Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

Cat buoc phai quan sat, khong giam dap con trung



Giảng rộng

Người đời cũng có những kẻ biết thương xót các loài trâu, dê, chó, ngựa... Nhưng nếu nói đến việc thương xót các loài côn trùng, kiến, mối... hẳn nhiều người sẽ chê cười cho là ngu ngốc. Ấy là vì người đời không biết suy xét rằng, hình thể tuy có lớn nhỏ khác nhau, nhưng thể tánh của muôn loài đều không có lớn nhỏ. Nếu cho rằng giết những con vật lớn thì có tội lớn hơn, còn hại chết những loài vật nhỏ lại không có tội, như vậy ắt con người tuy lớn nhưng vẫn còn nhỏ hơn con trâu, vậy thay vì giết trâu chẳng bằng giết người lại tốt hơn sao? Lại nếu xét theo cách đó thì bậc tôn quý nhất trong thiên hạ phải là loài cá lớn ma-kiệt chứ chẳng phải con người, vì chúng to lớn nhất.

Lời dạy này của Đế Quân là muốn cho mọi người trừ bỏ đi cái nhìn phân biệt lớn nhỏ như trên đối với vật mạng, khiến cho mỗi khi cất bước đều phải thận trọng không dám vô tình mà phạm vào sự giết hại.

Người đời động chân nhấc tay, không làm sao khỏi phạm vào tội lỗi. Chỉ lấy riêng chuyện đi đường mà nói, trong suốt một đời đã hại chết không biết đến bao nhiêu ngàn vạn sinh mạng... Tôi từng được thấy trong quyển Luật sa-di có bài kệ và chú nói về việc đi đứng không làm tổn hại đến côn trùng, sâu kiến, thật hết sức giản dị mà ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Mỗi buổi sáng sớm, trước khi đặt chân xuống giường nên niệm mấy câu Phật hiệu, sau đó nhất tâm đọc kệ rằng:

從朝寅旦直至暮,
一切眾生自回護,
若於足下誤傷時,
願汝即時生淨土。

Tùng triêu dần đán trực chí mộ,
Nhất thiết chúng sinh tự hồi hộ.
Nhược ư túc hạ ngộ thương thời,
Nguyện nhữ tức thời sinh Tịnh độ.

Tạm dịch:

Sáng sớm đến chiều tối,
Nguyện muôn loài chúng sinh,
Thảy thảy tự phòng hộ.
Chúng sinh nào vô tình,
Bị giẫm đạp mất mạng,
Xin nguyện cho tất cả,
Đều sinh về Tịnh độ.

Kèm theo bài kệ này cũng trì tụng 7 lần câu chú: "Án, địa lợi chi lợi ta bà ha."

Sau khi trì tụng đủ 7 lần câu chú trên rồi mới đặt chân xuống giường, với tâm tỉnh giác thận trọng đó thì sẽ tránh được sự vô tình giẫm đạp giết hại các loài côn trùng. Việc trì tụng kệ và chú này không phân biệt kẻ trí người ngu, ai cũng có thể trì tụng được. Con cháu từ khoảng 6, 7 tuổi nên dạy cho biết hành động và suy nghĩ theo cách này. Lâu ngày thành thói quen, nề nếp, nên ý niệm nhân từ sẽ sớm được vun bồi từ thuở nhỏ. Mạnh tử nói: "Gà gáy sớm lập tức vùng dậy, chuyên tâm nuôi dưỡng vun bồi cho tâm thiện ngày càng thêm lớn." Làm được như trên, chẳng phải lại càng giúp ích thêm cho lời dạy của Mạnh tử đó sao?

Trưng dẫn sự tích

Thà chết khát, không phạm giới

Khi đức Phật đang thuyết pháp tại tinh xá Kỳ Viên, có hai vị tỳ-kheo mới học Phật pháp chưa bao lâu, nên từ nước La-duyệt-kỳ phát tâm tìm đến để được gặp Phật, nghe Pháp.

Đường đi quá xa xôi, lại gặp lúc trời khô hạn, hai vị bị thiếu nước uống nên khát đến mức sắp chết. Bỗng gặp một hố sâu, bên dưới có một ít nước, nhưng trong nước lại có rất nhiều trùng nhỏ li ti, theo giới luật thì không thể uống nước ấy.

Một vị nói: "Chúng ta nên uống nước này, vì như thế sẽ cứu được thân, sau đó mới còn có thể đến gặp Phật, nghe Pháp."

Vị kia liền nói: "Giới luật do Phật chế định nếu không giữ theo thì việc đến gặp Phật liệu có ích gì?" Liền chịu khát mà chết. Thần thức vị này lập tức sinh lên cõi trời Đao-lợi. Vị này tự biết được nhân duyên trước khi sinh về cõi trời, liền mang hương hoa đến tinh xá Kỳ Viên cúng dường đức Phật.

Vị tỳ-kheo kia uống nước có trùng nên khỏi chết khát, hôm sau đến được Kỳ Viên, khóc trình nỗi khổ của mình lên Phật, lại nhắc đến người bạn đồng hành đã chết khát.

Đức Phật dạy: "Ta đã biết trước rồi." Liền đưa tay chỉ vị trời vừa đến cúng dường mà nói: "Đây chính là người bạn hôm trước cùng đi với ông, đã đến đây rồi. Ông đến đây chỉ nhìn thấy hình tướng bên ngoài của ta, nhưng không giữ gìn giới luật do ta chế định, nên tuy nói là đến gặp được ta mà ta thật không gặp ông. Những ai dù ở cách xa ta ngàn dặm, nhưng nếu thực hành theo Kinh điển, giữ gìn theo Giới luật, thì người ấy lúc nào cũng như ở trước mặt ta."

Lời bàn

Phật dạy các tỳ-kheo rằng những chum, vại... rỗng đều nên lật úp lại hoặc đậy kín, không nên để ngửa lên. Vì sao? Vì khi để ngửa lên mà không đậy kín, tất nhiên sẽ chứa đọng nước mưa, từ đó sinh ra các loài trùng. Khi có người dùng đến, đổ nước ra tức là giết hại các loài trùng ấy.

Trong mùa hè thu, nước mưa đọng thành vũng trên đất, sau một hai hôm thế nào cũng phát sinh các loài trùng trong nước. Mà những con trùng ấy, hầu hết đều phải chết khi cạn nước. Do đó, nên khai thông cống rãnh để quanh nhà không chỗ nào có nước đọng thành vũng. Không dùng nước đọng trong lòng cống rãnh để tưới cây, tưới hoa, vì nước khô cạn đi cũng giết chết nhiều trùng trong đó. Nước mưa mới hứng vào chum, vại... nên dùng than sạch cho vào bên trong để không sinh trùng. Không vứt xương cá, thịt, các thức ăn thừa có mùi hôi tanh... bừa bãi trên mặt đất, vì như vậy tức là nhử cho đàn kiến kéo đến, ắt sẽ bị người giẫm đạp mà chết. Hết thảy các loại nước có chất kiềm, nước muối, nước sôi, nước vôi sống... đều không được đổ bừa lên mặt đất làm chết côn trùng.

Những điều như trên đều là để tránh sự vô tình giết hại các loài côn trùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...