Thứ Năm, 5 tháng 7, 2018

Giac ngo: Thoat khoi hay vuot len tren nhung suy tuong, cam xuc mien man




Có phải những dạng suy tưởng ấy là thiết yếu để con người tồn tại?

Thật ra trí năng chỉ là một công cụ, một phương tiện của bạn mà thôi. Trí năng sinh ra là để cho ta sử dụng vào một công việc chuyên biệt nào đó, và khi đã xong việc, ta hãy buông thứ công cụ này xuống. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ chừng 80 đến 90% những suy tưởng của con người, không những là những thứ lặp đi lặp lại mà thực ra còn rất vô bổ, vì bản chất nó vốn đã mang tính tiêu cực. Đa số những suy tưởng kiểu ấy rất có hại cho ta. Hãy cảm nhận trong tâm bạn, bạn sẽ thấy điều này là đúng. Những suy tưởng, cảm xúc miên man ấy thường làm cho nguồn năng lượng trong bạn bị tiêu hao, lãng phí.
Lối suy nghĩ không kìm hãm được ấy thực ra là một chứng nghiện ở trong ta. Vậy thì sự nghiện ngập này có những đặc tính gì? Đơn giản chỉ là: bạn không còn cảm thấy rằng bạn có cách chọn lựa nào khác khi muốn chấm dứt thói quen bất trị ấy. Cơn ghiền ấy mạnh hơn bạn. Sự nghiện ngập ấy thường tạo cho bạn một ảo giác thỏa mãn, thứ thỏa mãn sau đó rất nhanh chóng biến thành một nỗi khổ.
Tại sao chúng ta không thể bỏ được thói quen suy tư?
Vì bạn tự đồng hóa mình với thói quen ấy, vì bạn cho rằng mình chỉ là nội dung và những hoạt động của suy tư. Vì bạn tin rằng mình sẽ không còn là chính mình nếu bạn ngừng lại những suy tư. Khi bạn sinh ra, lớn lên và đi qua giai đoạn trưởng thành, nói theo nghĩa thông thường, bạn thường tạo dựng trong đầu mình một hình ảnh về bản thân, tùy thuộc vào những điều kiện, tính cách, văn hóa, v.v. mà bạn đã tiếp thu. Đó là quá trình tạo nên một cái tôi giả tạo. Chúng ta gọi cái tôi giả tạo này là tự ngã. Tự ngã ấy bao gồm những suy tư, cảm xúc lo lắng, bất an, và tự ngã ấy chỉ được duy trì bằng những suy nghĩ liên miên. Hai chữ tự ngã có ý nghĩa khác nhau đối với mỗi người, nhưng tôi sử dụng ở đây với nghĩa là một cái tôi giả tạo, tạo nên bởi sự tự đồng hóa mình một cách vô ý thức với những suy tư, cảm xúc miên man.
Đối với tự ngã, phút giây hiện tại hầu như chẳng bao giờ hiện hữu. Chỉ có quá khứ và tương lai mới được xem là quan trọng. Sự nhầm lẫn một cách toàn diện này chịu trách nhiệm cho tính chất không hoàn thiện trong quá trình tư duy của tự ngã. Vì nó chỉ quan tâm đến chuyện làm sao để bảo vệ sự sống còn của quá khứ, vì khi không còn quá khứ thì bạn là ai? Tự ngã thường xuyên phóng chiếu tự thân nó vào tương lai để bảo đảm sự tồn tại của nó được tiếp tục và tự ngã luôn tìm một sự thoát ly hoặc đáp ứng gì đó. Tự ngã thường tuyên bố: "Sẽ có một ngày khi chuyện này, hoặc chuyện kia xảy ra, tôi sẽ được toại ý, sẽ hạnh phúc và bình yên". Ngay cả khi tự ngã có vẻ như là có quan tâm đến hiện tại, thì đó cũng chưa phải là thứ hiện tại đích thực: Nó hoàn toàn hiểu sai hiện tại vì tự ngã luôn luôn chỉ nhìn hiện tại qua một thứ lăng kính của quá khứ. Hoặc có khi tự ngã giảm thiểu phút giây hiện tại cho đến khi hiện tại chỉ còn là một phương tiện không hơn không kém để tự ngã đạt bằng được mục tiêu, mà mục tiêu đó lại nằm trong loại tâm thức phóng chiếu về tương lai. Hãy quan sát tâm bạn và bạn sẽ nhận thấy rằng đây chính là cách vận hành của tự ngã. Phút giây hiện tại nắm giữ chìa khóa giúp bạn đạt tới giải thoát. Nhưng bạn không thể tìm ra phút giây hiện tại trong khi bạn vẫn còn đồng hóa mình với loại suy tư, cảm xúc miên man, không có chủ đích và không lối thoát ấy.
Tôi không muốn đánh mất khả năng phân tích và phân biệt. Tôi không ngại học hỏi thêm cách suy nghĩ trong sáng hơn, có sức tập trung hơn, nhưng tôi hoàn toàn không muốn đánh mất khả năng tư duy ấy như ông đã nói. Tôi nghĩ rằng khả năng suy tưởng là một món quà quý báu nhất mà chúng ta có, Vì nếu không, chúng ta cũng chỉ là một loài sinh vật sống theo bản năng, đúng không?
Sự chiếm ưu thế của loại suy tư, cảm xúc miên man, không chủ đích này chỉ là một giai đoạn cần thiết mà chúng ta phải trải qua trong quá trình tiến hóa của tâm thức nhân loại. Nhưng bây giờ chúng ta cần phải khẩn cấp đi tới giai đoạn kế tiếp; nếu không thì chúng ta sẽ bị tiêu diệt vì thứ trí năng này. Tôi sẽ nói thêm một cách chi tiết hơn về đề tài này sau. Nên biết Trực giác và Suy nghĩ (tư tưởng) không phải là đồng nghĩa. Suy nghĩ chỉ là một trạng huống nhỏ của Trực giác (cái Biết trực tiếp). Suy nghĩ không thể có được nếu không có Trực giác, nhưng Trực giác thì không cần đến Suy nghĩ (chẳng hạn nhìn cảnh đẹp ta biết ngay cảnh đẹp, không phải nhờ suy nghĩ mới biết).
Giác Ngộ có nghĩa là vượt lên trên những suy tưởng, cảm xúc miên man, chứ không phải là rơi tuột trở lại bên dưới những suy tư - mức độ tâm thức của loài vật và cỏ cây. Trong trạng thái giác ngộ, bạn vẫn có thể sử dụng trí năng khi cần thiết, nhưng lúc đó trí năng sẽ được sử dụng với sự chuyên chú và có hiệu quả hơn trước đây. Bạn sẽ sử dụng nó cho những mục đích rất thực tiễn, nhưng bạn sẽ có tự do, không còn bị lôi kéo vì những mẩu phiếm đàm ở trong đầu, ngoài ý muốn của bạn và bạn đang có sự hiện diện của niềm tĩnh lặng ở trong nội tâm của bạn. Khi bạn sử dụng trí năng, nhất là khi bạn cần tìm ra một giải pháp sáng tạo, bạn sẽ dao động nhu hòa trong một vài phút giữa hai trạng thái: tư duy và sự tĩnh lặng, giữa Tâm và Không-Tâm. Vì Không-Tâm là một trạng thái của tâm khi nó không bị những tâm tư, suy tưởng miên man đến quấy nhiễu. Chỉ trong trạng thái đó thì ta mới có thể tư duy một cách sáng tạo được, vì trong trạng thái đó, tư tưởng ta mới có năng lực cao nhất. Những ý tưởng đơn thuần mà không xuất phát từ một chiều không gian cao rộng của tâm thức sẽ nhanh chóng trở thành những ý tưởng khô khan, điên khùng và đầy tính hủy diệt.
Trí năng chủ yếu chỉ là một động cơ sinh tồn, có khả năng tấn công và bảo vệ chính nó, chống lại những biểu hiện tâm tư, tình cảm khác ở trong đầu ta. Trí năng thu lượm, lưu trữ, và phân tích dữ liệu – đây là thế mạnh của trí năng, nhưng thật ra nó chẳng có một tí khả năng sáng tạo nào. Tất cả những nghệ sĩ chân chính, dù họ có biết như thế hay không, đều sáng tạo từ một nơi chốn của Vô Niệm, tâm thức khi không bị vướng bận bởi suy tư, tức là từ sự tĩnh lặng của nội tâm. Sau đó trí năng của nhà nghệ sĩ mới bắt đầu hoạt động để định hình cho những gì đã được sáng tạo từ những cái thấy vỡ toang – một sự thấu suốt sâu xa. Ngay cả những nhà khoa học tài ba cũng đều cho biết rằng những phát minh vĩ đại, những sáng tạo có tính đột phá chỉ đến vào những lúc có sự tĩnh lặng hoàn toàn của trí năng. Kết quả bất ngờ của những thăm dò trên toàn nước Mỹ về những nhà toán học lớn, kể cả Einstein, để tìm ra phương pháp làm việc của họ, nhận thấy rằng: "Trí năng chỉ đóng một vai trò thứ yếu trong quá trình ngắn ngủi nhưng quyết định của quá trình sáng tạo".
Không phải qua trí năng, qua tư duy mà xuất hiện sự sống trên địa cầu, không phải qua trí năng mà cơ thể bạn đã được sáng tạo và duy trì. Rõ ràng có một cái Biết đang được biểu hiện vượt lên trên khả năng giới hạn của trí năng. Làm sao mà một tế bào của con người, đường kính chỉ bằng một phần ngàn cm, lại có thể chứa những thông tin trong nhiễm sắc thể tương đương với lượng thông tin của 1000 cuốn sách, mỗi cuốn dày 600 trang? Càng học và hiểu thêm về cách vận hành của cơ thể, chúng ta càng nhận thức rằng sự bao la của cái Biết đang được biểu hiện bên trong và những điều hiểu biết của chúng ta thật là hạn hẹp. Khi trí năng nối lại được sợi dây liên lạc với cái Biết đó, thì trí năng sẽ trở thành một công cụ tuyệt hảo. Lúc đó, trí năng sẽ phục vụ cho một cái gì đó cao cả hơn tự thân của nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...