Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Song rong giup thuyen be dua nguoi qua lai



Giảng rộng

Đang lúc trên đường đi gặp dòng sông chắn ngang phải dừng lại, hoang mang không biết phải trù liệu cách nào, còn đang than thở sao chỉ cách một dòng sông mà muốn vượt qua còn khó khăn hơn cả ngàn dặm đường, bỗng nhiên lại được thuyền bè đưa ngay sang sông. Đó chính là ở nơi bế tắc tuyệt lộ mà được mở ra con đường sống. Kẻ đã giúp cho người khác từ nơi tuyệt lộ có được sự sống, chắc chắn tự thân họ rồi cũng sẽ từ nơi tuyệt lộ có được con đường sống.

Trong dòng sông rộng mà có thể giúp đưa người vượt qua, tất nhiên được công đức rất lớn. Trong biển khổ sinh tử mà có thể giúp đưa người vượt qua, công đức còn lớn hơn bội phần.

Đưa người qua sông, ân huệ ấy bất quá cũng chỉ là nhất thời. Đưa người vượt qua biển khổ sinh tử, ân huệ ấy quả thật sẽ nối dài đến đời đời kiếp kiếp.

Hết thảy người phàm chúng ta đều đang ở bờ bên này của biển khổ sinh tử luân hồi, chỉ có thể nhờ đến sáu công hạnh lớn lao mới có thể giúp chúng ta vượt qua được đến bờ giác ngộ bên kia. Bờ bên kia đó, chính là bờ giải thoát của chư Phật, Bồ Tát đã vượt thoát ra ngoài Ba cõi. Sáu công hạnh lớn lao chính là tu tập theo sáu pháp ba-la-mật. Đó là, công hạnh bố thí ba-la-mật giúp ta vượt qua biển tham lam, keo lận; công hạnh trì giới ba-la-mật giúp ta vượt qua biển ác nghiệp; công hạnh nhẫn nhục ba-la-mật giúp ta vượt qua biển sân hận; công hạnh tinh tấn ba-la-mật giúp ta vượt qua biển lười nhác phóng túng; công hạnh thiền định ba-la-mật giúp ta vượt qua biển tán loạn tâm ý; công hạnh trí tuệ ba-la-mật giúp ta vượt qua biển vô minh si ám.

Trưng dẫn sự tích

Nỗ lực hết sức cứu người chết đuối


Triều Minh, có quan Thiếu sư là Dương Vinh, tên tự là Miễn Nhân, quê ở huyện Kiến Ninh, tỉnh Phúc Kiến. Tổ tiên ông nhiều đời làm nghề đưa đò để sinh sống. Gặp một năm có lũ lớn, tràn ngập các vùng dân cư, người chết đuối cứ theo dòng sông mà trôi xuống. Những người có thuyền đều tranh nhau vớt lấy những tài sản quý giá trôi trên sông, chỉ riêng ông cố và ông nội của Thiếu sư, hai người đều hết sức lo việc cứu người, hoàn toàn không vớt lấy một chút tài vật nào. Người làng đều cười họ là ngu dại, hai người nói: "Chúng tôi đưa đò tự thấy cũng đã đủ sống, không muốn trộm lấy những tài sản không phải của mình."

Đến khi cha của Thiếu sư sinh ra, gia đình dần dần khá giả lên. Bỗng có một đạo nhân đi ngang qua vùng, bảo người nhà rằng: "Tổ phụ các người có âm đức lớn, con cháu sẽ được giàu có vinh hiển, nên cải táng vào chỗ đất này..." Nói rồi chỉ cho một chỗ đất. Người nhà y theo chỉ dẫn của đạo nhân mà cải táng. Chỗ ấy sau này các thầy địa lý đều gọi là gò bạch thố.

Sau sinh ra Thiếu sư, còn nhỏ tuổi đã đỗ đạt làm quan, dần dần thăng tiến, tước vị lên đến hàng Tam công. Ông cố và ông nội của Thiếu sư đều được triều đình truy tặng quan tước như vậy.

Lời bàn

Trong khoảng niên hiệu Khang Hy, vào năm Bính Tý, ngày mồng một tháng sáu, lúc nửa đêm thủy triều ở huyện Sùng Minh dâng lên quá cao, chìm ngập cuốn trôi đến mười tám nơi trong vùng Sa trấn, người và súc vật, tài sản đều trôi nổi theo dòng nước. Có một người nép mình nằm trên đống củi lớn theo dòng nước lênh đênh, còn chưa kịp tấp vào bờ. Trên bờ có một người tham đống củi lớn, liền dùng móc câu đưa ra để kéo mạnh vào, do đó làm cho đống củi tách đôi, người nằm trên đó rơi xuống nước mà chết.

Đến lúc trời sắp tối, người vớt củi kia bỗng tự nhiên điên loạn, tự nói ra rằng: "Nhà tao có bốn người đều đã chết, chỉ mình tao may ra được sống sót. Nhưng mày lại hại chết tao, tao quyết không tha cho mày."

Trong đêm ấy, người này chết thảm. Theo đó có thể thấy, đem hết sức làm lợi cho người khác, tự mình cũng chẳng bao giờ bất lợi; dốc hết sức vào sự tham lam tài vật, cuối cùng cũng chẳng được tài vật. Quả thật đúng là: "Người thiện vui mừng vì được làm người thiện; kẻ ác thật uổng đời đã chọn làm kẻ ác."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...