Sáng sớm hôm sau, tôi vẫn theo thường lệ thức dậy từ 6 giờ sáng và hành trì. Trong kỳ thiền tọa này, tôi cảm nhận rõ ràng hơn sự gia hộ của dòng Giới đức, đặc biệt là cảm nhận sự gia hộ của chư bổn sư trong tu viện Sera. Tôi thiền quán trong niềm an lạc và ấm áp gần gũi với chư vị bổn sư của tu viện, cảm nhận sự che chở độ trì đến từ chư vị thẳng vào tim mình, làm cho tôi sung sướng trong sự hành trì, yên lòng tinh tấn thiền định và biết chắc chắn là tôi sẽ đi về đâu trong sự hành trì ấy.
Xả thiền xong, tôi đi kiếm ly cà phê ngồi nhâm nhi trong buổi sáng tinh sương, chờ các vị trong phái đoàn trở lại ăn sáng. Nhưng ngay trong lúc sáng sớm ấy, tôi nhìn thấy thầy phụ tá viện trưởng Geshe Rabga đi ra ngoài phòng, ngang chỗ tôi ngồi. Tôi vội vàng quỳ xuống đảnh lễ ngài. Ở tu viện Sera, ngài nổi tiếng là vị tăng sĩ hiền từ nhân hậu, quỳ bên ngài, tôi cảm nhận sự từ bi toát ra từ ngài. Ngài không biết tiếng Anh nên không nói gì, chỉ vỗ vỗ vào đầu và vuốt má tôi. Và sau đó khi ngài quay trở về phòng, tôi vội vã chạy về phòng mình lấy tiền bỏ vào phong bì để cúng dường ngài.
Khi bước ra ngoài thì các vị trong phái đoàn đã đến, chúng tôi sửa soạn ăn sáng. Thầy Geshe trưởng phái đoàn thông báo là hôm nay phái đoàn sẽ đi tham quan hai tu viện Sera Mey và Je. Vì tôi đã đi thăm cả hai tu viện rất kỹ năm 2002, nên tôi thưa với thầy xin được nghỉ ngơi một hôm, nhưng cốt là để có thì giờ đến phòng thầy phụ tá viện trưởng cúng dường và sau đó đến vấn an thầy viện trưởng.
Trong chuyến đi này, tôi có mang theo một bức họa thangka vẽ hình Phật Dược Sư mà một anh trong phái đoàn khi còn ở Montreal đã tặng cho tôi năm ngoái. Anh kể lại là trong chuyến đi chơi Thượng Hải, anh đã gặp một người Trung Hoa ở tại đó, bám lấy anh và dụ anh mua bức họa này. Anh không cầm lòng được và đã mua mang về tặng cho tôi bởi vì anh nói là tôi xứng đáng giữ bức đó. Lý do, anh nói, là vì tôi đã bỏ một năm trời ra dịch cuốn kinh Lễ cúng dường Phật Dược Sư trong Mật tông. Hồi đó, khi tôi cầm bức họa ấy mang về nhà xem thì tôi bỗng giật mình: bức họa trông rất cổ kính và còn mang các vết khâu kim vì người bán đã cắt ra khỏi bức thangka bằng gấm chung quanh. Đằng sau bức họa bằng vải ấy còn mang dấu son đỏ chói của một bàn tay, có lẽ là bàn tay của vị nghệ sĩ đã họa bức ấy và đóng dấu của mình lên trên. Tôi hơi ngại, bèn mang về tu viện Sera nhờ thầy viện trưởng thẩm định giá trị của bức họa. Nếu là bức họa cổ thực sự, có lẽ sẽ phải nhờ thầy dâng cho đức Dalai Lama để trao trả lại cho dân tộc Tây Tạng. Còn không thì cũng nhờ thầy cho khâu lại các bờ chung quanh bằng gấm, làm thành một bức thangka nguyên thủy để treo trên chùa.
Sáng hôm đó tôi trình bức họa lên ngài viện trưởng và thầy bảo với tôi đó chỉ là một bức vẽ nhái lại, tuy cổ, nhưng không phải là bức nguyên thủy, cho nên ngài sẽ nhờ chư tăng khâu lại bằng gấm chung quanh để mang về Montreal. Tôi cũng mừng là không phải đồ ăn cắp của Tam Bảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét