Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

LOI GIOI THIEU



Chiêu Hoàng là một trong vài nhà văn rất hiếm trên vuông chiếu văn học Phật giáo chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện đã gây được sự chú ý và mến mộ của người đọc. Lý do rất dễ hiểu: văn của Chiêu Hoàng trong sáng, tự nhiên mà chuyên chở cả một bầu trời Phật Pháp mênh mông, lồng lộng.

Đi vào cõi văn của Chiêu Hoàng giống như đi vào bầu khí của chuyện bổn sanh (Jātaka - tiền thân), bổn sự (iti-vṛttaka), và có khi là cảnh giới của vị tằng hữu (Adbhuta). Với trí tưởng tượng đặc biệt phong phú, Chiêu Hoàng viết truyện như vẽ tranh, minh họa con người và cuộc đời trong một thế giới lung linh, đầy màu sắc. Thế giới ấy, rất huyền ảo và cũng rất thực. Đây cũng chính là đặc tính của văn chương Chiêu Hoàng. Những gì mà một số người đọc kinh Phật tưởng là chỉ có thể xảy ra trong tiền kiếp xa xăm nào đó, nơi những quốc độ không có trong lịch sử nhân loại, hoặc ở nơi những con người hay sinh vật của truyện cổ tích, thần kỳ… thì qua nhiều truyện ngắn của Chiêu Hoàng, người ta thấy thời gian, nơi chốn và các nhân vật ấy rất thực, rất gần gũi, ngay trong đời sống hiện tại và đang diễn ra chung quanh ta. Truyện của Chiêu Hoàng, dù nói về tình yêu hay bất cứ đề tài nào, cũng thấm đượm Phật Pháp. Có thể nói rằng Chiêu Hoàng đã nhìn con người và cuộc đời bằng đôi mắt của chánh kiến, luôn thấy sự thực và bản chất duyên sinh của vạn hữu; lại gia thêm trí năng tưởng tượng và sáng tạo của một nghệ sĩ tài hoa, cho nên, dù không cố ý, văn chương của Chiêu Hoàng mang chức năng của một người Phật tử đem đạo vào đời.

Tác phẩm Đôi bạn hành hương (Công Chúa Tinh Khôi và Hoàng tử Ếch) là một điển hình trong cõi văn đầy màu sắc Phật giáo của Chiêu Hoàng. Nói rằng đây là một câu truyện tình cũng đúng, mà nói rằng đây là một truyện cổ tích Phật giáo cũng đúng. Nhưng nhìn cho kỹ thì bức tranh của Chiêu Hoàng về đời sống, thân phận và tình yêu của con người, của muôn loài chúng sinh, là một bức tranh toàn cảnh mà chỉ qua một góc độ, một gam màu nhỏ, có thể trình hiện thế giới trùng trùng của nhân duyên, của dị biệt và tương đồng, của cá thể và tổng thể; tất cả cùng có mặt và cùng soi rọi vào nhau, như những viên ngọc của lưới trời Đế-thích. Mỗi một chương được tách ra từ toàn thể truyện dài này là một truyện ngắn xuất sắc; và mỗi đoạn văn ngắn, trong đối thoại hay trong miêu tả, cũng mở ra một cảnh giới sâu thẳm, nhiệm mầu của Phật Pháp.

Trước một tác phẩm đẹp như thế, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc thay cho lời cảm ơn sâu xa của tôi đối với tác giả.

California 26 tháng 10 năm 2007
Vĩnh Hảo




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...