Việc bái sám, lễ lạy có thể diệt trừ được tội lỗi, sai lầm đã mắc phải hay không? Để trả lời câu hỏi này, cần có một cái nhìn toàn diện theo lời Phật dạy, thay vì chỉ suy đoán chủ quan theo ý riêng của mỗi người.
Đối với quan điểm thông thường thì khi đã mắc phải một lỗi lầm, thực hiện một hành vi tội lỗi, chúng ta có hai trách nhiệm. Thứ nhất, phải nhận chịu sự trừng phạt tương ứng với mức độ sai lầm và thứ hai là phải bồi thường, khắc phục những tổn thất, tai hại đã gây ra do hành vi sai trái đó.
Nếu chúng ta giả định việc trả lời câu hỏi này là cho những người Phật tử, thì việc bái sám, lễ lạy được đề cập ở đây có nghĩa là thực hiện đúng theo Chánh pháp, theo lời Phật dạy, chẳng hạn như tụng đọc các bộ sám pháp, lễ lạy chư Phật, với tâm chí thành sám hối sửa cũ làm mới. Trên tinh thần đó thì câu trả lời chắc chắn là có thể.
Nhưng nếu đối với những người lễ lạy với tâm tà kiến, mê tín, mong muốn cầu xin một thế lực siêu nhiên nào đó xóa tội cho mình, thì câu trả lời chắc chắn là không thể. Những hành vi sai lầm đã làm nhất định sẽ tạo thành kết quả xấu ác, và lễ lạy với tâm tà kiến si mê có nghĩa là càng chồng chất thêm sai lầm khác nữa, không thể dựa vào đâu để có thể dứt trừ tội lỗi.
Trong pháp môn tu tập của Đạo Phật, đặc biệt có các pháp nhấn mạnh về sám hối, được gọi là sám pháp. Tu tập sám pháp là một sự kết hợp giữa tự lực và tha lực, vì thế người tu tập cần phải chọn một đối tượng cho sự tu tập của mình. Tùy theo đối tượng mà có các pháp tu khác nhau như Phổ Hiền Sám pháp, Di-đà Sám pháp, Hồng danh Sám pháp... Tuy nhiên, tất cả các sám pháp đều dựa trên một giáo lý cơ bản là làm thanh tịnh tâm ý, và sự thanh tịnh đó có được là do nỗ lực của tự thân hành giả cùng sự cảm ứng đối với tha lực mà hành giả hướng đến.
Trong Thập đại nguyện vương của Bồ Tát Phổ Hiền, chúng ta đọc thấy: "Nhất giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai, tam giả quảng tu cúng dường, tứ giả sám hối nghiệp chướng..." Bái sám, lễ lạy là sự tu tập phù hợp với cả bốn nguyện này. Lễ lạy là tôn kính, cũng là một hình thức xưng tán, cũng là cúng dường, cúng dường bằng tâm thành, bằng sự lễ kính, và khi lễ lạy như thế thì phát tâm ăn năn lỗi trước, răn ngừa lỗi sau. Phát tâm lễ lạy, sám hối như thế là đúng Chánh pháp.
Trong kinh Pháp cú, đức Phật dạy: "Ý dẫn đầu các pháp." Vì thế, tu tập thanh tịnh tâm ý là sự tu tập khởi đầu, quyết định nhất. Tâm ý được thanh tịnh thì tất cả các pháp đều thanh tịnh, lời nói việc làm sẽ được thanh tịnh, do đó mọi ý nghĩ, hành vi, lời nói đều có thể tạo thành thiện nghiệp.
Lễ sám giúp thanh tịnh tâm ý, thiền tập cũng giúp thanh tịnh tâm ý. Hai phương tiện khác nhau nhưng cùng một mục đích. Lễ sám thì kết hợp nội tâm dũng mãnh thiết tha, khởi tâm tránh ác làm thiện, với sự hướng về tha lực tôn kính chư Phật, Bồ Tát để nuôi dưỡng thiện tâm vừa sinh khởi, từ đó làm thanh tịnh tâm ý. Thiền tập thì tự mình quay về quán chiếu nội tâm, dứt bặt vọng tưởng, bao nhiêu vọng tưởng dần trừ hết, để tâm ý lắng trong thanh tịnh, nên nhấn mạnh về tự lực nhiều hơn.
Nói nhấn mạnh nhiều hơn, có nghĩa là cũng không phải hoàn toàn không có tha lực. Người tu tập thiền quán do đâu mà phát tâm tu thiền? Vì tin hiểu lời Phật dạy. Nếu không có lòng tin vào đức Phật, hành giả cũng không thể tự mình tu tập. Đó là lý do vì sao việc thiền tập nơi thiền đường có tượng Phật trang nghiêm sẽ dễ mang lại hiệu quả hơn. Hơn nữa, mỗi một giai đoạn thiền tập nếu có những trạng thái chuyển biến khác lạ, đều cần có vị thầy dẫn dắt, đó cũng là tha lực. Nếu không có niềm tin ở thầy thì thiền sinh cũng khó lòng thành tựu.
Sự tu tập không phải giống như việc lắp ráp sửa chữa một thiết bị, chỉ cần mở bản hướng dẫn ra và làm theo từng bước là được. Hoàn toàn không phải vậy! Sự tương thông tâm thức giữa thầy và trò, giữa hành giả và chư Phật, Bồ Tát là thật có và đóng vai trò quan trọng trong sự thành tựu, chứ không phải chỉ hoàn toàn do nỗ lực tự thân mà có thể đạt được. Điều này chúng ta đã có bàn đến ở một phần trên.
Cùng là tu tập tâm ý thanh tịnh, nên tất yếu phải có phát sinh công đức. Tâm ý thanh tịnh, hiền thiện thì chính điều đó đã là thiện nghiệp, bởi Phật dạy rằng thân, khẩu, ý đều tạo nghiệp chứ không chỉ hành vi, lời nói mới tạo thành nghiệp. Hơn thế nữa, nghiệp tạo ra từ tâm ý còn có ý nghĩa quan trọng, quyết định hơn, bởi vì "ý dẫn đầu các pháp". Tâm ý đã thanh tịnh thì bao nhiêu tạp niệm xấu ác đều không còn, lời nói xấu ác cũng không còn, hành vi xấu ác cũng không còn, do đó tội lỗi không thể tiếp tục phát sinh. Không thể tiếp tục phát sinh, đó chính là ý nghĩa diệt tội.
Còn những tội đã tạo trước đây thì sao? Tội chướng sinh phiền não, nên người tạo ác nghiệp thì trong tâm bất an. Đem tâm tu tập sám hối tội cũ, làm cho tâm ý được thanh tịnh thì phiền não không còn, phiền não diệt rồi thì đó là bước đầu diệt tội. Nghiệp đến thì nhận, tất cả đều tùy duyên, do đó không còn tiếp tục tạo thêm nghiệp khác, đó cũng là ý nghĩa diệt tội.
Nếu sự tu tập thực sự không thể dứt trừ tội nghiệp đã tạo, thì điều đó cũng có nghĩa là không một chúng sinh nào có thể tu tập chứng quả, bởi trong kinh đức Phật dạy rằng, tội lỗi của chúng sinh từ vô thủy đến nay nếu có hình tướng thì hư không cũng không đủ dung chứa. Điều này là sự thật, chúng ta tự suy xét cũng có thể biết được. Đại sư Tỉnh Am trong "Văn khuyên phát tâm Bồ-đề" nói rằng:
"Chúng ta ngày nay trong sinh hoạt thường ngày, mỗi hành vi, động tác thường phạm giới hạnh; mỗi miếng cơm, ngụm nước luôn trái luật nghi. Mỗi một ngày qua đã phạm vô số tội, huống chi trong suốt một đời, trải qua nhiều kiếp, tội lỗi sinh khởi chắc chắn là không thể nói hết."
Nếu thực sự tin vào nhân quả, thì phải biết rằng mỗi một sự tổn hại ta gây ra cho chúng sinh đều là tội lỗi. Chúng ta sống trong đời, miếng ăn thức uống mỗi ngày đều có được từ việc gây tổn hại cho chúng sinh, thậm chí là diệt thân đoạt mạng, lẽ nào đó không phải là tội? Đừng nói chi những người ăn mặn vốn đã trực tiếp nhai nuốt xương thịt chúng sinh, đến như kẻ ăn chay thì cọng rau hạt gạo có được cũng là từ việc gây tổn hại chúng sinh mà có. Cuốc đất trồng rau là tổn hại trùn dế, bắt sâu nhổ cỏ không tổn hại sinh vật đó sao? Huống chi ngày nay không dùng đến thuốc trừ sâu thì không có nông sản thu hoạch, nên nông dân đều phải định kỳ phun thuốc, các sinh vật nhỏ nhoi bị tổn hại không thể tính đếm. Từ những việc ấy mà có miếng cơm ta ăn, ta không phải chịu một phần tội lỗi hay sao?
Bởi vậy không phải vô cớ mà đức Phật dạy rằng thế giới này là "ngũ trược ác thế", và hối thúc chúng ta phải sớm tu hành thoát ra vì "ba cõi như căn nhà đang cháy". (Kinh Pháp Hoa) Cho nên phải biết rằng, tội lỗi do tâm tạo ra, cũng do tâm biết tu tập mà diệt mất. Điều đó trong Kinh điển có dạy, không thể không tin.
Chúng ta nhìn nhận như thế không phải là bi quan hay cường điệu, mà là sự thấy biết đúng thật. Thấy biết đúng thật như vậy rồi mới có thể khởi tâm dũng mãnh tu hành, không dám buông thả, lười nhác. Các vị thánh chúng theo Phật tu hành bao nhiêu năm, kẻ ít người nhiều đều đã chứng ngộ, nhưng trước khi nhập Niết-bàn ngài vẫn còn tha thiết thúc giục các vị "không được trì trệ lười nhác, buông thả phóng túng". Huống chi chúng ta ngày nay, liệu đã học Phật được bao nhiêu, tu tập hành trì được bao nhiêu? Cho nên, Đại sư Tỉnh Am trong "Văn khuyên phát tâm Bồ-đề" mới có lời tha thiết rằng:
"Nếu không sớm khởi tâm thương mình thương người, đau xót cho người, đau xót cho mình, thân khẩu cùng thống thiết, miệng niệm lệ rơi đều chân thành, khắp vì tất cả chúng sinh, bi ai cầu xin sám hối, thì chắc chắn trong ngàn đời muôn kiếp, khó tránh được quả báo xấu ác."
Sám hối được như thế, lễ lạy được như thế, thì chắc chắn phải được tội diệt phước sinh. Không thể nghi ngờ điều đó. Kinh Tứ thập nhị chương dạy rằng, bố thí cho một người xấu ác phước đức không bằng bố thí cho người hiền thiện; bố thí cho người hiền thiện không bằng cho người giữ giới; bố thí cho người giữ giới không bằng cúng dường bậc Tu-đà-hoàn, cho đến cúng dường chư Phật. Cúng dường chư Phật phước đức rất lớn. Như trên đã nói, đem tâm thành kính lễ lạy cũng là cúng dường, không nhất thiết phải là cúng dường bằng phẩm vật. Như trong đoạn kinh văn sau đây:
"Trong lúc đức Thế Tôn đang trú ngụ tại Ràjagaha, Ngài nhập định Đại bi mà chư Phật thường trú, sau đó xuất định và quán sát thế gian. Ngài thấy ngay trong thành phố ấy tại khu vực của dân chúng Chiên-đà-la, có một bà lão sắp mạng chung và một ác nghiệp đưa đến địa ngục đã xuất hiện cho bà.
Với tâm Đại bi, muốn làm cho bà tạo một nghiệp lành đưa đến cõi trời, Ngài suy nghĩ: 'Ta sẽ an trú kẻ ấy vào thiên giới', Ngài liền cùng đại chúng Tỷ-kheo vào Ràjagaha khất thực.
Vào lúc ấy, bà lão Chiên-đà-la chống gậy ra khỏi thành, thấy đức Thế Tôn đến gần, và khi bà đối diện Ngài, bà dừng lại. Đức Thế Tôn cũng dừng lại và đứng ngay trước mặt bà như thể cản bà tiến lên.
Sau đó, Tôn giả Mahà-Moggallàna, biết tâm bậc Đạo Sư và cũng biết thọ mạng bà lão sắp hết, bèn thúc giục bà đảnh lễ đức Thế Tôn...
Khi bà lắng nghe lời Tôn giả, lòng đầy xúc động, bà phát khởi tâm tín hướng về bậc Đạo Sư, liền đảnh lễ Ngài với năm phần thân thể sát đất, và do hân hoan trước đức Phật, bà nhất tâm đứng yên lặng, đầu cúi xuống. Đức Thế Tôn bảo:
- Thế này là đủ để bà ấy lên thiên giới.
Xong Ngài vào thành với đại chúng Tỷ-kheo. Ngay lập tức sau đó, một con bò cái chạy trốn cùng với bê con, lao về phía bà già, lấy cặp sừng húc bà chết tại chỗ...
Sau đó, bà được tái sanh giữa cõi trời Ba mươi ba. Bà có một đoàn tùy tùng hộ tống gồm cả một trăm ngàn tiên nữ."
(Tiểu Bộ Kinh - Khuddaka Nikāya, Tập II, Phẩm II - Cittalatā)
Bà lão nghèo khó không có bất cứ phẩm vật gì để dâng lên bậc Đạo sư. Trước đó bà cũng chưa từng biết đến Tam bảo, không sẵn có tín tâm. Chỉ sau khi nghe lời thúc giục của Tôn giả Mục-kiền-liên, bà mới khởi tâm kính lễ đức Phật. Đức Thế Tôn nói "Thế này là đủ để bà ấy lên thiên giới", cho thấy ngài đã biết việc này rõ ràng như một kết quả tất nhiên. Và quả đúng là bà lão sau khi chết được sinh lên cõi trời Ba mươi ba, tức cõi trời Đao-lợi. Nếu việc lễ lạy không giúp tội diệt phước sinh, thì làm sao từ một bà lão sắp rơi vào địa ngục lại có thể chuyển sinh thành một thiên nữ cõi trời Đao-lợi?
Sự việc này cũng hoàn toàn phù hợp với lời dạy của Phật trong nhiều Kinh điển khác. Nên biết, tất cả tội lỗi, ác nghiệp căn bản đều do nơi tâm mà tạo thành, và bao nhiêu thiện nghiệp, căn lành cũng đều từ nơi tâm mà sinh khởi. Tu tập để làm cho tâm ý thanh tịnh là pháp tu căn bản đối với tất cả thiện nghiệp, nên không thể xem thường việc chí thành lễ sám.
Luật nhân quả vận hành với những nhân duyên phức tạp chi phối lẫn nhau, không chỉ đơn thuần như một bài toán cộng trừ giữa các giá trị thiện ác. Đức Phật đã dạy rằng, chỉ có Phật mới thấu suốt được hết nghiệp quả của mọi chúng sinh. Đó là vì có vô số những yếu tố chi phối chứ không chỉ đơn thuần như những gì chúng ta nhìn thấy được. Cũng trong Tiểu Bộ Kinh, một cô gái ăn mày xin được ít thức ăn thừa trong đó có một miếng cơm cháy. Nàng cúng dường miếng cơm cháy này lên ngài Đại Ca-diếp, và ngay trong đêm đó nàng qua đời, được sinh về cõi trời Hóa Lạc. Nếu chúng ta làm một phép toán trừ đơn giản thì miếng cơm cháy kia hẳn không thể trừ đi được bao nhiêu nghiệp xấu ác, đừng nói là có thể tạo phước sinh về cõi trời.
Do đó chúng ta có thể biết rằng, tội ác nặng hay nhẹ, phước báu lớn hay nhỏ, không chỉ do hình tướng bên ngoài ta nhìn thấy, mà còn được quyết định do tâm hiền thiện hay xấu ác, do tâm chân thành hay bất kính. Nếu tin hiểu được như vậy, thì việc lễ sám sẽ có lợi ích rất lớn lao, không thể nghi ngờ.
Tuy nhiên, nếu chúng ta lễ lạy chư Phật với tâm hoang mang, ngờ vực, không tin chắc được vào kết quả sự lễ lạy của mình, thì cho dù có lạy đến trăm ngàn lạy cũng không ích lợi gì cho tâm thức. Bởi vì lạy như thế là trong tâm không có sự chí thành cung kính, làm sao có thể giúp tâm thanh tịnh, làm sao có sự cảm ứng với tha lực của chư Phật Bồ Tát?
Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018
Sam hoi
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hien huu nhu that da va dang
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Nhờ có sự hộ niệm cho cuộc diện kiến mặt-đối-mặt như thế, cho dù thần thức có yếu đuối thế nào đi nữa, chắc chắn không còn nghi ngờ gì là c...
-
Chính vì muốn dẫn dắt khéo léo các đệ tử mà ta khai thị nhiều pháp môn khác nhau. Laṅkāvatārasūtra Kinh Lăng già Maria Montenegro...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét