Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

Luan ve Tam Tanh



Diễn đọc: Trường Tân

2974. Tâm là gốc, rộng lớn, bao gồm muôn pháp
Pháp thế gian và pháp xuất thế gian
Tâm bất sinh diệt, Tịch Chiếu càn khôn
Chỉ một tâm này, chỗ dụng của thánh phàm có khác
Kẻ phàm phu đưa tâm vào trần cảnh
Lấy tham sân si làm đất dụng tâm
Rong chơi trong ái, dục, sát, đạo, dâm
Tự tạo nghiệp, theo quả nhân lưu lạc
Kẻ chạy theo trần quay lưng với giác
Như Lai xót thương dạy lìa vọng hợp chân
Với người sơ cơ, Phật dạy "dứt vọng là chân"
Khi thuần thục, dạy "vọng và chân đồng thể"
Như gió lặng sóng yên, nước hồ tĩnh lặng
Tuyết sương tan dưới ánh thái dương hồng
Nước là băng, sóng là nước, thể tánh đồng
Nhưng tướng và dụng thì nghìn trùng khác biệt
Cho nên nói,
"Tu đức hữu công, tánh đức hiển hiện"
Vọng Hoặc trăm đường, qua lại, đẩy đưa
Nếu chưa hiện tướng tu, miệng nói tánh, cũng bằng thừa
Nên mãi mãi là chúng sinh, dù bàn cao, luận hạ
Vì vậy, Bồ Tát Quán Tự Tại hành thâm bát nhã
Mới chiếu soi năm uẩn thảy là Không
Cho dù phàm phu học: "ngũ uẩn là chân như diệu tâm"
Nhưng tâm mình không tu sửa thì diệu tâm thành trần trược.
Khi nước cuộn phong ba, hạt sương thành băng tuyết
Tướng theo tướng, luân hồi, còn biết tánh nơi nao
Khởi tâm tu, gió lặng, nước thôi chao
Vọng tình khởi như nước kia cuồn cuộn sóng
Lìa vọng dục, sáu căn đều hỗ dụng
Nước, lửa, dung thông theo tâm chuyển tùy nghi
Trên cõi hư không, ngồi, đứng, đến, đi
Nên Lăng Nghiêm nói,
"Kẻ quy nguyên, mười phương hư không tan biến."
Quy nguyên có nghĩa là hồi quang phản chiếu
Khôi phục tánh chân sẳn có tựa ngọc châu
Y giáo phụng hành, xứng tánh khởi tu
Kẻ cùng tử chính là con trưởng giả
Chư Phật từng là chúng sinh gia công tu đức
Triệt chứng tánh đức bởi xứng tánh khởi tu
Lấy Phật tánh làm nhân địa, từ đó dụng công phu
Biết gương có tánh sáng nên năng lau chùi bụi bám
Đến một ngày gương sạch trong, chiếu rạng
Hình tướng đến đi, gương vẫn an nhiên
Trí tuệ hiển thông, đoạn sạch não phiền
An trụ tánh tịch quang nhưng thường chiếu.
Hóa độ chín pháp giới xuất ly sinh tử
Với chúng sinh, tánh đức, tu đức đều mê
Quang minh không hiện vì chẳng biết gương kia
Tánh vốn sáng nên không năng lau cho gương tỏ
Vẫn biết tánh sáng không do lau chùi mà có
Nhưng nếu không lau, gương sáng được hay sao
Quen sống trong não phiền, ôm ấp trần lao
Thân khẩu ý cùng tham sân si kết bạn
Biết ngày nào xoay chân về cố quán
Thọ dụng gia tài vốn sớm có phần
Nếu biết rằng Phật tánh có ba nhân
Hẳn thông suốt, lòng không còn nghi hoặc
Chánh nhân Phật tánh là Pháp thân thường trụ
Nơi phàm không giảm, nơi thánh không tăng
Không nhiễm, không tịnh dù sinh tử hoặc Niết Bàn
Chúng sinh mê chánh nhân, chư Phật thì chánh giác
Liễu nhân Phật tánh tức là chánh trí
Chánh trí nương kinh mà biết chánh nhân
Tìm lại cội nguồn, bỏ vọng về chân
Liễu ngộ chân nguyên, phục hồi bổn tánh
Nhân thứ ba là duyên nhân Phật tánh
Là trợ duyên giúp tăng trưởng tuệ tâm
Liễu Ngộ tức là đã rõ chánh nhân
Chứng là tu thiện pháp để tiêu trừ Hoặc Nghiệp
Do vô minh tạo nhân duyên hư huyễn
Tội phước xoay vần, chốn chốn sinh thân
Tùy nhiễm hay tịnh duyên mà có tứ thánh, lục phàm
Nhiễm khởi Hoặc, tịnh chứng Chân, đoạn Hoặc
Lúc tạo nhân thiện, khi gây nhân ác
Quả theo thân chẳng khác bánh xe quay
Chợt thăng thiên, chợt độn thổ chẳng định kỳ
Tâm tán loạn, bềnh bồng trong thiện, ác.
Nếu đoạn Kiến, Tư, chứng Thanh văn, Duyên giác
Phá vô minh, chứng Bồ tát từng phần
Phước tuệ viên mãn, tu đức đến tận cùng
Tánh đức phô bày, chứng thành Phật quả.
Tận công, tận dụng, Phật vị là kết quả
Tánh viên chân sẳn có, gọi bản tâm
Không thêm vào, không lấy bớt cội mầm
Vốn rạng rỡ, vén mây, vầng nguyệt bạch
Nếu không tận dụng công đức sẵn nơi tự tánh
Từ 52 quả vị, tứ thánh, cho đến phàm phu
Theo chỗ nông, sâu, mà tâm trụ khác nhau
3063. Chân tánh một bầu trạm nhiên, thường tịch.

Luận về ngộ chứng

Xưa nay ứng hóa thân có cao tăng và Phật Tổ
Dấu kín tông tích, hiện tướng trạng phàm phu
Trí Giả Đại Sư được nhìn như một Tiểu Thích Ca
Nhưng lúc lâm chung, khi môn sinh hỏi vế quả chứng
Đáp lời rằng,
"Nếu ta không bận lòng vì đồ chúng,
Hẳn là chứng được thanh tịnh sáu căn
Nay chỉ đắc Ngũ Phẩm bởi lo việc hóa hoằng".
Trong Viên giáo, Ngũ Phẩm là Quán Hạnh
Chưa đoạn trừ Kiến Hoặc và Tư Hoặc
Tuy sở ngộ cùng chư Phật tương đồng
Người chân tu không phô đức bày công
Dạy kẻ hậu sinh luôn nhún nhường, khiêm nhẫn
Nay bè lũ chúng ma thường khoe chứng đắc
Đại vọng ngữ, tự chuốc tội vào thân
Sánh với Ngũ Nghịch, Thập Ác nặng đến vạn ức lần
Địa ngục A tỳ giam thân vô số kiếp
Có đáng chi chút hư danh phù phiếm
Vì dúm lợi cỏn con, chịu đọa lạc thiên thu
Chứng Thực Tướng trong một đời, phải là bậc đại trượng phu
Há kẻ mê danh hám lợi mà hòng đối ứng.
Chí khí cao, hiềm vì hạnh chưa cân xứng
Làm ô uế tánh linh, thêm cô phụ Phật ân
Phàm phu có thể đại ngộ nếu là hạng lợi căn
Hiển giáo gọi là "đại khai viên giải"
Hàng "danh tự tức Phật" trong Viên giáo
Ngũ trụ chưa trừ nhưng sở ngộ cùng Phật tương ưng
Dù chế phục nhưng chưa trừ diệt não phiền
Nếu đoạn Kiến Hoặc thì chứng liền Sơ tín
Đoạn Tư Hoặc thì chứng liền Thất tín
Chứng lục căn thanh tịnh hỗ dụng hỗ tương
Có đại trí tuệ và đại thần thông
Thần thông Tiểu thừa không thể nào sánh kịp.
Nam Nhạc Tuệ Tư trước và sau khi thị tịch
Hành trạng bất tư nghì khiến người khởi tín tâm
Nam Nhạc và Trí Giả đều là Đại sĩ Pháp thân
Chỗ thực chứng khó ai so lường được.
Chứng thực tướng,
Phá một phẩm vô minh, bắt đầu vào sơ trụ
Ngộ là thấy đường về nhà như núi hiện lúc tan mây
Chứng là về đến nhà, ngồi, đứng tùy nghi
Bồ tát Sơ địa không biết chỗ cất chân, giở tay của hàng Nhị địa
Biết ý nghĩa thì càng nên cầu sinh Tịnh độ
Dù chưa đạt đến chỗ Năng Sở tiêu vong
Dù chưa đến chỗ kiến tánh minh tâm
Nương Phật lực thọ thân nơi cõi Tịnh.
Người đời nay dùng thế trí biện thông để vào thực tướng
Chẳng mấy người biết phản bổn hoàn nguyên
Nếu biết niệm niệm hồi quang thì không bỏ lỡ bao phen
3113. Thấy được đệ nhất nghĩa ngay nơi nhánh cây, viên sỏi.

Luận về Tông, Giáo

Giảng sư thích giảng thiền trong thời mạt pháp
Công án trở thành hiểm họa cho người
Chấp vào những câu chuyển ngữ mà phỏng đoán nghĩa đầy, vơi
Thay vì giữ tâm tịnh gia công tham cứu
Công án giúp người bước vào cùng cảnh giới
Không phải là thí dụ của bậc thánh nhân
Hiểu lầm nên mang Tông phá Giáo, mang Giáo phá Tông
Trở thành tệ nạn lưu truyền trong tứ chúng
Càng thuyết giải càng xa lìa ngộ, chứng
Nên chư Tổ dùng chuyển ngữ tìm kẻ hợp cơ phong
Kẻ quen luận suy theo chữ nghĩa sẽ mông lung
Chẳng thể dùng văn ngôn toan hợp lý
Đời nay lắm kẻ học đôi ba câu đắc ý
Chẳng hiểu chi pháp Phật, pháp thế gian
Sơ phát tâm liền gia nhập thiền tông
Hàng tri thức cũng xiển dương dù chưa triệt ngộ
Không cẩn thận nhìn mỗi lời Phật Tổ
Lợi hại khó lường như thuốc độc và đề hồ
Người đời nay lo lắng việc thu thập môn đồ
Như kẻ đui dẫn kẻ mù kéo nhau vào lửa đỏ
Giáo độ khắp ba căn gồm thu lợi, độn
Tông chỉ độ thượng căn, không nhiếp được hạ, trung
Kẻ hậu sinh khó lãnh hội được cơ phong
Thích lập lại công án để phô bày cái biết
Vỡ tung một thoại đầu có thể nhân tâm trực chỉ
Như Tăng Diêu vẽ rồng, khi điểm nhãn liền bay
Nhưng buổi mạt thời, tánh khí đã suy vi
Nên học giáo để tỏ tường gốc ngọn
Thiền, xiển dương tông phong, dùng giáo làm ấn chứng
Giáo, lúc tu trì không lấy thiền ngữ lạm bàn
Pháp Phật không cao thấp hoặc hèn, sang
3145. Do căn cơ nhiều ngã, lợi ích liền khác biệt.

Luận về trì chú

Trì chú chỉ nên như một trợ hạnh
Niệm Phật luôn là chánh hạnh khắp mọi thời
Cầu vãng sinh Tín-Nguyện-Hạnh khó đổi dời
Phàm phu cảm, vì đạo giao nên Phật ứng
Nghiệp lực chúng sinh hằng muôn triệu ức
Nếu quên Phật A Di Đà khó nỗi xổ lồng
Lực dụng vô biên vô lượng pháp môn
Không thể sánh với pháp môn Tịnh độ
Do tụng kinh, trì chú gieo trồng phước tuệ
Nếu trì chú cầu thần thông tức bỏ gốc, ươm cành
Đạt đạo rồi thần thông tự nhiên sanh
Nếu không đạt đạo, dù có thần thông cũng làm chướng đạo.
Người trì Chú không nên khởi tâm phân biệt
Tôn sùng chú Phạn văn, khinh rẻ Chú phiên âm
Phải biết rằng người dịch kinh chẳng phải hạng tầm thường
Chớ thấy bản văn có khác mà sinh lòng khinh thị
Thần lực của Chú muôn ngàn năm một vị
Trì Chú và khán Thoại Đầu, phương pháp như nhau
Tuy không hiểu nghĩa nhưng trì đến chuyên tâm
3165. Chí thành kính thì nghiệp tiêu, khai mở trí.

Luận về xuất gia

Pháp Phật làm nền cho chúng sinh trong chín cõi
Người trì trai, niệm Phật, số hằng muôn
Nhưng có được mấy người khiến mối đạo thịnh hưng
Nên người xuất gia chớ quên lưu truyền Phật pháp
Người triệt ngộ tự tánh, tâm Bồ đề khai phát
Lại chọn niệm Phật làm chánh hạnh tu trì
Cầu nguyện lực Phật A Di Đà mau chóng thoát ly
Người như vậy chẳng phải là dễ gặp
Biết bao kẻ thân khoác ca sa, đầu cạo tóc
Mượn danh tăng nhân, ni chúng để hưởng nhàn
Kẻ thì xưng danh con Phật làm kể ngụy trang
Dù chưa phá giới cũng đã là bại chủng.
Kẻ phá giới hẳn nhiên sa địa ngục
Chẳng biết xuất gia là bậc đại trượng phu
Há dành cho kẻ hạ liệt tham cầu
Bởi trọng trách người xuất gia ai dám gánh
Phải là người phá vô minh, hiển Phật Tánh
Mới đưa vai gánh gia nghiệp Như Lai
Xiển dương đạo hạnh, lợi ích muôn loài
Thắp đuốc tuệ nối giống dòng chư Phật.
Nay trong tăng chúng dẫy đầy hàng bội bạc
Người chân tu không đếm được mấy ai
Niệm Phật còn chẳng xong, nói chi đến gánh mối đạo Như Lai
Kể chi đến bảo tồn nguồn tuệ mạch
Xưa nhà Minh đưa ra kỳ khảo hạch
Vấn điển kinh với người muốn xuất gia
Đời nhà Thanh phá bỏ luật ông cha
Sinh tệ nạn trong hàng hàng tăng sĩ
Cho tùy ý xuất gia chỉ nên với người thượng trí
Với kẻ hạ căn khó tránh nỗi nguy nàn
Người thượng căn chẳng dễ gặp cõi thế gian
Kẻ hạ trí dẫy đầy trong hiện đại.
Lông bò thì nhiều, vảy rồng đâu có mấy
Thanh tịnh tăng chẳng đếm được bao người
Nhận cho xuất gia nên chọn kẻ thiên tư
Phát Bồ đề tâm giúp người, lợi vật
Riêng người nữ, nên sống tại gia, tu Phật
Bởi dù chân tu cũng không dễ tùy nghi
Không dễ ngồi nằm, ăn ở, đến đi
3205. Huống chi việc vào chốn hiểm nguy truyền mối đạo.
Lại nói về quỳ hương, tý hương là môn lược khảo
Xưa Tổ Linh Phong ngày ngày trì Phạm Võng, Lăng Nghiêm
Nên thường châm hương vào tay để tự nhắc đạo hạnh thiêng liêng
Để đối trị tham thân, mến sắc, là tập khí
Trong hạnh lục độ, đây là bố thí
Thấy người cho, kẻ nhận, vật là Không
Bố thí ba la mật, đến được Tam Luân
Lại thể hiện được Tứ Hoằng Thệ Nguyện
Nếu kẻ quỳ hương, tý hương có tâm bất tịnh
Chuộng hư danh, chấp công đức, ngã, nhân
Thì dù cho có đốt cả toàn thân
Cũng chẳng khác việc làm vô ý nghĩa
Nên kinh Hoa Nghiêm nói,
Rắn uống nước thành nọc độc, bò uống nước thành sữa
Người trí càng học càng mau chứng Niết Bàn
Kẻ ngu si càng học thì kiến chấp càng tăng
Sở-tri-chướng mở rộng đường sinh tử
Tâm Bồ tát tựa hư không, lời lời như thiên sứ
Dùng muôn phương kế, hòng lợi lạc quần manh
Phàm phu chưa đắc pháp-nhẫn-vô-sinh
Chớ bắt chước khiến thân tâm tổn hại.
Tuy rằng pháp tu có lục độ vạn hạnh
Việc lợi người chính là việc lợi mình
Nhưng kẻ hạ, trung căn hãy nên tùy phương tiện tu hành
Dù bước chậm nhưng vững vàng chẳng ngã.
Chớ buộc người bệnh phải làm theo công khóa
Tụng mấy thời, niệm mấy chuỗi mới là xong
Phải biết rằng công đức có từ tâm
Tùy hoàn cảnh, căn cơ mà tu tập.
Muốn cầu vãng sinh, trước phải buông bỏ tâm hỗn tạp
Tu sửa chính tâm mình là việc đầu tiên
Tận lực, tận tâm, riêng việc họa phước, cát hung
Niệm Phật sám hối, sẽ hóa lành, chuyển dữ.
Kẻ chẳng biết lập mạng thì chẳng phải là quân tử
Lập mạng do tận tâm, tận lực tu trì
Kẻ buông xuôi, giải đãi, mặc nhân quả an bài
Rồi lớn tiếng đổ thừa cho số mạng.
Người ý chí kém hèn nghĩ rằng khi quá vãng
Chỉ mong không sa vào ba cõi tam đồ
Đâu biết rằng nếu chẳng thể vãng sanh
Ai dám bảo sẽ chẳng sa ác đạo?
Không nguyện về Tây phương, tức theo nhân thọ báo
Sáu nẻo luân hồi theo thiện ác xuống lên
Biết đời sau còn gặp được thiện duyên
3250. Nghe hiệu Phật, tu theo kinh Phật dạy.

Luận về báng Phật

Phật nhìn tất cả chúng sinh đều là Phật
Tùy thuận căn cơ thuyết pháp độ quần manh
Giúp tiêu trừ vọng nghiệp, hiển bổn tâm
Chúng sinh thấy Phật là chúng sinh trần tục
Nên chín mươi lăm ngoại đạo nơi Thiên Trúc
Tại Trung Hoa thì có bọn hủ nho
Dốc một lòng hủy diệt, báng Phật môn
Phá hình tượng, đổi tên danh vị Phật
Ví như trẻ dùng tay che mặt nhật
Càng cố công càng lộ rõ chỗ ngu si
Có biết đâu tâm Phật bất tư nghì
Kẻ nghe được câu kinh như gieo trồng hạt giống
Như giọt mưa xuân thấm nhuần khắp chốn
Tươi mát cội mầm, nẩy lộc non xanh
Xưa nay,
Văn chương chỉ vài ba nơi nổi tiếng, thịnh hành
Riêng giáo pháp lan tràn muôn cảnh giới
Bốn biển, năm châu, hằng vô số cõi
Khác Nho gia, Phật lấy giác làm tông
Khiến Thủy giác và Bổn giác hòa chung
Viên tánh đức tức tựu thành quả Phật
Nho gia nói về việc minh minh đức
Phật lấy việc thấy tánh rạng rỡ bản tâm
Thanh văn, Duyên giác đoạn Kiến, Tư Hoặc đắc lục thông
Trải 41 địa , phá vô minh thành Phật vị.
Thủy giác hợp bổn giác, chánh chân bất nhị
Phật tùy duyên thuận nghịch lợi quần manh
Đức Thích Ca vô lượng kiếp độ sinh
Ứng thân trải khắp ba nghìn thế giới
Tùy cơ lập giáo, ra vào các cõi
Khi thị hiện sinh thân, khi thị hiện Niết Bàn
Như vầng dương rực rỡ chẳng khi tàn
Như ông lái đưa thuyền hai bến nước
Kẻ ngoại đạo trộm lời kinh nối sau, nối trước
Lại dùng danh hiệu Phật để tu tà
Phật thương đời nên không ngớt lại qua
Hiện muôn thân tướng, gọi người trong cõi mộng.

Luận về kinh điển

Người minh mẫn học giáo tông, tánh tướng
Vẫn phải lấy Tịnh tông làm chánh hạnh tu hành
Kẻ căn cơ thấp kém, thiếu thông minh
Càng nên chọn Tịnh tông làm tuệ mạng
Pháp Phật vô biên, khó liễu thông tường tận
Không dễ gì theo sách vỡ thấy được chân như
Việc hiệu đính bản kinh không khéo thì hư
Chớ vội vã phê bình không chính đáng
Kinh Hoa Nghiêm là vua trong tam tạng
Các kinh Đại thừa lấy thật tướng làm tông
Diệu Pháp Liên Hoa quy nhất hội tam
Khai Tích hiển Bổn, khai Quyền hiển Thật
Tông Thiên Thai nói rằng,
Diệu Pháp Liên Hoa thuần viên, độc diệu
Vượt qua Quyền, chỉ giảng đốn giáo môn
Nhưng phải biết rằng,
Mỗi tàng kinh ứng hợp pháp viên thông
3305. Năm thời giáo vì đối cơ mà lập.

Luận về bốn cõi Tịnh độ

Cũng như vậy, nay nói về bốn cõi
Phàm Thánh Đồng Cư là cõi đới nghiệp vãng sinh
Cõi Phương Tiện Hữu Dư là cõi của Nhị thừa
Đã đoạn diệt Kiến Hoặc và Tư Hoặc.
Cõi Thật Báo của hằng sa Bồ tát
Đoạn vô minh và chứng đạo từng phần
Thường Tịch Quang là cõi Phật Pháp Thân
Thường tịch thường chiếu, bát nhã và giải thoát.
Luận về sự lý, đọc Di Đà Yếu Giải
Trí đức và Đoạn đức thảy viên dung
Nên biết rằng,
Cõi Thật Báo và Tịch Quang, vốn dĩ hòa chung
Bởi xứng tánh nên gọi là Thật Báo
Tịch Quang tức nhập vào ngôi Phật bảo
Gọi là hai nhưng tánh tướng nhất như
Tánh là Tịch Quang, tướng như vi trần hiện khắp thái hư
Tánh như gương báu, tướng đến đi đều rõ mặt
Hồ đến thì hiện Hồ, Hán đến thì hiện Hán
Vì muốn người dễ rõ thông nên mới nói cách ly
Hữu tướng, vô tướng, hữu vi, vô vi
Cùng nghĩa ấy, tuy có cao, có thấp.
Nhưng chẳng phải vô tự hơn hữu tự
Chẳng phải vô vi luôn siêu việt hữu vi
Bởi có người chẳng tin cảm ứng bất tư nghì
Cho rằng cảnh Phật chỉ do tâm biến hiện.
Thiền lấy tự tánh nguyên lai làm tông chỉ
Tịnh lấy Tín-Hạnh-Nguyện mở đường đi
Bởi đời này người thượng trí khó gặp thay
Nếu lại dạy người tham cứu câu niệm Phật
Phàm phu dù tham cứu được, vẫn chỉ là tỏ ngộ
Tham không xong, thì diệu ngộ chẳng phải gần
Biết "kẻ niệm Phật là ai", tức thấy được tánh chân
Đà đến chỗ đại ngộ và đại triệt.
Cũng chớ cho rằng Tịnh tông dành cho người hạ liệt
Người cầu sinh đất Phật há ngu si?
Người tham thiền đời nay thiếu thiện tri thức chỉ bày
Khó có thể đến chỗ minh tâm kiến tánh.
Có thể nói: "Cảnh kia tùy tâm hiện"
Nhưng chẳng thể cho rằng không có cảnh Phật lúc lâm chung
Vốn biết rằng không một cảnh ngoài tâm
Nhưng cảnh giới Phật là pháp môn tu chứng
Như kẻ về đến nhà, sau tháng năm phiêu lãng
Chớ nói duy tâm mà phá hoại pháp Như Lai
Mở miệng nói "duy" thì đã lầm sai
"Tâm"? Có thật biết khi nào chân khi nào vọng?
Xưa kia Lã Thuần Dương gặp Chung Ly Quyền nơi quán trọ
Họ Lã gối đầu trên chiếc gối của họ Chung
Trải giấc mộng dài, năm mươi năm phú quý tột cùng
Lúc tỉnh dậy, nồi kê vàng chưa chín!
Đó chỉ là cảnh do thần tiên hóa hiện
Huống chi là cảnh Phật hiện, sao dám lạm bàn?
Chớ nói về cảnh Phật qua kiến thức thế gian
Tuy là "một niệm hiện ba nghìn thế giới"
Như trong một tấm gương, hiện hình muôn cảnh vật
Sông núi chập chùng, liễu múa hoa cười
Nhưng gương bất động, chẳng đổi chẳng dời
Sắc pháp thế gian mà còn như thật
Huống chi là người đã chứng tâm đồng tâm Phật
Trên đầu sợi lông hiện cõi bảo vương
Ngồi trong vi trần, chuyển đại pháp luân
Cho nên cảnh Phật hiện cũng tùy theo sở chứng
Người thấy được diệu cảnh chẳng phải là vô cớ
Bồ tát dùng Quyền hiển Thật, dùng Ứng hiển Chơn
Như Bồ tát Văn Thù ứng hiện Ngũ Đài Sơn
Như Quán Thế Âm nơi Phổ Đà hiện tướng.
Nhưng cũng lắm kẻ chưa từng thấy được
Nghe truyền tai thì tiếp tục truyền tai
Năm Quang Tự, Ấn Quang tôi đến viếng Ngũ Đài
Bởi muốn tìm đọc "Thanh Lương Sơn Chí"
Hơn bốn mươi ngày, gặp nhiều người triều bái
Kể nhau rằng thấy được Đức Văn Thù
Nói thấy thì nhiều, chẳng mấy kẻ trì tu
Nên có thấy cũng chẳng thể là thật thấy.
Luận về thần thông nên biết sư Đạo Tế
Ăn thịt uống rượu để tự che đức thánh nhân
Giả làm người ngu hòng ở lại cõi thế gian
Ăn chim chết, khi ói ra thành chim sống.
Uống chung rượu, khạc ra thành vàng tô tượng
Nếu cho rằng Bồ tát cũng như ai
Nếu người đời uống rượu, mà chẳng cùng với đời say
Nếu ăn thịt mà nhả ra sinh mạng
Thì hãy uống rượu, ăn thịt như Bồ tát
Còn bằng không, xin chớ có đa ngôn.
Cái khổ thế gian là thuốc trị bệnh chẳng gì hơn
Thân trôi giạt biến ra thành pháp bảo
Người ở Bắc Câu Lô Châu không vào được đạo
Người cõi Diêm Phù oan khổ với dãi dầu
Một đời không kết thảm thì cũng đeo sầu
Chợt nhìn lại, tiếc tháng ngày trôi nổi.
Dâng phiến băng tâm, cầu sinh về đất mới
Rũ sạch bụi hồng, tìm lại nét phong tư
Dúm phù hoa vùi dập đã bao thu
Miền phước địa, nay gieo trồng giống Phật
Ai biết được kẻ ngang tàng, bội bạc
Lại chẳng là một Bồ tát ứng thân
Đọa đày người, gây não hại khốn cùng
Như tiếng trống thúc giục người mê muội.
Nay lại nói đôi câu về xá lợi
Còn gọi là kim cốt hoặc xương thiêng
Kết tụ do Tâm và Đạo hợp thành
Chớ chẳng phải tinh-khí-thần tu luyện
Cũng không phải khi hỏa thiêu mới hiện
Nơi người chân tu, xá lợi sống tượng hình
Xương, thịt, tóc, da, mỗi mỗi kết tinh
Bởi thân ấy không phải là thân ô trược
Thiền sư Tuyết Nham cạo tóc hóa thành xá lợi
Có người trì danh, miệng nhả ngọc, phun châu
Người in kinh thấy ngọc giữa Long Thư
Người thêu tượng, đầu kim tuôn chỉ ngọc
Ngày hỏa thiêu sư Trường , trời nổi cơn gió lốc
Khói mù bay muôn dặm biết đâu là
Khói đến nơi nào thì xá lợi tựa châu sa
Đồ chúng thâu nhặt mang về hơn bốn thạch.
Tuy mầu nhiệm nhưng rõ ràng, minh bạch
Chẳng có điều chi gọi là dấu kín, bí truyền
Tà đạo dùng cách bí hiểm, buộc phải thệ nguyền
Lời độc hại tương tự như áp đặt.
Đức Thế Tôn không có pháp gì bí mật
Dạy một người không khác dạy trăm nghìn
Giữa đạo tràng nói lời chánh đại, quang minh
Không bưng bít, không đặt người canh gát
Người học Phật phải đề cao cảnh giác
Chớ lầm bọn yêu tà mượn pháp Như Lai
Khi dạy người thì cửa đóng, then cài
Luôn chiêu dụ rằng có khẩu truyền huyền bí.
Việc cầu cơ cũng là một trong những trò nhãm nhí
Chiêu cảm hồn ma giả dạng thánh thần
Hỏi chuyện thế gian thì chuyện biết, chuyện không
Hỏi Phật pháp thì nói quanh nói quẩn
Hồn nương dựa vào lòng người dẫn dắt
Thánh muốn dạy người chẳng nhọc giáng vào cơ
Lòng tham cầu sinh tai họa khó ngờ
3438. Hãy chuyên chú vào pháp môn niệm Phật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...