Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

LOI TAC GIA



Trong những tác phẩm nói về đời sống ở Ấn Độ, thường có một khía cạnh mơ hồ mà tôi xin cố gắng giải thích để quí vị độc giả được am tường. Những du khách xưa và nay đi du lịch bên Ấn Độ trở về đều có tường thuật những chuyện lạ lùng về các nhà đạo sĩ (yogi) hay thuật sĩ (fakir) của xứ ấy. Những câu chuyện mà chúng ta vẫn nghe quen tai về hạng người bí mật, thường được gọi là đạo sĩ hay thuật sĩ đó, có chứa đựng một phần nào sự thật chăng? Và có bao nhiêu sự thật ẩn giấu sau những truyền thuyết cho rằng có một nền minh triết cổ truyền của Ấn Độ có thể đem đến cho hành giả sự phát triển quyền năng đến một mức độ phi thường?

Để biết rõ sự thật về những điều này, tôi đã thực hiện một cuộc viễn du dài hạn, và những trang sách này là tóm tắt những kết quả điều tra sưu tầm của tôi. Tôi nói “tóm tắt”, là vì sự giới hạn của thời gian và không gian bắt buộc tôi chỉ ghi chép những tài liệu về một vài người đạo sĩ (yogi) tiêu biểu và điển hình trong số những người đặc biệt mà tôi chú ý nhất và có thể khêu gợi sự tò mò thích thú của thế giới Tây phương. Các bạn thử nghĩ xem: Bạn nghe nói về một đạo sĩ chân tu, nổi tiếng là có một sự minh triết thâm sâu và những quyền năng lạ lùng. Để mong gặp họ, bạn liền ra đi, bạn trải qua những ngày nóng như thiêu và những đêm mệt nhọc vì mất ngủ. Khi đến nơi, rốt cuộc bạn chỉ thấy toàn những kẻ mê tín dị đoan, những người nô lệ kinh sách, miệng nói lưu loát nhưng chẳng hiểu gì cả; những người ấy sẽ làm cho độc giả mất thời giờ vô ích, và đối với tôi đó là một việc làm không hứng thú. Vì thế, tôi đã loại bỏ những chuyện đó ra ngoài.

Tôi có thể nói một cách khiêm tốn rằng tôi đã được cái hân hạnh khám phá một trong những khía cạnh của xứ Ấn Độ mà ít người du khách được thấy và hiểu rõ. Trong số những người Âu Tây đến xứ này, thử hỏi có được bao nhiêu người đã chịu tìm hiểu cái khía cạnh đó? Và trong cái thiểu số đó, cũng chỉ có rất ít người có đủ tự do sống len lỏi chung chạ trong đám bình dân để xem xét một cách tỉ mỉ và tường thuật lại một cách rõ ràng, bởi vì họ luôn muốn giữ gìn phẩm cách của họ đối với người bản xứ mà họ cho là thấp hèn. Vì thế mà những văn sĩ Âu Tây đã từng viết về vấn đề này đều bị ngăn cách với những nguồn tài liệu bản xứ, và làm cho những người Ấn Độ hiểu biết thâm sâu về vấn đề ấy phải lánh mặt không chịu đàm luận với họ.

Kết quả của sự kiện trên là người da trắng thường chỉ có sự hiểu biết rất thiếu sót về các nhà đạo sĩ yogi và nếu họ có được biết về một vài người, thì chắc chắn rằng đó không phải là những người đạo sĩ chân tu thượng thặng. Những người này chỉ muốn ẩn mình đối với kẻ thế gian phàm tục và thường làm ra vẻ như người ngu xuẩn. Ở Ấn Độ cũng như Tây Tạng, Trung Hoa, họ xô đuổi những du khách Tây phương đường đột đến nơi ẩn trú của họ bằng cách cố ý khoác lấy một vẻ mặt ngu si đần độn.

Có lẽ họ sẽ hiểu rõ hơn chúng ta, nếu họ biết được câu phương châm bất hủ của Emerson: “Làm bậc vĩ nhân, tất sẽ bị hiểu lầm.” (Tre grand, c’est tre mai compris). Dầu sao, đó là những người ẩn sĩ, không thích sống chung lộn với người đời. Dầu cho họ có tiếp xúc với người thế gian, họ cũng không bao giờ từ bỏ thái độ dè dặt kín đáo, trừ phi đã sau một thời gian quen biết lâu dài. Chính bởi đó mà ở phương Tây chỉ có rất ít tài liệu sách vở được ghi chép về đời sống lạ lùng của những đạo sĩ yogi, và chính những tài liệu ít oi đó cũng hãy còn rất mập mờ và thiếu sót.

Người ta có thể tìm thấy những sách vở tài liệu của những văn sĩ Ấn Độ, nhưng ta nên đọc những sách vở này một cách thận trọng. Thật là một điều đáng tiếc mà nhận thấy rằng người Ấn Độ thiếu óc phê bình sáng suốt về những vấn đề này và thường không phân biệt sự đồn đãi với những điều có thật. Bởi vậy, những tài liệu họ ghi chép bị giảm giá trị rất nhiều.

Khi tôi nhận thấy nhiều người phương Đông bị tấm màn mê tín làm cho thiếu sáng suốt, tôi lấy làm cám ơn cuộc đời đã cho tôi có được một sự đào luyện trí tuệ theo phương pháp khoa học Âu Tây và có được một thái độ hợp lý của người làm nghề viết báo. Trong những điều mê tín dị đoan của phương Đông có ẩn giấu tiềm tàng một phần nào sự thật, nhưng người ta không thể khám phá ra sự thật này nếu không có một sự cảnh giác thường xuyên.

Bất cứ chỗ nào tôi đi đến, tôi vẫn luôn duy trì một sự phê phán khách quan và chặt chẽ, nhưng hoàn toàn không có định kiến chống báng hay thù nghịch. Có người khi biết rằng ngoài sự khảo cứu triết học tôi còn thích sưu tầm những điều thần bí, nhiệm mầu, thì họ liền vẽ vời tô điểm những câu chuyện tầm thường của họ với một lớp sơn phết lòe loẹt. Có lúc tôi đã nghĩ tôi có thể dạy cho họ biết rằng sự thật vốn đủ sức đứng vững trên hai chân mà không cần đến những lớp sơn phết bóng bẩy của họ, nhưng tôi không có thì giờ.

Tuy nhiên, tôi cũng lấy làm hài lòng mà có dịp học hỏi về những điều huyền bí của Đông phương ở ngay tại chỗ. Trong một khối vô cùng hỗn độn và phức tạp gồm rất nhiều những chuyện thần thoại ly kỳ, tôi đã thử lục lạo tìm kiếm những gì có in dấu vết của chân lý và có thể đứng vững sau những cuộc thử thách gắt gao của phương pháp thực nghiệm khoa học. Tôi tự hào rằng có lẽ tôi đã không bao giờ làm được điều này nếu tôi không dung hòa trong cái bản chất phức tạp của tôi hai yếu tố thường vẫn luôn luôn trái ngược nhau: đó là sự hoài nghi của một bộ óc khoa học và sự nhạy cảm tâm linh.

Tôi đề tựa quyển sách này là “Đông phương huyền bí”, vì nó nói về một xứ Ấn Độ đã từng thoát khỏi mọi sự tìm tòi trong hàng bao nhiêu ngàn năm, và được che đậy ẩn giấu một cách kín đáo đến nỗi ngày nay những gì còn sót lại cũng đang tuần tự suy vong và biệt tích. Thái độ kín đáo và bí mật của người đạo sĩ Yogi về việc giữ gìn những sự hiểu biết của họ có vẻ như ích kỷ đối với quan niệm dân chủ tự do của phương Tây hiện nay, và cũng bởi lẽ đó mà họ đã dần dần biến mất và bị mai một với lịch sử.

Hàng ngàn người Âu sống ở Ấn Độ và có đến hàng trăm ngàn người khác đến viếng xứ ấy mỗi năm. Tuy vậy, ít có ai biết được điều gì về Ấn Độ, ngoài những viên ngọc thạch quí giá và những hạt trân châu đắt tiền mà xứ ấy cung cấp.

Càng ít hơn nữa là những người chịu khó đi tìm những đạo sĩ của pháp môn Yoga, và trong một ngàn người Âu, có lẽ không có đến một người sẵn sàng khấu đầu làm lễ trước một nhà tu sĩ khổ hạnh mình trần, da sậm, ngồi thiền ở một nơi đầy chướng ngại đến nỗi cho dù là những người có tâm hồn quảng đại và trí thức cao xa, nếu bất thình lình phải rời khỏi khu cư xá người Âu và lọt vào nơi động đá thâm u đó, cũng sẽ nhận thấy là khó lòng mà sống chung gần gũi với một yogi và thông cảm với những ý tưởng của ông ta.

Tuy nhiên, người ta không thể trách một người Âu, dù là chuyên viên, tư chức, thương gia hay du khách, vì quá kiêu hãnh nên không thể cùng ngồi chung một chiếu với một yogi. Ngoài vấn đề giữ gìn thể diện của người da trắng, còn có vấn đề khác là hình dáng bề ngoài của những người đạo sĩ thường là dị dạng và không được hấp dẫn. Tránh xa một người như thế chắc chắn là một quyết định an toàn và hợp lý nhất. Vì thế mà thật đáng tiếc khi thấy rằng sau một thời gian nhiều năm lưu trú ở xứ này, phần nhiều người Âu trở về nước với một sự thật thà ngây ngô, không hề biết có những gì nằm phía sau cái trán phẳng lì của một nhà hiền triết Ấn Độ.

Tôi còn nhớ buổi gặp gỡ một người đồng hương dưới bóng mát của pháo đài lớn xây trên đồi tại tỉnh Tiruchi. Anh ta giữ một chức vụ quan trọng trong ngành hỏa xa Ấn Độ đã hơn hai mươi năm. Lẽ tự nhiên, tôi hỏi thăm anh ta về đời sống ở xứ này. Sau cùng tôi hỏi một câu đã quen miệng:

– Anh từng gặp các yogi chưa?

Anh ta nhìn tôi bằng cặp mắt vô tư và hỏi lại:

Yogi ư? Con gì vậy? Anh muốn nói đến một loại thú rừng chăng?

Một sự ngờ nghệch như thế có thể tha thứ được đối với một người chỉ quanh quẩn ở xó nhà và chưa từng đi ra khỏi tầm tiếng chuông nhà thờ Sainte Marie le Bow, nhưng là sau hai mươi sáu năm lưu trú ở Ấn Độ thì đó quả thật là một điều hi hữu!

Sở dĩ tôi có thể viết được thiên phóng sự này là vì tôi đã biết gạt bỏ sang bên lòng tự kiêu của người da trắng khi tôi sống chung đụng với mọi sắc dân của xứ Ấn Độ; vì tôi đã tiếp xúc với họ trong một tinh thần cảm thông, cởi mở và gạt bỏ mọi thành kiến; và sau cùng là vì tôi đã suốt đời đi tìm chân lý và sẵn sàng chấp nhận những gì xảy đến cho tôi.

Tôi đã phải vạch một con đường đi xuyên qua những đám rừng người dị đoan mê tín, những thuật sĩ giả mạo bịp đời, để có thể ngồi dưới chân của những bậc hiền triết chân tu, và trực tiếp lắng tai nghe những lời dạy chân chính về khoa pháp môn yoga Ấn Độ.

Tôi đã từng ngồi xếp bằng dưới đất trong những đạo viện hẻo lánh thâm nghiêm, giữa những người bản xứ màu da sậm và nói những thổ ngữ lạ lùng. Tôi đã từng đi tìm những nhà tu sĩ ẩn dật, lánh đời, những bậc yogi thượng đẳng, để lắng tai nghe một cách khiêm tốn những lời dạy khẩu truyền của họ. Tôi đã từng đàm luận suốt nhiều giờ với những nhà bác học Bà-la-môn ở thành Bénarès về những vấn đề triết học thâm sâu và cổ kính, đã từng giày vò khối óc và quả tim của con người kể từ khi mới bắt đầu biết ngẫm nghĩ suy tư. Thỉnh thoảng tôi cũng đã dừng chân để giải trí bên cạnh những vị pháp sư, phù thủy chuyên làm những phép thuật kỳ dị, và tôi đã từng chứng kiến nhiều việc lạ lùng.

Như đã nói trên, tôi muốn ghi chép những sự việc có thật về những người yogi thời nay bằng phương pháp điều tra tại chỗ. Tôi cũng tự hào rằng kinh nghiệm trong nghề làm báo đã giúp tôi gom góp được nhiều tài liệu trong một thời gian ngắn; và thói quen cầm cây bút chì xanh ngồi sửa bài trong một văn phòng tòa soạn đã đào luyện cho tôi một khối óc phê phán chặt chẽ và xác đáng để phân biệt ngọc đá, vàng thau. Sự tiếp xúc với mọi hạng người trong xã hội mà nghề nghiệp phóng viên bắt buộc, gồm cả các giới nam nữ, kẻ sang người hèn, kẻ cùng đinh chí đến nhà triệu phú, đã giúp tôi biết cách đi đứng len lỏi dễ dàng giữa những đám quần chúng đông đảo và phức tạp của xã hội Ấn Độ để lục lạo tiếp xúc với những người bí mật lạ lùng mà người ta gọi là yogi.

Mặt khác, tôi đã từng có một đời sống nội tâm hoàn toàn cách biệt với sự sinh hoạt hằng ngày. Tôi đã dành nhiều thời giờ để khảo cứu những sách vở về khoa huyền môn và thám hiểm những ngõ ngách khó khăn của khoa tâm lý. Tôi đã từng vùi đầu vào những vấn đề xưa nay vẫn được bao trùm trong một tấm màn bí mật hoàn toàn. Thêm vào đó là một sự thích thú tự nhiên đối với những gì thuộc về Đông phương.

Trước cuộc du hành đầu tiên của tôi, phương Đông đã xâm chiếm tâm hồn tôi với một sự hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ. Về sau, tôi quay sang việc khảo cứu các kinh điển của Á châu, nghiền ngẫm về những lời bình luận sâu xa của các nhà bác học và những tư tưởng siêu việt của các nhà hiền triết Đông phương mỗi khi tôi tìm được những bản dịch Anh ngữ.

Hai thứ kinh nghiệm sóng đôi trên đây đã tỏ ra rất hữu ích cho công việc tìm tòi của tôi. Nhờ đó, tôi không bao giờ để cho sự thiện cảm của tôi đối với các vấn đề Đông phương làm thiên lệch óc phê bình và xét đoán khoa học trong công việc điều tra sưu tầm. Nhưng nếu không có mối thiện cảm nói trên thì không bao giờ tôi có thể sống chung đụng với dân bản xứ và len lỏi vào những nơi bình dân mà một người Âu bình thường không thèm đi đến. Còn nếu không có một khối óc phê bình chặt chẽ và lý luận khoa học, tôi đã có thể bị lạc vào đám rừng hỗn độn của sự mê tín dị đoan, mà điều này dường như có nhiều người Ấn Độ đã mắc phải.

Muốn dung hòa những đức tính thường được xem như là tương phản nhau thật không phải là một điều dễ dàng. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn luôn cố gắng gìn giữ những đức tánh đó trên một thế quân bình và hợp lý.

lll

Nói rằng Tây phương không có gì phải học hỏi từ xứ Ấn Độ về các phương tiện vật chất kỹ thuật, điều đó có thể không cần bàn cãi nhiều. Nhưng tôi có thể quả quyết không chút do dự rằng chúng ta có rất nhiều điều cần phải học hỏi từ những bậc hiền triết cổ Ấn Độ và một số bậc hiền giả đương thời về mặt tinh thần và đạo đức.

Người du khách Tây phương đi một vòng viếng những thành phố lớn và những nơi cổ tích lịch sử rồi lên tàu về nước, vui lòng quay lưng từ giã một nền văn minh mà họ cho là lạc hậu, dĩ nhiên cũng có lý do trong sự nhận xét của họ. Nhưng một ngày kia chắc sẽ có một hạng du khách thông minh hơn, thay vì đi tìm tàn tích sụp đổ của những ngôi đền miếu bỏ hoang, hay cung điện cũ của những bạo chúa thời xưa nay đã mai một với lịch sử, hạng du khách này lại đi tìm những bậc hiền giả đương thời, những người có thể tiết lộ cho họ một nền minh triết không hề được giảng dạy ở các trường đại học của phương Tây.

Phải chăng những nhà hiền triết Ấn Độ này chỉ là những kẻ vô công rỗi nghề, ngồi ngáp dài dưới ánh mặt trời nóng như thiêu của vùng nhiệt đới? Phải chăng họ chẳng làm được gì có ích cho thế gian? Người du khách nào chỉ nhìn thấy riêng khía cạnh vật chất thiếu thốn và thái độ có vẻ như tiêu cực vô vi của họ, hẳn là đã không nhìn thấy xa. Người ấy hãy thay thế sự khinh bỉ bằng một chút kính nể, quí trọng, rồi sẽ có thể làm cho những vị hiền triết ấy mở miệng và hé mở những cánh cửa bí mật, diệu huyền.

Đành rằng xứ Ấn Độ đã ngủ im lìm trong suốt hàng bao nhiêu thế kỷ, và có hàng triệu người dân quê Ấn Độ hiện nay vẫn sống trong vòng dốt nát và dị đoan giống như tình trạng của người dân quê Anh quốc hồi thế kỷ 14. Đành rằng những nhà bác học Bà-la-môn ở những trung tâm học thuật bản xứ thường lãng phí thời giờ vô ích để chẻ sợi tóc triết lý ra làm bốn và nói chuyện siêu hình một cách vu vơ, viển vông chẳng thua gì những nhà học giả phương Tây thời Trung Cổ. Tuy nhiên, vẫn còn một ngành học thuật tuy nhỏ nhưng vô giá, được biết đến dưới cái danh từ Yoga, có thể mang đến cho nhân loại những ích lợi cũng quan trọng như tất cả những tiến bộ của khoa học Âu Tây.

Nó có thể đem đến cho thể xác chúng ta một tình trạng sức khoẻ kiện toàn đúng theo ý muốn. Nó có thể đem đến cho nền văn minh tân tiến của chúng ta một trong những điều mà nhân loại cần đến một cách cấp bách nhất, đó là sự bình an trong tâm hồn. Và nó có thể đem đến cho người nào chịu bỏ ra một chút công phu cố gắng cần thiết những phần thưởng quí báu trên địa hạt tâm linh.

Tôi nhìn nhận rằng sự minh triết cao cả đó dường như không phải là của xứ Ấn Độ ngày nay, mà nó thuộc về Ấn Độ của quá khứ, và ngày nay đã không cònnữa thời hưng thịnh của pháp môn Yoga, đã từng có lúc qui tụ chung quanh những bậc danh sư nhiều môn đệ xứng đáng. Tôi tự hỏi, phải chăng chính tấm màn bí mật mà người ta dùng để che đậy ẩn giấu pháp môn Yoga một cách vô cùng chặt chẽ đó đã giết chết sự phát triển mở mang của nó?

Như thế, có lẽ cũng không phải là một điều ngốc nghếch khi yêu cầu những người phương Tây hãy quay mắt nhìn về phương Đông, không phải để tìm một tín ngưỡng mới, mà để thâu thập vài điều kiến thức mới lạ, thêm vào số vốn hiểu biết sẵn có của họ.

Khi những nhà Đông phương học như Burnouf ColebrookeMax Muller xuất hiện trên diễn đàn học thuật của thế giới và đem đến cho chúng ta vài nghệ phẩm văn chương kiệt tác của Ấn Độ, thì những nhà bác học Âu Châu mới bắt đầu hiểu rằng những dân tộc “dị giáo” ở xứ ấy không phải là ngu đần như họ vẫn lầm tưởng do nơi sự dốt nát của chính họ. Những kẻ tự phụ là khôn ngoan nói rằng nền học thuật Á châu vốn trống rỗng, không có gì bổ ích cho Tây phương, ấy là họ đang tự phô bày sự trống rỗng của chính họ. Có những người tự cho là thực tế thường bảo rằng khảo cứu văn hóa Đông phương là một điều dại dột, nhưng rốt cuộc điều đó chỉ bày tỏ sự dại khờ và nông cạn của chính họ.

Chúng ta có xứng đáng là một dân tộc văn minh chăng nếu quan niệm của chúng ta về cuộc đời lại hoàn toàn bị định đoạt bởi một sự ngẫu nhiên tình cờ, khiến cho ta sinh ra ở London thay vì ở Bombay? Những kẻ nào khép chặt trí óc đối với những tư tưởng Đông phương tức là tự khép chặt trí óc họ đối với những tư tưởng tế nhị, những chân lý uyên thâm và những sự hiểu biết sâu rộng về các vấn đề tâm linh. Người khôn ngoan hơn chịu khó tìm tòi lục lạo trong kho tàng hỗn độn cũ kỹ của Đông phương để hy vọng tìm thấy một vài viên ngọc quí, một sự kiện lạ lùng, một vài điểm minh triết quí báu, sẽ thấy rằng công phu tìm kiếm của họ rốt cùng không phải là vô ích.

lll

Tôi lên đường thẳng đến phương Đông để tìm những nhà đạo sĩ và khoa học huyền bí thâm sâu của họ. Tôi cũng nuôi ý nghĩ đi tìm một sự giác ngộ tâm linh và một đời sống siêu việt hơn, tuy rằng đó không phải là mục đích chính của tôi. Tôi đã từng đi dạo trên bờ những con sông linh thiêng của Ấn Độ: sông Hằng với dòng nước xám xanh chảy lờ đờ, sông Jumna rộng lớn, sông Godavari hùng vĩ và ngoạn mục.

Tôi đi châu du khắp chốn và đã được đền đáp trọng hậu: xứ Ấn Độ đón tiếp tôi với hai tay mở rộng, ôm chặt tôi vào lòng, và những bậc hiền giả cuối cùng còn sót lại của xứ ấy đã hé mở những cánh cửa bí mật, diệu huyền trước cặp mắt vô cùng ngạc nhiên của người khách lạ Tây phương!

Tôi có thể nói rằng, chính ở Ấn Độ mà tôi nhận thấy đức tin đã trở lại với tôi. Trước đây không lâu, tôi vẫn còn ở trong số những người xem các học thuyết tâm linh như một điều ảo tưởng, chân lý như một đám mây mù không thiết thực, và luật nhân quả, nền công lý thiêng liêng, như một sản phẩm giả tạo của những kẻ có đầu óc không tưởng, hư vô. Tôi đã phải chịu đựng một cách khốn khổ những người xây dựng cõi thiên đàng thần học, họ thản nhiên dắt bạn đi chơi một vòng trên cõi ấy, tự xem mình là những người của Thượng đế! Tôi chỉ có sự dửng dưng đối với những hành động quá khích và vô vị của những người ấy.

Bởi vậy, nếu tôi đã bắt đầu suy nghĩ khác đi về những vấn đề đó, ấy là tôi có những lý do chính đáng. Tuy thế, tôi vẫn không theo một tín ngưỡng Á Đông nào, vì thật ra tôi đã từng khảo cứu về những vấn đề ấy từ lâu. Điều mà tôi thâu thập được, đó là một quan niệm mới về những vấn đề tâm linh. Điều này dường như chỉ là nhỏ nhặt không đáng kể và có tính cách cá nhân, nhưng đối với một con người của thế hệ hiện nay, không hề tin tưởng ở thần quyền, thì thiết tưởng đó là một kỳ công đáng kể. Đức tin vào đời sống tâm linh đã đến với tôi bằng một phương tiện độc đáo, làm hoán cải một kẻ hoài nghi, nghĩa là không phải do sự lý luận mà do một kinh nghiệm của tự thân. Và chính một bậc hiền giả trong rừng thẳm, một vị ẩn sĩ vô danh và khiêm tốn đã từng sống trong một động đá suốt sáu năm trường, đã mang lại cho tôi sự chuyển biến sâu xa và huyền diệu đó. Tôi tin rằng vị này không hề thi đỗ một cấp bằng khoa cử nào, nhưng tôi không chút hổ thẹn mà nhìn nhận nơi đây tất cả sự biết ơn sâu xa của tôi đối với ngài.

Một xứ sở tạo ra được những con người như vậy ít nhất cũng có đủ uy tín để kêu gọi sự chú ý của những người phương Tây tự cho là thông minh, hiểu biết. Đời sống tâm linh của xứ Ấn Độ huyền bí vẫn luôn có thật và ẩn giấu dưới sự che đậy bên ngoài của những cơn giông tố ồ ạt trên trường chính trị.

Tôi đã cố gắng ghi chép lại trong quyển sách này những chuyện có thật của nhiều bậc tu sĩ đã đạt được sức mạnh tâm linh và sự bình an trong tâm hồn, tức là những ân huệ quí báu mà người đời vẫn thường mong ước một cách tuyệt vọng! Trong sách này, tôi cũng ghi chép nhiều chuyện khác nữa, những chuyện huyền bí và lạ lùng đến nỗi có vẻ như hết sức khó tin.

Thật thế, tôi cũng đã lấy làm ngạc nhiên về sự bạo gan của mình, khì tôi dám viết quyển sách này cho một thế giới hoài nghi và không tin tưởng. Tuy nhiên tôi không tin rằng trào lưu chạy theo vật chất trên thế giới hiện nay sẽ tồn tại mãi mãi với thời gian. Người ta đã bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên của một sự tiến hóa tư tưởng trong tương lai.

Thật ra, tôi cũng như phần đông người của thế hệ này, không hề tin tưởng nơi những phép lạ nhiệm mầu. Nhưng tôi tin rằng sự hiểu biết của chúng ta về những định luật thiên nhiên hãy còn rất thiếu sót, và tôi cũng tin rằng những nhà bác học tiền phong, hiện đang lần mò từng bước để thám hiểm lãnh vực đó, rồi sẽ có ngày khám phá được những điều mà ngày nay ta vẫn thường xem như những phép lạ nhiệm mầu.

PAUL BRUNTON

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...