Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

5. Bai van qui kinh chi ro phep tham thien



Cửa vào đạo vốn cũng chẳng có chi kỳ lạ, chỉ cần tẩy sạch căn trần, lấy sự đạt ngộ làm chuẩn tắc.

Này quý vị! Nếu muốn tu hành đạt đến quả Vô thượng Bồ-đề, ắt phải kiên trì trai giới. Nếu không nghiêm giữ theo giới luật, quả Bồ-đề rốt cuộc không thể thành tựu. Vì sao vậy? Giới hạnh đi đầu trong muôn hạnh, lại là nền móng của sáu pháp ba-la-mật. Như muốn xây nhà, trước phải lo nền móng. Nếu không nền móng, chỉ xây dựng trên khoảng không thì thật là vô ích!

Giới luật là nói chung ba nhóm giới Đại thừa, bao gồm:

1. Nhiếp luật nghi giới: Dứt hết các điều ác, tức là mọi điều ác đều chẳng làm.

2. Nhiếp thiện pháp giới: Tích chứa các điều lành, tức là mọi điều lành đều vâng làm theo.

3. Nhiêu ích hữu tình giới: Không một chúng sanh nào mà không cứu độ, tức là rộng độ hết thảy chúng sanh.

Ba nhóm giới ấy giúp cho hàng Bồ Tát tu hành thành Phật. Người giữ đủ ba nhóm giới ấy mới có thể tu thiền. Nếu không phát tâm như vậy, việc tham thiền có ích gì?

Kinh Phạm Võng nói rằng: "Chúng sanh thọ giới của Phật tức là nhập vào địa vị chư Phật." Há chẳng phải vậy sao?

Kinh Phật Đảnh nói rằng: "Giới có thể sanh ra định, định có thể phát sanh trí huệ. Có trí huệ thì tâm sáng suốt, tâm sáng suốt thì thấy được tự tánh, thấy được tự tánh thì thành Phật." Chưa từng có ai không do nơi giới mà được thành Phật, thành Tổ.

Chỉ riêng một việc tham thiền thật là then chốt nhiệm mầu để vươn lên, chẳng phải là chuyện nhỏ nhoi tầm thường. Cần phải phát tâm hết sức dõng mãnh, hết sức tinh tấn. Cốt yếu cũng phải dứt sạch lo toan tính toán, đoạn tuyệt hết thảy trần duyên, đem sự thấy nghe quay về quán xét tự tánh, chỗ thấy biết thường ngày như tốt xấu, thương ghét, phải quấy đều quét bỏ đi cho sạch hết. Ví như lấy con dao bén cắt một nắm tơ, dứt mạnh một nhát là đứt sạch. Lại cũng như cắt neo phóng thuyền, thẳng đường mà lao tới. Lại cũng như một người đánh với muôn người, phải nhanh nhạy đến chẳng kịp nháy mắt, không thể chậm chạp trì hoãn. Nếu có thể phát khởi được cái ý chí quyết liệt như thế, mới gọi là có cái khí tượng tham thiền.

Đã có cái khí tượng tham thiền, giữ lấy một câu Nam mô A-di-đà Phật, như dựa vào ngọn núi Tu-di, dù có bị quấy rối hay lay chuyển cũng vẫn giữ yên chẳng động. Chuyên tâm, nhất ý, hoặc niệm ba tiếng, năm tiếng, rồi quay con mắt sáng suốt trở lại quán xét chính mình, hỏi rằng: Ai đang niệm Phật?

Chỗ nghiền ngẫm cốt yếu là phải thấy được một niệm ấy từ đâu sanh khởi. Lâu ngày khám phá ra được, lại cũng là một niệm ấy. Đã nghi lại càng thêm nghi. Lại tự hỏi rằng: Hỏi rằng ai đang niệm Phật, vậy ai đang hỏi đó? Cứ như vậy xét tới, cuối cùng là ai? Đạt được chỗ ấy rồi, phải bám lấy cho đến tận đầu mối, chẳng được buông bỏ. Như gặp được kẻ oan gia đã nhiều đời, phải bám chặt ngay lấy manh mối mà phăng theo cho đến khi biết rõ, không còn có thể nghĩ ngợi, không đợi bàn bạc, cân nhắc gì nữa. Tham thiền được như vậy, ắt phải có ngày được rõ thông.

Còn như chưa được như vậy, cần phải lắng nghe thêm mấy lời này. Người ra công tham cứu phải như kẻ bị rơi xuống giếng sâu ngàn thước, sớm chiều suy tư nghiền ngẫm cũng chỉ duy nhất một lòng cầu thoát ra khỏi giếng, hoàn toàn không có ý tưởng nào khác nữa.

Lại như kẻ bị mất đi một vật gì rất là cần yếu, sáng cũng tìm, chiều cũng tìm, đi ngang cũng tìm, đi dọc cũng tìm; tìm mà không thấy thì lúc nào cũng luôn âm thầm nghĩ tưởng đến.

Lại như con mèo rình chuột, thân tâm kết thành một khối.

Lại như kẻ đi trên cầu độc mộc, luôn phải hết sức thận trọng.

Nếu dụng tâm được như vậy, sự hôn trầm và tán loạn sẽ tự nhiên mất đi. Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, lúc nào cũng như đang bế đứa hài nhi, không một chút vội vàng, lơ đễnh.

Muốn tìm hạt châu rơi dưới nước, phải chờ lúc sóng yên nước lặng. Đang khi mặt nước xao động mà tìm thì khó lòng lấy được. Mặt nước định đã lắng trong thì hạt châu tâm thể sẽ tự nhiên hiện rõ.

Người xưa nói rằng:

Đào ao chẳng đợi trăng,
Ao thành trăng tự hiện.

Cho nên, kinh Viên Giác nói rằng:

Trí thanh tịnh không ngại.
Do nơi thiền định sanh.

Nếu quả hành trì được như vậy, chỗ công phu chắc chắn có thể nắm được. Như có đạt được thiền định trong hiện tại, cũng không nên trụ chết vào nơi đó. Phải nghiền ngẫm việc lớn sanh tử cho sáng rõ thấu đáo, thành tựu cho được trọn vẹn cái trí hiểu biết tất cả.

Người xưa nói:

Đâu chỉ quên thân, tâm chết lặng,
Ấy là bệnh trọng càng thêm nặng.
Ngồi yên xét thấu nơi nguồn cội,
Mới mong thấy tánh, rõ thiên chân.

Đó chính là:

Đầu sào trăm thước, thêm bước nữa;
Sườn núi buông tay, chết lại sống.
Như vậy mới có thể gọi là người đã xong việc.

Nhưng tuy đã xong được điều ấy, thì lại có điều khác còn nghi. Hoặc có câu thoại đầu nêu lên hoặc chẳng nêu lên, phân biệt rõ hoặc không phân biệt rõ, mạnh mẽ hay không mạnh mẽ, nhẹ yên hay chẳng nhẹ yên, hết thảy những điều ấy, cho dầu được hay mất, có hay không đều chẳng để tâm chấp trước, chỉ giữ một lòng tham cứu mà thôi, đó chính là công phu.

Nhưng tuy đã xong được điều ấy, thì lại có điều khác còn nghi. Hoặc có cảnh tốt đẹp hiện ra trước mắt, chẳng nên vui mừng, e rằng chìm đắm theo chỗ vui mừng đó. Hoặc có cảnh xấu ác hiện ra trước mắt, chẳng nên phiền não, e rằng con ma chìm đắm theo chỗ phiền não đó. Phải biết rằng những cảnh tốt xấu ấy chẳng phải từ bên ngoài đến, đều là do tâm bị hôn trầm mà sanh ra, hoặc do nghiệp thức chiêu cảm mà có. Hết thảy những gì tai nghe, mắt thấy đều là hư vọng, chẳng nên chấp trước. Cần phải tinh tấn mà thẳng tiến.

Người xưa nói: "Tài nghề của ngươi có giới hạn, điều ta chẳng nhận vốn không cùng."

Nếu như thân có bệnh, chớ nên gắng gượng mà tham thiền. Nên lễ Phật sám hối, niệm Phật cho qua lúc ấy, chờ khi bệnh khỏi sẽ tiếp tục tham thiền.

Nhưng nếu là người trí huệ, cũng có thể nhân khi có bệnh mà suy ngẫm. Nên biết rằng bốn đại vốn là không, năm uẩn chẳng thật có. Bệnh từ đâu đến? Người đang bệnh đây là ai? Nếu có thể soi rọi như vậy, cũng có lúc bừng sáng được.

Nhưng tuy đã xong được điều ấy, thì lại có điều khác còn nghi. Hoặc như tự thấy mình rõ biết thông suốt mọi việc, không nên đắm chấp vào đó, phải gấp rút mà vượt qua. Nếu trụ yên nơi cảnh giới của sự thấy biết ấy, mặt mũi chân thật xưa nay ắt sẽ bị vùi lấp mất.

Người xưa nói: "Pháp Phật chẳng phải con cá chết, há sợ nó thối nát đi sao?"

Cũng giống như bóc thân cây chuối, bóc ra một lớp, lại còn lại một lớp. Bóc ra lớp nữa, lại còn một lớp nữa. Cứ bóc mãi cho đến khi nào không còn có chỗ đặt tay vào, mới trọn thành một khối. Sau đó thì mặc áo, ăn cơm, đi tiêu, đi tiểu, khi động, khi tịnh, lúc nói, lúc nín, không lúc nào không xuyên suốt một niệm A-di-đà Phật.

Từ đó hoa tâm bừng sáng, chiếu khắp mười phương, như mặt nhật giữa trời quang đãng, như gương sáng trên đài, ngay trong một niệm đã thành bậc Chánh giác. Chẳng những sáng tỏ được việc lớn sanh tử, mà hết thảy các nhân duyên sai biệt từ trước của chư Phật, chư Tổ cũng đều thấu hiểu cặn kẽ; pháp Phật, pháp thế gian cũng đều thấu biết sáng suốt.

Tuy đã đạt tới địa vị ấy, cũng chẳng nên trụ yên, chấp trước. Cần phải chứng biết, thấu rõ nhân duyên tạo tác, chỗ thấy hợp thiền cơ, có thể được ấn khả. Sau khi được ấn khả thì phàm thánh vốn chẳng có, lấy bỏ thảy đều quên, nói chi thiên đường, địa ngục, phân chi nam, bắc, đông, tây? Khắp pháp giới chỉ một tự tánh Di-đà, tận hư không chỉ một tâm Tịnh độ!

Khi ấy liền có thể trên đầu sợi lông hiện ra cõi Phật quí báu, ngồi trong hạt bụi nhỏ chuyển bánh xe Pháp, dẫn dắt tiếp độ đời vị lai, gìn giữ cứu giúp thời pháp mạt. Người tham thiền được như thế mới là bậc trượng phu thoát ngoài khuôn khổ, riêng một mình vượt trên muôn người.

Nếu chưa được như vậy, hãy nương nhờ nguyện lực của đức Phật A-di-đà để cầu sanh Tịnh độ. Vì sao vậy? E rằng trong phút lâm chung, cảnh chết hiện ra trước mắt, tâm thần bấn loạn, chẳng thể tự chủ lấy mình, không khỏi bị nghiệp duyên lôi cuốn. Vậy nên cần phải xác thật niệm Phật, phước huệ cùng tu, một lòng hướng về Tịnh độ, nhất tâm đợi phút cuối đời.

Như vậy có thể nói là:

Lầu xưa đất cũ đành là vậy,
Về đó một phen dạ mới yên.

Than ôi! Bậc thánh ra đời đã lâu, pháp Phật ngày thêm chia biệt! Gần đây có một đám người bông lông, mắt trí đã chẳng sáng, Tịnh độ lại không tin; hiểu sai lời then chốt của Tổ sư, luận bậy ý Phật xưa đã dạy. Chẳng biết hết lòng tham cứu, chỉ một bề chấp trước nơi thân tứ đại. Ngày nay hai buổi, ngày mai ba thời, dạy người làm lụng lăng xăng, tới lui hối hả. Hiện thời tâm không định, trí không sáng, sau rồi phải đi đến chỗ điên cuồng, rối loạn. Chẳng đáng nhận của tín thí, uổng phụ linh giác của tự tâm, trôi lăn trong ba đường ác, chịu lấy muôn điều khổ sở. Chỉ bởi trước đây không gặp được bậc thầy thấu đáo, nên tu đến già cũng chỉ là món đồ vô dụng! Những kẻ tu đui luyện mù ấy, dầu cho có trôi lăn đến lúc Phật Di-lặc ra đời, cũng không có ngày tỏ ngộ sáng suốt.

Đó chính là:

Không thiền, không Tịnh độ,
Giường sắt, cột đồng chờ.
Ngàn muôn kiếp trôi lăn,
Trọn không người cứu hộ.
Khổ thay! Khổ thay!

Lời thành thật khuyên người hậu học, phải hết sức thận trọng, tinh tế. Nay ta đã phân biệt nói rõ phá trừ; phá trừ lại bị người ghét. Đối với người có trí thì là món đề-hồ ngon quý, đối với kẻ ngu mê không biết lại hóa thành thuốc độc! Như vậy đó, sai lệch trong gang tấc, lạc xa đến ngàn dặm.

Than ôi!

Trời tạnh, vầng dương chiếu sáng,
Mưa xuống, lầy lội đất bùn.
Hết lòng phá trừ mê chấp,
Sợ người chẳng đủ sức tin.
Trân trọng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...