Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

8. Nhung tran cai nhau cua tre con



Không gì có thể đem so sánh được với việc một trận cãi vã nhì nhằng của lũ trẻ lại làm hỏng đi cả một ngày ở nhà, mà lẽ ra phải là rất êm ả. Bất cứ ai đã từng trải qua kinh nghiệm về sự đấu đá của lũ trẻ đều có thể biết chính xác tôi đang muốn nói gì.


Không lâu sau ngày sinh nhật thứ hai đứa con gái nhỏ của tôi, khi tôi tỏ ý lo lắng về những trận xung đột có vẻ như ngày càng gia tăng của bọn trẻ, một người bạn nói với tôi: «Tốt hơn là anh nên làm quen dần đi với chuyện đó.» Hóa ra là cô ấy hoàn toàn đúng. Sự thật là, nếu bạn có từ hai con trở lên, chuyện xung đột nhì nhằng giữa bọn chúng sẽ là một điều tất nhiên không tránh được. Vấn đề không phải ở chỗ là những trận cãi vã như thế có xảy ra hay không, mà là giải pháp nào tốt nhất, khôn ngoan nhất để đối phó với chúng.


Tôi sẽ là người đầu tiên thú nhận rằng có những lúc chuyện nhằng nhì của lũ trẻ đủ làm tôi bực mình đến mức khá căng thẳng. Tuy nhiên, tôi đã nhận ra được rằng, giải pháp tốt nhất cho các bậc cha mẹ, ông bà, những người giữ trẻ, – nói chung là bất cứ ai cần đối phó với bọn trẻ và những trận cãi nhau của chúng – là phải làm lành với chúng, không những chỉ một lần mà là mãi mãi. Tôi biết điều này đúng là nói dễ hơn làm, nhưng thật ra bạn có còn giải pháp nào khác nữa để chọn lựa?


Có hai lý do rất chính đáng cho việc làm lành với những trận cãi cọ của bọn trẻ. Thứ nhất, khi bạn cố tình chống lại một chuyện nào đó – bất cứ là chuyện gì – điều đó sẽ làm cho sự việc trở nên dường như còn tệ hại hơn cả thực chất của nó. Ví dụ như, nếu hai cậu con trai bạn đang cãi nhau, và bạn xen vào sự việc quá sâu, để rồi can thiệp quá nhanh chóng, hoặc trở nên quá kích động, bạn có thể sẽ không còn chỉ giải quyết chuyện đấu đá giữa bọn chúng, mà thật sự là cả với những phản ứng của chính mình nữa – áp huyết tăng cao, tư tưởng suy sụp và cảm giác căng thẳng... Khi bạn chống lại chuyện đấu đá của bọn chúng, cũng giống như bạn đang nhảy vào vòng chiến. Điều này làm cho vụ việc dễ dàng nổ tung lên nghiêm trọng. Cũng có thể nói một cách khác là, cuối cùng rồi bạn phải nổi khùng lên chỉ vì một chuyện vặt.


Lý do thứ hai để làm lành với bọn trẻ là, khi bạn chống lại chúng, thật sự bạn đang khuyến khích những chuyện như vậy xảy ra thêm nữa. Trong chừng mực nào đó, có thể nói bạn đang phát đi một thông điệp sai lầm, thậm chí đang nêu lên một gương xấu cho chúng nữa. Xét cho cùng, làm sao bạn có thể đòi hỏi chuyện hòa bình nơi lũ trẻ, trong khi chính bản thân bạn lại đang có xung đột? Trong phần lớn trường hợp, bọn trẻ có thể cảm nhận được sự nổi cáu và quá khích của bạn. Điều này gợi cho mỗi đứa trẻ ý tưởng là liệu có lôi kéo bạn ngã về phía nó được hay không? Những xung đột trong lòng bạn (hay những hành động bộc lộ ra) chỉ như chế thêm dầu vào lửa.


Điều đáng mừng là, những gì diễn ra ngược lại sẽ đúng hướng. Khi bạn làm lành với những trận xung đột của lũ trẻ, khi bạn chấp nhận điều đó như là một phần phải có trong việc nuôi dạy con cái, thì sẽ không có dầu đổ thêm vào lửa. Trong thực tế, có một sự tương quan: bạn càng giữ được thái độ bình tĩnh, bàng quan và thoải mái, thì số lần xung đột của bọn trẻ cũng sẽ càng giảm dần đi.


Hẳn nhiên là cũng có những lúc bạn muốn, hoặc cần thiết phải can thiệp vào, và dĩ nhiên là để đưa bọn trẻ đi vào con đường «sống chung hòa bình». Ý tôi muốn nói đến những trận xung đột dai dẳng kéo dài ngày này sang ngày khác. Còn những lần tranh cãi thông thường, vặt vãnh xảy ra hàng ngày mới là loại xung đột mà bạn cần phải có thái độ làm lành. Vẫn giống như trong rất nhiều trường hợp khác, thái độ chấp nhận của chúng ta đối với sự việc như nó vốn có – thay vì luôn đòi hỏi nó phải theo ý chúng ta – vẫn là bí quyết để có được một cuộc sống thanh thản hơn. Khi bạn làm lành với những trận tranh cãi của trẻ con, bạn nêu gương trong việc không tham gia vào, cũng không phản ứng thái quá, đối với các vụ tranh cãi, lộn xộn. Dự đoán của tôi là: nếu bạn có thể trở nên khách quan, vô tâm và làm lành với những trận cãi vã vặt vãnh của trẻ con, không bao lâu rồi chúng cũng sẽ noi đúng theo gương của bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...