Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Returning Home - Khóa tu dành cho tuổi trẻ tại hải ngoại




Đối với hầu hết các Phật tử Việt Nam định cư tại hải ngoại hiện nay, niềm ưu tư khắc khoải lớn nhất không còn là những khó khăn về kinh tế gia đình hay sự hội nhập với nền văn hóa mới, mà chính là làm sao để bảo tồn những vốn quý văn hóa dân tộc đã mang theo được đến xứ người. 

Trong những vốn quý đó, niềm tin cũng như những hiểu biết về Phật pháp được xem là đang có nguy cơ suy giảm ở các thế hệ tiếp nối. Nhiều bậc phụ huynh đang gặp khó khăn rất nhiều trong việc giải thích để con cháu họ hiểu được ý nghĩa của những nghi thức lễ bái, tụng niệm mà họ thực hành hằng ngày tại nhà, hoặc các lễ nghi tôn giáo được thực hiện ở các chùa mà họ rất muốn con cháu họ cùng tham gia. Đó là chưa nói đến những vấn đề sâu xa hơn như các phần giáo lý về nhân quả, về duyên khởi hay Tứ diệu đế, Bát thánh đạo... thì lại càng khó khăn hơn nữa.

Và như một hệ quả tất yếu của thực trạng này, khi các em không nhận hiểu được những ý nghĩa sâu xa của tín ngưỡng mà gia đình đang theo, các em sẽ dần dần cảm thấy xa lạ với chính tôn giáo đó. Bước tiếp theo chỉ còn là vấn đề thời gian, đó là khi các em bước chân vào ngưỡng cửa đại học thì luôn sẵn có các tôn giáo bản địa đang chờ đón và mời gọi các em, với các yếu tố tín ngưỡng mà đối với các em là dễ hiểu và quen thuộc hơn nhiều, bởi lý do đơn giản là các em đã sinh ra và lớn lên trong chính môi trường mà các tôn giáo ấy từ xưa nay vẫn chiếm đa số tuyệt đối.

Với thực tế này, nhiều bậc phụ huynh hết sức lo lắng khi nghĩ đến việc trong tương lai con cháu họ sẽ không còn biết đến đạo Phật, bởi họ không thể nào trao truyền lại cho các em những hiểu biết và niềm tin mà họ đã theo đuổi trong suốt cuộc đời.

Một trong những lý do quan trọng dẫn đến thực trạng nêu trên là sự cách biệt về ngôn ngữ. Trong khi phần lớn những người thuộc thế hệ người Việt đi trước chỉ có thể nói được tiếng Anh trong chừng mực giao tiếp xã hội hoặc trong công việc, và rất hạn chế trong việc giảng giải những ý nghĩa tu tập hay giáo lý đạo Phật, thì ngược lại các em thuộc thế hệ trẻ lại chỉ có khả năng sử dụng lưu loát tiếng Anh, trong khi rất ngại phải nghe diễn đạt các vấn đề phức tạp hay khó hiểu bằng tiếng Việt. Hầu hết các em đều chỉ nói được tiếng Việt trong chừng mực nhất định và do đó tất nhiên là không thể sử dụng tiếng Việt để tìm hiểu sâu xa về giáo lý đạo Phật.

Một giải pháp cho sự bế tắc này dường như vừa hé lộ vào sáng ngày Thứ Bảy, 20 tháng 5 năm 2017, tại Như Lai Thiền Tự, San Diego, California. Nơi đây vừa khai mạc một khóa tu đặc biệt với chủ Đề "Returning Home" (Trở Về) dành cho tuổi trẻ, dự kiến trong 2 ngày sẽ hướng dẫn các em tu tập và giảng dạy giáo lý cho các em bằng tiếng Anh.

Đây là một thí điểm đáng được trân quý, gìn giữ và phát huy, bởi nếu thành công sẽ cần được nhân rộng để trở thành một giải pháp chủ yếu nhằm truyền trao Đạo Phật đến với tuổi trẻ tại Hải Ngoại. Không những là giải pháp cho các Phật tử con em người Việt, mà các khóa tu giảng bằng tiếng Anh như thế này cũng sẽ là phương thức hiệu quả để giới thiệu đạo Phật đến với các em tuổi trẻ người bản xứ.

Để chuẩn bị cho khóa tu này, Thầy Giác Minh Luật và quý thầy trong Ban tổ chức đã ngày đêm lo lắng nhọc nhằn để chu toàn mọi thứ. Chứng minh khóa tu là Hòa thượng Thích Minh Hồi, Viện chủ Như Lai Thiền Viện. Ngoài ra là các vị Giáo thọ sư như quý thầy Châu Đạt, Đạt Tín v.v... Các huynh trưởng GĐPT cũng tích cực tham gia trong vai trò tổ chức và điều hành sinh hoạt của các em trong suốt khóa tu.

Với phương thức sinh hoạt mới mẻ, thích hợp với tuổi trẻ, Khóa tu đã mang lại niềm vui và sự yêu thích cho tất cả các học viên tham gia. Thông qua đó, các em hiểu được một số điều căn bản về giáo lý Phật pháp, và quan trọng hơn nữa là có được sự thích thú để sẵn sàng quay lại tham gia các khóa tu tiếp theo trong tương lai.

Ước mong quý thầy trú trì cùng Chư Tôn Đức Tăng Ni trẻ có chung hoài bão này sẽ tiếp tục phát huy thành tựu hôm nay để tiếp tục con đường hoằng pháp đến với thế hệ trẻ bằng chính ngôn ngữ mà các em, các cháu có thể dễ dàng đón nhận, để nhận được nhiều lợi lạc từ Giáo pháp của đạo Giác Ngộ mà Đức Bổn Sư đã truyền trao cho chúng sanh từ hơn 25 thế kỷ qua. 

Dưới đây là một vài hình ảnh trực tiếp ghi nhận từ khóa tu:

Liên Phật Hội
Liên Phật Hội
Một ngày tu tập bắt đầu từ sáng sớm... 

Liên Phật Hội
Liên Phật Hội
Điểm tâm nhẹ nhưng rất vui... 

Liên Phật Hội

Lễ Phật... 

Liên Phật Hội
Liên Phật Hội
Nghe pháp... 

Liên Phật Hội
Liên Phật Hội
Liên Phật Hội
Liên Phật Hội
Cuộc thi vẽ đầy hứng thú... 

Liên Phật Hội

Returning Home... 

--
Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến

         Liên Phật Hội
United Buddhist Foundation
A 501 (c) (3) Non-profit Organization




United Buddhist Foundation - Liên Phật Hội - A non-profit 501(c)3 to connect and dedicate for developing Buddhism, especially Buddhist public communication. - Tổ chức phi lợi nhuận nhằm liên kết và phụng sự cho việc phát triển Phật giáo, đặc biệt là truyền thông Phật  giáo.

Lời Phật dạy về tình yêu thương



Trong tình yêu thương không gì gắn bó và quyến luyến bằng tình yêu nam nữ, bất cứ lời nói và cử chỉ nào, chúng ta cũng phải biểu lộ sự yêu thương trong tương kính. Đã làm người dù trai hay gái phải biết tôn trọng người mình đang yêu, cả thể xác lẫn tâm hồn. Mấu chốt của hạnh phúc gia đình trong hôn nhân tình yêu, người con gái phải biết giữ gìn, khéo léo trong mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ và con cái nhằm nuôi dưỡng hạnh phúc lâu dài về sau.

Trong đạo Phật, lòng từ bi luôn gắn liền với trí tuệ. Không hiểu nhau, không thể thương yêu trọn vẹn vì ta không thể cảm thông và tha thứ, nhất là những người có quan niệm gia trưởng. Mỗi người đều có những nỗi khổ niềm đau riêng, bởi áp lực của công việc và trách nhiệm đối với gia đình, nếu chúng ta không thật sự hiểu về nhau, ngược lại sẽ không thương mà còn giận hờn, trách móc. Vì sao? Vì cái ta của mình đã phình to ra. Ngay khi ấy ta sẽ không thể cảm thông, chính vì thế tình thương của mình sẽ làm người khác cảm thấy, khó chịu, bức xúc và khổ đau.

Chúng ta đến với nhau mà không có hiểu biết, vô tình sẽ làm người mình yêu thương, đau khổ suốt đời. Hiểu biết chính là nền tảng của tình thương yêu chân thành. Không hiểu biết, chúng ta không thể thật sự thương yêu nhau. Trái tim của ta nếu có hiểu biết, thì tình yêu thương sẽ là nền tảng vững chắc và lâu dài.

Muốn thương yêu phải có hiểu biết 

Phật dạy về tình yêu rất sâu sắc và có ý nghĩa. Tình yêu phải có sự cảm thông và tha thứ, bởi bốn yếu tố: từ, bi, hỉ, xả.

"Từ" theo nghĩa nhà Phật là đem niềm vui đến cho người, còn từ ở đây khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu thương chính là chất liệu giúp cho con người sống có trách nhiệm hơn, yêu thương chính là sự hiến tặng chân thành. Yêu mà làm khổ đau cho nhau không phải tình yêu đích thực. Có những người khi lấy nhau một thời gian, bắt đầu phát sinh những bất đồng về nhau cho nên nỗi khổ niềm đau làm tan nát hai con tim. Chúng ta yêu thương ai đó thực sự, nghĩa là làm cho người đó được hạnh phúc, mỗi ngày.

"Bi" là khả năng giúp cho người mình yêu thoát ra được những cái khổ trong hệ lụy. Mình đã khổ và đang khổ, mà người ta vẫn cứ làm cho mình thêm đau khổ, đó là một thứ tình yêu không chân thật. Không có gì đau khổ bằng trong cơn tuyệt vọng. Người mình yêu phải là người biết chia sẻ, biết an ủi, để làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau do hoàn cảnh đưa đến.

Như vậy, quan điểm "từ bi" theo đạo Phật là khả năng hiến tặng để đem lại hạnh phúc cho nhau. Khi chúng ta yêu thương là phải làm cho người ta giảm bớt khổ đau, tăng trưởng thêm hạnh phúc. Nếu không, chúng ta chỉ là đam mê, say đắm trong xác thịt, không phải là tình thương chân thành. "Từ bi" trong tình yêu được biểu cảm qua thái độ có hiểu biết nên mới dễ cảm thông và tha thứ cho nhau. Muốn được như vậy chúng ta phải cần nhiều thời gian, để quan sát, để lắng nghe, để thấu hiểu tâm tính của nhau và thương yêu chân thành hơn.

"Hỉ" là niềm vui đích thực trong tình yêu, làm cho hai con tim được hòa hợp và có sự rung động mãnh liệt. Dấu ấn khó phai của tình yêu đích thực là có sự cảm thông cho nhau, cùng tạo sự hưng phấn để đạt được niềm an vui, hạnh phúc.

"Xả" là không phân biệt, không kì thị trong tình yêu trong vấn đề trọng nam khinh nữ. Mình thương yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình, khó khăn của người ta là của mình, khổ đau của người ta là của mình, vì ta và người đó là của nhau. Khi yêu nhau, hạnh phúc hay khổ đau không còn là vấn đề của riêng tư, mà hai người phải có trách nhiệm để cùng san sẻ cho nhau.

Vấn đề hạnh phúc hôn nhân phải do sự hòa hợp của con tim và có sự thông cảm và tha thứ cho nhau. Học thức cao, kinh tế đầy đủ, cũng chưa đảm bảo hạnh phúc gia đình mặc dù hai yếu tố này rất cần thiết trong đời sống lứa đôi. Phật giáo chủ trương và khuyến khích mọi người tin sâu nhân quả nghiệp báo, nhờ vậy ta sẽ biết cách cải thiện đời sống gia đình ngày càng tốt hơn về mọi mặt. Do đó, những chuyện xảy ra cơm không lành canh không ngọt trong đời sống lứa đôi là do chúng ta không chịu nhường nhịn nhau.

Chúng ta yêu nhau là giữ gìn cho nhau, kính trọng nhau. Thân thể ta cũng vậy, có những vùng thiêng liêng và riêng tư, ta không muốn ai chạm tới, ngoài người ta yêu, ta tin, ta muốn sống và dâng hiến trọn đời, trọn kiếp mà thôi. 

Tình yêu là gì?

Tình yêu đích thực là vô điều kiện, là cho đi mà không mong cầu đáp trả. Thậm chí khái niệm cho và nhận không tồn tại, chỉ còn sự tương giao một cách trọn vẹn và vô ngã. Tình yêu nam nữ phổ biến hiện nay chỉ là sự trao đổi, mà hàng hóa chính là cảm xúc và cảm giác của hai bên. Khi còn ảo tưởng về cái tôi thì không thể xảy ra tình yêu đích thực, vì thế nào cũng có điều kiện nào đó hiện diện. Tình yêu lúc đó dù bắt đầu có nồng thắm đến đâu, dù cảm xúc có mạnh mẽ đến đâu cũng thật mong manh. Vì chỉ cần xuất hiện yếu tố bên ngoài làm cảm xúc - cảm giác của một bên thay đổi, thế là bão táp phong ba liền ập tới.

Khi ta yêu một người tức là ta yêu luôn cả mặt tốt và mặt xấu của người đó. Xấu và tốt như hai mặt của một bàn tay. Ta không thể chỉ giữ lấy một mặt mà bỏ đi mặt kia. Ta luôn tự vẽ ra cho mình một hình ảnh về người mình yêu hay người chồng/vợ của mình. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng của ta, không phải con người thực. Vì vậy ta cần nhẫn nại lắng nghe, quan sát và chia sẻ để có thể hiểu rõ về người bạn đời của mình. Khi thấu hiểu cả mặt tích cực và tiêu cực của người ấy, ta mới có thể yêu thương họ thật sự.

Khi ta thật sự yêu thương một người thì người đó sẽ cảm thấy tự do để được là chính họ. Tình yêu đích thực không ràng buộc đối tượng được yêu mà còn là động lực để cho họ đổi mới chính mình. Khi có biến cố xảy ra thì phụ nữ vẫn là người chịu thiệt thòi nhiều hơn, nhưng họ cũng dễ buông bỏ tư kiến của mình hơn. Nếu cô gái biết chấp nhận chàng trai như anh ấy là, thì sẽ có cơ hội để chàng trai thay đổi thái độ của mình.

Quy luật của cuộc sống là vô thường, kể cả tình yêu đôi lứa. Nếu ta đủ nhẫn nại để quan sát, ta sẽ thấy rõ, vị đắng, vị ngọt của tình yêu. Thấy rõ nó sinh ra và mất đi như thế nào. Và khi hiểu rõ, ta sẽ không còn bám chấp vào hôn nhân nhưng cũng không sợ sệt hôn nhân nữa. Ta có thể làm giấy kết hôn với người mình không hề yêu và cũng có thể nhắm mắt ký giấy ly hôn khi mình vẫn còn yêu tha thiết. Hôn nhân hay ly hôn vốn chỉ là hình thức, là một bản hợp đồng mà thôi. Làm sao nó có thể ràng buộc được tâm ta? Quan trọng là khi có biến cố xảy ra, ta cần đối diện với chúng bằng thái độ sáng suốt và trong lành. Vì biến cố đó là như ý hay bất như ý cũng là cơ hội cho ta hiểu thêm về chính mình, về người mình yêu. Và từ đó nhận ra bản chất thật của tình yêu, của cuộc sống.

Đừng tưởng xuất gia đi tu là ta có thể trốn thoát được bài học tình yêu. Với hiểu biết mờ mịt không rõ ràng, bất cứ lúc nào ta cũng có thể gặp vướng mắc tình cảm bất kể ta đang làm gì, ở đâu. Đức Phật có dạy rằng chỉ có thể thoát ly một pháp khi ta đã tường tận mặt tích cực cũng như mặt nguy hại của nó, khi ta nhận biết rõ từ khi nó sinh ra cho đến khi nó mất đi. Nói đúng hơn, lúc đó nó tự thoát ly, chứ không ai làm gì cả.

Hãy nhớ điều quý giá nhất trong cuộc sống chính là sự bất toàn. Vì khi toàn vẹn thì sự sống sẽ kết thúc. Sự bất toàn là một phần của vô thường, một quy luật tất yếu của cuộc sống. Khi ta còn đang sống trong ảo tưởng về bản ngã, về cái tôi và cái của tôi, thì bản ngã luôn cầu toàn và nỗ lực để được như ý. Nhưng những gì nó nhận được từ cuộc sống đều là bất toàn và bất như ý.

Sau những cố gắng và nỗ lực vô vọng, nhờ sự bất toàn ấy mà cuối cùng bản ngã cũng đầu hàng. Ta bắt đầu sống vô ngã vị tha và tự nhiên ta thấy sự bất toàn lại chính là động lực để phát triển và tiến hóa của vạn vật. Chính vì mọi thứ đều bất toàn mà ai cũng có cơ hội làm mới bản thân mình.

Bản ngã luôn mong cầu tốt hơn những gì đang xảy ra. Nó không cho ta cơ hội trọn vẹn với thực tại đang là. Vì vậy ta rơi vào phiền não khổ đau. Nhưng chỉ cần ta buông mọi ý đồ muốn tốt hơn và trở về trọn vẹn với những gì đang diễn ra, ta sẽ thấy mọi sự đều vô thường, tự nhiên đến rồi đi. Tất cả đều có lý do, tùy duyên mà sinh khởi và cũng tùy duyên mà chấm dứt bất kể ta muốn hay không. Tất cả những thiện - ác trong đời đều "Bất khả tư nghì", tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng mà nó được gán cho cái nhãn "thiện" hay "ác". Dù những gì đang xảy ra là thiện hay ác, nó đều là bài học giác ngộ vô cùng quý giá về cuộc sống.

--
Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến

         Liên Phật Hội
United Buddhist Foundation
A 501 (c) (3) Non-profit Organization




United Buddhist Foundation - Liên Phật Hội - A non-profit 501(c)3 to connect and dedicate for developing Buddhism, especially Buddhist public communication. - Tổ chức phi lợi nhuận nhằm liên kết và phụng sự cho việc phát triển Phật giáo, đặc biệt là truyền thông Phật  giáo.

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

Những điều tôi nhận được từ Phật pháp



Trong bất kỳ một tôn giáo nào, tôn chỉ mục đích giáo lý đều nhằm vào vấn đề đem đến sự bình an và giải thoát khổ đau cho con người. Nhưng không phải tôn giáo nào cũng đạt được mục đích đó. Có giáo phái giải quyết việc chấm dứt khổ đau bằng khải thị Thượng đế qua cầu xin; có giáo phái lại đề cao sự cúng kiến "tốt lễ dễ cầu" để kêu gọi thần linh giúp đỡ khổ đau cho mình bằng nghi lễ vật chất giết heo, mổ gà và dùng máu huyết động vật để cúng thần linh; có giáo phái lại lấy việc thú hướng coi đất xem ngày giờ, tuổi tác tốt xấu để cầu làm ăn giàu sang và giải hạn xấu…

Với tín ngưỡng dân gian tồn tại hàng ngàn năm, bởi những tập quán, tập tục giải thích về vấn đề tâm thức, tâm linh vốn phức tạp lại thêm phức tạp rối rắm, khiến con người sống trong vui buồn chờ đợi, để rồi thất vọng trước cái chết. Tất cả luẩn quẩn trong vòng sinh tử luân hồi bế tắc không có lối thoát. Qua tìm hiểu cho thấy, chỉ có giáo lý Đạo Phật và Duy nhất chỉ có giáo lý này, với kiến giải thâm hậu của Duy thức học mới có thể kiến giải thỏa đáng được những vấn đề lớn thuộc các lĩnh vực của thế giới quan tự nhiên, xã hội, sự vật, con người và tâm linh huyền nhiệm.

1. Duy thức học xua tan bóng ma thần quyền 

Như chúng ta đã biết, thế giới ngày nay, Khoa học phát triển vượt bậc từng bước khẳng định con người chết là không hết và linh hồn hằng còn. Điều này (đối với Phật giáo là không mới), bởi trong Duy thức luận từ lâu giáo lý đạo Phật đã khẳng định: con người chết là chỉ hết cái Sắc thân ngũ uẩn (vật lý) này, nhưng thức linh do nghiệp dẫn tái sinh ở kiếp sau (tức chuyển kiếp) thì hằng còn trong vòng tương tục. Chính vì điều này mà đạo Phật có câu " sắc sắc không không". Thực tế để hiểu được cụm từ này không phải dễ dàng (nếu không tìm hiểu và học giáo lý của đạo Phật) thì không dễ gì nắm được nguyên lý căn bản của sự hình thành vũ trụ, con người và sự vật nói chung. Đặc biệt là vấn đề tâm linh, đây là một phạm trù " mềm" không có khả năng chuyên chở thực tế theo duy lý. Chính vì vấn đề này, mà nhiều nghìn năm nay đã không ít những bậc Thánh triết ra đời tạo lập tông phái nhằm kiến giải vấn đề tâm linh. Song, trên thực tế sự kiến giải vẫn mang nặng tư tưởng tín ngưỡng thần quyền chấp trước chủ quan . Do vậy mà tư tưởng này, vẫn có đất tồn tại dai dẳng và đẩy con người vào vòng bế tắc trong vòng sinh tử luân hồi khổ đau của kiếp nhân sinh. Về vấn đề này xin nhắc lại, chỉ có giáo lý đạo Phật với Duy thức luận sâu sắc mới kiến giải giúp con người hiểu và nhận ra con đường tu giải thoát vượt khỏi vòng xoáy luân hồi sinh tử. Với sự khẳng định trên, chắc không ít người đặt câu hỏi ? Vậy đạo Phật ra đời cách đây trên 2500 năm sao giáo lý này vẫn chưa đến được với đông đảo mọi người ? Xin thưa, giáo lý đạo Phật ra đời thực chất là như vậy, nhưng không phải ai cũng có duyên để kiến lập tư duy và hiểu được giáo lý thâm hậu của đạo Phật. Ngoài ra còn chưa kể đến các yếu tố lịch sử khác. Và phải đến ngày nay, khi Phật giáo phát triển, cùng với tư duy logic khoa học hiện đại đồng hành soi chiếu, thì vấn đề tâm linh và nhiều phạm trù khác liên quan đến con người mà Phật giáo đề cập mới được làm sáng tỏ và đem lại lợi ích đích thực cho đông đảo mọi người khi đến với giáo lý này.

Thực tế, giáo lý đạo Phật ra đời không phải để chờ khoa học giải thích như một số người hiểu lầm cho rằng, Phật giáo mạo danh khoa học, mà thực tế trên diễn đàn khoa học ngày nay, đã không ít các học giả và các nhà khoa học hàng đầu thế giới thông qua việc nghiên cứu về vũ trụ quan và nhiều phạm trù khác của đạo Phật đã phát biểu và cho rằng: Nếu khoa học bỏ ra ngoài, có nghĩa là không tìm hiểu giáo lý của tôn giáo nói chung, trong đó có Phật giáo, thì tương lai các ý tưởng khoa học sẽ bế tắc, nếu không muốn nói là khoa học tự chặn con đường đi của mình lại. Và Phật giáo nếu không có khoa học cùng đồng hành giải thích những vấn đề thâm hậu của giáo lý, thì giáo lý đạo Phật sẽ không đến được với đông đảo mọi người. Một thực tế chứng minh cho thấy sự tương đồng giữa Phật giáo và khoa học trong cấu trúc của vật chất với Thuyết Thập Nhị Nhân Duyên của đạo Phật mà đức Phật nói tới cách đây trên 2500 về các cõi giới vô hình trong vũ trụ và cõi giới tâm linh. Đây là những vấn đề khó kiến giải, thì nay đã được các nhà khoa học hàng đầu thế giới chứng minh, giúp cho con người tin sâu hơn vào giáo lý vi diệu của đạo Phật, mà bấy nay không ít người vẫn cho là mơ hồ.

2. Khoa học và Phật giáo cùng đồng hành soi chiếu

Khoa học ngày nay đã biết khá nhiều về thế giới vật chất mà đa số tuyệt đối các nhà khoa học cho là vật chất khách quan ở ngoài ý thức (theo duy vật). Người ta biết rằng vật chất không phải là một thể thống nhất, mà nó được cấu trúc từ những phân tử rất nhỏ gọi là nguyên tử.

Theo tác giả Truyền Bình với nhiều bài viết đối chiếu và so sánh giữa Phật giáo và khoa học cho rằng: Khoa học ngày nay thế kỉ 20 còn thâm nhập vào bên trong của nguyên tử tìm hiểu những hạt cơ bản tạo ra vật chất, vì những hạt này ở mức độ nhỏ hơn, thấp hơn nguyên tử nên người ta gọi chúng là những hạt hạ nguyên tử. Và đến cuối thế kỷ 20, người ta còn thâm nhập sâu hơn nữa vào cấu trúc của hạt proton và hạt neutron và thấy rằng chúng được cấu tạo bởi hai hạt: quark up và quark down".

Như vậy chỉ với 3 hạt trên đã tạo ra tuyệt đại đa số vật chất trên quả địa cầu của chúng ta. Các sinh vật cũng hình thành từ những hạt này mà thôi, tiến hóa chất vô cơ đến chất hữu cơ… và cuối cùng là con người diễn tiến vô cùng phức tạp và kỳ diệu cũng đã được khoa học kiến giải cho thấy Phật giáo và Khoa học có nhiều mặt tương đồng thật bất ngờ. Trong giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên của Phật giáo cũng mô tả thế giới vật chất và thế giới sinh vật bằng cấu trúc trùng trùng duyên khởi của nhân duyên mà yếu tố căn bản là vô minh và yếu tố cuối cùng trong chuỗi 12 nhân duyên này là lão tử, xoay vòng như mắc xích. ( vô minh, hành, tưởng, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử)

Khoa học và Phật giáo giống nhau ở chỗ mô tả thế giới là cấu trúc. Cấu trúc chính là bản chất của thế giới, đó là sự tương tác lẫn nhau của đủ loại cấu trúc, tuy khác nhau về hình tướng nhưng đồng nhau về bản chất.

Về sự biến đổi, cũng như tuổi thọ của vạn hữu và tính chất vô thường của vạn vật, khoa học đã chứng minh là tất cả mọi vật từ một hạt cơ bản hạt nguyên tử cho đến vũ trụ bao la đều có tuổi thọ hữu hạn, mọi sự vật đều luôn biến đổi, luôn luôn chuyển động từ trạng thái này sang trạng thái khác, nhanh hay chậm tùy sự vật, nhưng biến đổi là bản chất của sự vật. Về điều này Phật Giáo cũng nêu tính chất vô thường của vạn vật, mọi vật đều luôn biến đổi qua 4 trạng thái: Thành, trụ, hoại, diệt và không có gì thoát khỏi quy luật này. Tính chất vô thường hay bản chất sinh diệt là điểm đặc trưng của thế giới chúng ta đang sống. Đó là giáo lý căn bản của đạo Phật đã nêu rõ tong kinh điển.

Về nhìn nhận vũ trụ, Khoa học với những phương tiện quan sát thám hiểm không gian hiện đại, biết rằng vũ trụ rất rộng lớn, bán kính có thể tính được bằng tỷ quang niên. Trong vũ trụ có vô số thiên hà và các hệ hành tinh. Những năm gần đây, khoa học đã khám phá ra nhiều hành tinh cũng tương tự như trái đất của chúng ta, tuy nhiên khoa học chưa tìm thấy tín hiệu của một nền văn minh khác ngoài trái đất. Trong khi đó, Kinh điển Phật giáo trên 2500 năm trước, đức Phật đã đề cập đến Tam giới bao gồm, Dục giới, Sắc giới. và vô sắc giới. Chỉ riêng cõi Dục giới thôi đã rộng lớn hơn vũ trụ mà chúng ta quan niệm vì ngoài cõi vật chất. Trong cõi Dục giới còn bao gồm cõi trời Lục Dục thiên, mà các giác quan của chúng ta (mắt phàm) không thể tiếp xúc được. Như vậy, ta thấy Phật Giáo đã đưa ra quan niệm Đa vũ trụ, các vũ trụ chồng chất lên nhau mà phần lớn đều hoàn toàn vô hình đối với giác quan của chúng ta, nên tuyệt đại đa số con người không thấy được các cõi giới đó. Vì không thấy không cảm nhận được, con người bèn cho rằng không có và không tin. Cũng giống như chung quanh ta có rất nhiều sóng vô tuyến, sóng điện tử, sóng cực vi…mà ta không thể cảm thấy trực tiếp được. Chỉ khi có các thiết bị như Radio, ti vi, smart phone, hoặc những nhà ngoại cảm mới thấy được âm thanh, hình ảnh, tín hiệu và thế giới vong linh ở cõi âm. Đa vũ trụ cũng được các nhà khoa học hàng đầu thế giới hiện nay mô tả điển hình là nhà vật lý người Anh Stephen Hawking.

Cái mà chúng ta thấy được và cảm nhận được trong "hiện tiền" chỉ là một phần rất nhỏ của đa vũ trụ vô lượng vô biên mà Phật giáo từ lâu đã diễn tả trong thuật ngữ "Tam thiên Đại thiên thế giới".

Nếu Tam Thiên Đại Thiên thế giới mà đức Phật qua Chánh Đẳng Chánh giác thấy được, đến nay khoa học đã chứng minh. Thì trong kinh có câu "Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức" của Phật giáo, so với thuyết tương đối của Einstein đối chiếu cũng cho là tương đồng. Bởii Thuyết tương đối của Einstein tập trung ở ba điểm quan trọng: Không gian, thời gian và khối lượng vật chất là tương đối, Tương đối nghĩa là không tồn tại độc lập, không tồn tại độc lập là phụ thuộc vào một cái khác, hay phụ thuộc lẫn nhau. Tương đối có nghĩa là có thể co dãn, có thể thay đổi. Thuyết tương đối ngày nay đã được các nhà khoa học kiểm chứng. Bởi giữa khối lượng và năng lượng có sự tương đương và liên hệ chặt chẽ được thể hiện qua công thức nổi tiếng của Einstein. E (năng lượng)= M (khối lượng vật chất) x C2 (vận tốc ánh sáng). Cho nên, nếu khối lượng là tương đối, có thể thay đổi, thì năng lượng cũng thế, có thể thay đổi, năng lượng có thể biến thành khối lượng vật chất. Về điều này, chúng ta thấy Phật Giáo nói rằng Tâm cũng là một dạng năng lượng, chẳng những vậy, tâm còn là một năng lượng vô hạn. Nếu làm chủ được Tâm thì cả vũ trụ này sẽ được thâu nhiếp thu nhỏ trong lòng bàn tay. Đó chính là ý nghĩa của câu "Tam giới duy Tâm".

Căn cứ những nghiên cứu thực nghiệm và đối chiếu sự tương đồng giữa Khoa học và Phật Giáo. Khoa học hiện đại ngày nay cho rằng vũ trụ của khoa học và vũ trụ quan của Phật giáo đã tiếp cận. Các khoa học gia hàng đầu thế giới ngày nay không còn coi thế giới là duy vật khách quan nữa mà đã bắt đầu hiểu tâm ý con người có ảnh hưởng quyết định đến vật chất. Như vậy, từ xa xưa Phật giáo đã cho rằng tất cả các Pháp không có tự tính. Kinh Hoa Nghiêm nói: "Tâm như họa công sư, họa chủng chủng ngũ ấm - Nhất thiết thế giới trung, vô pháp nhi bất tạo - Nhất thiết pháp vô tự tính (nghĩa là Tâm như họa công sư khéo tay, vẽ đủ thứ ngũ ấm, trong tất cả thế giới, không pháp gì mà không tạo ra được… tất cả các pháp đều không có tự tính)

Chính vì các pháp không có tự tính, mọi tính chất, mọi đặc trưng của các pháp đều do tâm của con người gán ghép cho các sự vật, theo đúng như cơ chế của việc gán ghép ý nghĩa vào tiếng nói và chữ viết. Điều này Phật giáo nói rằng "Nhất thiết duy tâm tạo".

Và kinh Hoa Nghiêm có kệ diễn tả:

"Nhược nhân dục liễu tri
Tam thế nhất thiết Phật
Ưng quán Pháp giới tính
Nhất thiết Duy tâm tạo."

Dịch:

"Nếu có người muốn biết rõ
Tất cả Phật trong ba đời
Hãy xem xét bản chất của Pháp giới
Tất cả đều do tâm tạo."

Tất cả đều do tâm tạo, đó là Phật giáo từ xa xưa đã khẳng định. Và bây giờ qua nghiên cứu thực nghiệm các nhà Khoa học hiện đại cũng chứng minh và cho rằng: Vật chất chỉ là một cấu trúc ảo không thật, tâm gán ghép các tính chất đặc trưng cho vật. Các hạt cơ bản tự nó không có tính chất đặc trưng gì cả: Tâm gán cho chúng các đặc trưng như vị trí, khối lượng, điện tích, số spin. Sau khi gán ghép, chúng mới hiển thị thành hạt. Về điều này các nhà khoa học đã thí nghiệm. Một trong các thí nghiệm nổi tiếng nhất, đó là thí nghiệm về Hai khe hở. Khi bị quan sát thì vật chất thay đổi. Chứng tỏ sự quan sát của con người ảnh hưởng tới vật chất.

3. Pháp giới duyên sinh - Duy tuệ thị nghiệp 

Giáo lý đạo Phật đề cập đến nhiều lĩnh vực, nhưng về vấn đề Đa vũ trụ và siêu hình đức Phật khuyên các đệ tử không đi sâu vào vấn đề này, bởi nhiều vấn đề vượt quá tầm mức hiểu biết của con người. Và không cần thiết cho việc tu giải thoát. Trong giáo lý của đạo Phật chúng ta thấy hầu hết các bộ kinh Nguyên thủy và Đại thừa, đức Phật chỉ tập trung chỉ dạy phương pháp tu hành để đoạn trừ Tam độc, Ngũ trược. Đây là những yếu tố căn bản làm che mờ tánh giác, kìm hãm sự tu hành giải thoát. Đề cập về vấn đề tâm linh, một lĩnh vực khó kiến giải trong vòng tương tục của lục đạo luân hồi. Giáo lý đạo Phật căn cứ vào căn cơ của từng chúng sinh mà chỉ bày phương pháp tu trì. Với sự chết, đây là vấn đề quan trọng không chỉ đối với cõi người chúng ta, mà với cả cõi thiên. Tìm hiểu kinh điển chúng ta thấy: ngay cả cõi thiên tuổi thọ có đến cả vài trăm, thậm chí có khi hàng ngàn năm, nhưng khi nói đến sự chết và đọa lạc, với cõi thiên trước cái chết cũng phải bàng hoàng lo lắng về sự sinh tử luân hồi, chứ nói chi đến cõi Ta- bà của chúng ta. Khi kiến giải về sự chết, giáo lý đạo Phật nói về Nghiệp dẫn trong quá trình chuyển thế ta thấy yếu tố Thiện, Ác được đặt lên hàng đầu, bởi chính con người tạo tác và chịu nhân quả, chứ không phải ai khác. Đây là một giáo lý hợp với logic hay nói đúng hơn là một chân lý siêu tuyệt tối thượng, vượt khỏi tôn giáo Thần quyền. Về nội dung này, đức Phật dạy:"Duy tuệ thị nghiệp". Tất cả đều phải buông bỏ, chỉ có nghiệp theo ta vào lúc chuyển thế tái sinh.

Là người bước đầu đến với đạo Phật, nhưng với giáo lý về Ngũ uẩn, Vô thường, Nhân quả và Nghiệp dẫn của đạo Phật, người viết bài này trộm nghĩ không chỉ riêng mình mà tất cả những ai đã có duyên lành đến với đạo Phật, đều cảm thấy như cất được gánh nặng và nhẹ lòng khi gặp được giáo lý đạo Phật soi sáng, xua tan bóng ma của mê tín Thần quyền, mà bấy lâu bị ám ảnh lo sợ đeo bám về nỗi sinh tử của kiếp con người.

Trong quy luật sinh tử, lẽ thông thường ở thế gian đều cho rằng, chết là hết, là trắng tay. Khi nói về sự chết con người thường né tránh. Khổng Tử có đến 3000 đệ tử đều là bậc hiền triết, nhưng khi bàn đến chuyện sinh tử, ông nói với học trò: "Việc sống còn chưa hiểu, sao nói đến việc chết". Lão Tử, Trang Tử đều là lãnh tụ của thuyết vô vi. Lão Tử sinh thời chu du khắp thiên hạ đọc hết kho sách nhà Chu và cuối đời về ở ẩn, không tiếp xúc với ai rồi chết hóa thân không ai biết! Trang Tử là môn đệ của Lão Tử cũng theo thuyết này, ông cũng đã chạm đến tư tưởng giải thoát như Phật giáo, nhưng còn kẹt sâu vào ngũ uẩn hữu lậu, bởi vậy mà than rằng: "Nếu không có cái thân này…". Như vậy, Trang Tử cũng bế tắc bởi còn dính mắc cái thân ngũ uẩn thô trược này như lời than của ông lúc về già. Nhưng với giáo lý Đạo Phật, thì Đức Thế Tôn nghĩ khác, và dạy : " Thân người khó được, Phật pháp khó gặp". Nghĩa là thân người có được là quý, nhưng chỉ mượn cái thân này (khéo tu) để giải thoát lục đạo luân hồi, để trở thành chân nhân, Thánh Hiền, để có được Pháp thân vô ngại. Vậy từ phàm đến Thánh là cả một lộ trình tu hành đầy gian nan và trí tuệ mới đạt được mục đích trên, chứ đâu phải do một đấng thần quyền nào ban phát cho mà được.

*** 

Như chúng ta đã biết, Ấn Độ là một trong những nước văn minh thời cổ đại, từng có nhiều triết gia xuất chúng thế nhưng, không phải là không có những chủ thuyết sai lầm và lạc hậu; mà chủ trương tệ hại nhất chính là sự phân biệt chủng tộc và tự tôn giai cấp một cách mù quáng của tu sĩ Bà-la- môm lúc bất giờ. Do đó, sau khi chứng đạt Vô Thượng Chánh Giác, đức Phật đã vận dụng trí tuệ siêu tuyệt, vạch trần chủ trương phi lý của họ. Đặc biệt là giai cấp Bà- la- môn độc tôn Thần quyền cho rằng: " Chỉ có Bà-la-môn là chủng tộc tối thượng, các chủng tộc khác là thấp hèn; chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các chủng tộc khác là không thanh tịnh. Các Bà-la-môn là con chính thống của Phạm Thiên, do Phạm Thiên sinh ra, được quyền thừa tự Phạm Thiên." (Trung bộ kinh II,84)

Để phản bác quan điểm sai lầm này, đức Phật tuyên bố: " Này Bà-la-môn, nếu tự thể được sinh ra trong chủng tộc Bà-la-môn thì người ấy được công nhận là Bà-la-môn. Nếu tự thể được sinh ra trong chủng tộc Sát-đế-lợi thì người ấy được công nhận là Sát-đế-lợi. Nếu tự thể được sinh ra trong chủng tộc Phệ-xá, Thủ-đà, thì người ấy được công nhận là Phệ-xá, Thủ-đà. Này Bà-la-môn, cũng như ngọn lửa từ vật gì được đốt lên thì nó được gọi tên tùy theo vật ấy. Ví dụ ngọn lửa được đốt lên từ củi, thì gọi là lửa củi; từ dăm bào thì gọi là lửa dăm bào; từ cỏ thì gọi là lửa cỏ; từ phân bò thì gọi là lửa phân bò. Cũng vậy, này Bà-la-môn. Ta nhớ lại những gia tộc xa xưa của mình, chỗ nào tự thể được sinh ra, thì tự thể ấy được công nhận tùy theo gia tộc ấy. Riêng Ta, Ta chủ trương Thánh pháp là sở hữu tối thượng của mỗi người." (Trung bộ kinh II,181).

Đề cập về phẩm hạnh, trong kinh điển đức Phật cũng nói rõ, sự giác ngộ của con người không lệ thuộc vào giai cấp cao sang hay thấp hèn: 

" Này Bà-la-môn, ông phải hiểu rằng: Nếu một người Bà-la-môn có những hành vi phi pháp, như ăn trộm hoặc giết người, thì nó được gọi là tên trộm cướp, là kẻ sát nhân, và danh xưng Bà-la-môn của nó trước kia đã biến mất. Trái lại, nếu một người Thủ-đà học rộng có phẩm chất cao quý, thì thiên hạ gọi người ấy là nhà bác học, là bậc Hiền triết, và danh xưng Thủ-đà của người ấy trước kia nay không còn nữa."(Trung bộ kinh II,88).

Trả lại quyền cho con người, và khai phóng tự do giải thoát cho chúng ta đức Phật khẳng định: "Có những người sinh ra trong ánh sáng và đi về phía ánh sáng. Có người sinh ra trong ánh sáng để đi vào bóng tối. Có người sinh ra trong bóng tối, nhưng đi về phía ánh sáng.. Và cuối cùng là có những người sinh ra trong bóng tối, để tiếp tục đi trong bóng tối. Điều đó có nghĩa là dầu ta được sinh ra trong bất cứ hoàn cảnh nào, ta vẫn có nhiều cơ hội để lựa chọn."

Thực tế cuộc sống mách bảo, dẫu con người giỏi dang nhiều thứ, nhưng trước cái chết con người thường yếu đuối và bàng hoàng. Thầy Thích Trí Quảng trong bài viết: " Suy nghĩ về kiếp người."cho rằng: Người ta thường nghĩ, kiếp của một con người, từ khi sinh ra cho đến già và chết. Tức là sinh ra để rồi kết thúc bằng cái chết. Nếu kiếp người chỉ đơn giản như vậy, thì thật ra không đáng sống.

Nhưng với đức Phật, thì có suy nghĩ xa hơn và Ngài thấy được phía bên trong của con người có cái gì khác nữa. Sự khác biệt này, được Kinh Hoa Nghiêm diễn tả: Đó là Pháp giới Duyên sinh.

Trong kinh Pháp hoa đức Phật nói rằng: " Ta vì những người nhàm chán sinh, già, bệnh chết, nên nói pháp Niết-bàn (giải thoát). Đây là pháp đầu tiên Ta chuyển bánh xe pháp. Đó là Tứ thánh đế. tức bốn chân lý không thay đổi." (xin tìm hiểu thêm về pháp này).

Từ bốn chân lý này đức Phật mở ra cho chúng ta cuộc sống có ý nghĩa hơn. Đó là hai con đường sống: một là khổ đau (nếu theo ngũ dục); hai là cuộc sống an lạc (theo đạo Phật giữ giới hạnh).

Nếu chọn con đường đi lên, là thiên đường hay Niết-bàn; hoặc chọn con đường đi xuống địa ngục, ngã quỷ là do ta lựa chọn. Đời sống khổ đau hay vui buồn cũng do chính bản thân mình tạo nên. Đây là tư tưởng mới cần cho con người ở mọi thời đại. Tư tưởng này nảy sinh từ đức Phật. Trái ngược với tư tưởng Thần quyền cho rằng, con người khổ đau hay vui sướng đều do thần linh, Thượng đế quyết định (tức Thượng đế toàn năng). Phủ nhận điều này, đức Phật dạy rằng: "Con người quyết định chính vận mạng của mình" và chúng ta không giao vận mạng của mình cho người mà mình không quen biết. Để kết thúc bài viết này, chúng ta hãy nghe một đối thoại nhỏ, nói về tư tưởng độc tôn Thần quyền thiếu chánh kiến và tư duy của Bà-la-môn giáo với Đức Phật được ghi trong kinh điển dưới đây:

" Đức Phật hỏi Bà-la-môn:

Ông có biết hay thấy Thượng đế hay không. Ông ta trả lời không thấy, cũng không biết Thượng đế.

Và đức Phật lại hỏi:

- Sao ông tin Thượng đế. 

Ông nói: tại vì cha của con, ông của con, Tổ tiên của con nói có Thượng đế.

Bấy giờ Phật dạy rằng:

"Đừng tin những gì được nhiều người trước ta tin. Muốn tin phải kiểm chứng, coi điều ta tin có hợp lý không. Nếu không hợp lý ta không tin. Và thấy hợp lý rồi cũng phải kiểm chứng." Để có chánh tín, ngay cả những lời đức Phật dạy, Ngài cũng khuyên chúng ta cần phải kiểm chứng, rồi hãy làm theo.

Như vậy, học Phật pháp không hề cản trở việc học tập ở thế gian; kiến thức Phật pháp cũng không đối lập với kiến thức thế gian. Duy chỉ có khác biệt là Phật dạy chúng ta nên nhìn thẳng vào nỗi khổ đau của con người, để chuyển hóa nó trở thành hạnh phúc đích thực. "Duy tuệ thị nghiệp". Đó là lời Phật dạy chúng ta trên con đường tìm về chân lý giải thoát khổ đau.

Tài liệu tham khảo:

- Hành trình về Phương Đông. Nguyên tác: SPALDING. Nguyên Phong dịch.

- Bài: Khoa học hiện đại hướng đến Phật giáo. Cư sĩ Truyền Bình (PGVN)

- Bài: Đối chiếu Khoa học và Phật giáo. Tác giả Truyền Bình (báo biện tử Đạo Phật ngày nay).

- Tâm và Pháp. Cư sĩ Truyền Bình (tạp chí Nghiên cứu Phật học-số 1-2017.

- Sự bất tử của tâm thức và cơ học lượng tử. Kỷ Tiểu Minh-Dịch giả Việt Nguyên (PGVN)

- Trang Tử. Thu Giang- Nguyễn Duy Cần. Nxb-Tp- HCM- 1992.

- Từ điển Nho Phật Đạo. Lão Tử -Thịnh Lê (biên soạn- Nxb- Văn học-2001)

--
Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến

         Liên Phật Hội
United Buddhist Foundation
A 501 (c) (3) Non-profit Organization




United Buddhist Foundation - Liên Phật Hội - A non-profit 501(c)3 to connect and dedicate for developing Buddhism, especially Buddhist public communication. - Tổ chức phi lợi nhuận nhằm liên kết và phụng sự cho việc phát triển Phật giáo, đặc biệt là truyền thông Phật  giáo.

Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

Lá thư hằng tuần từ Liên Phật Hội - Tuần thứ 3 tháng 5.

Chỉ trong vài ngày cuối tuần, chúng tôi liên tục nhận được tin buồn từ nhiều thân hữu có người thân đã và sắp sửa qua đời. Sinh, trụ, dị, diệt là quy luật chung của toàn vũ trụ và sinh, lão, bệnh, tử là những điều không ai trong chúng ta tránh khỏi. Mặc dù vậy, một khi thời khắc vô thường xảy đến cũng không thể không đau lòng trước sự đau thương mất mát khi người thân của mình vĩnh viễn ra đi.

 

Tuy nhiên, sự đau đớn tiếc thương cho dù là lẽ thường tình, lại không giúp ích được gì cho người thân sắp chết hoặc vừa quá cố. Thay vì vậy, nếu chúng ta có thể bình tĩnh ghi nhớ và làm theo những lời Phật dạy thì có thể mang đến lợi lạc đôi đường, cho cả người chết lẫn người sống. Trong lá thư tuần này, chúng tôi xin đề cập đôi điều về chủ đề này, vì cho dù không mong muốn nhưng trong tất cả chúng ta không ai tránh khỏi sẽ có lần phải đối diện với sự thật này.

 

Trước hết, theo lời Phật dạy, khi muốn thực hiện bất kỳ điều gì lợi lạc cho người thân đã quá cố, chúng ta cần thiết phải xác lập niềm tin vững chắc vào hai sự thật sau đây:

 

1. Cái chết không phải là chấm dứt tất cả:

 

Điều này mới nghe có vẻ như thừa, vì hầu hết người Phật tử chúng ta đã tin chắc vào nhân quả thì đương nhiên phải tin vào việc có một hình thức tồn tại tiếp diễn sau khi chết. Bởi nếu không như thế thì quy luật nhân quả sẽ trở thành vô nghĩa vì không còn thời gian để hiển lộ. Tuy nhiên, một niềm tin như thế vẫn là chưa đủ để chúng ta có thể cảm nhận, tương giao với tâm thức người chết. Vì vậy, chúng ta cần tin và hiểu cụ thể hơn về sự tồn tại như thế nào của tâm thức sau khi chết. Có như thế, ta mới có thể hình dung được sự hiện hữu của người thân của mình ngay cả sau khi người ấy đã nhắm mắt lìa đời. Tất nhiên, đối với việc này thì chúng ta chỉ có thể đặt niềm tin hoàn toàn vào lời dạy trong Kinh điển, bởi tất cả chúng ta chưa ai đã từng trải qua cái chết.

 

Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy rằng, sau khi chết thần thức chúng sinh đi vào một trạng thái gọi là thân trung ấm. Đây cũng là một dạng tái sinh, nhưng đời sống của thân trung ấm chỉ có thể kéo dài được tối đa khoảng 7 ngày  (thay vì con số 100 năm cho kiếp người). Sau 7 ngày (tức một tuần thất), thân trung ấm lại chết đi và lập tức tái sinh thành một thân trung ấm khácĐiều này có thể lặp lại tối đa là 7 lần, và như vậy đời sống trong cảnh giới trung ấm của người chết có thể kéo dài tối đa là 7 tuần lễ, tức 49 ngày.

 

Đây là căn bản trong lời Phật dạy để hình thành việc tổ chức tuần thất và cầu siêu cho người chết kéo dài trong 49 ngày. Cũng trên căn bản những lời dạy này và một số lời dạy rải rác trong các Kinh điển khác, các vị Tổ sư, Luận sư đã giảng giải cho chúng ta hiểu rõ hơn về những lời dạy của Phật.

 

Ở đây cần nhấn mạnh hai chữ "có thể", vì không nhất thiết tâm thức người chết bao giờ cũng lưu lại đủ thời gian đó trong trạng thái trung ấm. Một người chân chánh tu tập đã liễu sinh thoát tử, có thể chỉ đi vào cảnh giới trung ấm trong một sát-na ngắn ngủi hoặc thậm chí vượt qua nó để tái sinh tức thời vào cảnh giới tương ứng với nguyện lực hay thiện nghiệp lớn lao của vị ấy. Một người có thiện nghiệp trung bình có thể lưu lại một hai tuần hoặc lâu hơn trong cảnh giới trung ấm trước khi tái sinh theo nghiệp lực. Tương tự, một người làm những điều cực ác (như ngũ nghịch tội) có thể sẽ bỏ qua cảnh giới trung ấm và tái sinh tức thời vào địa ngục, do ác nghiệp quá nặng nề. Nếu ác nghiệp có phần nhẹ hơn, họ sẽ lưu lại một thời gian trong cảnh giới trung ấm rồi tái sinh vào một cảnh giới xấu nào đó...

 

Nhưng cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tất cả chúng sinh đều chỉ có thể lưu lại trong trạng thái trung ấm tối đa không quá 49 ngày. Sau thời gian đó, dù họ có lưu luyến với đời sống cũ đến mức nào, họ cũng vẫn bị thôi thúc phải đi tái sinh bởi nghiệp lực đã tạo.

 

Cũng theo Kinh điển, trong thời gian tái sinh vào cảnh giới trung ấm, thần thức có nhiều điểm đặc thù hơn so với đời sống bình thường của mọi chúng sinh.

 

Do không bị trói buộc trong thân thể vật chất, thần thức có thể tức thời hiện hữu ở bất kỳ nơi đâu mà họ khởi tâm nghĩ đến; có thể nghe thấy, nhìn thấy, cảm nhận được (tất nhiên không phải bằng những giác quan như khi còn sống) khi có những chúng sinh khác nghĩ tưởng, nhắc đến họ; có thể nghĩ nhớ, luyến tiếc, cảm xúc với những gì họ nghe thấy, nhìn thấy. Điều quan trọng nhất là thân trung ấm không có cảm giác rằng đời sống cũ của họ đã chấm dứt, mà vẫn thấy như họ đang tiếp tục kéo dài đời sống cũ. Họ vẫn nhớ biết mọi việc đã xảy ra trong đời, những thiện nghiệp, ác nghiệp họ đã tạo, những niềm tin họ đã theo đuổi v.v...

 

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, nghiệp lực tạm thời lắng xuống. Đó là lý do khiến họ không tái sinh tức thời. Tâm bản nhiên thanh tịnh vốn luôn hiện hữu trong mọi chúng sinh nên vào lúc này có thể tạm thời tỏa chiếu và thần thức cảm thấy sáng suốt đến một mức độ nào đó, không bị che mờ bởi nghiệp lực. Điều này có thể hình dung như trạng thái cực kỳ yên tĩnh trước cơn bão lớn, cơn bão của nghiệp lực từ vô số kiếp.

 

Trong những giây phút yên lắng quý báu này, nếu thần thức có được sự trợ duyên từ những gì họ thấy, nghe nơi những người thân - mà do luyến ái nên họ không rời xa được - thì họ có thể hướng tâm về Phật pháp, có thể tiêu trừ nhiều ác nghiệp, thậm chí nếu hội đủ nhân duyên và niềm tin thì có thể được vãng sinh Tịnh độ.

 

Tất nhiên sẽ có nhiều nghi vấn nảy sinh, chẳng hạn như câu hỏi: Nếu vậy thì những ác nghiệp họ đã tạo sẽ không có kết quả, chẳng phải là trái với luật nhân quả hay sao?

 

Câu trả lời là: Tất cả đều do tâm thức tạo ra. Tâm có thể tạo nghiệp thì cũng có thể tiêu trừ nghiệp.Tâm thọ nghiệp là tâm phàm phu, tâm có thể tiêu trừ nghiệp là tâm giải thoát. Nếu không phải vậy thì chư Phật không thể thành Phật, vì ác nghiệp là vô số từ vô lượng kiếp, nên thời gian thọ nghiệp cũng sẽ không có lúc cùng tận! Vấn đề ở đây là làm sao để đạt đến tâm giải thoát, và Phật pháp chính là phương tiện. Do đó, chúng ta phải tin chắc vào kết quả của những việc làm tốt đẹp để hồi hướng về cho người chết, như niệm Phật, tụng kinh, bố thí, cúng dường, in ấn Kinh sách v.v...

 

2. Nhân quả không đơn thuần chỉ như những gì ta nhìn thấy, nhận biết:

 

Đây là sai lầm của phần lớn những người tin nhân quả. Sai lầm này trong một chừng mực nào đó là vô hại và thậm chí còn có lợi, vì nó giúp chúng ta tiếp cận với luật nhân quả theo cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ở mức độ sâu xa hơn nó sẽ dẫn đến những hiểu biết sai lầm khác và thậm chí làm nảy sinh sự hoài nghi, phản bác nhân quả. Đây là lý do chúng ta thấy có nhiều vị trí thức hoặc thậm chí cao tăng một thời, bỗng nhiên đến một lúc nào đó quay sang phản bác nhân quả. Trong Kinh Đại Bát Niết-bàn có ghi lại trường hợp của tỳ-kheo Thiện Tinh, giảng giải được tất cả Kinh điển nhưng cuối cùng rơi vào địa ngục vì phản bác nhân quả, chính là ví dụ cho trường hợp này.

 

Đức Phật dạy: "Chỉ có Phật mới nhìn thấy hết nhân quả của chúng sinh. Hàng Bồ Tát Thập địa tuy thấy biết sâu rộng nhưng vẫn còn có chỗ chưa biết."

 

Lời dạy này cho chúng ta thấy được rằng, những gì chúng ta thấy biết và hiểu về nhân quả là đúng nhưng chưa đủ. Kinh Hoa Nghiêm đưa ví dụ về thế giới chúng sinh hiện hữu như một tấm lưới trời Đế-thích, có vô số mắt lưới đều đính những viên ngọc sáng, mỗi viên ngọc đều phản chiếu trong nó vô số những viên ngọc khác. Như vậy, một thay đổi nhỏ của mỗi viên ngọc sẽ được phản ánh trong vô số viên ngọc. Cho nên, ngoài trí tuệ của đức Phật (Nhất Thiết Trí) thì việc nhận biết và thấu hiểu tất cả là điều bất khả.

 

Một số người thường dẫn lời Phật dạy trong kinh A-hàm rằng: "Cây nghiêng về hướng nào thì khi đổ sẽ ngã về hướng ấy" để bác bỏ ý nghĩa của sự cầu nguyện, hộ niệm hay thực hành thiện hạnh hồi hướng cho người chết đều là vô ích. Theo họ, nếu tâm thức người chết phải tùy nghiệp tái sinh, thì những việc cầu nguyện, hộ niệm v.v... phỏng có ích gì? Như cái cây khi sống đã nghiêng về hướng đông, thì lúc bị đốn ngã không thể ngã sang hướng tây được. Cũng vậy, con người lúc còn sống tạo ra bao nhiêu nghiệp lành dữ khác nhau, khi chết đi tất nhiên phải theo kết quả của những nghiệp lành dữ đó mà tái sinh vào đời sống mới, tốt đẹp hoặc xấu ác, dù chúng ta có muốn giúp đỡ cũng không làm được gì.

 

Suy nghĩ như vậy là đúng nhưng chưa đủ, vì thật ra chúng ta không ai thấy hết được nghiệp lành dữ của một người, càng không thể lượng định được tất cả những nghiệp lành dữ của người ấy trong nhiều đời đã qua. Ngay chính như hình ảnh cái cây nghiêng trong ví dụ này, cũng đã là điều không phải dễ dàng xác định được.

 

Vào những năm 1978, 1979, bản thân tôi phải thường xuyên phải làm công việc phá rừng làm rẫy. Tự tay tôi đốn ngã cây rừng, chờ khô rồi đốt sạch đi để lấy đất trồng đậu, trồng bắp... Với những cây rừng lớn khoảng bằng thân người, việc đốn ngã phải hết sức thận trọng. Có nhiều người chết vì cây đè, do không đoán đúng được hướng ngã của cây. Nếu người đốn cây đoán sai và đứng ở hướng cây đổ thì khả năng chạy tránh là rất khó. Cây đổ xuống có khi chuyển mình trong một hai phút rồi quay đảo, lắc lư qua lại theo nhiều chiều và cuối cùng ngã ập xuống rất nhanh. Và đã bị cây đè thì phần lớn là chết ngay tại chỗ.

 

Chúng tôi đoán hướng ngã của cây bằng cách quan sát tán cây, phán đoán xem trọng tâm cây nghiêng về bên nào và "mở bụng" cây, tức là khoét rộng theo hình chữ V vào bên đó. Sau khi khoét vào khoảng 2/3 chiều ngang thân cây, người đốn cây mới quay sang "chích lưng", tức là đốn vào phía ngược lại của thân cây và cao hơn vị trí mở bụng khoảng 2 - 5 tấc. Nếu mọi việc suôn sẻ, phán đoán chính xác, thì chỉ cần chích một phần, cây sẽ chuyển mình, nghiêng dần rồi đổ xuống. Nhưng nếu phán đoán sai, hoặc rủi ro khi độ nghiêng của cây quá ít và đúng lúc chuyển mình thì có gió thổi theo chiều ngược lại, ắt sẽ xảy ra tình trạng "ngã ngược", nghĩa là cây ngã về hướng người đốn cây đang đứng.

 

Như vậy, để biết chính xác "cái cây nghiêng về hướng nào" cũng không phải chuyện hoàn toàn dễ dàng. Lời Phật dạy là đúng, nhưng trước hết chúng ta phải biết chắc được hướng nghiêng của cây, và cụ thể ở đây là tất cả những thiện nghiệp và ác nghiệp của người chết.

 

Nhưng chúng ta đâu thể nhìn thấy hết? Chuyện trong đời này cũng không thể thấy hết, mà chuyện nhiều đời trước nữa thì càng không thể biết.

 

Do vậy, bất kể người thân của ta khi còn sống có là người như thế nào đi chăng nữa, một suy nghĩ và niềm tin tích cực vào giờ phút ra đi vĩnh viễn của họ vẫn luôn là điều cần thiết. Đã là con người phàm tục, không ai trừ diệt hết tham, sân, si... nên trong đời sống không thể tránh khỏi có những sai lầm, vấp váp hoặc phạm vào những điều tội lỗi. Dù vậy, trong giờ phút tiễn biệt và hộ niệm cho người chết, tốt hơn là chúng ta nên suy nghĩ theo hướng tích cực để có thể đặt trọn niềm tin vào việc cầu nguyện cũng như thực hành những điều tốt đẹp hướng về người chết. 

 

Hơn thế nữa, trong hình ảnh cây đổ như mô tả trên, có thể thấy hướng gió và sức gió thổi vào lúc cây đổ cũng là một yếu tố quyết định. Cũng vậy, cho dù có nghiệp lành dữ đã tạo, nhưng cũng có những nhân duyên thuận nghịch góp phần vào sự tái sinh của một người. Trong nhiều Kinh điển, đức Phật có dạy về cận tử nghiệp và xác định rằng đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định sự tái sinh của một người. Vì thế, khi có người thân sắp lâm chung, nếu có thể hướng tâm người ấy về với Tam bảo, về với những ý tưởng hiền thiện, vị tha, đó chính là thuận duyên tốt nhất để tạo một cận tử nghiệp tốt đẹp cho người ấy.

 

Dựa vào những niềm tin căn bản như trên, khi có người thân sắp qua đời, chúng ta nên tận dụng mọi cơ hội để nhắc nhở người ấy về sự hướng tâm quy y Tam bảo, nhắc nhở về những thiện nghiệp mà người ấy đã làm, khuyên người ấy nên tha thứ cho tất cả những lỗi lầm của người khác mà không để tâm phiền trách hay hờn giận. Tùy theo niềm tin của người sắp lâm chung, việc tụng kinh, niệm Phật cũng có thể giúp ích rất nhiều để tạo một cận tử nghiệp tốt đẹp.

 

Đối với người vừa mới qua đời, người thân cũng có thể đứng bên di hài, trò chuyện nhắc nhở như khi còn sống, nhắc nhở người ấy niệm Phật và buông xả những gì còn vướng mắc, xin họ tha thứ cho những người còn sống về những gì họ đã không phải với mình. Nếu không có niềm tin, chúng ta sẽ thấy việc này là vô ích, thậm chí là ngớ ngẩn. Nhưng với niềm tin vững chắc vào những điều đã nói ở phần trên, chúng ta sẽ cảm nhận được rằng tâm thức người chết vẫn còn lưu luyến quanh ta, có thể nghe và hiểu được những lời ta khuyên nhủ. Chính trong ý nghĩa này mà nghi lễ Phật giáo có lễ Thuyết linh, là lúc vị thầy thuyết pháp cho tâm thức người vừa qua đời được nghe.

 

Trong thời gian 49 ngày sau cái chết, tất cả những người thân, anh chị em... nên thường xuyên niệm Phật, tụng kinh,  tuyệt đối không nên nghĩ đến, nhắc đến những việc không hay trước đây của người chết, để tránh làm cho tâm thức người chết có thể sân hận khi thấy nghe những việc ấy... Cũng không nên than khóc lớn tiếng trong lúc lo tang sự, vì có thể làm cho tâm thức người chết xáo động hoặc thêm phần luyến ái. Đó là những cách thức tích cực để giúp người quá cố có thể dễ dàng hơn trong việc tái sinh về một cảnh giới tốt đẹp hơn.

 

Hơn thế nữa, trong thời gian 49 ngày hãy thường nghĩ nhớ đến người quá cố, và hướng tâm làm tất cả những việc hiền thiện để hồi hướng công đức cầu nguyện cho họ. Việc tổ chức cúng tuần thất cũng nên nằm trong ý nghĩa đó, tránh những hình thức rình rang vô ích, trái với tinh thần Phật dạy. Nếu có thể vì người chết làm những việc lợi lạc tha nhân như bố thí, phóng sinh, ấn tống kinh sách v.v... thì chẳng những có lợi cho người chết mà rõ ràng là cũng có lợi cho cả người còn sống nữa.

 

Hy vọng những chia sẻ trên đây có thể mang đến ít nhiều lợi lạc cho người đọc.

Và dưới đây, như thường lệ, dựa theo dữ liệu thăm dò từ người đọc trong tuần qua, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý vị 10 tựa sách hay để quý vị tùy ý chọn lựa xem qua trong dịp cuối tuần:

1 - 
Phật pháp ứng dụng (Đã có 2513 lần đọc trong tuần.)

2 - 
Nguồn chân lẽ thật (Đã có 3619 lần đọc trong tuần.)

3 - 
Kinh Di giáo (Đã có 2499 lần đọc trong tuần.)

4 - 
Hạnh phúc hiện tiền (Đã có 2680 lần đọc trong tuần.)

5 - 
Quy Sơn cảnh sách văn (Đã có 3178 lần đọc trong tuần.)

6 - 
An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng (Đã có 4688 lần đọc trong tuần.)

7 - 
Từ mảnh đất tâm (Đã có 1731 lần đọc trong tuần.)

8 - 
Vầng sáng từ phương Đông (Đã có 3337 lần đọc trong tuần.)

9 - 
Chuyển họa thành phúc (Đã có 11075 lần đọc trong tuần.)

10 - 
Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại (Đã có 3645 lần đọc trong tuần.)

Trong trường hợp quý vị có sự quan tâm đến những bài viết được nhiều người tìm đọc, chúng tôi cũng xin giới thiệu các bài viết nổi bật nhất sau đây để quý vị có thể tùy ý chọn đọc: 

1 - 
NGƯỜI TU SĨ SUỐT ĐỜI KHÔNG NÓI (Đã có 1971 lượt xem) 

2 - 
Tín (Đã có 752 lượt xem) 

3 - 
Tập khổ đế (Chân lý về Nguồn gốc của khổ) (Đã có 1809 lượt xem) 

4 - 
Cảm xúc: phản ứng của cơ thể với những suy tưởng tiêu cực (Đã có 2210 lượt xem) 

5 - 
PHẨM THỨ TƯ - PHẦN II - BỒ TÁT THỌ KÝ (Đã có 757 lượt xem) 

6 - 
BARDO TRẠNG THÁI MỘNG - PHẦN 2 (Đã có 1800 lượt xem) 

7 - 
Phật Sự (Đã có 361 lượt xem) 

8 - 
NGƯỜI KỸ NỮ (Đã có 1133 lượt xem) 

9 - 
GIẢI TRỪ NGHI VẤN (Đã có 2808 lượt xem) 

10 - 
Hoặc ăn chay từ bỏ sự giết hại (Đã có 730 lượt xem) 

Một lần nữa, xin kính chúc quý vị một dịp nghỉ cuối tuần thật vui vẻ, hạnh phúc và bổ ích. 

Trân trọng kính chào. 
Ban Điều Hành Liên Phật Hội


--
Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến

         Liên Phật Hội
United Buddhist Foundation
A 501 (c) (3) Non-profit Organization




United Buddhist Foundation - Liên Phật Hội - A non-profit 501(c)3 to connect and dedicate for developing Buddhism, especially Buddhist public communication. - Tổ chức phi lợi nhuận nhằm liên kết và phụng sự cho việc phát triển Phật giáo, đặc biệt là truyền thông Phật  giáo.

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...