Thuở ấy, đức Phật đang ở trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, gần thành Xá-vệ (Śrvsti).
Một hôm, vua nước Câu-tát-la (Kosala) vừa phê duyệt xong một vụ án khó xử, ngài ngự dùng cơm sáng. Ăn xong, rửa tay vẫn còn ướt, ngài ngồi lên long xa, đi đến nơi Phật ngự, cúi đầu làm lễ dưới chân Phật, rồi ngồi một bên Phật. Đức Thế Tôn liền hỏi rằng: "Hôm nay, vì sao bệ hạ có thể rảnh rỗi mà đến đây lúc ban ngày?"
Vua thưa rằng: "Bạch Thế Tôn, hôm nay con vừa phê xong một vụ án khó xử, đã phải mất rất nhiều thì giờ. Vì thế, ăn cơm xong, rửa tay vẫn còn ướt, con đến đây thăm viếng Thế Tôn."
Phật phán: "Lành thay! Đại vương nên theo đạo đức mà phê xử các vụ án. Ấy là con đường tốt đẹp dẫn lên thiên giới vậy. Song ta không lấy làm lạ mà thấy đại vương phán xử theo đạo lý, là vì có ta đây, có thể giúp cho đại vương những ý kiến đúng đắn, đúng theo đạo lý. Điều ta lấy làm lạ là có những vị vua xưa kia, dù không gặp Phật ra đời, không được nghe lời Phật dạy, chỉ nghe theo ý kiến của các vị hiền triết thôi mà cũng có thể phán xử các vụ án theo đạo đức, trị nước theo đạo lý, và khi chết cũng được sinh về thiên giới."
Nghe Phật nói vậy, vua Câu-tát-la liền thưa hỏi về sự tích các vị vua hiền đức ngày xưa. Nhân đó, đức Phật mới thuật lại sự hiền đức của hai vị vua như sau đây:
Thuở xưa, vào thời vua Phạm-ma-đa-ta (Brahmadatta) trị vì ở Ba-la-nại (Bénarès), có vị Bồ Tát giáng sanh vào lòng của chánh hậu. Ngài được ban phép lành khi còn ở trong thai và ngài ra khỏi lòng mẹ một cách yên ổn. Đến khi đặt tên cho ngài, người ta gọi là Phạm-ma-đa-ta Câu-ma-la (Brahma¬datta Kumra). Ngài lớn lên dần dần. Khi được mười sáu tuổi, ngài đi đến thành Đắc-soa-chi-la (Takasacil) và học qua hết các môn học.
Khi vua cha băng hà, ngài lên ngôi và trị vì theo đạo đức. Ngài phê xử, phán xét các vụ án một cách cần mẫn. Vì ngài trị vì theo đạo lý, các cuộc xét xử đều thuận theo đạo lý, nên không có những vụ cáo gian. Và những vụ kiện tụng ngày càng thưa thớt lắm. Nơi triều vua chẳng còn nghe tiếng la lối của những kẻ tranh tụng. Các quan tòa ngồi cả ngày nơi công đường mà chẳng thấy ai đến thưa bẩm gì, nên dần dần cũng thôi không đến công đường nữa. Phòng xử án trong toà án bỏ trống không dùng đến.
Khi ấy, nhà vua tự nghĩ rằng: "Nhờ ta trị nước theo đạo lý nên không còn ai đến tranh tụng, không còn nghe lời thưa kiện của ai, toà án được bỏ trống. Bây giờ ta nên tự tìm lấy những tánh xấu của ta. Nếu thấy được ta có tính xấu nào, ta sẽ tự xử lấy để cải hối và giữ lòng theo đức hạnh.
Nghĩ như vậy rồi, ngài bèn hỏi những kẻ chung quanh: "Có ai biết được những tánh xấu của ta chăng?" Trước hết, ngài hỏi những kẻ trong cung, nhưng không ai nói ra được tánh xấu nào của ngài. Ai cũng thốt ra những lời ca ngợi công đức ngài. Nhà vua tự nghĩ rằng: "Vì họ sợ ta, nên dù ta có tánh xấu họ cũng chỉ nhận là tánh tốt mà thôi." Ngài bèn hỏi những người ở ngoài cung, nhưng cũng không thấy ai nói được. Đoạn ngài hỏi những người trong thành phố, rồi đến những người ở các châu quận và những người ở trong làng ngoài bốn cửa thành. Song cũng không nghe ai kể ra được tánh xấu nào của ngài, chỉ nghe nói toàn công hạnh của ngài mà thôi.
Khi ấy, vua nghĩ rằng: "Như vậy, ta nên đi hỏi ở tận những nơi quê mùa, xa thành thị." Ngài bèn tạm giao mọi việc cho các quan, ngồi lên một cỗ xe và chỉ đem theo một người đánh xe thôi. Ngài thay đổi y phục thường dân, để cho không ai nhận biết, rồi ra khỏi thành.
Ngài đi hỏi khắp những kẻ ở nhà quê, đi dần cho đến các vùng xa tận biên giới, song ở đâu cũng không nghe người ta nói đến chỗ xấu của ngài, họ chỉ nói toàn những việc tốt, những công đức của ngài. Thế rồi, từ biên giới ngài mới theo con đường lớn mà trở về kinh đô.
Lúc bây giờ, ở nước Câu-tát-la (Kosala), có vua Ma-lỵ-ca (Malica) cũng trị vì theo đạo lý. Ông vua này cũng cố tìm ra những tánh xấu của mình. Nhưng từ trong thành, ngoài quận cho đến tận vùng quê, không một ai chỉ ra được tánh xấu nào của ngài, ai cũng kể ra những công đức của ngài. Ngài đi dần đến một chỗ kia thì tình cờ xe của hai vua ngược chiều gặp nhau ở một quãng đường hẹp bên dưới thung lũng. Đường hẹp đến nỗi không đủ chỗ để hai xe cùng qua. Người đánh xe của vua Ma-lỵ-ca bảo người đánh xe của vua ở Ba-la-nại rằng: "Anh hãy đưa xe ra bên lề đường để xe ta đi qua."
Người kia đáp lại: "Anh phải tránh xe ra bên lề đường mới phải, vì trong xe này của tôi có đức vua thành Ba-la-nại, ngài Phạm-ma-đa-ta."
Người đánh xe của vua Ma-lỵ-ca nói: "Nhưng trong xe của tôi là đức vua ở nước Câu-tát-la, ngài Ma-lỵ-ca. Vì thế, anh nên lui xe và nhường đường cho ta."
Người đánh xe của vua Ba-la-nại suy nghĩ rằng: "Ở bên xe kia cũng là một ông vua. Ta biết phải làm sao đây? Hay ta hỏi tuổi của ngài, ai nhỏ tuổi hơn thì nhường người lớn." Nghĩ vậy rồi, liền hỏi người đánh xe của vua nước Câu-tát-la. Nhưng hóa ra hai ông vua lại cùng một tuổi như nhau. Hai bên lại so qua về sự rộng rãi của đất nước, số binh sĩ, sự giàu có, danh tiếng, chủng tộc và gia quyến. Nhưng cả hai vua đều trị vì một nước rộng ba trăm do-tuần, với số binh sĩ, sự giàu có, danh tiếng, chủng tộc và gia quyến đều giống như nhau.
Người đánh xe của vua Ba-la-nại lại suy nghĩ rằng: "Bây giờ, nếu ông vua bên kia có đức hạnh hơn thì ta sẽ nhường chỗ ngay." Liền hỏi về đức hạnh. Người đánh xe kia đáp: "Vua của tôi đức hạnh như thế này. Người lấy những tật xấu mà cho là tánh tốt." Rồi ngâm lên mấy câu thơ này:
Với người mạnh mẽ, hùng cường.
Vua tôi càng mạnh chẳng nhường sức ai;
Với người nho nhã, văn tài,
Vua tôi cũng biết xử bài ái êm.
Gặp người ôn hậu, thanh liêm,
Thì người tỏ dạ một niềm trọng tăng;
Gặp người hung ác lăng nhăng,
Thì người trừng trị thẳng băng mới vừa.
Vua tôi như thế hiểu chưa?
Vậy anh hãy tránh xe thưa chỗ này.
Người đánh xe của vua nước Ba-la-nại nói: "Ấy là những đức hạnh của vua anh đó sao?" Người kia đáp: "Phải. Còn những tánh tốt của vua anh như thế nào?"
Người đánh xe của vua nước Ba-la-nại nói: "Anh hãy nghe đây." Rồi ông đọc bài kệ dưới đây:
Lấy lời êm ái, ngọt bùi,
Phục thâu kẻ giận, khuyên mời kẻ sân.
Lấy lòng từ thiện thi ân,
Thì người hung ác đổi dần tánh xưa.
Lòng nhân bố đức thích ưa,
Diệt lòng bỏn sẻn, giúp thừa chúng sanh.
Nói lời chân thật, hiền lành,
Những điều xảo ngữ chẳng đành thốt ra.
Vua tôi hành thiện thế là,
Như anh chịu phục, lui ra tránh đường.
Nghe xong bài kệ, vua Ma-lỵ-ca và người đánh xe, cả hai cùng xuống xe, mở ngựa, kéo xe lui ra nhường đường cho vua Ba-la-nại. Vua Ba-la-nại nhân dịp ấy mà truyền dạy đạo nghĩa cho vua Ma-lỵ-ca. Rồi ngài trở về Ba-la-nại, lo làm các việc từ thiện, bố thí và cúng dường. Sau khi băng hà, ngài được sinh lên cõi trời và được hưởng ngôi vị đích đáng.
Vua Ma-lỵ-ca được lời truyền dạy ấy, cũng trở về kinh đô, lo làm các việc từ thiện, bố thí và cúng dường. Sau khi băng hà, ngài cũng được sinh lên cõi trời và hưởng ngôi vị xứng đáng.
Đức Phật kể xong câu chuyện ấy rồi bảo vua nước Câu-tát-la rằng: "Người đánh xe của vua Ma-lỵ-ca, nay là tôn giả Mục-kiền-liên (Maudgalyyana), nhà vua thuở ấy nay là A-nan (nanda). Người đánh xe của vua Ba-la-nại nay là Xá-lỵ-phất (riputra), còn vua Ba-la-nại thuở ấy nay chính là ta đây."
Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018
HAI VUA HIEN DUC
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hien huu nhu that da va dang
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Nhờ có sự hộ niệm cho cuộc diện kiến mặt-đối-mặt như thế, cho dù thần thức có yếu đuối thế nào đi nữa, chắc chắn không còn nghi ngờ gì là c...
-
Chính vì muốn dẫn dắt khéo léo các đệ tử mà ta khai thị nhiều pháp môn khác nhau. Laṅkāvatārasūtra Kinh Lăng già Maria Montenegro...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét