Phật giáo Nguyên Thủy hiện nay còn giữ được hầu như nguyên vẹn toàn bộ giáo lý uyên nguyên của Đức Phật thuở bình minh. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta sẽ ôm chặt Tam tạng kinh điển ấy như một kho bảo vật. Không phải vậy. Chúng ta học đạo, trong tinh thần phát hiện cái thực thì chúng ta sẽ không lệ thuộc Phật giáo Nguyên Thủy, Đại Thừa, Tiểu Thừa hay Thiền Tông gì gì cả. Kinh điển chẳng phải là cái gì thiêng liêng lắm. Nó chỉ là một đống ngôn ngữ trống rỗng! Tôi xin nói bạo một chút để chúng ta cùng có một ấn tượng sâu đậm về nó. Mặc dầu kinh điển cả đấy, của toàn bộ các tông phái, nhưng thật ra chúng chỉ là mớ ngôn ngữ trống rỗng. Chúng ta sẽ cùng nhau "bươi" cái đống bừa bộn lỉnh kỉnh văn tự chữ nghĩa ấy ra. Quý vị có cùng với tôi làm cái công việc ấy không? "Bươi" nó ra để nương theo đó mà thấy chân lý, sự thật, cái thực.
Có lẽ nhiều vị chưa bỏ được thói quen sùng kính kinh điển, nên mới nghe nói "trống rỗng" là quý vị sợ rồi. Tôi còn nói hơn thế nữa, nó chỉ là cặn bã của Chư Phật, Chư Thánh mà thôi. Xin lỗi nếu tôi làm quý vị khó chịu. Vậy để tôi kể cho quý vị nghe một câu chuyện:
Hồi xưa có một ông thợ mộc đến cung điện đẽo bánh xe cho Đức Vua. Thấy Đức Vua đang trang nghiêm chăm chú đọc cái gì đó, bèn hỏi:
- Tâu bệ hạ, bệ hạ đang đọc cái gì vậy?
Vua đáp:
- À, ta đang đọc kinh điển của Thánh nhân.
Ông thợ mộc cười nói:
- Làm gì có chuyện đó, thưa bệ hạ! Đó chỉ là cặn bã của Thánh nhân mà thôi!
Vua tức giận:
- Này, này! Đừng có láo xược! Sao ngươi dám nói như vậy! Nếu giải thích không trôi thì ta chém đầu, rõ chưa?
Ông thợ mộc vẫn bình tĩnh, trình bày với Đức vua như thế này:
- Tâu bệ hạ! Tôi có đứa con trai. Bởi tôi là thợ mộc giỏi nên tôi cố trao nghề cho đứa con trai yêu dấu. Tôi bảo nó cầm búa như thế này, cầm đục như thế này, đẽo như thế này, cưa như thế này... sự tinh xảo là ở những góc độ như thế này này... Tôi đã cố gắng cặn kẽ chỉ bày từng li từng tí, từng động tác một, từng bí quyết một. Vậy mà nó vẫn không học được hết những thiện xảo của tôi muốn trao truyền. Đấy mới chỉ là cái nghề thợ mộc bình thường, huống chi cái chuyện "Thánh Nhân". Thánh Nhân là cái gì thưa bệ hạ? Ôi! Cả một đời sống siêu việt, nhận thức cao cả, sự khôn ngoan, minh triết, nghĩa là toàn bộ, tất cả cuộc đời phong phú, sinh động của một vị Thánh - chỉ được ghi trong vài hàng, vài câu ngắn gọn, khô chết của văn tự sao? Đó là chưa kể phần nhiều hư cấu, mà Đức Vua có thể qua đó hiểu được cả con người của vị Thánh sao, thưa Đức Vua?
Thế là ông vua của chúng ta bèn chịu thua, bèn công nhận kiến giải của ông thợ mộc là đúng. Cho nên quý vị đừng quá câu nệ kinh điển, mang cái bệnh sùng kính kinh điển. Kinh điển chỉ là cái đống tro tàn không hơn, không kém. Đống tro tàn, nhưng không phải quẳng toàn bộ nó đi. Phải "bươi" nó ra để tìm kiếm cái đã. Khi đã tìm được cái thực rồi, ta sẽ dẹp nó qua một bên hay đốt nó đi cũng được. Đốt cũng không phải đốt bằng lửa củi than, mà đốt bằng lửa tuệ giác, đốt cho cháy hết thành tàn tro những ý niệm, ôm chặt, câu nệ, thủ chấp văn tự chữ nghĩa.
Khi một vị Thánh nhân đã hoàn toàn giác ngộ, thường tuyên bố rằng: "Bây giờ lời dạy của Đức Phật không còn trống rỗng (như chỉ là một mớ ngôn từ) nữa."
Giống như một tấm chèque không có tiền bảo chứng, hoàn toàn vô giá trị, chỉ khi nào có tiền trong ngân hàng, chèque ấy mới không còn trống rỗng nữa. Cũng vậy, khi nào chưa thấy cái thực thì kinh điển trống rỗng. Và chính Đức Phật cũng dạy như vậy: "Pháp như chiếc thuyền đưa người qua sông. Pháp còn phải bỏ huống hồ phi pháp." Đó là Đức Phật nói chứ không phải tôi bày đặt! Chánh pháp cũng phải bỏ huống chi tượng pháp, mạt pháp và phi pháp.
Chúng ta phải tự hỏi mình để đừng học đạo theo tinh thần rằng: "Pháp này là pháp của tông phái tôi, pháp này là pháp của Tiểu Thừa, pháp kia là của Đại Thừa, pháp nọ là tối thượng... nhất đẳng thừa! Pháp của tôi mới đúng, pháp của anh là sai!" Đó là tại người ta còn y cứ trên chữ nghĩa. Nếu đã cùng thấy cái thực thì chẳng ai mất công đi tranh luận làm gì.
Tất cả tinh thần lệ thuộc chữ nghĩa ấy không phải tinh thần học Phật, học đạo giác ngộ, học đạo như thật, học pháp giải thoát.
Thuở xưa, có một thiền sinh tìm đến một thiền sư vấn đạo. Thiền sư chỉ vào một đống tro, bảo:
- Hãy lấy cho ta một chút lửa.
Thiền sinh ngạc nhiên nói:
- Thưa, đấy là tro mà!
Thiền sư bèn lấy cái que bươi trong đống tro tìm kiếm một hồi rồi lấy ra một chút xíu lửa. Thiền sinh bèn ngộ.
Câu chuyện này có thể nói một vấn đề khác, vấn đề bươi trong đống tro thân tâm mình đây để thấy tự tánh chẳng hạn. Nhưng ở đây chúng ta có thể mượn chuyện này để ám chỉ đống tro chính là kinh điển mà mình có thể tìm ra lý đạo trong đó. Tôi xin lặp lại một lần nữa là kinh điển không có gì phải sùng kính thái quá đâu. Nếu nó là Thánh nhân, là vàng ngọc thật sự, thì chúng ta đã thành Thánh nhân, vàng ngọc cả rồi. Trong chúng ta, ai mà không đọc kinh, đọc quá nhiều nữa là khác. Ví dụ có vị đọc kinh Pháp Hoa, ngày nào cũng đọc, tuần nào cũng đọc. Nếu kinh đó quả thật là ghê gớm thì biết bao người đã thành Phật như Tiểu Long Nữ rồi, phải vậy không?
Nhưng kinh điển là ngôn ngữ. Ngôn ngữ có hai cách sử dụng, một là để chỉ những sự kiện, hai để định nghĩa một ngôn ngữ khác. Còn chính bản thân ngôn ngữ (nguyên ngôn) thì chẳng có nghĩa gì cả. Một từ chỉ gồm một số vần và dấu ghép lại. Cùng một số vần và dấu có thể ghép nhiều cách khác nhau, có nhiều nghĩa khác nhau như: P-H-Ậ-T, T-H-Ậ-P và nếu thay đổi dấu thì lại còn biến ra nhiều nghĩa khác nữa: phất, phạt, tháp, thạp... Đó là chưa kể cùng số vần mà tiếng Anh nghĩa khác, tiếng Việt nghĩa khác. Như vậy trong ngôn ngữ không có chân lý, trừ nguyên ngôn, ngôn ngữ chỉ có thể giới thiệu sự thật. Cho nên mình phải biết nhìn xuyên qua đó để tìm ra sự thật, may ra gặp lại chánh pháp, còn không thì chúng ta cứ đời đời chuyền bắt, rong ruổi, thủ chấp nơi cành, nhánh, ngọn, nghĩa là đời đời rơi vào "mạt pháp" vậy. Nói như vậy không có nghĩa là ở vào thời mạt pháp này chúng ta sẽ không có cơ hội thấy được chánh pháp. Không phải vậy. Miễn là chúng ta đừng quá cố chấp tông phái, đừng quá tin vào kinh điển. Chúng ta chỉ nên nương vào kinh điển để thấy ra sự thật, cái thực mà thôi.
Học đạo như thật, chúng ta nên học theo tinh thần này: tinh thần nghi hoặc. Đọc một quyển kinh, chúng ta sẵn sàng nghi ngờ nó chứ không phải tin tưởng cả 100%. Đọc Thiền Tông, ví dụ: chúng ta đặt niềm tin vào Thiền Tông 100% là sai! Không phải đâu, không phải tất cả ngữ lục để lại vị nào cũng ngộ cả đâu. Chỉ có một số ngộ thôi. Một số khác, cũng để lại ngữ lục đàng hoàng, nhưng mà "giả", là "dỏm". Người ta đâu có biết được. Người đời đâu có biết ai "ngộ" và ai "không ngộ"? Cho nên "giả" mà cũng cứ cho là "thiệt", khổ vậy! Bởi vậy phải biết nghi ngờ, phải có tinh thần mổ xẻ, phân tích, xét lại. Phân tích là một cái gì nghiêm túc, đúng đắn nhất trong thái độ của người học Phật. Đức Phật Ngài cũng dạy như vậy. Kinh Kalāma Đức Phật bảo sao quý vị có còn nhớ không? Đừng tin bất cứ điều gì dẫu đó là từ trong kinh điển để lại. Đừng tin bất cứ lời dạy nào dù người ta bảo đấy là do Như Lai thuyết, v.v... Đừng tin. Chỉ tin điều nào khi ta đã đem so sánh nó với pháp. So sánh với pháp là cái gì? So sánh với pháp tức là so sánh với cái thực.
Tôi xin lặp lại, so sánh với pháp là đem cái thực ra mà so sánh. Điều quan trọng, căn bản, tối quan trọng - nó nằm ở đây. Xin quý vị ghi nhận cho. Tôi xin lấy ví dụ: Bây giờ, trước mặt quý vị đây, tôi nói: "cái ly nước", thì quý vị hãy so sánh với cái ly nước cụ thể, thấy được bằng mắt, sờ được bằng tay - ở bên trong bàn tay này. Chính cái ly nước cụ thể, là cái thực ấy - cái mà chúng ta cần để so sánh, đối chiếu, minh chứng. Nếu không có cái thực đó, thì muôn đời chúng ta chỉ biết cái ly nước qua ý niệm chúng ta mà thôi. Đau khổ hơn, bi đát hơn, lại biết qua ý niệm người khác, rồi của người khác nữa v.v... Cả một xâu, một chuỗi chồng lên nhau, không phải một "cái đầu" mà hàng ngàn cái "đầu thượng trước đầu", khổ vậy! Thế là ý niệm về ý niệm, ý niệm về ý niệm về ý niệm, v.v... Đó là thảm kịch học Phật của chúng ta ngày nay, của Việt Nam và của cả thế giới, ngàn năm trước cũng như ngàn năm sau.
Vấn đề thứ nữa là so sánh với pháp, nhưng không phải mình đem cái giáo pháp của mình so sánh. Đấy lại là lầm to. Nên nhớ rằng, khi chúng ta đọc kinh, tất cả những điều ta hiểu về kinh, thì đấy chưa hẳn là kinh nói. Quý vị hãy suy gẫm về điều đó. Những điều chúng ta hiểu về kinh thì chỉ là cái biết của chúng ta về kinh mà thôi. Kinh là để nói về sự thật. "Nhất thiết tu-đà-la giáo như tiêu nguyệt chỉ." Kinh là ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải mặt trăng. Kinh nói về sự thật chứ không phải là sự thật. Như vậy, khi mình đọc kinh, mình hiểu theo ý mình thì quả nhiên là đã xa sự thật không biết bao nhiêu mà kể, xa ghê gớm. Lại còn có kẻ hiểu kinh qua cái hiểu của người khác về kinh nữa thì thật là muôn dặm trùng quan, phải thế không? Không tin kinh, đừng tin kinh. Không những không tin mà còn phải nghi ngờ. Cả ông thầy dạy kinh mình cũng không tin. Học đạo thì chẳng cần tin vào ông thầy nào cả (trừ phi ông thầy chỉ cho mình thẳng vào sự thật và mình đã minh chứng được điều đó). Chỉ tin vào sự thật, phải lột cho hết mặt nạ ngôn ngữ, phải đào cho đến tận cùng cái thực. Có phải vậy không? Chỉ có cái thực, thấy được cái thực, chúng ta mới uống được giọt nước đầu nguồn, giải quyết toàn bộ vấn đề khổ đau của đời sống và thấy rõ Niết-bàn ngay trong hiện tại, thấy tức khắc không cần phải trải qua thời gian nào cả.
Nói tóm lại, người học pháp, học đạo là phải biết nghi ngờ kinh điển, bỏ tông phái ra ngoài, bỏ luôn ra ngoài tất cả mọi tư kiến, để tâm hoàn toàn trống rỗng, mới mẻ và sáng tạo.
Đây không phải là một buổi thuyết pháp, có thể gọi là hội thảo, vậy khi quý vị thấy tôi nói sai thì cứ đứng dậy phát biểu một cách thẳng thắn, đừng ngại gì cả. Tại sao vậy? Tại vì chúng ta cùng đi tìm sự thật, cái thực. Sự thật, cái thực ấy phải đào bới tận cùng, nhìn ngắm khách quan, không dừng lại trên ngôn ngữ, kinh điển, không dừng lại trên ý kiến riêng của mỗi người. Cho đến khi nào đưa sự thật ra, mà ai cũng đồng ý rằng đó là sự thật, thì khi đó mới thôi. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần như vậy, trong suốt thời gian này, bây giờ và cho cả đời học đạo.
Quá trình từ cái thực đến kinh điển và từ kinh điển trở lại cái thực
Để bổ túc cho cái thực và để cho chúng ta cùng thấy rõ ràng hơn, tôi sẽ giới thiệu với quý vị một quá trình rất đại khái, đi từ cái thực (sự chứng ngộ của Đức Bổn Sư) qua kinh điển (Ngài nói về cái thực ấy), rồi từ kinh điển trở về lại với cái thực ấy như thế nào.
Người ta thường nói rằng quá trình ấy đi từ:
Giáo → Lý → Hành → Quả
Nhưng từ giáo qua lý ít khi không kinh qua nghĩa. Vả lại lý đúng phải kiểm chứng qua cái thực. Và sống thực chính là hành - quả. Vì vậy, trên thực tế quá trình thường diễn ra như thế này:
Giáo → Nghĩa → Lý → Thực → Sống thực
Tại sao vậy?
Từ kinh điển (giáo) chúng ta cố gắng tìm nghĩa, bỏ nghĩa lấy lý, đào sâu cái lý đó để lấy cái thực. Ấy là chiều về, còn chiều đi của nó thì sao?
Đức Phật chứng ngộ, Ngài thấy cái thực. Ngài muốn chỉ cái thực ấy cho mọi người cùng thấy, vậy nên Ngài phải nói, phải trình bày, ấy là lý của sự thật.
Cái thực → Lý của cái thực (Phật chứng ngộ) → (Ngài nói ra)
Nếu tôi gọi sự thật ấy là đạo, thì nói về đạo tức là đạo lý.
Sự thật → Lý của sự thật Đạo → Đạo lý
Tôi tạm mượn chữ Đạo của Lão Tử để nhằm chỉ cái rốt ráo như chân như thật, cũng là cái mà Đức Phật tự chứng, tự thấy một cách trọn vẹn, chứ không phải đạo là con đường, là phương pháp. Đức Phật đã chỉ thẳng vào cái đạo ấy, Ngài nói thành đạo lý. Một số vị khi được Đức Phật chỉ như vậy thì thấy ngay, một số vị chưa thấy. Vị thấy rồi bèn chỉ lại cho người khác bằng cái thấy về đạo của mình. Các vị khác chưa thông, chưa thấy bèn thảo luận với nhau, kiến giải cùng nhau, nên bây giờ không còn là đạo lý nữa mà thành ra triết lý.
Đạo → Đạo lý → Triết lý
Vấn đề phân ly bắt đầu từ chỗ ấy. Đến giai đoạn triết lý thì rõ ràng không dính một chút Đạo nào nữa, chỉ còn dính chữ lý nơi đạo lý! Quý vị thấy rõ không? Chúng ta sẽ lấy ví dụ về điều này:
Trước mặt chúng ta có cái bảng đen, và tôi nói "đây là bảng đen". Bảng đen ví cho cái thực, cái đạo. Cái bảng đen mà quý vị thấy một cách cụ thể, đấy là đạo. Nhưng khi chúng ta dùng ngôn ngữ tức là đã qua khái niệm, thì khái niệm "bảng đen" không còn là đạo nữa, mà nó thành ra đạo lý. Hẳn quý vị đã thấy rõ điều đó rồi.
Đạo → Đạo lý (Cái bảng đen cụ thể) → (Cái bảng đen khái niệm)
Chuyện không dừng lại ở đó. Quý vị về nhà kể lại câu chuyện này, nói lại cái bảng đen ấy cho mọi người cùng nghe. Quý vị nói rằng: "Lúc 3 giờ tại chùa Huyền Không, ông thầy đưa tay chỉ một vật và gọi nó là cái bảng đen". Rồi quý vị cố dùng danh từ, hình ảnh để diễn tả về cái bảng đen ấy. Một số người vẫn không hiểu hoặc hiểu cái bảng đen ấy rằng: nó bằng tôle, bằng gỗ, bằng ván ép, bằng xi măng, v.v... quý vị lại giải thích nữa và cứ như vậy, khi mà cố gắng giải thích, phân tích, chia chẻ thì đạo lý đã rơi xuống triết lý rồi. Triết lý, chính là suy nghĩ về đạo lý. Triết lý thì chỉ thấy được cái nghĩa. Cái nghĩa, chính là nơi, là chỗ sinh ra tranh cãi, lý luận.
Đạo → Đạo lý → Triết lý → Lý giải (Thực) → (lý) → (nghĩa) → (tranh luận)
Đến đây, điều đã trở nên hiển nhiên rằng, từ thời Đức Phật, vì Ngài thấy đạo, thấy cái thực nên Ngài đã chỉ thẳng. Nhưng đến các thời kỳ Tiểu Thừa, rồi phân phái, rồi Đại Thừa, rồi phân phái; suốt trong thời gian ngàn năm ấy biết bao là hệ thống giáo lý ra đời, cả một cuộc trường chiến bất phân thắng bại ấy, rõ ràng đã rơi xuống bình diện triết lý, chứ không còn tìm đâu ra đạo lý nữa vậy. Nói vậy không có nghĩa là vào thời kỳ Tiểu Thừa, Đại Thừa không có ai giác ngộ hay chứng đạo. Có rất nhiều, nhưng mà "thiên địa bỉ nhân hiền ẩn" nên các bậc chứng ngộ không ra mặt, tranh biện.
Tại sao vào thời kỳ ấy cứ tranh cãi, lý luận? Tranh cãi lý luận vì không còn ai thấy cái đạo ra làm sao nữa. Nếu thấy thì cãi nhau làm gì, phải vậy không?
Trước mặt quý vị đây, nếu tôi đưa tay lên chỉ vào cái bảng và nói rằng: "Đây là cái bảng" thì không ai tranh cãi, lý luận làm gì, vì ai cũng thấy. Nhưng nếu việc ấy nói lại thì 10 người trong quý vị đây sẽ có 10 cách nói khác nhau, khác nhau qua hiểu biết, qua tư duy, qua ý niệm, qua sở học, qua trình độ ngôn ngữ, văn hóa giáo dục... mà mình đã thủ đắc được, nghĩa là qua cả hàng chục cái chủ quan, tư kiến, cá biệt của mỗi người... để chỉ về một cái bảng đen mà quý vị đã từng thấy! Vậy thì hy hữu thay cho người nào nghe tả cái bảng đen mà có thể thấy được cái bảng đen! Vì sao vậy? Vì 10 người trong quý vị diễn tả một đằng, mà 100 người nghe, 1.000 ngàn người nghe, lại tưởng tượng một nẻo, hiểu một nẻo qua tư duy, kinh nghiệm, ý niệm, sở học, trình độ ngôn ngữ, văn hóa, giáo dục... chi chi đó... của họ v.v... Quý vị thử phóng tâm một chút mà tưởng tượng xem. Ồ, kinh khiếp quá, làm sao mà có thể thấy được cái bảng đen chứ! Mà bi thảm thay, đó là bộ mặt của triết lý, cũng là bộ mặt của Phật giáo trải qua thời kỳ tranh cãi và lý luận. Vậy thì bây giờ chúng ta đã có cơ sở để nghi ngờ toàn bộ lý luận ấy, phải không?
Tuy nhiên, trong toàn bộ giáo lý của hàng chục học phái ấy, có ẩn tiềm sự thật không? Quý vị nhớ kỹ cho điều này: xin thưa, có. Nếu quý vị đã từng thấy cái bảng rồi, thì sau khi nghe hàng chục lý luận, diễn giải khác nhau đó, quý vị sẽ thấy rằng: À, thì ra chỗ này họ cũng nói đúng điểm này, chỗ kia nói đúng khía cạnh kia... Vậy thì chúng ta có thể hiểu rằng vào các thời kỳ đó, vẫn có người đạt đạo do túc duyên, do căn cơ, do ít cố chấp, do ít bụi cát trong mắt thế nào đó, nhưng quả là có người đã thấy đạo. Họ đã bước qua được cái lung tung lang tang của ngôn ngữ và lý luận, qua được cái khu rừng hỗn mang của những chủ quan kiến giải để tìm về cái đạo, về cái thực uyên nguyên, sơ thủy.
Tiểu Thừa, Đại Thừa đều có người đạt đạo, mà Thiền Tông sau này cũng vậy nữa, đạt đạo rất nhiều, vì họ cũng nói ra sự thật mà họ chứng ngộ, chứ không lý luận tranh cãi.
Tôi đọc cuốn "Chứng đạo ca" của Ngài Huyền Giác do một dịch giả nào đó diễn giải. Tôi thấy thế này:
Có đoạn ông nói rất đúng. Đoạn khác nói sai. Đoạn nữa nói đúng, đoạn nữa lại sai ... Điều đó chứng tỏ gì? Chứng tỏ dịch giả chưa thực thấy. Sở dĩ có những chỗ ông dịch đúng thì cái đúng, xin thưa rằng, không phải là cái đúng của người dịch mà nhờ ông ấy vô tình dịch đúng với ý của Ngài Huyền Giác. Còn điểm sai? Có lẽ không phải Ngài Huyền Giác sai, mà chính người diễn dịch sai, hiểu không tới cái ý của Ngài Huyền Giác, khổ vậy!
Thử liên hệ một câu chuyện tương tự. Có anh Phật tử kia nói về đạo Phật thường đem Tam pháp ấn vô thường, khổ não, vô ngã ra để nói. Tôi liền hỏi: Vậy vô ngã là gì? Anh ta trả lời: vô ngã là không có gì là ta, không có gì là tôi cả. Ta, tôi, đã không có thì làm gì có cái gọi là xe của tôi, nhà của tôi! Nghe nói thế là tôi biết anh ta trật rồi. Biết rằng anh ta không hiểu vô ngã là gì rồi. Vô ngã là vô ngã, còn cái nhà của tôi vẫn là cái nhà của tôi, nó có liên hệ gì với nhau đâu? Nếu vô ngã để không có cái nhà của tôi, thì ai thấy vô ngã, chứng ngộ vô ngã đều đi lang thang hết trơn hết trọi sao? Không phải vậy. Anh ta đã nói trật còn vô ngã muôn đời vẫn đúng.
Trường hợp người diễn giảng Chứng Đạo Ca cho ta hiểu một điều là người sau cứ bàn về người trước. Và cứ vậy... ta cứ nghe người dịch là một học giả uyên bác, không những vậy còn nghiên cứu thâm sâu vào đạo học, là chúng ta cứ tin theo, bắt chước theo, chứ không biết ông ta nói sai khi so sánh với cái thực.
Zen, qua Suzuki ta đã thấy ông đã lý luận rất là chi ly, rất là uyên bác, nhưng cũng chỉ là lý luận, qua đó ta được giới thiệu về mặt văn học, nghệ thuật, lịch sử của Zen hơn chính là đạo Zen. Vì vậy, ta thấy có chỗ nói đúng, có chỗ nói sai. Rồi lại qua ngôn ngữ của các nhà dịch thuật, rồi một lần nữa lại qua tư kiến độc giả, không biết trở lại tay Suzuki, Suzuki có đồng ý không, huống hồ thấy cái thực. Rõ ràng là một người đoán mò, dẫn theo một đoàn người đoán mò. Những đoàn người đoán mò, không biết họ sẽ dẫn nhau tới đâu? Đấy là bi kịch, là thảm kịch kênh kiệu của lý trí con người.
Cũng cùng nội dung như trên, nhưng để thay đổi không khí, tôi sẽ kể chuyện kiếm hiệp, kiếm hiệp của Kim Dung, truyện Cô Gái Đồ Long, về cái anh chàng Trương Vô Kỵ (cũng xoay quanh vấn đề so sánh với cái thực).
Anh chàng Trương Vô Kỵ, tôi không nhớ tại sao anh ta có cái duyên học được Cửu Dương Chân Kinh. Hôm ở Quang Minh Đỉnh, anh ta đi lạc vào một cái động với một cô bạn gái người Ba Tư và tìm được pho bí kíp ghi chép một loại võ công ghê gớm là Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp. Nhờ cô bạn gái Ba Tư hiểu tiếng Ba Tư, nên đã đọc cho anh ta nghe và khuyên anh ta nên luyện võ công tối thượng này, chàng Trương đồng ý. Đọc câu thứ nhất, anh ta luyện, thấy hay quá, hiệu quả ngay... Đọc câu thứ hai, anh ta luyện... Cái gì thế này, khó chịu quá, luồng chân khí đi ngược... Anh ta bỏ đi, không luyện nữa. Nhưng đọc câu thứ ba... Gì thế này, hay quá! Và anh ta lại luyện... Rồi cứ thế, thấy hay là luyện, câu nào thấy khó chịu, không thông là anh ta bỏ. Quý vị biết không, tuần tự như thế, chàng Trương của chúng ta đã luyện thành công Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp. Đấy là chuyện hy hữu. Vì từ xưa đến nay, ai mà luyện Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp đều bị "tẩu hỏa nhập ma" hết. Tại sao vậy? Tại vì cái ông sáng tác ra môn võ ấy, có chỗ ông biết, có chỗ ông không biết. Chỗ ông biết, ông nói đúng, chỗ ông không biết, ông nói sai. Sở dĩ ai luyện đều bị tẩu hỏa nhập ma là vì cái đúng họ cũng luyện, cái sai họ cũng luyện. Còn Trương Vô Kỵ thì khác. Là vì anh ta có Cửu Dương Chân Kinh trong người. Anh ta có cái đạo, cái thực, cái chánh khí, cái đúng ở trong người. Thế là anh ta chỉ việc lấy cái thực ấy ra mà so sánh, mà đối chiếu, mà chứng minh. Họ Trương thành công là nhờ vậy.
Chuyện kiếm hiệp chưa hết. Nó có những điểm thú vị nữa, nếu chúng ta liên hệ nó với việc học Phật, tu Phật trong võ học của Kim Dung. Nếu Cửu Dương Chân Kinh được ví là cái thực, cái nội lực, cái chánh khí, thì Cửu Âm Chân Kinh là cái chiêu thức, cái biến hóa, cái phương tiện, cái bên ngoài. Ta có thể liên hệ xa hơn một tí: Cửu Dương là đạo học, là chánh khí còn Cửu Âm là triết học, kinh điển, văn chương. Anh chàng Kim Dung quả là tay hảo thủ, dường như anh ta hiểu những chỗ mà chúng ta đang nói ở đây.
Như vậy, người học Phật, trước tiên là phải thấy cái thực, có nội lực, cái chánh khí ở bên trong. Nếu chưa có cái thực, cái chánh khí ở bên trong mà đi luyện cái bên ngoài thì thành ra tà ma ngoại đạo cả. Như Cửu Âm Chân Kinh xé được một tờ, đọc được một câu Cửu Âm Chân Kinh mà đem luyện, thì thành ma nhỏ, tiểu ma. Nếu ôm được một xấp, một đống về luyện thì thành ra ma lớn, đại ma đầu! Kinh khủng chưa! Vậy nếu quý vị mà chưa có cái thực, chưa thấy cái thực, mà quý vị cứ tu, cứ luyện, thì tôi xin báo động rằng quý vị thành công chừng nào càng nguy hiểm chừng nấy. Cái ngã của quý vị càng ngày càng to, cho đến đại ngã. Tà ma ngoại đạo là ở chỗ đó chớ không phải ở đâu.
Có cái thực rồi, nghĩa là luyện Cửu Dương Chân Kinh rồi, mới luyện Cửu Âm Chân Kinh sau thì thành ra tốt, thành ra diệu dụng phương tiện vô cùng tốt. Kim Dung có đưa ra hình ảnh "cô gái áo vàng" múa Cửu Âm Chân Kinh để nói lên ý ấy. Cô múa Cửu Âm Chân Kinh mà sao đẹp quá, dịu dàng thanh thoát quá, là người tiên chứ không phải người trần tục nữa. Vì sao vậy? Vì cô gái áo vàng ấy vốn đã có sẵn Cửu Dương Chân Kinh trong người rồi. Còn một cô gái khác cũng múa Cửu Âm Chân Kinh là Chu Chỉ Nhược, trông sao lại kinh khiếp vậy, bạo ác, bạo tàn như ma quỷ? Tại sao vậy? Vì Chu Chỉ Nhược chưa có Cửu Dương Chân Kinh trong mình.
Kim Dung đưa ra hai hình ảnh này rõ ràng quá. Dường như chẳng qua một ẩn dụ nào cả. Anh ta nói rất rõ. Hiện trạng, người tu Phật ngày nay dường như ít ai thấy rõ cái sự thật ở bên trong quan trọng đến ngần nào. Tà, chánh, ma, đạo cũng từ đó mà phân ranh, mà định danh, mà lập căn cứ địa!
Tôi tu Phật mà tu hoài không thấy gì cả, không có sở đắc nào cả, bèn ráng kiếm cho mình một cái! Thế là tôi luyện một câu chú, một đạo bùa. Ai tới, tôi biểu diễn một pha cho người ta xem. Để cho người ta tưởng đó là cái thực. Nhưng có phải thế không? Cái đó, xin thưa, là cái lừa bịp. Dùng một cái giả để điền vào cái thực, chứng tỏ bản thân tôi không có cái thực. Như vậy, nếu ai luyện một cái gì đó, tức là luyện cái bên ngoài, cái giả, cái Cửu Âm Chân Kinh, mà chưa có Cửu Dương Chân Kinh bên trong, cái thực, xem chừng sẽ bị "tẩu hỏa nhập ma" không chóng thì chầy thôi.
Một người khác, luyện Cửu Âm Bạch Cốt Trảo hoài không thành công, không thấy nội lực phóng ra trên đầu những ngón tay, bèn tẩm độc vào đấy. Khi giao chiến thì dùng độc thay cho nội lực. Đương nhiên là vậy. Đương nhiên ma giáo là vậy. Đương nhiên ma giáo không có nội lực chân chính, nên dùng rắn độc, nhện độc, bò cạp độc, thuốc độc... hoặc những cái ghê gớm bên ngoài để khống chế, thu phục hoặc làm lóe mắt thiên hạ. Nhưng làm thế nào hơn nổi người chánh khí? Làm thế nào qua mắt được người có Cửu Dương Chân Kinh chánh tông? Do vậy người luyện Cửu Dương Chân Kinh rồi, thâm nhập cái sự thật rồi, họ có một cái "tuệ nhãn" rất tinh tường, họ nhìn xuyên qua được tất cả mọi giả tướng, thấy rõ mọi biến hóa xảo quyệt của ma giáo, thấy rõ từng sơ hở một. Như vậy, đâu chân, đâu giả, đâu thực, đâu hư họ biết ngay, họ thấy rõ tức khắc không hề qua phán đoán, luận lý.
Tôi đã đi xa một chút, cũng không sao, vì càng nhiều minh chứng cho một vấn đề thì chúng ta dễ dàng liễu ngộ điều đó hơn. Hôm nay cùng tìm về cái thực, cùng luyện Cửu Dương Chân Kinh thì đâu cần tẩm độc trên đầu những ngón tay, đâu cần những chiêu thức ma mị, đâu cần những ngôn ngữ văn hoa bay bướm gì gì đó... phải không? Không cần thiết. Vấn đề cuối cùng và tối quan trọng là mỗi người trong chúng ta sẽ "bắt" được cái thực ấy. Hãy "nắm" lấy nó, không còn cơ hội nào nữa. Không còn thời gian nào nữa. Ngày mai cũng không đợi được. Đạo pháp đã "sa đọa" quá sâu rồi.
Thời xưa, thời Lão Tử, ông cũng đã từng than: "Ôi, cái đạo ta nguy rồi! Người ta nói đến đức là mất đạo rồi. Người ta nói đến nhân là mất đức rồi... cho đến khi mà người ta chỉ còn bàn đến hình thức lễ nghi, bổn phận vua tôi, chồng vợ... thì nó chỉ còn cái vỏ mỏng bao che bên ngoài... là đầu mối của mọi sự hỗn loạn..."
Thì bây giờ chúng ta cũng bắt chước Lão Tử mà than rằng: "Than ôi! Khi mà người ta không còn biết sự thật, cái thực là gì nữa... thì dẫu người ta có tu luyện thần thông biến hóa, xây dựng chùa ngọc Phật vàng, Tam tạng làu thông, văn hay chữ tốt, tiến sĩ, cử nhân, tín đồ đông đảo, tổ chức quy mô, giảng kinh nói pháp, hình thức thịnh vượng huy hoàng, lý luận hay viết sách giỏi... nghĩa là tất cả chỉ còn hình thức, truyền thống, kinh viện, hoặc chỉ còn là tôn giáo, tín ngưỡng... thì toa tàu Phật giáo đã đến hồi tuột dốc, lao vào tận đáy của vực thẳm vô minh và hủy diệt của loài người!"
Đó chính là bộ mặt "huy hoàng" của thời mạt pháp chúng ta! Lộ trình sa đọa ấy diễn ra như sau:
LÃO TỬ: Đạo → Đức → Nhân → Nghĩa → Lễ (nhi loạn chi thủ).
PHẬT: Thực → Lý → Nghĩa → Kinh luận (Đạo) → (Đạo lý) → (Triết lý) → (Triết học)
Tất cả kinh giáo các tông phái của chúng ta ngày nay bi đát thay, nó chỉ là triết học - tức là học về triết, xem chừng nó cũng là đầu mối cho mọi sự hỗn loạn tri kiến rối bời, nó chẳng còn mang một chút xíu nào cái đạo, cái thực ở trong hết trơn hết trọi. Lão Tử nói: "Vi đạo nhật tổn, vi học nhất ích." Từ Đạo (1) sa đọa xuống học (4) là rơi xuống tới 4 bậc:
Đạo → Đạo lý → Triết lý → Triết học
(1) → (1) (2) → (3) (2) → (3) (4)
Kinh giáo bây giờ chỉ còn dính chữ "triết" mà thôi. Mà "Triết" là "tay cầm cái búa" (chiết tự theo chữ Hán). Học Phật bây giờ, chỉ còn học cách tay cầm cái búa mà chia chẻ sợi tóc làm tư, học về triết lý, nhưng chữ lý không còn là lý của sự mà là lý của luận.
Nhưng nếu còn dính chữ lý - triết lý - thì sao? Nó chẳng đi tới đâu cả. Vì triết lý chính là nghĩa của lý. Nếu mình đọc kinh giáo, mình hiểu được nghĩa rồi mình đem cái nghĩa ấy ra mà thực hành, thì đôi khi cũng chẳng ra cái gì, sai lầm nữa là khác.
Tôi xin có ví dụ: kinh giáo định nghĩa rằng "Từ bi giống như tình thương người mẹ đối với đứa con một của mình." Nghe vậy rồi mình đem áp dụng nó, thực hành nó, mình gặp bất cứ ai, chúng sinh nào mình cũng cố gắng thương, như tình thương của người mẹ đối với đứa con một. Vậy là trật rồi, có phải không? Sai lầm nghiêm trọng nữa là khác. Chẳng có thể lấy bất kỳ một định nghĩa nào của từ bi mà đem ra áp dụng được cả.
Một định nghĩa khác của từ bi: "Từ là cho vui, bi là cứu khổ." Nghe vậy là khi không phát nguyện làm Bồ Tát, trong khi tâm mình đầy phiền não khổ đau, vô minh ái dục, đầy rẫy các chúng sinh đang làm loạn mà tự mình chưa "Bồ Tát" được. Các nhà phân tâm học có lẽ sẽ gọi đó là "Bồ Tát tính dục" chỉ làm khổ người khác mà thôi, giống như người ta nói thiện chí cộng với ngu dốt thành phá hoại vậy.
Trong kinh giáo thường nói đến bố thí. Có nhiều người Phật tử thật là tốt, tu hành rất ư là kịch liệt! Họ chuyên bố thí áo quần, tiền bạc, thuốc men... cho người đói khổ. Họ không mệt mỏi bố thí, cúng dường trai Tăng, làm phước. Đấy là khi họ có tiền. Còn khi không có tiền thì họ rất khổ sở. Phải tìm mọi cách cho có tiền để bố thí. Nhưng khi mà tìm mọi cách cho có tiền thì đã mất hết nghĩa bố thí rồi. Tìm mọi cách cho có tiền thì họ đã giết chết bố thí! Than ôi! Hiểu bố thí như vậy có nguy không?
Tôi là tu sĩ, là người xuất gia thì tôi có đồng nào mà bố thí? Y, thực, thuốc men, sàng tọa đều là nhận của người ta cho cả. Như vậy, chẳng lẽ vị khất sĩ không bằng kẻ cúng dường hay sao? Theo tôi thì nhận cũng là một cách bố thí. Thí chủ cho tôi cơm áo, còn tôi nhận để họ được phước lành. Vậy tôi chỉ việc tu hành thôi đã là bố thí rồi. Đúng không? Người liễu đạo thấy cái thực nên luôn luôn bố thí, hằng sa bố thí. Có lẽ quý vị ngạc nhiên nhưng rồi quý vị sẽ thấy bố thí không có nghĩa chỉ là đơn giản đem một số tiền ra cho người khác. Nếu mình chưa hiểu bố thí, cái thực của bố thí, mà mình đem áp dụng nghĩa của bố thí là mình đã tự hại mình.
Cái nghĩa mà mình đem áp dụng là do tư ý, tư niệm của mình mà ra, chứ không phải do từ cái thực mà mình thấy. Nó khác nhau một trời một vực. Như vậy cái nghĩa chưa phải là cái thực. Cái nghĩa chỉ là triết lý, lý luận. Nguy hiểm chưa. Quý vị đọc kinh giáo lý có tu, có hành, nhưng đến đây rồi cũng chẳng có một bảo đảm nào là đi đúng đường về cái thực cả. Người nào từ nghĩa thoát ra được nghĩa (triết lý) và tìm về được cái lý (đạo lý) đã là người có trình độ rất cao, rất khá.
Vốn trong chữ lý có chữ nghĩa cộng với chữ thực (nghĩa + thực = lý) nhưng khi thực vắng mặt thì lý chỉ còn là nghĩa.
Vậy đến lý rồi thì sao? Lý, đạo lý? Nơi có dính chữ đạo? Nó ra sao? Kính thưa, cũng còn nguy hiểm lắm. Đạo lý, chữ lý là cái chữ thiên hạ hay kẹt vô cùng, nó kẹt vi tế hơn chữ "nghĩa" nhiều lắm, vì người ta đinh ninh đã thấy cái thực rồi.
Ví dụ: hiện nay có nhiều người nghĩ như thế này: "Bây giờ nếu mà tâm mình hoàn toàn thanh tịnh, đừng có tham, sân, si, vọng động gì hết thì chắc chắn thấy Đạo." Đúng quá phải không? Đâu có sai. Nhưng mà nếu quý vị cứ làm như vậy thì không bao giờ thấy đạo được cả. Vì sao vậy? Vì đó là lý tưởng tượng, còn chữ thanh tịnh mà Đức Phật nói chính là cái thực thanh tịnh. Cái thực thanh tịnh ấy không phải là thanh tịnh sạch bách hết trơn hết trọi. Nếu thanh tịnh cái kiểu đó thì Ngài sẽ ngồi như cục đá chớ làm sao mà Ngài lại đi thuyết pháp chỗ này, chỗ kia, độ người này, người nọ cho được. Làm chi có cái chuyện thanh tịnh sạch sành sanh như vậy được. Cho nên, mặc dù tới lý, mà lý sai một cái, rơi vào lý thanh tịnh sai là rơi vào "trầm không trệ tịch" cực kỳ nguy hiểm.
Từ lý, đừng kẹt vào lý, mà phải thấy cho ra sự thật. Cho nên Kinh Hoa Nghiêm có một tiến trình như thế này:
Sự (ngại) → Lý → Lý sự → Sự sự (vô ngại)
Người đời thường sống với sự. Đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, nói, ngủ, nghỉ, đấy là sự. Sự mới rút ra được lý. Rút ra được lý nhưng mà kẹt lý.
Thí dụ mình nghe người ta nói "sắc tức thị không" thì tưởng cái gì cũng không cả, tưởng cái sắc này cũng không. Nếu không có gì thì thử lấy cái tay này tát một tai thử xem sao? Nếu nói tay này không có, cái mặt này cũng không có, thì cái tay tát vào mặt cũng không có chứ gì? Có người lại nghĩ rằng sở dĩ cái tay, cái mặt, cái đau là tại mình phàm phu, bây giờ phải ráng mà ngồi "quán không" cho đến khi không còn thấy cái tay, cái mặt, cái đau nữa tức là đạt đạo. Chà! Cái đạo không này mới là cao siêu dễ sợ thật! Có ngờ đâu, cái đạo không đó chỉ là cái không do tưởng sinh (Kasin'ugghātit'ākāsa). Cho nên, đôi khi mình hiểu cái "lý không" thế nào đó mà lại trở thành "lý có" hồi nào không hay. Do đó, lý phải cộng với sự, nghĩa là phải thấy lý trong sự. Thấy lý trong cái thực. Phải đổi lý ra thực mới được. Nhưng mà cuối cùng cũng phải trở lại sự thôi. Lý chi nữa. Kẹt lý thì phải trở lại sự. Đó là tiến trình của Kinh Hoa Nghiêm vậy:
Sự (ngại sự) → Lý (kẹt lý) → Lý + sự (Lý cần có sự) → Sự sự (trở lại sự mà không ngại sự gọi là sự sự vô ngại)
Cái sự sự ấy cũng là cái sự ban đầu chớ chẳng phải cái sự nào khác. Nhưng ban đầu thì chúng ta ngại, chỉ đến khi lý sự viên dung rồi thì ta sẽ không còn ngại nữa. Cái sự ấy bây giờ là cái thực.
Thiền Tông bảo rằng khi mê thì tưởng rằng núi là núi, sông là sông. Nhưng khi thấy ra được lý thì sông không phải sông, núi không phải núi. Nhưng khi ngộ rồi (thấy cái thực) thì té ra sông là sông, núi là núi chớ không có gì lạ hết.
Chỉ có vấn đề "mê" hay "ngộ". Vậy tu là để ngộ, chứ không phải tu là làm theo tư ý của mình, làm theo cái bản ngã của mình, rồi khi được, khi đắc, cũng chính là được, là đắc cái tư ý ấy, cái bản ngã ấy. Mệnh lệnh của chân lý bảo ta phải thấy. Khi mà thấy cái thực (ngộ) rồi thì không còn gọi là tu nữa, mà là sống trọn vẹn với cái thực, cùng ăn ở hít thở với cái thực.
Đức Phật là người thấy cái thực, Ngài sống với cái thực và Ngài chỉ cho mọi người thấy được cái thực. Mọi người hãy sống với cái thực khi đã thấy. Chỉ có vậy thôi. Đức Phật đã dạy chúng ta tu để làm giàu cái bản ngã bao giờ. Cứ hễ còn ý nghĩa tu cái kiểu đó là trật rồi. Có một nghĩa có thể tạm dùng được cho chữ tu ấy là: sống với cái thực. Sống với cái thực là sống chơn chánh, sống thuận pháp vậy.
Thấy được điều ấy, chúng ta không nói theo tiến trình Giáo → Lý → Hành → Quả nữa. Tại sao vậy? Vì bảo là từ giáo đến lý, nhưng thực tế từ giáo thường chỉ đến nghĩa. Cái nghĩa một chiều, tranh chấp, bàn cãi lý luận. Nếu nắm cái nghĩa ấy mà hành, thì nếu như có thành tựu quả, thì quả ấy cũng chỉ là quả của ý niệm, của bản ngã. Phải không? Ví dụ mình hiểu nghĩa "Phật" như thế nào đó, rồi mình tu theo ý niệm ấy. Mình tu cho thật dữ, nhưng cuối cùng đó không phải là Phật thiệt mà chính là ông Phật do bản ngã của mình biến ra.
Như chúng ta đã biết, nghĩa dễ sai lầm, lý dễ bị kẹt, cái lý ấy phải đem kiểm chứng với cái thực như chúng ta đã nói vừa rồi. Để khi mà thấy cái thực rồi, tức là lý sự dung thông rồi, thì chỉ còn sống với sự thật mà thôi. Ấy là cái thực tròn đầy, viên mãn. Như vậy, thực tế mà nói có thể chia ra 4 hạng căn cơ:
- Căn cơ bậc thượng: Giáo → Thực.
- Căn cơ bậc trung: Giáo → Lý → Thực.
- Căn cơ bình thường: Giáo → Nghĩa → Lý → Thực.
- Căn cơ hạ liệt: Giáo → Nghĩa → chấp Lý → kẹt → cái giả.
Chúng ta chỉ nói sơ vậy thôi, như mở hé cái thực để chúng ta cùng nhìn vào. Mục đích những buổi hội thảo của chúng ta là sẽ cùng nhau đào sâu cái thực, thấy cái thực rồi sẽ giới thiệu cái thực ấy cho mọi người cùng thấy, chứ không phải là học giáo lý. Mục đích ấy có 3 điều lợi ích thiết thực như sau:
1) Nêu ra một sự thật làm nền tảng chung cho đạo Phật mà tông phái nào cũng đều chấp nhận.
2) Xóa đi tất cả các ý niệm về tông phái. Thật ra không phải xóa, mà chính khi thấy sự thật thì các ý niệm về tông phái sẽ tự xóa. Các ranh giới do ý niệm cô lập, phân chia tức khắc không còn.
3) Thấy sự thật và sống với cái thực ấy, tức là sống đạo, là hành đạo một cách trực tiếp. Chẳng còn chuyện mày mò tu hành kiểu này, tu hành kiểu nọ, rồi thì người này nói tôi tu đúng, người kia cũng bảo tôi tu đúng...
Khi đã sống với sự thật rồi thì không còn vấn đề tôi đúng hay anh đúng nữa, mà vấn đề là chúng ta có sống với sự thật hay không? Chỉ còn lại chừng đó.
Bây giờ tôi sẽ giới thiệu quý vị một bài kinh, mà qua bài kinh đó, hy vọng tất cả chúng ta sẽ có được một cái nhìn chung, và cùng nhau thấy cái thực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét