Muốn hiểu đúng Phật lý, trước hết nên tìm hiểu về đời sống của đức Phật, người thuyết minh Phật lý. Ngày nay, với những phát hiện về đời sống của đức Phật qua sử liệu cũng như bia ký, trụ đá, không ai còn có thể nghi ngờ về tính cách lịch sử của đức Phật. Dưới đây là những nét chính cũng như ý nghĩa về cuộc đời đức Phật.
VÀI NÉT LỚN
Đức Phật vốn là thái tử Sidhāttha, con vua Suddhodana và hoàng hậu Māyā. Quê hương của Ngài là tiểu bang thuộc dòng họ Sakya, về phía Bắc Ấn Độ, kinh đô là Kapilavatthu, nằm bên sông Rohini dưới chân núi Himalaya, là vùng Terai của nước Nepal ngày nay.
Vua và hoàng hậu đều là người đức độ nhưng thường buồn lo vì không có con nối nghiệp. Nhân một ngày lễ lớn, Hoàng hậu Māyā trai giới trọn ngày và cùng vua phân phát tài vật cho dân nghèo. Đêm ấy, trong khi an giấc, hoàng hậu mộng thấy một con voi trắng sáu ngà, vòi ngậm cành sen trắng từ cao đi xuống, tiến đến gần rồi chui vào bên hông phải của hoàng hậu. Các nhà đoán mộng danh tiếng đoán rằng hoàng hậu sẽ sanh thái tử xuất chúng. Hoàng gia hết sức vui mừng và hoàng hậu thụ thai từ đó.
Đến kỳ sinh nở, hoàng hậu theo tục lệ xin phép vua trở về nhà cha mẹ để sinh. Khi đi ngang qua vườn Lumbini, hoàng hậu dừng chân ngắm xem hoa lá đẹp tươi vào buổi sáng. Trong lúc đưa tay vịn hái một cành hoa vô ưu thì bà hạ sinh thái tử. Hôm ấy là ngày trăng tròn tháng Vesak (tháng tư ở Việt Nam) cách đây hơn 2.500 năm.
Tin mừng thái tử ra đời vang khắp bốn phương. Đạo sĩ Asita tìm đến hoàng cung và xin vào thăm thái tử. Nhìn thấy những tướng tốt nơi thái tử, đạo sĩ vô cùng mừng rỡ nhưng sau đó lại buồn khóc. Vua rất lo ngại và gặn hỏi nguyên do thì đạo sĩ thưa :
"Tâu bệ hạ, thái tử là bậc xuất chúng, nếu ở đời thì sẽ là minh vương (cakkaravattirājā), nếu tu hành thì sẽ thành bậc đại thánh giác ngộ. Tôi mừng là vì một đấng Giác Ngộ đã ra đời. Tôi buồn vì nay tôi đã già, không còn sống cho tới ngày được nghe lời giáo hóa của Ngài."
Hoàng hậu Māyā từ trần sau khi thái tử sinh ra được bảy ngày. Em gái hoàng hậu là Mahaprajapati thay thế nuôi dưỡng thái tử.
Thái tử rất thông minh tuấn tú, văn chương võ nghệ đều tinh thông hơn người. Nhưng thái tử thường tỏ vẻ không vui với cuộc sống sang giàu hoa lệ. Năm lên bảy tuổi, một hôm thái tử được đưa ra ngoài đồng để dự lễ khai mùa (Hạ điền) đầu xuân. Trời nắng, thái tử ngồi dưới gốc cây để xem lễ. Ngoài ruộng, vua cha tay cầm cày nạm ngọc, đi sau đôi bò mập mạnh. Lưỡi cày làm tung lên những tảng đất mun, những con giun đất đứt khúc, ướm máu bày ra. Đàn sáo đen nhảy nhót theo luống đất vua cày, tranh nhau mổ ăn những con giun đang quằn quại và tìm nơi ẩn trốn. Qua cảnh tượng ấy, thái tử thấy rõ sự thật đắng cay về cuộc đời và suy nghĩ sâu sắc về những điều ấy.
Dự lễ về, như không thiết tha với cảnh sống hoa lệ của hoàng cung, thái tử trở nên trầm tư hơn trước. Vua cha nhớ lại lời tiên đoán của đạo sĩ Asita, sợ thái tử sẽ xuất gia tu hành nên tìm mọi cách làm cho thái tử khuây khỏa và vui say với đời sống vương giả. Vua xây cho thái tử ba cung điện tráng lệ, thích hợp với ba mùa: mùa hè, mùa mưa và mùa đông. Vua cưới công chúa Yasodharā cho thái tử lúc 16 tuổi.
Cung vàng điện ngọc và tình yêu của vợ hiền vẫn không làm vơi những băn khoăn và thắc mắc về cuộc đời nơi thái tử. Để hiểu rõ cuộc sống của con người, thái tử xin phép vua cha dạo chơi ngoài thành. Lần thứ nhất, thái tử rất ngạc nhiên khi thấy một người già gầy nhom, hổn hển chống gậy đi từng bước một cách mệt nhọc. Lần thứ hai, thái tử gặp một người bệnh. Lần thứ ba, Ngài nhìn thấy một người chết. Ba cảnh tượng ấy làm cho Ngài buồn và suy nghĩ nhiều hơn. Nhiều lần thái tử hỏi các giáo sư về nguyên nhân khổ đau và phương pháp diệt trừ đau khổ. Song những câu trả lời đầy thần quyền và thiếu lý lẽ về cuộc đời không thỏa mãn thái tử. Chính trong lần dạo chơi thứ tư, thái tử gặp một vị tu hành với phong thái thanh thoát, minh mẫn, thái tử có ý định rời bỏ cuộc sống vương giả để đi tìm chân lý.
Trong những ngày miên man với ý nghĩ ra đi thì thái tử được tin công chúa Yasodharā sinh con trai: Rāhula. Tin này làm vững thêm ý chí của thái tử vì từ nay đã có người nối nghiệp thì vua cha sẽ bớt buồn phiền. Lúc này thái tử đã 29 tuổi.
Khuya hôm ấy, sau một buổi yến tiệc linh đình, nhân lúc quân hầu, thị nữ đều ngủ say, thái tử cùng người hầu cận là Chandaka và con ngựa Kanthaka ra đi, sau khi lặng lẽ từ biệt vợ con.
Sáng ra, khi đến bờ sông Anôma, thái tử xuống ngựa đổi áo gấm lấy áo thường, dùng gươm cắt tóc, rồi trao ngựa và đồ trang sức cho Chandaka mang về để thưa với vua cha và công chúa mục đích ra đi của Ngài.
Từ đó thái tử Siddhattha trở thành một đạo sĩ dòng Sākya (Sākyamuni). Sākyamuni đi dần đến thành Rajagaha để tìm thầy học đạo. Ngài gặp được các bậc thầy nổi tiếng như Ārāḍa Kālāma và Uddaka Rāmaputta. Song các vị này không giải đáp được thắc mắc của Ngài. Sākyamuni bèn đến khu rừng Uruvela (gần Buddhagaya) và tu khổ hạnh ở đó với hy vọng sẽ được giác ngộ.
Nhưng sáu năm khổ hạnh chỉ làm cho thân thể Ngài tiều tụy và tinh thần suy kém. Sākyamuni quyết định từ bỏ lối tu ép xác này. Ngài nhận và dùng bát cơm sữa của nàng Sujātā dâng cúng. Năm người bạn đồng tu từ giã Sākyamuni vì nghĩ rằng Ngài đã bị Ma vương cám dỗ. Khi ấy, Sākyamuni đi đến bờ sông Néranjana. Tắm rửa xong, Ngài hỏi xin người cắt cỏ một bó cỏ đủ làm đệm ngồi và đến thiền định dưới gốc cây pial (ngày nay gọi là cây bodhi hay bồ đề) với lời nguyện: "Dù cho xương khô máu cạn, nếu không đạt đạo, ta thề không rời khỏi nơi này." Phát nguyện rồi, Sākyamuni tập trung tất cả tâm lực đoạn trừ phiền não và phát triển trí tuệ.
Vào đêm trăng tròn tháng Vesak (tháng tư ở Việt Nam), đoán biết Sākyamuni sắp thành đạo, Ma vương (Māra) sai thuộc hạ đến quấy phá, dụ dỗ. Song tất cả mưu mô quỷ quyệt của Ma vương không thắng được Sākyamuni.
Sau khi hàng phục Ma vương, hiện thân của tham lam, giận dữ và si mê, Sākyamuni tiếp tục vận dụng sức mạnh của tâm trí để thể nhập chân lý. Đầu đêm, tâm trí bừng sáng, Sākyamuni chứng được Túc mạng minh, biết rõ dòng sanh mạng biến chuyển từ đời này sang đời khác của tất cả chúng sanh; nửa đêm Ngài chứng được Thiên nhãn minh, biết rõ quá trình sinh thành và hoại diệt của sự vật qua quy luật nhân quả hay Duyên khởi; gần sáng, khi sao mai vừa mọc, Ngài chứng được Lậu tận minh, dứt sạch phiền não, nguyên nhân của sống chết lưu chuyển. (Dn, III. 28) Bấy giờ, Sākyamuni 35 tuổi, trở thành bậc giác ngộ hoàn toàn (Buddha), đương thời gọi là đức Phật Gotama hay đức Phật Sākyamuni (Thích-ca Mâu-ni).
Sau khi giác ngộ, với lòng từ bi và sự xác quyết rằng con người có thể hướng thiện và hướng thượng, đức Phật đi bộ sang Saranath (Bénares) để giáo hóa cho năm người bạn cùng tu khổ hạnh ngày trước. Đức Phật giảng cho họ biết rằng muốn thấy được chân lý, phải xa lìa hai cách sống thái quá: đắm say vật dục và hủy hoại thân thể, sáng suốt nhận rõ và thực hiện bốn chân lý cao thượng: sự khổ (dukkha), nhân của khổ (samudaya), sự tiêu diệt của khổ (nirodha), và phương pháp diệt khổ (magga). Buổi giảng thứ hai, đức Phật bác bỏ quan niệm sai lầm về linh hồn bất tử hay bản ngã thường còn làm chủ tể của sự sống và nói rõ con người là một tổng hợp liên tục của vật chất (rūpa) và tinh thần (nāma). Do đó, con người xấu ác si mê có thể tu tập để trở thành giác ngộ, tốt lành.
Nhờ sự hướng dẫn sáng suốt của đức Phật mà Tăng đoàn (sangha) ngày càng đông đảo. Khi Tăng đoàn đã đông, đức Phật khuyến khích mọi người nên đi về nhiều hướng để truyền bá chân lý. Cùng với Tăng đoàn, đức Phật cũng đi khắp lưu vực sông Hằng để giáo hóa cho mọi người, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Những ai có khả năng xuất gia tu hành và dìu dắt kẻ khác đều được thâu nhận vào Tăng đoàn. Những ai muốn hướng thiện đều được chấp nhận làm Phật tử tại gia. Đức Phật bác bỏ những tín ngưỡng thần linh vu vơ, chỉ rõ những sai lầm trong cách nhận thức thực tại, cởi mở những ràng buộc vô lý, cải tạo những tập tục xấu như giết hại súc vật để cúng tế, cầu đảo... Đức Phật cũng mạnh dạn chống đối chế độ giai cấp lạ kỳ bắt nguồn từ kinh điển Bà-la-môn. Suốt 45 năm, từ làng này sang làng khác, đức Phật tận lực khai sáng cho con người thấy rõ sự thật của cuộc đời và làm cho con người nhận thấy khả năng quý báu nơi chính mình để họ giành lại quyền tạo hóa và hướng về giác ngộ cao đẹp.
Trên đường giáo hóa, vào một đêm rằm tháng Vesak, đức Phật dừng nghỉ tại khu rừng Kusinagara, làng Kasia. Sau khi khuyên dạy đệ tử lần cuối cùng: "Vạn vật giả hợp đều hoại diệt, phải tinh tấn để thực hiện lý tưởng", đức Phật an nhiên viên tịch (parinirvāṇa) lúc 80 tuổi.
ĐÓA SEN NGƯỜI
Như vậy, đức Phật không phải là thần linh tạo dựng và cai quản vũ trụ và con người, hoặc sứ giả của thần linh, mà Ngài là một người biết thao thức về sự đau khổ của cuộc đời, không chấp nhận oai quyền của thần linh và giáo sĩ, dám hy sinh cuộc sống giàu sang, quyết tâm tìm chân lý. Ngài đã giác ngộ và giác ngộ cho kẻ khác. Có thể nói đức Phật là một con người với ý nghĩa cao quý của từ ngữ, song không thể nói đức Phật là một người thường như bao nhiêu người khác.
Đức Phật không chỉ là một triết gia tìm ra những lời giải đáp về con người và vũ trụ. Trước và sau đức Phật, có rất nhiều triết gia nổi tiếng, đặt ra và giải thích nhiều vấn đề lý thú như: "Con người và vũ trụ do đâu mà có?" , "Vật chất sinh ra tinh thần hay tinh thần sinh ra vật chất?", "Thân thể và tâm lý là một hay là khác?" v.v... Các triết gia, trong chừng mực nào đó có thể làm thỏa mãn óc tò mò của con người. Nhưng triết gia là triết gia mà không thể là Phật, cũng như đức Phật không chỉ là triết gia. Nhiều người hoặc cố ý hay không cố ý xem Phật là một triết gia. Điều này không đúng.
Mặc dù đức Phật cũng là người đi tìm và đã thấy chân lý như các triết gia khác, nhưng đức Phật đã đi tìm chân lý với tất cả sự sống của mình, và sau khi thấy được chân lý toàn diện, đức Phật đã sống trọn vẹn và phù hợp theo chân lý. Đức Phật giác ngộ và thể hiện chân lý chứ không chỉ tìm hiểu và nói đến chân lý như các triết gia khác, các giáo sư triết lý.
Muốn biết đức Phật là ai, chắc chắn nhất, chúng ta hãy nghe chính đức Phật tự mô tả về Ngài. Ông Dona đã gặp Phật ngay sau khi Ngài vừa thành đạo và đang trên đường đi từ Buddhagaya đến Saranath. Ông hỏi:
- Ngài có phải một vị trời (deva) không?
- Này Bà-la-môn, ta không phải là một vị trời.
- Vậy Ngài có phải là quỷ Yakkha, hay là thần Gandhabba?
- Ta không phải quỷ Yakkha, cũng không phải thần Gandhabba.
- Ngài có phải là người không?
- Ta không phải là người (thường).
- Vậy Ngài là ai?
- Này bà-la-môn, nên biết rằng Ta là một vị Phật (Buddha), một người giác ngộ hoàn toàn.
(An, II. 38)
Như vậy, đức Phật là một người đã thực hiện được giác ngộ, giải thoát hoàn toàn, có đủ những đức tính cao đẹp mà con người có thể noi theo để thực hiện. Do đó, đức Phật cũng được tôn xưng là:
1. Như Lai: bậc thông đạt chân lý.
2. Ứng Cúng: bậc xứng đáng nhận sự cung kính cúng dường.
3. Chánh Biến Tri: bậc hiểu biết đúng đắn và toàn diện về tất cả.
4. Minh Hạnh Túc: bậc có đủ trí và đức.
5. Thiện Thệ: bậc đã khéo vượt qua luân hồi sinh tử.
6. Thế Gian Giải: bậc thấu hiểu về thế gian.
7. Vô Thượng Sĩ: bậc cao cả không ai hơn được.
8. Điều Ngự Trượng Phu: bậc điều phục được tự thân và người khác.
9. Thiên Nhân Sư: bậc thầy của cả loài người và chư thiên.
10. Thế Tôn: bậc được người đời tôn kính.
Trong quá khứ đã có rất nhiều Phật. Trong tương lai sẽ có nhiều Phật. Đức Phật Gotama hay Sākyamuni là vị Phật trong kiếp hiện tại. Chính đức Phật Gotama tự ví mình như một đóa sen:
"Như hoa sen tinh khiết đáng nhìn,
Sinh từ bùn mà không dính bùn.
Ta không bị ô nhiễm cuộc đời,
Vì thế, này Bà-la-môn, ta là Phật." (An, II. 39)
Đức Phật là biểu tượng của giác ngộ. Sự giác ngộ nơi đức Phật là khả năng hiểu biết sự vật một cách như thật (yathābhutam) mà không phải sự "toàn tri" (sabbaññu) như một vài giáo chủ đương thời với đức Phật thường khoe khoang. Theo một số giáo chủ thì sự toàn tri của họ hiện ra bất cứ lúc nào, khi thức cũng như lúc ngủ. (Mn, I. 482) Nội dung ba tạng kinh điển (Tipitaka) chứng minh rằng đức Phật là bậc giác ngộ, vì tất cả lời dạy của Ngài đều phù hợp với sự thật.
MỘT BẬC THẦY
Đức Phật tự giác ngộ và giác ngộ kẻ khác nên Ngài là một bậc Thầy. Suốt 45 năm giáo hóa, đức Phật chỉ làm công việc của một bậc Thầy như chính Ngài đã nói:
"Các người phải tự mình cố gắng,
Như Lai chỉ là người chỉ đường."
(Dhp, 276)
Nếu xem đức Phật là một bậc Thầy, thì Phật tử không thể không tìm hiểu lời dạy của Ngài một cách đúng đắn trước khi thực hiện con đường tu tập giác ngộ, giải thoát.
Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018
II. DUC PHAT
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hien huu nhu that da va dang
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Nhờ có sự hộ niệm cho cuộc diện kiến mặt-đối-mặt như thế, cho dù thần thức có yếu đuối thế nào đi nữa, chắc chắn không còn nghi ngờ gì là c...
-
Chính vì muốn dẫn dắt khéo léo các đệ tử mà ta khai thị nhiều pháp môn khác nhau. Laṅkāvatārasūtra Kinh Lăng già Maria Montenegro...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét