Thi hóa pháp hội Diệu Pháp Liên Hoa và cương yếu mỗi phẩm
Dùng Trí để hiển Trí không gì hơn là dùng kinh để hiển kinh.
Pháp Hoa là Đại Bát Nhã, là Đại Niết Bàn, là Hoa Nghiêm, là Lăng Nghiêm, là Lăng Già, là Duy Thức, là ý Phật, là lời Tổ... Một kinh là nghìn kinh, nghìn kinh vào một dòng, vốn đã tự đầy đủ. Pháp tử thẹn tài hèn, đức mỏng đã không thể diễn bày đến được chỗ tận cùng vốn tự đầy đủ kia.
Muôn thân con trong bầu pháp giới đồng hư không quy mạng đảnh lễ mười phương chư Phật, chư Hiền Thánh, nhất tâm sám hối.
Nam Mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát.
Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm
AUDIO MP3
Thi ngâm: Vân Khanh, Bảo Cường, Bích Ngọc,
Phan Xuân Thy, Ngô Đình Long, Thu Thuỷ
Nhạc cụ: Thanh Bình, Kim Long, Thuý Hạnh, Việt Hùng.
1. Phẩm Tựa
Thành Vương Xá đất vui mừng chấn động
Trời mưa hoa sen báu trải non xanh
Tướng bạch hào suốt sáu nẻo vô minh
Chư Bồ tát, thiên, nhân quỳ dưới bệ.
Nhập tam muội trang nghiêm Vô Lượng Nghĩa
Diệu pháp âm vang động đến muôn loài
Thấy hằng muôn chư Phật cõi trời, người
Hiện thân tướng đắp y vàng chuyển pháp
Lại thị hiện Niết Bàn, xây bảo tháp
Như ngàn xưa và mãi đến ngàn sau
Nước một dòng xuôi chảy chẳng về đâu
Nhất pháp giới - diệu tâm bình đẳng trí
Chỉ một Tâm, cách chia vô tận ý
Vạn trùng ba, động tịnh thánh khác phàm
Thể chung đồng, lưu chuyển một dòng tâm
Thoắt nhìn lại, dưới chân là đất Phật.
Lòng chiêm ngưỡng Thế Tôn, ngài Di Lặc
Cũng như lòng đại chúng khởi sinh nghi
Lại nghĩ rằng: quá khứ đã từng khi
Pháp Vương Tử cúng dường vô số Phật
Liền nói kệ: Đại-Văn-Thù-Sư-Lợi
Xin lời ngài hóa giải mối nghi nan
Gió đưa hương, cây ướp nụ chiên đàn
Hoa trổ ngọc, thơm vàng từng sớ đất
Hào quang hiện như hằng muôn ức Phật
Muôn chúng sinh từ cõi nước A Tỳ
Trên cõi trời hữu đảnh đến và đi
Sống và chết cùng nghiệp duyên lành dữ
Đấng Thánh Chúa - tiếng trầm hùng sư tử
Diễn pháp âm tuyên nói nghĩa nhân duyên
Dùng hằng muôn phương tiện dạy nhân, thiên
Chư thánh chúng, Thanh Văn và Duyên Giác
Tôi lại thấy như hằng sa Bồ Tát
Cầu Phật thừa bố thí cả châu thân
Quên vợ con, ngôi báu, ngọc nghìn cân
Bỏ râu tóc, mặc pháp y cầu đạo
Thấy Bồ Tát một mình vui lan nhã
Hoặc núi sâu, rừng vắng thọ trì kinh
Hoặc thấy người ly dục bỏ trọng khinh
Vào thiền định đắc ngũ thông như ý
Tôi lại thấy lại nghe muôn pháp vị
Dòng kinh thơ xưng tụng đấng Pháp Vương
Tay sen hồng nở búp lạy mười phương
Trí nhật nguyệt, lòng Từ như biển rộng
Vui nói pháp, lời kinh vang điệu trống
Lực đại hùng phá dẹp lũ ma quân
Hoặc tọa thiền, cung kính những Trời, Rồng
Vào địa ngục phóng hào quang đưa lối
Tôi lại thấy người uy nghi tịnh giới
Đang kinh hành chậm rải, lá hoa tươi
Lòng thênh thang trên mỗi bước chân vui
Trí nhẫn nhục hằng cầu vô thượng đạo
Thấy người trí như muôn vàn trân bảo
Luôn cúng dường, gần gủi, nhiếp tâm tu
Lòng xa lìa vướng bận oán ân sâu
Từ muôn ức nghìn năm không loạn động
Tôi lại thấy người cúng dường y phục
Hoặc giường nằm, nhà báu gỗ chiên đàn
Cây bốn mùa kết trái cúng dường Tăng
Suối thơm mát, ao hồ xanh nước tịnh
Như tiếng chạm của muôn vàn ngọc bích
Như âm vang cùng tiếng gió đưa theo
Trên lá kinh vi diệu, bậc tỳ khiêu
Đang thuyết giảng mở khai lòng sanh chúng
Tôi lại thấy người chứng như-thật-tướng
Pháp-không-hai, nghìn thế giới cũng đồng
Trí vô biên, muôn pháp một trời Không
Xa mê đắm, cầu pháp vô thượng ý
Dựng tháp báu, màn châu buông lụa quý
Trời dâng hoa, người tấu nhạc cúng dường
Kết tinh anh xá lợi, dấu Từ Tôn
Như đóa ngọc trên mâm vàng cung kính
Thấy cõi nước như hoa trời mở cánh
Xanh mầm cây, Phật lực phóng hào quang
Ngài Văn Thù! Xin giải mối nghi nan
Pháp vi diệu hay là lời thọ ký?
Ngài Văn Thù: Như chỗ ta xét nghĩ
Đã từng phen chư Phật phóng hào quang
Đã từng phen như mưa pháp đưa sang
Như vô lượng A tăng kỳ thiện kiếp
Như mưa pháp đến đi mà chẳng mất
Như trống trời vang cõi nước vô thinh
Phật hiệu là Đức Nhật Nguyệt Đăng Minh
Thuyết chánh pháp y sở cầu tùy thuận
Nói tứ đế vì Thanh Văn thánh chúng
Nói nhân duyên vì Duyên Giác Bích Chi
Bồ Tát thừa, nói lục độ diệu vi
Một pháp giới, một phổ-quang-như-trí
Và như vậy, đến hai muôn đức Phật
Cũng đồng tên là Nhật Nguyệt Đăng Minh
Đầy đủ mười Phật hiệu, tướng tịnh thanh
Pháp chư Phật trước sau đồng một vị.
Tám vương tử thông minh và tài trí
Uy đức cao, cùng thống lĩnh bốn châu
Nghe vua cha thực chứng pháp thâm sâu
Bỏ ngôi báu, vui xuất gia cầu đạo
Giữ phạm hạnh làm pháp sư thuyết giáo
Tự nghìn xưa từng gìn giữ căn lành
Chuyển mê tình, thân, ý, bỏ đua tranh
Ví đất mới ươm trồng hoa trái Phật
Đức Thế Tôn nói kinh Vô Lượng Nghĩa
Liền nhập vào chánh định tĩnh thân tâm
Đất reo vui, sen báu ngát hư không
Các đại chúng chắp tay hồng chiêm ngưỡng
Tướng bạch hào phóng quang nghìn cõi nước
Khắp mười phương tánh, tướng cũng chung đồng
Cõi trời người thể, dụng nghĩa viên dung.
Trong pháp hội có Diệu Quang Bồ Tát
Căn bản trí, rạng ngời như ánh sáng
Phật vì ngài thuyết Diệu Pháp Liên Hoa
Suốt sáu mươi tiểu kiếp một bửu tòa
Tri kiến Phật, không và thời dung nhiếp.
Ngài Đức Tạng đủ đầy muôn sai biệt
Đức vẹn toàn lợi lạc khắp nhân quần
Sẽ tựu thành Phật quả hiệu Tịnh Thân
Phật thọ ký, và nửa đêm nhập diệt.
Diệu Pháp Hoa thọ trì hằng tiểu kiếp
Ngài Diệu Quang giáo hóa tám người con
Vị sau cùng là Phật hiệu Nhiên Đăng
Thắp đuốc pháp chuyển Thức sang Thánh Trí
Cũng như vậy, tám trăm người đệ tử
Có một người pháp hiệu gọi Cầu Danh
Bởi tham mê danh lợi, chẳng trì kinh
Thường như Ý, duỗi rong lòng gió bụi.
Ngài Di Lặc! xưa Diệu Quang Bồ Tát
Chẳng người nào xa lạ, chính là Ta
Người cầu danh, chìm đắm giữa trần sa
Qua nhiều kiếp chuyển tâm là ngài vậy!
Ta quán xét việc xưa, lòng hoan hỷ
Đức Thế Tôn lại sẽ thuyết diệu kinh !
*
Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018
1. Pham Tua
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hien huu nhu that da va dang
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Nhờ có sự hộ niệm cho cuộc diện kiến mặt-đối-mặt như thế, cho dù thần thức có yếu đuối thế nào đi nữa, chắc chắn không còn nghi ngờ gì là c...
-
Chính vì muốn dẫn dắt khéo léo các đệ tử mà ta khai thị nhiều pháp môn khác nhau. Laṅkāvatārasūtra Kinh Lăng già Maria Montenegro...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét