Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

CHUONG CHIN: BI KICH



Con trai của Zanoni – Tâm sự giữa các siêu nhân – Linh Đông đến Venice – Cơn khủng hoảng lương tâm – Kiều Dung rời bỏ Zanoni

Con trai của Zanoni

Sau khi Linh Đông đến Marseille được ít lâu thì Zanoni và Kiều Dung rời khỏi hòn đảo của xứ Hy Lạp, nơi đó họ đã sống được vài năm hạnh phúc. Đó là vào năm 1793, khi cuộc Cách mạng Pháp đã kéo dài được hơn bốn năm.

Sao khuya chiếu ánh sáng mờ mờ xuống những ao vũng ngập nước của thành phố thơ mộng này. Những huyên náo ồn ào của khu ăn chơi Rialto cũng đã chấm dứt. Những khách bộ hành cuối cùng cũng đã rời khỏi công trường Saint Marc, và chỉ cách khoảng rất lâu người ta mới nghe có tiếng mái chèo của những chiếc du thuyền chở khách chơi đêm trở về nhà.

Nhưng mặc dầu đêm đã khuya, những ánh đèn vẫn còn lấp lánh qua lại bên trong cửa sổ của một tòa lâu đài trên bờ Kinh Lớn. Và trong tòa lâu đài ấy, Kiều Dung đang quằn quại rên siết vì những cơn đau đớn trong lúc lâm bồn.

Zanoni ngồi bên giường, nét mặt lo âu, nói với vị y sĩ:

– Nếu ông cứu nàng thoát khỏi cơn nguy hiểm, tôi sẽ đền ơn trọng hậu và làm cho ông trở nên người giàu có nhất tỉnh Venice này.

Viên y sĩ đáp:

– Thưa tiên sinh, vàng bạc không thể đẩy lui được thần chết và thay đổi ý trời. Nếu trong một giờ nữa mà không có một sự thay đổi mầu nhiệm nào, xin tiên sinh hãy giữ vững tinh thần.

Ôi, Zanoni! Con người kỳ bí và bản lĩnh cao cường, con người đã từng vượt qua tất cả đam mê của thế tục mà không hề nao núng, nay phải đành chịu bó tay bất lực ư? Tâm hồn cứng rắn của anh đã bắt đầu lung lay trước những cơn giông tố sợ sệt chăng? Sau cùng anh cũng phải chịu khuất phục trước uy lực của thần chết rồi chăng?

Zanoni toàn thân run rẩy chạy đi chỗ khác để khỏi phải nhìn thấy mặt viên y sĩ, trong khi chính khuôn mặt ông này cũng đã tái ngắt. Chàng đi ngang qua những gian phòng rộng lớn và những hành lang dài và đến một phòng riêng, nơi đó ngoài chàng ra không hề có ai bước chân đến.

Chàng kêu gọi đến thiên thần Adonai, nhưng không thấy một sự đáp ứng nào. Tại sao thiên thần Adonai không đến với chàng? Tại sao Adonai lại ngoảnh mặt làm ngơ trước những lời cầu nguyện khẩn thiết của chàng? Lần này thì quả thật là thiên thần không đến nữa rồi! Thế là, hỡi siêu nhân, những câu chân ngôn, thần chú của anh không còn linh nghiệm nữa chăng? Anh không còn quyền lực gì đối với các nhân vật trong cõi vô hình nữa chăng?

Zanoni bước chân lảo đảo, sắc mặt tái nhợt và thân mình run rẩy vì bất lực. Chàng không còn cái phong độ hùng dũng oai nghi của thuở nào, khi mà những tinh linh và tiểu thiên thần trong không gian luôn nhanh chóng đáp lại lời kêu gọi của chàng! Chàng biết rằng những vị ấy không bao giờ đáp lời kêu gọi của những kẻ đang bị giày vò trong cơn bối rối sợ sệt. Phải là một tâm hồn tích cực, tự tin, mạnh mẽ, chứ không phải là kim đơn thần dược hay những thần chú chân ngôn mà có thể kêu gọi và sai khiến những sinh linh trong cõi vô hình. Và nay thì... tình yêu và sự chết đã làm cho tâm hồn chàng sợ sệt đến mất cả những quyền năng vẫn có từ trước.

Sau cùng, ngọn đèn lung lay... như sắp tắt, âm phong thổi đến lạnh thấu xương như bốc lên từ dưới nhà mồ!... Một hình ảnh ma quái vừa xuất hiện ở cách đó một quãng, bao phủ trong một vầng sương mù tối tăm. Dưới một tấm màn đen che mặt, quái vật khủng khiếp rùng rợn ấy phóng cho chàng một cái nhìn soi mói:

– A! Hỡi người thuật sĩ xứ Chaldée, người đã đạt tới cõi trường sinh bất tử, nhưng rốt cuộc rồi cũng sợ chết nữa chăng? Khoa huyền môn của ông phải chăng chỉ là cái vòng luẩn quẩn đưa ông trở về khởi điểm là nguồn gốc vô minh? Nhiều thế kỷ đã trôi qua kể từ khi chúng ta gặp nhau lần cuối cùng. Và nay, ông hãy nhìn tôi đây, chúng ta lại gặp nhau!

– Phải, nhưng ta nhìn mi mà không sợ sệt, tuy rằng có rất nhiều kẻ táo bạo đã từng chết vì khủng khiếp dưới cái nhìn của mi; tuy rằng mi có thể ám ảnh những nạn nhân mà mi đã làm cho mất trí và trở thành điên rồ, hay dọa nạt những kẻ sa đọa trong tội ác và đang đền tội trong ngục tối. Mặc dầu mi có thể quái ác đến mức độ đó, nhưng ta thách thức mi làm gì được ta! Mi không phải là kẻ chiến thắng, mà phải là kẻ nô lệ của ta!

– Là kẻ nô lệ ư? Vậy tôi sẽ phụng sự ông! Ông hãy ra lịnh và sai khiến tôi, hỡi người thuật sĩ đẹp trai của xứ Chaldée! Nhưng ông hãy nghe kìa, tiếng rên siết của người đẹp mà ông yêu quí! Thần chết đang lởn vởn trong tòa nhà này. Thiên thần Adonai không còn đáp ứng lời kêu gọi của ông. Những vị thiên thần chỉ đến với loài người khi không có sự đam mê tình dục hay thể xác làm che khuất ánh sáng tâm linh. Nhưng còn tôi, tôi có thể giúp ông. Ông hãy nghe kìa!

Zanoni lắng tai nghe rõ trong nội tâm có giọng nói của Kiều Dung gọi chàng trong cơn mê sảng, dẫu rằng lúc đó chàng đang ở cách phòng nàng một quãng rất xa. Chàng thốt lên trong cơn tuyệt vọng:

– Hỡi Kiều Dung! Anh không thể cứu em! Tình yêu đối với em đã làm anh mất cả quyền năng rồi!

Bóng ma chợt lên tiếng, nửa như van nài, nửa như dọa dẫm:

– Không! Ông không mất hết quyền năng đâu. Tôi có thể cho ông phương tiện để cứu nàng. Tôi sẽ giúp ông có thể chữa khỏi cho nàng.

– Cho cả hai mẹ con? Cả mẹ lẫn con đều sẽ được an toàn?

– Đúng vậy, cả hai mẹ con đều sẽ được an toàn!

Zanoni run bắn cả thân mình. Một cơn xung đột mãnh liệt của nội tâm đang giày vò chàng như một đứa trẻ! Tình nhân loại và ý niệm về thời gian gấp rút đã chiến thắng sự chống cự của tinh thần.

– Được rồi! Mi đã thắng! Mi hãy cứu lấy cả hai mẹ con nàng cho được an toàn.

Trong gian phòng u tối, Kiều Dung nằm trên giường, quằn quại trong những cơn đau dữ dội và khổ sở nhất. Những tiếng rên siết của nàng mỗi lúc một yếu dần... Tuy thế, giữa cơn mê sảng nàng vẫn không ngừng gọi tên Zanoni.

Viên y sĩ nhìn đồng hồ và nói:

– Những tiếng rên siết đã yếu dần. Bệnh nhân chỉ còn chịu được không quá mười phút nữa!

Thế nhưng viên y sĩ đã lầm! Chính vào giờ phút này, người hấp hối vẫn còn hy vọng. Hơi thở của nàng đã lắng dịu lại, những tiếng rên siết cũng đã dứt. Một giấc mơ êm đềm chợt đến với Kiều Dung. Ấy là một giấc mơ hay sự thật? Nàng cảm thấy dường như có Zanoni bên cạnh, nàng ngả đầu dựa vào ngực chàng; cái nhìn của chàng dường như xua đuổi những cơn đau đớn đang giày vò thể xác nàng; bàn tay chàng dường như xoa dịu cơn sốt nóng bỏng trên trán nàng; giọng nói thì thầm của chàng là một thứ âm nhạc xua đuổi những con ma bịnh tật đi mất. Còn đâu nữa quả núi đè nặng hai bên thái dương của nàng? Nó đã tan ra như mây khói. Trong cái lạnh của một đêm đông, nàng nhìn thấy mặt trời chiếu sáng trên nền trời rạng rỡ tưng bừng. Cảnh vật thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, suối rừng, núi non hiện ra trước mắt nàng dường như thầm nhủ: “Đối với nàng, chúng tôi chưa mất đâu, mà vẫn còn đây!”

Hỡi người y sĩ, hãy nhìn lại đồng hồ! Mười phút đã trôi qua và đi vào dĩ vãng. Linh hồn người mẹ lâm bồn mà ông tưởng rằng đang lâm nguy vẫn tồn tại với thời gian! Nàng ngủ mê; cơn sốt đã giảm dần; những cơn đau đớn rên rỉ đã dứt hẳn; một màu hồng tươi tắn ửng trên đôi gò má. Cơn khủng hoảng đã trôi qua!

Hỡi người chồng đau khổ! Vợ anh vẫn còn sống! Hỡi người tình khắc khoải lo âu! Vũ trụ của anh không phải là bãi sa mạc khô khan. Cái đồng hồ, như quả tim của thời gian, vẫn thoi thóp nhảy một cách nhịp nhàng... Một lúc... rồi một lúc nữa... Oa... oa...! Thật là vui mừng nhé! Hỡi người cha sung sướng! Hãy ôm lấy đứa con của ông!....

Người ta trao đứa hài nhi cho cha nó. Zanoni lẳng lặng ôm lấy đứa con mà tuôn tràn giọt lệ, những giọt lệ thật sự của người thế gian! Và đứa hài nhi mỉm cười giữa những hàng nước mắt nóng bỏng rơi xuống mặt nó. Ôi! Với những giọt lệ hạnh phúc nào người ta đón tiếp một kẻ xa lạ bước vào thế giới của mình! Và cũng với những giọt lệ đau khổ nào người ta nhìn kẻ ấy từ bỏ cõi đời này để bước sang cảnh giới siêu nhiên! Niềm vui ấy vị tha vô kỷ, nhưng nỗi đau khổ kia thật ích kỷ thay!

Xuyên qua gian phòng im lặng, một tiếng gọi yếu ớt và dịu dàng của Kiều Dung vọng đến tai Zanoni. Chàng đáp lại:

– Có anh đây, anh đang ở bên cạnh em đây?

Kiều Dung mỉm cười và siết chặt bàn tay chàng trong tay mình. Nàng không đòi hỏi gì hơn nữa. Nàng cảm thấy sung sướng!

Kiều Dung bình phục rất mau chóng, đến nỗi làm cho vị y sĩ phải ngạc nhiên. Đứa hài nhi cũng lớn nhanh như thổi, dường như nó đã yêu mến cõi thế gian mà nó vừa mới được quen biết.

Kể từ khi đó, Zanoni dường như sống trong cái mầm sống của đứa trẻ. Và trong cái mầm sống này, linh hồn của cha mẹ nó kết hợp với nhau bởi sợi dây liên lạc mới. Đứa trẻ dường như đã nhận ra được cha mẹ nó. Nó đưa hai tay ra khi Zanoni âu yếm cúi xuống bên vành nôi. Zanoni ít khi rời khỏi cái nôi ấy, chàng nhìn nó bằng cặp mắt yên lặng và thích thú, và linh hồn chàng dường như nuôi dưỡng linh hồn đứa bé. Ban đêm, trong bóng tối, chàng vẫn ngồi bên cạnh nôi, và Kiều Dung, trong lúc mơ màng nửa tỉnh nửa mê, thường nghe chàng nói chuyện thì thầm với con bằng một thứ ngoại ngữ lạ lùng khó hiểu. Điều này gợi lại trong trí nàng những mê tín dị đoan mơ hồ xa xưa của thời niên thiếu, làm cho nàng đâm ra sợ hãi! Chỉ vì muốn bảo vệ con mình, một người mẹ có thể sợ bất cứ ai, thậm chí đến cả các thần minh!

Nhưng Zanoni, với những mục đích cao cả thiêng liêng trong tình yêu, đã quên hết tất cả, thậm chí đến sự đọa lạc của chính mình và tất cả những gì chàng đã mất đi vì tình yêu làm cho chàng trở nên mù quáng!

Nhưng bóng ma giữ cửa gớm ghiếc rùng rợn kia, tuy chàng không kêu gọi và không nhìn thấy nó, vẫn thường lởn vởn đến quanh chàng và thường ngồi lại gần bên cái nôi của đứa bé với cặp mắt đầy thù hận.

Thư Zanoni gửi Kiềm Mâu

“Hỡi đạo huynh! Số phận của tôi nay đã trở lại giống như của mọi người trần tục, với tất cả những vui buồn sướng khổ của họ. Càng ngày tôi càng kết chặt sợi dây trói buộc tôi với cái số phận ấy. Vì phải sống trong cuộc đời của người khác, tôi đã mất hơn phân nửa những quyền năng của tôi. Vì tôi không thể nâng cao họ lên bằng trình độ của tôi, nên họ đã kéo tôi xuống với thế gian vật chất bằng những sợi dây trói buộc kiên cố của tình thương.

“Bị ngăn cách với cảnh giới thiên thần mà chỉ có những giác quan tinh tế nhất mới có thể tiếp xúc, tôi cảm thấy mình bị mắc kẹt trong mạng lưới của “kẻ giữ cửa” đáng sợ và ghê tởm. Đạo huynh có tin chăng khi tôi cho đạo huynh biết rằng tôi đã nhận sự giúp đỡ của nó? Và lẽ tất nhiên tôi cũng phải nhận lãnh mọi hậu quả của việc ấy. Nhiều thế kỷ sẽ trôi qua trước khi những thiên thần lại chịu tuân lịnh sai khiến của người chịu ơn ma quỷ.

“Đạo huynh còn có một nhãn quang sáng suốt, xin đạo huynh hãy nhìn vào những vực thẳm của tương lai từ nay sẽ khép chặt đối với nhãn quang của tôi, để khuyến cáo và cảnh giác tôi! Tôi biết rằng sự trợ giúp của loài ma quỷ là chẳng lành và tráo trở đối với người cầu xin sự trợ giúp đó. Tôi đã nhận lãnh của Ma vương cái bí quyết cứu tử cho vợ con tôi. Tôi có thể nào còn hy vọng có được đủ quyền năng để đối phó với Ma vương chăng nếu nó tìm cách ám hại vợ con tôi? Hỡi Kiềm Mâu, đạo huynh hãy trả lời cho tôi biết. Vì trong bóng tối dày đặc, tôi chỉ nhìn thấy có đôi mắt trong lành của đứa con tôi, tôi chỉ nghe có tiếng đập chậm chạp của trái tim nó. Hãy trả lời tôi, hỡi đạo huynh, là người mà sự minh triết không hề biết đến tình yêu nhục dục!”

Thư Kiềm Mâu gửi Zanoni

“Hỡi người bạn sa đọa! Tôi nhìn thấy tương lai bạn, gồm toàn là tai họa, chết chóc và định mệnh khắc nghiệt! Làm sao bạn có thể từ bỏ thiên thần Adonai để nghe theo Ma vương với đôi mắt khủng khiếp của nó? Làm sao bạn có thể trở thành nạn nhân của “kẻ giữ cửa” rùng rợn, mà xưa kia khi còn là một đạo đồ, bạn dã từng chiến thắng và nhiếp phục nó bằng cái nhìn mạnh mẽ của mình? Bạn há không thấy rằng quyền năng của bạn đối với Ma vương đã không còn hay sao? Ma vương sẽ làm cho bạn sợ sệt, sẽ chế ngự bạn và phản bội bạn!

“Bạn đừng để mất thêm một giây phút nào nữa, hãy đến ngay với tôi. Nếu giữa chúng ta còn có một sự giao cảm nào đó, thì chính nhờ mắt tôi mà bạn sẽ nhìn thấy và có lẽ bạn sẽ có thể tránh được những hiểm nguy đang vây phủ quanh bạn và các người thân yêu.

“Hãy đến ngay với tôi, hãy dứt bỏ những sợi dây liên hệ trói buộc bạn với cuộc đời thế tục và làm che ám tầm nhãn quang của bạn. Hãy rủ sạch những điều sợ hãi, những hy vọng, những mong ước và đam mê của bạn. Hãy đến với tôi, để cho tinh thần bạn thêm vững mạnh, vì chỉ có tinh thần là có thể ngự trị và chiếu sáng ngời cảnh giới tâm linh cao cả.”

***

Đây là lần đầu tiên Zanoni và Kiều Dung cách biệt nhau kể từ khi họ bắt đầu cuộc sống chung. Zanoni đi La Mã vì những công việc quan trọng. Chàng nói rằng chàng chỉ đi có vài ngày, và sự ra đi cũng đột ngột đến nỗi không kịp có thời gian để gây nên một phản ứng nào, dù là ngạc nhiên hay buồn bã.

Nhưng Kiều Dung đã có một đứa con để thương yêu săn sóc. Vai trò làm mẹ có thể giúp cho người phụ nữ giữ gìn được sự tươi trẻ và luôn luôn đổi mới.

Zanoni đã ra đi! Tiếng mái chèo khua nước đã nhỏ dần và tắt hẳn. Chiếc du thuyền nhẹ chỉ còn là một chấm đen nhỏ rồi biến mất dạng trên dòng Kinh Lớn. Đứa con đã ngủ yên trong nôi. Hỡi người mẹ hãy còn son trẻ! Một trang sách đẹp nhất trong đời nàng đã lật qua; một bàn tay vô hình sắp sửa bày ra một trang mới.

***

Gần cầu Rialto, hai người dân thành Venice đang đứng nói chuyện. Họ là những người nhiệt liệt hoan nghinh chế độ Cộng hòa dân chủ, và xem cuộc Cách mạng Pháp như một luồng gió mới sẽ làm sụp đổ chánh phủ thối nát đang hấp hối của họ và đem đến cho địa phận Venice một thể chế mới công bình hơn. Một trong hai người nói:

– Ừ, này anh Tô Cầu, người giao dịch thư tín với tôi ở Paris có hứa là sẽ vượt qua mọi chướng ngại và đương đầu với mọi hiểm nguy. Ông ta sẽ quyết định với chúng ta về ngày giờ khởi nghĩa, khi mà các đoàn quân viễn chinh Pháp đến khá gần để có thể nghe tiếng súng đại bác của chúng ta. Một ngày trong tuần này, cũng vào giờ này, ông ta sẽ gặp tôi tại đây, nhưng hôm nay mới là ngày thứ tư...

Ông ta nói chưa dứt lời thì một người khoác áo tơi vừa từ một con đường nhỏ bên tay trái bước tới, dừng chân trước mặt hai người, chăm chú nhìn họ một lúc rồi nói nhỏ:

– Chào các đồng chí!

– Với tình huynh đệ.

Người vừa nói chuyện lúc nãy đáp lại ngay. Đó là mật khẩu nhận dạng của họ. Người kia liền hỏi:

– Ông có phải là đồng chí Đặng Lưu mà Ủy ban Cách mạng giao cho tôi nhiệm vụ tiếp xúc bằng thư tín? Còn đây là...

– Đồng chí Tô Cầu mà tôi đã có dịp nhắc đến trong các thư tín của tôi.

– Chào đồng chí công dân! Tôi có nhiều việc cần thông báo cho cả hai anh. Tôi sẽ gặp lại anh Đặng Lưu tối nay, vì bây giờ nói chuyện ở ngoài đường không tiện.

– Và tôi cũng không dám hẹn gặp tại nhà tôi. Chế độ chuyên chế làm cho những vách tường nhà chúng ta cũng có tai nghe! Nhưng chỗ hẹn gặp được ghi ở đây rất rõ.

Đặng Lưu vừa nói vừa dúi vào tay người kia một mảnh giấy nhỏ.

– Vậy là tối nay, đúng chín giờ! Bây giờ tôi còn có việc khác.

Người lạ mặt bỗng ngừng nói, đổi sắc mặt, và nói tiếp với một giọng băn khoăn:

– Bức thư cuối cùng của anh có nói tới một người ngoại quốc giàu có và bí mật... tên là Zanoni! Ông ta còn ở Venice không?

– Tôi nghe nói ông ta đã đi hồi sáng nay, nhưng vợ ông ta vẫn còn ở đây.

– Vợ ông ta ư? À! Tốt lắm!

– Vậy ra anh cũng biết ông ta sao? Anh có tin rằng ông ta sẽ nhập bọn với chúng ta chăng? Tài sản của ông ta sẽ...

Người kia vội vã ngắt lời:

– Nhà ông ta ở đâu? Xin cho tôi biết địa chỉ, mau lên!

– Ông ta ở tại biệt thự Bông Cơ, trên bờ Kinh Lớn.

– Cám ơn anh, nhớ chín giờ tối nay đấy!

Người khách lạ biến mất dạng vào con đường nhỏ, và khi ông ta về đến nhà trọ ở Venice, một người đàn bà đã đợi sẵn trước cửa chặn ông ta lại và nói bằng tiếng Pháp:

– Thưa ông, tôi đợi ông về từ nãy giờ. Ông có biết chăng, tôi sẽ bất chấp hiểm nguy, dám đương đầu với tất cả mọi sự có thể xảy đến, để cùng ông trở về đất Pháp, cùng chia sẻ số phận sống chết với chồng tôi.

– Hỡi nữ công dân! Tôi có hứa với chồng cô rằng nếu cô quyết định như thế, tôi sẽ liều mạng để giúp cô. Nhưng xin cô hãy nghĩ kỹ, chồng cô có chân trong một đảng phái mà Chủ tịch Robespierre đang dòm ngó và nghi kỵ. Ông ta không thể trốn tránh đi đâu được. Toàn thể nước Pháp đã trở nên một nhà tù khổng lồ để giam giữ những kẻ tình nghi. Nếu trở về nước, cô chỉ tự chuốc lấy sự nguy hiểm mà thôi. Nói thật nhé, hỡi nữ công dân, cái số phận mà cô muốn chia sẻ với chồng cô chỉ có thể là cái máy chém. Như cô đã biết, vì tôi đã chuyển giao cho cô bức thư của chồng cô, và tôi chỉ nói những điều đó đúng như chồng cô đã nhắn với tôi.

Người đàn bà đáp với một nụ cười trên gương mặt nhợt nhạt:

– Thưa ông, tôi vẫn muốn đi cùng ông xứ nước.

Người khách lạ nói bằng một giọng vừa ngạc nhiên vừa trách móc:

– Sao lạ vậy? Cô đã bỏ chồng đi ra ngoài nước trong những ngày Cách mạng thành công rực rỡ, và nay cô lại muốn trở về với chồng giữa lúc thời cuộc đang trải qua cơn sấm sét bão bùng?

– Bởi vì lúc Cách mạng thành công, cha tôi đang lâm nguy và chỉ có thể an toàn tánh mạng bằng cách bỏ chạy ra ngoài nước. Cha tôi đã già và không có tài sản, chỉ trông cậy vào một mình tôi. Lúc đó, chồng tôi không có một nguy cơ hiểm họa nào, còn cha tôi thì rõ ràng là có. Nay cha tôi đã chết, và bây giờ lại đến lượt chồng tôi lâm nguy! Tôi đã làm xong bổn phận đối với cha tôi, bây giờ tôi phải lo tròn bổn phận làm vợ.

– Được rồi, hỡi nữ công dân! Trong ba ngày nữa tôi sẽ lên đường. Trong khi chờ đợi, cô được trọn quyền tự do thay đổi ý kiến.

– Không khi nào!

Một nụ cười bí hiểm hiện trên môi người khách lạ. Ông ta thốt lên như nói riêng với mình:

– Cái máy chém thật rùng rợn, nhưng nó cũng đã tạo nên bao tấm gương trung liệt! Thật không phải là vô cớ mà người ta đã gọi nó là “Thánh Mẫu”.

Người ấy vừa đi vừa lẩm bẩm một mình, rồi gọi một chiếc du thuyền cập bến và trong giây phút đã biến mất dạng trên dòng nước của con Kinh Lớn.

Linh Đông đến Venice

Kiều Dung ngồi một mình gần bên cửa sổ nhìn ra ngoài con Kinh Lớn. Những chiếc du thuyền lướt nhẹ trên dòng nước ngang trước mặt tòa lâu đài. Bỗng có một chiếc ngừng lại và từ từ cập vào bờ. Một người khách từ trong thuyền bước ra, đi lên những bậc tam cấp và bước vào tòa nhà lầu. Một gia nhân bước vào phòng Kiều Dung và đưa cho nàng một tấm danh thiếp của Linh Đông.

Kiều Dung rất mừng khi gặp lại người bạn cũ này để có thể kể với anh ta về hạnh phúc của nàng, về Zanoni, và cho anh xem đứa con kháu khỉnh của mình!

Linh Đông bước vào. Nàng giật mình kinh ngạc khi nhìn thấy hình dáng cố nhân hoàn toàn đổi khác, với cái trán sa sầm, nét mặt cương quyết nhưng có những vết nhăn do sự nghĩ ngợi lo âu, khác hẳn với người nghệ sĩ duyên dáng và vô tư đã có lúc yêu nàng khi xưa. Nàng nói:

– Anh đấy sao, Linh Đông? Anh thay đổi nhiều quá!

Linh Đông ngồi xuống bên cạnh nàng và nói:

– Thay đổi nhiều ư? Và tôi phải cám ơn ai đây, nếu không phải những tay phù thủy, những loài quỉ sống đã can thiệp vào cuộc đời cô cũng như cuộc đời tôi? Kiều Dung, hãy nghe tôi nói đây! Cách đây vài tuần, tôi nghe tin cô đang ở Venice. Tôi bèn mạo hiểm vượt qua bao nhiêu chướng ngại hiểm nguy để đi đến đây, để giải bày tâm sự nỗi niềm của tôi, và cũng để cứu cô. Cô nói tôi thay đổi ư? Đó là cô chỉ thấy được hình dáng bên ngoài! Điều đó không thể so sánh với sự tàn phá trong nội tâm! Cô hãy nghe những lời khuyên của tôi trong khi vẫn còn kịp thời giờ.

Giọng nói vang vang những âm hưởng rùng rợn của Linh Đông còn làm cho Kiều Dung sợ hãi hơn là nội dung những lời nói của ông ta. Với khuôn mặt ngơ ngác, tiều tụy và tái nhợt, anh ta có vẻ giống như một người vừa chui lên từ dưới mồ sâu để làm cho nàng kinh sợ!

Sau cùng, nàng nói như nghẹn ngào trong cổ họng:

– Sao? Anh đang nói gì vậy? Anh hãy...

– Cô hãy nghe kỹ đây!

Linh Đông vừa nói vừa đặt nhẹ bàn tay lên vai nàng, và nàng cảm thấy nó giá lạnh như bàn tay của một xác chết.

– Cô có bao giờ nghe nói về những người liên kết với ma quỷ để có được những sự hiểu biết phi phàm? Những chuyện đó không phải là huyền thoại. Quả thật có những người như vậy. Họ chỉ vui thích nhất khi nào họ lôi cuốn được những người khác cùng nhập bọn với họ. Nếu những người này thất bại trong cuộc thử thách, ma quỷ sẽ ám ảnh họ ngay trong cuộc sống hiện tại, như chúng đã ám ảnh tôi. Còn nếu họ thành công, thì thật là tai họa vì một số phận còn rùng rợn khủng khiếp hơn đang chờ đón họ. Họ phải trải qua một kiếp sống mà không một phù phép nào có thể trừ tà trục quỉ, hay xoa dịu sự cực hình. Tôi đến đây từ một nơi mà máu tuôn như suối chảy và sự chết luôn rình rập bên người hiền lành cũng như kẻ hung dữ, với quyền uy duy nhất là cái máy chém. Nhưng tất cả những nguy cơ và hiểm họa đó đều không đáng kể so với sự khủng khiếp của gian phòng này, là nơi ngự trị của Ma vương...

Kế đó, với một sự chính xác lạnh lùng, đầy đủ chi tiết và mạch lạc, Linh Đông thuật lại câu chuyện nhập môn của mình. Anh ta diễn tả hình dáng “con ma giữ cửa” với đôi mắt nhìn rùng rợn làm cho người nghe phải nổi ốc rợn người và lạnh xương sống! Khi người ta đã nhìn thấy nó một lần, người ta không thể xua đuổi nó được nữa. Nó xuất hiện bất cứ lúc nào, gợi cho nạn nhân những ý nghĩ đen tối và những sự cám dỗ lạ lùng! Nó chỉ biến mất trong những hoàn cảnh huyên náo ồn ào và kích động thần kinh. Trái lại, trong sự vắng vẻ cô đơn, sự yên lặng tâm hồn, trong sự cố gắng của tâm hồn để hướng về đạo đức tâm linh và đạt tới sự bình an nội tâm thì nó luôn xuất hiện và quấy phá.

Kiều Dung nghe nói mà rợn cả người. Câu chuyện dị kỳ này khêu gợi lại nơi nàng những ấn tượng mơ hồ mà trong tình yêu nồng thắm, nàng không bao giờ xem xét tỉ mỉ. Những ấn tượng đó làm cho nàng nghĩ rằng cuộc đời của Zanoni không giống như của mọi người thế gian. Tình yêu của nàng cho đến nay vẫn luôn gạt bỏ mọi sự hiềm nghi, và dập tắt mọi ý nghĩ mà nàng cho là không tốt đối với chàng. Nhưng hôm nay, câu chuyện tường thuật của Linh Đông lại có tác dụng gây cho nàng một cơn sợ sệt khủng khiếp. Nàng bắt đầu run sợ, nhưng không phải sợ cho nàng. Đột nhiên nàng đưa tay ẵm lấy con và siết chặt nó trong lòng mình. Linh Đông kêu lên trong cơn run rẩy:

– Thật là bất hạnh! Phải chăng cô đã sinh ra một nạn nhân mà cô không thể cứu giúp? Tốt hơn là đừng cho nó ăn gì cả, cứ để cho nó chết đói! Trong nấm mồ, ít nhất còn có sự yên nghỉ và bình an?

Chính khi đó, Kiều Dung mới nhớ lại những đêm mà Zanoni thức luôn không ngủ ở bên cạnh cái nôi, và những nỗi sợ sệt của nàng khi nghe chàng thốt lên những câu với âm thanh lạ lùng bí hiểm, có âm điệu nhịp nhàng gần như giọng hát!

Nhưng dần dần, những kỷ niệm êm đềm và tốt đẹp của dĩ vãng cũng xuất hiện trở lại trong trí nàng. Nàng nhìn con và thấy khuôn mặt nó phảng phất những nét giống cha. Giọng nói dường như xuất hiện trên đôi môi hồng thắm của nó và nhắn nhủ với nàng một cách buồn rầu:

– Anh đang nói qua miệng của con. Đáp lại tình thương của anh đối với mẹ con em, lẽ nào em lại mất lòng tin nơi anh vì sự tố giác bừa bãi của một thằng điên hay sao?

Nàng vươn mình ngồi nhổm dậy, ngẩng mặt nhìn lên, đôi mắt chiếu một ánh sáng trong lành, thánh thiện. Nàng nói với Linh Đông:

– Thôi, anh hãy đi đi, hỡi nạn nhân của những ảo giác của chính mình! Tôi sẽ không tin cả những giác quan của chính tôi nếu chúng tố giác người cha của đứa bé này. Và anh biết gì về Zanoni? Kiềm Mâu và những hình ảnh ma quái của ông ta có liên hệ gì đến chồng tôi đâu mà anh muốn vơ đũa cả nắm?

Linh Đông đáp với một giọng buồn thảm:

– Rồi cô sẽ được biết. Chính con ma ám ảnh tôi đã nói cho tôi biết rằng nó cũng sẽ phá hoại luôn cả gia đình cô. Tôi không đòi hỏi cô phải trả lời ngay bây giờ. Trước khi tôi rời khỏi Venice, tôi sẽ còn trở lại gặp cô lần chót.

Nói xong, ông ta kiếu từ và ra đi.

Cơn khủng hoảng lương tâm

Suốt ngày hôm ấy, đầu óc Kiều Dung rối như tơ vò. Bao nhiêu ý nghĩ dồn dập và bao nhiêu điều sợ hãi tan biến đi khi nàng tỉnh táo sáng suốt, để rồi sau đó lại trở về quay cuồng trong trí nàng một cách tối tăm rùng rợn hơn nữa. Nàng nhớ lại, điều này trước kia nàng đã nói với Linh Đông, rằng thuở nhỏ nàng luôn luôn có những linh cảm lạ lùng báo trước cho nàng biết rằng nàng sẽ có một định mệnh lạ kỳ. Nàng cũng nhớ rằng khi nàng nói cho Linh Đông biết như thế, thì anh ta cũng nhìn nhận rằng chính anh cũng có những linh cảm tương tự như vậy, và một sự giao cảm huyền bí dường như đã nối liền định mệnh của hai người.

Nàng nhớ nhất là khi đem đối chiếu những ý nghĩ rời rạc của họ với nhau, thì linh cảm đó có một ý nghĩa rõ rệt hơn và gây cho họ cái ấn tượng rằng định mệnh lạ lùng của hai người đều có liên hệ trực tiếp với Zanoni. Và hôm nay, khi Kiều Dung đã gặp lại Linh Đông, thì những điều sợ hãi ám ảnh của thời niên thiếu lại càng thức động trở lại khi vừa được nhắc nhở đến.

Những sợ hãi của Linh Đông gây cho nàng một lòng ưu ái, cảm thông, mà lý trí và tình yêu của nàng cũng không sao chống lại được. Tuy vậy, khi nhìn con nàng thấy nó vẫn thức, đôi mắt nhìn nàng và đôi môi mấp máy như muốn nói với nàng điều gì. Nó không chịu ngủ! Đôi mắt nó mở to, có vẻ nghiêm trang, đượm nét u buồn, dường như có vẻ trách móc và tố giác, làm cho nàng cảm thấy lạnh tận trong xương tủy.

Không thể nào chịu nổi sự đảo lộn tinh thần giày vò trong tâm hồn, nàng bèn cho mời vi linh mục mà nàng vẫn thường tiếp xúc và xưng tội ở Venice để thổ lộ tâm sự giữa những cơn khóc lóc thảm thiết và những dấu hiệu của một sự sợ hãi kinh hoàng tột độ.

Vị linh mục là người ngoan đạo và sùng tín nhưng có kiến thức nông cạn và óc xét đoán hẹp hòi. Cũng như những người có văn hóa kém và tin dị đoan, ông ta có cái nhìn lệch lạc và thường xem một người có tư tưởng khác lạ như một nhà phù thủy. Bởi đó, ông ta đã khép chặt mọi cánh cửa hy vọng trong tâm hồn Kiều Dung. Chính ông ta cũng đâm ra sợ hãi và thốt ra những lời nghiêm huấn vô cùng gay gắt. Một cách vô tình, ông ta hợp sức với Linh Đông để khuyên nàng bỏ nhà trốn đi, nếu nàng có một mảy may nghi ngờ rằng những hoạt động của chồng nàng là giống như của những nhà bác học thời xưa mà Hội Thánh La Mã đã bắt đem thiêu sống trên giàn hỏa dưới tội danh là hành nghề phù thủy.

Và với một vài chi tiết rời rạc mơ hồ mà Kiều Dung tiết lộ về vấn đề này đối với ông ta đã được xem như những bằng chứng không thể chối cãi của bọn bàng môn tả đạo.

Thật vậy, linh mục Bartolomeo đã từng nghe dư luận đồn đãi về Zanoni, và do đó ông ta sẵn sàng chấp nhận giả thuyết này. Người như ông ta có lẽ sẽ không ngần ngại thiêu sống kỹ sư James Watt trên giàn hỏa nếu nghe Watt nói về máy chạy bằng hơi nước!

Nhưng Kiều Dung còn sợ hãi hơn nữa khi vị linh mục nói về những hiểm họa có thể xảy đến không phải cho bản thân nàng, mà là cho con nàng. Ông ta nói:

– Các nhà phù thủy luôn tìm cách dụ dỗ và quyến rũ linh hồn những đứa trẻ thơ.

Kế đó, ông ta nêu ra một loạt những chuyện ngụ ngôn và huyền thoại mà ông ta đoan chắc là có thật. Những điều này làm cho nàng, vốn sẵn có ít nhiều óc mê tín dị đoan của một người ít học và kém văn hóa, lại càng sợ sệt hơn nữa.

Và khi vị linh mục kiếu từ ra về, ông ta còn thốt lên những lời cảnh cáo và tố giác nghiêm trọng rằng nàng đã quên mất bổn phận của người mẹ hiền đối với đứa con thơ nếu nàng còn do dự không chịu từ bỏ ngôi nhà bị ô nhiễm bởi những mãnh lực hắc ám và sự tiếp xúc với ma quỷ!

Đêm ấy, Kiều Dung trằn trọc thao thức đến khuya. Nàng nằm lăn lộn trên nệm giường, với bao nhiêu ý nghĩ triền miên trong trí nên không sao chợp mắt ngủ được. Dần dần, nàng rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, thì thình lình có một tư tưởng vừa xuất hiện đã dẹp tan ngay tất cả những ý nghĩ khác. Đó là khi nàng chợt nhớ đến gian phòng bí mật mà Zanoni chỉ dành riêng cho chàng và không cho phép bất cứ ai bước vào, kể cả Kiều Dung.

Từ trước đến nay, sống trong cảnh hạnh phúc gia đình đầm ấm, nàng không bao giờ có ý nghĩ tò mò muốn bước vào. Nhưng giờ thì gian phòng ấy có một sức lôi cuốn, hấp dẫn rất mãnh liệt. Nàng nghĩ rằng, nếu bước vào gian phòng đó chắc nàng sẽ có thể tìm ra một bằng chứng hay tang vật nào đó giúp nàng giải đáp được bài toán bí hiểm về con người Zanoni. Những gì tìm thấy trong gian phòng ấy có thể sẽ xua tan những nghi ngờ của nàng, hoặc nó sẽ xác nhận những nghi ngờ ấy một cách chính xác và chắc chắn.

Ý nghĩ ấy ngày càng phát triển và dần dần chiếm trọn tâm hồn nàng. Nàng dường như đã sẵn sàng vận dụng ý chí để thực hiện ý nghĩ đó. Thế rồi, với một ý định cương quyết và những bước chân bình tĩnh vững chắc, nàng đi xuyên qua các hành lang, và thẳng đến gian phòng bí mật.

Phòng không có khóa, nàng chỉ đẩy cửa bước vào. Không có một phù phép trấn ếm, hay đạo bùa linh thiêng nào ngăn cản bước chân của nàng! Hỡi người con gái của trần gian đầy cát bụi, nàng đã một mình giữa ban đêm lọt vào gian phòng bí mật mà vô số tinh linh của cõi không gian vô tận đã từng xuất hiện theo lời kêu gọi của người thuật sĩ.

Nàng bước vào phòng và nhìn quanh nhưng không thấy dấu hiệu gì chỉ ra rằng chủ nhân có thể là một nhà phù thủy bàng môn tả đạo. Không có những đồ khí dụng luyện kim như lò chảo, không có những pho sách huyền môn đóng bìa da, hay những dây nịt có khắc phù hiệu bí mật, cũng không có những đầu lâu, sọ người... như nàng tưởng tượng. Ánh trăng rọi vào gian phòng trống trơn, chỉ thấy có vài nắm cỏ héo với những bình cổ bằng đồng, đặt một cách sơ sài trên chiếc ghế dài bằng gỗ.

Nhưng trong sự vắng lặng của gian phòng này, phải chăng vẫn còn phảng phất cái ảnh hưởng của bầu không khí linh thiêng mà chủ nhân của nó đã tạo ra bằng sự tiếp xúc thường xuyên với các tinh linh và thần linh trong cõi vô hình?

Chắc hẳn là như vậy, vì sau một lúc, Kiều Dung nhận thấy có một sự thay đổi bí mật đang diễn ra trong người nàng. Tim nàng đập hơi nhanh và mạnh hơn làm máu chạy đều trong huyết quản gây cho nàng một cảm giác thoải mái dễ chịu. Nàng cảm thảy đi đứng nhẹ nhàng dường như lướt nhẹ trong không khí, và tầm mắt của nàng rộng mở thênh thang, nhìn thấu suốt mọi nơi không chướng ngại. Dường như nàng đang sống trong một bầu không khí tâm linh đặc biệt, xuyên qua đó linh hồn nàng có thể thoát ra khỏi cái thể xác ngục tù bằng cát bụi và giao cảm với thần linh.

Nàng bước tới gần chiếc ghế gỗ, trên đó có bày những chiếc bình cổ và mấy nắm dược thảo đã héo, và khi cúi nhìn xuống, nàng thấy trong một cái bình có để một lọ nhỏ bằng thủy tinh. Nàng đưa tay cầm lấy cái lọ một cách vô tâm thì bỗng thấy chất nước sóng sánh trong lọ chiếu hào quang sáng rực. Nàng mở nút ra, chất hơi trong lọ thủy tinh thoát ra ngoài chiếu lấp lánh trong không khí như muôn nghìn mảnh bột kim cương tán nhuyễn, và tỏa khắp phòng một mùi hương thơm tho ngào ngạt.

Nàng đưa lọ thủy tinh lên mũi hít một hơi, lấy ngón tay thấm chất nước thơm thoa lên hai bên thái dương. Bỗng nhiên nàng cảm thấy một nguồn sinh lực dồi dào vận chuyển trong châu thân, làm cho nàng có một sức sống mãnh liệt phi thường. Do năng khiếu linh thị thình linh khai mở dưới ảnh hưởng kích thích của chất kim đơn thần dược, nàng bỗng nhìn thấy một cách hết sức chi tiết và rõ ràng mọi sự vật chung quanh.

Thế rồi, nàng từ từ đứng dậy, rời khỏi gian phòng, đi qua hành lang và trở về phòng mình. Nàng bước lại gần cái nôi và nhìn con, đứa con đẹp đẽ ngây thơ với đôi mắt trong sáng lộ vẻ thông minh vẫn còn thức và mở to đôi mắt. Nhưng gần bên cái nôi, nàng nhìn thấy một vật lạ đen ngòm, hình dáng mờ ảo không rõ ràng, dường như được che phủ dưới một bức màn đen. Vật lạ ấy lại càng có vẻ rùng rợn đáng sợ hơn nữa vì nó dường như không có hình hài cụ thể mà chỉ như một bóng ma!

Lúc ấy, những vách tường của gian phòng dường như mở rộng ra... Nàng thấy hiện ra trong cơn linh ảnh một nhà ngục tối tăm u ám, rồi một đám đông nghẹt những người chen chúc nhau trên đường phố, nét mặt tái nhợt và co rúm trong cơn thù hận, căm hờn, tràn đầy sát khí, trông như một đám quỉ sống hiện hình... Trong khung cảnh hỗn độn đó, nàng mơ hồ nhìn thấy một chốn pháp trường, một cái máy chém, một đống thây người vấy máu chồng chất cao như núi, trong đó có cả chính nàng và con nàng...

Tất cả những hình ảnh đó nối tiếp nhau diễn ra như một cuốn phim chiếu chậm. Rồi thình lình nàng thấy trong đám đông có Zanoni! Chàng có vẻ như nhìn thấy nàng và vội vã chạy đến. Nàng không chịu nổi nữa bèn hét lên một tiếng thất thanh và bừng tỉnh. Bên cạnh nàng vẫn là cái nôi và đứa con đã ngủ yên.

Tất cả những gì xuất hiện trong cơn linh thị vừa rồi đã biến mất, kể cả cái bóng ma rùng rợn đen ngòm! Nàng bất giác thốt lên:

– Con hỡi! Con của mẹ! Dầu sao mẹ cũng phải cứu con!

Thư Kiều Dung gửi Zanoni

Anh hỡi, sự việc diễn biến cách nào mà giữa đôi ta, chính em lại là người nói chuyện ra đi trước nhất. Chính em, mà chắc anh sẽ cho là không chung thủy, em xin gửi lời vĩnh biệt anh từ đây!

“Khi anh đọc những dòng chữ này thì đối với anh, em đã là người của dĩ vãng. Hỡi anh yêu dấu, hỡi người chồng yêu quí của em! Nếu anh đã yêu em, và có thể còn thương hại em, thì xin anh đừng tìm kiếm em làm gì. Nếu những phép thuật của anh có thể giúp anh tìm được em, xin anh hãy nương tay, tha thứ cho em và tha cho con của chúng ta!

“Hỡi Zanoni, em muốn nuôi dưỡng con để nó có thể thương anh và gọi anh bằng cha. Đôi môi tươi trẻ của nó sẽ cầu nguyện cho anh! Hãy tha thứ cho con, vì trẻ con là á thánh trên cõi trần gian này, và sự thỉnh nguyện của chúng có thể cảm thông tới trời đất.

“Em có nên nói cho anh biết tại sao em ra đi chăng? Không! Anh vốn có đủ sự minh triết sáng suốt để đoán biết những gì mà bàn tay em run rẩy không thể viết ra đây. Và mặc dầu em rùng mình e ngại trước quyền năng của anh, em vẫn an tâm mà nghĩ rằng với quyền năng đó chắc chắn anh có thể thấu hiểu cõi lòng em!

“Anh hãy biết rằng em viết thư cho anh với tư cách của một người mẹ hết lòng vì con chứ không phải với tư cách của một người vợ... Có lẽ, hỡi Zanoni, khoa pháp môn của anh có bị ô nhiễm vì tội lỗi. Tội lỗi gây nên sự hối hận, và nếu chỉ có em với anh, thì hỡi ôi, sẽ thật là êm đẹp xiết bao nếu em có thể là nguồn an ủi cho anh. Nhưng còn con, đứa con của chúng ta! Một linh hồn non trẻ đang núp bóng sau lưng em! Hỡi người thuật sĩ, em xin phép giành lấy nó trong tay anh!

“Em xin lỗi anh nếu những lời này có vẻ bất công đối với anh. Anh hãy xem, em xin quì gối để viết tiếp đoạn còn lại! Tại sao em không bị sợ hãi sớm hơn về khoa pháp môn bí mật của anh? Tại sao cuộc đời dị kỳ của anh không làm em sợ sệt mà còn thích thú? Bởi vì, dầu cho anh là nhà phù thủy hay bàn môn tả đạo, mối nguy cơ cũng chỉ ảnh hưởng đến một mình em thôi! Nhưng bây giờ thì em còn có một sinh linh khác nữa để lo lắng. Anh hãy xem kìa, tại sao con chúng ta lại nhìn em theo cách như vậy? Tại sao đôi mắt nó cứ luôn mở lớn, luôn nghiêm nghị và đầy vẻ trách móc? Phải chăng những phù phép trấn ếm của anh đã vây phủ khắp chung quanh nó? Hỡi người thuật sĩ tàn ác, phải chăng anh đã lôi cuốn nó tham dự vào những điều rùng rợn của phép thuật hắc ám của anh? Thôi, anh đừng làm cho em phát điên lên nữa! Xin anh hãy chấm dứt những phù phép đó ngay đi cho!

“Anh hãy nghe kìa tiếng mái chèo ở ngoài sông... Đó là những mái chèo sẽ dưa em đi xa khỏi anh! Em nhìn chung quanh, và dường như em còn thấy hình ảnh của anh ở khắp nơi trong căn nhà này. Bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của cuộc sống hạnh phúc giữa đôi ta hãy còn đây! Nhưng em nhớ nhất là trong những giờ phút đau đớn khi lâm bồn, giọng nói dịu dàng ưu ái của anh luôn trấn tĩnh tâm hồn em. Khi đó, xuyên qua bóng tối em nghe anh thì thầm lần đầu tiên bên tai em: “Hỡi Kiều Dung, em đã làm mẹ!...”

“Làm mẹ! Phải đấy, em đã làm mẹ một đứa con! A! Thuyền đã cập bến kia rồi, em đã quyết định... Xin vĩnh biệt, chào anh!”

***

Thế là Kiều Dung, người mà Zanoni đã yêu với một mối tình sâu xa nồng thắm, vì nàng mà chàng đã chấp nhận hy sinh bao nhiêu quyền năng và bản lĩnh, đã thật sự từ bỏ chàng.

Nàng từ bỏ chàng một cách đột ngột, tàn nhẫn, do bởi một sự mê tín dị đoan mù quáng và lạc lõng, hoặc do bởi sự thúc đẩy của bổn phận làm mẹ. Sự từ bỏ hoàn toàn bất ngờ này chỉ là sự thực hiện cái định mệnh luôn chờ đợi những người nào tìm cách nâng cao thần trí vượt lên khỏi mức độ trần gian, nhưng đồng thời lại vẫn còn bị trói buộc với thế gian bởi những liên hệ tình cảm.

Sự thất học, dốt nát vẫn sẽ luôn luôn thối lui trước sự hiểu biết và kiến thức sâu rộng. Nhưng chưa hề có tình yêu nào được biểu lộ với một tấm lòng vô kỷ vị tha, và một tinh thần hy sinh cao quí, thuần khiết hơn là ở người phụ nữ này. Vì nàng đã nói rất đúng: nàng không phải là một người vợ phản bội, mà chính là một người mẹ cố làm tròn bổn phận nên phải tự tách rời ra khỏi tất cả những gì là hạnh phúc của nàng ở thế gian.

Tình mẫu tử thiêng liêng đã làm cho nàng có cái quyết định đó. Nàng ôm chặt lấy đứa con vào lòng và cảm thấy một niềm an ủi và an phận. Nhưng đồng thời nàng lại cũng bị giày vò bởi những nỗi hoài nghi và hối hận cay đắng về thái độ của mình. Đó là lúc mà ở trạm nghỉ Livorno trên đường đi nàng nghe một người đàn bà cùng đi trên tàu cầu nguyện các đấng thiêng liêng phù hộ cho bà được gặp lại chồng và có đủ sức mạnh tinh thần để chia sẻ hoạn nạn với chồng trong cơn nguy hiểm.

Thật là một sự trái ngược kinh khủng với sự từ bỏ gia đình của nàng! Kiều Dung lại rơi vào trạng thái tối tăm u ám của cõi lòng, và kể từ lúc đó, không một tiếng nói lương tri nào có thể an ủi nàng được nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...