Tôi đi chùa, không hiểu sao rất thích hai chữ Bồ Tát. Trong chùa, tượng Phật quá chừng nhiều, mà tượng Bồ Tát rất ít, hầu như chỉ có Quán Thế Âm cầm cành dương liễu đứng giữa ao sen. Lâu lâu mới gặp một chùa có tượng Đại Thế Chí, Văn Thù Sư Lợi, Đại Hạnh Phổ Hiền. Tôi không thoả mãn, muốn biết thiệt nhiều Bồ Tát nữa kìa.
Tối đó, tôi nằm mơ, thấy Đức Phật cười thật tươi. "Sáng mai con sẽ được gặp Bồ Tát." Tôi chắp tay xá lia lịa. "Dạ, dạ, con đội ơn Đức Phật."
Cả buổi sáng hôm sau, tôi chẳng dám đi đâu cả, cứ ngồi nhà thắp hương đợi Bồ Tát. Chờ hoài không thấy. Đồng hồ chỉ 11g. Trời đã sang trưa. Tôi thở dài, "Chiêm bao không lẽ có thiệt!" Thế là tôi đứng dậy đi ăn cơm bụi, vì bữa nay mắc chờ Bồ Tát nên không đi chợ nấu cơm gì ráo.
Ăn xong, tôi ngẫu hứng chạy luôn tới nhà nhỏ bạn mà khá lâu không thăm viếng. Hôm nay chúa nhật chắc nó được nghỉ làm.
Cảnh nhà hiện ra khiến tôi bàng hoàng. Trời, sao mà xuống cấp dữ vậy? Hình như mới một năm không gặp... Đời sống đô thị vậy đó, có khi quận này cách quận kia không bao xa nhưng người ta vẫn không đi thăm nhau được. Vì công việc bề bộn, làm trong giờ, làm ngoài giờ, học thêm buổi tối, về nhà lo vợ chồng, con cái... Đến chúa nhật cũng chưa chắc rảnh, nào đưa con đi học võ, học bơi, nào đi siêu thị mua thức ăn cho cả tuần, nào dọn dẹp nhà cửa, ủi quần áo cho sáu ngày còn lại, rồi đám giỗ, đám cưới, thôi nôi, đầy tháng bây giờ cũng "đè" chúa nhật ra mà mời... Cho nên, bạn bè rốt cuộc chỉ còn quanh quẩn những người trong cơ quan là chính, chứ bạn cũ, bạn hồi phổ thông như nhỏ Thảo này thì đâu còn dành bao nhiêu cơ hội.
Tôi đến, đúng lúc Thảo đang dỗ dành người cha say xỉn lè nhè chịu nằm xuống ngủ yên. Ông gầy nhom, nhưng bụng trướng to vì bệnh gan, Thảo nói đã trị cả năm nay chưa bớt. Bác sĩ không cho uống rượu, nhưng ông thèm, lâu lâu lén tợp vài ly. Thế là vừa lên cơn đau, vừa kích thích thần kinh, nói năng um sùm. Mẹ Thảo bực dọc, rầy mắng om lên nữa, hoặc ca cẩm suốt ngày bên tai Thảo. Tôi nhìn vào góc nhà, nơi có một căn phòng nhỏ mờ tối, cánh cửa phòng là những song sắt rất to được khoá chặt, trong nhốt cậu em trai của Thảo bị bệnh tâm thần. Cậu ta đã hơn 30 tuổi, chưa vợ, ăn học đàng hoàng, tự nhiên phát bệnh, đập phá, chạy rong ngoài đường. Điều trị ở bệnh viện hơi bớt một chút thì phải lãnh về nhà, vì bệnh viện quá đông bệnh nhân. Cậu ta trông thấy tôi liền cười ré lên và dộng cửa đòi ra. Tiếng khoá va đập loảng xoảng. Thảo chạy đến dỗ em. "Nè, ăn kẹo đi, rồi ngồi xuống chơi, đừng la nữa nghen, chị thương." Cậu ta dịu lại. Thảo cười, "Nó chỉ nghe lời mình thôi."
Thảo quay sang thăm chừng siêu thuốc sắc cho ba uống. "Hết tiền uống thuốc tây rồi, mà uống hoài thấy không kết quả lắm. Đổi sang thuốc nam, coi bộ đỡ." Tôi thở dài, "Một mình bạn với đồng lương y tá mà trang trải hết cho gia đình, làm sao đủ..." "Không đủ cũng phải đủ." "Rồi Thảo không tính chuyện lập gia đình?" "Hì, ai dám nhào vô lãnh 3, 4 người này? Có người đi hỏi, nhưng mình theo chồng thì ai chăm sóc ba má và thằng út. Anh chị Hai ra riêng cũng đâu khá giả gì. Thôi từ từ tính." Từ từ là đến bao giờ? Thảo đã xấp xỉ 40, mái tóc chớm nhiều sợi bạc. Tôi biết, Thảo đã chọn con đường cho mình.
Nhưng lạ, suốt đến chiều tôi không hề nghe Thảo than van một tiếng, trong khi tôi quá mệt vì tiếng dộng cửa la hét của cậu em trai, tiếng rên rỉ của ông bố và tiếng ca cẩm của bà mẹ. Thảo kể lại chuyện nhà cho tôi nghe bằng một giọng đều đều, bình thản. Lâu lâu lại còn cười dỗ người này người kia nữa chứ. Và cuối cùng Thảo tiễn tôi ra về với câu: "Quen rồi, bạn đừng lo cho mình." Tôi đưa Thảo số tiền giúp ông bố uống thuốc, Thảo từ chối. "Chừng nào kẹt, mình sẽ nhờ đến bạn."
Tối đó, tôi mệt nhoài, đi ngủ sớm. Trong giấc mơ tôi lại thấy Phật hiện ra. Tôi khiếu nại liền: "Sao Phật hổng cho con gặp Bồ Tát? Con chờ hoài, đi chơi, lại gặp cảnh khổ, mệt quá chừng. Con mà như nhỏ Thảo chắc con... chết!" Phật cười: "Vậy sáng mai con sẽ gặp."
Tôi lại trang hoàng nhà cửa để đợi Bồ Tát. Nhưng chợt thằng em họ của tôi từ đâu ập vào. Tôi líu lưỡi: "Ơ... mi là...là...Bồ..." Chú em trố mắt nhìn tôi: "Ủa, chị không nhận ra em hả? Ghé rủ chị đi chơi." "Không, ta đang chờ..." "Chờ ai? Đi làm giúp em cái này. Không có chị một mình em xoay sở không kịp." Nó cứ khẩn khoản mãi, tôi đành chịu. "Lạy Bồ Tát, cho con khất bữa nay, chắc Bồ Tát không giận." Thiệt tình, bởi tôi cũng hơi... nản, vì nắng đã lên cao rồi mà cũng không thấy Bồ Tát, hổng chừng đón hụt như hôm nọ nữa. Thôi, đi một chút xem sao.
Chú em họ chở tôi trên honda phóng vèo vèo. Xe ra khỏi ngoại thành, rồi băng qua một cánh đồng, lọt thỏm vào một xã ấp nào đó có con đường gập ghềnh đá sỏi, dằn xóc khiến bụng tôi ê ẩm. Chú em cười hề hề khi tôi nhăn nhó. "Nói trước thì chị dễ gì chịu đi. Lừa bà như vầy mới được!"
Xe dừng trước một phòng học đơn sơ có tấm bảng ghi Lớp học tình thương. Mấy chục cặp mắt trong lớp lố nhố nhìn ra. Hai phụ nữ đang đứng trên bục giảng vội chạy ra đón chúng tôi. "Đây là cô giáo Xương và cô giáo Lãm, đang phụ trách hai lớp sáng chiều. Em quen hai cô lúc đi công tác về xã này. Còn đây là chị họ của em, thưa cô." Hai cô giáo tươi cười: "Cả lớp chờ cậu Minh từ sáng. Cậu hứa về thăm các em, dạy các em hát và sinh hoạt tập thể." Chú em lật đật vô lớp, bày trò liền với tụi nhỏ. Tôi ngồi ngoài hàng hiên trò chuyện cùng hai cô giáo trước khi chú em nhờ tôi tiếp giúp cái gì cũng chưa biết.
Cô Xương 65, cô Lãm 67 tuổi, người gầy, mặc áo bà ba, quần đen giản dị. Cô nói cô dạy tiểu học mấy chục năm, đã về hưu, nhưng thấy trong xã ấp còn nhiều em quá nghèo không đi học được, suốt ngày đi bán vé số, móc bọc ni-lông, mò cua bắt cá, nên hai cô lại đứng ra mở lớp học tình thương này. Có lương bổng gì đâu, còn trích lương hưu ra mua tập vở cho các em nữa. Hai chiếc xe đạp dựng ở bờ tường loang lổ là của hai cô, vượt gần 5 cây số từ nhà đến lớp, mà buổi sáng chỉ dám ăn điểm tâm bằng một củ khoai. Tôi nhìn con đường dằn xóc mà ngán ngược trong bụng.
Cô Xương cười: "Mệt đâu có bằng đến từng nhà năn nỉ ba má mấy em chịu cho con tới lớp. Vì đứa nào cũng có thể làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, nên cha mẹ không muốn con đi học, sợ mất thu nhập. Cô phải năn nỉ gãy lưỡi. Có người còn nói sao cô làm chuyện bao đồng, già rồi thì nghỉ cho khoẻ, hổng có lương dạy chi mà ham dữ vậy." Kể xong, cô cười rung cả mái tóc bạc. Cô Lãm tiếp lời: "Nói vậy chớ sau này họ đã hiểu ra. Gần 10 năm rồi, cũng đủ sức thuyết phục."
Một nhóm học trò buổi chiều nghe có khách nên chạy tới lớp sớm để xem. Các em nói chuyện một hồi bèn gây lộn, chửi thề. Cô Xương kêu các em lại: "Nè, cô dạy đừng có chửi thề, quên rồi phải hôn?" Em học trò thanh minh: "Dạ, tại nó chọc em đó cô." Đứa bạn kia sừng sộ: "Ai biểu mầy kêu tên má tao." Cô Xương nghiêm mặt: "Em nào cũng lỗi. Kêu tên người lớn là bậy. Chửi thề cũng bậy. Tính sao với cô đây?" Hai đứa học trò cùng khoanh tay xin lỗi cô.
Tôi nhìn hai đứa trẻ gầy nhom, đen thui, vẻ mặt sớm nhuộm nét phong trần. Bộ quần áo chúng mặc rất cũ, và dưới chân là đôi dép đứt quai gần phân nửa. Tập vở bút mực bỏ vào cái bọc ni-lông được gọi là "cặp." Tôi nén một tiếng thở dài.
Cô Xương hiểu ý: "Học trò của cô là như vậy đó. Dạy mệt lắm, uốn từng chút như uốn cái cây, phải kiên nhẫn. Nhưng lâu ngày các em cũng ngoan dần dần. Và nhiều em đã học xong lớp 5, cô xin cho ra trường phổ thông học lớp 6, giỏi không thua gì con nhà tử tế." "Vậy cô tính dạy tới chừng nào mới nghỉ dưỡng già?" "Bao giờ hết trẻ em nghèo thì cô nghỉ chớ." Cô cười thật tươi. Tôi giả bộ xin đi ra chợ, lén mua mấy hộp sữa bỏ vào giỏ của cô trước khi ra về. Mong cô có sức khoẻ để mỗi sáng đạp xe 5 cây số cô nhé!
Thế là giấc mơ hội ngộ Bồ Tát của tôi phải dời thêm một lần nữa. Ôi chao, cảnh đời sao quá xá mệt! Bồ Tát ơi, mau cứu giúp chúng sanh! Tôi thiếp đi trong ý nghĩ ấy.
Phật chẳng còn hiện ra trong giấc chiêm bao của tôi nữa, chỉ nghe hình như văng vẳng một câu: "Ngày nào con cũng sẽ được gặp Bồ Tát. Khỏi chờ đợi, khi gặp thì tự nhiên gặp mà thôi." Tôi choàng tỉnh dậy.
Tôi trở lại với nếp sinh hoạt cũ. Đi làm, đi học, về nhà, đi chùa, đi chơi... Nhưng ở đâu tôi cũng chú tâm tìm kiếm, mong ngóng Bồ Tát. Giữa đám đông, thấy một bóng áo lấp lánh, tôi ba chân bốn cẳng chạy tới. Thì ra chỉ là cái áo thêu kim tuyến của một cô gái. Nhưng dù không tin vào chuyện thần bí tôi vẫn chắc chắn rằng hễ Bồ Tát xuất hiện thì sẽ phải khác người, sẽ lộng lẫy hơn, đặc biệt hơn chứ. Tôi không thể bỏ cuộc.
Tôi về quê công tác. UBND xã phải qua một bến đò, có ông lão gần 70 tuổi chèo thoăn thoắt. Mà lạ, đò cập bến, hành khách bước lên bờ rồi... đi luôn, không thấy ai trả tiền cho ông lão. Tôi rụt rè hỏi: "Ông ơi, bộ ở đây người ta mua vé tháng hả ông?" Ông cười hềnh hệch: "Đâu có. Ông đưa miễn phí không hà. Cháu chắc mới đi lần đầu?" "Dạ." Ông gác mái chèo, dẫn tôi vào căn nhà lá nhỏ ven bến sông. "Nhà của ông đây. Cháu không gấp thì ngồi nghỉ chân, uống chén nước. Giờ này ít khách, mình nghỉ một lát không sao." Đã có sẵn bình trà đặt trong bộ vỏ dừa giữ ấm, ông rót cho tôi một chén nhỏ. Tôi hỏi hoài, ông mới kể. Thì ra ông đã đưa đò giúp bà con trong làng gần 30 năm rồi. Con sông khúc này không có cầu qua lại, đi vòng thì rất xa, nên ông tự sắm chiếc đò nhỏ rồi ngày ngày giúp các em học sinh tới trường, giúp mấy bà mấy cô tới chợ, hoặc mấy anh chị công chức qua sông. Ai trả tiền ông cũng không lấy. Ông bà sống bằng mấy công vườn tạp quanh nhà, trồng chuối mít sơ sài đủ mua gạo, mắm muối. Bà con thương, lâu lâu tát mương biếu ông con cá, rổ tép. Còn chiếc ghe lâu ngày mục nát, thì cả xóm xúm nhau lại đóng, người hạ cây, người xẻ gỗ, người trét chai. Bến đò có duyên, UBND xã tặng ông và tặng cả xóm cái bằng khen. Nhưng không có cái bằng khen nào bằng tình nghĩa trong làng đối với nhau, cháu à!
Tôi vác ba lô lên đường, lòng bồi hồi nhớ chén trà ấm áp nơi bến sông nghèo.
Công tác xong, tôi tạt qua huyện bên, thăm lại ngôi chùa Kim Huê hồi nhỏ có về dự lễ Vu Lan cùng bà ngoại. Chùa hướng mặt ra một con rạch nho nhỏ, nước trong xanh soi rõ hàng bạch đàn phơ phất lá. Tôi qua cổng tam quan, gõ chân xuống những viên gạch tàu màu đỏ nay đã nhuốm màu rêu xanh. Sân chùa im ắng, nghe rõ tiếng con chim hót trên cây mận đang rải những chùm hoa trắng muốt. Hình như có bóng người nơi góc sân. Tôi bước đến. Thì ra là sư ông. Mô Phật! Tôi chắp tay xá sư ông mà nước mắt muốn chảy ra.
Sư ông mặc chiếc áo vạt hò nâu cũ kỹ, cái quần vá chằng vá đụp xắn cao lên một chút cho khỏi vướng. Sư ông đang cúi người cưa một khúc củi bằng cây cưa nhỏ. Vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt gầy thanh thoát, nhẹ nhàng đưa lưỡi cưa tạo thành những âm thanh đều đều bình tĩnh. Mạt cưa văng nhẹ hai bên, vàng nhạt dịu dàng. Ai tin được đó là sư ông trụ trì đã hơn "thất thập cổ lai hi".
Tôi nhăn nhó: "Trời ơi, quý thầy trẻ đâu không cưa củi mà sư ông phải làm?" Sư ông cười: "Quý thầy đi học hết rồi. Bài vở nhiều lắm con à. Quý thầy cũng làm chớ, tại sư ông rảnh nên ra vườn cho mát vậy mà." Tôi biết sư ông chẳng lúc nào thích ngồi không, nhưng vừa làm lại vừa niệm Phật, chuyên chú tu hành. Sư ông bảo, làm cho khoẻ người, "nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực". Tôi nghĩ thầm, sư ông ăn ngọ nên có thực bao nhiêu mà tác dữ vậy!
Vừa lúc đó, thầy tri sự về tới. Thầy mừng rỡ dẫn tôi vào phòng khách, và thì thầm sợ sư ông nghe thấy. "Hồi trẻ sư ông một mình làm hết mấy mẫu ruộng để nuôi chúng ăn học. Sư ông nói ai cũng đi học thì ai ở lại lo việc chùa, nuôi huynh đệ, thôi sư ông chọn con đường này. Làm ruộng hồi đó cực dữ lắm, đâu có máy móc như bây giờ, mà đồng lại rất xa, chèo ghe đi mỏi cả tay. Sư ông không than thở một tiếng, chỉ mong huynh đệ thành tài mà lo hóa độ chúng sanh. Cùng thế hệ với sư ông, quý Hòa Thượng đều trở thành những vị giảng sư nổi tiếng, riêng sư ông cứ cây cày cây cuốc hoài vậy. Bây giờ già rồi, làm trụ trì rồi, không cho sư ông ra đồng, thì sư ông cũng kiếm việc làm quanh quẩn trong chùa như tất cả mọi người trong chúng, ăn uống cũng ăn chung một mâm, một món với chúng. Chẳng bao giờ thấy buồn phiền vì huynh đệ tài giỏi, nổi danh hơn mình, cũng không so đo chùa lớn chùa nhỏ. Giáo lý không học nhiều thì sư ông chuyên trì danh niệm Phật, lo về Tịnh Độ là xong."
Tôi ngỡ ngàng. Tiếng guốc vông của sư ông đã lộc cộc bước vào. Tôi nghe như hương hoa lài hoa sen từ sân chùa vương theo áo sư ông tỏa vào gian phòng tĩnh lặng.
Tôi quay về thành phố. Công việc lại ngập đầu trong cái nhịp sôi động quen thuộc. Cho đến khi tạm dứt ra được một chút, tôi quyết định thưởng cho mình một buổi tối giải trí tại Nhà hát kịch, hơn là ngồi thu lu ở nhà ôm cái tivi và đầu đĩa quanh năm. Vé mua rồi, ngồi căn-tin uống nước lai rai chờ mở màn, ngắm thiên hạ đầm váy xinh đẹp đi xem hát và các anh chị nghệ sĩ đi vòng ra cửa sau vào phòng hóa trang. Chợt nghĩ, "Có khi nào Bồ Tát xuất hiện ở chốn vui chơi như vầy không?" Nghĩ rồi bật cười một mình. Hóa ra cũng không quên ước mơ được gặp Bồ Tát.
Một người đàn ông trung niên đẩy xe honda vào khu dành cho diễn viên rồi bước vào căn-tin mua chai nước suối. Tôi a lên một tiếng. Anh Lê Duy, chồng của chị Hạnh bạn tôi. Anh cũng trông thấy tôi, mỉm cười tiến lại bàn. "Ủa, anh đi đâu đây?" "Hôm nay khai trương vở mới, anh đi xem." "À, em quên mất anh là cán bộ của Hội Sân khấu." "Cô cũng còn thời gian đi xem kịch hả? Tưởng việc công ty bận ngập đầu chứ. Anh nói thiệt, làm kinh doanh như cô thì anh chịu thua." "Vậy làm nghệ thuật như anh, em cũng chịu thua. Sao, lúc này có gì mới không? Nghệ thuật luôn luôn là cái mới..." "Có. Lát nữa cô sẽ xem một loạt diễn viên trẻ măng mà Nhà hát mới 'trồng' thay cho lứa cổ thụ cũ đã trưởng thành bay đi khắp nơi. Có thể các em chưa tên tuổi lắm, nhưng đủ sức thu hút bởi chính sự nỗ lực, sự chân thành." "Thôi, điều đó thì em tin, nhưng cái xe anh đi vẫn cũ sì, sao không chịu đổi mới dùm? Loại cúp 70 này cho vô viện bảo tàng được rồi, chớ nó không phù hợp với cương vị của ông cán bộ lãnh đạo Hội chút nào."
Lê Duy cười khà: "Lãnh đạo gì cô ơi. Mà phụ nữ mấy cô sao hay để ý chuyện vặt vãnh, mấy đứa diễn viên trẻ cũng tối ngày theo chọc anh về cái xe. Anh thấy nó còn tốt, tự nhiên đem đổi làm chi. Mà nó có một kỷ niệm sâu sắc, nên anh giữ lại vậy mà." "Chà, em phải méc chị Hạnh... Chuyện bây giờ mới kể à nha!"
Lê Duy tủm tỉm: "Vui miệng nói cô nghe chơi. Anh đã từng đem nó ra tiệm cầm đồ. Hồi 1989, trong nhà chỉ có nó là tài sản đáng giá duy nhất, mà đang lúc cần tiền tổ chức Liên hoan Sân khấu nhỏ, không ai tài trợ hết, anh liều mạng cầm chiếc xe được 3 triệu đồng. Hẹn một tháng tới chuộc, nhưng cũng không biết có chuộc nổi không, thây kệ. May sao, Liên hoan được nửa chừng thì mạnh thường quân tới tấp gởi tiền ủng hộ. Nếu không, anh gút-bai nó luôn rồi. Hì hì..." "Sao anh không xin kinh phí của Nhà nước?" "Chẳng ai tin mình sẽ làm được việc cả. Vì hồi đó anh thấy lớp trẻ vừa tốt nghiệp trường Sân khấu ra không đoàn nào nhận về, các em phải trôi dạt chờ thời tại các nhà văn hóa quận huyện. Anh tổ chức Liên hoan để các em có cơ hội thể hiện mình, để mọi người thấy năng lực lớp trẻ mà sử dụng. Nhờ vậy mà có một thế hệ trẻ trưởng thành. Nhưng lúc đó đâu dám nói là cầm xe, sợ tụi nhỏ nản lòng, phải giả bộ nói các ban ngành ủng hộ dữ lắm. Mà thiệt, khi xem các em diễn một số vở, mọi người mới hoan nghênh và giúp đỡ, anh lấy tiền đem chuộc ngay chiếc xe."
Tôi xuýt xoa vì cái máu liều của anh. Bởi tôi hiểu, thời điểm ấy có được chiếc cúp đã là khó, nhất là với đồng lương công chức, nghệ sĩ như anh. Dù số tiền cầm xe chỉ đủ chi cho mỗi diễn viên trẻ vài tô phở cầm hơi, nhưng đã là một lực đẩy rất mạnh ở những bước chân đầu tiên vô nghề, mở ra niềm tin và hy vọng. Vậy, không phải anh liều, đó là tâm huyết của một nghệ sĩ, muốn vun trồng cho người khác, cho cái đẹp nghệ thuật.
Tôi trở về nhà với dư âm nhân hậu của vở kịch. Sàn diễn không khác cuộc đời, vẫn đau đáu thông điệp của cái thiện và sự hy sinh.
Đêm ấy, Phật lại hiện ra trong giấc mơ tôi. Tôi giận lẫy: "Thôi, con không thèm nghe Phật hứa nữa đâu." Phật cười: "Con đã gặp Bồ Tát rồi mà." "Ủa, con gặp hồi nào?" "Vậy con quan niệm Bồ Tát là như thế nào?" "Dạ, con nghĩ Bồ Tát là vị luôn cứu giúp chúng sanh vượt qua những khó khăn, đau khổ. Không nề hà vất vả, hiểm nguy, không phân biệt sang hèn, không kể công kể sức. Lòng thương yêu chúng sanh vô bờ bến nên mới có đủ năng lực chịu đựng như thế." "Đúng rồi. Vậy những người con đã gặp vừa qua họ có lòng thương yêu người khác, chấp nhận hy sinh để cho người khác hạnh phúc, vượt qua đau khổ hay không?"
"Dạ... có ạ." Những gương mặt lướt qua trong trí nhớ tôi, và tôi đành công nhận. Nhưng còn thắc mắc: "Nhưng Bồ Tát phải có thần thông chứ ạ? Không lẽ Bồ Tát gì quá bình thường, không khác người, không đặc biệt gì hết trơn? Phải có thần thông, hóa phép gì đó con mới tin..."
Đức Phật lắc đầu: "Mèn ơi, con nhỏ này coi phim riết rồi lậm! Chắc con tưởng Bồ Tát giống trong phim Tây Du Ký, tỏa tỏa hào quang, bay cái vèo, hô biến ì đùng đó hả? Hổng phải đâu con. Bồ Tát mà hiện ra kiểu đó thì thiên hạ xúm lại coi như gánh xiếc, rồi cầu xin tùm lum, Bồ Tát chịu đời gì thấu. Muốn thực hành hạnh nguyện lợi tha một cách trọn vẹn, Bồ Tát phải hòa mình cùng chúng sanh, chịu đựng đau khổ, khó khăn như chúng sanh, để rồi từ đó nâng đỡ chúng sanh một cách âm thầm, kiên nhẫn. Phải giấu mình đi con ạ, thậm chí quên mình là Bồ Tát. Còn thần thông ư? Con tưởng tượng đi, nếu là con, con có gánh nổi cả gia đình nào cha mẹ, em út như cô Thảo, với đồng lương nhỏ bé và thời gian khắc nghiệt đó không?" Tôi trả lời cái rụp: "Dạ, chắc con chết ngắc!" "Ừ. Thế con có gánh nổi lũ học trò nghịch phá bụi đời như cô Xương, cô Lãm không?" "Dạ, con nổi nóng chắc đánh nó quá." "Ừm ừm, con nhỏ này sân si ghê chưa! Rồi con có sức để chèo qua chèo lại con sông đó mỗi ngày 20 lần không?" "Hu hu, chắc con gãy tay Phật ơi!" "Nè, nè, chưa chi đã khóc, con có dám cầm chiếc xe Dream mới cáu của con để lấy tiền cho lớp sinh viên trẻ không?" "Ái chà, con... con... Thôi, con mệt quá, vô chùa tu cho rồi!" "Vô chùa, con có cáng đáng nổi cả chục mẫu ruộng để nuôi huynh đệ ăn học không?" "Ý trời, Phật hổng thấy con ốm nhom ốm nhách sao? Khiêng bao lúa hổng nổi mà biểu con làm ruộng..." "Đó, sư ông cũng ốm nhom ốm nhách vậy mà sao sư ông làm nổi, chẳng phải thần thông là gì? Ông lão chèo qua sông mấy chục lần cũng gọi là có thần thông đó con. Và cô Thảo có năng lực gì mà dỗ dành được ông bố, bà mẹ, cậu em trai quậy phá? Con hiểu thần thông chưa con?" "Dạ... hiểu. Ý mà Phật ơi, nếu Bồ Tát là như vậy thì trên đời này có nhiều Bồ Tát lắm. Đi đâu con cũng gặp người tốt cả." "Ừ, và chính con cũng có thể mang hạnh nguyện Bồ Tát đấy." "Mô Phật, con hổng dám đâu. Con yếu đuối, lười biếng, sân si quá chừng..." "Ấy, sao con lại tự kỷ ám thị một cách tiêu cực vậy. Phải đánh thức cái tốt trong mình chứ. Hạt giống thương yêu có sẵn trong con rồi, chỉ cần con tưới cho nó chút nước là nó nảy mầm thôi. Có tình thương với chúng sanh thì trước sau gì con cũng sẽ tìm cách cứu giúp chúng sanh, vậy là thành Bồ Tát đó. Thí dụ mấy hộp sữa mà con lén biếu hai cô giáo..." "Ủa, chỉ có hai hộp sữa mà con thành Bồ Tát hở Phật? Sung sướng quá!" "Tất nhiên là Bồ Tát nhí, Bồ Tát ốc tiêu thôi nghen con. Muốn làm Đại Bồ Tát thì phải hy sinh nhiều lắm." "Dạ, từ từ tính Phật ơi. Cho con lên lớp dần dần chứ bắt con thi liền chương trình cao cấp làm sao con thi nổi!" "Biết rồi! Tùy căn cơ chứ ai mà ép con. Thôi ta đi nghen. Chúc con thành Bồ Tát Ma Ha Tát."
Tôi chưa kịp chào thì Phật đã biến mất. Giấc mơ chỉ còn lại một vầng mây xanh thắm lơ lửng giữa trời, và trong đó có cánh diều của tôi bay lượn vẽ nên những vần thơ hạnh phúc...
Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018
BO TAT
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hien huu nhu that da va dang
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Nhờ có sự hộ niệm cho cuộc diện kiến mặt-đối-mặt như thế, cho dù thần thức có yếu đuối thế nào đi nữa, chắc chắn không còn nghi ngờ gì là c...
-
Chính vì muốn dẫn dắt khéo léo các đệ tử mà ta khai thị nhiều pháp môn khác nhau. Laṅkāvatārasūtra Kinh Lăng già Maria Montenegro...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét