Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

Con duong chia se



Người đọc: Thanh Cúc

Có nhiều cách để mang lại lợi lạc cho người khác, và khi bắt đầu những nỗ lực tu dưỡng theo lời Phật dạy như thế, chúng ta dấn thân vào những con đường tu tập mà Kinh điển gọi là Bồ Tát hạnh. Mục đích rốt ráo của tất cả những con đường này đều là thành tựu quả Phật vì sự lợi lạc cho tất cả chúng sanh, cho dù sự thực hành theo mỗi con đường đều có những chỉ dẫn, những đặc thù khác biệt. Có sáu con đường tu tập mang lại lợi lạc cho chúng sanh được chỉ dạy trong Kinh điển, gọi chung là sáu pháp ba-la-mật, tức Lục Ba-la-mật (六波羅蜜), hay Lục độ (六度). Sáu pháp này bao gồm: Bố thí ba-la-mật (布施波羅蜜), Trì giới ba-la-mật (持戒波羅蜜), Nhẫn nhục ba-la-mật (忍辱波羅蜜), Tinh tấn ba-la-mật (精進波羅蜜), Thiền định ba-la-mật (禪定波羅蜜) và Bát-nhã ba-la-mật (般若波羅蜜).

Mỗi pháp môn này là một con đường tu tập với những chỉ dẫn giúp ta có thể thực hành mang lại lợi lạc cho mọi chúng sanh, và mặc dù đức Phật luôn khuyến khích sự tu tập đồng thời các pháp này, nhưng ngài cũng chấp nhận một thực tế là tùy theo căn cơ, tính khí, năng lực, hoàn cảnh khác nhau của mỗi người mà chúng ta vẫn có thể lựa chọn một trong sáu con đường này như pháp thực hành căn bản, chính yếu của mình. Trong một ý nghĩa nào đó ta có thể hình dung sáu pháp thực hành này giống như sáu đường thẳng đồng quy, nên khi tiến bước theo một trong sáu đường ấy thì sớm muộn gì rồi chúng ta cũng sẽ hội tụ về cùng một điểm với những con đường khác. Điểm hội tụ đó chính là sự giác ngộ viên mãn, giải thoát mọi khổ đau trong đời sống. Điều này được mô tả trong nhiều Kinh điển như là sự vượt qua dòng sông sinh tử để đến được bến bờ giải thoát.

Sự vượt thoát sinh tử cũng chính là ý nghĩa thường được nhắc đến nhiều nhất của thuật ngữ ba-la-mật (pāramitā), trong Hán ngữ được dịch là "đáo bỉ ngạn" (到彼岸), tức là đến bờ bên kia. "Bờ bên kia" tức là giải thoát sinh tử, đối lại với "bờ bên này" là đời sống trôi lăn trong luân hồi. Vì công năng của sáu pháp vừa kể trên là có thể giúp ta tiến đến bờ giải thoát, nên chúng được gọi là sáu pháp "ba-la-mật".

Trong sáu pháp ba-la-mật ấy, bố thí được nhắc đến trước nhất, và điều đó có một số ý nghĩa nhất định.

Trước hết, đây có thể xem là pháp tu khởi đầu mà hầu hết mọi người đều có khả năng thực hành, bởi ai cũng có thể tùy theo khả năng và điều kiện hiện có của mình để thực hành bố thí theo từng mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nếu xét đến ý nghĩa sâu xa của pháp tu này thì không phải ai trong chúng ta cũng có thể nắm hiểu và thực hành được trọn vẹn. Vì thế, dưới đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu sâu hơn về pháp bố thí.

Từ ngữ "bố thí" được dịch từ chữ "dāna" trong Phạn ngữ, thật ra có hàm nghĩa rộng hơn nhiều so với ý nghĩa thông thường vẫn được nhận hiểu. Trong tiếng Việt phổ thông hiện nay, chúng ta thường hiểu từ ngữ "bố thí" theo 2 nghĩa. Nghĩa tích cực chỉ hành vi phân phát của cải cho người nghèo một cách bất vụ lợi, xuất phát từ tình thương; nghĩa thứ hai chỉ việc đưa cho ai vật gì với thái độ trịch thượng, chiếu cố, thiếu kính trọng. Tùy theo ngữ cảnh mà một trong hai nghĩa này được hiểu, nhưng cả hai nghĩa này đều không hoàn toàn đúng với ý nghĩa bố thí trong đạo Phật, vì chúng hàm nghĩa người cho đang ở một vị thế cao hơn người nhận. Tuy vậy, nghĩa thứ nhất có thể xem là nêu đúng một phần từ ngữ, tuy chưa đầy đủ; còn nghĩa thứ hai là một nghĩa phái sinh hoàn toàn không có trong ý nghĩa bố thí được hiểu theo đạo Phật.

Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giải thích bố thí là "đem của cải cho người", đơn giản hơn nhưng có phần khách quan và mở rộng hơn 2 ý nghĩa vừa nói trên. Tuy nhiên, ý nghĩa này vẫn còn rất hẹp so với ý nghĩa thực sự của từ ngữ "bố thí" được dịch từ chữ "dāna" trong Phạn ngữ.

Từ điển Phật Quang nói về bố thí (dāna) có đoạn giải thích: "tức dĩ từ bi tâm nhi thí phúc lợi dữ nhân chi nghĩa." (即以慈悲心而施福利與人之義 - [Bố thí] tức là khởi tâm từ bi mà mang điều phúc lợi đến cho người khác.)

Theo cách giải thích này, chúng ta thấy có mấy điều khác biệt. Thứ nhất, ta thấy có thêm yếu tố "khởi tâm từ bi" mà theo cách hiểu thông thường không đề cập đến. Đây là điều kiện trước tiên để một hành vi có thể được xem là thực hành bố thí. Thứ hai, ý nghĩa "mang điều phúc lợi đến cho người khác" là mở rộng hơn nhiều so với việc phân phát hay ban cho của cải, bởi những điều lợi lạc cho người khác không chỉ là vật chất, của cải mà còn có thể bao gồm rất nhiều giá trị khác nữa. Thứ ba, việc mang lại lợi lạc cho người khác không nhất thiết phải là sự ban cho, phân phát, mà đúng hơn đó là sự chia sẻ những gì ta đang có, ngay cả khi những thứ ấy vẫn còn rất hạn hẹp.

Từ những giải thích của từ điển Phật Quang, tiếp tục tìm hiểu thêm trong Kinh điển, chúng ta thấy pháp tu bố thí còn được giảng giải với một số ý nghĩa sâu rộng hơn nữa.

Trước hết, bố thí được phân chia thành 3 loại: tài thí (財施), pháp thí (法施) và vô úy thí (無畏施).

Tài thí là ý nghĩa thông thường nhất của bố thí, chỉ việc chia sẻ những giá trị vật chất hiện có của mình với người khác, nhằm giúp họ giảm bớt sự khó khăn, thiếu thốn. Những giá trị vật chất ở đây có thể là cơm ăn, áo mặc, nhà ở... cho đến các vật dụng, phương tiện sinh hoạt hằng ngày.

Pháp thí nghĩa là mang những tri thức, hiểu biết chân chánh và tốt đẹp của mình truyền đạt cho người khác, nhằm giúp họ có thể nhờ đó mà chuyển hóa đời sống trở nên tốt đẹp hơn, được nhiều lợi lạc hơn. Pháp thí còn được chia thành hai phạm trù nhỏ hơn là thế gian pháp thí (世間法施) và xuất thế pháp thí (出世法施).

Thế gian pháp thí là chia sẻ những tri thức có thể giúp người khác được lợi ích trong đời sống thế tục, bao gồm từ những kiến thức chuyên môn trong đời sống để giúp họ mưu sinh (như dạy học, dạy nghề... ) cho đến việc khuyến khích họ làm lành lánh dữ, nhờ đó được quả báo tốt đẹp về sau, như được tái sinh vào các cõi trời, người và hưởng nhiều phúc lạc...

Xuất thế pháp thí là truyền đạt những ý nghĩa sâu xa trong Giáo pháp, có thể giúp người khác đi theo con đường tu tập hướng đến sự giải thoát hoàn toàn khỏi vòng sinh tử luân hồi, thành tựu quả Phật. Vì thế, những việc như giảng giải, sao chép, truyền bá Kinh điển đều thuộc về xuất thế pháp thí.

Như vậy, khi chúng ta chia sẻ với người khác bất kỳ phạm trù tri thức nào có thể mang lại lợi lạc cho họ thì đều có thể xem là pháp thí. Tùy theo việc những hiểu biết được chia sẻ đó là có lợi trong đời sống thế tục hay có thể giúp người khác tiến lên trên đường tu tập mà ta phân biệt đó là thế gian pháp thí hay xuất thế pháp thí.

Loại bố thí thứ ba thường ít được quan tâm đến là vô úy thí (無畏施). Vô úy có nghĩa là không sợ hãi, vì thế nên vô úy thí có nghĩa là mang đến cho người khác sự an ổn, không sợ hãi. Khi ta che chở, trấn an một người đang sợ sệt, giúp người ấy lấy lại được sự bình tĩnh, không còn sợ sệt, thì đó chính là vô úy thí. Trong một số trường hợp, người thực hành vô úy thí còn phải đẩy lùi hoặc phá trừ được những nguyên nhân đe dọa, gây sợ hãi cho người khác, mới có thể giúp họ thực sự được an ổn. Trong những trường hợp này, nếu nhìn thoáng qua sẽ thấy có vẻ như không có gì được đưa ra chia sẻ cả, nên ít người biết được rằng đây cũng là một loại bố thí. Tuy nhiên, xét theo ý nghĩa mang lại lợi lạc cho người khác thì vô úy thí là một hình thức bố thí rất quan trọng, bởi nó mang đến cho người khác sự bình an, vốn là điều lợi lạc còn hơn cả mọi giá trị vật chất. Hơn thế nữa, người thực hành vô úy thí phải có đủ dũng lực và trí tuệ, vì như thế mới có thể che chở người khác, giúp đỡ người khác vượt qua được sự sợ hãi và mang lại sự bình an cho họ.

Trở lại với định nghĩa về bố thí được nêu trong từ điển Phật Quang, chúng ta thấy cả 3 loại bố thí nói trên (tài thí, pháp thí và vô úy thí) đều thỏa mãn ý nghĩa "mang điều phúc lợi đến cho người khác". Tuy nhiên, vẫn còn một ý nghĩa khác là "khởi tâm từ bi" chưa được nhắc đến, và như vậy có vẻ như là chưa trọn vẹn ý nghĩa "bố thí" như được dịch từ chữ "dāna" trong Phạn ngữ.

Về ý nghĩa này, ở một nơi khác cũng thuộc mục từ này, từ điển Phật Quang có đoạn phân biệt: "Bố thí nhược dĩ viễn ly tham tâm dữ kỳ khai ngộ vi mục đích, tắc xưng vi thanh tịnh thí; phản chi tắc xưng bất thanh tịnh thí." (布施若以遠離貪心與期開悟為目的,則稱為清淨施;反之則稱不清淨施 - Nếu thực hành bố thí mà xa lìa tâm tham lam, chỉ hướng đến mục đích giúp cho người khác được tỏ ngộ, thì gọi đó là thanh tịnh thí; ngược lại thì gọi là bất thanh tịnh thí.)

Theo đây mà xét thì việc "xa lìa tâm tham lam" đó cũng tương đồng với ý nghĩa "khởi tâm từ bi" đã nói ở đoạn trước, bởi khi thực hành bố thí với tâm từ bi sinh khởi thì lúc đó chắc chắn không còn chỗ cho tâm tham lam chế ngự, cho dù đó là tham danh hay tham lợi. Ngược lại, nếu không khởi tâm từ bi mà thực hành bố thí, thì việc bố thí đó rất có thể sẽ rơi vào những dụng ý, mục đích khác, không chỉ đơn thuần là làm lợi lạc cho chúng sanh. Đó chính là trường hợp mà từ điển Phật Quang gọi là "bất thanh tịnh thí".

Như vậy, đến đây chúng ta có thể tóm lại ý nghĩa chân thật và đầy đủ của việc thực hành bố thí theo đạo Phật là phải bao gồm hai yếu tố. Thứ nhất là phải xuất phát từ tâm từ bi, thương yêu mọi người, hay nói cách khác chính là tâm nguyện vị tha, hoàn toàn vì sự lợi lạc cho người khác. Thật ra, đây cũng chính là nền tảng phát tâm Bồ-đề mà ta đã có dịp đề cập trong phần trước. Thứ hai là phải thực sự mang lại lợi lạc cho người khác dưới một hình thức nào đó; có thể đó là lợi lạc về vật chất (tài thí), có thể là lợi lạc về tri thức, chánh kiến (pháp thí) và cũng có thể là sự an ổn tinh thần, không sợ sệt (vô úy thí).

Trong trường hợp thiếu đi yếu tố thứ nhất thì hành vi bố thí dù có làm lợi lạc cho người khác nhưng vẫn chưa thực sự trọn vẹn và được xem là bất thanh tịnh thí. Nếu có thể thực hành bố thí với đầy đủ hai yếu tố trên thì đó chính là thanh tịnh thí, cũng chính là Bố thí ba-la-mật trong ý nghĩa đầy đủ nhất. Cho dù sự lợi lạc mà chúng ta thực sự mang lại cho người khác có nhiều mức độ khác nhau, có khi chỉ là một bữa ăn, một chút hiểu biết đúng đắn về sự việc, hoặc một chút bình an trong tâm hồn, nhưng chỉ cần hội đủ cả hai yếu tố nêu trên thì có thể xem như ta đã thực hành được hạnh bố thí theo đúng ý nghĩa chân thật của nó.

Qua những ý nghĩa về mặt lý thuyết như đã nêu trên, chúng ta có thể vận dụng vào cuộc sống hằng ngày để thấy rằng việc thực hành bố thí thật ra không phải là quá khó khăn như nhiều người thường lầm tưởng. Với những gì đã tìm hiểu, ta có thể thấy rằng việc thực hành bố thí thật ra chính là sự chân thành chia sẻ với mọi người những gì có thể được trong điều kiện của bản thân ta, và chỉ nhằm một mục đích duy nhất là mang đến sự lợi lạc cho người được chia sẻ. Khi chọn cách sống sẵn lòng chia sẻ mọi thứ với người khác, đó chính là ta đang thực hành bố thí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...