánh không? Thiền là hiểu biết và quan sát một cách thoải mái bất cứ gì đang diễn ra, dù tốt hay xấu.

- Hãy tự hỏi: "Tâm đang làm gì" Đang suy nghĩ?" "Đang chánh niệm" "Tâm đang ở đâu?" "Trong thân hay ngoài thân?" Tâm Quan Sát đang có chánh niệm thực sự hay chỉ hời hợt bề mặt?

- Khi hành thiền, đừng cố uốn nắn sự việc theo cách bạn muốn, mà hãy cố nhận biết bất cứ điều gì đang xảy ra.

- Đừng phiền lòng khi Tâm suy nghĩ. Bạn hành thiền không phải để ngăn suy nghĩ. Đừng chối bỏ bất cứ đối tượng nào khởi lên trong Tâm bạn. Hãy nhận ra phiền não nằm trong đối tượng, và cố hiểu biết chúng.

- Có TÍN mới có TẤN.

Có TẤN, NIỆM mới liên tục.

Khi NIỆM liên tục, ĐỊNH mới khởi sinh.

Khi ĐỊNH khởi sinh, bạn mới hiểu biết sự vật như chính chúng đang có, tức là có TUỆ.

Khi TUỆ có mặt, thì tín lại càng mạnh mẽ hơn.

Chỉ quan tâm đến giây phút hiện tại.

Đừng truy tìm quá khứ

Đừng vọng ngóng tương lai.

- Đối tượng không quan trọng. Cái Tâm Quan Sát phía sau mới thực sự quan trọng. Nếu bạn quan sát với thái độ chân chánh, thì đối tượng nào cũng là đối tượng chân chánh cả.

- Hạnh phúc thực sự không phải là cầu mong.

- Khi cần nằm, đừng nằm quá lâu để tránh mất chánh niệm. Khi nằm, hãy cố giữ Tâm thăng bằng và chánh niệm. Đừng ngủ quên. Nếu cảm thấy lười biếng, hãy tự sách tấn mình. Tự sách tấn là điều kiện rất quan trọng trong thiền tập.

- Càng suy nghĩ, bạn sẽ dễ mất chánh niệm.

- Đừng đặt tên (niệm thầm) cho kinh nghiệm. Khi thiền tập, Tâm bạn tự nhận biết kinh nghiệm một cách trực tiếp mà không cần phải đặt tên hay diễn giải gì cả.

- Luôn quan sát và hiểu biết Tâm đang ở trạng thái nào.

- Chỉ hiểu biết một cách trực tiếp, không suy tư, không đánh giá.

- Đừng để hoài niệm quá khứ ảnh hưởng phút giây hiện tại của bạn.

- Nếu bạn muốn giải thoát khỏi Danh – Sắc, trước tiên bạn phải hiểu rõ Danh – Sắc. Đừng tìm kiếm sự giải thoát bên ngoài. Hãy dùng Tâm bạn.

- Đừng cho rằng phóng tâm cản trở việc hành thiền của bạn. Phóng tâm cũng là một đối tượng như bao đối tượng khác. Đừng chối bỏ bất cứ điều gì.

- Khi thiền tập, hãy cố gắng kinh nghiệm Chân Đế (chẳng hạn như chuyển động, cảm giác, cảm xúc….) Nếu bạn không kinh nghiệm Chân Đế, mặc dù tâm bạn có thể an và định nhưng không thể có Tuệ được, không thể nhìn thấy Sự Thật được.

- Chúng ta chỉ có thể suy nghĩ chứ không thể kinh nghiệm được khái niệm về sự vật (Tục Đế). Nhưng chúng ta có thể kinh nghiệm trực tiếp những phẩm tính của sự vật (Chân Đế), chẳng hạn như cứng, mềm, nóng, lạnh, nặng, nhẹ…., mà chẳng cần phải suy nghĩ.

- Trưởng thành là một tiến trình của "Thử và Sai". Cuộc sống là một chuỗi dài thử nghiệm cho đến khi chúng ta nhắm mắt.

- Khi bạn căng thẳng, bạn đang dùng năng lượng quá mức cần thiết. Đừng phản ứng. Đừng để Tâm làm chủ bạn.

- Khi suy nghĩ, hãy nhìn sự suy nghĩ nhưng đừng dính mắc vào nó. Bạn thấy gì ở sự suy nghĩ: Nó có khiến bạn thích thú không? Bạn có kiểm soát được nó không? Nó kéo dài bao lâu? Có cái "Tôi" hiện hữu trong đó không? Đừng đánh giá hay phán xét. Chỉ cần chánh niệm trên sự suy nghĩ, bạn sẽ có những lời giải đáp chính xác nhất.

- Khi đối diện phiền não, bạn nên cố hiểu biết chúng chứ đừng tìm cách tránh né.

- Bạn nên có thái độ này khi thiền tập: Khi đạt được sự an tĩnh, đừng tự mãn dừng bước. Hãy tiếp tục cuộc hành trình.

- Khi có một ý nghĩ trong Tâm, nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy có một cái Tâm đang diễn dịch, một cái Tâm khác đang giải thích, và một cái Tâm nữa đang phản ứng. Quan sát khít khao, bạn sẽ thấy sự hoại diệt của chúng. Khi không diễn dịch, giải thích, phản ứng nữa, bạn có cảm tưởng là mình không kinh nghiệm gì được nữa. Đừng lo ngại. Đó là chuyện bình thường trong thiền tập.

- Đừng niệm thầm (đặt tên). Niệm thầm là một kỹ thuật dùng trong Thiền định. Trong Thiền quán, niệm thầm là một trở lực.

- Trong Thiền quán, bất cứ đối tượng nào đang diễn ra trong hiện tại cũng là đối tượng thiền tập. Hãy luôn chánh niệm, tỉnh giác vì đối tượng lúc nào cũng hiện hữu. Đừng chờ đợi một đối tượng nào đó sẽ đến. Đừng cố tạo ra một kinh nghiệm mới hoặc mong muốn có một kinh nghiệm tốt hơn. Chỉ quan sát bất cứ gì đang xảy ra trong phút giây hiện tại. Đây là thái độ quan trọng nhất trong Thiền quán.

- Thiền rất đơn giản! Vấn đề là bạn có chấp nhận đơn giản hay không mà thôi. Thấy chỉ biết thấy; Nghe chỉ biết nghe; Ngửi chỉ biết ngửi; Nếm chỉ biết nếm; Xúc chạm chỉ biết xúc chạm; Nghĩ chỉ biết nghĩ. Chỉ vậy thôi.

- Bạn không phải là kẻ tạo ra Tâm. Tâm do hội đủ Nhân – duyên mà có. Nhiệm vụ của bạn chỉ là quan sát Tâm. Tâm khởi sinh và hoại diệt mau đến nỗi người ta tưởng rằng Tâm thường còn và bất biến. Khi thực tập chín mùi, bạn sẽ nhận ra có nhiều Tâm khác nhau và chúng luôn sanh diệt không ngừng. Ảo tưởng về một cái Tâm trường cửu sẽ biến mất trong bạn.

- Khái niệm, tư tưởng, mặc dù rất quan trọng, cũng chính là ngục tù của chính bạn. Nếu bạn muốn thoát khỏi ngục tù này, bạn phải hiểu rõ bản chất của khái niệm và tư tưởng, hiểu rõ giới hạn, ảnh hưởng của chúng, cũng như sự cần thiết phải vượt qua chúng. Điều này rất cần thiết cho đời sống của bạn.

- Khi bạn có thể thấy đối tượng và Tâm biết đối tượng cùng khởi sinh và hoại diệt (Đồng Sanh Đồng Diệt), bạn đã nhận ra Tâm Quan Sát. Bởi vì cái gì nhận biết sự sinh diệt của đối tượng và Tâm Biết? Chính Tâm Quan Sát. Khi chúng ta nhìn Tâm Biết, Tâm Quan Sát khởi sinh. Thực ra, Tâm Quan Sát cũng là một Tâm Biết, nhưng là cái Tâm biết Tâm Biết.

- Hãy đơn giản và tự nhiên. Đừng thêm bớt gì cả. Thấy chỉ là thấy, không phải "Tôi đang thấy". Nghe chỉ là nghe, không phải "Tôi đang nghe". Nghĩ chỉ là nghĩ, không phải "Tôi đang nghĩ".

- Nếu bạn mong cầu đạt được một trạng thái, một kinh nghiệm nào đó trong thiền tập, hãy nhớ rằng: Càng mong cầu, bạn càng khó đạt. Khi bạn không cố tìm gì cả, bạn sẽ thấy. Nhiệm vụ chính của hành giả là Chánh niệm, chứ không phải để đạt được một điều gì cả.

- Khi phóng tâm, hãy chánh niệm trên sự phóng tâm. Đừng xua đuổi nó. Cố xua đuổi phóng tâm sẽ làm việc thiền tập của bạn trở nên mệt nhọc.

- Đời sống vốn đã là một gánh nặng quá lớn. Tâm Tham càng khiến cho gánh nặng này thêm lớn. Bản chất của Tâm Tham là không bao giờ biết đủ.

- Đừng bao giờ bám víu vào sự an lạc và tĩnh lặng. Làm như vậy, việc thiền tập của bạn sẽ xuống dốc.

- Thực tập càng chín mùi, bạn càng thêm hiểu biết. Sự hiểu biết do thực tập mang lại tuyệt vời hơn kiến thức sách vở hay bất cứ gì trong đời này.

- Trong khóa thiền, chỉ cần giữ chánh niệm, thư giãn và nên nhớ luôn quan sát xem Thân Tâm bạn có bị căng thẳng không.

- Đừng cố tập trung quá độ. Khi chánh niệm của bạn liên tục, Tâm định của bạn sẽ tự nhiên trở nên mạnh mẽ.

- Nếu cần phải chọn nên quan sát cảm giác nào trên Thân, bạn nên chọn cảm giác càng vi tế càng tốt. Tại sao? Bạn cần rất nhiều tinh tấn để quan sát cảm giác này. Điều này làm Niệm và Định của bạn tăng trưởng.

- Luôn luôn giữ chánh niệm thậm chí trong những lúc tưởng chừng như không thể. Lúc bạn nghĩ bạn không thể duy trì chánh niệm là lúc quan trọng nhất để giữ chánh niệm.

- Khi bạn hiểu rõ Pháp hành, bạn có thể chỉ dẫn cho người khác. Chỉ dẫn cách nào? Chỉ có một cách duy nhất: thật tâm chia sẻ những kinh nghiệm mới mẻ và tốt đẹp của bạn với họ. Đừng làm ra vẻ bạn là "Thiền sư. Làm như thế sẽ đem đến cho bạn rất nhiều rắc rối. Đức Phật đã dạy: "Hãy chia sẻ với người khác trong Tâm Từ". Hãy làm theo lời Phật dạy.

- Hạnh phúc thật sự bình an trong Tâm. Hạnh phúc đến khi chánh niệm thực sự có mặt. Không quá khứ, không tương lai, không "tôi – ta" không hoài niệm, không dự phóng. Chỉ có hiện tại.

- Hạnh phúc thật sự đến một cách tự nhiên và vô điều kiện. Khi bạn hạnh phúc thật sự, bạn không thể nói "Tôi hạnh phúc bởi vì…." Hạnh phúc đến không bởi bất cứ một lý do nào cả. Khi bạn mưu cầu hạnh phúc, bạn chắc chắn sẽ thảm bại. Hãy để nó tự đến. Bạn không thể mời mọc hạnh phúc được.

- Khi suy nghĩ, hãy nhìn cái Tâm đang kể chuyện và cố kéo bạn vào câu chuyện. Đừng quan tâm đến câu chuyện mà hãy xem Tâm đang hoạt động ra sao. Đừng để ý đến nhân vật hay những mẩu đối thoại trong câu chuyện mà hãy nhìn cái Tâm đang vẽ vời câu chuyện. Quan sát như thế, bạn sẽ hiểu ra hai điều:

1) Không phải có một cái "Tôi" đang suy nghĩ, mà chỉ có một cái Tâm đang kể chuyện.

2) Cái Tâm đang kể chuyện này và câu chuyện được nó "sáng tác" ra là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau.

- Khi giận dữ, đừng cố kiểm soát hay diệt trừ nó. Làm như vậy là thiếu khôn ngoan, và thậm chí đôi khi nguy hiểm. Khi giận dữ, hãy quan sát nguyên nhân đứng sau nó là gì, sự ngã mạn của bạn chẳng hạn. Đây là cách thức bạn quan sát để học hỏi. Quan sát như vậy, bạn có thể học hỏi từ phiền não, từ giận dữ, tuyệt vọng, ham muốn, tị hiềm, kiêu ngạo, ganh ghét, tham vọng…. Quan sát như vậy, bạn sẽ hiểu rõ Pháp Bảo và hiểu rõ chính bản thân mình.

- Hãy giữ Tâm thăng bằng. Cân bằng Định và Niệm.

- Cố gắng sống trọn vẹn với giây phút hiện tại. Cố gắng hiểu biết trọn vẹn giây phút hiện tại. Không tìm cầu gì khác ngoài giây phút hiện tại. Đó mới là Chánh Tinh Tấn.

- Sự lười biếng thường đội lốt "mệt mỏi". Đừng để nó đánh lừa bạn. Khi cảm thấy lười biếng, hãy nhìn thẳng vào nó.

- Khi bạn suy nghĩ, những hình ảnh, âm thanh là khái niệm Tục Đế, nhưng cái Tâm đang suy nghĩ là Chân Đế. Hãy cố quan sát Tâm bạn "Di chuyển" từ trạng thái không suy nghĩ đến trạng thái suy nghĩ ra sao, rồi quan sát cái tâm suy nghĩ cho đến khi nó biến mất. Tuy nhiên, trong trường hợp Tâm quá bất an, đừng vội nhìn thẳng vào nó mà hãy tìm ra nguyên nhân làm nó bất an trước, rồi sau đó mới quan sát chính cái Tâm đang bất an.

- Trong thiền tập, hãy nhẫn nại, đừng nôn nóng gặt hái thành quả.

- Khi gặp một người bạn không ưa, đừng nhìn y. Hãy nhìn vào Tâm bạn: Có thể người đó đã đối xử không tốt với bạn trong quá khứ, nhưng hiện giờ y có làm gì bạn đâu. Sao bạn vẫn còn giận? Có phải y làm bạn giận đâu. Chính Tâm bạn đang hành hạ bạn đấy.

- Quan sát trực tiếp phiền não, chứ đừng suy nghĩ về phiền não.

- Chánh Tinh Tấn không phải là cố ép hay lên gân. Chánh Tinh Tấn là bền bỉ và mềm mại.

- Nếu bạn thực tập đúng phương pháp, bạn chắc chắn sẽ tiến bộ trong Pháp hành. Nếu bạn thực tập không đúng phương pháp, dù bạn thực tập bao lâu, bạn cũng sẽ chẳng đi đến đâu cả.

- Khi thất niệm, đừng tự trách, hãy làm lại từ đầu.

- Quan sát tác ý sẽ giúp bạn duy trì chánh niệm lâu hơn.

- Đừng cố tìm an bình hay tĩnh lặng. Chỉ có một việc cần làm là quan sát Tâm Biết. Nếu có hoài nghi khởi sinh trong Tâm, đừng tìm câu trả lời, chỉ quan sát rồi để nó đi qua. Trí Tuệ sẽ cho bạn câu trả lời chính xác nhất.

- Đừng bao giờ tự cho phép mình bất cẩn. Hãy luôn cẩn trọng và dùng chánh niệm làm chiếc la bàn cho đời bạn.

- Quan sát Tâm, bạn sẽ thấy rằng Tâm là tác giả của hầu hết mọi vấn đề trong đời bạn. Do đó, sự hiểu biết Tâm cũng sẽ khiến hầu hết mọi vấn đề chấm dứt.

- Về bản chất, sự mong cầu khoái lạc chẳng khác gì sự mong cầu đau khổ. Hiểu rõ điều này, chúng ta sẽ sống tự tại.

- Khi nổi sân, hãy nhìn thẳng vào Tâm Sân. Đừng tự trách và đừng cho nó là của bạn.

- Ngay cả những bậc Tu-đà-hoàn vẫn còn Tham và Sân. Chỉ có những bậc A-na-hàm và A-la-hán mới hoàn toàn rũ bỏ Tham và Sân mà thôi. Đức Phật dạy "Khi bất an, hành giả biết là Tâm đang bất an". Hãy làm theo lời Phật dạy. Đừng cảm thấy tội lỗi vì mình vẫn còn Tham, Sân. Đừng tự làm khổ mình. Tất cả điều bạn cần làm là chánh niệm nhìn thẳng vào Tham Sân và biết rằng Tâm đang có Tham Sân.

- Sự hiểu biết chỉ đến khi bạn không truy cầu hiểu biết. Sự hiểu biết giống như hoa trái trên cây. Hoa trái cần thời gian để nảy nở. Bạn không ép chúng nảy nở được.

- Khi bạn không còn dính mắc vào tự ngã, vào vị thế, vào vai trò, vào thân thế của bạn, bạn sẽ thấy Chân lý.

- Nếu thấy pháp hành của bạn không tiến triển, trước tiên hãy thư giãn. Đừng lo lắng. Hãy xem lại bạn đang thực tập với thái độ nào, bạn có mong cầu gì, trông ngóng gì. Đừng phản ứng. Luôn chánh niệm và giữ Tâm trong sạch.

- Khi bạn hiểu rõ Tâm, hiểu rõ trạng thái, phản ứng của Tâm, bạn sẽ hiểu ra nhiều thứ khác.

- Hãy vui vẻ và tự hài lòng với việc thiền tập của mình. Vui vẻ và tự hài lòng là những yếu tố hỗ trợ giúp bạn dễ định Tâm.

- Khi bạn rời khỏi trường thiền. Tâm bạn sẽ bị xáo động hơn, khi bạn có thể thiền ngay giữa đời thường giống như bạn thiền trong trường thiền, đó là dấu hiệu cho biết việc thiền tập của bạn đang tiến triển tốt đẹp. Hãy quan sát Tâm sống động giữa đời thường.

- Phật không phải bức tượng ngồi trên tòa sen trong chùa để khách thập phương chiêm bái. Phật ở ngay Tâm bạn.

- Nếu thấy Tâm thiếu định, bạn hãy quan sát thái độ của bạn. Chấp nhận mức độ Niệm và Định bạn đang có. Chỉ đơn giản chấp nhận chúng. Đâu phải lúc nào cũng có Niệm và Định mạnh mẽ.

- Đôi lúc, bạn phát hiện mình đang có thái độ thiếu chân chánh. Hãy lấy thái độ thiếu chân chánh này làm đề mục. Quan sát nó toàn diện và kỹ lưỡng, bạn sẽ phát hiện ra nhiều điều lý thú.

- Thế nào là quan sát Tâm? Là biết chuyện gì đang xảy ra trong Tâm – suy nghĩ, cảm xúc, tác ý, phóng tâm – mà không bị nó lôi cuốn. Chỉ quan sát Tâm trong giây phút hiện tại. Tâm hướng đến đối tượng thế nào? Nó có cảm xúc ra sao? Chỉ chánh niệm trên Tâm là đủ.

Khi việc thiền tập của bạn tiến triển, bạn có thể chánh niệm trên nhiều đối tượng cùng một lúc.

- Đừng cố cột chánh niệm chỉ trên một đối tượng. Nhiều hành giả tưởng rằng làm việc này sẽ phát triển Tâm Định. Đây là một suy nghĩ sai lầm. Hãy chánh niệm trên bất cứ gì đang xảy ra bây giờ và ở đây.

- Khi bạn đạt được một thành quả nào trong thiền tập, Tâm có khuynh hướng tự mãn và trở nên dễ duôi. Hãy duy trì chánh niệm.

- Bạn không thể tránh thất niệm. Chánh Tinh Tấn có nghĩa là luôn kéo chánh niệm trở lại mỗi khi thất niệm.

- Luôn xem xét thái độ hành thiền của mình và giữ Thân Tâm thư giãn. Khi thấy việc thực tập của mình có dấu hiệu suy giảm, bạn thường có khuynh hướng nỗ lực nhiều hơn để cải thiện nó. Thật ra, bạn chỉ cần xem xét thái độ hành thiền của mình. Chính thái độ chân chánh sẽ cải thiện việc thiền tập của bạn. Thiền không phải là một thành quả nào đó để hướng tới mà chính là một quá trình chánh niệm không ngừng.

- Bạn đau khổ? Không sao cả! Đây là cơ hội để bạn hiểu rõ đau khổ. Nếu đời bạn chỉ toàn tiện nghi và suôn sẻ, bạn sẽ không thấy được Pháp Bảo, bởi vì bạn chẳng bao giờ có cơ hội đối mặt với phiền não. Chính phiền não cho bạn cơ hội để phát triển Ba-la-mật, để trau giồi tính nhẫn nhục, tự chế, nhàm chán và tịnh hạnh. Khi bạn cảm thấy đau khổ, không phải Tâm đang đau khổ, mà chính phiền não đang đau khổ.

- Để biết bạn đang hành thiền với thái độ nào, đừng hỏi "Tôi đang có thái độ chân chánh hay thiếu chân chánh." Hãy quan sát xem nó ra sao: Dễ chịu? Khó chịu? Đó là cách để biết thái độ của bạn.

- Thiền tập không phải là lao mình vào một trận đánh, cũng không phải tháo chạy khỏi trận đánh đó, mà chỉ là yên lặng quan sát. Chỉ quan sát và đừng tự đặt cho mình bất cứ một trách nhiệm gì về những gì đang xảy ra. Bạn chỉ là một quan sát viên và chỉ nên hành xử như một quan sát viên cần mẫn. Những vấn đề trong đời thường rất nhỏ nhặt, nhưng chúng ta lại thường đưa vai trò của mình vào đó, rồi cường điệu hóa những vấn đề này khiến chúng trở nên to tát.

- Khi có được kinh nghiệm tốt đẹp, đừng quên quan sát nó. Đừng tự mãn. Hãy nhìn kỹ sự tan rã và hoại diệt của nó.

- Hào quang của quá khứ và tương lai, dù thật hấp dẫn, là một cái bẫy. Đừng dính mắc vào chúng. Hãy sống trong hiện tại.

- Khi bạn đang trong trường thiền, bạn đang ở trong bóng mát, trong êm ả. Khi bạn rời trường thiền, bạn sẽ đối diện với cái nắng chói chang và dữ dội của cuộc đời, và bạn hiểu: Sống giữa đời khó khăn biết chừng nào. Đừng có suy nghĩ ra một giải pháp nào để giải quyết "vấn đề". Hãy thư giản và để Tâm sáng suốt. Đó chính là giải pháp.

- Đời bạn phản ảnh Tâm bạn. Hãy sống một đời sống ý nghĩa với Trí tuệ. Đừng bao giờ hành động với một cái Tâm nông nổi và mông muội. Hãy giữ Tâm thăng bằng trong mọi tình huống.

Luôn tự hỏi: "Tâm tôi đang ở trạng thái nào? Trong sạch? Bợn nhơ? Nếu Tâm bợn nhơ, bạn chỉ là người có trách nhiệm gạn lọc nó.

- Ai đang hành thiền? – Tâm

- Ai đang kinh nghiệm? – Tâm

Thiền tự diễn ra. Chẳng có ai hành thiền cả.

- Khi bạn ngưng diễn dịch và phản ứng, bạn sẽ kinh nghiệm một trạng thái mới: Trạng thái không suy nghĩ. Ở trạng thái này, mọi vật đều mất đi danh tánh và căn cước.

- Đừng phản ứng thái quá cũng đừng tìm cách ngưng phản ứng. Chỉ giữ chánh niệm. Chẳng hạn khi bạn nghe một mùi gì đó, có ba đối tượng cùng hiện hữu: mùi, cảm giác về mùi, cái Tâm biết mùi. Bạn không cần phải phản ứng với cái mùi hay với cái cảm giác về mùi. Bạn chỉ giữ chánh niệm trên cái Tâm Biết mùi là đủ.

- Chỉ có một cách để vượt qua luân hồi là hiểu rõ Danh Sắc. Hãy giữ Giới luật trong sạch và phát triển Chánh kiến. Đó là cách vượt qua sanh tử.

- Hãy sống trong hiện tại, bạn đang kinh nghiệm mọi sự bởi vì chúng đang diễn ra trong hiện tại. Niết-bàn cũng ở trong hiện tại.

- Đừng tránh né phiền não. Hãy cố hiểu bản chất của chúng. Hãy quan sát chúng đến và đi như thế nào. Phiền não không phải là "Bạn" hay "Của Bạn". Chúng đến rồi sẽ đi. Đừng níu chúng lại. Chỉ quan sát. Đó là tất cả điều bạn cần làm.



Xin cho phước báu mà chúng con đã trong sạch làm đây hãy là món duyên lành để dứt khỏi những điều ô nhiễm ngủ ngầm nơi tâm trong ngày vị lai.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...