Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

CHUONG III: NHUNG LOI TIEN TRI



Một hôm, sư phụ hỏi tôi:

– Mukunda, tại sao con không đeo một món linh phù hộ thân?

– Bạch thầy, vì con chỉ tin vào nhân quả mà thôi.

Tôi nhớ lại món linh phù mà mẹ tôi đã để lại cho tôi và sự biến mất kỳ lạ của nó vào lúc tôi gặp được sư phụ Śrỵ Yukteswar. Quả thật, tôi chỉ thừa hưởng món linh phù ấy do mẹ tôi trao lại, còn bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc dùng một vật hộ thân để làm thay đổi số mệnh của mình.

Sư phụ nói:

– Vấn đề không phải là con có tin hay không. Thái độ đúng đắn nhất đối với một vấn đề là xác định xem nó đúng hay không đúng, thay vì là tuyên bố tin hay không tin. Trước thời Newton, người ta không phát biểu được định luật về trọng lượng, nhưng những trái táo vẫn tự biết phải rơi như thế nào. Con người từ rất lâu xa trước đây đã nhận biết được nhiều phương thức tác động tích cực vào cuộc sống. Điều đó không có nghĩa là đi ngược lại luật nhân quả, nhưng nó có sự lý giải riêng của nó.

– Bạch thầy, nhưng có quá nhiều những tay bói toán đã lạm dụng sự mê tín của con người.

– Đúng vậy. Và bọn họ đã làm hoen ố đi những khoa học thật sự mà người xưa truyền lại. Chẳng hạn như khoa chiêm tinh hoặc khoa tướng số... Trong thực tế, một nhà hiền triết chân chính am hiểu khoa chiêm tinh có thể nhìn thấy trước số mạng của một người hoặc nhiều người trong một chừng mực nào đó. Điều đó có nghĩa là ông ta căn cứ vào những biểu hiện trong vũ trụ để đọc được quá khứ của một người, và biết được nó sẽ dẫn đến một tương lai như thế nào, nhưng không có nghĩa là ông ta có quyền năng làm cho sự việc sẽ xảy ra như thế nào hoặc ngăn cản được sự xảy ra của chúng. Tuy vậy, có những phương thức tác động nhất định có thể tạo ảnh hưởng thay đổi tích cực, và thông thường thì nguyên lý hoạt động của những phương thức này chính là nhờ vào đức tin. Đứng từ một góc độ nào đó, sức mạnh của đức tin cũng là một trong những nguyên nhân để tạo ra hoặc làm thay đổi nghiệp quả của một con người. Xét cho cùng, nhân và quả của mỗi con người cũng là do chính người ấy tạo ra chứ không ai khác. Vì vậy, thay đổi đức tin của anh ta theo một chiều hướng nào đó có thể giúp làm chuyển biến tích cực những điều xảy đến cho anh ta.

Tôi im lặng một lúc lâu rồi mới đánh bạo thưa hỏi:

– Bạch thầy, con vẫn chưa hiểu vì sao hôm nay thầy nói với con những điều ấy?

Sư phụ nhìn tôi với ánh mắt cảm thông, vì người đọc thấu sự hoang mang của tôi lúc ấy:

– Này Mukunda, nếu con chỉ là một tu sĩ bình thường đi tìm sự giải thoát ở một mức độ nào đó cho chính bản thân mình, ta cũng không cần quan tâm nhiều đến con như thế. Nhưng đến hôm nay ta có thể nói cho con biết rằng trách vụ của con lớn hơn thế rất nhiều. Con sẽ là người thay ta đảm đương việc truyền giáo sang phương Tây, và điều đó buộc con phải có một kiến thức rộng về đủ các bộ môn khoa học, nếu như con muốn rằng tiếng nói của con được người ta lắng nghe.

– Bạch thầy, con sẽ cố gắng.

– Ta biết con không tin vào khoa chiêm tinh, và đã có lần con đốt bỏ lá số tử vi mà cha mẹ đã xin cho con. Sự vững tin vào nhân quả là điều rất tốt, nhưng thái độ của con còn có phần nào đó xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về khoa học này.

Tôi hơi có phần ngạc nhiên, nhưng rồi tự kiềm chế được. Quả thật không có chuyện gì thầy tôi không biết được, ngay cả những việc xảy ra từ trong quá khứ mà chính tôi tưởng chừng cũng đã lâu không nhớ đến.

Ngày tôi còn bé, cha mẹ tôi có xin cho tôi một lá số tử vi. Trong đó có đoạn nói rằng tôi sẽ cưới vợ ba lần và hai lần góa vợ. Từ khi tôi bắt đầu khôn lớn, tôi đã lấy làm khó chịu về lời tiên tri đó, bởi vì ngay cả việc cưới vợ cũng đã không phải là điều tôi nghĩ đến. Một hôm, tôi đốt lá số tử vi ấy đi, lấy tro bỏ vào một phong bì bằng giấy và bên ngoài ghi lên dòng chữ rằng:

"Chỉ những hạt giống đã gieo vào đất ẩm mới có thể nảy mầm và đơm hoa kết trái."

Tôi đặt phong bì ấy trở lại nơi cất lá số tử vi để mọi người đều biết việc làm của mình. Anh Ananta đã chế nhạo tôi rằng: "Em không thể đốt cháy sự thật giống như lá số tử vi này. Những gì đến sẽ đến."

Thật ra, tôi không nghĩ là bằng cách đốt cháy lá số tử vi tôi có thể làm thay đổi vận số, nhưng tôi tin rằng những điều kiện tinh thần hôm nay chính là mảnh đất để những hạt giống của quá khứ đâm chồi. Và nếu tôi cương quyết không tưới tắm, chăm sóc cho những hạt giống ấy thì nó không thể dễ dàng nảy mầm lên được. Tôi nghĩ như vậy là vì tôi đã cương quyết sẽ sống cuộc đời tu sĩ mà không lập gia đình như anh tôi. Nhưng anh Ananta đã không có đủ hiểu biết để nhận ra ý nghĩa sâu xa trong lời thách thức số mệnh của tôi.

Quả thật, cho đến khi tôi bước vào tuổi trưởng thành, gia đình tôi trước sau đã ba lần tính chuyện hôn nhân cho tôi, và bằng cách này hay cách khác tôi đều phản đối thành công những kế hoạch ấy. Về sau, khi nghĩ đến khoa chiêm tinh và các lá số tử vi, tôi không có mấy ấn tượng tốt đẹp ngoài việc cho rằng chỉ là những lời đe dọa vớ vẩn dành cho những người thiếu hẳn đức tin.

– Bạch thầy, không phải thầy đã dạy con rằng, người ta phải lãnh chịu những quả báo tốt hoặc xấu mà họ đã tạo ra, và không có cách nào để tránh né hoặc trốn chạy? Như vậy thì những lá số tử vi liệu có ích lợi gì? Và nói chung thì khoa chiêm tinh liệu có ích lợi gì?

Thầy tôi cười bao dung:

– Sẽ có ngày con không nghĩ như thế nữa, nếu như con hiểu biết nhiều hơn về khoa chiêm tinh. Những người đi trước chúng ta đã đúc kết trí tuệ tinh hoa của nhiều đời để nhận biết rằng có một mối tương quan nhất định giữa mỗi con người với toàn thể vũ trụ này, và nói cụ thể hơn là với một số các vì tinh tú trên bầu trời, với vị trí và sự chuyển vận của chúng. Những mối tương quan ấy được xác lập không do một ý chí quyền năng nào, mà do chính nơi những nghiệp quả tốt hoặc xấu của mỗi người. Nếu một người hiểu được và nhìn thấy rõ những mối tương quan ấy, người đó cũng đồng thời có được những phản ứng tích cực hơn thay vì chỉ chờ đợi mọi việc tuần tự xảy đến.

– Bạch thầy, như thế không phải là chống lại luật nhân quả hay sao?

Thầy tôi bật cười:

– Liệu con có thể chỉ ra được một cách rạch ròi rằng đâu là nhân, đâu là quả của một người trong một sự việc hay không? Con nên nhớ rằng, một sự việc nếu được xem là quả của quá khứ thì đồng thời cũng chính là nhân của tương lai. Thậm chí ngay trong mỗi một sự việc, có những yếu tố được quyết định do nghiệp lực từ đời trước, nhưng cũng có những yếu tố lại được quyết định ngay trong giây phút hiện tại. Sự đan xen phức tạp, tinh vi ấy đã làm cho không một trí tuệ nào của người đời có thể thấy rõ được tất cả mọi yếu tố nhân quả, mà chỉ có bậc đã giác ngộ hoàn toàn, đấng Như Lai Chánh Đẳng Giác mới có thể thấy rõ và hiểu đúng được tất cả.

– Bạch thầy, xin cho con một ví dụ.

– Như có một nhóm người đang muốn đi Calcutta, họ cùng ngồi trên một chiếc xe để chờ khởi hành. Khi xe sắp chạy thì một người trong số đó nhìn thấy bên kia đường có một con chó, vì bới đống rác để tìm thức ăn nên bị một cái thùng gỗ rơi xuống đè vào chân. Con chó không sao rút chân ra được. Người ấy động lòng thương liền chạy sang để cứu con chó. Khi anh ta bẩy cái thùng gỗ nặng nề lên và lôi được con chó ra thì chuyến xe đã khởi hành mất rồi. Anh ta đành phải lấy làm tiếc mà ngồi đợi chuyến xe sau. Không ngờ chuyến xe trước ấy vừa ra khỏi thành phố thì gặp tai nạn và lật nhào xuống ruộng, mọi người không còn ai sống sót. Con có thể nhìn những điều ta nói qua sự việc này. Cộng nghiệp sẽ xảy đến cho cả nhóm người này là họ phải chết trong vụ tai nạn lật xe. Những điều ấy được quyết định từ ác nghiệp nào đó họ dã gây ra vào những thời điểm khác nhau trong quá khứ. Nhưng ngay trong giây phút mà nghiệp quả đã chín muồi, một người trong số họ đã phát khởi lòng thương với một sinh vật. Hành vi này được quyết định ngay trong giây phút hiện tại, xuất phát từ tâm lành của chính anh ta mà không phải do sự thúc đẩy của nghiệp lực. Chính nhờ một quyết định đúng đắn, một việc lành được thực hiện đúng lúc, anh ta đã thoát khỏi một cái chết thê thảm do nghiệp lực đưa đến.

– Bạch thầy, như vậy con hiểu là trong mọi trường hợp, phát khởi thiện tâm bao giờ cũng là cách tốt nhất để tác động tích cực vào nghiệp lực.

– Hoàn toàn chính xác. Nhưng ngoài ra thì những tha lực hộ trì cũng có những tác động nhất định. Chẳng hạn như hôm nay ta sẽ cho con một bài học về việc ấy.

– Bạch thầy, con xin lắng nghe.

– Ta đã nghiệm cho con một lá số tử vi ngay trong lúc này, và biết rằng trong một thời gian ngắn nữa con sẽ mắc phải một căn bệnh rất khó chịu. Căn bệnh ấy sẽ kéo dài trong 6 tháng. Tuy nhiên, ta có một món linh phù mà chính ta đã làm phép chú nguyện vào. Nếu con đeo nó vào người từ nay đến ngày đó, căn bệnh sẽ được rút ngắn còn lại 24 ngày. Trong việc này, ta cho con hoàn toàn quyết định, con có thể nhận đeo nó hoặc là không đeo.

Sư phụ nói rồi đưa cho tôi một vật nhỏ có vẻ như được đúc bằng bạc và chì, có dây đeo. Tôi quyết định đeo nó vào người ngay trước mắt sư phụ để tỏ cho người thấy tôi hoàn toàn tin tưởng vào lời dạy của người, cho dù bản thân tôi quả thật chưa hiểu rõ. Kinh nghiệm qua nhiều lần tỏ thái độ hoài nghi với sư phụ đã cho tôi thấy là bao giờ cũng chỉ dẫn đến sự hối tiếc mà thôi.

Tuy vậy, trong thâm tâm tôi lấy làm nôn nóng mà chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra, bởi vì sức khỏe tôi lúc ấy đang rất tốt nên việc ngã bệnh có vẻ như phần nào thật khó tin.

Sau đó mấy hôm thì sư phụ có việc đi Bénarès. Còn tôi thì cũng quên dần đi lời tiên tri của người.

Nhưng chưa được một tuần lễ sau nữa thì tôi bắt đầu nghe đau nhói ở bên hông. Thầy thuốc địa phương cho biết tôi bị đau gan nhưng ông không chắc lắm trong việc chữa trị vì không có đủ thuốc men. Tôi quyết định đặt trọn niềm tin vào sư phụ.

Những ngày sau đó thật là dài lê thê với những cơn đau hành hạ và tôi suy nhược nhanh chóng vì chẳng ăn uống gì được bao nhiêu. Tôi dồn mọi nỗ lực vào công phu thiền định và nghĩ đến món linh phù sư phụ đã cho tôi như một lá bùa hộ mệnh.

Hơn ba tuần sau, khi tôi tưởng chừng như mình không còn đủ sức để chịu đựng lâu hơn nữa thì sư phụ trở về như một cứu tinh.

Sư phụ vào phòng thăm tôi ngay khi vừa trở về đạo viện. Thầy lấy tay xoa đầu và hỏi han bệnh tình của tôi. Tôi ứa nước mắt vì cơn đau mà cũng vì vui mừng được gặp lại sư phụ trong những giây phút nguy nan của đời mình:

– Bạch thầy, xin hãy cứu con.

– Con quên lời ta đã nói rồi sao? Nếu con thật sự tin tưởng ta thì chẳng có gì phải lo lắng cả.

Tôi nhẩm tính và chợt nhận ra ngày hôm đó đúng là ngày thứ 24 kể từ hôm tôi phát bệnh. Sư phụ tự tay pha cho tôi một ly nước nóng và đỡ tôi ngồi dậy trên giường bệnh. Tôi uống hết ly nước và thầy bảo tôi hãy nằm yên để nghỉ ngơi.

Đêm hôm đó, tôi ngủ một giấc rất say và giật mình thức giấc vào khoảng nửa đêm. Một cảm giác nóng ran dễ chịu nơi món linh phù tôi đeo trên ngực, lan dần ra khắp vùng ngực và rồi xuống đến vùng bị đau. Tôi có cảm giác nơi chỗ đau ngày càng nóng lên, ban đầu rất dễ chịu, rồi sau đó nóng bỏng đến cực độ. Khoảng nửa giờ sau thì những cảm giác ấy dần dần tan biến mất. Tôi đưa tay sờ vào chỗ bị đau và kinh ngạc khi nhận ra đã không còn cảm giác gì nữa. Toàn thân tôi không còn nghe mỏi mệt rã rời như suốt mấy tuần lễ qua, mà thay vào đó là một sự sảng khoái, thanh thản mà đã lâu tôi không có được.

Ngày hôm sau, tôi hoàn toàn bình phục trước sự ngạc nhiên của tất cả huynh đệ trong đạo viện. Tuy vẫn còn gầy ốm nhưng tôi ăn uống trở lại bình thường và không còn bị cơn đau hành hạ nữa. Và khoảng hai tuần sau thì tôi đã lấy lại được sức khỏe như trước.

Một buổi tối, sư phụ gọi tôi lên phòng của người và nói:

– Thầy hy vọng là qua lần này con đã hiểu ra được nhiều điều. Có những khoa học tuy không nên lấy đó làm cứu cánh nhưng cũng không thể tùy tiện phủ nhận tính đúng thật của nó khi chúng ta chưa có đủ hiểu biết. Trên đường hoằng hóa sau này, con còn phải dựa rất nhiều vào đức tin và kiến thức bao quát của mình. Thầy mong rằng từ nay con sẽ chín chắn hơn và sẵn sàng học hỏi những điểm mới thay vì là cố chấp vào những gì đã biết.

Cuộc đời phiêu bạt đầy sóng gió của tôi về sau đã chứng tỏ sự lo xa và những lời dạy dỗ của sư phụ là hoàn toàn đúng đắn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...