Lúc bấy giờ tôn sư Xá Lợi Phất
Chắp hai tay chiêm ngưỡng đấng Từ Tôn
Lại bạch rằng: Khi tĩnh tọa ven rừng
Hoặc dốc suối lúc kinh hành tự vấn
Đồng pháp tính, chúng sinh tâm rỗng lặng
Duyên cớ gì Phật độ pháp Tiểu Thừa
Con từng theo thọ pháp thuở lâu xưa
Đã chẳng được sánh cùng hàng Bồ Tát
Không tự biết Phật cơ nghi nói pháp
Tự trách mình dùng tiểu trí tiếp thông
Thân Như Lai sáng đẹp sắc vàng ròng
Pháp giải thoát, bất cộng và lực trí
Nhớ xưa kia con làm thầy Phạm Chí
Phật vì con diễn nói pháp Niết Bàn
Dứt lòng mê thấy được pháp tức Không
Chấp chỗ thấy- tự cho là chứng đắc
Nay mới rõ Niết Bàn kia không thật
Giải thoát môn chỉ một pháp - không hai
Lại nghe rằng sẽ thành Phật vị lai
Nghe tiếng Phật, ngỡ là ma giả nói
Tâm an dịnh nghe Thế Tôn thuyết giải
Dùng bao nhiêu thí dụ nghĩa phơi bày
Tiếng Như Lai như lòng biển sớm mai
Như vô lượng Thế Tôn dùng phương tiện
Vì trí cạn chúng sinh mà quyền biến
Dẫn dụ từ hữu thể đến hư vô
Một nhất-chân-pháp-giới, một Phật Thừa
Con nghe Phật, lưới nghi liền dứt bặt
Lời của Phật, thiên ma không nói được
Lẽ sâu xa, pháp vi diệu nhiệm mầu
Biết tự mình sẽ thành Phật mai sau
Bánh xe pháp nát nghiền bao thống khổ
Cõi trời người pháp luân vô lượng độ.
Phật dạy rằng: Nơi hai muôn ức Phật
Ta xưa dùng phương tiện dắt dìu ông
Từng theo Ta thọ pháp, nguyện vô cùng
Đã quên mất, tự nói là diệt độ
Nay Ta muốn nhắc cho ông nghĩ nhớ
Đạo hạnh xưa và chí nguyện hóa hoằng
Cùng như hàng Duyên Giác với Thanh Văn
Nên thuyết giảng kinh Liên Hoa Diệu Pháp
Xá Lợi Tử! Mai sau ông thành Phật
Trải hằng muôn nghìn ức kiếp phụng trì
Hạnh Bồ Đề vô lượng kiếp đến đi
Cõi nước Phật có tên là Ly Cấu
Ngọc lưu ly trải đường, cây bảy báu
Lưới dây vàng nghiêm sức đất vô ưu
Tám con đường giải thoát trí gồm thu
Tâm chuyển động đại hòa cùng vạn hữu
Số Bồ Tát hằng sa làm đại bửu
Nên kiếp tên là Đại-Bửu-Trang-Nghiêm
Mỗi lần đi hoa đỡ bước chân êm
Sức thần biến đủ đầy muôn pháp hạnh
Hoa-Quang Phật thọ mười hai tiểu kiếp
Và nhân dân tám tiểu kiếp không ngoài
Phật về sau thọ ký bậc tỳ khiêu
Ngài Kiên-Mãn, Phật hiệu là Hoa-Túc
Pháp trụ đời ba mươi hai tiểu kiếp
Lưỡng Túc Tôn tối thượng khó ai bằng
Phật là ông, nên phải tự vui mừng.
Lúc bấy giờ cõi trời người tán thán
Lụa trời bay, nhạc trổi điệu an vui
Hoa cõi trời, sen báu lại đơm tươi
Liền nói kệ: Xưa thành Ba La Nại
Chuyển pháp luân lần đầu tiên diễn giải
Lần nầy đây Phật chuyển đại pháp luân
Pháp thâm sâu ít kẻ được tận cùng
Vô thượng pháp nghe từ kim khẩu Phật.
Bậc đại trí như ngài Xá Lợi Phất
Sẽ tựu thành chánh pháp tạng Như Lai
Tất chúng tôi tùy hỷ sẽ như ngài
Hướng công đức được nghe và thấy Phật
Về vô thượng chánh đẳng và chánh giác.
Áo bày vai, gối hữu quỳ sát đất
Bậc tôn sư Xá Lợi Phất bạch rằng:
Tự thân con nay chẳng chút nghi lầm
Phật chuyển pháp lìa sinh, già, bệnh, chết
Rời chấp ngã, có, không, sinh và diệt
Chư thánh tăng nghe pháp chửa từng nghe
Ắt lòng nghi quả vị chứng được kia
Sánh diệu pháp hôm nay dường có khác?
Phật dạy rằng: Ta trước đâu chẳng nói
Các Như Lai dùng thiện xảo quyền thừa
Pháp nói ra dạy Bồ Tát đó ư?
Vô lượng pháp triển khai đồng một vị.
Xá Lợi Tử!
Ví người cha có vàng ròng, ngọc quý
Nhiều ruộng vườn, tôi tớ kẻ vào ra
Đám trẻ thơ chơi giỡn ở trong nhà
Nhà tuy rộng nhưng cột rường xiêu đổ
Nền móng đã từ lâu xưa nát rã
Vách phên đều xấu xí đất bùn rơi
Tranh lợp nhà tán loạn rách tả tơi
Chim lót tổ, thứu, điêu nằm ngang dọc
Thêm rắn rết, loài ngoan xà nọc độc
Phẩn, giải, đàm bất tịnh chảy tràn lan
Ruồi nhặng bu, cáo, sói với dã can
Cắn nhai nuốt thây người hay đồng loại
Máu loang đỏ, thịt xương tha bừa bãi
Chó ốm nằm sợ mất giựt giành ăn
Tiếng khóc than, gào thét chẳng khi dừng
Loài quỉ mị, dạ xoa nhai nuốt trẻ
Khi no dạ lòng lại thêm hung dữ
Cấu xé nhau hoặc khủng bố làm vui
Đạp trên đầu trên cổ vật và người
Thân quỉ dữ trần truồng da đen đúa
Hoặc có quỉ hình đầu trâu, mặt ngựa
Tóc rối tung, đói khát, cổ bằng kim
Các chim muông, ác thú cũng rình tìm
Uống máu đỏ, ăn thịt hồng đồng loại
Như bãi chiến cốt được, thua, phải, trái
Mải tranh giành cho máu đổ, thịt rơi
Tiếng rên than chết lịm, tiếng reo cười
Nước mắt nhỏ chảy xuôi vào bốn biển
Chốn điêu tàn sinh ra rồi lại chết
Chết rồi sinh tiếp nối mãi không thôi
Bóng đêm che, mây phủ kín mặt trời
Cảnh đổ nát bốc mịt mù ám khí
Đại trưởng giả đứng nhìn rồi bổng thấy
Bốn hướng nhà cùng một ngọn lửa cao
Nhà rộng kia chỉ một cửa ra vào
Các giống dữ chạy tìm nơi ẩn núp
Rường cột gẫy, tiếng kêu la hoảng hốt
Lòng hải kinh không biết chỗ thoát thân
Phước đức kia quá mỏng lấy chi cân
Cảnh hỗn độn lòng lại thêm hỗn độn
Lại tranh đoạt, lại giựt giành ăn nuốt
Khói tanh bay mù mịt một vùng trời
Trưởng lão nhìn dường địa ngục. Than ôi!
Đàn trẻ dại mải mê không sợ sệt
Chân lỡ bước dạo chơi vào cõi chết
Lòng đắm mê nào biết khổ là bao
Tâm xót thương liền gọi: Hãy ra mau!
Các con dại nhìn cha rồi chạy giỡn.
Lúc bấy giờ người cha liền nghĩ tưởng
Riêng thân ta có thể thoát ra ngoài
Nhưng các con thơ dại mải đùa vui
Nay ta phải đặt bày ra phương tiện
Cứu con trẻ đắm vùi trong lửa biển.
Lại biết con trân quí các đồ chơi
Liền gọi rằng: Con trẻ hãy nghe lời
Cha có đủ các xe tùy ý thích
Xe trâu trắng, dê vàng, hươu kéo ách
Cha vì con mà sắm các xe nầy
Đủ sắc màu, hình dạng đẹp lạ thay
Hãy ra lấy kẻo về sau ân hận.
Bầy trẻ dại nghe tiếng cha từ mẫn
Liền mau chân chen lấn chạy ra ngoài
Nhìn các con lòng trưởng giả mừng vui
Tâm an ổn đến ngồi tòa sư tử.
Trẻ liền thưa: Như lời cha hứa giữ
Xin ban cho đủ các loại xe kia.
Xá Lợi Tử !
Trưởng giả giầu vô lượng, tiếc gì xe
Nào gấm vóc, lụa là thêm trân bảo
Ngọc xa cừ, lưu ly và mã não
Bạch ngưu xa giăng lưới kết chân châu
Hoa nở hồng cánh phượng ngọc tiên lầu
Lụa trải bước chân hiền vui núi hạc.
Được của báu lòng trẻ thơ an lạc
Tay cầm cương dong ruỗi bốn phương trời
Cuối đường mây trăng nở một vầng tươi
Đầu non biếc bóng dương hồng dấu ngọc
Vàng phiến lá mầm cây xanh mạch sống
Tím hoàng hôn chim ngủ đợi mặt trời
Vẫn nghìn năm suối chảy một dòng xuôi
Tờ nước biếc vẽ hình trang vân cẩu.
Xá Lợi Tử!
Người trưởng lão có phải đà hư vọng
Cho các con đồng một cỗ xe kia?'
Bạch Thế Tôn, không!
Ví như dùng phương tiện chỉ đường về
Người trưởng lão quyết là không hư dối.
Phật dạy rằng: Đúng như lời ông nói
Phật là cha của tất cả thế gian
Đại thần thông, trí lực khó nghĩ bàn
Vì bi nguyện ứng thân vào tam giới
Nơi cõi dục ngu si và tăm tối
Lòng tham mê, đeo đuổi với tìm cầu
Thọ thân người cùng khổ có gì vui
Mải mê đắm lòng không hề kinh sợ
Trí hèn kém biết đâu là bể khổ
Nếu Như Lai dùng trí tuệ, thần thông
Tán dương và khen ngợi pháp thậm thâm
Mười trí lực cùng bốn vô sở úy
Tâm chúng sinh biết đâu là Phật trí
Bởi trong vòng bức não của thế gian
Ta như người có sức mạnh vạn năng
Chẳng dùng được, phải dùng lời khuyến dỗ.
Cánh rừng hiểm chim khôn không làm tổ
Bến sông mê người trí chẳng dừng chân
Cõi thế gian mù mịt thiếu tuệ tâm
Pháp vi diệu không thể liền lãnh hội.
Phật phương tiện khiến chán lìa ba cõi
Hạnh chuyên cần được đầy đủ tam minh
Đắc lục thông vô ngại một lòng tin
Dùng căn, lực, giác chi vào thánh đạo
Được thuyền định, giải thoát môn vô lậu.
Xá Lợi Tử!
Pháp chư Phật, trước và sau không khác
Ta vì người bảo nhiệm chẳng vọng hư.
Các ông từ nhiều số kiếp có dư
Chìm biển lửa hết sinh rồi lại tử
Làm người khách phong trần quên bản xứ
Đến rồi đi ai đếm được dấu hài
Ta vì người chuyển pháp độ trần ai
Vượt ba cõi, đoạn tuyệt đường sinh tử
Gọi diệt độ mà chẳng là tịch diệt
Ta vì người mê đắm sắc, danh thô
Nhắc cùng người biển khổ chớ nằm mơ
Nguồn cội khổ đến từ lòng tham dục
Dứt vọng dục tức chặt cành, đốn gốc
Khổ từ đâu mà có chỗ dựa nương
Đạo tu hành không vọng tưởng, vấn vương
Gọi giải thoát mà chẳng là tịch diệt
Vượt tam giới, Thanh Văn thừa chứng đắc
Ngồi xe dê là kẻ quyết tâm tu
Tịnh sắc thân, giới hạnh sáng làu làu
Niết Bàn mở chẳng lìa nơi định, huệ.
Hoặc như kẻ mến ưa A lan nhã
Bầu tiêu dao trăng sớm với sao khuya
Vẽ đường mây tan hợp bởi nhân duyên
Cầu trí-tuệ-tự-nhiên, tâm vắng lặng
Quả chứng được gọi đó là Duyên Giác
Ví như người cầu được chiếc xe hươu.
Người đại bi cầu trí tuệ Như Lai
Tâm quảng đại bày khai vô thượng giác
Vì chúng sinh cõi trời, người độ thoát
Sắc và Tâm nào có chỗ đến, đi!
Một bầu Không- tất cả thế gian nầy
Là Bồ Tát Đại Thừa Ma-ha-tát.
Xá Lợi Tử!
Pháp chư Phật cũng đồng là một tướng
Một Phật thừa - một Phật trí vô biên
Pháp tạng kia, các đấng Thánh ngợi khen
Là chánh pháp chư Phật thường hộ niệm
Pháp diệt độ đưa người vào tri kiến
Nhập Phật thừa vào đại trí Như Lai
Đấng Pháp vương tự tại hóa thân nầy
Vì an ổn chúng sinh mà ứng hiện.
Người tùy hỷ kính tin không thối chuyển
Thời đã từng vô lượng kiếp cúng dường
Thời đã nghe, đã gặp đấng Từ Tôn
Trong quá khứ một lòng cầu thượng đạo
Ta vì kẻ trí sâu mà thuyết giáo
Nói đại thừa kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Ví như người tiểu trí chẳng nhìn ra
Hàng Duyên Giác, Thanh Văn không hiểu được
Sức mẫn tuệ, như ông, Xá Lợi Phất!
Nương tín tâm mà thấy pháp Như Lai
Bậc nhị thừa tin kính Phật thuận lời.
Xá Lợi Tử!
Với kẻ lòng kiêu mạn lẩn biếng lười
Trí ảo vọng, thân so đo chấp ngã
Hoặc mê đắm buộc ràng trong ngũ dục
Chớ vì ai mà diễn nói kinh nầy
Nếu đem lòng khinh hủy với chê bai
Tất đoạn tuyệt cả cội mầm Phật chủng
Kẻ thấy người chép biên hay trì tụng
Lại sinh lòng khinh tiện hoặc ghét ghen
Tội báo kia ông hãy khéo lắng nghe
Khi mãn kiếp sa vào A tỳ ngục
Vô số kiếp lại ra vào lục súc
Đọa làm thân chó ốm hoặc dã can
Bệnh tật thêm đói khổ sống lang thang
Người ghét bỏ gớm ghê cho đến chết
Vì tội báo hoặc sinh làm lừa, ngựa
Hoặc lạc đà thân mang kéo nặng nề
Dưới lằn roi dù cực nhọc đi, về
Thân đói khát, nhớ gì hơn cỏ, nước
Vì tội báo hoặc đọa làm thân rắn
Thân thể dài trườn bụng để bò thôi
Bị các loài trùng nhỏ rúc máu tươi
Đau đớn cả ngày đêm không ngừng nghỉ
Vì tội báo sinh làm người thiếu trí
Sáu căn đều ám độn lại lưng gù
Chân lệch què, đui điếc, miệng tanh hôi
Bị quỷ mị dựa vào thêm tật bệnh
Không thuốc chữa, không một ai lưu ý
Biết điều gì, chốc lát lại quên ngay
Tội báo kia, hết họa gởi, tai bay
Phật trụ thế cũng không hề được thấy.
Tai thì điếc lại thêm tâm tà vạy
Thường sinh ra chỗ biên địa, nạn tai
Trải qua nghìn số kiếp sống lưu đày
Cõi địa ngục đến thường như nhà ở
Hay hờn giận vì ngã kia chấp chặt
Thân hôi dơ, ghẻ lác lại tật nguyền
Tình hẫy hừng dâm dục chẳng chừa kiêng
Những tội báo kể bao giờ hết được.
Xá Lợi Tử!
Vì lẽ đó, đối với người vô trí
Chẳng bao giờ nên diễn nói kinh nầy
Bởi nhân kia quả đó rõ ràng thay.
Chỉ nói pháp với những người trí tuệ
Lòng cầu đạo, đức lành như sông bể
Đại từ tâm nào biết tiếc chi thân
Vui núi rừng xa lánh đám phàm nhân
Lòng một đạo, trí bao la khiêm hạ.
Giữa chợ đời biết vàng, thau, ngọc, đá
Một tri âm là kinh pháp đại thừa.
Xá Lợi Tử!
Trong đại chúng lại có hàng Phật tử
Hoặc tỳ khiêu vì trí tuệ khẩn cầu
Chắp tay hằng cung thỉnh pháp thâm sâu
Chẳng đại pháp, một lời không tụng đọc.
Kinh đại thừa khác chi xá lợi Phật
Người cầu kinh tức cầu Phật không xa
Nên vì người nói Diệu Pháp Liên Hoa.
Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018
3. Pham Thi Du
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hien huu nhu that da va dang
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Nhờ có sự hộ niệm cho cuộc diện kiến mặt-đối-mặt như thế, cho dù thần thức có yếu đuối thế nào đi nữa, chắc chắn không còn nghi ngờ gì là c...
-
Chính vì muốn dẫn dắt khéo léo các đệ tử mà ta khai thị nhiều pháp môn khác nhau. Laṅkāvatārasūtra Kinh Lăng già Maria Montenegro...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét