Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

Su ra di trong Chanh phap cua me toi



Năm 1985, một thiền sinh thưa hỏi Goenkaji rằng liệu có thể nào nhận biết được những cảm giác vào thời điểm chết. Để đáp lại, thầy đã kể câu chuyện sau đây về cái chết người mẹ nuôi của thầy. (Câu chuyện này trước đây được xuất bản trong Bản tin Vipassana, số tháng 4 năm 1992.)

Tôi là một trong sáu người con trai. Tôi được chú thiếm tôi, ông Dwarkadas và bà Ramidevi Goenka, nhận làm con nuôi từ khi tôi còn nhỏ. Ông bà có sáu người con gái nhưng không có con trai.

Mẹ nuôi tôi là một đệ tử nhiệt thành của thầy tôi, ngài Sayagyi U Ba Khin. Bà đã có tiến triển rất lớn trong những năm thực hành thiền Vipassana dưới sự hướng dẫn của ngài Sayagyi và thầy rất thương mẹ tôi. Theo như được biết cho đến nay, mẹ là người học trò duy nhất đã qua đời trước sự chứng kiến của thầy.

Năm 1967, khi mẹ tôi khoảng 70 tuổi, bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Trong gia đình, chúng tôi không biết được bà đã chịu đựng bao lâu vì bà chẳng bao giờ than phiền. Chỉ một tuần trước khi chết, bà mới tình cờ nói về những cơn đau trong vùng gan. Khi người con dâu (tức là vợ tôi, bà Goenka) bảo bà mô tả cơn đau, bà nói: "Ừ, cơn đau này cũng tương tự như cơn đau lúc sinh con của người phụ nữ vậy, chỉ khác là nó liên tục không ngắt quãng."

Vào lúc đó, bà đã thiền tập rất nghiêm túc qua bảy năm rồi. Bà đến trung tâm thiền mỗi khi có khóa thiền, cho dù là 10 ngày, một tháng hoặc bất kể là bao lâu. Túi hành lý của bà luôn sẵn sàng. Bà cũng tự hành thiền ở nhà. Mặc dù xuất thân từ gia đình sùng đạo Hindu, bà không còn quan tâm đến các nghi thức tế lễ. Bà đã từ bỏ tất cả.

Từ khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cho đến khi bà mất vào bảy ngày sau đó, bà không cho phép ai nói với bà về căn bệnh. Bà nghiêm khắc yêu cầu chỉ các thiền sinh Vipassana mới được phép vào phòng bà, và cũng chỉ để ngồi thiền mà thôi. Họ có thể ngồi thiền trong nửa giờ, một giờ hoặc nhiều giờ, rồi phải rời đi một cách lặng lẽ.

Theo tập tục trong cộng đồng Hindu, bạn bè thân quen của một người sắp chết phải đến nhà thăm viếng để tỏ lòng kính trọng. Mẹ tôi là người quen biết rất nhiều và có nhiều người muốn đến thăm bà trong giai đoạn bệnh tật cuối cùng này. Đối với những người không phải thiền sinh, bà dặn dò hoan nghênh họ đến thăm nhưng không cho vào phòng bà. Họ có thể đến ngồi im lặng bên ngoài cửa phòng.

Mẹ tôi không quan tâm đến việc trị bệnh, nhưng làm con tôi có bổn phận phải lo việc điều trị cho bà. Mỗi ngày, bác sĩ gia đình của chúng tôi và một bác sĩ chuyên khoa đều đến thăm bệnh cho bà. Khi họ hỏi bà về những cơn đau, bà nói: "À, có đau đấy. Nhưng có sao đâu? Anissa, anissa." (Bà phát âm chữ anicca trong tiếng Pāli, nghĩa là vô thường, theo âm Miến Điện.) Chuyện đó với bà không có gì quan trọng cả.

Một buổi sáng, vị bác sĩ chuyên khoa sợ rằng cơn đau của bệnh ung thư có thể làm bà mất ngủ. Ông hỏi: "Đêm qua bà ngủ có ngon không?" Bà đáp: "Không, cả đêm tôi không ngủ." Ông liền kê toa mấy viên thuốc ngủ để bà uống đêm đó. Hôm sau, vị bác sĩ đến và hỏi xem bà có ngủ không, và bà đáp "Không". Một lần nữa, ông hỏi lại vào ngày thứ ba và bà vẫn đáp: "Không."

Mặc dù bà không than phiền gì, nhưng vị bác sĩ lo lắng rằng bà không ngủ do quá đau đớn. Vì tình trạng khan hiếm thuốc lúc đó, vị bác sĩ không biết loại thuốc nào đang có sẵn ở tiệm thuốc nên liền kê toa ba liều thuốc ngủ mạnh khác nhau, với dụng ý chỉ cần mua một trong số đó. Tuy nhiên, cả ba loại đều có sẵn và được mua đủ, rồi do sự hiểu lầm, mẹ tôi được trao cho liều thuốc ngủ với đủ ba loại thuốc đó. Buổi sáng hôm sau, một lần nữa bà lại báo với bác sĩ rằng, mặc dù mí mắt bà có trĩu nặng, nhưng suốt đêm bà vẫn không ngủ.

Khi ấy tôi nhận ra rằng vị bác sĩ đã không hiểu được vấn đề. Đối với một thiền sinh Vipassana, giấc ngủ không quan trọng, đặc biệt là khi người bệnh sắp chết. Bất chấp tác dụng của thuốc, ý chí mạnh mẽ của mẹ tôi đã giữ bà tỉnh thức. Bà đã thực hành thiền Vipassana trong từng giây phút. Tôi giải thích với vị bác sĩ rằng dùng thuốc ngủ cũng chẳng ích gì, nhưng ông ấy không thể hiểu được. Ông nói: "Tôi đã cho bà ấy uống liều thuốc mạnh thế này mà vẫn không giúp bà ấy ngủ được. Điều này nhất định cho thấy bà ấy đang cực kỳ đau đớn." Tôi nói: "Không phải do cơn đau, mà chính là thiền Vipassana đã giữ bà ấy trong trạng thái tỉnh thức, nhận biết mọi cảm giác của mình."

Khi chúng tôi rời phòng bà, vị bác sĩ nhận xét: "Có điều gì đó rất đặc biệt ở mẹ ông. Người phụ nữ cùng tuổi bà ấy ở nhà bên cạnh cũng bị ung thư gan. Bà ấy đau khổ vô cùng và kêu thét lên khi đau đớn. Chúng tôi rất tiếc phải nhìn thấy bà trong tình trạng khủng khiếp đó, nhưng không thể giúp xoa dịu được gì. Còn ở đây thì mẹ ông lúc nào cũng mỉm cười khi gặp chúng tôi."

Vào đêm mẹ tôi qua đời, một số người trong gia đình cùng ngồi thiền với bà. Khoảng 11 giờ khuya, bà bảo chúng tôi: "Muộn lắm rồi, mọi người đi ngủ cả đi." Đến khoảng nửa đêm, cô y tá trực nhận thấy không còn mạch đập ở cổ tay bà. Cô bắt đầu lo sợ và nghĩ rằng bà sắp chết nên nói: "Cháu sẽ gọi các con bà dậy nhé?" Mẹ tôi đáp ngay: "Không, không. Vẫn chưa đến giờ bà đi đâu. Khi nào đến giờ, bà sẽ cho cháu biết." Đúng 3 giờ sáng, bà bảo cô y tá: "Đến giờ rồi, gọi hết mọi người trong nhà dậy. Bà phải đi rồi đây."

Và thế là tất cả chúng tôi được đánh thức. Chúng tôi đến và nhận ra ở nhiều phần trên thân thể mẹ không còn mạch nhảy. Chúng tôi gọi điện cho ngài Sayagyi và vị bác sĩ gia đình. Cả hai đều nhanh chóng đến nơi. Khi bác sĩ đến, ông nói rằng mẹ tôi chỉ còn sống được mấy phút nữa thôi.

Ngài Sayagyi đến ngay sau đó. Mẹ tôi đang nằm trên giường, cổ tay bà không còn mạch đập, hệt như đã chết. Nhưng ngay khi vừa nhìn thấy vị thầy, bà lập tức có đủ sức mạnh để đưa hai tay lên và chắp lại để tỏ lòng cung kính thầy.

Khoảng năm phút trước khi mất, bà nhìn tôi và nói: "Mẹ muốn ngồi dậy." Tôi quay sang hỏi ý bác sĩ, ông nói: "Không được, chỉ vài phút nữa bà ấy sẽ chết, hãy để bà ấy chết êm ái. Nếu ông giúp cử động, bà ấy sẽ phải chết trong đau đớn. Bà ấy cũng đã đau đớn lắm rồi, hãy để yên như vậy." Mẹ tôi nghe rõ lời bác sĩ, nhưng vẫn bảo tôi lần nữa: "Không, hãy đỡ mẹ ngồi dậy." Tôi nghĩ: "Đây là ý muốn cuối cùng của mẹ. Mẹ không quan tâm đến cảm giác đau đớn, cho nên những gì bác sĩ nói không quan trọng. Mình nhất định phải giúp mẹ ngồi dậy." Tôi kê mấy cái gối dưới lưng bà. Với một nỗ lực gượng mạnh, bà ngồi thẳng dậy trong tư thế ngồi thiền với hai chân tréo nhau và nhìn khắp thảy chúng tôi. Tôi hỏi bà: "Mẹ có nhận biết cảm giác không? Có nhận biết anissa (vô thường) không?" Bà đưa tay chạm lên đỉnh đầu và nói: "Có, có, anissa." Bà mỉm cười... và trong chừng nửa phút, bà tắt hơi.

Khi còn sống, khuôn mặt bà luôn sáng tươi rạng rỡ. Lúc chết cũng vậy, có một quầng sáng rạng ngời trên khuôn mặt bà.

—S.N. Goenka

Không bao lâu sau cái chết của mẹ, Goenkaji rời Miến Điện để mang lời Phật dạy trở về Ấn Độ, nơi đức Phật đản sinh. Và từ Ấn Độ, với sự góp sức của hàng ngàn học trò Goenkaji, Giáo pháp này đã truyền rộng ra khắp thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hien huu nhu that da va dang

Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...