Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

6. NANG LUC CHUA LANH CUA TAM BI MAN



Một người có tâm từ bi có thể chữa lành cho người khác chỉ đơn giản bằng sự có mặt của mình. Bất cứ nơi nào họ có mặt, họ đều đang chữa bệnh, vì người có tâm từ bi sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ người khác bằng thân, khẩu và ý của mình. Được ở gần người có tâm bi mẫn sẽ giúp ta chữa bệnh vì ta sẽ có được sự bình an và hạnh phúc.

Chỉ nhìn thấy được gương mặt của một người tử tế, nhiệt tình cũng đã khiến ta cảm thấy hạnh phúc. Ngay cả khi đang lo lắng phiền muộn vì một vấn đề nào đó nhưng chợt nhìn thấy được một người như thế cũng đủ làm cho ta hạnh phúc và bình an. Và chúng ta muốn đến nói chuyện với họ, muốn giúp họ. Chúng ta sẽ sung sướng khi được một người có lòng nhiệt tình, có tâm từ bi đến thăm chúng ta, vì con người đó mang niềm vui đến cho mọi người. Chúng ta vui khi thấy họ bước vào phòng. Thậm chí chỉ cần được nghe đến tên họ cũng đủ là ta vui thích.

Mẹ tôi giờ đã mất, nhưng khi còn sống đã là một người rất từ bi. Mọi người đều yêu thích và kính trọng bà, không phải vì bà là mẹ tôi, nhưng vì bà luôn quan tâm đến người khác. Bất cứ khi nào tôi có cơ hội gặp và nói chuyện với bà thì bà luôn nói về các vấn đề khó khăn của những người khác. Tôi hầu như không thể nhớ ra là bà đã có bao giờ nêu ra các vấn đề bất ổn của riêng mình. Khi bị bệnh đục nhãn cầu mắt, có một lần bà yêu cầu tôi trì chú và thổi vào mắt cho bà, nhưng thường thì bà chẳng bao giờ đề cập đến những nhu cầu của riêng mình.

Mẹ tôi thường không bao giờ để cho bất cứ ai rời khỏi nhà bà mà không nhận được gì. Suốt ngày bà luôn biếu tặng cho mọi người. Khi cùng ngồi trên xe với tôi trên đường, bà luôn tỏ vẻ bối rối khi thấy những người đi chân trần dọc hai bên đường; bà rất quan tâm đến việc họ không có giày dép để mang.

Có lần mẹ tôi được mời đến viếng thăm Trung tâm Ẩn tu Tushita ở Dharamsala, Ấn Độ. Ở đó, mỗi buổi sáng chúng tôi dùng bữa bằng bánh kếp. Mẹ tôi chỉ ăn một ít, rồi gói phần còn lại bỏ vào túi. Tu viện Tushita nằm trên núi cao, nhưng mỗi ngày bà luôn leo xuống để đến đi nhiễu quanh nơi ở của đức Dalai Lama và ngôi đền gần đó, bà phân phát phần bánh kếp cho những người hành khất bị bệnh cùi đang ngồi dọc theo lối đi.

Trên nhiều vùng thuộc Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas) ở Nepal, người ta phải đi bộ vì không có đường lớn, và các gia đình thường ngừng lại trên lối đi để nhóm lửa nấu ăn. Khi mẹ tôi đi hành hương với gia đình, sau khi thổi cơm bà thường đem thức ăn cho những người khác. Vì thế cả nhà chẳng còn gì để ăn, lại phải nấu nướng lần nữa.

Ở tu viện Kopal, khi các sư tăng trẻ mang thức ăn đến cho, bà thường nói với họ: "Tôi không xứng đáng để được họ phục vụ – vì dạ dày của tôi trống trơn." Bà không có ý nói "dạ dày trống trơn" theo nghĩa đen, bà muốn ám chỉ rằng tâm bà chẳng có chút chứng ngộ nào cả.

Bà luôn quan tâm đến những người khác, nghĩ đến những khó khăn của họ, và không chỉ riêng cho những người trong gia đình tôi. Nếu có ai đang giúp đỡ bà hay đang làm việc bên cạnh bà, bà luôn hết lòng quan tâm đến việc họ phải làm việc cực nhọc vì bà.

Vì mẹ tôi rất từ bi nên mọi người đều thấy hạnh phúc khi được gặp gỡ, trò chuyện với bà. Khi chúng ta thấy một ai đó có tâm rộng rãi, nhiệt tình thì dù không quen biết, chúng ta cũng muốn ngồi xuống bên cạnh và trò chuyện cùng họ. Đây là sự đáp ứng tự nhiên của chúng ta đối với những người có tâm bi mẫn, những người luôn quan tâm đến người khác hơn chính bản thân mình.

Trong kinh Phật có nhiều câu chuyện kể về các vị Bồ Tát (Bodhisattva) hay các bậc thánh nhân, những vị luôn hy sinh bản thân vì người khác. Theo thuật ngữ Sanskrit, Bodhisattva có thể được dịch như là "vị anh hùng giác ngộ". Các vị Bồ Tát tuy chưa giác ngộ viên mãn, nhưng không hề tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình mà chỉ nghĩ đến việc chăm lo những người khác và làm việc bằng cả thân, khẩu, ý của mình vì lợi lạc cho chúng sinh hữu tình. Các ngài không chỉ mong ước người khác được hạnh phúc mà còn tự mình nhận lấy trách nhiệm giải thoát tất cả chúng sinh khỏi khổ đau và mang hạnh phúc đến cho họ. Các ngài thệ nguyện làm việc này mà không cần biết nó khó khăn như thế nào hay bao lâu sẽ hoàn thành. Với tâm đại từ đại bi, các ngài nhận lấy trách nhiệm tự mình và duy nhất chỉ riêng mình sẽ hoàn thành công việc. Đó là tư tưởng hiến dâng trọn vẹn với một trái tim dũng mãnh cực độ. Bất kỳ chúng sinh nào có được phẩm chất dũng mãnh này đều là một vị anh hùng đích thực.

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trước khi đạt giác ngộ viên mãn đã từng là một vị Bồ Tát trong hàng trăm đời sống, trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp. Tuy nhiên, không chỉ các vị Phật, các vị Bồ Tát mới có được tâm thanh tịnh này, các vị thánh trong Thiên chúa giáo cũng có tâm như vậy, chẳng hạn như Thánh St. Francis ở Assisi, nước Ý, sống cùng thời với ngài Milarepa. Dù là thuộc tôn giáo nào, Hindu, Thiên chúa giáo hay Phật giáo, hễ ai có tâm quên mình để nghĩ đến việc giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau và mang hạnh phúc đến cho họ thì đều là thánh nhân, là chúng sinh thiêng liêng. Ngay cả loài vật nếu có thái độ hoàn toàn vị tha như vậy cũng được xem là một chúng sinh thiêng liêng.

Trong suốt thời gian còn là vị Bồ Tát, đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã hàng trăm lần hy sinh thân thiêng liêng của mình vì chúng sinh hữu tình. Trong hàng trăm kiếp, đức Phật đã dùng mắt của mình tặng cho những người mù, tặng cả tay chân cho những người cần đến. Có một lần, đức Phật đã để cho một gia đình cọp sắp chết đói ăn thân thể của mình. Và Ngài đã cầu nguyện rằng nhờ vào mối nhân duyên được ăn thịt thân Ngài mà các con cọp đó sẽ tái sinh làm người và trở thành đệ tử của Ngài. Ngài cũng cầu nguyện sẽ khai mở cho họ con đường đưa tới giác ngộ. Kết quả là, nhờ vào nhân duyên kết nối đó, các con cọp sau này đã tái sinh làm người, đã nghe giáo lý trực tiếp từ đức Phật và đã thực chứng được con đường giác ngộ.

Vào một kiếp khác trong quá khứ, khi còn là Bồ Tát, đức Phật đã để cho năm quỷ dạ-xoa – loài chúng sinh hút máu – hút máu của mình và cũng cầu nguyện là sẽ ban giáo lý giác ngộ cho họ trong các kiếp sau. Kết quả là, sau này năm quỷ dạ-xoa được tái sinh làm người và trở thành năm đệ tử đầu tiên của đức Phật, đã được nghe đức Phật giảng về Tứ Diệu Đế ở Sarnath, Ấn Độ.

Vào một kiếp khác nữa trong quá khứ, đức Phật Thích-ca Mâu-ni cùng với một chúng sinh địa ngục kéo một chiếc xe chở các cai ngục đi trên một nền toàn bằng sắt nung chảy trong một địa ngục nóng. Ngài cảm thấy quá xót thương cho chúng sinh địa ngục đang cùng ngài kéo xe, đến nỗi Ngài hy sinh bằng cách tự kéo xe một mình. Ngài cũng cầu nguyện rằng Ngài sẽ chịu đựng sự đau khổ thay thế cho tất cả các chúng sinh đang có cùng nghiệp khổ như thế.

Khi Ngài phát nguyện thay thế chịu nghiệp cho các chúng sinh địa ngục, các cai ngục bảo Ngài là điên khùng và lấy búa đánh lên đầu Ngài. Lập tức Ngài được giải thoát khỏi địa ngục, và tâm thức được chuyển lên cõi trời Đâu-suất (Tushita). Kinh điển nói rằng, đó là lần đầu tiên Ngài phát sinh tâm đại bi.

Lại một kiếp khác nữa trong quá khứ khi còn là Bồ Tát, đức Phật Thích-ca Mâu-ni là thuyền trưởng của một con thuyền chở năm trăm lái buôn. Các lái buôn này đi thuyền qua biển để tìm mua ngọc. Với tâm sáng suốt, vị thuyền trưởng Bồ Tát linh kiến biết có một người trên thuyền định mưu sát tất cả các người khác. Ngài quá đỗi xót thương cho kẻ định gây tội ác và nghĩ rằng: "Tôi phải giết người này – tôi bất chấp việc giết người sẽ đẩy tôi vào địa ngục." Với sự hy sinh quên mình, Ngài chỉ nghĩ đến chuyện ngăn cản người kia không tạo nghiệp cực ác giết các lái buôn và Ngài chấp nhận tự mình vào địa ngục thay cho người kia. Và vị thuyền trưởng Bồ Tát đã làm như vậy với lòng bi mẫn không gì so sánh được.

Nói chung, hành động giết người là xấu ác, và quả là phải tái sinh địa ngục. Tuy nhiên, hành động giết người của vị thuyền trưởng xuất phát từ tâm đại bi mãnh liệt tột bực, nên thay vì tái sinh địa ngục, Ngài đã được tẩy sạch nghiệp và rút ngắn thời gian ở cõi luân hồi một trăm ngàn kiếp. Nói cách khác, nhờ vào việc toàn tâm toàn ý hy sinh quên mình cho hạnh phúc của người khác, hành động giết người của Ngài đã mang Ngài đến gần bến bờ giác ngộ hơn.

Có một câu chuyện về vị tăng trẻ tên là Tsembulwa, học trò của vị đại du-già Krishnacharya, người đã có những chứng ngộ cao cấp. Ngài Krishnacharya đang trên đường đi đến Oddiyana, một trong hai mươi bốn nơi linh thiêng của đức Vajrayogini (Kim Cang Du già Thánh nữ) để thực hiện một pháp tu tập Tantra đặc biệt trước khi hoàn tất con đường tu giác ngộ. Ngài đến bờ sông, và thấy một người đàn bà bị bệnh cùi toàn thân thể đã biến dạng. Bà ta trông rất xấu xí, da thâm bầm, rỉ mủ. Người đàn bà cầu xin ngài cõng qua sông và ngài từ chối.

Một lát sau, Tsembulwa cũng đến ngay chỗ bờ sông đó và người đàn bà bị cùi cũng van xin Tsembulwa cõng qua sông. Lẽ ra theo giới luật thì một vị tăng không thể chạm vào đàn bà, nhưng vì quá đỗi xót thương tình cảnh người bị cùi, nên ông ta không do dự hy sinh tư cách vị sư và bất chấp việc sợ lây bệnh cùi, vội vàng cõng người đàn bà trên lưng và lội qua sông. Tuy nhiên, khi đến giữa sông, người cùi bất ngờ hóa thành đức Vajravarahi một hóa thân của đức Vajrayogini. Vì Tsembulwa có được tâm đại bi vô lượng và hy sinh trọn vẹn khi giúp người bị cùi nên ngài Vajravarahi đã mang Tsembulwa trong dạng thân người lên cõi Tịnh độ của đức Vajrayogini, ở đó ông ta có cơ hội nghe Pháp và hoàn tất con đường giác ngộ.

Điều then chốt ở đây là, người bị cùi luôn luôn là Vajravarahi, nhưng Tsembulwa thấy ngài là người cùi vì các chướng ngại của nghiệp đã che mắt ông ta. Chỉ sau khi phát sinh tâm đại bi, toàn tâm toàn ý hy sinh mình để giúp người cùi, ông ta mới có khả năng thấy được người đàn bà cùi là một đấng giác ngộ. Các nghiệp bất thiện đã khiến ông ta thấy người đàn bà ở hình thức cùi lở, và ngăn không cho thấy được đó là một đấng giác ngộ, nhưng sau khi phát sinh tâm bi mẫn mãnh liệt, xót thương tột độ, ông ta đã tịnh hóa hoàn toàn các nghiệp bất thiện đó.

Một điều tương tự như vậy đã xảy ra cho ngài Vô Trước (Asanga) vị Thánh tăng vĩ đại và là một đại sư truyền thừa của truyền thống "Con đường từng bước đi tới giác ngộ". Ngài Vô Trước đã nhập thất thiền định trong mười hai năm để linh kiến đức Phật Di Lặc nhưng thất bại. Cứ sau mỗi ba năm, ngài Vô Trước chán nản và muốn rời bỏ nơi ẩn tu. Nhưng rồi, luôn có điều gì đó xảy ra để thôi thúc ngài trở lại thiền định tiếp ba năm nữa. Ngài đã làm như vậy ba lần và sau mười hai năm ngài vẫn không thấy được đức Phật Di Lặc.

Cuối cùng, ngài từ bỏ hẳn và đi xuống núi. Khi đang đi, bất chợt Ngài trông thấy một con chó bị thương toàn thân lở loét, nhung nhúc những con dòi. Thấy con chó như thế, ngài Vô Trước phát sinh lòng bi mẫn tột độ và muốn cứu nó mà chẳng quan tâm đếm xỉa gì đến mình. Nghĩ rằng các con dòi sẽ cần thức ăn để sống khi bị lấy ra khỏi con chó, ngài cắt thịt ở đùi và rải chung quanh đất. Sau đó ngài bắt đầu lấy các con dòi ra nhưng không dùng các ngón tay vì sợ làm cho các con dòi bị chết dẹp. Ngài cúi người xuống, nhắm mắt, dùng đầu lưỡi lùa các con dòi, nhưng đột nhiên thấy đầu lưỡi của mình chẳng chạm vào cái gì cả, như thể chẳng có gì ở đó. Ngài mở mắt ra và bất ngờ thấy được đức Phật Di Lặc.

Rồi ngài Vô Trước than phiền với Đức Phật Di Lặc: "Tại sao phải mất rất nhiều thời gian Ngài mới hiện ra? Con đã thiền định về Ngài rất nhiều năm!"

Đức Phật Di Lặc trả lời: "Không phải Ta không hiện ra. Ta luôn hiện ra trước mặt con, nhưng con không thấy Ta."

Ngài Vô Trước có thói quen khạc nhổ trong chỗ ẩn tu, và Đức Phật Di Lặc chỉ cho ngài Vô Trước thấy những vết bẩn của nước bọt còn dính trên áo của Ngài để chứng minh rằng Ngài đã luôn ở bên cạnh ngài Vô Trước. Rồi đức Phật Di Lặc nói: "Ta đã luôn ở đây nhưng con không thấy Ta vì những nghiệp chướng của con đã che mắt con. Những nghiệp chướng này giờ đây đã được tịnh hóa nhờ vào tâm đại bi của con. Do đó bây giờ con mới thấy được Ta."

Giây phút ngài Vô Trước phát sinh tâm đại bi cực kỳ mãnh liệt khi thấy con chó bị thương lở lói đã tịnh hóa hoàn toàn các nghiệp bất thiện của ngài, và ngài đã thấy được đức Phật Di Lặc; một sự chứng ngộ mà ngài đã không đạt được trong ròng rã mười hai năm thiền định ẩn tu.

Quên mình, hy sinh mình vì lợi ích của một chúng sinh khác – một con chó bị thương, như trong trường hợp của ngài Vô Trước – đã tạo nên một sự khác biệt lớn lao. Thương yêu chăm sóc dù chỉ một chúng sinh, bất kể là con người hay con vật, hy sinh mình để chăm sóc họ, như vậy sẽ mang lại sự tịnh hóa mãnh liệt, tẩy sạch mọi nghiệp bất thiện của chúng ta, nhân của bệnh tật và tất cả các vấn đề khác nữa. Điều đó chữa lành thân và tâm ta. Hy sinh chính mình vì lợi lạc dù chỉ của một chúng sinh thôi cũng đã tích lũy công đức vô lượng.

Như tôi đã giải thích trước, chúng ta phải chịu đựng các bệnh tật cùng với các vấn đề lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi nào chúng ta giải thoát được khỏi [thân năm] uẩn này, vốn có bản chất là khổ đau. Dù gì chúng ta cũng phải trải qua các vấn đề, vậy tại sao chúng ta không làm cho chúng trở thành những điều có lợi? Tại sao chúng ta không noi gương các thánh nhân, các bậc giác ngộ, buông bỏ bản thân mình để chăm lo cho chúng sinh mà thôi? Hành vi tích cực này đã kết quả nơi các bậc giác ngộ là họ đã nhanh chóng giải thoát khỏi mọi vấn đề và nhân của vấn đề, đã thành tựu giác ngộ viên mãn, và tiếp theo là họ giác ngộ cho vô lượng chúng sinh. Tại sao chúng ta không sử dụng các vấn đề của chúng ta theo cách như thế?

Số lượng công đức chúng ta tích tụ được từ việc chịu đựng bệnh tật và các vấn đề vì lợi ích của các chúng sinh khác sẽ tùy thuộc sức mạnh hay mức độ lòng từ bi mà chúng ta cảm thấy được, phát sinh được. Nó tùy thuộc vào việc chúng ta chăm sóc người khác như thế nào, tùy thuộc vào việc chúng ta ước muốn hy sinh mình đến mức nào để trải nghiệm đau khổ của họ. Vì vô lượng chúng sinh có cùng những vấn đề như chúng ta đang có, nên chúng ta cần phải nhận về mình tất cả các vấn đề này, và chúng ta cần phải trải nghiệm, chịu đựng các vấn đề đó vì lợi ích của chúng sinh. Vị thuyền trưởng Bồ Tát, vị sư trẻ Tsembulwa và ngài Vô Trước đã hy sinh mình để giúp đỡ dù chỉ một chúng sinh. Cũng vậy, chúng ta có thể đạt được sự thành tựu vĩ đại nhất bằng cách phát sinh tâm bi mẫn xót thương cùng cực, đồng thời hy sinh mình cho lợi ích dù chỉ là của một chúng sinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...