Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

Phat tam Bo de



Mùa thu năm 1992, Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV được mời đến giảng ở các buổi lễ khánh thành Viện Drikung Kagyu Jangchub Choeling tại Dehra Dun. Sau khi giảng giải tác phẩm Con đường tối thượng của ngài Gampopa, được gọi là Bảo tràng pháp (Lam mchok rin chen phreng ba), vào ngày 20 tháng 11 năm 1992, Ngài đưa ra bài giảng sau đây về cách phát khởi tâm Bồ-đề.

Cũng như tất cả mọi chúng sinh hữu tình, chúng ta đánh giá cao chính bản thân mình. Tôi đánh giá cao bản thân mình không phải vì biết ơn hay tử tế với chính mình, mà vì tất cả chúng ta đều sẵn có sự quan tâm tự nhiên đối với giá trị của chính bản thân mình. Vì tất cả chúng sinh hữu tình đều trân quý chính mình, nên mọi người đều có quyền xua tan khổ đau và hành động vì hạnh phúc tương lai của chính bản thân họ. Mọi nguời đều có quyền bình đẳng trong việc tránh xa khổ đau và tìm cầu hạnh phúc, vì tất cả chúng ta đều sống phụ thuộc lẫn nhau.

Tạm gác lại vấn đề đạt đến quả Phật, ngay cả trong các tình huống rất thông thường xảy ra trong cuộc sống thì hạnh phúc của ta cũng phụ thuộc vào những người khác. Chẳng hạn, việc có được những tiện nghi để chúng ta hôm nay cùng đến đây giảng pháp và nghe pháp là phụ thuộc vào những người đầu tiên mua đất, san lấp rồi xây lên các tòa nhà này. Sự hoàn tất các cơ sở vật chất đó chính là thành quả công việc của những người này.

Như trường hợp của riêng tôi chẳng hạn, hiện đã gần sáu mươi tuổi rồi và tôi có thể sống đến giờ không phải nhờ vào những phẩm chất của riêng tôi hay vì tôi có thể tự lực, mà chính là nhờ vào lòng tốt của nhiều người. Tôi đã phải phụ thuộc vào nhiều người khác để có được thức ăn, nước uống, quần áo và chỗ ở. Tất cả những thứ kể trên có được là nhờ vào lòng tốt của nhiều người khác; không món nào có được nhờ vào bất kỳ phẩm chất tự lực siêu nhiên nào mà tôi có thể có. Nếu tôi có được bất kì phẩm chất tự tồn nào như thế, hẳn tôi đã sống trong một thung lũng tách biệt không người. Nhưng tôi thực sự hoàn toàn không thể tồn tại ở một nơi như thế. Tôi phải sống ở những nơi có con người.

Điều này cho thấy rằng con người phải sống phụ thuộc vào những đồng loại của mình. Và thật sai lầm khi có ác ý với những người mà mình phụ thuộc vào. Chúng ta hành xử như vậy vì sự si mê. Đó là lối cư xử hết sức dại dột. Trong cuộc sống, chúng ta dựa vào sự hỗ trợ của tất cả những chúng sinh tốt bụng. Đó là lý do tại sao những kiến thức tôn giáo là một phần hết sức quan trọng trong cách nhìn của mỗi chúng ta. Tương tự, việc nuôi dưỡng những giá trị tinh thần như tâm từ bi và tình yêu thương, vốn là cội nguồn của tôn giáo, chỉ có được trong tương quan với một đối tượng. Từ quan điểm trên, chúng ta có thể hiểu được tất cả chúng sinh đã tử tế với mỗi người trong chúng ta như thế nào khi mang đến cho ta một cơ hội dễ dàng để phát khởi lòng yêu thương và tâm từ bi.

Nếu bạn chưa phát khởi tâm từ bi thì giờ bạn có thể phát khởi. Nếu bạn đã phát khởi rồi thì bạn có thể làm tăng trưởng nó. Cuối cùng, cách thức để đạt được trạng thái của một Đấng Chiến Thắng toàn giác bắt nguồn từ việc thực hành tình yêu thương và tâm từ bi này. Nhưng nếu không có chúng sinh, hẳn chúng ta không thể sinh khởi lòng yêu thương và tâm từ bi. Và nếu không có chúng sinh, hẳn chúng ta cũng không có được sự dũng mãnh và quyết tâm để khơi dậy tâm thức này.

Từ một góc nhìn thoáng hơn, nếu suy xét kỹ thì tất cả những phẩm tính tốt đẹp chúng ta có được hiện nay và trong tương lai đều là nhờ vào lòng tốt của hết thảy chúng sinh. Khi bạn có động lực mạnh mẽ làm việc vì người khác bạn có thể sống một cuộc sống đầy ý nghĩa. Khi bạn luôn hướng đến việc làm lợi lạc cho người khác, bạn sẽ nhận ra rằng mình luôn luôn hạnh phúc.

Thực tế đúng là vậy, tất cả những hạnh phúc nhất thời và rốt ráo của bạn đều phụ thuộc vào những chúng sinh tốt bụng. Về mặt nội tâm cũng vậy, bạn càng quan tâm đến lợi ích của người khác thì bạn sẽ càng được hạnh phúc hơn. Điều này rất tự nhiên, vì khi bạn có thái độ vị tha như vậy, bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc của chính mình.

Bạn càng có khuynh hướng thờ ơ với lợi ích của người khác và chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình thì bạn sẽ càng kém hạnh phúc. Khi bạn có thiện chí giúp đỡ người khác, bạn sẽ thấy hạnh phúc trong hiện tại và chính điều đó sẽ mang lại lợi ích cho bạn trong tương lai. Ngược lại, nếu bạn sống vị kỷ và có khuynh hướng bỏ mặc mọi người, điều đó cuối cùng sẽ mang đến bất hạnh cho bạn. Tóm lại, một thái độ vị kỷ sẽ hủy hoại chính bản thân bạn và những người xung quanh. Một tấm lòng luôn quan tâm đến người khác sẽ mang lại hạnh phúc cho chính bạn và những người chung quanh. Vì vậy quan tâm đến người khác chính là cội nguồn của tất cả những phẩm tính tốt đẹp. Không quan tâm đến người khác vì tính vị kỷ là nguyên nhân của tất cả sai lầm như [hướng đến] sự bình an đơn độc của Niết-bàn hoặc sự đau khổ trong vòng luân hồi. Điều đó giống như một căn bệnh kinh niên vậy.

Vì vậy, hôm nay đây khi các bạn có thể lắng nghe giáo pháp Đại thừa, giáo pháp của đức Phật về tình yêu thương, lòng từ bi và tâm Bồ-đề, cho dù bạn chưa thể thực hành được tất cả thì ít ra bạn cũng có thể hiểu được giá trị của chúng. Vào một thời điểm như thế này, chúng ta nên phát khởi một động cơ tốt, tụng đọc các bài nguyện và cố gắng phát tâm Bồ-đề. Giả sử như chúng ta tìm hiểu xem chư Phật, Bồ Tát mà ngày nay chúng ta quy y đã đạt đến sự giác ngộ như thế nào, chúng ta sẽ thấy rằng [đó là nhờ] các ngài đã phát khởi tình yêu thương, lòng từ bi và tâm Bồ-đề. Vì thế, trong trường hợp của chúng ta cũng vậy, để tự bảo vệ mình trước những nỗi sợ hãi hiện nay và mãi mãi về sau, chúng ta nên khởi sự thực hành tình yêu thương, lòng từ bi và phát tâm Bồ-đề.

Giả sử chúng ta tóm lại tinh yếu của những lời dạy mà chư Phật, Bồ Tát đã đưa ra trong tám mươi bốn ngàn pháp môn thì đó hẳn phải là sự thực hành tình yêu thương, lòng từ bi và tâm Bồ-đề.

Ngay lúc này và tại đây, các yếu tố nội tâm và phương tiện bên ngoài đều đã sẵn sàng cho tất cả chúng ta. Chúng ta có một cơ hội để thực hành Chánh pháp. Chúng ta phải quyết tâm phát khởi một ước muốn vị tha giúp đỡ người khác. [Và] nếu bạn đã sẵn có một tâm hạnh như thế, bạn nhất định phải phát triển nó hơn nữa.

Để phát khởi được tâm thức như vậy, điều quan trọng nhất là phải luôn tỉnh giác. Trong cuộc sống hằng ngày, hãy rèn luyện các khía cạnh và đối tượng khác nhau của tâm Bồ-đề. Dần dần thay đổi tâm thức tiêu cực của bạn, và cuối cùng là phát khởi tâm Bồ-đề dũng mãnh, quan tâm đến người khác nhiều hơn chính bản thân mình.

Một yếu tố để phát khởi được tâm thức như thế là hãy phát tâm trước sự hiện diện của các vị thầy và nhiều người bạn tốt. Bạn quán tưởng trước mặt mình là chư Phật và các vị Bồ Tát chứng minh. Nhờ có sự hiện hữu của nhiều yếu tố nội tâm và ngoại cảnh, bạn sẽ có thể gieo cấy được một tâm thức cao quý trong sạch và nhờ đó mà thức tỉnh hoặc nuôi dưỡng các khuynh hướng trước kia. Nếu bạn không sẵn có các khuynh hướng như thế, thì việc bắt đầu tạo dựng các khuynh hướng trong sạch là cực kỳ hữu ích.

Chúng ta sẽ cùng nhau thực hành trọn vẹn nghi thức phát tâm Bồ-đề. Có hai truyền thống: một truyền thống bắt nguồn từ ngài Shantideva (Tịch Thiên) vì được thấy trong tác phẩm Tập Bồ Tát học luận (Sanskrit: Śikṣāsamuccaya) của Ngài; một truyền thống nữa bắt nguồn từ ngài Asaṅga (Vô Trước) và Serlingpa (Đại sư Kim Châu). Cả hai truyền thống này đều được tìm thấy trong tác phẩm "Giải thoát trang nghiêm bảo luận" của ngài Gampoba.

Một số học giả Tây Tạng phân loại hai kiểu phát tâm theo truyền thống của trường phái Duy thức và theo Trung quán tông. Hôm nay chúng ta sẽ thực hành phát tâm Bồ-đề theo trường phái Duy thức, truyền thống được truyền lại từ ngài Vô Trước. Chúng ta sẽ sử dụng bản văn Trang nghiêm bảo luận này.

Theo ngài Jowo Serlingpa, người đã nhận truyền thừa từ ngài Di-lặc thông qua ngài Vô Trước, có hai tiến trình là phát tâm mong cầu giác ngộ và phát nguyện tu tập [để đạt đến giác ngộ]. Tâm thức mà bạn phát khởi đó gọi là tâm nguyện.

Như vậy, thế nào là tâm nguyện? Có sự khác biệt giữa việc chỉ phát tâm mong cầu và phát tâm có thệ nguyện. Khi bạn chỉ đơn thuần phát tâm mong cầu, bạn chỉ đơn giản nghĩ rằng "cầu cho tôi đạt đạo Bồ-đề" hay "tôi sẽ tu tập cho đến khi thành tựu quả Phật vì lợi ích chúng sinh" là đủ. Dĩ nhiên, đây không phải là một tâm Bồ-đề với đầy đủ phẩm chất, nhưng vẫn là một phương cách để nuôi dưỡng tâm Bồ-đề. Tuy nhiên, khi bạn phát tâm mong cầu có thệ nguyện thì bạn không chỉ khao khát đạt đến giác ngộ vì lợi ích của chúng sinh, mà bạn còn phải có đủ sự dũng mãnh để nghĩ rằng: "Khi đã phát khởi tâm nguyện này rồi, tôi sẽ mãi mãi không bao giờ từ bỏ." Đây là phương thức duy trì tâm Bồ-đề bằng nguyện lực.

Trong dịp này, các bạn có thể phát tâm Bồ-đề với thệ nguyện. Dù vậy, mọi người không hoàn toàn giống nhau, một số người có thể do dự khi phát tâm Bồ-đề với thệ nguyện vì nghĩ rằng mình sẽ không đủ sức tu tập các pháp môn. [Nếu vậy thì] bạn có thể phát tâm đơn thuần thôi.

Việc phát tâm này được thực hiện bằng cách trước tiên là cầu nguyện, tích lũy công đức, thọ quy y và thực hành các công hạnh đặc biệt. Sau đó mới đến việc thực sự phát tâm.

Để thực hiện được điều này, trong Trang nghiêm bảo luận dạy rằng: "Vị thầy chỉ dạy cho các đệ tử thấy được những điểm tai hại trong sinh tử luân hồi và phát khởi lòng từ bi đối với mọi chúng sinh hữu tình, tin tưởng nơi Đức Phật và Tam bảo cũng như tôn kính những bậc thầy tâm linh." Theo lời dạy này thì những gì mà tôi vừa giải thích trên hẳn đã đầy đủ. Hãy lặp lại theo tôi những lời cầu nguyện sau:

"Kính lạy thầy, xin hãy rủ lòng thương tưởng đến con! Giống như trong quá khứ chư Như Lai, các vị La Hán, chư Phật giác ngộ viên mãn và các vị Bồ Tát thiêng liêng cao quý đều đã phát khởi tâm Bồ-đề viên mãn và tối thượng; cũng vậy, kính lạy thầy, xin rủ lòng lân mẫn giúp con [điền tên bạn vào] phát tâm đại Bồ-đề viên mãn."

Kế đến chúng ta phải tích lũy công đức. Đối với một số truyền thống, việc thực hành tích lũy công đức chỉ được thực hiện bằng cách lễ bái và cúng dường, không có phần sám hối. Nhưng trong dịp này chúng ta sẽ thực hành toàn bộ nghi thức gồm bảy phần. Tôi không cho là có bất cứ sai lầm nào trong việc thực hành nghi thức có nhiều phần hơn. Jigten Gonpo cũng có đề cập đến "pháp thiền định của tôi, bảy phần thực hành", và "những thành tựu của bảy phần thực hành". Vì vậy tôi cho rằng việc đọc tụng toàn bộ nghi thức kéo dài gồm bảy phần thực hành này là rất tốt. Chúng ta sẽ thực hiện nghi thức theo Bài nguyện Phổ Hiền.

Bạn hãy quán tưởng chư Phật và các vị Đại Bồ Tát đang hiện hữu trong khoảng không gian ngay trước bạn. Đối tượng chính của chúng ta là hình tượng đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong điện thờ này. Bạn hãy quán tưởng đó không chỉ là một hình tượng, mà chính là Đức Phật thật sự. Trong khoảng không gian phía trước, bạn cũng quán tưởng chư Phật và các vị Bồ Tát trong mười phương. Quanh bạn là chư vị hộ pháp khắp bốn hướng. Hãy nghĩ rằng các vị đang che chở và bảo vệ bạn chống lại những chướng ngại nội tâm và ngoại cảnh ngăn cản bạn phát tâm Bồ-đề. Hãy quán tưởng xung quanh bạn là tất cả các chúng sinh đã từng là mẹ bạn, trong hình thể con người, hiện đang chịu đựng những khổ đau khác biệt nhau của chúng sinh trong sáu cảnh giới. Hãy phát khởi tình yêu thương và tâm từ bi đối với họ. Phát khởi đức tin vào các Đấng Chiến thắng gợi lên sự khao khát chân thành muốn đạt được những phẩm chất của chư Phật cũng như lòng tin thanh tịnh đối với các ngài. Dựa trên nền tảng những điều này, bạn hãy suy nghĩ rằng:

"Tôi phải đạt được sự giác ngộ viên mãn tối thượng vì lợi ích của hết thảy vô số chúng sinh đã từng là mẹ tôi."

Nền tảng để đạt được trạng thái giác ngộ viên mãn như thế chính là sự phát khởi tâm Bồ-đề quý báu.

Tiếp theo, bạn nên nghĩ rằng:

"Hôm nay, trước các Đấng Chiến Thắng và chư vị truyền thừa, tôi sẽ phát tâm Bồ-đề viên mãn tối thượng."

Vì mục đích đó, trước hết hãy lễ bái (1), cúng dường (2) và sám hối mọi nghiệp chướng (3), tùy hỷ với mọi việc lành của chính mình và người khác (4), thỉnh cầu [chư Phật] chuyển Pháp luân (5), thỉnh cầu chư Phật đừng nhập Niết-bàn (6), và sau cùng đọc tụng bài hồi hướng [công đức cho tất cả chúng sinh] (7).

Khi bạn tụng đọc những lời nguyện này hãy quán chiếu ý nghĩa của nó trong tâm. Vì việc thực hiện nghi thức bảy phần này là phương tiện giúp chúng ta tích lũy [công đức], tịnh hóa [nghiệp chướng] và phát triển [tâm Bồ-đề], nên ngay từ lúc lễ bái chư Phật và các vị Bồ Tát, chúng ta nên cầu nguyện với một động cơ như vậy.

Rồi đọc các lời phát nguyện hành trì. Những thực hành này liên quan đến việc tạo ra công đức, được tiếp nối với nghi thức quy y, nhưng vì không được đề cập cụ thể trong bản văn Trang nghiêm bảo luận này, nên chúng ta có thể trích sử dụng phần nội dung từ các kinh văn khác. Xin lặp lại theo tôi những dòng sau đây về việc quy y. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng:

"Thâm nhập, thọ nhận, chứng ngộ và siêu việt."

Câu này đề cập đến đặc điểm thâm nhập hoàn toàn vào nghi thức thực hành với đối tượng là tất cả chúng sinh, đặc điểm thọ nhận quả vị Phật như một mục đích phải đạt được, đặc điểm nhận thức giác ngộ và đặc điểm siêu việt so với sự quy y của hàng Thanh văn và Duyên giác. Dòng trích từ kinh Hoa Nghiêm này đề cập đến những đặc trưng của phương thức quy y phi thường theo Đại thừa.

Tóm lại, đối tượng mà chúng ta quy y chính là Đức Phật, Đấng Thiện Thệ; Chánh Pháp là giáo pháp Đại thừa và những người đồng tu là Tăng đoàn Đại thừa cao quý. Mục đích của việc quy y không chỉ là mong nuốn giải thoát cho bản thân mình khỏi mọi nỗi lo sợ, mà là mong muốn giải thoát cho tất cả mọi chúng sinh hữu tình đã từng là mẹ ta thoát khỏi những khổ đau và nguyên nhân gây ra khổ đau. Việc chú tâm vào mục đích như trên và phát khởi thệ nguyện "Tôi phải đạt được quả vị toàn giác của Đấng Chiến Thắng" được gọi là cách thức quy y phi thường theo Đại thừa.

Nói chung, khi quy y chúng ta cũng bao gồm cả các vị Thanh Văn và Duyên Giác trong đối tượng quy y, nhưng ở đây chúng ta tập trung chủ yếu đến chư Bồ Tát Đại thừa và Tăng đoàn Đại thừa tôn quý. Trong lúc quán tưởng rằng chư Phật và Bồ Tát đang thực sự hiện hữu trước bạn và quanh bạn là tất cả chúng sinh hữu tình, hãy lặp lại theo tôi những lời này ba lần:

"Kính lạy Chư Phật, chư Bồ Tát mười phương, xin lắng nghe con.

"Kính lạy thầy, xin lắng nghe con.

"Con tên là [điền tên của bạn], từ nay cho đến khi đạt được tinh yếu của tâm thức giác ngộ, con xin quy y bậc Nhân trung tối thắng, Phật, Thế Tôn; quy y Chánh pháp tối thắng, pháp của an lạc, dứt trừ mọi tham ái; và quy y Tăng đoàn tối thắng, những bậc không bao giờ còn quay lại sinh tử."

Bây giờ là phần thực hành chính, phương cách thực sự để phát tâm Bồ-đề. Như tôi đã đề cập, có hai cách phát tâm Bồ-đề. Một là phát khởi ý niệm "Mong sao tôi sẽ đạt được Phật quả vì lợi ích của chúng sinh", tức là phương pháp phát tâm đơn thuần; và phương pháp thứ hai là phát tâm cùng với thệ nguyện, rằng: "Tôi sẽ không bao giờ thối chuyển tâm Bồ-đề này." Bạn chỉ nên phát tâm như vậy nếu bạn nghĩ rằng mình có thể thực hành và duy trì sự tu tập.

Những pháp tu tập nào liên quan đến việc phát tâm Bồ-đề? Nếu tôi tóm lược những điểm được giảng giải trong bản văn Bảo trang nghiêm luận này thì bạn sẽ hiểu được có bốn thực hành đạo đức, chính là bốn nguyên nhân giúp chúng ta không thối thất tâm Bồ-đề trong đời này và đời sau, và bốn yếu tố phi đạo đức góp phần vào việc hủy hoại tâm Bồ-đề.

Bốn yếu tố bảo vệ tâm Bồ-đề khỏi sự thối thất là: (1) thường xuyên tưởng nhớ đến những lợi ích của việc phát tâm Bồ-đề để phát triển nhiệt tâm trong việc nuôi dưỡng tâm Bồ-đề. (2) Phát tâm ba lần trong ngày và ba lần vào ban đêm để thực sự thúc đẩy sự phát tâm. Để đạt mục đích này chúng ta hãy thường xuyên lặp lại bài kệ sau đây:

Con nguyện quy y Phật, Pháp và Tăng-già,

Từ nay cho đến khi chứng ngộ.

Nhờ công đức bố thí và các công hạnh khác, Nguyện cho con đạt đến quả Phật để làm lợi ích tất cả chúng sinh.

Nhờ việc đọc lại những câu kệ này, chúng ta sẽ liên tục lặp lại sự phát khởi tâm Bồ-đề và thường xuyên tự nhắc nhở về tâm thức mà chúng ta đã gieo trồng trước đó.

(3) Điều quan trọng nhất trong bốn yếu tố này là chúng ta không được từ bỏ những chúng sinh mà ta đã phát khởi tâm Bồ-đề vì họ. Khi ta nghĩ đến việc làm một điều gì cho hết thảy chúng sinh, chúng ta nghĩ đến tất cả, không bỏ sót bất cứ chúng sinh nào.

Sau khi đã phát tâm hướng về tất cả chúng sinh, điều rất có thể xảy ra là vào một ngày nào đó khi phải đối mặt với những tình huống không may đột nhiên xảy đến, bạn có thể nghĩ: "Mình không thể làm bất cứ điều gì cho gã này; cầu cho điều gì đó tệ hại xảy đến cho bọn chúng..." Vậy là ước nguyện giúp đỡ tất cả chúng sinh của bạn sẽ bị tiêu tan. Tâm Bồ-đề hướng đến mọi chúng sinh sẽ thối thất. Nếu bạn từ bỏ chỉ một chúng sinh thì ước nguyện giúp đỡ tất cả chúng sinh sẽ không thành, vì bạn đã không giữ lời hứa với tất cả chúng sinh. Vì vậy, điều rất quan trọng là không được từ bỏ dù chỉ một chúng sinh mà bạn đã phát tâm Bồ-đề vì lợi lạc cho họ.

Thỉnh thoảng bạn có thể nổi giận và rơi vào một cuộc xô xát, nhưng bạn không được giữ mãi ý tưởng xấu trong thâm tâm và nghĩ rằng: "Hãy đợi đấy, một ngày nào đó tao sẽ cho mày biết tay.' Một động lực như thế là hoàn toàn sai trái. Nếu bạn cứ bám lấy một ý nghĩ như thế thì tâm Bồ-đề mà bạn đã phát khởi sẽ thối thất. Bạn có thể thực hành theo cách này: Bạn không nên từ bỏ tâm từ bi sâu xa ngay cả với kẻ thù đáng nguyền rủa và không nên đánh mất lòng yêu thương đối với người đó.

Nhất thời bạn có thể hành động chống lại những hành vi sai trái của người khác. Điều này được cho phép trong sự tu tập của một vị Bồ Tát. Chúng ta thấy trong số 44 lỗi lầm của việc thực hành tâm hạnh Bồ Tát có việc không đánh giá đúng để ngăn chặn kịp thời những hành vi sai trái.

Như vậy, việc chân thành không từ bỏ những chúng sinh mà bạn đã phát tâm Bồ-đề vì họ là thực hành công đức thứ 3.

(4) Yếu tố kế tiếp là việc tích lũy hai nhóm [công đức: phương tiện và trí huệ].

Đây là bốn nguyên nhân giúp chúng ta không thối thất tâm Bồ-đề trong kiếp này.

Để tâm Bồ-đề không thối thất trong các kiếp sống tương lai, chúng ta cần hiểu rõ bốn cách hành xử tai hại góp phần làm thối thất tâm Bồ-đề và bốn việc thiện giúp phát triển tâm Bồ-đề. Ở đây tôi sẽ không giải thích chi tiết về bốn việc làm có hại như là lừa dối các vị Lạt-ma và thầy trú trì bằng cách nói dối... Nói thật ngắn gọn, nếu bạn thực hành bốn việc thiện bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi bốn điều bất thiện kia. Nói tóm lược thì bốn việc thiện đó là:

1) Không được nói dối, dù phải trả giá bằng mạng sống của bạn. Dĩ nhiên, đôi khi có những trường hợp bạn buộc phải nói dối vì bảo vệ Chánh pháp hay những chúng sinh đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng nào đó. Nhưng bạn phải từ bỏ việc nói dối không có mục đích hay có hại.

2) Không được lừa lọc. Phải thật thà, không thiên vị và luôn có ý thức trách nhiệm cao.

3) Tán dương tâm Bồ-đề bằng việc ghi nhớ những phẩm tính của nó và không bao giờ nói xấu nó. Nếu bạn thực hành đúng theo lời dạy này "Nói chung thì bạn phải luôn nghĩ về lòng tốt của tất cả chúng sinh; và đặc biệt là phải rèn luyện duy trì một thái độ trong sáng đối với tất cả những người sơ học" thì sai lầm này sẽ không thể xảy ra.

4) Giúp người khác duy trì việc tu tập đạt đến giác ngộ hoàn toàn. Việc làm cho người khác phải hối tiếc về những hành vi tốt đẹp mà họ đã thực hiện được gọi là bất thiện. Cách đối trị vấn đề này là bất cứ khi nào có thể, hãy giúp người khác tiến gần hơn đến sự giác ngộ hoàn toàn. "Người khác" ở đây có nghĩa là tất cả mọi người, không chỉ riêng những ai thân thiết gần gũi với bạn.

Những thực hành này được gọi là bốn thiện pháp. Khi bạn thực hành bốn thiện pháp này, bạn sẽ tránh được sự nhiễm ô của bốn pháp bất thiện. Và nếu bạn tin rằng mình có thể tuân thủ những chỉ dẫn này thì nên nghĩ rằng bạn sẽ không chỉ phát tâm Bồ-đề mà còn sẽ không bao giờ từ bỏ nhờ vào sự chú tâm đến nó. Nếu [có những lúc] bạn không thể duy trì được tâm Bồ-đề, trước tiên hãy nghĩ: "Tôi nguyện đạt được sự giác ngộ viên mãn tối thượng vì lợi ích của tất cả chúng sinh; và tôi quyết sẽ đạt được." Chỉ như thế là đủ!

Những ai mong muốn phát tâm Bồ-đề xin hãy quỳ lên gối phải, trừ ai đang bị đau chân hoặc không được khỏe. Như đã đề cập ở trên, với đức tin vững vàng, hãy quán tưởng đức Phật đang ở ngay trước các bạn, và với tâm từ bi hãy quán tưởng tất cả chúng sinh vây quanh bạn. Với quyết tâm đạt đến sự giác ngộ viên mãn tối thượng vì tất cả chúng sinh, hãy lặp lại theo tôi những lời cầu nguyện phát tâm Bồ-đề như sau:

"Kính lạy Chư Phật và chư Bồ Tát mười phương, xin lắng nghe con!

"Kính lạy thầy, xin lắng nghe con!

"Con tên là [điền tên bạn vào], trong đời này và nhiều đời khác đã gieo cấy được những hạt giống lành nhờ vào sự thực hành bố thí, trì giới, kiên trì hạnh nguyện và các hạnh lành khác. Thêm vào đó là việc khuyến khích người khác làm lành và tùy hỷ với việc lành của họ. Con nguyện cho tất cả những hạnh lành căn bản này sẽ là nguyên nhân nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, cũng giống như trong quá khứ các Đấng Thiện Thệ, các vị La Hán, chư Phật giác ngộ viên mãn, và các vị Đại Bồ Tát ở các địa cao nhất đã từng phát tâm Bồ-đề.

"Con tên là ... ... , từ nay cho đến khi đạt được tinh yếu của đạo Bồ-đề, để giải thoát cho những chúng sinh chưa được giải thoát, che chở cho những ai không được che chở, mang hơi thở đến cho những ai không còn thở, và để những ai chưa hoàn toàn thoát khỏi khổ đau sẽ nuôi dưỡng tâm Bồ-đề để đạt đến sự giác ngộ tối thượng viên mãn."

Đây là lần tụng đọc đầu tiên.

Trong lần tụng đọc thứ hai, cũng như trước đây, bạn phải quán tưởng tại nơi chúng ta đang phát tâm Bồ-đề này có đủ chư Phật và Bồ Tát mười phương, sáu Bảo trang và hai Đấng siêu việt ở Ấn Độ, tám vị Đại Thành Tựu và bảy tổ dòng truyền thừa từ đức Phật Thích-ca đều đang thực sự hiện diện. Cũng vậy, từ Tây Tạng (Xứ Tuyết) hãy quán tưởng sự hiện diện tại đây của hai mươi lăm vị đệ tử đạo sư Guru Rinpoche, tám bậc trì minh trong số những bậc thầy đầu tiên của dòng Nyingma [Ninh Mã]; năm vị tổ của dòng Sakya [Tát-ca]; các vị Lama thuộc truyền thống Đạo Quả; ba vị sáng lập phái Kagyu [Ca-nhĩ-cư] là Marpa, Milarepa và Gampopa; ba anh em nhà Khampa và Kyobpa Jigten Gonpo trong số các vị Lama dòng Kagyu; Jowo Je, Ngok và Drom thuộc giai đoạn ban đầu của dòng Kadam [Ca-đương], cùng với vị đại Lama Tsongkhapa (Tông-khách-ba), vị cha lành và các đệ tử của ngài, những vị Lama thuộc phái Tân Kadam.

Hãy nghĩ rằng hiện diện nơi đây còn có những vị Lama và chư Bồ Tát của cả bốn truyền thống Tây Tạng, là những vị đã nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, thực hành Chánh pháp và truyền lại cho thế hệ chúng ta những tác phẩm tuyệt vời. Hãy quán tưởng những bậc vĩ nhân này đang ở trước bạn và chứng minh việc bạn thọ nhận giới luật để phát tâm Bồ-đề.

Chung quanh ta là những chúng sinh đã từng là mẹ ta, từ vô thủy đến nay vốn luôn tử tế. Họ khát khao hạnh phúc nhưng luôn đánh mất hạnh phúc, họ không mong muốn khổ đau nhưng luôn chìm trong đau khổ. Cũng giống như bạn, tất cả những chúng sinh ấy đều khao khát hạnh phúc và không mong muốn khổ đau, trong ý nghĩa này thì tất cả chúng ta đều như nhau. Tất cả chúng ta đều bình đẳng trong quyền mưu cầu hạnh phúc và loại trừ khổ đau. Chúng ta cũng bình đẳng trong việc sẵn có tánh Phật. Vì thế, bạn phải nghĩ rằng có được thân người quý báu này và gặp được Phật pháp là điều rất hiếm có. Đặc biệt là cả Kinh điển và Mật điển đều hiện hữu và bạn đã gặp được những bậc thầy Đại thừa. Vì vậy, bạn hãy nghĩ rằng: "Tôi phải nắm lấy cơ hội này và nhanh chóng đạt đến Chánh đẳng Chánh giác vì lợi ích của hết thảy vô số chúng sinh." Bằng sự phát khởi quyết tâm dũng mãnh như vậy, bạn hãy nghĩ: "Tôi sẽ phát tâm Bồ-đề" và lặp lại [phần phát nguyện] như trước.

Trong lần tụng đọc thứ ba, bạn nên suy ngẫm rằng sự vị kỷ giống như một rễ cây độc [gây hại]. Trong khi đó sự quan tâm đến người khác giống như một rễ cây thuốc và là cội nguồn của đức hạnh.

Ngay lúc này đây, chúng ta đã được sinh ra làm người và có khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu. Chúng ta đã gặp được những bạn đồng tu, có cơ hội để học hỏi Phật pháp, và chúng ta cũng có cơ hội để học hỏi những tác phẩm của các học giả và những đại sư ở Ấn Độ và Tây Tạng. Từ những tác phẩm này chúng ta đã học biết được sự khác nhau giữa cái đúng và cái sai. Do đó, chúng ta nhất thiết phải phân biệt được mọi điều đúng sai.

Chúng ta phân biệt đúng sai như thế nào? Tất cả chúng ta đều mong muốn tránh được khổ đau. Cội nguồn của khổ đau chính là sự ích kỷ, vì vậy chúng ta phải từ bỏ nó. Tất cả chúng ta đều ưa thích hạnh phúc và cội nguồn của hạnh phúc chính là sự quan tâm đến người khác. Chính vì thế chúng ta phải khơi dậy một thái độ quan tâm đến người khác và phát triển hơn nữa bất cứ sự quan tâm nào đã có. Hơn thế nữa, chúng ta còn phải duy trì cho được điều này mãi mãi.

Nếu bạn hỏi rằng tâm dũng mãnh hoàn hảo với sự hết lòng quan tâm đến lợi ích của người khác là gì? Đó chính là ý tưởng yêu thương chăm lo cho mọi người, là tâm Bồ-đề vị tha. Nếu bạn còn thắc mắc làm thế nào mà chư Phật tôn quý và các vị Đại Bồ Tát mà chúng ta hiện đang quán tưởng như đối tượng của sự quy y đã phụng sự hết sức lớn lao cho chúng sinh và Chánh pháp; thì đó không phải vì các ngài có thể xác khỏe mạnh cường tráng, như Jetsun Mila chẳng hạn, rất yếu đuối về mặt thể chất. Các ngài làm được như thế không phải nhờ vào thể xác, cũng không do nơi sự đông đảo hay giàu có, mà chỉ nhờ vào trí tuệ của các ngài. Sự khác biệt ở đây chính là ý tưởng thanh tịnh thuần khiết luôn mang lại lợi lạc cho người khác.

Đức Phật là toàn hảo và có đủ mọi đức tính, được trang nghiêm bởi ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, vì Ngài đã phát tâm từ bi. Trong tác phẩm Thích lượng luận (Pramāṇavārttika), ngài Dharmakīrti [Pháp Xứng] có nói:

"Nhân chính yếu đưa tới sự giác ngộ là liên tục thực hành tâm từ bi."

Tương tự, trong bài kệ quy kính đầu tiên của Tập lượng luận, ngài Dignāga [Trần-na] có nói rằng, sở dĩ đức Phật trở thành một bậc đáng tôn kính là vì Ngài có tâm nguyện làm lợi lạc cho mọi chúng sinh hữu tình. Việc thực hành từ bi dẫn tới thực hành trí huệ nhận hiểu tính Không và cuối cùng dẫn đến sự thành tựu quả Phật.

Vì ý tưởng làm lợi cho người khác là cội nguồn của toàn bộ các công đức, chúng ta nên xem chư Phật, Bồ Tát là những tấm gương và học hỏi từ công hạnh của các ngài. Vậy các ngài hành xử như thế nào? Các ngài không bao giờ có ý định làm tổn hại bất cứ ai. Các ngài luôn duy trì tâm nguyện làm lợi lạc cho người khác và thể hiện bằng hành động giúp đỡ mọi người. Nếu bạn có một tâm nguyện như thế và thực hành cũng theo cách như thế tức là bạn đã trở thành Phật tử. Trong dịp này, khi bạn có đủ trí huệ để tham gia vào hàng ngũ Phật tử và sáng suốt phân biệt được đúng sai thì sẽ có người hướng dẫn cho bạn. Bạn hãy cẩn thận đừng bao giờ cố ý đi đường tắt.

Hôm nay, các bạn đang đứng trước ngã ba đường. Bạn có thể đi lên hoặc đi xuống. Bạn có thể hướng đến hạnh phúc vĩnh cửu hay sự hủy diệt mãi mãi. Hiện nay, sự lựa chọn này vẫn trong tầm tay bạn. Chúng ta nên khát ngưỡng noi gương chư Phật và Bồ Tát. Nói ngắn gọn là từ trong thâm tâm bạn hãy phát khởi tâm Bồ-đề chân thực hướng đến sự giác ngộ viên mãn. Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể thực hành được các pháp tu này thì bạn phải quyết tâm không bao giờ từ bỏ tâm Bồ-đề.

Hãy lặp lại theo tôi lời nguyện phát tâm Bồ-đề lần thứ ba.

Đến đây chúng ta đã hoàn tất việc phát tâm Bồ-đề. Kế tiếp, chúng ta đuợc dạy là phải tùy hỷ. Chúng ta rất may mắn đã phát khởi được một tâm thức tốt đẹp như vậy, khi những điều kiện nội tâm và ngoại cảnh đều hội đủ. Đừng bao giờ để tâm thức tốt đẹp này thối thất. Khi bạn cố gắng thực hành tâm Bồ-đề, bạn có thể thấy là thật rất khó để làm được một điều gì đó có lợi cho hết thảy chúng sinh hữu tình. Nhưng về mặt tinh thần chúng ta nhất thiết phải có sự dũng mãnh để phụng sự lợi ích của tất cả chúng sinh hữu tình mà hoàn toàn không có chút ác ý đối với bất cứ chúng sinh nào. Bạn nhất định sẽ đạt được điều này nếu bạn cố gắng phát triển tâm dũng mãnh. Không cần thiết phải giảng giải gì thêm về phần giáo pháp mà tôi vừa trình bày.

Bây giờ vừa đúng mười hai giờ, và nơi đây là một địa điểm đặc biệt. Ở Tây Tạng, xứ sở của chúng tôi, Xứ Tuyết, truyền thống Kagyu của chúng tôi có bốn dòng truyền lớn và tám chi phái nhỏ, trong đó dòng Drikung Kagyu gần đây vừa xây dựng xong tu viện mới này. Sau lễ khánh thành, trong hai ngày qua chúng ta đã tạo được một mối liên kết tín ngưỡng với nhau và sự kiện này đã kết thúc một cách tốt đẹp. Tất cả chúng ta phải ghi nhớ kỹ điều này trong tâm. [Tất nhiên] tôi không cần nhắc nhở những ai đã quen thuộc với sự tu tập. Nếu có ai trong các bạn không chú tâm lắm đến sự tu tập thì từ nay các bạn nên thay đổi cách nghĩ của mình.

Khi một gia đình trở nên khá giả hơn, họ sẽ cải thiện nhu cầu ăn mặc. Hôm nay chúng ta đã có cơ hội học hỏi được đôi điều về Chánh pháp và đã được dẫn nhập phần nào vào ý nghĩa Chánh pháp. Các bạn nên cải thiện cung cách ứng xử của mình để cho thấy là bạn đã được giàu có hơn về Pháp bảo. Các bạn không nên nói năng thô lỗ, và những ai thường cãi cọ hung hăng thì nên cư xử hiền hòa hơn. Những ai trong các bạn vốn thường hẹp hòi bủn xỉn thì hãy mở rộng bàn tay [ban phát]. Có những con người mà khi vừa mở miệng ra bạn đã nghĩ ngay là họ đang nói dối. Vì vậy hãy cố gắng hạn chế tối đa những lời nói dối và cư xử chân thật. Điều này rất quan trọng.

Nói tóm lại, cho dù bạn không thể làm lợi ích cho người khác thì chí ít cũng đừng làm hại họ. Hãy luôn ghi nhớ điều này. Lời khuyên quan trọng nhất tôi có thể đưa ra cho bạn là hãy gìn giữ một trái tim nhân hậu. Đây chính là phần sinh động nhất của giáo pháp. Dựa trên nền tảng của một trái tim nhân hậu tốt đẹp mà bạn [làm tất cả mọi việc như] học hỏi, cầu nguyện hằng ngày, thực hành các pháp tu và làm công việc kiếm sống. Nếu bạn có thể làm được như vậy thì hy vọng là mọi việc trong những kiếp sống tương lai của bạn sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Cuối cùng, chúng ta nên cầu nguyện và hồi hướng tất cả công đức tu tập cho sự hưng thịnh của Phật pháp nói chung và chân lý có thể rộng truyền khắp Tây Tạng nói riêng. Vì thế, nguyện cho những lời dạy trong Kinh điển và Mật điển một lần nữa lại hưng thịnh ở Tây Tạng một cách thuần tịnh như trước đây; và nguyện cho điều đó góp phần trực tiếp và gián tiếp vào hạnh phúc nhất thời cũng như hạnh phúc viên mãn của hết thảy chúng sinh từng là mẹ chúng ta.

Nhân dịp đặc biệt này, chúng ta được tụ họp tại đây, tôi muốn cảm ơn những người đã tích cực tổ chức buổi họp mặt này. Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện cho việc sáng lập tu viện này sẽ thành tựu theo đúng kỳ vọng và dự tính của chúng ta mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Ngài Sakya Dagtri Rinpochey và hai vị Drikung Kyabgon, các vị Tu viện trưởng và các vị nhận truyền thừa Giáo pháp khác cũng đều hiện diện ở đây. Tôi chắc chắn rằng các bạn sẽ nhận lấy trách nhiệm duy trì những mục đích tốt đẹp của mình. Tôi mong mỏi các bạn tiếp tục làm như thế một cách dũng mãnh trong giai đoạn khó khăn này. Hãy quan tâm đến sức khỏe và làm việc tích cực. Tất cả chỉ có thế – Tashi delek! [– Chúc mọi điều tốt lành!]

Tóm lại,
Bậc hộ trì, Bồ Tát Quán Thế Âm,
Đã phát đại nguyện trước chư Phật và Bồ Tát.
Là sẽ che chở bảo hộ cho Xứ Tuyết.

Cầu mong cho kết quả tốt đẹp [của lời nguyện này] sẽ nhanh chóng chín mùi vào hôm nay.
Cầu mong cho chúng ta nuôi dưỡng được tâm Bồ-đề cao quý và siêu việt,
Mà trước đây chưa từng được nuôi dưỡng.
Và cầu mong cho tâm Bồ-đề đã được nuôi dưỡng sẽ không thối thất,
Mà ngày càng phát triển lớn mạnh hơn.

Dịch [từ Tạng ngữ] sang Anh ngữ: Ven. Lhakdor, Dorje Tseten và Jeremy Russell.

Trích từ: CHO YANG, The Voice of Tibetan Religion & Culture, Bài số 6.

Biên tập: Pedron Yeshi và Jeremy Russell.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...