Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Noi chuyen voi phat tu Ladakh



"Sống theo Pháp, bạn phải thách thức chính bản thân mình, hằng ngày."

Đức Đại-lai Lạt-ma

Tất cả mọi người đã đến tu viện (gompa) này, đã đến đây và được gặp Tôn sư; tất cả đều tới đây và được dịp trải nghiệm những cảm xúc chân thật, sâu sắc trong trái tim.

Nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa đủ! Bởi vì Pháp chân thật có nghĩa là thực sự đi thật xa vào tận bên trong. Điều đó có nghĩa là thảo luận, là đàm đạo với những người khác; có nghĩa là tranh biện, bàn luận với mọi người xung quanh và tranh biện, bàn luận với chính bản thân mình.

Nếu các bạn tới đây chỉ để gặp tôi thì chưa thể nói là tốt được. Cần phải tranh luận một cách sâu sắc, mỗi ngày phải thực hành Pháp một cách sâu sắc. Điều đó mới thực sự làm cho Pháp trở thành hữu ích đối với thế giới của chúng ta và cho con tim của các bạn.

Khi các bạn tới đây và gặp tôi, nhìn thấy điện thờ, thấy lễ puja đang kết thúc, bạn sẽ thốt lên trong tim: "Ôi! Tuyệt quá!" Nhưng điều đó chỉ trong vòng hai ba ngày là quý vị sẽ quên ngay đi, trừ phi bạn tranh biện, bàn luận với chính bản thân mình, trong trái tim mình những gì mà bạn đã nghe được khi tôi nói với bạn, với tất cả mọi người.

Vì vậy, nếu chỉ đến đây và nghe Pháp thoại thôi thì chưa thể gọi là đủ được. Phải thảo luận, tranh biện nhiều hơn, nhiều hơn nữa với chính bản thân mình để những gì đã nghe không chỉ lưu lại trong bộ óc mà còn cả trong trái tim của các bạn.

Rồi sau đó, mỗi ngày quý vị nên suy nghĩ một chút, suy nghĩ một chút... và nhờ vậy mà trái tim của quý vị sẽ mở rộng thêm một chút, và khi đó thì bài học ngày hôm nay mới có được một ít hiệu quả nào đó.

Điều quan trọng là tranh biện với chính bản thân mình về những gì mình nghe được từ bậc Đạo sư. Chỉ có bằng cách đó chúng ta mới đi sâu hơn và sâu hơn. Và lần sau khi quý vị đọc bất cứ một điều gì [về giáo pháp], quý vị sẽ hiểu điều mình đọc sâu sắc hơn. Không những hiểu sâu sắc hơn những gì tôi nói, mà cả những gì quý vị tự đọc, chính nhờ vào sự tranh biện của quý vị.

Điều mà tôi muốn nhấn mạnh chính là tầm quan trọng của việc phải đào sâu, nghiền ngẫm những gì mình nghe được hằng ngày, hằng ngày. Đó chính là sự khác biệt giữa những người chỉ đọc Giáo pháp và những người thực sự sống với Pháp. Sống với Pháp, bạn sẽ phải thách thức chính bản thân mình hằng ngày và lần nữa lại ghi nhớ và nhớ nhiều hơn, nhiều hơn. Càng nghiên cứu kỹ lưỡng một vấn đề thật nhiều lần thì khi gặp một vấn đề mới ta sẽ hiểu sâu sắc hơn.

Có một điều rất quan trọng đối với việc tham dự pháp hội là không nên chỉ đến đây như một nghi lễ long trọng mang tính tượng trưng, mà phải thực hành Pháp tại đây, phải thảo luận bài pháp đã nghe được ở đây, và phải tranh biện với bản thân và với người khác. Giống như vàng, ta càng siêng lau chùi thì nó càng sáng bóng, bằng không thì nó sẽ mờ sỉn với thời gian.

Thảo luận là phần rất quan trọng của việc thực hành pháp. Tôi rất mừng khi thấy ở Ladakh bây giờ các Phật tử đến nghe pháp rồi thảo luận với nhau. Điều đó có nghĩa là việc thực hành pháp đang trở thành một hoạt động sống động. Trước kia, mọi người đến tu viện nghe vị thầy (lama) giảng pháp, làm lễ rồi về nhà và quên hết. Họ tự nhủ: "Đó là việc của các bậc Đạo sư – các ngài phải chăm lo cho chúng sinh." Dần dần, bây giờ mọi người bắt đầu biết thảo luận, đàm đạo nhiều hơn. Đó là một dấu hiệu đáng mừng.

Theo truyền thống, một lạt-ma [tương lai] được đưa vào tu viện để dạy dỗ từ lúc mới ba tuổi – lúc còn rất nhỏ. Nói một cách nghiêm túc, một vị lạt-ma [tương lai] cần phải được giáo dục rất nhiều, cần phải học, học rất nhiều để có được hiểu biết về thế giới xung quanh – thế giới chúng ta đang sống. Có rất nhiều môn cần phải học. Bây giờ, việc trở thành lạt-ma [hay không] phải là quyết định của cá nhân người đó chứ không phải do ý muốn của gia đình. Việc làm lạt-ma phải xuất phát từ con tim chứ không phải do sức ép của truyền thống.

Khi chúng ta quyết định một người trở thành lạt-ma từ khi họ mới ba tuổi thì người đó có thể không thích việc tu học và vì vậy mà không thể làm tốt công việc đó được. Điều quan trọng hơn hết là khi một người mới ba tuổi thì hiểu biết về thế giới này còn rất hạn hẹp. Người đó còn phải học rất nhiều, rất nhiều để biết thật rõ ràng những gì đang xảy ra, trên thế giới và xung quanh anh ta.

Việc một đứa trẻ ba tuổi được chọn để trở thành lạt-ma là chuyện của mấy trăm năm về trước. Ngày nay, chúng ta sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Tất cả đang thay đổi và thay đổi rất nhanh xung quanh chúng ta.

Chỉ nghe pháp thôi không đủ, phải nghiền ngẫm về những gì đã nghe. Và điều quan trọng nhất là phải thực hành tu tập một cách tận tâm, tận tụy. Và kết hợp được cả ba yếu tố này là bảo đảm cho hành giả đạt tới trình độ mà họ có thể làm lợi lạc cho bản thân và người khác.

Trên đường đi từ Kargil tới Bokharbu tôi thấy có rất nhiều cây xanh, cây ăn trái được trồng ở các vùng đất của đạo Hồi. Nhưng khi tới vùng của đạo Phật thì thấy cây cối ít được trồng. Không phải vì chúng ta có Pháp nên không cần phải chăm lo việc trồng cây. Quý vị phải chăm lo đến việc nuôi sống bản thân, việc làm giàu cho đất đai. Chúng ta cần trồng cây vì vẻ đẹp của môi trường sống, vì nhu cầu thực phẩm và để giữ cho đất đai được phì nhiêu, màu mỡ. Có một sự khác biệt lớn giữa cách nghĩ về việc này trong văn hóa đạo Hồi và văn hóa của chúng ta. Vì vậy xin quý vị hãy học hỏi từ các tôn giáo khác.

Các tôn giáo khác như đạo Do Thái, đạo Hồi, đạo Hindu đều có những điểm xuất sắc nổi trội cần học tập. Nếu chúng ta là Phật tử chân chính thì ta phải thấy những viên ngọc quý nơi các tôn giáo khác. Cần thấy rõ sự khác biệt giữa đạo Phật và các tôn giáo khác. Và với thái độ từ bi đối với những viên ngọc quý nơi các tôn giáo khác thì việc thực hành pháp của chúng ta sẽ mãnh liệt, sâu sắc hơn nhiều. Vì vậy, rất cần có sự hiểu biết về các tôn giáo khác. Đạo Phật có nghĩa là: vừa là Phật tử vừa có tâm rộng mở để học hỏi từ các tôn giáo khác.

Đức Đạt-lai Lạt-ma ban bài Pháp thoại này tại buổi nói chuyện với Phật tử Ladakh ngày 15.9.2010.

Lama Raptan dịch Ladakh-Ấn, đạo hữu Ra Vi dịch Ấn-Anh.

Việt dịch: Hiếu Thiện, hiệu đính: Dương Đạt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...