Vào thời nhà Minh, có vị đại thần tên là Hạ Nguyên Cát. Hôm nọ, ông ta thấy một viên quan do bất cẩn làm mực bắn vào tờ thánh chỉ của vua. Hạ Nguyên Cát biết anh ta quá sợ tội nên có thể tự sát, liền vội an ủi: "Anh đừng quá sợ hãi, tôi sẽ nghĩ cách giúp anh."
Hôm sau, Hạ Nguyên Cát vào triều tâu rằng: "Muôn tâu Thánh thượng, hạ thần sơ ý đã làm bẩn thánh chỉ, tội thần thật đáng chết."
Hoàng thượng cười và nói: "Vậy ta phạt khanh chép lại một lần."
Về sau, Hoàng thượng biết được sự tình, khen ông ta là người biết thông cảm, tha thứ cho thuộc hạ. Không bao lâu, Hạ Nguyên Cát lại được thăng làm Hữu thừa tướng. Thật là có lòng tốt cứu người ắt được phước báo.
Làm một người chủ, một người có quyền, nếu thường xuyên quan tâm giúp đỡ những kẻ thuộc hạ, biết dùng các phương tiện để khoan dung và tha thứ cho những lỗi lầm của họ thì vị ấy tất sẽ được mọi người kính mến, dầu có gặp việc xấu cũng sẽ được hoá giải trở nên an lành. Đó chính là nhờ phước đức mà họ đã tạo vậy.
4. TRẢ LẠI TRÂM VÀNG, CỨU ĐƯỢC HAI NGƯỜI
Vào đời nhà Minh, có một thư sinh người ở Tô Châu tên là La Luân. Một hôm, anh ta cưỡi ngựa và dẫn theo một tiểu đồng cùng lên Nam kinh dự thi. Trên đường di, tiểu đồng cười nói rằng: "Hôm qua thật là vận may, con đã nhặt được chiếc trâm vàng ở trong rãnh nước trước nhà người kia."
Sau khi La Luân hỏi rõ sự việc, lập tức lấy chiếc trâm vàng cưỡi ngựa quay trở lại để trả cho người bị mất. Khi đến nơi thì trời đã tối, từ ngoài đã nghe trong nhà có tiếng nhiều người khóc lóc. Đứa tớ gái vừa khóc vừa nói: "Con không có lấy chiếc trâm vàng đó." Cô ta muốn nhảy xuống giếng tự tử để chứng minh sự trong sạch của mình. Bà chủ cũng khóc lóc mà bảo: "Tôi không có dính líu trong vụ mất cắp này." Rồi bà cũng đòi treo cổ tự tử để chứng minh mình vô tội. Sau đó, La Luân nghe tiếng đánh đập, chửi rủa của một người đàn ông nên liền lớn tiếng kêu cửa.
Người đàn ông ấy liền mở cửa bước ra. La Luân kể rõ cho ông ta nghe việc tiểu đồng của mình bắt được chiếc trâm trong rãnh nước. Người chủ bây giờ mới vỡ lẽ mọi chuyện và ăn năn nói rằng: "Cám ơn công tử đã kịp thời quay lại, nhờ vậy mà tánh mạng của vợ tôi và đứa hầu gái mới được bảo toàn."
Hoá ra chiếc trâm bị rơi vào bồn rửa rồi theo dòng nước chảy đến bờ rãnh và tiểu đồng nhân đó lượm được. Do đó nên mới tạo ra sự nghi ngờ và hiểu lầm.
Sau đó La Luân tiếp tục đến Nam kinh dự thi và đã đậu trạng nguyên. Anh ta nhờ trả lại trâm vàng mà cứu được hai mạng người nên phước báo rất lớn. Đây quả là một sự khích lệ lớn lao cho những ai đã và đang làm việc thiện vậy.
5. HẠI NGƯỜI HÓA RA HẠI MÌNH
Vào đời nhà Minh, niên hiệu Chánh Đức, ở đảo Sùng Minh thuộc tỉnh Giang Tô, bốn mặt toàn là nước, Vương Đại là người chèo thuyền ở trên đảo.
Có một năm vào tháng bảy bỗng nhiên gió bão thổi đến. Do gió mạnh và kèm theo những đợt sóng lớn nên dân cư sống ở ven biển chết đuối rất nhiều, còn trên mặt biển các vật trôi nổi vô số. Vương Đại liền chèo thuyền ngược xuôi trên dòng nước dữ, nhưng mục đích của anh ta không phải là để cứu người mà để lo vớt các đồ vật quý giá, nên khi nhìn thấy một người con gái nổi trên mặt nước trong tình trạng hấp hối, tay ôm một chiếc rương nhỏ màu đỏ. Vương Đại nhìn thấy chiếc rương, nghĩ là vàng bạc ở trong đó nên liền nổi máu tham. Anh ta cho thuyền áp sát vào cô ta và đưa tay đoạt lấy chiếc rương mang về, mặc cho cô gái phải bị chết đuối.
Nhưng khi Vương Đại mở rương ra xem bỗng thấy bên trong chỉ có một tờ hôn ước giữa mình với cô ta. Lúc này Vương Đại mới biết người con gái đó chính là vợ chưa cưới của mình.
Về sau Vương Đại nhân chuyện này mà bị sự gièm pha của mọi người, từ đó sanh bệnh.
Vương Đại tham lam tài vật, thấy người sắp chết mà không cứu, vì thế vô tình đánh mất người con gái đã đính hôn với mình để rồi một thân côi cút buồn phiền, thiếu thốn mà chết.
Đây là sự báo ứng rõ ràng về đạo lý nhân quả, không thể sai khác.
6. LÀM THIỆN THÌ CON CHÁU ĐƯỢC HƯỞNG
Vào thời nhà Minh, tại huyện Duyên Bình tỉnh Phúc Kiến có một thương nhân họ Chúc lên Nhiễm, là người rất thành đạt trên đường kinh doanh và rất rộng lượng. Hễ người nào gặp phải khó khăn, cực khổ là ông la tận tuỵ giúp đỡ.
Có những năm mất mùa, người dân rơi vào tình trạng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thế là ông ta liền bỏ tiền của ra để cứu giúp mọi người.
Một năm nọ, trong khi con trai ông ta lên kinh dự thi thì ở nhà những người hàng xóm đều nằm mộng thấy cậu ta đỗ trạng nguyên. Và quả đúng như điềm mộng của mọi người, về sau con trai ông ta đã đỗ trạng nguyên. Do vậy ai ai cũng đều cho rằng: Người có lòng tốt chắc chắn sẽ có phước báo.
Ông Chúc Nhiễm cả đời dùng đức để làm thiện, con ông lại được thi đỗ trạng nguyên. Thế mới biết, người làm thiện được hưởng phước báo chẳng phải là chuyện hoang đường vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét