Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

May buoc duong dau



Khi bước chân ra đi, ngài Huyền Trang chừng 26 tuổi. Vốn là một người khôi ngô, tuấn tú, cao lớn tráng kiện. Gương mặt trắng, đôi mắt sáng và hình tướng nghiêm trang tề chỉnh hợp với cốt cách dịu dàng, nhanh nhẹn, làm cho ai thấy cũng khen ngợi. Giọng cười tiếng nói đều thanh nhã, khoan thai. Tiếng nói của Ngài êm ái, dịu dàng mà ngân xa, bàn về đạo pháp khiến người nghe không chán. Dáng vẻ Ngài phong nhã phương phi, nếu không mặc đồ tu sĩ thì rất dễ tưởng là một nhà Nho học uyên thâm vậy. Thực sự thì phần ảnh hưởng luân lý của đạo Nho mà Ngài đã được rèn luyện từ nhỏ, hợp với tinh thần nhà Phật làm cho Ngài càng thêm ôn hòa, cao thượng. Ngài vốn dòng nho sĩ, mấy đời ông cha đều nổi tiếng văn hay. Một phần lớn, Ngài nhờ hưởng lấy cái đức tính thanh cao ấy, cho nên tánh tình bề trong và cách cư xử với mọi người đều tỏ rõ sự hấp thụ phong hóa Khổng Mạnh rất sâu. Ngài có đủ các đức tánh lễ nghi, hiền hậu, vui vẻ, ôn hòa, dè dặt, tỉnh táo và có nhân nghĩa với người. Còn về tôn giáo thì Ngài lại thực sự là một vị chân tu, bao giờ cũng giữ được sự nghiêm trang, giới hạnh đầy đủ oai nghi, mà lòng luôn rộng mở đức từ bi thấm đẫm quanh mình. Bao giờ Ngài cũng nhiệt thành làm theo theo giáo lý. Ngài là một người biết chọn bạn lành, không giao thiệp bừa bãi.

Người ta trông vào thấy Ngài lộ ra ánh sáng phi thường và biết Ngài là một người có sự chứng đắc nội tâm, cũng như những bậc đại đức chân tu. Ngài bước chân đi nhẹ nhàng đều đặn, luôn nhìn ngay về phía trước, mắt không khi nào đảo liếc. Cử chỉ của Ngài oai nghiêm như giòng sông cuộn chảy và sáng rỡ như đóa hoa sen nổi trên mặt hồ.

Chí đã quyết làm theo lời nguyện, Ngài trải qua những non cao, vực thẳm dài theo các tỉnh miền Tây Trung Hoa. Những chỗ ấy, cho đến ngày nay đi qua vẫn còn hiểm nguy. Hết núi cao hiểm trở, lại đến những bãi cát bát ngát mênh mông. Nơi biên giới mười phần độc địa. Một mình một ngựa gập ghềnh khó bước, tai nghe ác thú kêu rống chung quanh. Cảnh trống trơn chẳng có bóng người. Thỉnh thoảng gặp một vài xóm núi hẻo lánh, hoặc hiếm hoi lắm là một đoàn lữ hành kéo đi rần rộ đến cả trăm người. Cho đến nay ở Trung Quốc và Ấn Độ vẫn ít có ai dám đi một mình giữa những chốn đồng sâu rừng vắng này. Chỉ có dân du mục kéo đi cả đoàn, có đủ các thứ khí giới, vật dụng, thức ăn, nước uống. Họ hội hiệp mấy trăm người, tới nơi thích hợp thì đóng trại nghỉ ngơi, làm lụng. Gặp chỗ khó sống thì bỏ đi, cùng nhau đùm bọc che chở cho nhau mà sống. Lần hồi như vậy mãi, khi nào gặp chốn chợ búa thì lại đổi chác, bán buôn.

Ngoảnh lại, ngài Huyền Trang chỉ có một mình một bóng, không lạc đà, không khí giới. Nước uống với lương khô chỉ vài bao trên lưng ngựa. Chỉ một tấm lòng vì đạo pháp của Ngài là không gì lay chuyển nổi. Trên đường, một đôi khi cũng gặp những nơi không đến nỗi quá chán ngắt. Như ở miền biên giới Lương Châu, Ngài vào chợ búa được thổ dân thỉnh tụng kinh, giảng đạo. Họ thết đãi Ngài rất ân cần, lại cung cấp lương thực và tiền bạc để tiễn hành. Nhưng Ngài không thọ lãnh bạc vàng. Có khi gặp những người thành khẩn quá, Ngài cũng chỉ nhận chút ít để đến chùa làm lễ nhang đèn và cúng dường cho các tự viện trên đường đi.

Ra khỏi hòn núi Kan-sou, nước Trung Hoa giờ bắt đầu lùi dần về phía sau. Trước mặt là những cánh đồng hoang vu với sa mạc mênh mông. Xứ Gobi nhìn thấy từ rất xa. Chung quanh chỉ là cát với trời. Thật là một chỗ đáng ghê sợ cho khách lữ hành. Càng bước tới dường như càng gần hơn với cái chết.

Xa hơn nữa về hướng Tây, mấy dãy núi Thiên Sơn, Côn Lôn cao ngất tận trời. Nhất là dãy Bạch-mễ-nhĩ (Pami) trước đã từng làm cho binh tướng nhà vua đi chinh phạt phải lấy làm lo sợ. Ai dám nghĩ có vị du tăng sẽ dám đến tận nơi ấy!

Núi non đã nguy khổ cho khách lữ hành, mà Ngài Huyền Trang lại còn phải gặp thêm lắm điều cực nhọc khi qua mấy ải địa đầu, vì Ngài không có lệnh của nhà vua.

Ngài đi qua Tần Châu, Lan Châu, rồi từ đó thẳng đến Lương Châu. Qua khỏi xứ Lương Châu là gặp ngay miền biên giới. Nhưng người ta canh giữ ải ấy rất nghiêm nhặt. Nếu không có thánh chỉ thì chẳng ai được đi qua. Ngài lưu lại nơi đây hơn một tháng. Khi quan đô đốc trấn ải này là Lý Đại Lượng vâng lệnh triều đình buộc Ngài phải trở về Trường An, Ngài liền bí mật đang đêm lẻn ra đi, chẳng để cho nhà chức trách thấy mặt. Hồi ấy, ở Lương Châu có một vị tỳ-kheo tên là Huệ Oai. Vị này mến người đồng đạo chí cao, mới bày mưu kế và chỉ vẽ cách thức cho Ngài qua ải, lại có cho hai người đệ tử theo dẫn đường. Ngài đi một cách kín đáo, ban ngày thì trốn tránh, ban đêm mới ra đi.

Nhọc nhằn như vậy, cho đến xứ Qua Châu thuộc tỉnh An Tây. Quan thứ sử trấn nhậm Qua Châu là Độc Cô Đạt chẳng làm khó Ngài, lại đón tiếp rất nồng hậu, nhờ vậy việc qua được ải quan được dễ dàng. Ngay khi Ngài sắp rời Qua Châu thì có trát lệnh từ Lương Châu gởi đến, yêu cầu bắt giữ Ngài. Viên quan chịu trách nhiệm bắt Ngài là Lý Xương, vốn là một Phật-tử thuần thành, mới đưa tờ trát lệnh cho Ngài xem rồi xé bỏ. Ông này ca ngợi chí khí cao cả của Ngài và thúc giục hãy mau chóng lên đường đừng trì hoãn.

Đi được chừng năm mươi dặm, gặp một con sông lớn chắn ngang. Nước đổ cuồn cuộn như thác, ghe thuyền không thể chèo chống gì được. Phía bên kia sông, lại là vùng bãi lầy mà người và ngựa có thể bị ngập lún đến chết nếu lỡ sa chân vào. Gần đó, binh lính tuần tra canh phòng ngày đêm. Dẫu cho qua khỏi sông nguy, lầy hiểm và tránh được lính tuần, lại còn phải đi theo một con đường mòn rất nhỏ, và khó lòng tránh được ải cuối cùng là Ngọc môn quan. Ải này có một viên tổng trấn, quyền uy bao trùm cả đến năm đồn lũy tiếp theo bên kia Ngọc môn quan. Năm đồn lũy này mỗi cái cách nhau chừng trăm dặm. Chỉ ở cạnh đồn mới có mạch nước để quân lính uống mà thôi. Ngoài ra toàn là cát mênh mông, không có cây cối ngòi rạch chi cả. Lính đứng trên tháp canh ở mỗi đồn, trông thấy khắp bốn phương, cho đến cả trăm dặm. Nếu lọt qua khỏi Ngọc môn quan với năm đồn lũy liên tiếp theo ải ấy về phía Tây, thì xem như ra khỏi địa phận Trung Hoa mà vào miền Tây vức.

Ngài Huyền Trang biết rõ cảnh thế muôn phần nguy hiểm như vậy, lấy làm lo rầu. Con ngựa của Ngài vì mệt nhọc quá nên đã chết rồi. Trong lúc ấy, quan đô đốc Lương Châu lại tiếp tục truyền lệnh bắt Ngài mà trục hồi về kinh. Trước đây, quan thứ sử Qua Châu vốn người mộ đạo, đã tìm cách chở che cho Ngài rồi. Nhưng khi sắp đến ải Ngọc môn với năm đồn lũy thuộc về ải ấy, liệu mọi việc có được thuận theo ý mình chăng?

Trong tình cảnh bối rối ấy, hai người đệ tử mà Huệ Oai cho theo giúp Ngài lại nản chí xin về. Họ không dám đi nữa, một là vì sợ lệnh vua quan, hai là chịu khổ nhọc không nổi. Ngài cho họ trở lại, thôi thì đành tiếp bước một mình. Ngài mua một con ngựa khác.

Ngài thành tâm cầu nguyện đức Di-lặc, xin Bồ-tát xui khiến cho gặp một kẻ dẫn đường để đưa mình qua khỏi ải Ngọc môn với năm đồn lũy khó khăn. Chẳng bao lâu, có một thổ dân tên là Thạch Bàn Đà tìm đến xin Ngài truyền cho Năm giới và nhận anh ta làm đệ tử. Ngài vui lòng thâu nhận. Anh ta liền tình nguyện đưa đường cho Ngài qua biên ải. Trời vừa tối, thầy trò cùng ra đi, vượt qua một cánh đồng cỏ rậm rạp um tùm. Đến một xóm kia, vào xin nghỉ trọ trong một nhà. Chủ nhà nghe Ngài muốn đi về phương Tây, lấy làm kinh ngạc lắm. Ấy là một lão trượng đã từng lặn lội trong các rừng sâu núi độc, trải qua nhiều đường nguy hiểm. Nhưng nghe nói đến đường đi Ấn Độ thì cũng kinh sợ lắm. Lão cản lại mà rằng: Không gì hiểm trở gay go cho bằng đường qua phương Tây! Khi thì có những trận cát kéo thành mây chôn mất bộ hành; lúc thì những luồng gió nóng thổi lại đốt cháy ra tro. Trong trăm người gặp gió và cát ấy, không được một người còn mạng. Mấy đoàn thổ dân đi cả toán với lạc đà, nhưng vẫn thường lạc đường và chết mất tích giữa sa mạc. Như vậy mà Ngài lại đi một mình, làm sao mong đến nơi được? Ngài nên giữ gìn cho lắm, và chớ nên coi mạng sống làm thường. Ngài Huyền Trang tỏ ý đã nhất định rồi. Ông lão không ngăn cản được, bèn dâng cúng Ngài một con ngựa hay có tài đi đường xa. Thầy trò từ giã ông lão ra đi cũng trong đêm tối. Đến mé sông Hồ-lư, nước chảy xiết mạnh vô cùng. Thật ngại ngùng lắm, nhưng cũng đánh liều. Ải Ngọc môn đã thoáng thấy tận xa xa. Thạch Bàn Đà đốn cây làm một cái cầu tạm, lại dùng cát phủ cho bằng mặt, trải cỏ lên rồi dắt ngựa qua sông. Đến phía bên kia sông, Ngài mệt lắm bèn trải chiếu trên đất mà ngủ. Thình lình Ngài thấy một điềm mộng kỳ dị giúp Ngài tỉnh dậy và thoát nạn. Thạch Bàn Đà đang nằm đằng xa vùng ngồi dậy, rút gươm, nhẹ nhẹ xốc lại và toan chém Ngài. Nhưng còn cách chừng mười bước thì hắn ta ngừng lại. Ngay lúc bấy giờ Ngài nhờ chiêm bao mà biết có nạn, liền thức dậy và niệm cầu Bồ-tát Quán Thế Âm. Thạch Bàn Đà thấy Ngài bỗng dưng thức giấc, liền hoảng sợ chạy trở lại chỗ cũ nằm ngủ luôn.

Sáng ra Ngài tỉnh giấc, không nhắc gì đến chuyện khi hôm. Ngài sai Thạch Bàn Đà đi múc nước. Hắn đi, nhưng vẻ mặt xem ra khó chịu lắm. Hắn nghi rằng Ngài đã rõ biết việc ác của hắn, nên hổ thẹn. Vả lại, còn sợ quan binh đón bắt nguy đến tánh mạng, nên bảo Ngài rằng: Con đường hiểm hóc này dài và nguy hiểm lắm, nhưng không có cây cỏ nước non gì. Phải đến dưới tháp thứ năm kia mới có. Nhưng phải lén đi tối, và nếu quân canh bắt được thì phải chết liền. Chi bằng trở về cho xong. Ngài không chịu trở lại. Hai người mới lén bò lần đi trên cỏ. Thình lình Thạch Bàn Đà rút gươm và giương cung ra, buộc Ngài phải đi lên trước. Nhưng thấy Ngài quả quyết không chịu vì Ngài biết ý nó muốn làm gì, nên nó bỗng nhiên đâm sợ, đành phải đi trước dẫn đường. Nhưng được vài ngàn thước, hắn thú thật không dám cãi lệnh vua và không dám liều mạng sống, bèn bỏ Ngài mà đi mất. Vậy là một mình Ngài phải lần dò mà qua ải Ngọc Môn.

Bấy giờ, ra đến sa mạc Qua Bích, có tiếng là một nơi đã chôn không biết bao nhiêu kẻ lữ hành. Bát ngát mênh mông những cát là cát. Thỉnh thoảng thấy nhô lên xương người và thú đã chết rục tự bao giờ. Ngài lần theo dấu vết những bộ xương và phân khô của thú mà đi. Thình lình, bỗng thấy như cả ngàn quân lính kéo nhau vây khắp phía chân trời, khi thì đi, lúc lại ngừng. Các quân lính mặc y phục theo như giặc rợ ở đồng Qua Bích và ở miền cao nguyên xứ Tân Cương. Họ cùng đi với ngựa và lạc đà, gươm giáo chói sáng ngời và cờ xí phất phới hùng dũng lắm. Xem ra có đến cả trăm vòng binh. Ngài càng đi tới thì càng thấy nhiều vòng binh khác, hết tốp này qua rồi lại đến tốp kia. Ngài lấy làm lạ lắm, tưởng cho là binh tướng của ma vương.

Nhưng bây giờ gặp nạn khó tránh hơn. Ngài đã đến gần cái đồn lũy có tháp canh thứ nhất trong năm cái đồn ở miền biên giới. Vì sợ quân canh bắt gặp, Ngài bèn xuống dưới hố, nằm sát và đắp cát phủ hết thân hình, chờ đến tối mới đi. Qua bên kia tháp, về phía Tây, Ngài gặp một giếng nước trong đúng theo lời người ta đã chỉ. Người ngựa đều uống đủ và còn lấy mang theo. Nhưng vừa lúc ấy, một mũi tên trượt qua gần đầu gối Ngài. Kế một mũi thứ hai lại trượt qua sát bên hông. Biết rằng quân canh đã bắt gặp, Ngài liền la lên rằng: Tôi là người tu hành ở Trường An. Xin chớ bắn tôi! Rồi Ngài dắt ngựa đến trước cửa đồn. Quân canh mở cửa, đem Ngài vào trình lên quan đồn. Ông này tên Vương Tường, làm chức hiệu úy, vốn người có quy y theo đạo Phật, biết chuyện lấy làm kính phục Ngài. Nhưng Vương Tường cũng khuyên Ngài không nên qua Tây phương, vì đường đi cực kỳ nguy hiểm. Ông đề nghị Ngài nên trở về, đến xứ Đôn Hoàng, nơi cũng có một vị đại đức học cao biết rộng, không cần phải liều mình mà đi xa. Ngài đáp lại một cách quả quyết rằng: Bần tăng từ thuở bé đã mộ đạo từ bi và lâu nay ở tại hai kinh thành Lạc Dương, Trường An. Các vị đại đức đều lấy làm yêu trọng sự học hiểu của bần tăng, vì bần tăng đã nghiên cứu khá nhiều và từng thuyết pháp khắp nơi. Thật không dám khoe tài, nhưng bần tăng nguyện qua Tây thiên tìm cho rõ đạo lý của Phật để về giúp ích nước nhà, nên lòng không còn nghi ngờ, sợ sệt chi nữa.

Quan trấn ải là người bị trói chặt nơi xa xôi ngoài biên giới, làm sao rõ được thời sự ở quê hương. Nay được biết danh sư thì lấy làm cảm mến lắm. Ngài Huyền Trang muốn gợi lòng từ của quan, bèn giảng rằng: Việc học Phật trong nước hiện nay rất lôi thôi. Kinh điển thiếu thốn, lại sai lạc rất nhiều. Kẻ muốn tu không biết tìm kiếm vào đâu, nhiều khi phải lầm lạc mà hại đến tâm ý. Bần tăng không nỡ ngồi điềm nhiên giữa cảnh ấy, nên mới đánh liều với nạn khổ, chẳng còn tham đời sống là vui.

Bần tăng đã nguyện qua Thiên Trúc học đạo mà Phật tổ đã truyền lại. Bần tăng đã nghe danh thượng quan là người hiền đức, lẽ nào thượng quan lại ra lệnh cho bần tăng trở về. Nếu thượng quan có lòng yêu thương con người đang chịu đau khổ và muốn cho nhân loại được sự giải thoát, thì không chi quý bằng hãy tiếp trợ cho bần tăng. Ví như thượng quan muốn cho bần tăng trở lại, thì cứ giết ngay đi là xong, vì bần tăng đã có thệ nguyện trước Phật đài.

Quan hiệu úy nghe giảng, càng thêm phục tài biện luận của Ngài và nhận ra rằng không còn ai giỏi tài biện thuyết hơn Ngài nữa. Quan quyết định giúp Ngài, liền cấp cho lương thực, nước uống đi đường, lại viết một phong thư giới thiệu với quan hiệu úy trấn giữ đồn tháp thứ tư. Và lại dặn riêng rằng: Ông ấy là anh em đồng họ với tôi, tên Vương Bá Lũng, cũng là người mộ Phật. Nếu pháp sư ghé đó ắt sẽ được tiếp đãi trọng hậu.

Ngài Huyền Trang cảm tạ, đọc bài chú nguyện cho Vương Tường rồi lên ngựa ra đi. Đến đêm, Ngài tới gần đồn thứ tư. Ngài định bụng xuống giếng múc nước, rồi sẽ đi luôn. Bỗng đâu một mũi tên phóng đến sát người. Biết rằng quân canh đã bắt gặp, Ngài liền la lên cho họ thôi bắn. Quân canh đưa Ngài vào trình quan hiệu úy Vương Bá Lũng. Ngài đưa thư giới thiệu ra, quan hiệu úy vui vẻ rước Ngài vào dinh và truyền dọn cơm chay thết đãi. Ngài nghỉ lại trong đồn một đêm. Rạng ngày quan sai lính múc nước tiếp thêm cho Ngài, dâng tặng thức ăn đi đường và cỏ cho ngựa. Khi tiễn chân, Vương Bá Lũng còn dặn rằng: Pháp sư không nên ghé lại chỗ đồn tháp thứ năm, vì ở đó người ta không trọng ngôi Tam Bảo.



Ngài Huyền Trang từ giã lên đường. Vì tránh chỗ đồn tháp thứ năm, Ngài phải vòng lên phía Tây Bắc, đâm thẳng vào sa mạc Mạc-hạ-diên. Ấy là một vùng sa mạc dài 800 dặm, rộng đến 133 dặm. Thời ấy người ta gọi là Sa hà, tức con sông bằng cát. Mịt mù một bầu trời và cát: trên không chim, dưới không thú, không cây cỏ, nước non chi cả. Không ai dẫn đường, không dấu tích gì trên cát để dò đường. Trông đi ngoảnh lại chỉ có người với ngựa mà thôi. Ngài phải dựa vào bóng mình để định phương hướng mà đi, vừa đi vừa niệm Phật và đọc kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa.







Tâm kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa bằng chữ Phạn

Thật khó mà tưởng tượng được giữa chốn mênh mông này, chỉ độc một người lữ hành không bè bạn, lại không thông thạo đường sá, trăm ngàn nạn chết vây phủ chung quanh. Ở giữa bầu trời bí mật thăm thẳm ấy, không còn biết đâu là đâu, người lữ hành lại muốn vượt qua để thẳng đến Thiên Trúc mà tìm kinh, mà học đạo! Mà chỉ có chiếc bóng đơn độc của Ngài, chiếc bóng của lòng tin sâu vững, chiếu xuống biển cát để làm bạn đi đường! Ngài lại bị sức nóng của nắng gay gắt chói rọi xuống, làm cho hơi cát nóng lại bốc lên như than lửa, cùng nhau nung đốt gay gắt. Giữa cảnh ấy, duy chỉ có tấm lòng đạo đức mạnh mẽ để chống chịu mà thôi. Ngài muốn tìm mạch nước Dã Mã Tuyền mà quan hiệu úy đồn thứ tư đã có chỉ dẫn khi tiễn Ngài đi. Nhưng Ngài tìm mãi không ra. Khát nước lắm Ngài mới mở bầu nước uống, rủi ro trượt chân ngã. Liền đó nước đổ tuôn hết ra trên cát. Ngài vẫn biết mình đi gần đến mạch nước, nhưng đường đi chằng chịt nhiều nẻo, không biết phải đi theo nẻo nào. Ngài thấy như cái chết đang đến gần. Nếu đi nữa mà không gặp nước thì mong gì sống được. Ngài phải quay ngựa trở lại biên thùy. Thối bước được chừng vài dặm, Ngài chợt nghĩ lại rằng: Ban đầu ta đã có lời thệ nguyện, quyết đi cho tới Ấn Độ không hề thối lui. Nay thôi hãy cứ đi, dẫu có thác cũng đành nhắm mắt quay về phía trời Tây, chứ chẳng nên tham sống mà trở về để mất lời thệ nguyện. Nghĩ như vậy, Ngài liền quay ngựa trở lại hướng Tây, vừa đi vừa niệm đức Bồ-tát Quán Thế Âm. Trông ra bốn phía mịt mù trời với cát, không thấy dấu tích một sinh vật nào. Suốt ngày giông gió ào ào, cát bay như những trận mưa to. Giữa cơn nguy nan ấy, Ngài không lấy làm lo, chỉ một điều là không còn nước uống. Và bởi khát quá, Ngài không còn sức đi. Ròng rã bốn đêm năm ngày liền, Ngài không có một giọt nước vào miệng. Trong ruột dường như lửa đốt, Ngài kể chắc sẽ bị chết khát rồi. Không bước tới được nữa, Ngài nằm vùi trên cát. Tuy đuối sức mà Ngài vẫn niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm luôn. Ngài lại có lời khấn rằng: Bần tăng đi đây chẳng phải vì tham vinh hoa phú quý, mà chỉ muốn tìm đạo lý chân chính cao xa thôi. Bồ-tát đại từ đại bi hằng cứu nạn cứu khổ cho chúng sanh, bần tăng đang bị nạn khổ rất nguy ngập, lẽ nào Ngài chẳng cứu cho!

Ngài cứ niệm như vậy đến đêm thứ năm. Thình lình một luồng gió mát thổi tới ngay vào người, làm cho thân thể Ngài trở nên tươi tắn, dịu dàng như được tắm dưới nước mát mẻ trong trẻo.

Mắt Ngài đã nhắm cứng, bây giờ lại mở ra. Và Ngài thấy con ngựa cũng khỏe lại. Nó đang đứng chờ Ngài.

Được hồi sức, Ngài ngủ lại một chút. Nhưng đang ngủ, chợt thấy một vị Hộ pháp thân hình cao lớn, một tay cầm phướn, một tay cầm đao, miệng hô lớn rằng: Sao chẳng đi lại còn ngủ nữa?

Ngài bị đánh thức bèn lên ngựa ra đi. Được chừng sáu cây số ngàn, thình lình con ngựa quay ngã khác. Ngài kềm thúc nó và kéo cương trở lại, nhưng nó cũng không tuân. Ngài đành phải chiều theo ngựa. Một lát sau, gặp được một đám đồng cỏ, Ngài mừng lắm nhảy xuống và thả cho ngựa ăn no. Gần đó lại có một ao nước trong. Ngài uống luôn mấy hơi. Để lấy lại sức lực, Ngài dừng nghỉ bên bờ ao này một ngày. Sau đó mới lấy đủ nước uống mang theo và tiếp tục lên đường.

Được hai ngày ra khỏi sa mạc và đến đất Y-ngô.

Chỗ ấy là một nơi đồng cỏ, có cây cối và dân cư. Từ trước dân Trung Hoa vẫn thường cư ngụ ở Y-ngô, và hoàng đế Trung Hoa bảo hộ cho xứ ấy. Đến lúc Trung Quốc có nội biến, nước Cao-xương thừa cơ đánh lấy và cai trị luôn. Lúc Ngài Huyền Trang qua đó, đất Y-ngô còn đang thuộc người Cao-xương. Khoảng mấy tháng sau, vua Thái Tông đem binh chinh phạt và sáp nhập trở lại với Trung Hoa.

Ngài Huyền Trang ghé vào một ngôi chùa, có ba tăng sĩ người Trung Hoa. Hòa thượng lớn tuổi hơn hết ra tiếp Ngài, vừa hôn vừa khóc rằng: Ta có ngờ đâu hôm nay lại còn gặp người đồng hương! Ngài nghe nói cũng cảm động lắm, không kiềm giọt lệ được.

Vua nước Cao-xương hay tin Ngài đến đất Y-ngô, bèn sai sứ giả đến ra mắt, đảnh lễ Ngài và xin được thỉnh vào hoàng cung để cúng dường trọng hậu. Ngài không muốn vào cung, vì có ý đến viếng một cảnh chùa tháp danh tiếng với một vị cao tăng giỏi nhất ở miền Gobi. Nhưng vua là người mộ đạo và có lời cầu thỉnh rất thành khẩn nên Ngài chấp nhận. Từ Y-ngô, đi qua vùng sa mạc phía Nam phải mất sáu ngày mới tới kinh đô Bạch-lực của nước Cao-xương.

Vào thời ấy, trên toàn cõi Á châu, nước Cao-xương là hùng mạnh lắm. Nhà vua đương quyền tuy hâm mộ Phật pháp, nhưng là một người ưa việc binh đao, đã từng xung đột với mấy nước láng giềng, lại dám đương cự với hoàng đế Trung nguyên mà chiếm xứ Y-ngô nữa. Ông là người có quyền thế và có ảnh hưởng với các vua lân bang. Việc Ngài Huyền Trang nhận lời ghé qua thăm viếng nhà vua và luận đạo với mấy vị danh sư ở kinh đô cũng giúp tạo sự dễ dàng hơn cho chuyến Tây du của Ngài.

Đường từ Y-ngô đến kinh đô nước Cao-xương khá xa, nhưng vua phái binh lính đông đảo, người ngựa rầm rộ đến mà đón rước Ngài.

Ngài Huyền Trang vào nước Cao-xương, viếng đức vua, bàn về đạo đức với mấy vị cao tăng ở chốn kinh đô này. Nhân đó, Ngài cũng thấy biết được phần nào văn minh, phong tục của một nước giáp ranh với Trung Hoa.









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...