Thế giới thật sự không giống thế giới thần tiên trong đó mọi người sống sung sướng đời đời. Chúng ta không thể tránh được sự thật: cuộc đời là không hoàn hảo, không trọn vẹn, không mãn nguyện – sự thật là khổ hiện hữu.
Biết được thực tế này, điều quan trọng chúng ta cần phải làm là tìm hiểu xem khổ có nguyên nhân không, nếu có, ta có thể loại bỏ nguyên nhân để hết khổ không? Nếu nguyên nhân này chỉ là ngẫu nhiên mà có, và chúng ta không kiểm soát hay có ảnh hưởng gì được, thì chúng ta đành bó tay và bỏ ý định tìm đường thoát khổ. Hoặc giả, nếu chúng ta khổ vì sự quyết định độc tài và khó hiểu của một đấng toàn năng, thì chúng ta phải tìm cách nào làm vui lòng ngài để ngài không làm khổ chúng ta nữa.
Đức Phật đã hiểu rõ sự đau khổ của chúng ta không phải là sản phẩm của ngẫu nhiên. Trong mọi đau khổ đều có nguyên nhân, và mỗi hiện tượng cũng đều có nguyên nhân. Luật nhân quả - kamma - thì phổ quát và là căn bản cho kiếp người. Hoặc là những nguyên nhân không ngoài vòng kiểm soát của chúng ta.
Kamma (nghiệp)
Chữ kamma (nghiệp) (chữ Phạn là Karma) thông thường được hiểu là số mệnh. Tiếc thay, nghĩa của chữ này lại trái ngược hẳn với nghĩa mà Đức Phật muốn nói. Số mệnh là một cái gì ngoài vòng kiểm soát của chúng ta, là mệnh trời, là một cái gì đã được xếp đặt trước cho chúng ta. Kamma theo nghĩa đen là "hành động". Hành động của chúng ta là nguyên nhân gây nên những gì mà ta phải gánh chịu. "Tất cả mọi chúng sanh đều là chủ hành động của mình, thừa hưởng hậu quả của chúng, bị ràng buộc vào chúng. Những hành động của họ là nơi nương náu của họ. Cuộc đời của họ sẽ thấp kém hay cao thượng tùy thuộc vào hành động của họ". (1)
Tất cả mọi sự mà chúng ta gặp trên đời đều là kết quả của hành động của chính mình. Vì vậy, chúng ta có thể làm chủ số mệnh của mình bằng cách làm chủ hành động của mình. Mỗi người chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về hành động đã tạo nên khổ cho mình. Mọi người chúng ta đều có phương tiện chấm dứt đau khổ bằng hành động của chúng ta. Đức Phật nói:
Quý vị làm chủ chính mình,
quý vị tạo ra tương lai của mình. (2)
Như vậy, mỗi chúng ta giống như một người bị bịt mắt, chưa bao giờ học lái xe mà lại ngồi sau tay lái của một chiếc xe đang chạy nhanh trên một xa lộ đông đảo. Người đó khó mà có thể đến đích mà không bị tai nạn. Người đó có thể nghĩ là mình đang lái xe, nhưng sự thật thì xe đang lái người đó. Nếu muốn tránh tai nạn, chứ đừng nói tời chuyện đến đích, người đó phải tháo miếng vải che mắt đi, học cách xử dụng xe, và lái xe ra khỏi nguy hiểm càng sớm càng tốt. Tương tự như vậy, chúng ta phải ý thức được những gì chúng ta làm, và học cách hành động để có thể dẫn dắt chúng ta tới nơi mà chúng ta muốn đến.
Ba Loại hành động
Có ba loại hành động: việc làm, lời nói và ý nghĩ. Thường thường, ta cho hành động bằng việc làm là quan trọng nhất, rồi mới tới lời nói, và sau cùng là ý nghĩ. Đánh một người đối với chúng ta nặng hơn là mắng chửi, và cả hai nặng hơn là có ý xấu với người đó. Dĩ nhiên đây là quan niệm về luật pháp do người của mỗi nước đặt ra. Nhưng theo Dhamma, luật tự nhiên, thì hành động bằng ý nghĩ quan trọng nhất. Hành động bằng việc làm và lời nói sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn, tùy thuộc vào ý định khi hành động được thực hiện.
Một y sĩ giải phẫu dùng dao để thực hiện một cuộc giải phẫu cứu mạng khẩn cấp, nhưng thất bại và bệnh nhân chết; một kẻ sát nhân dùng dao đâm chết nạn nhân. Việc làm của hai người đều giống nhau, nhưng đứng trên phương diện tinh thần thì chúng cách xa nhau một trời một vực. Vị y sĩ hành động vì lòng từ bi, kẻ sát nhân hành động vì oán ghét. Kết quả cuả mỗi hành động sẽ hoàn toàn khác, tùy thuộc vào hành động bằng tâm ý.
Cũng vậy, trong trường hợp của lời nói, ý định khi nói là quan trọng nhất. Một người cãi nhau với bạn đồng nghiệp, mắng nhiếc bạn là thằng khùng. Người đó nói vậy vì giận dữ. Cũng người đó khi thấy đứa con chơi trong bùn thì âu yếm gọi nó là thằng khùng. Ông ta nói vậy vì lòng thương yêu. Trong hai trường hợp, cùng một tiếng được nói ra, nhưng diễn tả hai trạng thái đối nghịch của tâm. Ý định của lời nói là yếu tố quyết định kết quả.
Tương tự trong trường hợp của lời nói, chủ ý là quan trọng nhất. Một người tranh cãi với người đồng nghiệp và nhục mạ người đó bằng cach gọi người đó là tên khùng. Anh ta nói vì giận dữ. Cũng người đó thấy con trai mình nghịch đất và nói một cách trìu mến rằng con là người khùng. Anh ta nói với lòng thương yêu. Trong cả hai trường hợp, cùng những lời được nói ra, nhưng sự diễn tả hoàn toàn trái ngược trong tâm. Ý định của lời nói mới quyết định hậu quả.
Lời nói và việc làm hay ảnh hưởng của chúng với bên ngoài chỉ là kết quả của hành động của tâm. Chúng được xét xử đúng đắn tùy theo tính chất của ý định khi chúng xảy ra. Chính hành động của tâm ý mới là kamma (nghiệp) thật sự, sẽ tạo ra quả trong tương lai. Hiểu rõ sự thật này, Đức Phật tuyên bố:
Tâm đi trước mọi hiện tượng,
tâm quan trọng nhất, mọi điều đều do tâm tạo.
Nói hay làm với một tâm bất tịnh
thì đau khổ sẽ theo sau,
như bánh xe theo sau con bò kéo xe.
Nói hay làm với tâm thanh tịnh,
hạnh phúc sẽ theo sau
như bóng với hình. (3)
Nguyên Nhân của Khổ
Hành động nào của tâm quyết định vận mạng của chúng ta? Nếu tâm chỉ gồm có thức, nhận định, cảm giác, phản ứng thì cái nào gây ra khổ? Tất cả đều tham dự trong tiến trình tạo ra khổ. Tuy nhiên, ba bước đầu chỉ là thụ động. Thức chỉ thâu nhận những dữ kiện sống của kinh nghiệm, nhận định xếp loại các dữ kiện, cảm giác báo hiệu sự xảy ra của hai bước trên. Công việc của ba phần này chỉ là tiêu hóa những tin tức đã thâu lượm vào. Nhưng khi tâm bắt đầu phản ứng, thì thụ động nhường bước cho sự hấp dẫn hay ghét bỏ, thích hay không thích. Phản ứng này khởi động một chuỗi biến cố mới. Đứng đầu là phản ứng. Vì vậy Đức Phật đã nói:
Bất cứ khi nào khổ nảy sinh
đều do nguyên nhân là phản ứng
Nếu mọi phản ứng chấm dứt
thì không còn khổ nữa. (4)
Kamma thực thụ, nguyên nhân đích thực của khổ là phản ứng của tâm. Một phản ứng thoáng qua của thích thú hay ghét bỏ có thể không mạnh, và không tạo nên nhiều kết quả, nhưng nó có thể có một hậu quả tích tụ. Phản ứng được lập đi lập lại nhiều lần sẽ gia tăng cường độ, và phát triển thành thèm muốn hay chán ghét. Đây là điều mà Đức Phật, trong bài giảng đầu tiên, gọi là tanha, có nghĩa là thèm khát: thói quen ao ước vô tận những gì không có, và bất mãn cùng cực với những gì đang có. (5) Sự ao ước và bất mãn càng mạnh bao nhiêu, thì ảnh hưởng của chúng vào ý nghĩ, lời nói, và việc làm càng sâu xa bấy nhiêu, và chúng càng gây ra nhiều đau khổ hơn.
Đức Phật nói, một vài phản ứng giống như những đường vẽ trên mặt nước: ngay sau khi được vẽ ra, chúng liền bị xóa đi. Có những phản ứng khác giống như những lằn vạch trên bãi cát ở bờ biển: nếu chúng được vạch vào buổi sáng thì buổi chiều sẽ bị xóa đi bởi gió và nước thủy triều. Có những phản ứng giống như những vết khắc trên đá bằng dùi đục và búa. Chúng cũng bị xóa đi khi phiến đá bị soi mòn, nhưng phải mất nhiều năm tháng. (6)
Trong đời, mỗi ngày tâm ta không ngừng tạo ra phản ứng, nhưng đến cuối ngày nếu chúng ta cố nhớ lại, thì chúng ta chỉ có thể nhớ lại một hay hai phản ứng có ấn tượng sâu đậm trong tâm khảm. Rồi đến cuối tháng chúng ta cố nhớ lại, chúng ta cũng chỉ nhớ được một hay hai phản ứng có ấn tượng sâu đậm nhất của tháng đó. Rồi đến cuối năm, chúng ta chỉ có thể nhớ lại một hay hai phản ứng gây ra những ấn tượng sâu đậm nhất của năm đó. Những phản ứng sâu đậm này rất nguy hiểm, và chúng đưa tới sự đau khổ triền miên.
Bước đầu tiên để thoát khỏi khổ đau là chấp nhận thực tế của khổ, không phải như một quan niệm triết học, hay một đức tin, mà như là một thực tế hiện hữu, có ảnh hưởng đến mỗi chúng ta trong đời sống. Với sự chấp nhận và hiểu rõ khổ là gì và tại sao chúng ta khổ, chúng ta có thể chấm dứt bị lôi kéo, và bắt đầu chủ động. Bằng cách học để trực tiếp hiểu rõ bản tính của mình, chúng ta có thể cất bước trên con đường thoát khổ.
VẤN ĐÁP
Câu hỏi: Đau khổ phải chăng là một phần đương nhiên của đời sống? Tại sao chúng ta phải tìm cách thoát khỏi khổ?
Thiền sư S. N. Goenka: Chúng ta quá quen thuộc với khổ đau nên thoát khỏi khổ có vẻ như không bình thường. Nhưng khi bạn đã kinh nghiệm được chân hạnh phúc của tâm tinh tịnh thì bạn sẽ biết đó là trạng thái tự nhiên của tâm.
Trải nghiệm đau khổ có làm cho con người cao thượng hơn và cá tính vững mạnh lên không?
Đúng vậy. Thật ra kỹ thuật này cố ý dùng sự đau khổ làm phương tiện để giúp cho con người trở thành cao thượng. Nhưng nó chỉ hữu hiệu khi bạn học quan sát đau khổ một cách khách quan. Nhưng nếu bị ràng buộc vào sự đau khổ, thì kinh nghiệm đó không làm bạn cao thượng; bạn sẽ mãi mãi đau khổ.
Làm chủ những hành vi của mình có phải là một hình thức dồn nén không?
Không. Bạn chỉ quan sát một cách khách quan những gì xảy ra. Nếu ai tức giận và cố nuốt giận, dấu đi sự tức giận của mình thì đó là sự dồn nén. Nhưng bằng cách quan sát cơn giận, bạn sẽ thấy nó tự động tan đi. Bạn sẽ thoát khỏi sự giận dữ, bạn học cách quan sát nó một cách khách quan.
Nếu chúng ta cứ lo quan sát bản thân, làm sao chúng ta sống tự nhiên được? Chúng ta sẽ bận rộn quan sát mình đến nỗi chúng ta không thể hành động tự do và tự nhiên.
Đó không phải là những điều bạn thâu lượm được sau khi học khóa thiền này. Ở đây bạn học cách luyện tập tâm để giúp bạn có khả năng quan sát chính mình trong cuộc sống hằng ngày mỗi khi bạn thấy cần phải quan sát. Không phải là bạn cứ nhắm mắt suốt ngày, suốt đời để tập luyện. Cũng như thể dục giúp bạn có sức khỏe trong cuộc sống hằng ngày, thì sự tập luyện tinh thần cũng làm bạn mạnh thêm. Cái mà bạn gọi là "hành động tự do, tự nhiên", thật sự chỉ là phản ứng mù quáng, luôn luôn có hại. Bằng cách học tự quan sát, bạn sẽ thấy rằng mỗi khi khó khăn xẩy đến trong đời, bạn có thể giữ cho tâm được quân bình. Với sự quân bình đó, bạn có thể tự do lựa chọn cách hành động. Hành động của bạn sẽ là hành động đúng đắn, luôn luôn tích cực, có lợi cho mình và cho người khác.
Có thể nào có chuyện xảy ra một cách ngẫu nhiên không duyên cớ?
Không có gì xảy ra mà không có nguyên nhân. Chuyện đó không thể có được. Đôi khi giác quan của ta bị giới hạn, và trí thông minh của ta không thể thấy rõ ràng, nhưng như vậy không có nghĩa là không có duyên cớ.
Có phải thiền sư nói tất cả mọi việc trên đời đều do tiền định?
Chắc chắn những hành động trong quá khứ của chúng ta sẽ gây ra hậu quả, tốt hay xấu. Chúng quyết định cuộc đời của chúng ta. Nhưng như vậy không có nghĩa là những gì xảy ra cho chúng ta là tiền định, chỉ định bởi những hành động trong quá khứ, và không gì khác có thể xảy ra. Không phải vậy. Hành động trong quá khứ ảnh hưởng đến dòng đời của chúng ta, đưa đến cuộc đời thoải mái hay khó chịu. Nhưng những hành động hiện tại cũng quan trọng không kém. Thiên nhiên đã cho chúng ta có khả năng làm chủ hành động hiện tại của mình. Với sự làm chủ đó, ta có thể thay đổi tương lai của mình.
Nhưng chắc chắn hành động của người khác cũng ảnh hưởng đến chúng ta?
Lẽ dĩ nhiên. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi những người chung quanh và môi trường quanh ta, và ngược lại, chúng ta cũng ảnh hưởng đến họ. Thí dụ như nếu đa số người thích bạo động thì chiến tranh và tàn phá sẽ xảy ra, gây đau khổ cho nhiều người. Nhưng nếu mọi người thanh lọc tâm, thì bạo lực sẽ không xảy ra. Cội nguồn của vấn đề nằm trong tâm của mỗi cá nhân, vì xã hội là tổng hợp của nhiều cá nhân. Nếu mỗi người tự thay đổi thì xã hội sẽ thay đổi, và chiến tranh và tàn phá sẽ ít khi xảy ra.
Làm sao chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau khi mọi người đều phải đối diện với hậu quả của những hành động của chính họ?
Ý nghĩ của ta có ảnh hưởng đến người khác. Nếu chúng ta chỉ có những ý nghĩ tiêu cực trong tâm, sự tiêu cực đó sẽ có ảnh hưởng tai hại đến những người tiếp xúc với chúng ta. Nếu tâm ta tràn đầy ý nghĩ tích cực, và thiện chí với người khác, thì nó sẽ có ảnh hưởng tốt đối với những người chung quanh. Bạn không thể điều khiển hành động, kamma (nghiệp) của người khác, nhưng bạn có thể làm chủ chính bạn để có một ảnh hưởng tích cực đến những người chung quanh.
Có phải giầu có là có nghiệp tốt hông? Và nếu vậy thì những người ở phương Tây có nghiệp tốt và những người ở đệ tam quốc gia có nghiệp xấu sao?
Giầu có tự nó không phải là một kamma tốt. Nếu bạn giầu có mà đau khổ, thì sự giầu có liệu có ích gì? Vừa giầu vừa có hạnh phúc, hạnh phúc thực sự – đó là kamma tốt. Điều quan trọng là bạn có hạnh phúc dù giầu hay nghèo.
Không bao giờ có phản ứng có là bất thường không?
Có vẻ như vậy nếu bạn chỉ kinh nghiệm theo thói quen sai lầm của tâm bất tịnh. Nhưng đó là sự tự nhiên đối với một tâm thanh tịnh, không ràng buộc, đầy từ ái, lòng trắc ẩn, thiện chí, hoan hỉ, và bình tâm. Hãy học cách để trải nghiệm điều đó.
Làm sao sống ở đời mà không phản ứng?
Thay vì phản ứng, bạn học hành động, hành động với một tâm quân bình. Người hành thiền Vipassana không trở nên thụ động như cây cỏ. Họ học cách hành động tích cực. Nếu bạn có thể thay đổi cách sống bằng phản ứng sang hành động, thì bạn đã đạt được một điều rất quý giá. Bạn có thể thay đổi sự kiện đó được bằng cách thực hành Vipassana.
NHÂN QUẢ
Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Hành động như thế nào thì kết quả sẽ như vậy. Trên cùng một mảnh đất, người nông phu trồng hai loại hạt giống: một là cây mía, một là cây "neem", một loại cây ở vùng nhiệt đới có vị rất đắng. Hai thứ hạt được trồng trên cùng một loại đất, được tưới nước, được hưởng ánh sáng mặt trời và không khí như nhau. Hai hạt nẩy mầm thành cây, và bắt đầu lớn. Vả kết quả ra sao với cây "neem"? Cây "neem" thì đắng từ gốc đến ngọn, trong khi cây mía thì ngọt. Tại sao thiên nhiên, hay nếu bạn muốn gọi là Thượng Đế, lại quá ác với cây này và quá tốt với cây kia?
Không, không, thiên nhiên không tốt mà cũng chẳng ác, mà chỉ hành xử theo những định luật cố định mà thôi. Thiên nhiên chỉ giúp cho tính chất của nhân được bộc lộ. Tất cả chất dinh dưỡng chỉ để giúp cho phẩm chất tiềm ẩn được biểu lộ, nhân biểu lộ. Hạt của cây mía có tính chất ngọt, thì cây mía cũng sẽ ngọt. Hạt của cây "neem" đắng, thì cây "neem" cũng sẽ đắng.
Nhân nào quả nấy.
Người nông phu đi tới cây "neem", vái ba lần, đi vòng quanh cây 108 lần, dâng hương, nến, hoa quả, rồi cầu xin: "Hỡi thần cây "neem", xin ngài ban cho tôi xoài ngọt, tôi muốn có xoài ngọt". Đáng thương cho vị thần cây "neem", ông không thể cho vì ông không có quyền năng để làm vậy. Nếu ai muốn có xoài ngọt thì người ấy phải gieo hạt xoài, như vậy đỡ phải khóc lóc và cầu xin. Quả mà người đó hái sẽ là quả xoài ngọt: vì nhân nào thì quả nấy.
Cái khó khăn, cái vô minh của chúng ta là ta đã vô ý thức trong khi gieo hạt. Chúng ta tiếp tục gieo hạt giống cây "neem", nhưng đến ngày hái quả, chúng ta đột nhiên tỉnh thức và muốn có xoài ngọt. Và chúng ta tiếp tục khóc lóc và cầu xin, hy vọng được xoài. Như vậy đâu có được. (7)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét