Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Chuong 1: Tim kiem



Chúng ta ai ai cũng đi tìm sự bình an và hòa hợp, vì chúng ta đều thiếu thốn những thứ đó trong đời. Chúng ta đều muốn có hạnh phúc, và coi đó là quyền của chúng ta. Tuy hạnh phúc là mục tiêu mà chúng ta đều cố gắng tiến tới, nhưng ít khi đạt được. Trong đời, nhiều lúc chúng ta trải qua những bất mãn như giao động, bực bội, bất hòa, đau khổ. Dù rằng trong lúc này, chúng ta không có gì để bất mãn, chúng ta vẫn có thể nhớ lại những lúc mà bất mãn làm chúng ta đau khổ, hay tiên đoán lúc nào chúng có thể xảy ra. Cuối cùng, tất cả chúng ta đều phải đối diện với sự đau khổ của cái chết.

Khi bất mãn, ta không giữ cho riêng mình mà lại muốn chia sẻ sự đau khổ của mình với người khác, làm cho không khí chung quanh người đau khổ trở nên kích động khiến cho ai vào đó cũng cảm thấy bị giao động và buồn rầu. Do đó, những căng thẳng cá nhân cộng hưởng tạo nên căng thẳng xã hội.

Đây là vấn đề căn bản của cuộc đời: Tính chất không mãn nguyện của nó. Có những việc ta không muốn lại xảy ra; có những việc ta muốn lại không xảy ra. Chúng ta không biết tiến trình này do đâu và xảy ra như thế nào, cũng như ta mù mịt về sự sanh tử của chúng ta.

Hai mươi lăm thế kỷ trước ở Bắc Ấn, một người quyết định nghiên cứu vấn đề này, vấn đề khổ đau của nhân loại. Sau nhiều năm tìm kiếm và thử nhiều phương pháp, ông đã khám phá ra một cách để đạt được tuệ giác vào thực tế của bản tánh của chính mình và đã thể nghiệm sự giải thoát thực sự khỏi khổ đau. Sau khi đạt được mục đích tối thượng của sự giải thoát khỏi đau khổ và xung đột, ngài dành hết quãng đời còn lại để giúp người khác thực hiện được những gìn ngài đã thực hiện, chỉ cho họ con đường giải thoát cho chính họ.

Người này là Siddhattha Gotama, là Đức Phật, một bậc giác ngộ, chỉ nhận mình là một người bình thường. Giống như tất cả các bậc thầy vĩ đại, Ngài trở thành đề tài của những huyền thoại; nhưng dù các chuyện về những kiếp trước có kỳ diệu đến đâu, hoặc về những quyền lực siêu nhiên của Ngài, tất cả đều đồng ý Ngài không bao giờ tuyên bố Ngài là thần thánh hay được thần thánh hội nhập. Bất cứ những đặc tính gì Ngài có đều là những tính tốt của con người đã được Ngài làm cho toàn mỹ. Vì vậy, những gì Ngài đạt được, đều nằm trong tầm tay những ai làm như Ngài đã làm.

Đức Phật không dạy một tôn giáo, một triết lý, hay một hệ thống tín điều nào. Ngài gọi những gì Ngài dạy là Dhamma, là luật, luật tự nhiên. Ngài không thích giáo điều hay suy luận vô ích. ngài chỉ cống hiến một giải pháp phổ quát, thực tiễn cho một vần đề phổ quát. Ngài nói, "Bây giờ cũng như trước kia, ta dạy về khổ và cách diệt khổ." 1 Ngài từ chối mọi tranh luận không dẫn đến sự giải thoát khổ đau.

Ngài nhấn mạnh những điều Ngài giảng không phải do Ngài phát minh ra hay được tiết lộ cho ngài một cách huyền bí. Đó chỉ là sự thật, thực tế mà do sự cố gắng Ngài đã tìm ra như những người trước Ngài đã làm và những người sau Ngài sẽ làm. Ngài không giữ độc quyền về sự thật.

Ngài cũng không đòi hỏi một thẩm quyền đặc biệt nào về những điều Ngài dạy vì mọi người tin nơi Ngài hay vì tính cách hợp lý hiển nhiên của những điều Ngài dạy. Trái lại, Ngài còn nói rằng sự nghi ngờ và thử nghiệm lại những gì ngoài tầm kinh nghiệm của mình là một sự chính đáng :

Đừng vội tin những gì nghe được, những gì được truyền lại từ những thế hệ trước, những ý kiến của đại chúng, hay những gì trong kinh điển. Đừng chấp nhận điều gì là đúng nếu chỉ do suy luận, do sự xét đoán bề ngoài, hay vì thiên vị về một quan điểm nào đó, hay vì nó có vẻ đáng tin, hay vì do thầy mình đã bảo như vậy. Nhưng khi chính các bạn tự mình biết : "Những nguyên tắc này không tốt, đáng chê trách, bị các nhà hiền triết lên án, và nếu chấp nhận và làm theo thì chúng chỉ dẫn đến sự tai hại và đau khổ," lúc đó bạn phải buông bỏ chúng. Và khi các bạn tự biết, "Những nguyên tắc này tốt, không có gì đáng chê trách, được các nhà hiền triết khen ngợi; và khi chấp nhận và đem áp dụng, chúng mang lại an lạc và hạnh phúc", thì bạn phải chấp nhận và đem ra thực hành. 2

Thẩm quyền cao nhất là tự mình thể nghiệm lấy sự thật. Không nên chấp nhận điều gì chỉ do lòng tin mà thôi; chúng ta phải xem xét xem nó có hợp lý, thực tế, và có ích lợi hay không. Xét một giáo huấn bằng lý luận không đủ để chấp nhận nó là đúng bằng trí thức. Nếu chúng ta muốn được hưởng lợi ích từ sự thật, chúng ta phải thể nghiệm nó trực tiếp. Lúc đó ta mới có thể biết được nó có thật là đúng  không. Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh rằng những điều Ngài dạy chỉ là những gì Ngài đã thể nghiệm bằng sự hiểu biết trực tiếp, và Ngài khuyến khích người khác chính họ cũng phát triển những hiểu biết như vậy, để trở thành thẩm quyền của chính mình: "Mỗi người hãy tự biến mình thành một hòn đảo, một nơi nương tựa cho chính mình; không có nơi nương tựa nào khác. Hãy lấy sự thật là hòn đảo của mình, lấy sự thật làm nơi nương tựa; không có nơi nương tựa nào khác." 3

Thật ra, nơi nương tựa duy nhất ở đời, mảnh đất vững chắc duy nhất cho ta dùng, thẩm quyền độc nhất hướng dẫn ta đúng đắn và che trở ta là sự thật, Dhamma, luật tự nhiên, được thể nghiệm và kiểm chứng bởi chính ta. Vì vậy trong sự giảng dạy của Ngài, Đức Phật luôn luôn cho sự chứng nghiệm sự thật trực tiếp là điều tối quan trọng. Những gì Ngài đã thể nghiệm, Ngài cố gắng giảng thật rõ để người khác có thể dùng đó làm kim chỉ nam để tự mình thể nghiệm sự thật. Ngài nói: "Giáo huấn ta trình bầy không có hai mặt, mặt trong mặt ngoài. Ta không che dấu một điều gì cả." 4 Ngài không có những bí truyền dành riêng cho một số người được lựa chọn. Ngược lại, Ngài muốn giảng định luật tự nhiên thật đơn giản và rộng rãi để càng nhiều người được hưởng lợi ích bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.

Ngài không thích thiết lập một tôn giáo, hay sùng bái cá nhân mà Ngài là trung tâm. Ngài chủ trương nhân cách của người giảng dạy không quan trọng bằng giáo huấn người đó dạy. Mục đích của Ngài là chỉ cách cho người khác tự giải thoát chứ không phải biến họ thành những tín đồ mù quáng. Đối với người bầy tỏ sự cung kính quá đáng, Ngài nói: "Các người được lợi ích gì khi chiêm ngưỡng cái thân xác sẽ bị hủy hoại này? Người nào thấy Dhamma là thấy ta; người nào thấy ta là thấy Dhamma." 5 Lòng sùng kính một người khác, dù người đó có thánh thiện đi nữa cũng không đủ để giải thoát được ai. Không thể nào có sự giải thoát hay cứu rỗi mà không có kinh nghiệm trực tiếp về thực tế. Vì vậy sự thật là chính, chứ không phải người giảng dạy. Chúng ta nên kính trọng người giảng dạy sự thật, nhưng cách tốt nhất để bầy tỏ lòng tôn kính đó là tự chứng nghiệm sự thật. Khi những vinh dự quá đáng dành cho Ngài lúc cuối đời, Đức Phật đã phẩm bình: "Đây không phải là sự tôn kính, hay lòng thành tín đúng cách đối với một đấng giác ngộ. Dù là các vị tăng hay ni hay các nam nữ cư sĩ đã bước đi một cách vững vàng trên con đường Dhamma từ bước đầu đến bước cuối, những người thực hành Dhamma  đúng cách, là người tôn kính bậc giác ngộ một cách long trọng nhất." 6

Đức Phật dạy con đường mà mọi người đều có thể theo. Ngài gọi con đường đó là Bát Thánh Đạo có nghĩa là luyện tập tám phần tương quan mật thiết. Gọi là thánh vì những ai đi trên con đường đó sẽ trở thành một người có tâm thánh thiện, một thánh nhân, không còn đau khổ.

Đó là con đường của tuệ giác vào tính chất của sự thật, con đường chứng nghiệm sự thật. Để giải quyết những vấn đề của chúng ta, chúng ta phải thấy tình huống đúng như thật. Chúng ta phải học để nhận biết sự thật bề ngoài, hiển nhiên, và cũng để đi sâu vào, vượt qua tầng lớp bên ngoài để nhận thức được những sự thực tinh tế hơn, rồi tới sự thực tối hậu, và cuối cùng là để thể nghiệm sự thật của sự giải thoát khỏi đau khổ. Bất cứ danh từ nào chúng ta chọn để gọi sự thật về sự giải thoát này, hoặc là Niết Bàn, nibbana, "thiên đàng", hay là gì đi nữa, đều không quan trọng. Điều quan trọng là thực nghiệm nó.

Con đường duy nhất để thể nghiệm sự thật một cách trực tiếp là nhìn vào bên trong, là quan sát chính mình. Cả đời ta chỉ quen nhìn ra ngoài. Chúng ta luôn luôn chú ý đến những gì xảy ra ở bên ngoài, những gì người khác làm. Chúng ta ít khi hay chẳng bao giờ thử tìm hiểu cơ cấu tâm thân, hành động, và thực tế của chúng ta. Vì vậy chúng ta không biết gì về chúng ta hết. Chúng ta không nhận biết được cái tai hại của sự vô minh về chính mình nó tai hại như thế nào, những lực lượng bên trong bắt chúng ta làm nô lệ cho chúng như thế nào mà chúng ta không hề hay biết.

Cái bóng tối bên trong này phải bị xóa tan đi để chúng ta có thể hiểu được sự thật. Chúng ta phải có tuệ giác vào chính tính chất của ta để hiểu được tính chất của sự hiện hữu. Do đó con đường Đức Phật chỉ là con đường tự xét, tự quan sát. Ngài nói: "Ngay trong cái thân xác nhỏ bé này, ta khám phá được vũ trụ, nguồn gốc của vũ trụ, sự kết thúc của vũ trụ, và con đường dẫn đến sự kết thúc ấy." 7 Toàn thể vũ trụ và những luật tự nhiên do vũ trụ vận hành đều được thể nghiệm trong chính ta. Chúng chỉ có thể được thể nghiệm trong ta mà thôi.

Con đường này cũng là một con đường thanh lọc. Chúng ta nghiên cứu sự thật về mình không phải vì trí tò mò mà vì có mục đích nhất định. Do sự quan sát bản thân, chúng ta lần đầu tiên ý thức được những phản ứng có điều kiện, những thành kiến làm lu mờ tâm trí, che dấu thực tế, và tạo ra đau khổ. Chúng ta thấy rằng những căng thẳng tích lũy bên trong tâm làm chúng ta bị giao động, đau khổ, và chúng ta nhận thức được rằng chúng ta có thể loại bỏ chúng. Dần dần chúng ta học cách hóa giải chúng, và tâm chúng ta trở nên thanh tịnh, an bình và hạnh phúc.

Con đường là một tiến trình đòi hỏi sự áp dụng liên tục. Có thể đột nhiên có những bước tiến vượt bực, nhưng đó chỉ là kết quả của những cố gắng lâu dài. Cần phải tiến hành từng bước một; và ích lợi tới ngay từng bước. Chúng ta không theo con đường để thu thập những lợi ích chỉ để hưởng thụ trong tương lai, để được lên cọi trời sau khi chết như phỏng đoán. Sự lợi ích phải cụ thể, sống động, có tính cách cá nhân, được thể nghiệm ngay ở đây và ngay bây giờ.

Trên hết, đây là một giáo huấn để thực hành. Chỉ có lòng thành tín nơi Đức Phật, hay giáo huấn của Ngài sẽ không giúp ta thoát khỏi đau khổ. Hiểu con đường bằng lý trí cũng chẳng giúp gì được. Cả hai chỉ có giá trị nếu chúng gợi hứng cho ta đem giáo huấn ra thực hành. Chỉ có thực hành những điều giảng dạy của Đức Phật mới có kết quả cụ thể, và làm cho đời sống ta tốt đẹp hơn. Đức Phật nói,

"Nếu có người chỉ tụng kinh không mà không áp dụng nó, thì cũng giống như một người chăn bò chỉ đếm bò của người khác;  người đó không được hưởng phần thưởng của đời sống của những người đi tìm sự thật.. 

Một người có thể chỉ đọc được vài chữ trong kinh điển, nhưng nếu người ấy sống cuộc sống Dhamma, bước đi trên con đường từ bước đầu cho tới đích, thì người đó được hưởng phần thưởng cho người đi tìm sự thật." 8

Con đường phải theo, giáo lý phải được thi hành; nếu không, đó chỉ là một bài tập vô nghĩa.

Không cần phải là Phật tữ mới tập được giáo huấn này. Nhãn hiệu không có giá trị gì. Đau khổ không phân biệt ai, mà chung cho cả mọi người; bởi vậy, thuốc chữa muốn có ích phải được áp dụng cho tất cả mọi người. Kỹ thuật không chỉ dành riêng cho các nhà tu ẩn sĩ là những người đã xa lìa đời sống hằng ngày. Dĩ nhiên phải cần một khoảng thời gian để học cách thực hành, nhưng sau khi đã học xong rồi, ta phải áp dụng chúng vào đời sống hằng ngày. Những người đã rời bỏ nhà và những trách nhiệm thế tục để theo con đường này, có cơ hội luyện tập nhiều hơn, thâm nhập giáo lý sâu xa hơn, và do đó tiến bộ nhanh hơn. Mặt khác, những người sống trong đời với nhiều trách nhiệm khác nhau, chỉ có thời gian giới hạn để thực tập. Nhưng dù là chủ gia đình hay vô gia đình, ta phải áp dụng Dhamma.

Chỉ có áp dụng Dhamma mới mang lại kết quả. Nếu đây thật sự là con đường đưa ta từ đau khổ đến bình an, thì trong khi tiến bước trên con đường thực hành, chúng ta phải có hạnh phúc hơn, hòa hợp hơn, và bình an hơn với chính mình. Đồng thời, mọi quan hệ của ta với người khác cũng phải trở nên bình an và hòa hợp hơn. Thay vì tăng thêm sự căng thẳng cho xã hội, chúng ta có thể đóng góp tích cực vào sự làm tăng hạnh phúc và an bình của mọi người. Muốn theo con đường, chúng ta phải sống cuộc sống của Dhamma, của sự thật, của thanh tịnh. Đây là phương cách đúng đắn để thi hành giáo huấn. Thực hành Dhamma đúng đắn là nghệ thuật sống vậy.

 

 

                                            

        VẤN   ĐÁP

Câu hỏi:Thầy hay viện dẫn Đức Phật, vậy có phải thầy giảng đạo Phật không?

Thiền sư S. N. Goenka: Tôi không quan tâm đến đạo giáo (Ism). Tôi giảng Dhamma như Đức Phật đã giảng. Ngài chưa bao giờ dạy một đạo giáo hay một học thuyết nào, Ngài dạy những điều có thể ích lợi cho người thuộc mọi giai cấp: một nghệ thuật sống. Sống trong sự vô minh thì có hại cho mọi người, trí tuệ phát triển thì tốt cho mọi người. Bởi vậy, ai tập pháp môn này đều thấy ích lợi. Một tín đồ Cơ Đốc giáo, sẽ trở thành một con chiên ngoan đạo, một người Do Thái giáo, một người Hồi giáo, một người Ấn Độ giáo, một Phật tử đều trở thành tín đồ tốt của tôn giáo họ. Ta phải trở thành một người tốt, nếu không, ta chẳng bao giờ có thể là một tín đồ tốt. Điều quan trọng nhất là làm sao để trở thành một người tốt.

Thầy nói đến điều kiện hóa. Có phải tập pháp môn này là một loại điều kiện hóa tâm hồn, dù rằng đó là điều kiện hóa tích cực ?

Trái ngược lại, đây là một phương pháp hóa giải điều kiện. Thay vì bắt tâm phải nhồi nhét một cái gì, phương pháp này tự động loại bỏ những tính bất thiện để chỉ còn lại những tính thiện lành, tích cực trong tâm. Khi những tính xấu bị diệt trừ thì những tính tốt, vốn là tính chất căn bản, sẽ được biểu lộ.

 

Nhưng khi ngồi thiền trong một tư thế nào đó, trong một khoảng thời gian và hướng sự chú tâm theo một cách nào đó cũng là điều kiện hóa?

Nếu quý vị thực hành nó như một trò chơi, hay một cách máy móc thì đúng là điều kiện hóa tâm. Nhưng đó là tập sai Vipassana. Khi được tập đúng, nó sẽ giúp bạn thực nghiệm sự thật một cách trực tiếp. Và từ kinh nghiệm này, tự nhiên sự hiểu biết được phát triển, và những điều kiện trước bị tiêu hủy.

Ngồi thiền cả ngày quên hết chuyện đời có phải là ích kỷ hay không?

Nếu chỉ có vậy thì đúng là ích kỷ, nhưng đây chỉ là một phương tiện để đưa đến một kết quả hoàn toàn không ích kỷ: Một tâm hồn lành mạnh. Khi bạn có bệnh, bạn vào nhà thương để phục hồi sức khỏe. Quý vị không ở đó cả đời mà chỉ đến đó để lấy lại sức khỏe để tiếp tục sống. Cũng vậy quý vị tham dự khóa thiền để cho tâm được lành mạnh, nhờ vậy bạn hành xử tốt cho chính mình và cho người khác trong đời sống hằng ngày.

Nhìn thấy sự đau khổ của người khác mà mình sống bình an, hạnh phúc thì có phải là vô tình hay không?

Nhậy cảm đối với đau khổ của người khác không có nghĩa là phải lảm quý vị buồn. Thay vào đó, quý vị phải bình tĩnh, quân bình mà hành động để làm giảm đi sự đau khổ của họ. Nếu quý vị cũng buồn, quý vị gia tăng sự buồn rầu xung quanh, quý vị chẳng giúp được ai mà cũng chẳng giúp gì cho chính mình.

Tại sao chúng ta không sống bình an ?

Vì thiếu trí tuệ. Một cuộc sống thiếu trí tuệ là một cuộc sống ảo tưởng, nó là một trạng thái giao động, đau khổ. Trách nhiệm đầu tiên của chúng ta là sống một cuộc sống lành mạnh, hòa hợp, tốt cho chúng ta và cho tất cả mọi người. Muốn vậy, chúng ta phải học xử dụng khả năng tự quan sát, quan sát sự thật.

Tại sao cần phải theo khóa thiền 10 ngày để học kỹ thuật này?

Nếu quý vị có thể ở lâu hơn thì càng tốt. Tuy nhiên 10 ngày là thời gian tối thiểu để có thể nắm vững được những điểm căn bản của phương pháp này.

Tại sao phải ở trong khuôn viên của khóa thiền trong 10 ngày?

Bởi vì quý vị ở đây để thực hiện một cuộc giải phẫu về tâm mình. Mỗi cuộc giải phẫu đều phải được thực hiện ở bệnh viện, trong phòng mổ để được bảo vệ khỏi bị nhiễm trùng. Ở đây, trong khuôn viên khóa thiền quý vị có thể thực hiện cuộc giải phẫu mà không bị phiền nhiễu bởi những ảnh hưởng bên ngoài. Khi khóa học chấm dứt, cuộc giải phẫu xong, và quý vị sẵn sàng để ra đối diện lại với đời.

Phương pháp này có chữa lành bệnh không?

Có, đó là kết quả phụ. Nhiều bệnh tâm thần sẽ tự động khỏi khi những căng thẳng trong tâm được giải tỏa. Nếu tâm bị giao động, thân bệnh chắc chắn phát triển. Khi tâm trở nên thanh tịnh thì bệnh tự khắc khỏi. Nhưng nếu mục đích của quý vị chỉ để chữa khỏi bệnh thay vì để thanh lọ tâm, thì quý vị chẳng đạt được gì cả. Tôi đã thấy những người theo khóa thiền chỉ để chữa bệnh, họ chỉ chú tâm vào bệnh của họ trong suốt khóa thiền, "Hôm nay bệnh có bớt không? Không, không khá hơn.  .  .  Hôm nay bệnh có giảm đi không? Không, không giảm đi !" Họ phí cả 10 ngày như vậy. Nhưng nếu ý định chỉ là để thanh lọc tâm, thì bệnh sẽ tự động khỏi do kết quả của thiền.

Mục đích của cuộc đời là gì?

Là thoát khỏi khổ đau. Con người có khả năng tuyệt diệu để vào sâu bên trong, quan sát thực tế, và thoát khỏi khổ đau. Không dùng khả năng này là phí phạm cuộc đời. Hãy dùng nó để sống một đời sống thực sự khỏe mạnh và hạnh phúc!

Thiền sư nói đến trường hợp bị chế ngự bởi tiêu cực, thế còn khi tích cực chế ngự thì sao, chẳng hạn như tình yêu?

Cái mà bạn gọi là "tích cực" là tính chất thật của tâm. Khi tâm không còn bị điều kiện hóa thì nó luôn luôn tràn đầy tình thương - tình thương tinh khiết - và bạn cảm thấy bình an và hạnh phúc. Nếu bạn bỏ được tiêu cực, thì còn lại tích cực và sự tinh khiết. Hãy để cho cả thế giới này được tràn ngập bởi sự tích cực này.

     

          Bước Đi Trên Con Đường

          

 Trong thành Savatthi ở Bắc Ấn, Đức Phật có một trung tâm lớn, nơi mọi người tới thiền và nghe Ngài giảng Dhamma. Một chàng trẻ tuổi thường đến nghe giảng mỗi buổi chiều. Chàng nghe Đức Phật giảng trong nhiều năm nhưng chưa bao giờ đem những giáo huấn ra thực hành.

Sau vài năm, một chiều kia chàng đến thiền viện sớm và thấy Đức phật chỉ có một mình. Chàng lại gần Ngài và nói, "Bạch Ngài, con có một câu hỏi cứ làm con thắc mắc mãi".

"Ồ, không nên có một nghi vấn nào trên con đường Dhamma. Hãy làm cho chúng được sáng tỏ. Câu hỏi của anh là gì?"

"Bạch Ngài, trong nhiều năm con đã đến thiền viện, con nhận thấy có một số lớn các nhà tu hành và cư sĩ quanh Ngài. Qua nhiều năm tháng họ đã đến với Ngài, một vài vị trong họ như con thấy đã đạt đến giai đoạn cuối cùng: hiển nhiên họ đã giải thoát hoàn toàn. Con cũng thấy nhiều người khác có nhiều thay đổi trong cuộc sống, mặc dầu con không thể nói họ đã được giải thoát nhưng họ thiện lương hơn trước nhiều. Nhưng bạch Ngài, con cũng nhận thấy một số lớn hơn trong đó có con vẫn như cũ, và đôi khi còn tệ hơn.

 "Bạch Ngài tại sao lại như vậy? Người ta đến với Ngài, một vĩ nhân đã hoàn toàn giải thoát, một người đầy quyền lực và lòng trắc ẩn. Tại sao Ngài không dùng quyền lực và lòng trắc ẩn để giải thoát họ?"

Đức Phật mỉm cười và nói, "Này anh thanh niên, anh sống ở đâu? Quê anh ở đâu?"

"Bạch Ngài, con sống ở đây, thành Savatthi, thủ phủ của Kosala."

"Phải, nhưng vẻ mặt anh cho thấy anh không phải là người ở đây. Quê anh ở đâu?"

"Bạch Ngài, ở Rajagaha, thủ phủ của Magadha. Con đến sinh sống ở đây từ mấy năm nay   rồi."

"Thế anh có cắt đứt mọi liên lạc với Rajagaha không?"

"Bạch Ngài không. Con còn họ hàng, bạn bè, cơ sở làm ăn ở đó."

"Vậy chắc là anh phải đi về Rajagaha luôn chứ?"

"Bạch Ngài, phải. Hàng năm con trở về Rajagaha nhiều lần."

"Cứ đi đi lại lại nhiều lần như thế, chắc anh biết rõ con đường chứ?"

"Ồ, bạch Ngài, phải. Con biết rõ lắm. Dù cho có bịt mắt lại con cũng tìm được tới Rajagaha, vì con đã đi lại đường này nhiều lần."

"Và bạn anh, những người biết rõ anh chắn chắn họ phải biết anh từ Rajagaha tới lập nghiệp ở đây? Họ phải biết anh thường đi Rajagaha và trở lại, và anh biết rõ đường từ đây đến Rajagaha?"

"Ồ, bạch Ngài, phải. Những người thân cận với con đều biết con hay đi Rajagaha và biết rõ đường đi."

"Vậy chắc chắn phải có người đến hỏi anh đường đi đến Rajagaha. Anh có giấu họ không hay anh chỉ rõ cho họ đường đi?"

"Bạch Ngài, có gì mà phải giấu. Con hết lòng chỉ cho họ, "Bắt đầu hãy đi về hướng Đông rồi hướng về phía Banaras, và tiếp tục đi tới Gaya, rồi Rajagaha. Con giảng rất rõ cho họ."

"Và tất cả những người anh chỉ đường có đều đến được Rajagaha không?"

"Làm sao có thể được thưa Ngài? Những người nào đi hết đường thì sẽ tới Rajagaha."

"Này chàng thanh niên, đó là những gì ta muốn giảng cho anh. Mọi người tiếp tục đến với ta, biết rằng đây là một người đã đi từ đây đến Nibbana (Niết bàn) và biết rõ đường này. Họ tới và hỏi: Đường nào tới Nibbana, tới giải thoát? Và có gì đâu để giấu diếm. Ta giảng cho họ rất rõ ràng: "Đây là con đường". Nếu có người gật đầu và nói : "Nói hay lắm, con đường tốt nhưng tôi không bước đi trên đó; một con đường kỳ diệu nhưng tôi không muốn nhọc mình bước đi", làm sao người đó đến đích được?

Ta không vác ai trên vai để đưa họ tới đích. Không ai có thể vác người khác trên vai để mang người đó tới đích. Cùng lắm, với lòng từ ái người đó có thể nói : "Này, đây là con đường, và tôi đã đi trên đó như thế nào. Quý vị cũng phải luyện tập, cũng phải tự mình bước đi và sẽ tới đích. Mỗi người phải tự mình đi, tự mình bước. Người bước một bước sẽ gần đích hơn một bước. Người bước một trăm bước sẽ gần đích hơn một trăm bước. Người đã đi hết mọi bước thì đến đích cuối cùng. Quý vị phải tự mình bước đi trên con đường." 9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...