Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018

Tha luc phat sinh va co tac dung nhu the nao



Đây là một câu hỏi khó, nếu không muốn nói là vượt ngoài tầm nhận biết của tri thức chúng ta. Đối với người đã từng cảm nhận được và có đủ lòng tin, thì đây là một câu hỏi thừa, không cần phải đặt ra. Nhưng đối với những người chưa tin nhận thì có lẽ vẫn cần phải có thêm nhiều lập luận để thỏa mãn sự đòi hỏi của tri thức biện giải.

Trong Đại kinh Saccaka vừa dẫn ở một phần trước, chúng ta cũng đọc thấy đoạn sau đây:

"Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sinh. Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sinh. Ta biết rõ rằng chúng sinh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sinh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sinh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những vị này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sinh."

Đây là đoạn kinh văn đức Phật mô tả về kinh nghiệm sau khi chứng ngộ của ngài. Với sự định tĩnh hoàn toàn, ngài đã quán sát và biết được về hành nghiệp của mỗi một chúng sinh, bao gồm cả những gì họ đã suy nghĩ, nói ra hay hành động. Nếu hình dung theo tri thức của chúng ta ngày nay, thì khi ấy đức Phật đang truy cập chi tiết vào cả một kho dữ liệu khổng lồ không thể tưởng tượng nổi, bởi chúng ta đều biết là có vô số chúng sinh, và ngài đang nói đến tất cả, đến mỗi một chúng sinh riêng lẻ trong số lượng không thể tính đếm đó! Chỉ như vậy ngài mới có thể rõ biết về mối tương quan giữa nhân và quả trong dòng sinh tử tương tục của mỗi một chúng sinh. Thật là một điều ngoài sức tưởng tượng!

Kinh văn Bắc truyền cũng cho ta một mô tả tương ứng. Trong Kinh Kim Cang, Phật dạy như sau:

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như trong một con sông Hằng có bao nhiêu cát, lại có số sông Hằng cũng nhiều như số cát ấy, lại có số cõi Phật nhiều như số cát trong tất cả những con sông Hằng đó, như vậy là nhiều chăng?

"Bạch Thế Tôn, rất nhiều.

"Phật bảo Tu-bồ-đề: Hết thảy chúng sinh trong số cõi Phật nhiều như vậy, nếu có bao nhiêu ý nghĩ trong tâm, Như Lai đều rõ biết."

Như thế, đức Phật không chỉ quán sát hành nghiệp của mỗi chúng sinh sau khi ngài chứng ngộ, mà năng lực của chư Phật Như Lai còn là rõ biết tất cả tâm niệm của từng chúng sinh mọi lúc mọi nơi. Những bộ óc duy lý chắc chắn không thể nào chấp nhận được một sự mô tả như thế. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng với sự chứng ngộ toàn triệt của ngài, đức Phật đã được tôn xưng là bậc "Nhất Thiết Trí", nghĩa là người rõ biết hết thảy mọi sự việc. Vì thế, sự mô tả đúng thật của ngài rõ ràng là về một trạng thái đã vượt ngoài mọi tri kiến, cảm nhận của người thường. Ta không thể đòi hỏi những mô tả đó lại hoàn toàn phù hợp với tri thức hạn hẹp của chúng ta, vốn chỉ là những kẻ còn đang trôi lăn trong vòng sinh tử và chỉ nhận biết được những gì thuộc phạm vi tri thức phân biệt lý luận. Niềm tin của người Phật tử đặt vào tri kiến giác ngộ của đức Phật hoàn toàn không do nơi tri thức biện giải, mà là dựa vào sự trải nghiệm thực tế khi chúng ta thực hành theo những lời dạy của ngài. Mỗi người Phật tử khi đến với đạo Phật, làm đúng theo lời Phật dạy thì mỗi ngày đều có thể cảm nhận được sự thay đổi, chuyển biến tích cực hơn trong cuộc sống của mình, có thể sống thanh thản hơn, nhiều niềm vui và ít khổ đau hơn. Những điều đó là căn cứ vững chắc để chúng ta tin chắc rằng mình đã chọn đúng đường và tri kiến của đức Phật là hoàn toàn đúng thật, không thể nghi ngờ.

Hãy xét như chỉ một câu "ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" (應無所住而生其心) trong kinh Kim Cang, quả thật đã là kim chỉ nam cho sự tu tập của biết bao thế hệ Phật tử. Tính siêu việt và đúng đắn, thiết thực của tư tưởng đó, thiết tưởng không cần phải bàn đến nữa. Vậy thì một sự mô tả như trên, cũng xuất phát từ bản kinh này, nhất định không thể là đối tượng hoài nghi của người Phật tử.

Và trên cơ sở mô tả tương hợp giữa kinh văn Pali (Nam truyền) với kinh văn Sanskrit (Bắc truyền), chúng ta có thể đặt ra một câu hỏi tiếp theo để tìm hiểu sâu hơn vấn đề. Vì sao đức Phật rõ biết tất cả tâm niệm của chúng sinh?

Chắc chắn đó không thể là vì sự tò mò thông thường như hầu hết chúng ta, hay vì muốn chứng tỏ năng lực thần thông siêu việt. Những lý do đó đều không thể chấp nhận. Đối với bậc chứng ngộ đã tuyên bố "hết thảy những gì có hình tướng đều là hư vọng", thì không lý do gì phải có sự quan tâm "muốn biết" những tâm niệm của chúng sinh. Như vậy, chỉ có thể giải thích theo hướng năng lực này là một điều hoàn toàn tự nhiên ở một bậc giác ngộ. Thiền tông thường mô tả về tâm thức giác ngộ như một tấm gương sáng, hoàn toàn tự nhiên phản chiếu đầy đủ, đúng thật và tức thời bất kỳ vật thể nào đặt trước nó. Tâm thức của chư Phật cũng thế, nhất định là hoàn toàn tự nhiên rõ biết tất cả những gì xảy ra trong tận cùng hư không, khắp cõi pháp giới, mà không hề có sự dụng tâm "muốn biết".

Câu hỏi tiếp theo có thể nảy sinh là, nếu vậy thì tâm Phật và chúng sinh là khác nhau hay đồng nhất?

Nếu là khác nhau, thì tâm Phật là đối tượng nhận biết và vô số tâm chúng sinh đều là những đối tượng được nhận biết. Như thế không chấp nhận được, vì đã có sự phân biệt như thế, tất nhiên phải có sự khởi tâm muốn biết làm cầu nối thì sự rõ biết mới xảy ra. Như đã nói trên, như thế không phù hợp với một bậc giác ngộ, vì không còn là "tự nhiên rõ biết" nữa.

Nhưng nếu tâm Phật và tâm chúng sinh là đồng nhất, thì tại sao khi Phật đã giác ngộ, vô số chúng sinh vẫn tiếp tục mê lầm?

Không đồng nhất, không khác biệt, vậy chúng ta phải hiểu như thế nào? Kinh Kim Cang nói:

"Như Lai dạy rằng, các tâm đều là không phải tâm, nên gọi là tâm. Vì sao thế? Tu-bồ-đề! Tâm quá khứ chẳng thể nắm bắt. Tâm hiện tại chẳng thể nắm bắt. Tâm vị lai chẳng thể nắm bắt."

Như vậy, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ thật ra không có cái mà chúng ta đang gọi là "tâm", nhưng trong sự tri nhận, định danh của ta lại có "tâm Phật", "tâm chúng sinh" như những đối tượng khác biệt, và do đó mà dẫn đến sự mâu thuẫn không thể giải thích được về cảnh giới giác ngộ, khi thực sự không hề tồn tại sự phân biệt danh tự.

Đức Phật giải thích thêm, trong mỗi một cái "tâm" ta đang nhận thức đó, quá khứ của nó không nắm bắt được, hiện tại cũng không nắm bắt được, tương lai cũng không nắm bắt được. Vậy thì dựa vào đâu để ta bám chấp rằng có một tâm cho đến có vô số tâm?

Vượt qua sự vướng mắc phân biệt này, tâm thức chư Phật nhất định là rỗng rang rộng lớn như hư không. Mà thật ra hư không cũng chỉ là một khái niệm "tối đa" ta đang có được để mô tả, hình dung, chứ vẫn chưa đúng về tâm Phật, kể cả "tâm chúng sinh" như ta đang nhận biết, bởi trong kinh Thủ Lăng Nghiêm đức Phật đã dạy ngài A-nan:

"Nên biết rằng mười phương hư không sinh khởi trong tâm ông, chẳng qua cũng chỉ như đám mây nhỏ điểm giữa bầu trời mênh mông, huống chi là các thế giới ở trong hư không đó."

Tâm ngài A-nan như vậy, tâm chúng ta cũng như vậy, tâm chư Phật cũng như vậy. Chính vì thế nên trong nhiều Kinh điển Đại thừa như Pháp Hoa, Đại Bát Niết-bàn... đức Phật dạy rằng "tất cả chúng sinh đều sẵn có tánh Phật". Liệu chúng ta có thể nào hình dung được sự phân biệt giữa tâm Phật và vô số tâm chúng sinh khi mỗi một tâm lượng đều lớn rộng vô lượng vô biên như thế? Quả thật không thể!

Vì thế, trong nhận thức đúng thật của bậc giác ngộ, hoàn toàn không còn ranh giới phân biệt giữa ta và người khác, giữa Phật và chúng sinh, nhưng trong nhận thức mê lầm của mỗi chúng sinh thì vẫn luôn hiện hữu một tâm, hai tâm... cho đến vô số tâm khác biệt.

Cho nên, khi chúng ta suy ngẫm - dù chỉ là với tri thức hạn hẹp của phàm phu - về những điều như trên, thì sự tương thông cảm ứng giữa chư Phật, Bồ Tát với tất cả chúng sinh không còn là điều khó hiểu, khó tin nhận nữa. Vì chư Phật, Bồ Tát đã dứt sạch mê lầm, nên sự phát sinh tha lực từ các ngài là không giới hạn về không gian, thời gian. Bằng vào nguyện lực cứu khổ, Bồ Tát Quán Thế Âm có thể rõ biết và cảm thông với sự khổ đau của tất cả chúng sinh trong mười phương thế giới, nên sẵn sàng đáp ứng sự cầu nguyện chân thành của những chúng sinh đang khổ đau. Cũng vậy, bằng vào nguyện lực tiếp dẫn, đức Phật A-di-đà có thể rõ biết và sẵn sàng đáp ứng tâm nguyện mong cầu vãng sinh của tất cả chúng sinh trong mười phương thế giới...

Tuy nhiên, sự phát sinh tha lực như thế chỉ là một chiều. Để có được tác dụng cứu khổ hay tiếp dẫn chúng sinh, cần phải có tâm chân thành xuất phát từ chúng sinh. Như thế mới có sự kết nối, mới phát huy được tác dụng của tha lực. Và đây chính là lý do vì sao có vô số chúng sinh không được cứu khổ, không được tiếp dẫn, cho dù nguyện lực của chư Phật, Bồ Tát là vô lượng vô biên. Trong bài kệ Tán Phật được chư tăng tụng đọc mỗi ngày có câu: "Sự cảm ứng giao hòa trong đạo thể không thể nghĩ bàn." Không thể nghĩ bàn, nhưng là thật có, bởi vậy mới ứng hiện thành những điều không thể nghĩ bàn nơi thế gian này.

Hòa thượng Tịnh Không rất nhiều lần nói về ý nghĩa "cảm ứng đạo giao" này. Gần đây tôi có nhân duyên chuyển dịch một số bài giảng kinh Hoa Nghiêm của Hòa thượng từ tiếng Hoa sang tiếng Việt và nhận thấy nhiều lần ngài lặp lại sự giảng giải về ý nghĩa này. Dưới đây là một đoạn tiêu biểu:

"Vì sao có những lúc, có những chúng sinh dường như được Phật đặc biệt yêu thương bảo bọc, đặc biệt gia trì? Lại có những chúng sinh ở những nơi khác dường như không hề được Phật gia trì, được Phật hộ niệm, chúng sinh nơi ấy phải gánh chịu tai nạn? Thật ra, chư Phật đối với hết thảy chúng sinh trong tận cùng hư không pháp giới đều bình đẳng, chỉ vì mọi người chúng ta ở nơi đây có thể cảm nhận, tiếp thụ sự quan tâm ưu ái của Phật, có thể cảm nhận tiếp thụ được sự gia trì của Phật. Đó là do chúng ta mở lòng đón nhận, Phật mới đem sự quan tâm ưu ái đó hướng đến chúng ta, chúng ta liền đón nhận, cho nên điều đó hết sức rõ ràng. Ở nơi khác, Phật cũng hướng đến như thế, chúng sinh nơi ấy lại cự tuyệt không đón nhận, nên sự quan tâm ưu ái đó, chúng sinh nơi ấy dường như hoàn toàn không cảm nhận được, ý nghĩa là như thế."

Ý nghĩa được Hòa thượng giảng giải ở đây hoàn toàn tương hợp với những gì chúng ta đang bàn đến. Tha lực của Bồ Tát Quán Thế Âm luôn hiện hữu, nhưng vô số chúng sinh không được cứu khổ vì họ không mở lòng đón nhận. Vị Hòa thượng bổn sư của thầy Nhật Từ đã mở lòng đón nhận, nhờ đó ông được cứu khổ, được thoát khỏi tật bệnh và có thể nói năng lưu loát. Chúng ta đọc lại những trường hợp linh ứng được ghi chép xưa nay, không thấy có bất kỳ trường hợp nào chúng sinh không tin nhận, không phát khởi tâm thành mà lại nhận được sự cảm ứng cứu khổ. Đúng như người xưa có câu: "Hữu thành tất ứng." (Có lòng thành ắt có sự cảm ứng.)

Mặt khác, sự tương ưng giữa tâm thức chúng sinh và tâm thức chư Phật, Bồ Tát cũng là yếu tố quyết định. Chỉ có tâm thành không thôi thì chưa đủ. Tâm thức chúng sinh phải có sự chuẩn bị thanh tịnh, phát khởi và nuôi dưỡng được những tố chất tương ưng với tâm thức giác ngộ của chư Phật, Bồ Tát ở một mức độ nào đó thì sự "cảm ứng đạo giao" mới có điều kiện để xảy ra.

Thế nào là những tố chất tương ưng? Trong Kinh điển dạy rằng Bồ Tát Quán Thế Âm dùng tâm đại bi hướng đến tất cả chúng sinh để phát khởi đại nguyện cứu khổ ban vui. Nếu trong tâm chúng sinh không có những tố chất bi mẫn, vị tha, mà chỉ toàn những sự tham lam, ganh ghét, đố kỵ, thì rõ ràng dù có hướng đến Bồ Tát để khẩn cầu cũng không thể có sự tương ưng giữa hai tâm thức quá khác biệt như thế. Ngược lại, nếu trong lúc rơi vào hoàn cảnh khổ đau, ta có thể nhân đó mà hiểu được, cảm thông với sự khổ đau của những chúng sinh khác và khởi tâm thương xót, thì chính điều đó sẽ tạo ra được sự tương ưng phần nào với tâm đại từ đại bi của Bồ Tát Quán Thế Âm. Nhờ có sự tương ưng như thế, cộng thêm với lòng chí thành khẩn nguyện thì sự linh ứng mới có đủ điều kiện để xảy ra.

Chính vì thế, người tu pháp môn Tịnh độ tuy một lòng niệm Phật cầu vãng sanh nhưng không thể quay lưng lãnh đạm với những khổ đau trong thế giới Ta-bà này. Giáo pháp Tịnh độ dạy rằng, hành giả nhất thiết phải tu tập hết thảy các pháp lành như điều kiện tất yếu để có thể được vãng sanh. Phát khởi tâm Bồ-đề và tu tập các pháp lành là những nỗ lực nhằm tạo ra sự tương ưng với tâm nguyện của chư Phật. Và đó chính là điều kiện tiên quyết để người tu tập có thể tiếp nhận được tha lực từ đức Phật A-di-đà.

Nói tóm lại, với lòng đại từ đại bi và nguyện lực vô lượng vô biên, chư Phật, Bồ Tát luôn hướng tâm cứu khổ cứu nạn đến tất cả chúng sinh mê lầm, nhưng mỗi chúng sinh muốn nhận được tha lực đó thì phải tự mình tin nhận, phát khởi lòng thành và biết nuôi dưỡng những tố chất thanh tịnh trong chính tâm thức mình. Nếu không có những điều kiện ấy thì tha lực của chư Phật, Bồ Tát dù luôn sẵn có cũng không thể phát sinh tác dụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...