SỰ PHỤ THUỘC LẪN NHAU VÀ TÍNH TỔNG THỂ CỦA CÁC HIỆN TƯỢNG
Khái niệm về sự phụ thuộc lẫn nhau là tâm điểm của hiện thực và những hệ quả của nó là vô cùng to lớn. Có một câu hỏi rất đơn giản và cơ bản là: một "VẬT" - hay nói chính xác hơn là một "hiện tượng" - liệu có thể tồn tại một cách tự lập? Nếu không thể, thì các hiện tượng của vũ trụ gắn kết với nhau theo cách nào và tới mức nào? Trong vật lý, hiện tượng ERP và thí nghiệm con lắc Foulcalt gợi ý rằng tính tổng thể tạo nên cốt lõi của hiện thực. Nếu sự vật không tồn tại "tự thân" thì, ở cấp độ kinh nghiệm, chúng ta có thể rút ra kết luận gì về hiện thực? Theo Phật Giáo, câu trả lời nằm ngay trong khái niệm về sự phụ thuộc lẫn nhau, bao hàm cả ý thức, sự phá vỡ "cái tôi" và xóa bỏ sự gắn bó của chúng ta với hiện thực bền vững của thế giới chung quanh.
Trịnh Xuân Thuận: Như vậy, Phật giáo không chấp nhận quan điểm về một nguyên lý sáng thế và bác bỏ quan niệm về các vũ trụ song song. Phật giáo giải thích sự điều chỉnh cực kỳ chính xác của các hằng số vật lý và các điều kiện ban đầu cho phép vũ trụ che chở sự sống và ý thức là bởi cái mà người ta gọi là "sự phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng". Ông có thể nói rõ hơn quan niệm này không?
Matthieu: Theo Phật giáo, sở dĩ chúng ta cảm nhận về thế giới như là được cấu thành từ các hiện tượng khác nhau là xuất phát từ những nguyên nhân và điều kiện biệt lập được gọi là "chân lý tương đối hay "chân lý giả". Kinh nghiệm hằng ngày khiến chúng ta tin rằng vạn vật đều có một hiện thực khách quan độc lập, như thể chúng tồn tại tự thân và có một căn cước nội tại. Nhưng cách hiểu các hiện tượng như thế, sự nhất trí như thế giữa các chủ thể ở cấp độ những cảm nhận thông thường của các sinh vật biết tư duy, là một sự xây dựng đơn giản trí tuệ của chúng ta, không thể đứng vững trước sự phân tích mặc dù đã được bảo đảm bằng lương tri.
Phật giáo bác bỏ sự tồn tại của các thực thể độc lập để đi đến khái niệm về mối quan hệ và quy luật nhân quả tương hỗ: một sự kiện chỉ có thể xuất hiện thông qua mối quan hệ và sự phụ thuộc với các nhân tố khác. Quan niệm về sự phụ thuộc lẫn nhau này đồng nghĩa với trống rỗng, thuật ngữ này không chỉ ra một sự phủ định nào đối với thế giới các hiện tượng, mà chỉ chỉ ra sự không có các thực thể độc lập với tư cách là các thành phần cấu tạo nên hiện thực. Người ta hoàn toàn có thể tiến hành thực nghiệm rất ngon lành về một hiện tượng mà không cần phải gắn cho nó một tồn tại tự thân. Phật giáo không sa vào chủ nghĩa hư vô, mà nhìn nhận thế giới như là một dòng chảy khổng lồ các sự kiện gắn kết với nhau, sự kiện này tham gia vào sự kiện kia. Cách nhìn nhận dòng chảy các sự kiện này của chúng ta làm kết tinh một số khía cạnh của tính tổng thể ấy một cách thuần túy ảo tưởng và khiến chúng ta tin rằng đó là những thực thể độc lập hoàn toàn tách rời chúng ta.
Trịnh Xuân Thuận: Quan niệm "dòng chảy sự kiện" này trùng với quan niệm của vũ trụ học hiện đại: từ nguyên tử nhỏ nhất đến toàn bộ vũ trụ, các thiên hà, các vì sao và con người, tất thảy đều chuyển động và tiến hóa, không có gì là bất biến cả. Nhờ có lý thuyết Big Bang, vũ trụ đã có được một lịch sử.
Matthieu: Không chỉ các vật chuyển động, mà chúng ta cảm nhận chúng như các "vật" bởi vì chúng ta nhìn các hiện tượng dưới một góc độ nào đó. Như vậy, phải tránh gán cho thế giới những đặc tính chỉ là những vẻ bề ngoài, kết quả của mối quan hệ giữa tính tổng thể của vũ trụ và ý thức, mà bản thân ý thức không gì khác cũng là một phần của tính tổng thể này. Các hiện tượng là những sự kiện đơn thuần thể hiện ra bên ngoài tùy theo hoàn cảnh. Phật giáo không phủ định chân lý thông thường - chân lý mà người bình thường cảm nhận được, hay nhà bác học khám phá ra. Phật giáo không phản đối những quy luật nhân quả cũng như những định luật vật lý và toán học. Phật giáo chỉ khẳng định một cách đơn giản rằng nếu người ta đi đến tận cùng của sự vật, khi ấy sẽ có một sự khác biệt giữa cách thức mà thế giới xuất hiện trước mắt chúng ta và bản chất cuối cùng của nó, một bản chất vốn không có tồn tại tự thân.
Trịnh Xuân Thuận: Bản chất cuối cùng này của các sự vật gắn với sự phụ thuộc lẫn nhau như thế nào?
Matthieu: Từ phụ thuộc lẫn nhau được dịch từ cụm từ tiếng Phạn pratitya samutpada có nghĩa là "tồn tại bằng cùng xuất hiện" và có thể được hiểu theo hai cách bổ sung cho nhau: "Cái này xuất hiện bởi vì cái kia tồn tại", điều này một lần nữa muốn nói rằng không có bất cứ cái gì tồn tại tự thân, và "cái này, vì được sinh ra, nên sinh ra cái kia", điều này có nghĩa là không có gì có thể là nguyên nhân của chính nó. Khi người ta nói rằng một hiện tượng "xuất hiện tùy thuộc vào..." là người ta đã loại trừ. hai quan niệm cực đoan: chủ nghĩa hư vô và chủ nghĩa hiện thực duy vật. Thật vậy vì các hiện tượng xuất hiện nên không thể nói rằng chúng không tồn tại, nhưng vì chúng xuất hiện trong mối quan hệ "phụ thuộc" nên chúng không bao hàm một hiện thực tồn tại độc lập. như vậy, cần phải hiểu rằng sự sản sinh trong mối quan hệ phụ thuộc không có bất kỳ một hàm nghĩa cực đoan nào như được chỉ bởi các từ: vĩnh hằng, hư không, ra đời, biến mất, tồn tại và không tồn tại của một cái gì đó có tồn tại tự thân.
Một vật chỉ có thể xuất hiện nếu nó nằm trong mối liên hệ, có điều kiện nhưng đồng thời cũng là điều kiện, cùng hiện diện và cùng vận hành, và trong trạng thái biến đổì liên tục. Sự phụ thuộc lẫn nhau gần bó chặt chẽ với sự vô thường của các hiện tượng và cung cấp một mô hình biến đổi mà không đòi hỏi có sự can thiệp của một thực thể tổ chức. Một con suối không thể được tạo ra chỉ bằng một giọt nước, cũng như một cái đòn tay không thể tạo ra một khung nhà. Tất cả phụ thuộc vào vô số các yếu tố khác. Đây cũng là ý nghĩa của từ "tantra", một từ chỉ khái niệm liên tục và cũng chỉ "một thực tế là tất cả được gắn kết thành một tổng thể, như không gì có thể xuất hiện một cách tách rời". Tóm lại, không thể có chuyện một vật tồn tại hay sinh ra bởi chính nó. Để làm điều đó, nó phải xuất hiện từ hư không, nhưng, kinh Phật dạy rằng: "Một tỷ nguyên nhân cũng không thể làm tồn tại cái không thể tồn tại". Hư không không bao giờ là thể nền của bất cứ cái gì. Bây giờ chúng ta hãy xem xét khái niệm về một thực thể tồn tại độc lập với tất cả các thực thể khác. Điều này hàm ý rằng nó không có nguyên nhân bên ngoài. Nó phải hoặc là tồn tại từ lâu rồi hoặc là không hề tồn tại. Bất biến và độc lập, thực thể này không thể tác động đến bất cứ cái gì và không gì có thể tác động đến nó. Sự phụ thuộc lẫn nhau là cần thiết cho sự biểu hiện của các hiện tượng. Lập luận này bác bỏ cả quan niệm về các hạt độc lập tạo thành thực thể, lẫn quan niệm về một thực thể sáng tạo toàn năng và vĩnh hằng, thực thể không có một nguyên nhân nào khác ngoài chính nó. Hơn nữa, sự phụ thuộc lẫn nhau này dĩ nhiên còn bao hàm cả ý: một khách thể còn phụ thuộc vào một chủ thể để trở thành khách thể. Schrodinger đã nhấn mạnh vấn đề này khi ông viết: "Không có ý thức, chúng ta sẽ loại trừ chủ thể của nhận thức đối với lĩnh vực tự nhiên mà chúng ta tìm cách hiểu. Lôi kéo con người mà chúng ta và đi với chúng ta, chúng ta lùi một bước để gánh vác vai trò của một khán giả không thuộc vào thế giới, chính bằng cách đó mà thế giới trở thành một thế giới khách quan."
Trịnh Xuân Thuận: Phật giáo nói rằng sự sống và ý thức xuất hiện trong vũ trụ của chúng ta là do sự phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các hiện tượng. Như vậy, cũng chẳng cần gì đến nguyên lý vị nhân?
Matthieu: Nguyên lý vị nhân là một cách định hướng và mang tính mục đích luận để phát biểu sự phụ thuộc lẫn nhau không được định hướng và không mang tính mục đích luận. Có một phiên bản yếu hơn của nguyên lý vị nhân, theo đó, "vũ trụ là nó bởi vì chúng ta ở đó", phiên bản này không giả định về tính mục đích và đã tiến gần lại hơn với quan niệm vẻ sự phụ thuộc lẫn nhau theo đó, các hiện tượng "bên ngoài" và ý thức tồn tại qua "sự tham gia" lẫn nhau, theo như cách nói của Ian Wallance. Theo Phật giáo, sự nối tiếp của các vũ trụ là không có bắt đầu cũng không có kết thúc, các giai đoạn nối tiếp xuất hiện sự sống cũng tương tự như vậy. Như vậy từ lâu đã có sự tương hợp giữa vũ trụ và sự sống, và do đó giữa vũ trụ và ý thức. Ngay cả khi sự tiến hóa của vũ trụ không cho phép sự xuất hiện của sự sống ở mọi thời điểm, ở mọi nơi và mọi thời gian. Việc sự sống xuất hiện trong vũ trụ chúng ta vào một thời điểm của lịch sử chúng ta không hề loại trừ khả năng sự sống đã xuất hiện ở các vũ trụ trước vũ trụ chúng ta. Các giai đoạn đầy ấn tượng và kịch tính như Big Bang không phải là không tương thích với sự tồn tại của một continuum. Sự hài hòa tồn tại một cách tất yếu giữa nguyên nhân và kết quả của những nguyên nhân đó đảm bảo cho tính liên tục từ chu kỳ này sang chu kỳ khác và cho phép xuất hiện sự phức tạp trong lòng hỗn độn mà không cần nhờ đến một thực thể nào đứng sau màn giật dây.
Sự phụ thuộc lẫn nhau, cũng còn có nghĩa là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các hiện tượng (tức thế giới "của chúng ta") và chủ thể (tức ý thức) cảm nhận những hiện tượng ấy; đó còn là sự phụ thuộc lẫn nhau của các mối quan hệ giữa bộ phận và tổng thể: các bộ phận tạo thành tổng thể, và tổng thể hiện diện trong bộ phận...
Trịnh Xuân Thuận: Chính mối quan hệ giữa các bộ phận với tổng thể này chính là nguồn gốc của vẻ đẹp và sự hài hòa của vũ trụ ...
Matthieu: Cuối cùng, khía cạnh tinh tế nhất của sự phụ thuộc lẫn nhau chính là sự phụ thuộc giữa "cơ sở để chỉ định" và "sự chỉ định" một hiện tượng. Vị trí, hình dạng, kích cỡ, màu sắc và tất cả các tính chất bề ngoài khác của một hiện tượng chỉ là các cơ sở để chỉ định, tổng thể các tính chất này không tạo thành một "thực thể" hay một đối tượng tự lập. Sự chỉ định này là một kết cấu trong trí óc, nó gán cho hiện tượng một hiện thực tự thân. Trong trải nghiệm hằng ngày của chúng ta, khi một đối tượng xuất hiện trước mắt chúng ta, thì không phải sự tồn tại trên danh nghĩa của nó xuất hiện trước mắt chúng ta mà là sự tồn tại tự thân của nó .
Nhưng khi phân tích "đối tượng" xuất phát từ vô số nguyên nhân và điều kiện này, người ta không thể cô lập một thực thể độc lập được. Người ta không thể nói rằng một hiện tượng không tồn tại, bởi vì kinh nghiệm của chúng ta được rút ra từ hiện tượng đó, nhưng cũng không thể nói được rằng nó tương ứng với một hiện thực tự thân.
Vậy kết luận là đối tượng đó tồn tại (tránh rơi vào quan điểm hư vô chủ nghĩa về sự vật), nhưng cách thức tồn tại của nó thuần túy là định danh, mang tính quy ước (như vậy cũng tránh được một thái cực khác về các thực thể tự lập và do đó là vĩnh hằng). Một hiện tượng không có sự tồn tại tự lập nhưng cũng không thuần túy là không tồn tại, nó vẫn có thể có một hành động, một chức năng tuân theo quy luật nhân quả và dẫn đến những kết quả tích cực hoặc tiêu cực. Như vậy có thể đoán trước được những kết quả của các hành động của chúng ta và do đó có thể tổ chức mối quan hệ của chúng ta với thế giới.
Một đoạn kinh của Phật giáo Tây Tạng giải thích:
"Trống rỗng không đồng nghĩa với thiếu năng tính.
Đó chỉ là thiếu hiện thực, thiếu sự tồn tại tuyệt đối mà thôi.
Sự sản sinh trong một quan hệ phụ thuộc không hàm ý một hiện thực nội tại.
Mà hàm ý một thế giới giống với ảo giác.
Khi người ta hiểu ý nghĩa của trống rỗng và của sự sản sinh phụ thuộc,
Dựa trên cơ sở duy nhất này, người ta có khả năng đặt ra đồng thời,
Và phi mâu thuẫn, những ý tưởng về vẻ bề ngòai và về sự trống rỗng. "
Trịnh Xuân Thuận: Tất cả những điều ông nói về sự phụ thuộc lẫn nhau tạo cho tôi những cộng hưởng mạnh mẽ, vì khoa học, bằng các kỹ thuật riêng của mình, cũng đã phát hiện ra rằng hiện thực là tổng thể và phụ thuộc lẫn nhau, cả trong thế giới nội nguyên tử lẫn trong thế giới vĩ mô. Bằng chứng rõ ràng chứng tỏ hiện tượng nội nguyên tử phụ thuộc lẫn nhau dựa trên thí nghiệm tưởng tượng nổi tiếng mà Einstein và hai đồng nghiệp của ông ở Princeton là Boris Podolsky và Nathan Rosen đã đưa ra năm 1935. Người ta gọi thí nghiệm này là nghịch lý EPR, chữ viết tắt gồm các chữ cái đầu tiên của tên ba tác giả. Nó chỉ là nghịch lý bởi vì Einstein quan niệm hiện thực là rời rạc và dựa trên các hạt chứ không phải là một hiện thực liên kết với nhau. Nghịch lý này sẽ biến mất ngay khi người ta hiểu hiện thực có tính tổng thể. Để hiểu thí nghiệm này, cần phải biết rằng ánh sáng, cũng như vật chất, có tính hai mặt, nghĩa là trong thế giới vật lý phụ thuộc lẫn nhau, cái mà người ta gọi là "photon", "electron", "vật chất" lúc thì thể hiện gương mặt hạt, lúc thì thể hiện gương mặt sóng. Chừng nào tôi chưa sử dụng máy đo, chừng đó hiện tượng mà tôi gọi là "photon" còn thoát khỏi sự cứng nhắc của thế giới tất định và không có các quỹ đạo hoàn toàn xác định, và thể hiện gương mặt sóng của nó. Sóng này lan truyền ra tất cả các hướng của không gian, như các gợn sóng tròn do một viên đá ném xuống mặt hồ tạo ra, lan truyền cho tới khi phủ kín mặt hồ. Như vậy, người ta có thể nói rằng photon cùng một lúc hiện diện khắp nơi trong không gian. Cơ học lượng tử nói rằng, nếu không tiến hành quan sát, tôi sẽ không bao giờ có thể tiên đoán được photon sẽ ở vị trí nào tại một thời điểm nhất định. Nhiều lắm là chỉ đánh giá được xác suất để nó xuất hiện ở nơi này hay nơi khác mà thôi. Giống như những con sóng của một đại dương, sóng xác suất gần với photon (được nhà vật lý học người áo Erwin Schrodinger tính toán năm 1926) có biên độ khác nhau ở những vị trí khác nhau. Xác suất gặp photon là lớn ở những chỗ có biên độ lớn, và nhỏ ở những chỗ biên độ nhỏ. Nhưng, ngay cả ở những chỗ có biên độ lớn, thì người ta cũng không bao giờ chắc chắn gặp được photon ở đó. Chẳng hạn, xác suất có thể là 3/4 hoặc 9/10, nhưng không bao giờ là 100%. Như vậy, trước khi có quan sát, hiện thực của thế giới nội nguyên tử chỉ là những xác suất. Là một tín đồ của quyết định luận, Einstein không chấp nhận vị trí hàng đầu mà cơ học lượng tử dành cho ngẫu nhiên. Ông cũng từng nói: "Chúa không chơi trò xúc xắc. Ông đã liên tục tìm kiếm một lỗ hổng trong lý thuyết của cơ học lượng tử và trong cách giải thích hiện thực mang tính xác suất của nó. Chính vì mục đích đó mà ông đã dựng ra thí nghiệm EPR.
Ba tác giả của thí nghiệm này nói: Chúng ta hãy xét một hạt tách ra thành 2 hạt ánh sáng A và B. Vì những lý do đối xứng, hai hạt A và B này luôn chuyển động theo 2 hướng ngược chiều nhau. Hãy lắp đặt các thiết bị đo và tiến hành kiểm tra. Nếu A chuyển động về hướng Bắc, chúng ta sẽ phát hiện thấy B hướng Nam. Cho tới lúc này, về bề ngoài, vẫn chưa có gì đặc biệt. Nhưng đó là do người ta đã quên mất những đặc tính khác thường của cơ học lượng tử: trước khi bị máy dò thu được, A không có dạng hạt mà có dạng sóng. Vì sóng này không định xứ nên tồn tại một xác suất để A nằm ở bất cứ hướng nào. Chỉ khi bị bắt thì A mới đổi dạng thành hạt và "biết" rằng nó chuyển động về hướng Bắc. Nhưng nếu trước khi bị Bắt, A không "biết" trước nó sẽ chuyển động theo hướng nào thì làm sao B có thể "đoán" được hướng chuyển động của A để điều chỉnh hướng chuyển động của mình sao cho nó bị bắt ở cùng thời điểm theo hướng ngược lại? Điêu này là vô nghĩa, trừ phi chấp nhận rằng A có thể thông báo tức thời cho B hướng chuyển động của mình. Nhưng, thuyết tương đối khẳng định rằng không có bất kỳ tín hiệu nào có thể chuyển động nhanh hơn ánh sáng. Chính Einstein đã nói: "Chúa không truyền những tín hiệu thần giao cách cảm". Vì vậy, ông kết luận rằng cơ học lượng tử không mô tả được hiện thực một cách hoàn chỉnh. Theo ông, A phải biết trước nó sẽ đi theo hướng nào và truyền thông tin này cho B trước khi tách ra khỏi B. Như vậy thì những tánh chất của A phải có một hiện thực khách quan độc lập với hành động quan sát. Cách giải thích mang tính xác suất của cơ học lượng tử, theo đó, A có thể nằm ở bất cứ hướng nào, là sai lầm. Bên dưới tấm màn che bất định lượng tử phải có một hiện thực nội tại và tất định. Theo Einstein, vận tốc và vị trí xác định quỹ đạo của một hạt được định xứ trên chính hạt đó, độc lập với hành động quan sát. Ông đã tán đồng với cái mà người ta gọi là "chủ nghĩa hiện thực cục bộ" (réalisme local). Cơ học lượng tử không giải thích được quỹ đạo xác định của hạt, vì nó không xét tới các tham số phụ gọi là các "biến ẩn". Vì vậy mà nó chưa đầy đủ.
Tuy nhiên, Einstein đã nhầm. Từ khi được xây dựng, cơ học lượng tử - và cách giải thích mang tánh xác suất về hiện thực của nó - chưa bao giờ có nhược điểm dù rất nhỏ. Các thí nghiệm luôn chứng tỏ nó là đúng và hiện thời nó vẫn là lý thuyết chính xác nhất cho phép hiểu được sự vận động của thế giới nguyên tử và dưới nguyên tử.
Matthieu: Vào thời Einstein, hiệu ứng EPR còn chưa được kiểm chứng bằng thực nghiệm.
Trịnh Xuân Thuận: Trong suốt một thời gian dài, sơ đồ EPR vẫn chỉ là một thí nghiệm tưởng tượng. Người ta không biết phải thực hiện nó trên thực tế như thế nào. Năm 1964, John Bell, một nhà vật lý người Ai len ở CERN (Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu), đã thiết lập một định lý toán học mang tên "bất đẳng thức Bell". Định lý này sẽ phải được các phép đo thực nghiệm xác nhận nếu như tồn tại các biến ẩn được định xứ ngay trên các hạt như Einstein nghĩ. Định lý này cuối cùng đã cho phép chuyển hướng tranh luận từ phương diện siêu hình sang phương diện thực nghiệm.
Năm 1982, tại trường Đại học Orsay, nhà vật lý học người Pháp Alain Aspect cùng các cộng sự đã tiến hành một loạt thí nghiệm đối với các cặp photon để kiểm tra hiệu ứng EPR. Họ đã phát hiện thấy rằng bất đẳng thức Bell luôn bị vi phạm. Nghĩa là Einstein đã nhầm và cơ học lượng tử là đúng. Trong thí nghiệm của Aspect, các photon A và B bị tách rời nhau 12m, tuy nhiên, B vẫn luôn luôn "biết" một cách tức thời A đang làm gì.
Matthieu: Làm sao người ta biết được rằng hiện tượng này là tức thời và một tín hiệu sáng truyền những thông tin từ A sang B không mất thời gian để vượt qua khoảng cách này?
Trịnh Xuân Thuận: Một số loại đồng hồ nguyên tử được gắn với các máy dò thu A và B cho phép đo rất chính xác thời điểm đến của từng photon. Sự chênh lệch giữa hai khoảng thời gian nhỏ hơn khoảng 10 phần tỷ giây (có thể độ chênh lệch này bằng 0, nhưng độ chính xác của các đồng hồ nguyên tử hiện nay chưa cho phép đo thời gian dưới 10-10 giây). Nhưng, ở 10-10 giây, ánh sáng không thể vượt qua nổi một khoảng cách dài 3 cm, ngắn hơn rất nhiều so với khoảng cách 12 m từ A đến B. Hơn nữa, kết quả không thay đổi ngay cả khi người ta kéo dài khoảng cách giữa hai photon. Mặc dù chắc chắn là ánh sáng không thể đủ thời gian vượt qua khoảng cách này để truyền một thông tin nào đó, nhưng hành trạng của A và của B luôn luôn có sự tương quan tức thời .
Trong một thí nghiệm tương tự do nhà vật lý người Thụy Sĩ Nicolas Caisin và các cộng sự của ông ở Genève thực hiện năm 1998, họ bắt đầu bằng việc tạo ra một cặp photon. Sau đó, họ cho truyền qua sợi quang học một photon đến phía Bắc Genève và một đến phía Nam Genève. Khoảng cách của máy đo là 10 km. Khi đến đầu các sợi quang học, mỗi photon phải chọn ngẫu nhiên trong hai hành trình: một ngắn, một dài. Vậy mà người ta đã quan sát được rằng, trong mọi trường hợp, các photon đều có cùng sự lựa chọn. Trung bình, một nửa số lần chúng chọn đường dài và một nửa số lần chọn đường ngắn, nhưng sự lựa chọn của chúng bao giờ cũng giống nhau. Các nhà vật lý Thụy Sĩ tin chắc chắn rằng hai photon không thể truyền thông tin cho nhau bằng ánh sáng, vì sự chênh lệch giữa thời gian chúng "trả lời" nhau ngắn hơn 3/10 tỷ giây. Trong khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi này, ánh sáng chỉ có thể vượt qua 9 cm, trong khi đó khỏang cách giữa hai photon là 10 km.
Vật lý cổ điển cho chúng ta biết rằng sự lựa chọn của A và của B phải hoàn toàn độc lập với nhau vì chúng không thể thông tin cho nhau được. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Sự tương quan giữa chúng luôn hoàn hảo. Vậy giải thích thế nào về việc B luôn luôn biết tức thời A đang làm gì? Nghịch lý chỉ xuất hiện ở đây, nếu chúng ta giả định giống như Einstein rằng hiện thực là rời rạc và định xứ trên từng photon. Nghịch lý này sẽ được giải quyết nếu chúng ta chấp nhận rằng A và B là bộ phận của một hiện thực tổng thể, dù khoảng cách giữa chúng có lớn đến đâu chăng nữa. A không cần phải gửi một tín hiệu đến B vì hai hạt ánh sáng (hoặc ít nhất cũng là các hiện tượng mà máy đo coi đó là các hạt ánh sáng) luôn luôn có quan hệ với nhau thông qua một tương tác huyền bí. Dù ở đâu thì hạt thứ hai cũng luôn là bộ phận của một hiện thực giống như hạt thứ nhất.
Matthieu: Ngay cả khi hai hạt nằm ở hai đầu của vũ trụ...
Trịnh Xuân Thuận: Đúng thế. Như vậy, cơ học lượng tử đã loại trừ toàn bộ ý tưởng về sự định xứ. Cơ học lượng tử đã trao cho không gian đặc tính tổng thể. Các khái niệm "ở đây" và "ở kia" trở nên vô nghĩa vì "ở đây" đồng nhất với "ở kia". Các nhà vật lý gọi đó là tính "không tách được".
Matthieu: Nhận định này chắc phải có ảnh hưởng rất lớn đến cách hiểu của các nhà vật lý đối với hiện thực và đối với cách nhìn nhận thông thường của chúng ta về thế giới.
Trịnh Xuân Thuận: Đúng vậy. Một số nhà vật lý không chấp nhận quan niệm về một hiện thực không tách được và đã cố gắng tìm ra một khiếm khuyết nào đó trong các thí nghiệm hay trong định lý Bell. Nhưng cho tới nay, họ vẫn thất bại. Cơ học lượng tử chưa bao giờ phạm sai lầm nào và vì thế hiện tượng EPR gợi ý chúng ta rằng hiện thực là mang tính tổng thể .
Matthieu: Trong một bài thuyết giáo, Đức Phật đã mô tả hiện thực như một chuỗi ngọc: tất cả các hạt của chuỗi ngọc này đều được phản ánh trong mỗi một hạt cũng như mặt tiền của cung điện mà chuỗi ngọc được dùng để trang trí và toàn bộ vũ trụ nữa cũng đều được phản ánh trong mỗi hạt ngọc đó. Điều này nói lên rằng trong mỗi một yếu tố của hiện thực đều có các yếu tố khác. Hình ảnh này minh họa cho quan điểm về sự phụ thuộc lẫn nhau, theo đó dù ở bất cứ đâu trong vũ trụ, cũng không thể tồn tại một thực thể đơn độc nào tách rời khỏi tổng thể.
Nhưng cần phải thận trọng khi sử dụng những từ ngữ quá ư hiện thực chủ nghĩa. Sự tương quan EPR được gán cho các "hạt" - một khái niệm vẫn còn tiếp tục phản ánh sự gắn bó của chúng ta đối với tính hiện thực của các sự vật - trong khi nó chỉ liên quan đến các hiện tượng có tương quan với nhau do sự tương tác giữa thế giới vật lý vi mô với các thiết bị dụng cụ đo và những khái niệm của chúng ta. Người ta thấy rằng ngay cả khi nói về tính tổng thể, các nhà vật lý cũng vẫn không thể tự ngăn mình quay trở lại quan niệm vật chất hóa vốn ăn sâu bám rễ trong sự cảm nhận bền vững mà họ đã có với tư cách là những con người bình thường.
Trịnh Xuân Thuận: Nếu ở thang nội nguyên tử các hiện trạng dường như, theo ngôn ngữ của Phật giáo, là "phụ thuộc lẫn nhau", thì tôi cũng muốn nói với ông về thí nghiệm con lắc Foucault, một thí nghiệm chứng tỏ rằng sự phụ thuộc lẫn nhau không chỉ giới hạn ở thế giới các hạt, mà nó còn mở rộng ra toàn vũ trụ, cả ở thế giới vĩ mô cũng như ở thế giới vi mô. Nhà vật lý người Pháp Lon Foucault muốn chứng tỏ rằng Trái đất quay quanh mình nó. Năm 1851, trong một thí nghiệm mà cho tới nay vẫn nổi tiếng và hiện vẫn được dựng lại trong nhiều bảo tàng khoa học trên thế giới, ông đã gắn một con lắc vào đỉnh vòm của điện Panthéon ở Paris. Một khi được thả cho dao động, con lắc này có hành trạng khá đặc biệt: mặt phẳng dao động của nó quay hết một vòng trong nhiều giờ. Nếu thả cho con lắc dao động theo hướng Bắc-Nam, thì vài giờ sau, nó sẽ dao động theo hướng Đông-Tây, và nếu chúng ta ở Bắc hay Nam cực, thì mặt phẳng dao động của con lắc sẽ quay hết một vòng sau đúng 24 giờ. Tại Paris, do ảnh hưởng của vĩ độ nên sau một ngày, mặt phẳng dao động của con lắc chỉ quay được một phần của vòng tròn.
Tại sao mặt phẳng dao động của con lắc lại quay? Foucault trả lời rằng chuyển động này chỉ có tính chất biểu kiến: mặt phẳng dao động của con lắc thực ra là không thay đổi, chỉ có Trái đất quay mà thôi. Ông rất hài lòng vì đã làm sáng tỏ được chuyển động quay của Trái đất. Nhưng câu trả lời của Foucault còn chưa đầy đủ vì một chuyển động chỉ có thể được mô tả so với một vật mốc cố định: vì không tồn tại chuyển động tuyệt đối. Trước đó, Galilée đã hiểu rằng: "chuyển động giống như không gì cả". Chuyển động không tồn tại tự thân, mà là đối với một vật khác. Trái đất phải "quay" so với một cái gì đó không quay. Nhưng làm thế nào để tìm ra cái gì đó này? Để kiểm tra sự bất động của một điểm quy chiếu, một ngôi sao nào đó chẳng hạn, chỉ cần thả cho con lắc dao động theo hướng tới ngôi sao đó. Nếu ngôi sao này bất động thì nó sẽ phải nằm trong mặt phẳng dao động của con lắc, và bằng cách đó ta biết là nó cố định. Nếu ngôi sao chuyển động, nó sẽ dần dần lệch ra ngoài mặt phẳng dao động của con lắc.
Chúng ta hãy thử với các thiên thể đã biết, từ những thiên thể gần nhất đến những thiên thể xa nhất. Nếu chúng ta hướng mặt phẳng dao động của con lắc về phía Mặt trời, thì sau vài tuần Mặt trời sẽ rời khỏi mặt phẳng dao động của con lắc một cách khá rõ rệt. Các ngôi sao gần nhất, nằm cách chúng ta vài năm ánh sáng, sẽ rời khỏi mặt phẳng dao động của con lắc sau vài năm. Thiên hà Andromède cách chúng ta hai triệu năm ánh sáng sẽ rời khỏi chậm hơn nhưng cuối cùng rồi cũng cũng rời khỏi mặt phẳng dao động. Thời gian trôi qua trong mặt phẳng dao động sẽ được kéo dài ra và độ lệch ra khỏi mặt phẳng này có xu hướng tiến dần tới 0 khi các vật được thử nghiệm ra xa dần chúng ta. Chỉ có những đám thiên hà ở xa nhất, cách chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng, ở rìa vũ trụ mà chúng ta quan sát được, là không lệch ra khỏi mặt phẳng dao động ban đầu của con lắc.
Matthieu: Nhưng tại sao lại có một mặt phẳng được ưu tiên như thế ?
Trịnh Xuân Thuận: Không có mặt phẳng ưu tiên nào cả. Tất cả các hướng đều tương đương nhau. Dù lúc đầu có thả con lắc theo hướng nào chăng nữa thì mặt phẳng dao động của nó vẫn cố định không phải là so với các thiên thể ở gần, mà so với các đám thiên hà xa xôi nhất mà người ta có thể phát hiện được theo hướng đó.
Kết luận được rút ra từ thí nghiệm này là hết sức đặc biệt: con lắc Foucault điều chỉnh hành trạng của nó không phải theo môi trường tại chỗ của nó, mà là theo các thiên hà xa xôi nhất, nghĩa là theo toàn vũ trụ, bởi vì hầu hết khối lượng nhìn thấy được của vũ trụ không phải nằm trong các ngôi sao ở gần mà trong các thiên hà xa xôi. Nói cách khác, cái được chuẩn bị xảy ra ở Trái đất đã được quyết định trong khoảng vô tận của vũ trụ, nghĩa là cái đang xảy ra trên hành tinh nhỏ bé của chúng ta phụ thuộc vào tổng thể các cấu trúc của vũ trụ.
Tại sao con lắc Foucault lại có hành trạng như vậy? Cho tới nay, người ta vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Nhà triết học và vật lý học người áo Ernest Mach (mà tên của ông đã được dùng làm đơn vị đo các vận tốc siêu thanh) đã thấy ở đó một loại hiện diện khắp nơi của vật chất và ảnh hưởng của nó. Theo ông, khối lượng của một vật - đại lượng đo quán tính của nó, tức là khả năng chống lại sự thay đổi trạng thái chuyển động - là kết quả tác động của toàn vũ trụ lên vật này. Đây là cái mà người ta gọi là nguyên lý Mach. Khi người ta cố sức đẩy một cái xe ôtô, thì sự chống lại chuyển động của ôtô xuất phát từ toàn bộ vũ trụ. Mach chưa bao giờ trình bày một cách chi tiết sự tác động bí ẩn đó của toàn vũ trụ và sau này cũng chưa có ai làm được. Cũng giống như thí nghiệm EPR đã xác lập điều đó đối với thế giới nội nguyên tử, thí nghiệm con lắc Foucault buộc chúng ta phải chấp nhận rằng trong thế giới vĩ mô có tồn tại một mối tương tác có bản chất hoàn toàn khác với những tương tác mà vật lý hiện nay đã mô tả: tương tác này không làm xuất hiện lực và cũng như không có sự trao đổi năng lượng, nhưng nó gắn kết toàn bộ vũ trụ với nhau. Mỗi bộ phận đều mang trong nó tính tổng thể và mỗi một bộ phận đều phụ thuộc vào những bộ phận còn lại.
Matthieu: Theo Phật giáo, đó cũng chính là định nghĩa về sự phụ thuộc lẫn nhau. Sự phụ thuộc lẫn nhau không phải là do ở gần nhau trong không gian hay trong thời gian, cũng không phải là do vận tốc lan truyền thông tin hay của các lực vật lý mà tác dụng của chúng giảm dần theo khoảng cách: các hiện tượng phụ thuộc lẫn nhau là bởi vì chúng cùng tồn tại trong một thực tại mang tính tổng thể và vận hành theo quy luật nhân quả tương hỗ. Nghĩa là chúng ta lại quay trở lại quan niệm "cái này chỉ có thể tồn tại nếu cái kia tồn tại, cái này chỉ có thể thay đổi nếu cái kia thay đổi". Như vậy, dần dần, người ta nhận thấy rằng, theo cách này hay cách khác, tất cả nhất thiết phải gần kết với tất cả. Chính các quan hệ này đã tạo nên hiện thực của chúng ta và quyết định những điều kiện tồn tại của chúng ta, của các hạt và các thiên hà.
Trịnh Xuân Thuận: Cách nhìn nhận này về sự phụ thuộc lẫn nhau chắc chắn phù hợp với những kết quả thí nghiệm mà tôi đã trình bày ở trên. Cả thí nghiệm EPR, con lắc Foucault, lẫn quán tính Mach, đều không thể giải thích được bằng bốn lực cơ bản đã biết trong vật lý. Điều này làm cho các nhà vật lý rất lo ngại.
Matthieu: Tôi tin rằng, người ta có thể tìm thấy ở đây một minh chứng cho sự khác nhau giữa cách tiếp cận khoa học và cách tiếp cận của Phật giáo. Đối với nhiều nhà khoa học, ngay cả khi, như ông đã nói, việc làm sáng tỏ tính tổng thể của các hiện tượng khiến họ bối rối, thì rút cục, đó chỉ là một thông tin, dù rất kích thích về mặt trí tuệ, nhưng chỉ có ảnh hưởng rất ít đến quá trình tồn tại của họ. Ngược lại, theo Phật giáo, sự phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng có tầm ảnh hưởng rộng hơn nhiều. Nó kích thích Phật giáo xem xét lại một cách rất cơ bản sự cảm nhận của mình về thế giới và luôn luôn vận dụng sự cảm nhận mới này để giảm bớt mê muội, sợ hãi và chán ghét. Việc hiểu sự phụ thuộc lẫn nhau phải đánh đổ được bức tường ảo tưởng mà đầu óc của chúng ta đã dựng lên giữa "tôi, và "người khác". Nó làm cho tính kiêu ngạo, thói ghen ghét, tham lam, đố ky trở nên phi lý. Nếu không chỉ tất cả các vật trơ ì, mà tất cả các sinh vật nữa đều gắn kết với nhau, thì chúng ta phải cảm thấy mình có liên quan mật thiết với hạnh phúc và bất hạnh của người khác. Muốn xây dựng hạnh phúc của mình trên đau khổ của người khác không chỉ là phi đạo đức mà còn là phi hiện thực.
Tình cảm yêu thương nhân loại (được định nghĩa trong Phật giáo là lòng mong muốn cho tất cả các sinh vật đều được hưởng hạnh phúc và biết nguyên nhân của hạnh phúc) và lòng trắc ẩn (tức là lòng mong muốn cho mọi sinh vật được giải thoát khỏi đau khổ và những nguyên nhân của đau khổ) là kết quả trực tiếp của sự phụ thuộc lẫn nhau. Ý thức được sự phụ thuộc lẫn nhau sẽ tạo ra một quá trình chuyển biến nội tâm kéo dài trên suốt con đường dẫn đến Giác ngộ tinh thần. Nếu không, sẽ không thể thực hiện được những hiểu biết của chúng ta trên thực tế, và điều đó chẳng khác gì một nhạc sĩ bị điếc và một người bơi chết vì khát do sợ rằng mình sẽ bị chết chìm vì uống nước.
Trịnh Xuân Thuận: Sự phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng = trách nhiệm toàn vũ trụ. Một phương trình thật cân bằng! Nó gợi cho tôi nghĩ tới những lời này của Einstein: "Con người là một bộ phận của cái tổng thể mà ta gọi là vũ trụ, một bộ phận bị hạn chế bởi không gian và thời gian. Nó rút ra kinh nghiệm từ chính mình, từ những suy nghĩ và tình cảm của mình như các sự kiện tách rời khỏi phần còn lại của tổng thể, và đây chính là một dạng ảo ảnh quang học của chính ý thức con người, ảo ảnh này là một dạng tù ngục giam hãm chúng ta, vì nó bó buộc chúng ta quanh quẩn với những ham muốn cá nhân và buộc chúng ta dành tình cảm chỉ cho một vài người gần gũi với chúng ta nhất. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tự giải phóng ra khỏi tù ngục này bằng cách mở rộng lòng thương yêu để nó bao dung được mọi sinh linh cũng như toàn bộ tự nhiên trong vẻ đẹp kỳ diệu của nó".
Trên thực tế, ngôn ngữ vật lý còn chưa biết cách giải thích đặc tính tổng thể của hiện thực. Một số người thậm chí còn nói về một hiện thực khác, một "hiện thực bị che khuất", theo cách nói của nhà vật lý người Pháp Bemard d'Espagnat. Matthieu: Miễn là không nghĩ rằng "cái hiện thực bị che khuất" này thực chất là hiện thực bền vững nấp phía sau những vẻ bề ngoài, vì điều này lại tương đương với sự vật chất hóa một lần nữa thế giới các hiện tượng. Ngược lại, nếu khái niệm "bị che khuất" đồng nghĩa với "ảo ảnh" hay "không thể nhận thức được" thì Phật giáo cũng tán đồng.
Trịnh Xuân Thuận: Tôi không nghĩ rằng Espagnat coi "hiện thực bị che khuất" của mình là ảo ảnh. Theo ông, đó là một hiện thực thoát ra khỏi sự cảm nhận và các phương tiện đo lường của chúng ta. Cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau là quy luật nền tảng, tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng khoa học vẫn chưa thể mô tả được nó.
Matthieu: Sự phụ thuộc lẫn nhau không đòi hỏi lực cũng như sự truyền tín hiệu, mà chỉ đòi hỏi sự cùng tồn tại của các hiện trạng. Nó cũng không phải là một tương tác đơn thuần giữa các hiện tượng, mà chính là điều kiện để cho các hiện tượng được thể hiện ra. Ngược lại, khái niệm về các thực thể định xứ, giữa chúng không có điểm gì chung, sẽ dẫn đến việc nhìn nhận một quá trình nhân quả trong đó các thực thể này làm biến đổi các thực thể khác bằng tác động của những khả năng riêng có của mình, điều này không phù hợp với khái niệm về ảnh tổng thể. Trịnh Xuân Thuận: Heinsenberg đồng ý với quan niệm này khi ông viết: "Như vậy, thế giới giống một chuỗi phức tạp các sự kiện, trong đó các mối quan hệ đủ loại đan xen vào nhau, chúng chập lên nhau hoặc kết hợp với nhau, qua đó quyết định nền tảng của tổng thể". Tôi muốn nói thêm rằng khoa học đã phát hiện ra một khía cạnh khác của mối liên kết vũ trụ này: tất cả chúng ta đều được sinh ra từ các sản phẩm của Big Bang. Các nguyên tử hiđrô và hêli chiếm 98% tổng khối lượng của vật chất thông thường trong vũ trụ đã được sinh ra trong 3 phút đầu tiên tồn tại của vũ trụ. Các nguyên tử hiđrô của nước trong các đại dơơng hay trong các cơ thể sống đều xuất phát từ món súp nguyên thủy này. Như vậy, tất cả chúng ta đều có chung một phả hệ. Còn về các nguyên tố nặng rất thiết yếu cho sự phức tạp hóa và sự xuất hiện của sự sống và chiếm 2% còn lại của khối lượng vật chất trong vũ trụ là sản phầm của sự kết hợp giữa các nguyên tử tại tâm các ngôi sao và của vụ nổ các sao siêu mới. Tất cả chúng ta đều được sinh ra từ bụi của các vì sao. Là anh em họ hàng với các động vật hoang dã, với các loài hoa đồng nội, tất cả chúng ta đều mang trong mình lịch sử của vũ trụ. Chỉ một việc đơn giản là hít thở thôi cũng gắn bó chúng ta với tất cả các sinh vật đã từng sống trên địa cầu. Ví dụ, chúng ta hiện nay vẫn đang hít thở hàng triệu hạt nhân nguyên tử từ khói của vụ hỏa thiêu Jeanne d'Arc năm 1431, và một vài phân tử từ hơi thở cuối cùng của Jules César.
Matthieu: Theo Phật giáo, các mối quan hệ phân tử của chúng ta không lớn đến thế - vì xét cho cùng thì các quan hệ này cũng không ảnh hưởng gì đến hạnh phúc hay đau khổ của chúng ta - mà điều quan trọng là các sinh vật (về quan điểm này chúng ta khá gần nhau) đều ao ước giống nhau là được hạnh phúc và thoát khỏi bất hạnh.
Nhưng, để quay trở lại hiệu ứng EPR, vì tất cả các "hạt" - dù chúng có ý nghĩa gì chăng nữa - đều được gắn kết với nhau chặt chẽ trong điểm kỳ dị của Big Bang (và có thể là ở các Big Bang khác) thì chúng vẫn phải còn gắn kết với nhau. Như vậy, tính tổng thể từ xa xưa đến mãi mãi là điều kiện tự nhiên của các hiện tượng.
Trịnh Xuân Thuận: Đây là một cách hiểu rất hay về hiệu ứng EPR. Có một điều chắc chắn là tất cả chúng ta đều gắn kết với nhau về mặt di truyền. Chúng ta đều là hậu duệ của Hom habilis (con người tinh khôn) xuất hiện ở châu Phi cách đây khoảng 1.800.000 năm, bất kể chủng tộc hay màu da của chúng ta như thế nào chăng nữa. Là con đẻ của các vì sao, con người hiện đại có thể đã cảm thấy rõ ràng nhất nguồn gốc vũ trụ của mình khi lần đầu tiên nhìn thấy hành tinh xanh của chúng ta trôi nổi trong khoảng vô hạn tối đen của không gian, rất đẹp nhưng cũng rất mỏng manh. Tính tổng thể này cũng quy định rằng tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm đối với Trái đất của chúng ta và chúng ta phải bảo vệ Trái đất khỏi sự tàn phá sinh thái mà chúng ta gây cho nó. William Blake đã diễn tả một cách hoàn hảo tính tổng thể của vũ trụ bằng các câu thơ sau:
"Trong hạt cát ta thấy cả vũ trụ
Trong đóa hoa dại ta thấy cả thiên đường
Nắm cái vô hạn trong tòng bàn tay,
Và sự vĩnh hằng trong khoảnh khắc"
Thực vậy, toàn bộ vũ trụ được chứa trong một hạt cát, bởi vì việc giải thích các hiện tượng đơn giản nhất cũng cần có sự can thiệp của toàn bộ lịch sử của vũ trụ.
Matthieu: Nghe mấy câu thơ này của Blake tôi lại nghĩ đến bài thơ tứ tuyệt trong một giáo kinh của Đức Phật:
"Nhìn thấy trong một nguyên tử,
Và trong mỗi nguyên tử,
Toàn bộ mỗi thế giới,
Đó là điều không thể tưởng tượng nổi "
Các kinh sách Phật giáo cũng nói rằng Đức Phật ở từng thời khắc đều biết bản chất và tính đa dạng của tất cả các hiện tượng của vũ trụ trong không gian và trong thời gian, rõ ràng như là Ngài nắm chúng trong lòng bàn tay; và Ngài có thể biến một khoảnh khắc thành thiên thu và thiên thu thành một khoảnh khắc. Điều này khiến ta phải tự hỏi không biết William Blake đã đọc những dòng này chưa hay những ảnh hưởng của nó đã vượt qua mọi thời đại !
Nếu đã suy nghĩ kỹ về ý nghĩa của các câu này, người ta có thể tiếp thu được sự toàn thức của Đức Phật thành sự cảm nhận hoàn hảo về tính tổng thể. Người ta không cần coi Đức Phật như một Thượng đế. Chỉ cần hiểu rằng Giác ngộ bao hàm tính tổng thể và ở từng thời điểm đều biết được tổng thể các sự vật cũng như bản chất của chúng. Chính bản thân tính tổng thể này làm cho sự toàn thức trở nên có thể. Nhà triết học và nhà thơ Phật giáo ấn Độ Asvaghossa từng viết: "Trong sự suy niệm hoàn hảo, người ta có thể đạt đến sự sáng suốt cho phép cảm nhận được sự thống nhất tuyệt đối của vũ trụ. Ngược lại, vô minh cơ bản được thể hiện bởi sự phân mảnh, và như vậy bởi một sự giới hạn của sự hiểu biết. Chúng ta chỉ còn hiểu được một số mặt của thực tại, và không còn thấy được bản chất cuối cùng của thực tại nữa.
Trịnh Xuân Thuận: Sự vô hạn của các thế giới khiến tôi nghĩ đến những dạng trí tuệ khác có thể tồn tại trong vũ trụ. Vũ trụ quan sát được chứa 100 tỷ thiên hà. Mỗi thiên hà lại chứa một trăm tỷ ngôi sao. Nếu, giống như Mặt trời của chúng ta, hầu hết các ngôi sao này đều có một bầu đoàn gồm khoảng chục hành tinh, thì tổng số hành tinh trong vũ trụ lên tới 100 nghìn tỷ tỷ. Khó có thể khẳng định rằng trong số rất nhiều hành tinh như vậy, chỉ duy nhất hành tinh của chúng ta là có sự sống và ý thức. Sự tồn tại của các nền văn minh ngoài Trái đất làm nổi lên các vấn đề thần học hết sức lý thú. Chẳng hạn, theo quan điểm của Thiên chúa giáo, Chúa đã phái Chúa con là Jesus-Christ xuống Trái đất để cứu rỗi con người. Vậy, liệu có rất nhiều Jesus-christ được phái xuống các hành tinh có sự sống và ý thức để cứu rỗi các sinh vật sống trên đó hay không?
Matthieu: Phật giáo nói về hàng tỷ thế giới, ở đó các dạng sinh vật khác nhau tồn tại và phát triển. Trong hầu hết tất cả các thế giới này đều có một Đức Phật giảng giải cho chúng sinh làm thế nào để đạt đến Giác ngộ. Một Đức Phật không cứu chúng sinh giống như người ta ném một viên đá lên đỉnh một ngọn núi, mà Ngài cho họ các phương tiện để nhận ra các nguyên nhân của đau khổ và để thoát khỏi nó.
Trịnh Xuân Thuận: Triết gia người Italia là Giordano Bruno đã nêu lên những vấn đề này vào cuối thế kỉ XVI khi ông đưa ra quan điểm về một vũ trụ vô hạn chứa vô số các thế giới có sự sống dưới vô vàn dạng khác nhau. Ông đã phải trả giá cho quan điểm này bằng mạng sống của mình: Nhà thờ đã kết tội ông phải chết trên giàn hỏa thiêu cách đây đúng 4 thế kỉ. Tôi rất muốn biết Phật giáo có nêu lên loại vấn đề này hơn 2.000 năm trước hay không.
Matthieu: Người ta còn nói rằng trên một nhánh cỏ và mỗi một hạt bụi, trong mỗi một nguyên tử và mỗi một lỗ chân lông trên da của từng Đức Phật đều có vô số các thế giới mà không nhất thiết là các thế giới này phải nhỏ lại hay các lỗ chân lông phải to ra. Nói cách khác, thông qua sự phụ thuộc lẫn nhau, mỗi một yếu tố bao hàm tất cả các yếu tố khác nhưng không vì thế mà nó phải thay đổì hình dáng, kích thước.
Trịnh Xuân Thuận: Đó là một hình ảnh thật đáng ngạc nhiên. Trong quá trình chúng ta tranh luận, tôi đã rất thán phục khả năng của Phật giáo trong việc sử dụng các hình ảnh nên thơ để diễn đạt những khái niệm khó, đôi khi đi ngược lại cách hiểu thông thường và không thể dùng ngôn ngữ bình thường để giải thích được. Theo Phật giáo, thế giới có tồn tại hay không khi nó không được cảm nhận bởi một ý thức?
Matthieu: Chắc hẳn là thế giới xung quanh ta không biến mất khi ta không ý thức về nó. Nhưng, đó là một giả đề, vì một mặt, ý thức tồn tại và là một bộ phận của sự phụ thuộc lẫn nhau, và mặt khác, người ta không thể xây dựng hay mô tả thực tại mà không có ý thức. Tự vấn về cái mà thực tại có thể là đã chứng tỏ bị thất bại rồi, vì ngay khi ý thức quan tâm đến bản chất này, thì nó đã là một bộ phận của sự phụ thuộc lẫn nhau, của sự quy định lẫn nhau rồi: hiện thực lại một lần nữa trở thành hiện thực của chúng ta. Như vậy, quan điểm này không phải là hư vô chủ nghĩa hay duy tâm chủ nghĩa, bởi vì nó không phủ định thực tại thông thường mà chúng ta thường cảm nhận, và nó cũng không phải là duy vật chủ nghĩa, bởi vì một hiện thực tồn tại tự thân là vô nghĩa đối với chúng ta. Đó là cái mà Phật giáo gọi là Chính đạo. Như một Phật tử Tây Tạng giải thích:
"Như vậy, cũng như lửa sinh ra từ sự cọ xát hai mẩu gỗ thiêu hủy chính chúng, ngọn lửa của tri thức siêu việt, mà sự phân biệt của nó đạt đến tính phi hiện thực của mọi sự vật, sẽ thiêu hủy toàn bộ cánh rừng rậm rạp của mọi tham chiếu khái niệm của cả hiện thực lẫn phi hiện thực. Vậy nên, khi tất cả những kết cấu của khái niệm đều tìm thấy sự cáo chung trong trí tuệ, thì đó chính là Chính đạo, được giải phóng khỏi mọi mập mờ "
Đó cũng là điều đã được Nagarjuna tóm tắt trong mấy câu thơ được trích trong tác phẩm Luận về Chính đạo của ông:
"Tồn tại hay vĩnh hằng chủ nghĩa
Hư không hay hư vô chủ nghĩa:
Huệ trí không nằm trong tồn tại
Cũng không trong hư không. "
Cuốn Soutra requis par Sagara nhắc lại những lời sau của Đức Phật: "Huệ trí biết trực tiếp sự sản sinh trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và không dựa trên bất kỳ một giác độ cực đoan nào. Huệ trí biết rằng vạn vật có nguyên nhân, phụ thuộc vào hoàn cảnh, và không gì có thể tồn tại mà không có nguyên nhân và hoàn cảnh."
Và Nagarjuna viết tiếp:
"Cái xuất hiện tùy thuộc vào cái khác
Không có gì giống cái khác này
Nhưng cũng không hoàn toàn khác nó.
Vậy nên nó chẳng vĩnh hằng cũng chẳng hư vô."
Như vậy, theo Đức Phật, bản chất cuối cùng của các hiện tượng là sự hòa hợp các vẻ bề ngoài và sự trống rỗng:
"Giống như trong một chiếc gương
Hoàn toàn trong trẻo
Hiện lên những ảnh phản chiếu phi thực,
Hãy biết rằng vạn vật đều như thế.
Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2018
Chuong 4: Vu tru trong hat cat
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hien huu nhu that da va dang
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Nhờ có sự hộ niệm cho cuộc diện kiến mặt-đối-mặt như thế, cho dù thần thức có yếu đuối thế nào đi nữa, chắc chắn không còn nghi ngờ gì là c...
-
Chính vì muốn dẫn dắt khéo léo các đệ tử mà ta khai thị nhiều pháp môn khác nhau. Laṅkāvatārasūtra Kinh Lăng già Maria Montenegro...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét