Câu trả lời mà tôi tìm kiếm để giải đáp sự bí hiểm của câu chuyện huyền thoại về cái chết của Osiris, tôi đã thấy được sau khi đi ngược dòng sông Nile để khảo cứu về ngôi đền nữ thần Hathor ở Denderah.
Ngôi đền này rất lớn và được giữ gìn nguyên vẹn, nhờ nó đã hoàn toàn chôn vùi dưới lớp cát mịn và nóng của sa mạc suốt hơn một nghìn năm. Từ hướng bắc, tôi trèo lên một cầu thang rất hẹp và đã mòn. Dọc đường, thỉnh thoảng tôi ngừng lại để nhìn xem, dưới ánh đuốc cầm nơi tay, những cảnh tượng chạm trổ trên vách tường.
Đó là cảnh tượng một đám rước lễ quan trọng nhất của đền Denderah vào lúc đầu năm, chính vị Pharaoh đích thân dẫn đầu cuộc diễn hành. Các vị tăng lữ, tư tế của phái huyền môn, những người cầm cờ nối tiếp nhau đi trên vách tường cũng như họ đã từng diễu hành như thế hồi thuở sinh tiền, và đi từ dưới lên trên chính cái cầu thang này.
Lên khỏi cầu thang, tôi đã rời khỏi bóng tối để ra một chỗ đầy ánh nắng chói lòa và xuyên qua những tảng đá khổng lồ của nóc đền. Tôi đến trước một thánh điện nhỏ đứng cô lập một mình trong một góc của nóc bằng. Nóc đền được nâng đỡ bằng những cột trụ lớn có chạm hình nữ thần Hathor. Tôi bước vào và nhận ra đó là một thánh điện mà xưa kia người ta dùng để hành lễ điểm đạo theo khoa huyền môn của Osiris cho đến thời đại các vị vua Ptolémée.
Trên tường, những hình chạm nổi phô diễn đức Osiris nằm trên giường, chung quanh là những người trợ tá để giúp đỡ những việc vặt và những lò hương trầm. Những hàng chữ ám tự và tranh ảnh thuật lại lịch sử sự chết và sự phục sinh của Osiris, và những chữ khắc trên tường ghi lại những lời cầu nguyện từng giờ suốt một đêm mười hai giờ.
Tôi ngồi xuống nền, tức là trên nóc bằng của ngôi đền lớn, và bắt đầu thiền định về câu chuyện huyền thoại cổ xưa. Sau khi đã ngồi yên khá lâu trong cơn trầm tư mặc tưởng, tôi bắt đầu tìm ra manh mối sự thật mà trải qua nhiều thế kỷ đã biến thành một chuyện huyền thoại ly kỳ là Osiris bị phân thây và sau đó được ráp lại từng mảnh.
Do đâu mà tôi có cái chìa khóa của bài toán đố bí hiểm này? Do một sự nhớ lại thình lình. Tôi nhớ lại lúc tôi ngồi trong Vương cung bên trong Đại Kim Tự Tháp, khi mà từ trong bóng tối dày đặc hiện ra cái linh ảnh cho tôi thấy hai vị đạo trưởng Ai Cập đã cao niên. Một trong hai vị này đã làm cho thể xác tôi mê thiếp đi và đưa linh hồn tôi vào một trạng thái ý thức rõ ràng.
Trên thực tế, thể xác hôn mê của tôi lúc đó đã hoàn toàn vô tri giác, sự sống chỉ còn tồn tại là do một sự hô hấp vô thức, còn linh hồn thì đã thoát ra ngoài. Tôi chỉ là một người chết, mà linh hồn đã từ bỏ thể xác. Nhưng khi kinh nghiệm ấy chấm dứt, tôi đã hồi sinh trở lại và trạng thái chết giả cũng không còn. Phải chăng đó quả là một sự phục sinh hẳn hòi, một sự tái sinh trở lại đời sống phàm trần sau khi đã được trải nghiệm cảnh giới bên kia? Phải chăng đó là một sự sống ý thức trong cõi vô hình?
Tôi đứng dậy nhìn xem một lần nữa những hình ảnh trên tường để xác định lại điều ấy. Osiris nằm duỗi thẳng thân mình, dường như đã chết, xem giống như một xác ướp và liệm vào hòm. Tuy nhiên, tất cả những chi tiết cho thấy sự chuẩn bị một nghi lễ dành cho người sống chứ không phải cho người chết. Đó là một thể xác hôn mê, những vị tăng lữ hành lễ, có dùng những lư hương để làm cho Osiris mê thiếp đi. Những cuộc lễ điểm đạo này luôn luôn được cử hành vào lúc ban đêm. Người tham dự được đưa vào trạng thái xuất thần trong một thời gian dài ngắn không nhất định, vì trình độ càng cao thì cơn xuất thần sẽ càng dài và càng sâu hơn. Những vị tăng lữ canh chừng trong suốt những giờ ban đêm dành cho cuộc lễ này.
Đó là cảnh tượng thường diễn ra trong những cuộc lễ điểm đạo huyền môn từ những thời đại cổ xưa trong dĩ vãng. Nó có ý nghĩa gì? Sự sát hại Osiris tức là việc đặt người đạo đồ trong một trạng thái chết giả, nghĩa là trong sự kết hợp tâm linh với Osiris, người sáng lập ra tổ chức huyền môn này. Lối kiến trúc các ngôi đền cổ đều theo một cấu trúc sóng đôi, mỗi ngôi đền gồm có hai phần, một phần dành cho những hoạt động tôn giáo thông thường, một phần dành cho những cuộc lễ điểm đạo huyền môn. Phần sau này hoàn toàn được ngăn ra thành một chỗ riêng biệt trong đền.
Bằng phương pháp thôi miên, gồm có việc sử dụng những chất hương liệu rất mạnh, dùng hai bàn tay truyền nhân điện dọc theo thân mình, cùng với việc sử dụng một chiếc đũa thần, người đạo đồ được đưa vào một trạng thái đồng thiếp mê man bất tỉnh như người chết. Xác thân y tê liệt, nhưng linh hồn y vẫn tỉnh táo và giữ liên hệ với thể xác. Như vậy mặc dù mọi hoạt động thể xác đã ngưng, nhưng nguồn sinh lực hay sự sống vẫn tồn tại. Tất cả ý nghĩa và mục đích của cuộc điểm đạo này là để dạy cho người đạo đồ biết rằng vốn không có sự chết.
Người đạo đồ được truyền thụ chân lý đó bằng một phương pháp rõ ràng và thực tế nhất, nghĩa là tự mình kinh nghiệm mọi diễn biến khách quan của sự chết. Các vị tăng lữ làm được điều đó bằng cách dùng một phương pháp huyền bí để đưa người đạo đồ lọt vào cảnh giới bên kia. Cơn đồng thiếp của người ấy thâm sâu đến nỗi người ta đặt anh ta trong một cái hòm đựng xác ướp có vẽ tranh ảnh và khắc chữ bên ngoài, nắp hòm được đóng chặt và khóa lại cẩn thận. Nhìn bên ngoài thì đó chính là một người đã chết! Nhưng khi cơn đồng thiếp đã qua đi, người ta mở nắp hòm ra, và bằng những phương tiện thích nghi sẽ làm cho người ấy tỉnh dậy.
Đó là ý nghĩa của huyền thoại tượng trưng nói rằng những mảnh xác bị tách rời của Osiris được ráp nối lại và làm cho ngài được hồi sinh. Sự phục sinh bí hiểm và hoang đường của Orisis không gì khác hơn là sự tỉnh dậy của người đệ tử huyền môn sau cuộc lễ điểm đạo.
Tòa thánh điện mà tôi đang quan sát, ngày xưa đã từng là nơi chứng kiến biết bao nhiêu những cuộc hạ sát và phục sinh như đã diễn tả ở trên. Vào thời đó, trong phòng có một cái giường và những vật liệu cần thiết cho cuộc điểm đạo. Khi người đạo đồ đã trải qua trạng thái đồng thiếp và sắp sửa được đánh thức dậy, người ta đưa anh ta đến một nơi thoáng khí để cho những tia nắng đầu tiên của mặt trời mọc lúc bình minh rọi thẳng vào gương mặt còn mê man.
Trong những thời đại cổ xưa nhất, nhiều vị tăng lữ cao cấp nhất và tất cả những vị tư tế ở các đền thờ Ai Cập đều có sự hiểu biết thâm sâu về những điều huyền bí của các khoa thôi miên và từ điển, và có thể đặt những người đạo đồ vào một cơn đồng thiếp thâm sâu đến nỗi dường như đã chết. Những vị tăng lữ cao cấp còn có thể làm hơn thế nữa, hơn cả những nhà thôi miên hiện đại, vì những vị ấy biết phương pháp làm cho linh hồn người đạo đồ vẫn thức tỉnh trong khi thể xác hoàn toàn rơi vào cơn đồng thiếp, làm cho anh ta trải qua những kinh nghiệm siêu phàm mà sẽ được nhớ lại sau khi tỉnh dậy và trở về trạng thái bình thường. Bằng cách đó, họ có thể mang đến cho người đạo đồ sự hiểu biết về tính chất của linh hồn, và khi bắt buộc linh hồn anh ta tạm thời ra khỏi thể xác, họ làm cho anh ta nhận thức được sự hiện hữu của cảnh giới bên kia một cách xác thực và cụ thể. Những hình ảnh trên hòm đựng xác ướp có vẽ những biểu tượng thể hiện ý nghĩa này.
Vì thế, người cổ Ai Cập khắc trên nắp những cổ quan tài bằng đá, hoặc vẽ bằng màu trên những hòm đựng xác ướp, hoặc tô điểm ngoài bìa những kinh sách tôn giáo của họ một hình người chim dị kỳ, bay ra khỏi hoặc đứng trên cái xác ướp. Đó là một con chim có đầu người và tay người, thường được hình dung một tay cầm một cánh buồm, tượng trưng cho hơi thở, và tay kia cầm một hình thập tự cuốn tròn, tượng trưng cho sự sống. Những biểu tượng này dù khắc trên đá hay vẽ trên giấy, đều ngụ ý tượng trưng dạy cho ta biết rằng ngoài cõi phàm trần vật chất này còn có một cảnh giới tâm linh.
Cảnh giới bên kia đi xuyên qua cõi trần một cách huyền diệu, và những vong linh ở cõi ấy vẫn có thể ở gần bên chúng ta. Một lý thuyết khoa học cho rằng mọi dạng vật chất trong thiên nhiên vốn không bao giờ có thể thực sự mất đi. Điều này thật ra cũng hoàn toàn đúng khi áp dụng vào lãnh vực tâm linh. Khi một người từ bỏ cõi trần, bỏ lại cái thể xác vô tri bất động, linh hồn người ấy lại xuất hiện trong cõi vô hình – tất nhiên là chỉ vô hình đối với tầm mắt của người phàm, nhưng vẫn là hữu hình đối với những sinh linh đồng chủng loại.
Tuy rằng phương pháp điểm đạo này có những đặc tính bề ngoài giống như khoa thôi miên hiện đại, nhưng nó vượt rất xa những phương pháp thôi miên, vì khoa thôi miên thật ra chỉ làm khơi động tiềm thức, phần ý thức sâu lắng của con người, chứ không thể làm cho đối tượng có ý thức được về sự sinh hoạt trong các cảnh giới thâm sâu huyền diệu hơn.
Theo sự tin tưởng của quần chúng thì Osiris là một nhân vật đã chịu pháp nạn và bị giết, rồi lại phục sinh và chui lên khỏi mồ. Tên của ngài đã trở nên đồng nghĩa với sự hồi sinh, và sự bất tử của ngài đã gây cho mọi người một niềm hy vọng được trở nên bất tử giống như ngài sau khi chết. Vào thời ấy, người ta đã tin tưởng ở sự bất diệt của linh hồn và một đời sống tiếp nối sau cái chết. Người ta cũng tin rằng khi con người bước vào đời sống mới đó, những đấng thần minh sẽ phán xét linh hồn họ và nêu rõ những hành động thiện hay ác trong quá khứ. Kẻ làm ác sẽ bị trừng phạt thích đáng, người hiền lương sẽ được vào cảnh thiên đàng hạnh phúc.
Những điều đó khá thích hợp với quần chúng và đem đến cho những tâm hồn chất phác viễn ảnh mà họ có thể quan niệm, hình dung một cách dễ dàng. Người ta không nhồi sọ dân chúng với những triết lý thâm sâu hoặc những giải thích quá tinh tế về mặt tâm lý. Tất cả những huyền thoại hoang đường và chuyện ngụ ngôn bình dân phải được hiểu như là những biểu tượng có hàm súc một ý nghĩa hợp lý và chứa đựng một chân lý thâm sâu.
Để duy trì cho giáo lý ấy luôn luôn tồn tại trong dân gian, giai cấp tăng lữ trong các đền thờ không những chỉ dùng nghi thức lễ bái thờ phượng mà thỉnh thoảng còn tổ chức những buổi trình diễn kịch nghệ công cộng có tính cách tượng trưng để trình bày cho dân chúng biết lịch sử của Osiris. Những nghi thức lễ bái và trình diễn công cộng là để dành cho quần chúng, vì nó thích hợp với số đông, nhưng còn có một phần giáo lý thâm sâu hơn và pháp môn huyền bí thì chỉ để truyền thụ cho những người trí thức.
Những người Ai Cập có học thức, có văn hóa và những người thuộc giai cấp quí tộc cũng biết rõ điều ấy. Nếu họ cảm thấy có khuynh hướng về con đường này thì họ tìm cách xin được nhập môn. Các ngôi đền gồm có những gian phòng kiến trúc đặc biệt và cô lập một nơi dành cho những cuộc lễ điểm đạo mà chỉ có những vị tăng lữ ưu tú và chọn lọc mới có quyền hành lễ. Những vị này được gọi là đạo trưởng. Những cuộc lễ điểm đạo này được cử hành trong vòng bí mật và ngoài phạm vi những nghi lễ hằng ngày để chiêm bái các vị thần. Người Ai Cập gọi những cuộc lễ đặc biệt này là những lễ điểm đạo huyền môn.
Những vị đạo đồ đã từng nói đến tính cách khác thường của những cuộc điểm đạo, không giống như những nghi lễ thông thường. Chẳng hạn, có một vị đạo đồ đã tuyên bố rằng:
– Nhờ những lễ điểm đạo mà người ta biết rằng sự chết không phải là một điều đáng sợ, mà thật ra là một điều rất tốt cho người thế gian.
Chính vị đạo đồ ấy đã trở nên một xác chết và đã thu hoạch được những điều lợi ích rất lớn sau kinh nghiệm đó. Những bài văn viết bằng ám tự nói về người ấy như là "được hồi sinh," và ông ta có thể thêm vào tên họ của mình dòng chữ này: "Người đã tái sinh".
Trên vài ngôi mộ cổ, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra câu này, nó mô tả trình độ tâm linh của người chết. Những vị môn đồ chọn lọc đã học được những điều bí mật gì trong những cuộc điểm đạo ấy? Điều này tùy nơi trình độ mà họ đã vượt qua, nhưng đại khái người ta có thể đúc kết những kinh nghiệm của họ thành hai loại kết quả chính, tiêu biểu những gì họ đã được tiết lộ cho biết.
Ở những trình độ sơ khai, các môn đồ được hiểu biết về tiểu ngã, tức linh hồn con người mà khoa ám tự hình dung bằng một hình "người chim" nhỏ, do đó họ đã giải đáp được điều bí mật về sự chết. Họ được biết rằng người ta chỉ thoát ra một trạng thái sinh hoạt này để bước vào một trạng thái khác, và sự chết chỉ là của thể xác hình hài chứ không tiêu diệt được linh hồn, tức chân ngã. Họ cũng được biết rằng không những linh hồn còn tồn tại sau khi thể xác đã mất mà còn có khả năng vươn lên hoàn thiện để đến được những cảnh giới thanh cao hơn.
Ở những trình độ điểm đạo cao hơn, người môn đồ được biết về đại ngã, được giao cảm trực tiếp với nguồn sống của vũ trụ. Họ hiểu ra được nguyên nhân thực sự dẫn đến sự đọa lạc và đau khổ của con người, khiến cho nhân loại ngày nay đã chìm xuống quá thấp so với trạng thái ban sơ.
Những vị này có thể biết được về huyền sử của châu Atlantide, có liên hệ chặt chẽ với sự suy vong của nó. Kế đó họ dần dần tiến lên được những trạng thái thanh cao huyền diệu hơn, cho đến khi họ đạt tới trạng thái tâm linh cao cả nhất. Như thế, trong khi họ tiếp tục con đường hành hương trong thời gian, họ thu thập được những kho tàng tâm linh quí báu của cõi vô cùng.
lll
Khi tôi thuật lại những cảm tưởng du hành của tôi đến điểm này, có lẽ cũng không ra ngoài đề nếu tôi ghi chép nơi đây vài lời diễn tả những sinh hoạt khác nhau trong các đạo viện huyền môn thời cổ, do lời tường thuật của một người đã từng sống vào một thời kỳ cổ điển và đã từng được họ điểm đạo, ít nhất là ở vào những cấp bậc đầu tiên. Vì người ấy đã có lời thề là sẽ không tiết lộ từng chi tiết rõ ràng những gì đã kinh nghiệm trong cuộc điểm đạo, nên ông ta chỉ có thể đưa ra những lời giải thích đại cương và những sự ngụ ý mơ hồ. Tuy thế, lời tường thuật này cũng là một bản văn kiện đầy đủ nhất mà chúng ta từng được biết đến, của một vị đạo đồ để lại. Vị đạo đồ ấy là Apuleé, được điểm đạo ở cấp bậc đầu tiên của phái huyền môn Isis, và là tác giả một quyển sách tự thuật nhan đề Lucius.
Trong quyển sách này, tác giả tự thuật lại cuộc đời của mình từ khi ông ta gõ cửa đền với tấm lòng nhiệt thành cầu đạo. Từ lâu đời, khoa huyền môn Ai Cập vẫn được giữ kín và khép chặt đối với người ngoại quốc. Chỉ trong một thời kỳ về sau này mới có một số ít những người đó được thu nhận và được điểm đạo. Họ luôn luôn tôn trọng lời cam kết giữ gìn bí mật. Những luật lệ nhập môn đều rất chặt chẽ và nghiêm khắc.
Trong sách ấy, Apuleé viết:
"Với mỗi ngày trôi qua, sự ước muốn được điểm đạo của tôi càng gia tăng. Tôi nhiều lần đến tìm vị đạo trưởng và khẩn cầu người ít nhất hãy bằng lòng điểm đạo cho tôi. Nhưng vị đạo trưởng, có tiếng là người rất cương nghị và áp dụng rất chặt chẽ những luật lệ nghiêm khắc của đạo, bác bỏ lời thỉnh cầu của tôi với những lời lẽ êm ái dịu dàng, cũng như bậc cha mẹ gạt bỏ những ước vọng điên rồ của con cái hãy còn quá non dại. Người trấn an tâm hồn tôi bằng cách đưa ra cho tôi điều hy vọng là hãy đặt niềm tin vào một niềm hạnh phúc lớn lao hơn. Người nói rằng, ngày giờ điểm đạo được chỉ định cho mỗi người không phải do riêng ông tự quyết định, và người đạo trưởng nào đứng ra làm chủ lễ trong mỗi dịp điểm đạo cũng là một sự chọn lựa rất khắt khe.
"Vị đạo trưởng bảo tôi hãy chờ đợi thời điểm ấy cũng như mọi người khác với một tấm lòng kiên nhẫn và sùng kính, và khuyên tôi nên gạt bỏ lòng nhiệt thành quá đáng cùng mọi sự băn khoăn hối hả. Trong khi tôi cố tránh hai điều ấy, tôi cũng phải luôn luôn túc trực sẵn sàng để ứng đáp kịp thời khi thời điểm đến, và đừng tỏ ra nôn nao hay nóng nảy khi không được lưu ý đến. Đó là vì cuộc lễ điểm đạo luôn được xem như một cái chết tự nguyện của người đạo đồ, có khi thực sự nguy hiểm đến tánh mạng. Bởi đó, những người được chọn để điểm đạo thường có tuổi đời đã xế chiều, sắp sửa bước vào cõi chết. Đối với những người ấy, những điều huyền bí nhiệm mầu có thể được nhận biết một cách dễ dàng hơn. Nếu thời điểm được chọn là thích hợp, người đạo đồ chắc chắn sẽ có được một sự phục sinh mới mẻ, và được đặt vào khởi điểm của một giai đoạn sinh hoạt mới.
"Tôi đã không bị bỏ rơi hoàn toàn, vì sau khi bắt tôi phải chịu sự giày vò một thời gian trong sự chờ đợi lâu dài, cuối cùng rồi tôi cũng được cho biết là thời điểm thích hợp cho tôi đã sắp đến.. Bằng những lời khen ngợi dịu dàng, vị đạo trưởng mang đến cho tâm hồn tôi một niềm phúc lạc rất lớn lao, đến nỗi tôi đã thức suốt đêm và vùng dậy từ trước lúc bình minh để hối hả đi đến tịnh thất của vị đạo trưởng.
"Tôi vừa đến nơi thì vị đạo trưởng cũng vừa bước ra khỏi phòng. Tôi bèn nghiêng mình kính cẩn chào người. Tôi đã dự định sẽ khẩn cầu người làm lễ điểm đạo cho tôi với một giọng khẩn thiết hơn trước, như là một điều mà bây giờ tôi có quyền đòi hỏi. Nhưng khi vừa thấy tôi thì người đã lên tiếng trước:
– À, may mắn thay cho con, Lucius, thời giờ đã đến để con có thể nhận được ân huệ thiêng liêng đó! Ngày mà con mong đợi từ lâu, nay đã đến, ta sẽ làm lễ điểm đạo cho con.
"Khi đó, vị đạo trưởng cao niên đạo mạo đặt bàn tay mặt của người trong lòng bàn tay tôi và dắt tôi đến trước cửa thánh điện. Sau khi đã long trọng làm lễ khai môn và dâng hương hoa buổi sáng, người mới lấy từ những chỗ bí mật của đền thờ vài quyển sách được viết tay bằng một thứ chữ lạ kỳ. Kế đó, người bước đến trước thánh điện và trong lúc mặt trời còn chưa ló dạng, người dắt tôi đến quỳ dưới chân tượng nữ thần.
"Sau khi đã tiết lộ cho tôi vài điều bí mật – những điều này quá thiêng liêng để có thể nói ra bằng lời, người dặn tôi trước mặt tất cả mọi người đến chứng kiến cuộc lễ hôm đó, rằng hãy giữ gìn trai giới trong suốt mười ngày liên tiếp, không ăn thịt loài vật và không uống rượu. Tôi tuân theo những lời răn đó một cách chặt chẽ.
"Sau cùng, đã đến ngày hành lễ điểm đạo, tức ngày tôi hiến dâng cuộc đời tôi cho mục đích tìm học những ý nghĩa sâu xa nhất của cuộc đời. Mặt trời đã ngả về tây, đêm tối sắp đến trong khi từ bốn phương xuất hiện rất đông đảo những vị đạo đồ thánh thiện của quá khứ đứng vây quanh tôi, mỗi vị đều ban cho tôi những quà tặng theo nghi lễ cổ truyền.
"Kế đó, sau khi những vị chưa được điểm đạo đã được mời đi ra ngoài, tôi được thay áo mới và vị đạo trưởng cầm tay tôi để dắt tôi đến giữa thánh điện.
"Quí vị độc giả hiếu kỳ có lẽ nóng lòng muốn biết những gì đã xảy ra vào lúc đó. Tôi chắc hẳn là muốn tường thuật lại cho quí vị nghe nếu tôi được phép nói, và nếu quí vị cũng được phép nghe. Nhưng tôi không thể vi phạm lời thề chỉ để làm thỏa mãn sự tò mò của quí vị. Tuy nhiên chắc hẳn quí vị cũng bị thúc đẩy bởi một lòng mong ước thanh cao, nên tôi không thể để cho quí vị phải thất vọng và đợi chờ lâu hơn nữa. Vậy quí vị hãy nghe và tin tưởng, vì điều tôi nói đây là sự thật.
"Tôi đã bước đến gần kề địa hạt của tử thần, tôi đã đặt chân lên ngưỡng cửa của âm ty, tôi đã vượt qua mọi cảnh giới, và rồi tôi đã trở lại cõi trần gian. Tôi đã nhìn thấy mặt trời chói rạng huy hoàng ngay giữa lúc đêm tối. Tôi đã đến gần các đấng thần minh và đã chiêm bái các ngài.
"Nhưng quí vị hãy coi chừng, vì tôi đã nói ra những điều mà mặc dầu được nghe nhưng quí vị thực sự không bao giờ nên biết."
Một năm sau, Lucius được điểm đạo ở cấp bậc huyền môn Osiris, cao hơn cấp bậc Isis. Trong số ít những người ngoại quốc khác đã được điểm đạo theo khoa huyền môn Ai Cập, có Platon, Pythagore, Thales, Lycurgue, Solon, Jamblique, Plutarque và Hérodote. Trong những tác phẩm của Hérodote, ông đã nhắc đến điều ấy với một sự dè dặt tối đa. Ông đã diễn tả từng chi tiết những buổi trình diễn văn nghệ tượng trưng và những cuộc lễ bái công cộng, nhưng ông từ chối không chịu tiết lộ những điều bí mật bên trong. Ông nói như sau:
– Đối với những điều huyền bí đó, dù tôi đã được biết đầy đủ, nhưng tôi có lời cam kết phải giữ một sự im lặng hoàn toàn.
Sử gia Plutarque đã viết rằng:
– Khi ta nghe nói đến huyền thoại của người Ai Cập về các đấng thần minh, những chuyến du hành, sự phân thây, và những chuyện huyễn hoặc hoang đường khác nữa, ta chớ nên tưởng rằng tất cả những chuyện ấy đều có thật. Mỗi dân tộc đều có những biểu tượng, khi thì mờ ám, khi thì dễ hiểu, để trình bày những điều chân lý bất hủ. Chính bằng cách đó mà ta nên đọc hoặc nghe những chuyện thần thoại hoang đường. Ta hãy tiếp nhận những chuyện đó với lòng sùng kính và với một tinh thần triết lý.
Plutarque nói về mục đích diểm đạo ở cấp đẳng huyền môn Isis như sau:
"Bằng phương tiện điểm đạo, người đạo đồ có thể được chuẩn bị đến mức tối đa để đạt tới sự giao cảm với cảnh giới tâm linh. Bởi lẽ đó, đền thờ đấng thiêng liêng được gọi là Iseion, ám chỉ sự hiểu biết vô cùng, bất sinh bất diệt. Sự hiểu biết đó có thể đạt được bằng cách điểm đạo nếu người đạo đồ đã được chuẩn bị sẵn sàng."
Đó là quan điểm của triết gia Hy Lạp Plutarque. Ta hãy nghe nhà hiền triết xứ Syrie tên là Jamblique nói về khoa Huyền Môn Ai Cập mà ông là một vị đạo đồ, như sau:
– Cái tinh hoa và toàn vẹn của mọi điều thiện đều có sẵn nơi các đấng thần minh, cái quyền lực đầu tiên và cổ xưa của các ngài cũng là điều sở hữu của các vị tăng lữ ở các đền thờ. Một sự hiểu biết các đấng thần minh sẽ phản ảnh lại nơi con người chúng ta, và giúp cho ta tự biết mình. Phần thiêng liêng nhất của con người, xưa kia vốn được hợp nhất với thần minh, về sau lại bị chướng ngại bởi một sự trói buộc của mọi điều dục vọng trần gian và sự kiềm tỏa của ác nghiệp. Bởi vậy, cần phải xét xem bằng cách nào con người có thể được giải tỏa khỏi những sự trói buộc ấy. Chỉ có sự hiểu biết về một bản ngã chân thật mới phá tan những sợi dây kiềm tỏa đó. Đó là mục đích của huyền môn Ai Cập, làm cho con người nâng cao tâm hồn để hòa hợp với sự hiện hữu chung của toàn vũ trụ.
Một vị đạo đồ khác là Proclus nói rằng:
– Trong mọi cuộc điểm đạo ở mọi cấp đẳng huyền môn, các đấng thần minh cho thấy nhiều khía cạnh biểu trưng khác nhau. Đôi khi người đạo đồ thấy xuất hiện trước mặt một vầng sáng không hình thể nhất định tỏa ra từ các vị thần, xem dường như một vầng hào quang. Có khi vầng hào quang đó khoác lấy hình người, có khi khoác lấy một hình thể khác. Một vài hình thể đó không phải là thần minh, và làm cho ta sợ hãi.
Triết gia Platon cũng đã từng được điểm đạo, nói rằng:
– Do hậu quả của lễ điểm đạo thiêng liêng, chúng ta chiêm ngưỡng những linh ảnh giản dị xuất hiện trong một vầng ánh sáng tinh anh, và nhờ được thanh lọc để trở nên tinh khiết, chúng ta được giải thoát khỏi xác thân nặng nề nhơ nhớp này, mà từ trước chúng ta vẫn bị dính liền như con sò dính trong cái vỏ.
Như vậy, ý ông muốn nói rằng mục đích tối hậu của sự điểm đạo huyền môn là đưa con người trở về với những nguyên tắc tâm linh mà nhân loại đã mất đi từ buổi sơ khai.
Một vị đạo dồ khác nữa là Moise, người Do Thái gốc Ai Cập, được nhắc đến trong sách Tân ước rằng:
"Moise đã từng được giáo dục trong tất cả nền minh triết của Ai Cập."
Ý nghĩa của câu này là nền minh triết thâm sâu nhất của xứ Ai Cập đã được tiết lộ cho Moise, điều đó cũng có nghĩa là là sự hiểu biết mà Moise có được đã được truyền dạy bởi giáo lý huyền môn Ai Cập.
Sách Tân ước còn nói rằng:
"Moise phủ kín mặt bằng một tấm màn che."
Tính chất tấm màn che như thế nào, thì đoạn sau đó trong sách ấy đã cho ta thấy ý nghĩa của nó:
"Cho đến ngày nay, tấm màn che ấy vẫn phủ kín lên việc đọc sách Cựu ước."
Như vậy, đó không phải là tấm màn che thông thường bằng vải, mà là một tấm màn che kín ý nghĩa của những chữ trong sách, che lấp sự hiểu biết. Bởi đó, tấm màn che mặt của Moise thật ra chính là lời thề giữ im lặng và giữ bí mật mà ông đã cam kết trong cuộc lễ điểm đạo. Moise đã thu thập được sự minh triết tại đạo viện thuộc ngôi đền tại thành phố On, mà người Hy Lạp gọi là Héliopolis khi họ chinh phục xứ Ai Cập. Thành phố này đã biệt tích ở cách vài dặm phía bắc Cairo.
Héliopolis và Memphis, một thành phố cổ khác nữa cũng đã biệt tích, là những thành phố mà ngày xưa người ta có thể nhìn thấy từ trên đỉnh các Kim Tự Tháp, và đều xem Đại Kim Tự Tháp như một nơi thánh điện tối cao để hành lễ điểm đạo huyền môn.
Thành Héliopolis và ngôi đền lớn của nó ngày nay không còn nữa, những bức tường gạch kiên cố bao bọc chung quanh thành phố và những cột trụ đền đến ngày nay đã bị chôn vùi dưới một lớp cát sâu đến bốn thước. Chỉ còn cây thạch tiễn (Obélisque) bằng đá đỏ ở trước cổng thành là còn đứng vững. Moise đã từng nhìn thấy cây thạch tiễn này vì ông đã đi ngang qua đó nhiều lần. Đó là cây thạch tiễn cổ xưa nhất còn đứng vững ở Ai Cập.
Trong số những vị học giả mộ đạo thời cổ đã từng bước chân đến cổng đền này để tìm ánh sáng minh triết, có triết gia Platon và sử gia Herodote. Những vị này cũng đã nhìn thấy cây thạch tiễn mà đến nay vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt, đứng trơ trọi một mình giữa cảnh đồng ruộng bao la. Dưới chân cây thạch tiễn ấy, những nông phu đang cày sâu cuốc bẩm, và hằng ngày dắt trâu ra đồng.
Còn một cây thạch tiễn khác nữa mà vua Thoutmès III dựng lên trước đền thờ Thái Dương ở Héliopolis và ngày nay đang nhô lên cao vút bên bờ sông Tamise ở Luân Đôn, được biết dưới cái tên là "Mũi kim của Cléopâtre", nó nhắc nhở cho dân chúng thủ đô Anh quốc náo nhiệt phồn hoa ngày nay nhớ lại cả một thế giới đã biệt tích cùng với nền văn minh lộng lẫy huy hoàng của một thời đại cổ xưa nay không còn nữa.
Cây thạch tiễn có vẻ như một tên quân canh đứng gác cổng đền, còn những hàng ám tự khắc trên bốn mặt của nó thuật lại lịch sử của ngôi đền. Nhưng nó không phải chỉ là một mũi tên khổng lồ bằng đá được dựng lên để khắc chữ trên đó, nó còn là một biểu tượng thiêng liêng, và mũi nhọn của mỗi cây thạch tiễn đều lấy hình dáng của một Kim Tự Tháp nhỏ.
Heliopolis ngày xưa là một trung tâm rất lớn về các ngành học thuật cổ điển và đạo lý. Nó từng có lúc quy tụ đến mười ba ngàn học viên và có một dân số rất đông đảo. Tại đây cũng có một thư viện nổi tiếng. Thư viện này về sau đã góp phần xây dựng thư viện Alexandrie danh tiếng nhất của thời cổ đại.
Lúc thiếu thời, Moise đã từng tham dự những cuộc rước lễ tôn giáo ở các đền, hoặc học hỏi đạo lý trong những sách cổ xưa làm bằng những cuộn lá chỉ thảo trong thư viện. Ông đã từng trải qua nhiều giờ trong thư viện, đắm chìm trong những cơn suy tư trầm lặng và nghiền ngẫm những tư tưởng triết lý thâm trầm. Học hành chăm chỉ từ lúc nhỏ, Moise đã tiến bộ rất mau chóng, tỏ ra có một học vấn uyên thâm và một đức hạnh gương mẫu đến nỗi ông vượt qua một cách danh dự tất cả những cấp bậc điểm đạo, và đạt tới cấp đẳng cao tột ít người có, là cấp đẳng chân sư. Từ đó, ông trở thành một vị đạo trưởng.
Chính tại đạo viện mà ông được thụ huấn trước kia, dính liền với ngôi đền lớn tại Heliopolis, thành phố của mặt trời, mà ông nhận lãnh chức vị đó. Ông đứng làm chủ lễ điểm đạo cho những môn đồ khác theo nghi lễ huyền môn Osiris, là nghi lễ thuộc về cấp đẳng cao tột. Hồi thời đó ông có tên là Osarsiph, một tên chữ Ai Cập, vì ông vốn là người Do Thái gốc Ai Cập.
Đến một khúc quanh của đời ông, khi ông nhận sứ mạng mà định mệnh giao phó, ông ghi dấu cơ hội này bằng cách chọn một tên gọi Do Thái. Những người Ai Cập trí thức đều tin rằng tên họ của mỗi người vốn có một năng lực thần bí. Vì thế mà tên Osarsiph đã đổi thành Moise.
Vị Pharaoh trị vì lúc đương thời vốn là một hôn quân vô đạo và hung ác, ngược đãi người Do Thái một cách độc ác bất nhân đến nỗi làm cho Moise phải động lòng vì chính ông cũng có một phần dòng máu Do Thái trong huyết quản. Sử chép rằng ông đã giải phóng những bộ lạc Do Thái ra khỏi tình trạng nô lệ, giam cầm, ông đã hướng dẫn họ rời khỏi vùng thung lũng Gochen và noi theo con đường lịch sử từ xưa vẫn nối liền châu Phi và châu Á, con đường mà chính hoàng đế Napoleon đã cưỡi ngựa đi qua và suýt chết chìm khi gần đến thành Suez.
Người ta có thể tìm thấy vài mẩu chuyện về sau của Moise trong Kinh Thánh, nhưng những chuyện này lại bị pha lẫn một cách đáng tiếc với những truyền thuyết và huyền thoại mơ hồ. Năm quyển đầu tiên của bộ sách Cựu ước, được góp nhặt lại dưới nhan đề Pentateuque là do Moise soạn ra. Những quyển ấy chứa đựng một nền minh triết thâm sâu mà Moise muốn truyền lại cho dân tộc Do Thái, nhưng về sau lại có lẫn lộn những yếu tố lịch sử liên quan đến sự sáng tạo thế giới và những chủng tộc đầu tiên của nhân loại.
Thật ra thì Moise, với tư cách một chân sư, từng biết rõ và sử dụng lối văn tự huyền bí của các vị đạo đồ, nghĩa là dùng ám tự với một ý nghĩa tâm linh ẩn giấu. Ông soạn bộ sách Pentateuque bằng ám tự Ai Cập mà chỉ có những bậc tăng lữ đã điểm đạo mới có thể hiểu. Nhưng khi người Do Thái tới định cư tại Palestine, trải qua nhiều thế kỷ, sự hiểu biết về khoa ám tự ngày càng giảm sút. Dần dần, giới tăng lữ đã không còn đọc được thứ chữ ấy nữa và chỉ có thể đoán mò một cách rất khó khăn.
Điều này không có gì lạ, nếu người ta nhớ rằng chính ở tại Ai Cập, vào thế kỷ thứ tư sau Thiên Chúa giáng sinh, phép diễn đạt khoa ám tự đã hoàn toàn mất hẳn. Độ một nghìn năm sau cuộc di cư của dân Do Thái, khi những bậc cao niên lão thành của dân tộc ấy góp nhặt một bộ sách mà ngày nay ta gọi là Cựu ước thì họ gặp phải một khó khăn rất lớn khi dịch những quyển sách của Moise sang tiếng Do Thái. Đó là vì Moise đã viết sách ấy bằng thứ chữ riêng của các vị chân sư, còn những bậc trưởng lão Do Thái, dầu có học thức uyên thâm, cũng chưa phải là những vị chân sư đó. Bởi đó, thường có những chỗ dịch sai nghĩa, những ý nghĩa tượng trưng thì lại bị hiểu lầm như những sự việc có thật, những sự mô tả bằng ám tự được coi như mô tả những sự việc đã xảy ra, những câu mang ý nghĩa bóng bẩy bị hiểu lệch lạc thành ra những chỗ dịch sai lầm.
Chỉ một vài thí dụ cũng đủ chứng minh điều đó. "Sáu ngày tạo thiên lập địa" đối với Moise có nghĩa là sáu chu kỳ thời gian dài đăng đẳng, được gọi một cách tượng trưng là sáu ngày vì những lý do mà chỉ các vị đạo đồ mới biết được mà thôi. Nhưng câu ấy được dịch lại sát nghĩa từng chữ, vì các nhà phiên dịch tưởng rằng đó là sáu ngày với mỗi ngày hai mươi bốn giờ! Hậu quả là những quyển đầu tiên của bộ Kinh Thánh chứa đựng nhiều sự việc dị kỳ nếu người ta hiểu sát từng chữ từng câu, dị kỳ đối với thế hệ hiện tại vì khoa học tiến bộ càng ngày càng kiểm thảo chặt chẽ những bản dịch cổ tự đó đến từng điểm một.
Nhưng sách Thánh kinh sẽ trở nên vô cùng phong phú nếu người ta biết đọc nó với sự hiểu biết những chìa khóa bí mật được truyền dạy cho những vị đạo đồ trong những đền cổ bên Ai Cập. Như vậy, có lẽ Moise phải được xem như một trong những nhân vật đáng kể nhất đã ngộ đạo trong cơn xuất thần huyền bí của những cuộc điểm đạo huyền môn.
Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018
CHUONG 7: LE DIEM DAO HUYEN BI TRONG NHUNG DEN CO AI CAP
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hien huu nhu that da va dang
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Nhờ có sự hộ niệm cho cuộc diện kiến mặt-đối-mặt như thế, cho dù thần thức có yếu đuối thế nào đi nữa, chắc chắn không còn nghi ngờ gì là c...
-
Chính vì muốn dẫn dắt khéo léo các đệ tử mà ta khai thị nhiều pháp môn khác nhau. Laṅkāvatārasūtra Kinh Lăng già Maria Montenegro...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét