Sáng hôm sau, chúng tôi bắt tay vào công việc phiên dịch các cổ tự dùng trong những bản văn kiện và tài liệu cổ Chúng tôi muốn có sự rõ ràng chân xác tối đa về ý nghĩa của những chữ ấy. Nhờ sự giúp đỡ của bà chủ nhà, chúng tôi học được rất nhiều từ những văn bản cổ xưa ấy. Chúng tôi lao mình vào công việc với tất cả tâm hồn.
Một buổi sáng sau độ hai tuần làm việc, chúng tôi đi đến ngôi đền như thường lệ và thấy ông bạn già Chander Sen của chúng tôi, là người đã đột nhiên biến mất trước đây vào ngày mà đức Tuệ Minh trở lại tham chúng tôi.
Thoạt trông ông ta có vẻ như không có gì thay đổi, nét mặt vẫn như cũ và rất dễ nhận ra, nhưng lại không mang chút dấu vết nào của sự già nua! Mặc dù không thể lầm ông ta với bất cứ một người nào khác, nhưng chúng tôi vẫn có cảm giác đó là một người hoàn toàn khác chứ không còn là ông bạn già nua lụm cụm của chúng tôi trước đây.
Khi chúng tôi bước vào phòng, Chander Sen đang ngồi trên ghế liền đứng dậy và đến gần để bắt tay chúng tôi với những lời chào hỏi mừng rỡ. Người ta không thể tưởng tượng sự ngạc nhiên của chúng tôi khi chúng tôi vây quanh ông ta và chất vấn với hàng loạt những câu hỏi lộn xộn. Chúng tôi lúc đó giống như một đám học trò vô kỷ luật. Tất cả đều lên tiếng hỏi cùng một lượt, không ai nghe rõ được ai, không có trật tự trước sau gì cả! Chắc chắn rằng trong cặp mắt của Chander Sen, chúng tôi lúc đó có vẻ như một đám trẻ con vừa chặn được một đứa mang tin sốt dẻo, và tất cả đều muốn biết xem đó là việc gì! Mỗi người đều muốn biết vì sao ông ta lại đột nhiên biến mất và khi trở về lại có vẻ như đã trở thành một người khác!
Sự thật là Chander Sen đang đứng trước mặt chúng tôi, với giọng nói và những nét mặt đặc biệt không thể nhầm lẫn của ông ta, nhưng có vẻ như không giống với một người già chút nào! Thậm chí giọng nói của ông ta cũng có vẻ rắn rỏi như một người chỉ vào độ tuổi trung niên. Chỉ trong mấy bước đi, chúng tôi đều nhận ra ngay là ông ta có dáng điệu của một người linh hoạt và khỏe mạnh, sáng suốt. Khuôn mặt và đôi mắt ông ta phản chiếu những nét tinh anh và linh hoạt của tuổi trẻ.
Ngay từ đầu, chúng tôi không ai bảo ai mà đều cùng lúc hình thành trong trí óc một sự so sánh cái thực trạng của Chander Sen bây giờ với tình trạng trước đây của ông ta. Trước kia, khi mới quen biết chúng tôi, ông ta là một người già nua lọm khọm, lúc đi đứng bao giờ cũng phải nhờ đến một cây gậy. Ông ta có những lọn tóc dài trắng phau, những bước đi chập choạng không vững và một gương mặt xanh xao hốc hác. Một người trong bọn chúng tôi thậm chí đã từng nhận thấy những điểm đó và cho rằng ông ta không bao lâu nữa sẽ đi vào cõi chết.
Nhưng giờ đây, sau khi Chander Sen thình lình biến mất và rồi quay trở lại thì tất cả dường như đều đã thay đổi. Chander Sen đã trẻ hẳn lại một cách không thể tưởng tượng! Nói đúng hơn, ông ta đã trải qua một sự thay đổi hình thái nào đó mà có lẽ là con người chưa từng được biết đến. Xét về sự tương phản rõ rệt giữa hình dáng của ông ta trước kia với tình trạng bây giờ, chắc chắn rằng tâm hồn ông ta cũng đã thay đổi đến mức như được tái sinh trở lại.
Tuy rằng trước đây chúng tôi không sống chung với Chander Sen được bao lâu, nhưng sự tiếp xúc hằng ngày giữa chúng tôi với ông ta cũng đã kéo dài được một quãng thời gian đủ để chúng tôi trở nên quen thuộc với hình ảnh của ông ta như một người đã rất già. Quãng thời gian ấy, tuy nói là ngắn ngủi nhưng ít nhất cũng đã được hơn hai năm, vừa làm người hướng dẫn vừa làm thông ngôn cho chúng tôi trong chuyến du hành vượt qua vùng sa mạc Gobi.
Nhiều năm về sau, khi vài người trong phái đoàn chúng tôi gặp lại nhau và hồi tưởng lại việc cũ thì việc xảy ra sáng ngày hôm ấy vẫn là đề tài đầu tiên luôn được nhắc đến. Khi tôi thuật lại chuyện này, tôi không có ý kể lại tường tận cuộc đàm thoại của chúng tôi đúng từng chi tiết, vì chúng tôi đã trải qua gần trọn hai ngày chỉ để nói chuyện mà thôi! Sự tường thuật từng chi tiết hẳn sẽ làm cho độc giả nhàm chán. Bởi vậy, tôi chỉ xin kể lại những điểm chính trong câu chuyện này.
Khi cơn xúc động đầu tiên đã qua, chúng tôi ngồi xuống và Chander Sen bắt đầu nói:
– Các vị chân sư đã chỉ ra cho tôi thấy rằng trí tuệ của con người hoàn toàn có thể được chuyển hóa để trở thành trí tuệ toàn tri, toàn giác, vì bản tâm mỗi con người vốn đều sẵn có hạt giống của một tâm thức giải thoát. Tôi không còn nghi ngờ gì về điều đó nữa. Trong khi những điều đó được giảng rõ cho tôi và tôi mở lòng tin nhận, hiểu rõ, thì tôi chợt phát hiện ra rằng tôi có thể nhìn nhận toàn thể thế giới này không khác gì với thế giới nội tâm của chính tôi. Bây giờ tôi biết rằng một tâm thức toàn thiện và hòa nhập với sự sống của toàn thể mới là nguồn sức mạnh lớn lao và duy nhất, vốn toàn năng, toàn trí và toàn thông. Những điều tội lỗi, bất hòa, bệnh tật, già nua, chết chóc, đều thuộc về những kinh nghiệm của quá khứ, vốn chỉ hiện hữu trong những khái niệm không xác thật của con người. Bây giờ tôi đã nhận biết được chân lý và biết rằng trước đây tôi đã luôn đi lạc trong đám mây mù của ảo giác. Thời gian và không gian cũng chỉ là những khái niệm tương đối, và chúng sẽ hoàn toàn biến mất trong một tâm thức giác ngộ. Tôi biết rằng sự sống luôn đồng thời diễn ra trong cả hai thế giới chủ quan và khách quan. Thế giới hiện tại mà các bạn nhìn thấy chỉ là một thế giới khách quan, phụ thuộc vào chính những gì mà tâm thức bạn đã từng sản sinh ra, trong đó có cả những giá trị vật chất cũng như tinh thần.
Nếu tôi có thể sớm nhận thức được điều này nhờ vào sự dẫn dắt của ai đó hoặc do sự nỗ lực của bản thân, thì tôi đã có thể tránh được biết bao nhiêu những đau khổ, hoang mang và mệt mỏi! Trong gần suốt cuộc đời tôi, tôi đã bắt chước một cách rập khuôn theo cách sống, cách nghĩ của phần lớn trong nhân loại. Tôi chỉ đặt niềm tin vào một lối sống sai lầm, đó là lối sống thụ hưởng khoái lạc trong mọi lãnh vực. Bởi đó, tôi đã quyết định sống cuộc đời sung mãn, thụ hưởng đến mức tối đa. Tôi lấy sự ích kỷ làm mục đích chính của đời tôi! Tôi sống buông thả theo đủ mọi thứ nhục dục, tham muốn, và hoang phí nguồn sinh lực đến mức làm cho thể xác tôi trở thành một cái vỏ bằng xương thịt khô khan trống rỗng như các bạn đã thấy trước đây.
Dừng một chút, Chander Sen lại nói tiếp:
– Hình thể trước đây của tôi là của một con người đã hoang phí sinh lực của thể xác đến mức chỉ còn lại một lớp vỏ khô kiệt. Còn hình thể hiện nay mà các bạn đang nhìn thấy và trò chuyện là của một con người đã nhận thức đúng và biết bảo tồn nguồn năng lực tự nhiên của sự sống. Trong trường hợp vừa xảy ra với tôi, các bạn có thể gọi đó là một sự "phản lão hoàn đồng", và hầu như chỉ được nghe diễn tả trong những truyền thuyết xa xưa. Nhưng với tư cách là người trong cuộc, tôi sẽ nhìn vấn đề dưới một khía cạnh khác. Biết bao nhiêu người, hay nói đúng hơn là tất cả mọi người, đều có thể có được cái khả năng kỳ diệu để như tôi để xóa bỏ sự già nua, chỉ cần họ chịu buông bỏ đi những nhận thức sai lầm về thực tại và để cho bản tâm mình quay về với cội nguồn của sự sống, với một tâm thức hòa nhập cùng thực tại như một toàn thể thống nhất, không còn một chút ý niệm chấp ngã nào. Nhưng họ đã không làm được như vậy, và vì thế họ phải chấp nhận chịu sự chi phối của những khái niệm khắc nghiệt mà chính họ đã đặt ra.
Những gì mà Chander Sen vừa trình bày dường như đã làm đảo lộn hầu hết mọi quan niệm của chúng tôi trước đây về sự sống. Chúng tôi cũng không chắc là đã có thể nắm hiểu được hết những gì ông ta nói, nhưng có điều chắc chắn là chúng tôi biết mình cũng nằm trong số những người có nhận thức sai lầm về thực tại như ông ta đã nêu. Vấn đề là làm thế nào để thoát ra khỏi vùng sương mù dày đặc của những khái niệm và định kiến, có lẽ chúng tôi còn phải tiếp tục tìm học nhiều hơn nơi các vị chân sư cũng như bằng chính những gì thu thập được trong chuyến hành trình gian khổ này.
Kể từ hôm đó, chúng tôi chuyên cần chăm chỉ học về ý nghĩa các cổ tự dưới sự chỉ dẫn của Chander Sen. Ngày tháng trôi qua như thoi đưa. Đến cuối tháng tư, tức là sắp đến ngày chúng tôi lên đường đi đến cánh đồng sa mạc Gobi, nhưng phần lớn các tài liệu cổ vẫn chưa dịch xong.
Chúng tôi tự an ủi với ý nghĩ rằng chúng tôi sẽ có thể trở lại một ngày nào đó để hoàn tất công việc phiên dịch. Các vị chân sư đã dịch giúp chúng tôi một phần lớn các tài liệu, nhưng các ngài đòi hỏi chúng tôi phải học hiểu các cổ tự để có thể tự mình dịch lấy các tài liệu ấy
Tháng chín năm trước, chúng tôi có hẹn gặp lại những thành viên khác trong phái đoàn tại vùng sa mạc Gobi. Kế đó, họ sẽ đưa chúng tôi đến địa điểm tọa lạc của ba thành phố cổ xưa nay đã chôn vùi dưới lòng đất. Vị trí chính xác của những thành phố này có ghi trong một vài tài liệu cổ mà chúng tôi chưa được xem, nhưng đã được nghe nói đến. Chúng tôi chỉ có trong tay những bản sao chép lại các tài liệu đó, và điều đó càng làm khích động sự tò mò của chúng tôi.
Những tài liệu cổ cho biết rằng thời đại phát triển của những thành phố này có thể là vào khoảng nhiều ngàn năm trước. Dân cư ở đó đã từng có một nền văn minh rất tiến bộ, đã từng biết các môn nghệ thuật cùng các nghề nghiệp thủ công như rèn đồ sắt và làm đồ vàng bạc. Thời đó, vàng ở xứ này rất thông dụng đến nỗi người ta dùng vàng ròng để làm chén đĩa và móng ngựa. Các tài liệu cũng cho biết rằng những cư dân thời ấy có quyền năng chế ngự các sức mạnh thiên nhiên, biết sử dụng những năng lực thần bí của chính họ. Những chi tiết huyền thoại đó thật giống một cách lạ lùng với những chuyện trong thần thoại Hy Lạp.
Theo các bản đồ chỉ dẫn thì ngày xưa đế quốc Uighur gồm một phần lớn Châu Á và Châu Âu, kéo dài đến tận bờ biển Địa Trung Hải, với một vùng đồng bằng rộng lớn vô cùng phì nhiêu, sung túc và rất đông dân cư. Sự khám phá di tích những thành phố cổ của đế quốc ấy chắc chắn sẽ đóng góp một phần rất lớn cho lịch sử nhân loại.
Những tài liệu cổ mô tả đế quốc Uighur dưới triều đại của bảy vị hoàng đế có những nét huy hoàng lộng lẫy vượt rất xa so với Ai Cập thời cổ. Ngay cả vào trước thời kỳ bảy vị hoàng đế, các bia đá cổ cũng mô tả xứ ấy như một nước phồn thịnh hơn Ai Cập rất nhiều. Dân tộc xứ ấy đã sống một thời thái bình thịnh trị, không hề có chiến tranh, không có các nước chư hầu xưng hùng xưng bá, cũng không có chế độ nô lệ.
Thời gian vẫn tiếp tục qua mau và chúng tôi rất bận rộn lo chuẩn bị cuộc hành trình. Chúng tôi phải đến chỗ hẹn vào tháng năm. Tại đó chúng tôi sẽ chuẩn bị đầy đủ lương thực và các đồ vật dụng trang bị để hoàn tất chuyến đi cuối cùng.
Tôi không thể nào diễn tả những sự cảm nghĩ của tôi vào lúc gần đến ngày lên đường. Những giờ phút trong thời gian chúng tôi được ở lại đây là những giờ phút thần tiên. Tuy rằng chúng tôi đã ở tại đây hơn 5 tháng và sống gần các chân sư trong suốt thời gian đó, nhưng thời gian dường như đã trôi qua quá nhanh và 5 tháng đó đối với chúng tôi dường như chỉ có 5 ngày!
Một thế giới lạ lùng đang chờ đón chúng tôi. Dường như trước mắt chúng tôi là một cánh cửa mở rộng để đưa chúng tôi vào một cõi giới huyền linh với những diễn biến không có giới hạn. Mỗi người trong chúng tôi đều có cảm giác rằng mình chỉ cần vượt qua cánh cửa đó, nhưng rồi lại do dự, cũng như chúng tôi cảm thấy phân vân lưỡng lự khi phải từ giã các bậc siêu nhân thanh khiết cao cả mà chúng tôi tôn kính như những bậc thầy.
Tôi nghĩ, trong cuộc đời của mỗi con người đều sẽ có một lúc nào đó có thể nhìn thấy một cánh cửa mở rộng cũng như vào một ngày đẹp trời tháng tư năm ấy chúng tôi đã được thấy rõ trước mắt những viễn ảnh vô biên mà người ta có thể đạt tới.
Dù sao đi nữa, tôi luôn hiểu rõ một điều rằng, việc nghe biết về cuộc đời của các vị chân sư hoàn toàn khác xa với việc được tự mình ngồi dưới chân các ngài để nghe các ngài dạy bảo. Dường như nếu chúng ta dám táo bạo tiến tới để vượt qua cánh cửa mở rộng nói trên, chúng ta sẽ có thể thực hiện được mọi điều mong ước. Tuy thế, chúng ta lại luôn do dự. Tại sao? Đó là vì chúng ta chưa có đủ đức tin vào một nhận thức chân xác nhưng mới mẻ, và bởi vì nhận thức đó dường như đi ngược lại và làm đảo lộn mọi khái niệm, định kiến vốn có của chúng ta. Chúng ta luôn có khuynh hướng để cho những tư tưởng bảo thủ kéo ta lùi lại phía sau và đóng sầm cánh cửa kia lại. Rồi sau đó chúng ta lại cho rằng cánh cửa ấy bị đóng lại là do định mệnh, mặc dầu chúng ta biết quá rõ rằng định mệnh của mỗi người chỉ tùy thuộc nơi chính họ.
Các bậc chân sư đều là những người tốt lành, có đời sống rất giản dị, nhưng lại là những người phi thường. Trong số các vị có rất nhiều người từ lâu đã vượt qua được cánh cửa ngăn cách giữa một cuộc sống khổ đau và một đời sống giải thoát. Họ thực sự sống một cuộc sống tâm linh, thay vì đắm chìm trong những thú vui trần tục. Họ không nhất thiết phải tuân theo những quy định truyền thống hay bất cứ quy luật, khuôn khổ nào, mà chỉ đơn giản sống một cuộc đời lương thiện và trong sạch, một cuộc đời trọn vẹn theo nghĩa là rất đáng sống, với hai chân luôn bước đi vững vàng trên mặt đất, không cần dựa vào bất cứ một kiểu năng lực siêu nhiên huyền bí nào.
Nhưng cho dù chúng tôi do dự không muốn từ giã các vị chân sư quí mến mà chúng tôi đã từng sát cánh một cách chặt chẽ trong những tháng vừa qua, chúng tôi lại cũng háo hức nhìn về tương lai, vì biết rằng còn những kinh nghiệm mới mẻ khác đang chờ đợi chúng tôi.
Bởi vậy, chúng tôi từ giã các vị chân sư vào một buổi sáng đẹp trời cuối tháng tư. Các vị thân mật bắt tay chúng tôi và thành thật mời chúng tôi trở lại bất cứ khi nào có dịp. Chúng tôi vái chào các vị một lần cuối và đi về hướng bắc để vượt qua sa mạc Gobi.
Những câu chuyện phiêu lưu nguy hiểm đáng sợ mà chúng tôi nghe nói đã từng xảy ra ở vùng này luôn ám ảnh chúng tôi như những viễn ảnh đen tối. Tuy nhiên chúng tôi không sợ vì có đức Tuệ Minh và Dật Sĩ đi theo chúng tôi. Ngoài ra còn có Chander Sen thay thế vị trí của Nê Bưu.
Đối với chúng tôi là những người đã từng đi du lịch nhiều nơi, việc tháp tùng theo đoàn người đi trên sa mạc là một việc thông thường hằng ngày. Tôi chắc rằng tất cả các thành viên trong nhóm chúng tôi đều sung sướng được ra đi trong cuộc phiêu lưu đầy hứa hẹn này. Tất cả đều biết rằng, một thế giới mới đã bắt đầu xuất hiện trước mắt chúng tôi. Mỗi người đều biết rõ sự xa xôi hẻo lánh và biệt lập của vùng sa mạc, cũng như biết rõ những nguy cơ có thể xảy đến trong một chuyến du hành thuộc loại này. Tuy nhiên, một sức mạnh huyền bí không sao cưỡng lại được đã thúc đẩy tất cả chúng tôi cùng tiến bước. Niềm tin tuyệt đối nơi các vị chân sư đã giúp chúng tôi dứt bỏ mọi ý nghĩ sợ sệt hay lo ngại về những sự khó khăn có thể xảy đến, và chúng tôi lao mình vào cuộc phiêu lưu với một sự hứng khởi nhiệt thành của tuổi trẻ.
Chúng tôi đã từng quen thuộc với những vùng hẻo lánh nhất thế giới, nhưng chưa bao giờ chúng tôi có kinh nghiệm về một xứ sở xa xôi và biệt lập như vùng này. Tuy nhiên, chúng tôi lại có thể du lịch xứ này một cách tự do và dễ dàng khác thường. Vì thế, có lẽ quý độc giả sẽ không lấy làm ngạc nhiên về sự yêu thích của chúng tôi đối với xứ này và đối với các vị ân nhân của chúng tôi. Chúng tôi có cảm giác như mình có thể tiếp tục thẳng đường đi lên hướng bắc cho đến khi vượt khỏi vùng Bắc Cực và chinh phục luôn cả vùng ấy.
Chúng tôi chưa đi được bao xa thì một người bạn tôi nói:
– Nếu chúng ta có thể đi như các vị chân sư thì chuyến đi này sẽ dễ dàng xiết bao! Nhưng chúng ta lại làm cho các vị cũng phải cuốc bộ một cách nặng nề chậm chạp như mình, chỉ vì chúng ta không thể bắt chước làm theo như các ngài.
Thế rồi mọi sự cũng trôi chảy tốt đẹp cho đến cuối ngày thứ bảy của cuộc hành trình. Chiều hôm ấy, vào khoảng năm giờ, chúng tôi vừa ra khỏi một khe núi sâu thẳm thì một thành viên đi phía trước trở lại báo tin có nhiều người kỵ mã ở đàng xa. Chúng tôi lấy ống kính viễn vọng ra xem và đếm được tất cả hai mươi bảy người kỵ mã dường như có mang đầy đủ khí giới. Chúng tôi liền báo với Dật Sĩ. Anh ta đáp rằng, có lẽ đó chỉ là những đoàn người du mục thường có ở vùng này. Chúng tôi hỏi anh ta rằng có thể nào đó là một bọn cướp. Anh ta đáp rằng cũng có thể là vậy, vì không thấy họ dắt theo những gia súc như cừu hay dê.
Chúng tôi rời khỏi đường mòn và tiến về phía một lùm cây rậm rạp. Tại đây, chúng tôi cắm trại để nghỉ đêm. Trong khi đó, hai người trong nhóm chúng tôi vượt qua một dòng suối gần nơi cắm trại và trèo lên một ngọn đồi, từ đó họ có thể nhìn thấy vùng đồng bằng ở chỗ chúng tôi đã nhìn thấy đoàn kỵ mã.
Khi lên tới đỉnh đồi, họ ngừng lại và dùng kính viễn vọng quan sát một lúc rồi hối hả trở về trại. Khi về đến nơi, họ thông báo rằng đoàn kỵ mã ở cách đây không xa hơn 5 cây số và đang nhanh chóng tiến về phía chúng tôi. Ngay khi đó, một người trong nhóm chúng tôi dự đoán rằng một cơn giông bão có lẽ sắp thổi đến. Chúng tôi nhìn lên bầu trời thì quả thật đang có những đám mây u ám nặng nề kéo về phía tây bắc, đồng thời có sương mù từ bốn phía áp lại gần chúng tôi.
Chúng tôi cảm thấy rất băn khoăn lo ngại, vì bây giờ thì chúng tôi đã có thể nhìn thấy đoàn kỵ mã đang tiến thẳng về phía trại chúng tôi. Tuy nhóm chúng tôi có tất cả ba mươi hai người, nhưng chúng tôi không có một khẩu súng nào, và điều này làm chúng tôi rất lo lắng.
Không bao lâu, cơn bão tuyết thổi đến chúng tôi với một tốc độ mãnh liệt kinh khủng. Sự lo ngại của chúng tôi càng lúc càng tăng thêm vì chúng tôi đã từng kinh nghiệm sức tàn phá của giông bão trong những vùng sa mạc hẻo lánh như thế này.
Trong một lúc, cơn giông quét qua với tốc độ phải đến khoảng 120 cây số giờ, mang theo đầy những mảnh tuyết vụn, quất vào chúng tôi và gầm thét ầm ĩ quanh mọi người. Chúng tôi đang e ngại sẽ bị bắt buộc dời trại tới chỗ khác để tránh những cành cây gãy đổ rơi lên đầu mình, thì bầu không khí chung quanh trại thình lình lắng dịu và trở nên yên tĩnh.
Trong một lúc, chúng tôi nghĩ rằng cơn bão tuyết có lẽ chỉ giới hạn trong một lúc ngắn ngủi, như vẫn thường xảy ra trong vùng này. Vì bầu trời chưa đến nỗi quá u ám, chúng tôi bèn lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng để sửa sang các lều trại và mất độ nửa giờ để làm công việc này.
Cảm giác lo lắng và sợ sệt về cơn bão tuyết và bọn cướp đã hoàn toàn biến mất. Chúng tôi ngừng tay nghỉ ngơi trong một lúc và vị trưởng nhóm bước ra chỗ cửa trại. Sau khi đã nhìn ra ngoài, ông ta quay lại và nói:
– Cơn bão tuyết dường như vẫn đang hoành hành dữ dội ở gần đây, còn tại chỗ chúng ta đang ở thì chỉ có những cơn gió thoảng nhẹ. Các bạn hãy nhìn xem, lều vải và cây cối chung quanh đây không bị lay động nhiều.
Khí trời ấm áp và thoang thoảng mùi hương thơm của hoa cỏ. Nhiều người trong bọn chúng tôi đi theo người trưởng nhóm ra ngoài và trong một lúc, họ phải đứng lặng người vì ngạc nhiên. Trong khi chúng tôi lo dọn dẹp đồ đạc bên trong trại, chúng tôi không ý thức được cơn giông bão. Chúng tôi tưởng rằng nó đã qua và thổi về phía khe núi. Thật vậy, một vài cơn bão vẫn thường thổi tạt ngang qua vùng này như một cơn gió lốc. Chúng hoành hành dữ dội trên nhiều cây số đường trường trước khi lắng dịu, và tiếp theo đó là một cơn yên tĩnh lạ thường.
Nhưng trường hợp này không giống như thế. Cơn bão vẫn đang thổi mạnh ở cách chỗ chúng tôi chỉ độ ba chục thước, nhưng khí trời lại êm ả và ấm áp ở chung quanh chúng tôi. Trái lại, chúng tôi đã từng kinh nghiệm rằng trong những cơn bão tuyết tương tự, người ta thường bị lạnh buốt thấu xương, và có thể bị nghẹt thở vì trong cơn thịnh nộ gầm thét của gió bão, những mảnh tuyết vụn và bén nhọn bị cuốn theo sức gió và quất mạnh vào mặt mũi người chẳng khác nào như kim đâm, dao cắt.
Thình lình, vùng yên tĩnh quanh chúng tôi bừng sáng lên như bởi một phép lạ. Trong cơn kinh ngạc, dường như chúng tôi nghe có những tiếng người xen lẫn với tiếng gầm thét của cơn giông bão. Người phụ trách báo hiệu đến giờ ăn chiều. Chúng tôi bước vào lều và ngồi xuống. Trong bữa ăn, một bạn tôi tỏ ý băn khoăn về số phận của những người kỵ mã. Một bạn khác nói:
– Tôi nghe dường như có tiếng người kêu gọi khi chúng tôi bước ra ngoài trại. Chúng ta có thể nào cứu giúp những người kỵ mã hay chăng trong trường hợp họ bị lạc lối trong cơn bão tố?
Dật Sĩ bèn lên tiếng cho biết rằng những người ấy là một trong những bọn cướp khét tiếng trong vùng. Họ chuyên đi cướp bóc các xóm làng và chiếm đoạt những đoàn dê cừu của dân chúng.
Sau bữa ăn chiều, trong một lúc gió lặng, chúng tôi nghe có tiếng người kêu ngựa hí, cùng với tiếng vó ngựa đạp lộn xộn dường như những người ky mã không còn làm chủ chúng nó được nữa. Những tiếng động ấy có vẻ như rất gần, nhưng chúng tôi không thể nhìn thấy gì cả vì trời đêm có tuyết xuống dày đặc. Chúng tôi không còn nhìn thấy một ánh sáng nào của những đèn đuốc và lửa trại.
Sau đó một lát, đức Tuệ Minh đứng dậy và nói rằng ngài phải đi đưa những tên cướp kia vào trại, vì trừ những trường hợp phi thường, không một người hay con vật nào có thể sống sót đến sáng ngày hôm sau trong cơn bão tuyết.
Thật vậy, không khí ở bên ngoài đã trở nên lạnh buốt vô cùng. Hai người trong bọn chúng tôi tình nguyện đi theo đức Tuệ Minh, điều này có vẻ làm cho ngài vui lòng. Ngài nhận lời, và cả ba người đều biến mất dạng trong cơn giông bão.
Độ hai mươi phút sau, ba người đã trở lại, cùng với hai mươi tên cướp đi bộ, tay cầm cương dắt ngựa đi theo sau. Những tên cướp này cho chúng tôi biết rằng bảy người đồng bọn của họ đã mất liên lạc với cả đoàn và có lẽ đã đi lạc trong cơn bão tuyết.
Những tên cướp gồm một thành phần hỗn tạp với những gương mặt lộ rõ vẻ hung dữ của bọn lục lâm cường đạo. Khi họ bước vào trại có đèn lửa ấm áp, họ có vẻ nghi ngờ rằng chúng tôi gài bẫy để bắt họ. Sự lo âu của họ hiện rõ trên nét mặt, nhưng đức Tuệ Minh bảo đảm rằng họ được tự do ra đi bất cứ lúc nào. Ngài chỉ cho họ thấy rằng nếu họ muốn tấn công chúng tôi, chúng tôi không có một vũ khí nào để tự vệ cả.
Tên đầu đảng bọn cướp bèn thú thật rằng đó chính là ý định đầu tiên của họ khi vừa nhìn thấy chúng tôi từ trong khe núi đi ra trước cơn giông bão. Sau đó, họ trở nên do dự và đã đi lạc đến nỗi mất hẳn phương hướng để trở về trại. Khi đức Tuệ Minh và hai người trong bọn chúng tôi tìm thấy họ, thì họ đang trú ẩn một bên vách núi ở cách trại chúng tôi độ một trăm thước. Tên đầu đảng bọn cướp nói rằng nếu chúng tôi không nghĩ đến họ, thì chắc chắn họ đã phải chết vì lạnh cóng.
Đức Tuệ Minh trấn an họ và nói rằng điều đó sẽ không xảy ra. Bọn cướp bèn buộc ngựa vào những gốc cây để nghỉ lại ban đêm, rồi ngồi riêng với nhau ở một góc. Họ bắt đầu ăn thịt dê phơi khô và bơ con yak được lấy ra từ những bọc da giấu bên dưới yên ngựa.
Trong khi ăn, họ để khí giới trong tầm tay và thỉnh thoảng ngừng lại để nghe ngóng mỗi khi có một tiếng động nhỏ. Họ nói chuyện và tỏ ra vẻ rất tự nhiên. Dật Sĩ nói với chúng tôi rằng họ lấy làm ngạc nhiên về những đồ trang bị của chúng tôi và về ánh lửa trong trại. Họ tự hỏi tại sao ở đây không có gió lớn, tại sao không khí trong trại rất ấm cúng, và tại sao mấy con ngựa có vẻ ung dung thoải mái như thế?
Một người trong bọn lúc nào cũng nói chuyện huyên thiên và nói nhiều nhất trong bọn cướp đã từng nghe nói về các vị chân sư. Anh ta nói với những kẻ đồng bọn rằng các vị chân sư cũng giống như thánh thần, có thể tiêu diệt bọn họ tùy ý muốn và mau lẹ trong khoảnh khắc. Nhiều tên khác tưởng rằng chúng tôi đang âm mưu để bắt sống bọn họ, bèn tìm cách thuyết phục cả bọn cướp lấy tài sản của chúng tôi rồi tẩu thoát. Nhưng tên đầu đảng ra lịnh cho họ không được phá phách chúng tôi, và nói rằng nếu họ làm hại đến chúng tôi thì chắc chắn cả bọn sẽ bị tiêu diệt.
Sau một hồi thảo luận dông dài, tám tên trong bọn cướp bèn đứng dậy, bước đến gần chúng tôi, và nói với Dật Sĩ rằng bọn chúng không muốn ở lại thêm nữa. Họ sợ có xảy ra những việc bất trắc và muốn trở về trại của họ ở phía dưới dòng sông cách đó vài cây số. Họ đã tìm ra phương hướng nhờ căn cứ vào lùm cây to chỗ chúng tôi cắm trại.
Họ bèn lên ngựa và bắt đầu đi xuống thung lũng. Sau đó hai mươi phút, cả bọn đều quay lại và nói rằng tuyết xuống dày đặc đến nỗi ngựa của họ không thể tiến tới được nữa. Chính họ cũng không thể đương đầu với cơn bão tuyết này, có vẻ như là cơn bão mãnh liệt nhất từ nhiều năm nay.
Kế đó, họ tìm một chỗ bên ngoài trại để nghỉ lại ban đêm. Một người bạn tôi nói:
– Tuy bọn này làm tôi sợ, nhưng tôi cảm thấy nên mời họ ở trong lều, sẽ an toàn hơn so với ở bên ngoài giữa cơn gió bão.
Dật Sĩ quay lại phía chúng tôi và nói:
– Các bạn ở đâu thì sự an toàn và ấm áp sẽ ở đó. Nếu ở tại đây, trong trại này, các bạn sống trong niềm vui của sự chân thật và tình thương yêu, thì tất nhiên các bạn xứng đáng được hưởng sự ấm áp và an toàn. Sự ấm áp và tiện nghi trong trại sẽ không có nghĩa gì nếu các bạn không có mặt tại đây, hoặc nếu các bạn không nhận biết được sự ấm áp và tiện nghi đó. Các bạn có thể tự do mời những người bên ngoài vào đây. Tuy nhiên, họ sẽ không chịu vào, vì họ không biết tới sự chân thật và tình thương yêu của các bạn. Mặc dầu họ cảm thấy được sự ấm cúng của chúng ta, nhưngnày họ lại không dám đến gần để tận hưởng, bởi vì họ vẫn luôn sống bằng nghề cướp bóc của người khác. Họ không thể hiểu được vì sao chính những người mà họ xem như những con mồi để cướp bóc lại có thể dành cho họ một sự tiếp đón thân hữu mà không có lý do gì đặc biệt, và nhất là khi thấy chúng ta hoàn toàn không thuộc về giới lục lâm cường đạo như họ.
Những người này không thể hiểu được rằng giữa cơn bão tuyết, lạnh lẽo, hay giữa cơn giày vò đau khổ nhất, người ta vẫn luôn có thể tự mình đạt được sự an ổn vững chãi. Họ không thể tin rằng, không một cơn giông to gió lớn hay bão lụt nào có thể làm tổn hại được những người đã đạt đến một nội tâm an ổn. Người ta chỉ bị đắm chìm trong giông gió, bão lụt khi không tự nhận biết được bản tâm mình và chấp nhận sự phụ thuộc hoàn toàn vào ngoại cảnh. Người ta luôn có thể tìm thấy sự yên tĩnh thật sự giữa cơn bão tố, vì sự yên tĩnh chân thật vốn hiện hữu trong tâm hồn của người nào đã tìm thấy chân ngã. Trái lại, người ta có thể ngồi ở một nơi vắng vẻ tĩnh mịch, hoặc giữa chốn sa mạc hẻo lánh hoang vu, một mình đối diện với bóng hoàng hôn êm ả và giữa cảnh im lặng của thiên nhiên, nhưng lại bị giày vò cấu xé bởi cơn bão lòng của những đam mê dục vọng, hoặc bị dao động rung chuyển tâm hồn bởi những sấm sét của sự sợ hãi, kinh hoàng...
Những tên cướp này vốn là những hậu duệ còn sót lại của một dân tộc xưa kia đã từng có một nền văn minh huy hoàng và thịnh vượng. Tổ tiên của họ cư ngụ nơi xứ này vào thời kỳ mà nơi đây còn là một đế quốc kỹ nghệ phồn thịnh, hùng cường. Họ đã từng biết thực hành các môn khoa học và mỹ thuật. Họ cũng đã biết rõ nguồn gốc tinh thần và sức mạnh tâm linh. Về sau, đến một thời kỳ họ bắt đầu say mê những khoái lạc vật chất và rơi vào tình trạng trụy lạc, sa đọa. Khi đó, một cơn động đất đã bất ngờ xảy ra tàn phá và làm sụp đổ tất cả, chỉ còn sót lại một vài bộ lạc thiểu số sống rải rác trên những vùng hẻo lánh. Những bộ lạc sống sót này mới dần dần qui tụ lại thành những cộng đồng sinh hoạt, từ đó mới xuất phát ra những chủng tộc lớn ở châu Âu ngày nay. Vùng này và cả vùng sa mạc Gobi bị cơn động đất tàn phá và đưa lên một độ cao mà không còn một loài thảo mộc nào có thể sống được. Dân cư đã hầu như hoàn toàn bị tiêu diệt, đến nỗi chỉ còn lại có những cộng đồng hiếm hoi sống biệt lập, và có nơi chỉ còn lại có một hoặc hai gia đình.
Những người này về sau mới tập hợp lại thành từng nhóm lớn hơn. Đó là tổ tiên của những người dân sống tại nơi đây. Họ không thể phát triển để tiến bộ hơn nữa, vì họ luôn luôn bị lôi cuốn vào những cuộc chiến tranh tương tàn giữa nhóm này với nhóm khác. Lịch sử và nguồn gốc của họ đã bị lãng quên, nhưng người ta có thể truy nguyên đến tận nguồn gốc duy nhất của nền tôn giáo và những huyền thoại của họ. Những nền tảng của tôn giáo và huyền thoại này ở đâu cũng giống nhau, tuy rằng có thể được biểu lộ thành những hình thức rất khác biệt...
Đến đây, Dật Sĩ ngừng nói. Có lẽ anh ta không muốn làm nhàm tai chúng tôi, vì nhận thấy phần đông các bạn tôi đều đã ngủ say. Chúng tôi nhìn về phía bọn cướp. Họ cũng đã ngủ say, và cũng như chúng tôi, họ đã quên mất cơn giông bão, tuy rằng nó vẫn đang tiếp tục hoành hành dữ dội quanh đó. Chúng tôi bước vào lều để nghỉ ngơi sau khi đã một lần nữa bày tỏ sự biết ơn đối với các vị chân sư cao cả.
Sáng hôm sau, khi chúng tôi thức dậy, mặt trời chiếu tỏ rạng, cả trại đều rộn rịp. Chúng tôi hối hả thay quần áo và thấy rằng tất cả mọi người, kể cả bọn cướp, đều chuẩn bị ăn sáng.
Trong khi ăn, chúng tôi được thông báo chương trình ngày hôm ấy là lên đường hộ tống bọn cướp trở về trại của họ. Thật vậy, người ta dễ tìm đường hơn khi đi chung với nhau từng đoàn, thay vì đi lẻ tẻ. Điều này làm cho bọn cướp hài lòng, nhưng không làm cho chúng tôi vui, vì chúng tôi được biết rằng ở trại của họ có đến 150 người.
Khi chúng tôi điểm tâm xong thì mọi vết tích của cơn bão đã hoàn toàn biến mất. Chúng tôi bèn dỡ trại và cùng đi với bọn cướp, cả người lẫn ngựa, để tìm đường về trại giúp họ.
Trại của bọn cướp ở cách đó không đầy hai mươi cây số. Tuy vậy, khi chúng tôi đến nơi thì trời đã xế chiều. Chúng tôi lấy làm sung sướng vì có thể nghỉ chân tại đó.
Chúng tôi nhận thấy trại của họ rất tiện nghi, có đủ chỗ rộng rãi cho tất cả chúng tôi. Thật ra, vì bọn họ tập trung định cư ở đây khá đông nên cả khu vực đã được xây dựng thành một ngôi làng nhỏ.
Sau bữa ăn chiều, chúng tôi nghĩ rằng nên ở lại đó một hai ngày để chờ cho tuyết ém chặt lại.
Thật vậy, phải qua mấy hôm sau chúng tôi mới có thể vượt qua được truông núi phía trước, cao đến gần năm nghìn thước. Vì thời tiết không tạnh ráo trở lại như chúng tôi mong muốn, nên chúng tôi phải kéo dài thời gian lưu trú tại đây đến bốn ngày trước khi lên đường.
Mọi người trong làng đối xử với chúng tôi một cách tôn kính và cố gắng làm cho chúng tôi được vui lòng. Khi chúng tôi lên đường, có hai người đến xin gia nhập. Chúng tôi vui vẻ nhận lời, vì dầu sao chúng tôi cũng cần phải tuyển thêm một số nhân công để phụ giúp khi đến làng sắp tới, cách đó độ một trăm cây số. Hai người này đã đi theo chúng tôi mãi cho đến bận về vào mùa thu.
Khi chúng tôi rời khỏi làng, có đến khoảng phân nửa dân làng theo tiễn đưa chúng tôi đến tận đỉnh truông núi để giúp chúng tôi tìm ra con đường mòn bị tuyết dày đặc lấp mất cả dấu vết. Chúng tôi rất cám ơn sự cố gắng của họ, vì công việc leo núi thật rất khó khăn.
Lên đến đỉnh truông núi, chúng tôi từ biệt những người anh em lục lâm cường đạo và thẳng đường đi đến chỗ hẹn. Chúng tôi đến đó vào ngày 28 tháng 5, tức là ba ngày muộn hơn các nhóm bạn, như họ đã hẹn gặp chúng tôi tại đây hồi mùa thu năm trước.
lll
Sau một tuần lễ nghỉ ngơi, cả đoàn chúng tôi thu dọn hành trang và lên đường đi đến địa điểm tọa lạc của thủ đô đế quốc Uighur vào thời cổ.
Chúng tôi đến nơi vào ngày 30 tháng 6 và bắt tay ngay vào công việc đào xới Giếng đào đầu tiên của chúng tôi chưa sâu tới hai chục thước thì gặp phải vách tường của một dinh thự cũ. Chúng tôi tiếp tục đào sâu đến khoảng ba chục thước mới lọt được vào một gian phòng lớn. Tại đây, chúng tôi tìm thấy những xác ướp còn nguyên vẹn ở tư thế ngồi xếp bằng, gương mặt bao phủ bởi những mặt nạ bằng vàng. Ngoài ra còn có nhiều pho tượng bằng vàng, bạc, đồng và đất sét, tất cả đều chạm trổ rất đẹp. Chúng tôi đã chụp ảnh tất cả.
Khi công việc đào xới đã tiến hành đến mức độ đủ để chứng minh một cách thỏa đáng rằng đó quả thật là những di tích cổ xưa của một thành phố rất lớn, chúng tôi bèn đi đến địa điểm thứ nhì, được tìm thấy dễ dàng nhờ sự mô tả trên những tấm bia đá cổ đã nói ở trước.
Tại đây, chúng tôi chỉ vừa đào sâu được chừng mười hai thước thì đã tìm thấy những di tích chắc chắn của một nền văn minh cổ. Chúng tôi đã làm tất cả những gì cần thiết để chứng minh một lần nữa và một cách chắn chắn rằng đó quả thật là những di tích của một thành phố cổ.
Kế đó, chúng tôi đi đến địa điểm thứ ba. Tại đây, chúng tôi dự định khám phá những di tích chứng minh sự hiện diện của một thành phố còn cổ xưa và rộng lớn hơn nữa. Để công việc đạt hiệu quả cao hơn, chúng tôi chia ra thành bốn nhóm, trong số đó có ba nhóm gồm một trưởng nhóm và sáu phụ tá, tức là mỗi nhóm có bảy người. Các nhóm này chịu trách nhiệm về công việc đào xới và bảo tồn các cổ vật tìm được. Cả ba nhóm luân phiên nhau làm việc suốt cả ngày đêm, mỗi nhóm phải chịu trách nhiệm 8 giờ trong ngày.
Nhóm thứ tư gồm tất cả số người còn lại, có nhiệm vụ canh phòng quanh trại và cung cấp lương thực cho cả đoàn.
Tôi thuộc nhóm của vị trưởng nhóm Tô Mặc. Nhóm tôi làm việc từ nửa đêm đến 8 giờ sáng. Vừa đào xong giếng đầu tiên, chúng tôi đã lọt vào bốn gian phòng dưới lòng đất. Sau khi làm sạch toàn bộ hiện trường, chúng tôi đã có thể chứng minh rằng đó là di tích của thành phố lớn và cổ xưa nhất trong cả ba thành phố, và chứa đựng rất nhiều kho tàng.
Một buổi sáng, nhóm bạn đến thay phiên cho nhóm tôi báo động rằng có nhiều kỵ mã đang tiến đến gần trại từ hướng bắc. Chúng tôi trèo cả lên mặt đất và nhìn thấy họ đang tiến về phía chúng tôi. Đó có lẽ là một đám lục lâm cường đạo, vì rõ ràng là họ noi theo con đường mòn đã đưa chúng tôi đến đây.
Trong khi chúng tôi còn đang lặng lẽ quan sát, thì Dật Sĩ bước tới và nói:
– Đó là một bọn cướp định đến đánh phá trại chúng ta, nhưng các bạn không cần phải sợ hãi.
Chúng tôi để yên cho bọn cướp đến gần. Khi đến gần trại, chỉ còn cách chừng năm trăm thước thì họ ngừng lại. Sau đó một lát, có hai tên cướp tế ngựa đến trại chúng tôi, cất tiếng chào rồi hỏi chúng tôi đang làm gì ở đây. Chúng tôi cho họ biết là chúng tôi đang tìm kiếm những di tích của một thành phố cổ. Họ không tin như vậy, và nghi ngờ chúng tôi là những kẻ đi tìm vàng. Họ toan tính với nhau để đánh cướp những đồ khí cụ trang bị và lương thực của chúng tôi. Chúng tôi hỏi họ có phải là binh lính của chính phủ không? Họ đáp rằng họ không thừa nhận một chính phủ nào cả, vì ở xứ này chỉ có sức mạnh là trên hết.
Nhìn thấy chúng tôi không có vẻ gì lo sợ và cũng không có khí giới, có lẽ họ đoán là chúng tôi còn đông người hơn chứ không chỉ có bấy nhiêu. Họ bèn quay trở về để thảo luận kế hoạch với nhau.
Được một lát, hai tên ấy trở lại và nói rằng nếu chúng tôi chịu khuất phục một cách êm thấm thì họ sẽ không làm hại ai cả. Nếu không, họ sẽ giết chết tất cả những người nào dám chống cự. Họ cho chúng tôi mười phút để quyết định, sau mười phút đó họ sẽ tấn công mà không cần báo trước.
Dật Sĩ đáp ngay rằng chúng tôi không chống cự nhưng cũng không đầu hàng ai cả! Điều này có vẻ làm cho họ nổi nóng. Họ quay ngựa trở về báo với đồng bọn, và tất cả rút súng ra sẵn sàng. Ngay sau đó, cả bọn bèn cho ngựa phóng lên tấn công vào trại chúng tôi.
Tôi thú thật là đã sợ hoảng vía. Nhưng ngay khi đó, bỗng thấy xuất hiện nhiều hình bóng giống như những kỵ mã tế ngựa xung quanh chúng tôi. Những hình bóng này càng hiện rõ, trở nên linh động và đông đảo hơn. Bọn cướp cũng đã nhìn thấy điều ấy. Vài tên cướp mau tay giật dây cương quay đầu trở lại. Những con ngựa của vài tên khác sợ hoảng, nhảy chồm lên rồi ngã quị xuống đất và không còn chịu theo sự điều khiển của chủ.
Chỉ trong khoảnh khắc, một cơn náo loạn kinh khủng đã diễn ra trong hàng ngũ bọn cướp, gồm khoảng 75 người. Bầy ngựa bắt đầu hí vang và ngã quị, quăng bọn cướp té ngã lổng chổng. Cơn náo loạn kết thúc bằng một cuộc chạy trốn xiểng liểng, trong khi những kỵ mã vừa xuất hiện phi ngựa đuổi theo bén gót.
Khi cơn loạn động đã lắng xuống, tôi cùng vị trưởng nhóm và một người nữa cùng đi tới chỗ mà bọn cướp bị chặn lại để quan sát nhưng không thấy có dấu vết nào khác ngoài những dấu chân ngựa lộn xộn của bọn cướp. Điều này có vẻ là một điều bí hiểm, vì những kỵ mã đến cứu trợ chúng tôi đã xuất hiện rõ ràng, tất cả chúng tôi đều nhìn thấy họ đến từ bốn phía. Bởi vậy, lẽ ra chúng tôi phải tìm thấy trên bãi cát những dấu chân ngựa của họ xen lẫn với những dấu vết của bọn cướp.
Khi chúng tôi quay trở lại, Dật Sĩ nói:
– Những kỵ mã ấy thật ra không hề có, chỉ là những ảo giác do chúng tôi tạo ra để đánh lừa bọn cướp, khiến cho họ và các bạn đều nhìn thấy như thật. Chúng tôi thường dùng cách này để tự vệ hoặc bảo vệ kẻ khác, vì như thế không thực sự làm hại ai cả. Nhưng sở dĩ chúng tôi làm được như vậy là nhờ có một sự nghi ngờ đã nảy sinh trong tâm trí của bọn cướp. Họ suy đoán rằng một đoàn người như chúng ta không thể nào mạo hiểm đến làm việc ở một nơi xa xôi hẻo lánh như thế này mà không có sự phòng vệ. Vì thế, tuy tấn công chúng ta nhưng trong lòng họ vẫn không khỏi sự hoang mang, dè chừng. Chúng tôi đã lợi dụng tâm trạng nghi ngờ thiếu sáng suốt đó để tác động thêm vào mà tạo ra những ảo giác theo ý muốn, nhát làm cho họ sợ sệt, hốt hoảng và trở nên rối loạn, cuối cùng phải tự rút chạy. Còn đối với các bạn, sở dĩ các bạn cũng chịu tác động và nhìn thấy những ảo giác này là vì trong lòng các bạn đang có sự sợ hãi, hốt hoảng, khiến cho tâm trí không giữ được sự sáng suốt bình thường. Nếu các bạn có thể giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt, không lo sợ, thì năng lực tạo ảo giác của chúng tôi không thể tác động đến các bạn được, và khi đó các bạn sẽ không nhìn thấy gì cả. Dù sao đi nữa, phương pháp hù dọa này chắc chắn sẽ có hiệu quả rất cao. Nếu chúng ta dùng vũ lực thực sự để đẩy lùi bọn chúng, thì có lẽ phải giết chết một số đông bọn cướp trước khi những tên sống sót chịu để chúng ta yên. Nhưng bây giờ, khi chúng đã rút lui vì hoảng sợ thì chắc chắn chúng ta sẽ không còn phải lo lắng gì về sự quấy phá của chúng nữa.
lll
Khi những cuộc đào xới đã mang lại đủ bằng chứng về sự hiện hữu trước đây của ba thành phố cổ, chúng tôi lấp kỹ những giếng đào lại để những đoàn người du mục không thể tìm ra dấu vết của cuộc khảo cổ này.
Sự lo xa này của chúng tôi là hoàn toàn hợp lý, vì sự khám phá ra các giếng này chắc chắn sẽ dẫn đến một loạt những cuộc đào bới và lấy đi tất cả, bởi các kho tàng được tìm thấy ở đây là vô cùng hấp dẫn đối với lòng tham con người..
Sau khi lấp giếng, chúng tôi cố gắng tìm mọi cách che đậy các dấu vết đến mức hầu như không còn gì. Chúng tôi hy vọng cơn bão đầu tiên sắp tới sẽ xóa bỏ mọi di tích còn sót lại về sự có mặt của chúng tôi. Những cồn cát ở xứ này luôn luôn di chuyển là một trở ngại cho việc truy tầm các di tích cổ. Nếu không có sự giúp đỡ của các bậc chân sư, hẳn chúng tôi đã không thể tìm ra những di tích cổ xưa này.
Chúng tôi được cho biết rằng những di tích cổ xưa tương tự như thế còn nằm rải rác rất nhiều trong vùng sa mạc, trải dài đến tận phía nam xứ Tây Bá Lợi Á. Như vậy, hiển nhiên là từng có một số dân cư đông đảo đã từng sinh sống thịnh vượng ở vùng này và đạt tới một trình độ văn minh rất cao.
Có những bằng chứng xác thực không thể phủ nhận rằng cư dân ở đây đã biết đến nông nghiệp và kỹ nghệ hầm mỏ, cũng như biết dệt cửi và một số ngành tiểu thủ công nghiệp. Họ đã từng sáng tạo chữ viết và có nhiều kiến thức về những ngành khoa học khác nhau. Rất có thể là lịch sử của những dân tộc này về sau đã hòa nhập với lịch sử của giống dân Aryan, tức là chủng tộc được xem như thủy tổ của các dân tộc văn minh Âu Mỹ hiện nay.
Trước ngày chúng tôi lên đường, trong bữa ăn có một bạn tôi hỏi đức Tuệ Minh rằng lịch sử của giống dân cổ xưa này có thể nào viết lại được chăng? Đức Tuệ Minh đáp rằng có thể được, vì thành phố cổ chôn vùi ở phía dưới nơi chúng tôi đang cắm trại có chứa đựng những tài liệu ghi chép hoàn toàn xác thực. Người ta chỉ cần tìm lại và phiên dịch những tài liệu đó để có một sự xác nhận trực tiếp về lịch sử của giống dân này.
Câu chuyện bị gián đoạn khi có một người vừa xuất hiện ngoài cửa trại. Người ấy xin phép bước vào lều. Đức Tuệ Minh, Dật Sĩ và Chander Sen liền vội vàng bước ra để gặp người ấy. Chỉ nhìn qua sự mừng rỡ tiếp đón và chào hỏi nhau của các vị, chúng tôi hiểu ngay rằng các vị đã từng quen biết nhau thân thiết.
Tô Mặc bèn đứng dậy đi theo các vị. Khi ra đến cửa, ông ta đứng sững lại một lúc trong cơn ngạc nhiên, rồi bước hẳn ra ngoài lều, đưa thẳng hai tay ra trước và nói:
– Đây mới thật là một sự bất ngờ xiết bao!
Những tiếng kêu ngạc nhiên như được thốt lên cùng một lúc, trong khi những vị quí khách mới đến, cả nam lẫn nữ, trao đổi những lời chào hỏi với Tô Mặc và với ba vị chân sư.
Khi đó, những người ngồi trong lều bèn đứng dậy, hối hả bước ra ngoài và thấy một nhóm gồm tất cả mười bốn người khách vừa mới đến. Trong nhóm ấy có bà Mã Ly, thân mẫu đức Tuệ Minh, bà chủ nhà của chúng tôi ở căn cứ mùa đông, vị thiếu nữ đẹp tuyệt trần đã chủ trì buổi dạ tiệc tại nhà đức Tuệ Minh, cùng với con trai, con gái của đức Tuệ Minh và một số người khác.
Tất cả mọi người đều vui vẻ, và chúng tôi hồi tưởng lại những cuộc hội họp trong những ngày đã qua. Chúng tôi thật hoàn toàn ngạc nhiên, và chúng tôi không dấu giếm điều đó. Nhưng sự ngạc nhiên ấy lại còn lớn hơn nữa ở những người bạn thuộc các nhóm khác. Nhìn vào gương mặt họ, chúng tôi hiểu rằng họ ngạc nhiên đến mức không thể diễn tả, vì khác với chúng tôi, họ chưa từng chứng kiến những lần xuất hiện và biến mất một cách bất ngờ như thế.
Công việc khảo cổ làm chúng tôi quá bận rộn đến nỗi vẫn chưa có dịp kể lại cho họ nghe đầy đủ những kinh nghiệm đã qua của chúng tôi, ngoài những chuyện vắn tắt đứt đoạn. Sự xuất hiện của các vị quí khách dường như từ vòm trời trong sáng mà đến, đã làm họ hoàn toàn khựng lại và đứng trơ như tượng đá.
Sau khi việc giới thiệu đã xong, người phụ trách việc nấu ăn bước tới nói riêng với đức Tuệ Minh và Tô Mặc với một vẻ mặt thất vọng:
– Làm sao đủ thức ăn cho tất cả bấy nhiêu người? Lương thực của chúng ta đã cạn, và đồ tiếp tế còn chưa đến kịp. Chúng ta chỉ còn vừa tạm đủ để ăn bữa chiều nay và bữa điểm tâm sáng mai. Vả lại, mọi sự đã được chuẩn bị sẵn sàng để lên đường.
Lê Mông, vị trưởng phái đoàn, đã lắng tai nghe rõ câu chuyện. Y bèn bước tới và tôi nghe y hỏi:
– Trời đất! Tất cả những người này từ đâu đến vậy?
Tô Mặc vừa nhìn y vừa cười và đáp:
– Lê Mông, anh hỏi thật ngớ ngẩn. Rõ ràng là các vị đã đến trực tiếp từ trên trời. Anh hãy nhìn xem, các vị không có một phương tiện di chuyển nào cả.
Lê Mông nói:
– Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là hình như họ không có cánh. Khi họ đáp xuống bãi cát, đáng lẽ chúng ta phải nghe tiếng động, vì họ đi rất đông. Nhưng chúng ta chẳng nghe thấy gì cả! Như vậy, tôi tạm kết luận rằng giả thuyết hoàn toàn hợp lý của anh là đúng.
Lúc ấy, đức Tuệ Minh quay lại và nói rằng để trấn an tinh thần của người đầu bếp, có lẽ ngài buộc sẽ phải trách cứ các vị khách đã không chịu đem theo lương thực để tự túc, vì lương thực ở đây xét ra không đủ.
Người đầu bếp có vẻ rất lúng túng và giải thích rằng y không có ý muốn nói một cách thô lỗ như vậy, nhưng dầu sao thì sự thật vẫn là không có đủ thức ăn cho tất cả mọi người. Các vị quí khách bèn đồng thanh cười vang lên một cách vui vẻ. Điều này có vẻ như làm cho anh ta càng lúng túng hơn.
Bà Mã Ly liền nói rằng không cần phải sợ có sự bất tiện hay thiếu sót. Bà chủ nhà của chúng tôi và vị giai nhân trong buổi dạ tiệc hôm trước nói rằng hai bà vui lòng đảm đương trách nhiệm về bữa ăn, vì các vị quí khách đến viếng chúng tôi vơi ý định rõ rệt là sẽ cùng chia sẻ bữa ăn đó với chúng tôi. Người đầu bếp có vẻ yên lòng và liền chấp nhận ngay lời đề nghị đó.
Lúc ấy, trời đã xế chiều. Đó là một trong những ngày mà ngọn gió mát thổi nhẹ dường như vuốt ve đồng cát Gobi, dẫu rằng có khi chỉ một lát sau có thể biến ngay thành một cơn bão tố gầm thét thịnh nộ với tốc lực kinh khủng.
Chúng tôi lấy tất cả mọi thứ có thể dùng làm khăn trải bàn và trải lên bãi cát, ngay ở phía ngoài trại. Đối với người ngoài, trông có vẻ giống như một cuộc đi chơi cắm trại. Những người thuộc các nhóm đến sau chúng tôi vẫn còn tỏ vẻ ngạc nhiên và do dự. Lê Mông nhìn vào các nồi đựng thức ăn và nói:
– Nếu tôi nhìn thấy rõ, và nếu người ta có thể chia sớt bấy nhiêu thức ăn cho tất cả số người đông đảo như vậy, thì tôi xin mở lớn đôi mắt để nhìn xem một phép lạ được thực hiện!
Một người trong nhóm chúng tôi nói:
– Thật vậy anh hãy mở mắt cho thật lớn; vì anh sắp sửa nhìn thấy điều mà anh vừa nói.
Tô Mặc nói:
– Anh Lê Mông, đây là lần thứ nhì trong ngày hôm nay mà anh đã đoán đúng!
Kế đó, hai vị nữ khách bắt đầu múc thức ăn trong nồi để chia ra cho tất cả mọi người. Khi một dĩa đã được múc đầy, nó được chuyền qua tay người khác và lại được thay thế bằng một cái đĩa mới, và cứ tiếp tục như thế cho đến khi tất cả mọi người đều được cung cấp thức ăn một cách đồi dào thừa thãi.
Khi những đĩa được múc đầy thức ăn cứ tiếp tục mỗi lúc một nhiều thêm, chúng tôi thấy gương mặt Lê Mông càng tỏ vẻ lo ngại. Khi người ta đưa một đĩa cho anh ta, anh ta chuyền qua cho người ngồi bên cạnh rồi nói rằng anh có thể nhận một đĩa ít hơn như thế cũng không sao. Bà chủ nhà chúng tôi nói rằng không phải lo ngại gì cả, vì có đủ thức ăn cho tất cả mọi người.
Sau khi mỗi người đã được cung cấp thức ăn một cách dư thừa, Lê Mông lại nhìn vào các nồi chứa một lần nữa và thấy rằng thức ăn vẫn còn đầy, không giảm bớt chút nào. Anh ta bèn đứng dậy và nói:
– Nếu quí bà không cho tôi là một kẻ vô phép, mất dạy và thô bỉ, thì tôi xin phép được đến ngồi gần các bà. Tôi xin nhìn nhận rằng sự tò mò đang ngự trị mọi tư tưởng của tôi đến mức làm cho tôi không thể nuốt trôi một miếng nào.
Các vị nữ khách đáp rằng, nếu anh ta muốn đến ngồi gần các vị thì điều đó có thể xem như một cử chỉ lịch sự. Thế là anh ta liền đi vòng quanh sau lưng nhóm thực khách và đến ngồi cạnh chiếc khăn trải dưới đất, giữa bà Mã Ly và vị giai nhân tuyệt sắc.
Khi anh ta đã ngồi xuống, có người hỏi xin bánh mì. Trong giỏ bánh mì chỉ còn có một miếng. Vị giai nhân đưa hai bàn tay ra, thì ngay khi đó một ổ bánh lớn liền xuất hiện trên tay bà. Bà đưa ổ bánh cho bà chủ nhà của chúng tôi để bà này chuẩn bị cắt ra từng khoanh trước khi chia cho mỗi người thực khách.
Lê Mông bèn đứng dậy và xin phép được quan sát Ổ bánh mì vẫn còn nguyên vẹn chưa cắt. Người ta đưa ổ bánh cho anh ta. Anh ta quan sát trong một lúc với cặp mắt dò xét rồi đưa trả lại với sự băn khoăn hiện rõ trên nét mặt. Anh ta bước đi vài bước rồi quay trở lại và nói với người thiếu phụ:
– Thưa bà, tôi không muốn tỏ ra xấc láo, nhưng đầu óc tôi bị đảo lộn đến mức làm cho tôi không khỏi đưa ra vài câu hỏi.
Vị giai nhân khẽ nghiêng mình và nói rằng anh ta được tự do hỏi bất cứ điều gì y muốn. Lê Mông liền nói:
– Phải chăng bà có ý muốn nói rằng bà có thể bất chấp tất cả mọi định luật thiên nhiên, ít nhất là những định luật mà chúng tôi đã biết, và không cần một sự cố gắng nào? Rằng bà có thể làm cho bánh mì xuất hiện từ một kho dự trữ vô hình?
Người thiếu nữ đáp:
– Đối với chúng tôi, kho dự trữ không phải vô hình, mà nó lúc nào cũng hữu hình.
Khi bà chủ nhà của chúng tôi cắt ra và phân phát các khoanh bánh mì, chúng tôi nhận thấy rằng ổ bánh cũng vẫn còn nguyên vẹn. Lê Mông đã bình tĩnh lại, trở về chỗ ngồi, và vị giai nhân nói tiếp:
– Ước gì các bạn có thể hiểu rằng tấn thảm kịch cuộc đời của mỗi con người luôn chấm dứt nơi nấm mồ, nhưng niềm phúc lạc của cuộc sống chỉ bắt đầu với một tâm thức rộng mở! Vì thế, ý nghĩa của đời sống phải hướng đến sự khai mở và nâng cao tâm thức chứ không phải chỉ là những tháng năm buồn tẻ chờ đợi xuống mồ. Khi bạn nhận thức được về bản tâm của chính mình, cuộc đời sẽ tràn đầy tâm thức giác ngộ, hay tâm thức Bồ-đề, cũng tức là tràn đầy sức sống của chân ngã. Người ta có thể nào tưởng tượng một cuộc đời nào hạnh phúc an vui hơn và phong phú hơn là khi chúng ta đạt đến sự hòa nhập hoàn toàn với chân ngã? Khi mà thế giới nội tâm rộng mở và hòa nhập với toàn thể vũ trụ bao la? Với cuộc sống tâm linh khai mở đó, các bạn có thể sáng tạo mọi hình thể vật chất, rõ thông được mọi tư tưởng, mọi lời nói, và trong mọi hoàn cảnh. Bạn có thể sống một cuộc sống tự mình thỏa mãn mọi nhu cầu, và nhận ra rằng đó mới chính là một.cuộc đời đúng đắn và khoa học.
Các bạn nên biết rằng, cuộc đời chỉ trở nên một bài toán khó khi con người từ chối không chịu lắng nghe tiếng nói của nội tâm. Khi con người biết sám hối và quay về nhận thức chính tự tâm mình, vấn đề mưu sinh sẽ không bao giờ còn là một gánh nặng, bởi những gì giả tạm không thể sánh với những giá trị thường tồn. Con người sẽ trở nên một thực thể sáng tạo, bởi vì bản chất của tâm thức vốn là sáng tạo, và toàn thể vũ trụ vô biên này cũng không ra ngoài sự sáng tạo của tâm thức...
Kế đó, vị giai nhân quay sang Lê Mông và nói:
– Thật ra không hề có sự phân biệt giữa các cảnh giới cõi trời hay cõi thế gian, thậm chí cũng không có cả những cảnh giới đầy dẫy khổ đau mà con người gọi là địa ngục. Tất cả chỉ là những sự biến hiện khác nhau của tâm thức. Một tâm thức thanh thản và giải thoát luôn chỉ biết có niềm hạnh phúc vô biên, và đó là những cảnh giới cõi trời. Một tâm thức nặng nề và trói buộc, chìm đắm trong tham lam, sân hận và si mê chỉ biết có sự khổ đau triền miên không giới hạn, và đó chính là những cảnh giới địa ngục. Ngay trong đời sống hiện tại này, các bạn thật ra cũng thường xuyên bị giằng co qua lại giữa những trạng thái tâm thức đó. Đôi khi các bạn cảm thấy được sự thanh thản, giải thoát, nhưng đôi khi, và thường là nhiều hơn, các bạn phải sống triền miên trong đau khổ. Quy luật tương quan đó vốn đúng đắn và rất khoa học. Trạng thái tâm thức của mỗi chúng sinh quy định cảnh giới mà chúng sinh ấy thọ nhận đời sống. Nhưng vì cảnh giới ấy bao giờ cũng tương ứng với trạng thái tâm thức hiện thời, nên chỉ cần đạt đến sự khai mở tâm thức thì lập tức mọi khổ đau sẽ biến mất không còn dấu vết. Hay nói cách khác là có thể tức thời vượt thoát ra khỏi địa ngục, tức thời hóa sinh nơi cõi trời. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là sự hướng đến một trạng thái giải thoát hoàn toàn, một trạng thái giác ngộ triệt để. Khi đạt được sự giải thoát rốt ráo đó thì chẳng những không còn có địa ngục, mà cũng không còn có cả các cảnh giới cõi trời. Khi đó, bất cứ nơi nào người ta hiện hữu đều sẽ là cảnh giới của giải thoát, của sự an lạc và thanh tịnh.
Kế đó, vị giai nhân nói rằng bà sẽ rất vui lòng trả lời tất cả mọi câu hỏi khác nữa của Lê Mông. Nhưng vị trưởng phái đoàn nói rằng ông ta quá xúc động đến mức không thể đưa ra bất cứ một câu hỏi nào nữa. Ông ta cần phải có một lúc im lặng để suy ngẫm.
Lát sau, Lê Mông lên tiếng rằng ông ta có nhiều điều muốn nói và hy vọng là sẽ không làm phật ý một người nào, vì ông thật lòng không hề có ý chỉ trích ai cả. Ông nói:
– Khi lên đường đến đây, chúng tôi chỉ nghĩ rằng mình sẽ tìm thấy di tích của những nền văn minh đã suy vong và biệt tích từ lâu. Nhưng thật không ngờ chúng tôi lại được gặp gỡ và nhìn thấy tận mắt những con người mà chúng tôi không sao tưởng tượng được về những cuộc đời hoạt động cao quí vô cùng của họ. Nếu những điều mà chúng tôi vừa nhìn thấy có thể được công bố tại các nước Âu Mỹ, thì toàn thể nền tảng khoa học hiện thời sẽ bị đảo lộn và sụp đổ, và cả thế giới sẽ thay đổi hoàn toàn nhận thức về ý nghĩa đời sống.
Ba vị phu nhân cười và đáp rằng, các bà không hề có ý muốn nhìn thấy sự đảo lộn và sụp đổ như thế, cũng như không hy vọng rằng toàn thể thế giới sẽ thay đổi nhận thức theo hướng đúng đắn hơn. Các bà giải thích rằng, nhân loại đã có quá nhiều thần tượng, nhưng thiếu những lý tưởng đúng đắn; họ nhân danh quá nhiều điều tốt đẹp, nhưng bản thân họ không hề thực sự mong muốn những điều tốt đẹp đó. Vì thế, vấn đề không phải là chỉ ra cho họ thấy đâu là chân lý, mà là phải làm sao để họ tự mình xóa bỏ được sự si mê, tham lam và sân hận đang đè nặng trong tâm thức của chính họ.
Khi đó tất cả các vị khách quý, trừ vị đầu tiên đã đến trước cửa lều, đều đứng dậy và nói rằng đã đến lúc các vị phải ra đi. Các vị bắt tay từ giã chúng tôi và mời chúng tôi đến viếng các vị khi nào có dịp thuận tiện. Kế đó các vị biến mất một cách đột ngột cũng giống như khi hiện đến, làm cho Lê Mông và những người trong nhóm của ông ta trố mắt thật lớn và đứng sững ngay trước chỗ mà các vị vừa hội họp lúc nãy.
Sau một lúc, Lê Mông quay sang nói chuyện với người khách còn ở lại và hỏi tên họ người ấy. Người này đáp rằng ông ta tên là Bạch Lãng. Khi đó, Lê Mông nói:
– Phải chăng quí vị đều có thể tự do đi lại tùy ý muốn mà không cần dùng đến một phương tiện di chuyển hữu hình nào như chúng tôi vừa thấy, và không chịu tác động của tất cả những định luật vật lý mà chúng tôi đã được biết từ trước đến nay?
Bạch Lãng đáp:
– Những điều chúng tôi làm được không có nghĩa là ngược lại với những định luật mà các bạn đã biết, mà thật ra chỉ là dựa theo những định luật các bạn chưa biết mà thôi. Những gì là vô hình đối với các bạn lại là hoàn toàn hữu hình đối với chúng tôi. Điều khó khăn chính là các bạn hoàn toàn không có được niềm tin vào những gì chúng tôi làm, mà cũng không có cả niềm tin vào chính mình. Ngược lại, tất cả chúng tôi đều nhìn thấy, tin tưởng và hiểu rõ một cách hoàn toàn tự nhiên cũng như các bạn đang hít thở khí trời vậy. Vì không có đức tin, các bạn đã tự giới hạn năng lực của chính mình và không thể nào hiểu được rằng cả thế giới này vốn thuộc về các bạn, hiện hữu vì các bạn và cũng biến đổi vì các bạn. Nếu các bạn có thể làm như chúng tôi, nghĩa là để cho tâm thức hoàn toàn mở rộng, thoát khỏi mọi sự trói buộc của những giới hạn vật chất thông thường, thì các bạn sẽ thấy rằng những gì chúng tôi đã làm chỉ là những việc hoàn toàn tự nhiên, không có gì là huyền bí hay khó hiểu cả.
Khi ấy, Chander Sen xen vào cho biết rằng Bạch Lãng đến đây để mời chúng tôi ghé qua thăm ngôi làng của ông ta trên đường trở về địa điểm khởi hành. Chúng tôi sẵn lòng nhận lời mời ấy, và Bạch Lãng cho biết là ông sẽ cùng đi với chúng tôi. Về sau chúng tôi mới biết rằng người đàn ông này vốn thuộc dòng dõi những dân tộc phú cường của đế quốc Uighur thuở xưa, nay đã biệt tích và biến thành vùng sa mạc Gobi.
Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018
CHUONG SAU
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hien huu nhu that da va dang
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Nhờ có sự hộ niệm cho cuộc diện kiến mặt-đối-mặt như thế, cho dù thần thức có yếu đuối thế nào đi nữa, chắc chắn không còn nghi ngờ gì là c...
-
Chính vì muốn dẫn dắt khéo léo các đệ tử mà ta khai thị nhiều pháp môn khác nhau. Laṅkāvatārasūtra Kinh Lăng già Maria Montenegro...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét