Khắp trong thiên hạ, xét về những điểm sang hèn hay giàu nghèo đều không ai giống ai. Có người thong dong ngồi xe bốn ngựa, tôn nghiêm cao tột, ắt cũng có những kẻ luôn phải lưng mang vai vác nặng nề, trôi dạt đó đây cô độc khổ sở. Có người được sống giàu sang an ổn, tôn quý hiển vinh, vàng bạc châu báu đầy kho, ắt lại có những kẻ cơm hẩm chẳng đủ no, chỉ còn cách thảm thiết xin ăn qua bữa. Những sự vinh hiển hay nhục nhằn trong chốn nhân gian, đem so sánh với nhau thật khác biệt một trời một vực.
Nếu như không tin vào thuyết nhân quả báo ứng hay lẽ vay trả nhiều đời của nhà Phật, ắt phải thấy rằng những gì ông trời ban xuống cho con người thật hết sức bất công. Vì thế, trong Kinh điển dạy rằng: "Được làm người sang quý, vua chúa trưởng giả, đều do nhân lành lễ kính phụng sự Tam bảo; được làm người giàu có, đều do nhân lành bố thí giúp người; được làm người sống thọ, đều do nhân lành giữ giới [không giết hại]; được làm người có dung mạo đoan chánh xinh đẹp, đều do nhân lành nhẫn nhục. Đời trước tạo nhân thế nào thì đời này nhận quả thế ấy. Cũng giống như người phụ trách nhạc lễ, đánh chuông thì vang lên tiếng chuông, gõ khánh thì vang lên tiếng khánh; hoặc như người làm vườn, trồng đào ắt sẽ được hái đào, trồng quít ắt sẽ được hái quít." Việc giàu sang hay nghèo hèn khác biệt nhau chính là vì thế.
Lại như người đánh chuông, dùng chuông lớn thì nghe tiếng lớn, dùng chuông nhỏ thì nghe tiếng nhỏ, cho đến như người làm vườn, trồng một cây thì được hái quả một cây, trồng mười cây thì được hái quả mười cây. Việc giàu sang hay nghèo hèn cũng có mức độ khác nhau chính là vì thế.
Ngày nay ta nhìn thấy có người còn nhỏ tuổi đã đỗ đạt cao, được hưởng chức quan cao, bổng lộc nhiều, ấy là do người ấy đời trước ham thích làm việc thiện không chán mệt, rộng tu phước đức. Nếu không phải nguyên nhân là như vậy, thì trời xanh kia sao lại riêng dành sự tốt đẹp cho những kẻ làm quan?
Những người được ở địa vị cao, dựa vào quyền thế có thể kêu gọi sai khiến người khác, nên muốn làm thiện ắt đủ sức làm thiện, mà nếu làm ác cũng thừa sức làm ác. Điều này cũng giống như việc dùng các loại thuốc nhân sâm, phục linh, có thể giúp người được khỏi bệnh, nhưng dùng không thận trọng cũng có thể gây bệnh. Vì thế nên Mạnh tử mới nói rằng: "Chỉ những người có lòng nhân mới nên ở địa vị cao."
Hơn nữa, chức tước phẩm trật càng cao thì việc giết hại vật mạng để nấu nướng ăn uống hằng ngày, tiệc tùng chiêu đãi khách khứa bè bạn, lại càng thêm nhiều. Khi đến ở nơi nào thì các loài vật trên cạn dưới nước quanh đó đều phải chịu thảm cảnh băm vằm cắt xẻ [để lo việc ăn uống cho mình]. Một ngày ở địa vị làm quan là một ngày có biết bao loài vật vô tội phải nối tiếp nhau chịu những cực hình phanh thây lóc thịt.
Cho nên, các bậc quan cao hiền đức thuở trước thường khởi tâm thương xót sinh linh mà e sợ nhân quả, tùy nơi đi đến đều thiết lập những khúc sông dành cho việc phóng sinh, lại thường treo bảng cấm việc giết mổ. Ban ra một lệnh "kẻ giết trâu bị phạt" thì đàn trâu đang run rẩy khiếp sợ ắt được vui mừng sống sót khỏi sự mổ xẻ. Lại ban lệnh "cấm giết chó" thì biết bao con chó giữ nhà có nghĩa thoát khỏi thảm cảnh bị chủ đền đáp bằng dao thớt.
Cho đến những việc như vây kín núi rừng rồi xua đuổi mà săn thú, tát cạn sông hồ để bắt cá, [người làm quan tốt] đều nghiêm cẩn răn dạy, ban bố hiệu lệnh, ngăn cấm mọi điều kiện giết hại vật mạng.
Chỉ sợ một mai khi quyền chức không còn thì dù có tâm thiện cũng không có sức làm thiện. Vì thế nên rộng khuyên hết thảy các vị còn đương chức, hãy mau mau gieo cấy hạt giống lành, nhân điều kiện tốt đẹp hiện có mà tạo phúc lành cho muôn người. Đó là kính vâng theo đức hiếu sinh của trời đất, hợp với lòng nhân từ khoan hậu của triều đình. Một khi nắm được quyền hành, lập tức rộng làm âm đức. Nếu có thể cứu được mạng sống muôn loài thì chớ nên do dự chậm trễ mà bỏ qua. Những ai giữ chức quan cao thì nên khuyên răn thuộc cấp nghiêm cấm việc giết mổ. Những ai chức phận nhỏ nhoi thì nên thưa thỉnh với cấp trên xin ngăn sự giết hại vật mạng. Nếu có thể giữ đức nhân từ truyền lưu muôn kiếp, ắt được ghi tên trong sổ thiên tào, có nghĩa là làm việc ân đức chỉ trong một đời mà được hưởng phước sâu dày trong nhiều đời sau nữa. Còn như [khi sẵn có quyền lực trong tay mà] không làm được như thế, thì có khác nào kẻ đi vào núi châu báu mà lại tay không trở về chẳng lấy được gì?
Khắc bia đá lưu truyền đức nhân từ
Vào đời nhà Đường có ông Nhan Chân Khanh, tên tự là Thanh Thần, rất giỏi môn thư pháp. Ông kính tin phụng sự Tam bảo, đã từng thọ giới với thiền sư Tuệ Minh ở Hồ Châu.
Vào niên hiệu Càn Nguyên năm thứ 3, vua Đường Túc Tông thiết lập các ao phóng sinh trong nước, tính ra ở khắp các quận huyện, các bến sông quan trọng hoặc các vùng ven sông, ngoại thành... tổng cộng có đến 81 chỗ. Mỗi nơi như vậy, Nhan Chân Khanh đều xin vua ngự ban văn bia, khắc vào bia đá để truyền lại đời sau không bị hư hoại. Ông làm quan đến chức Thượng thư Hữu thừa, được phong tước Lỗ quận công, là bậc danh thần một thời.
LỜI BÀN
Khi lập ao phóng sinh, nên xin với quan trên cho dựng bia đá, [ghi rõ] hết thảy thuyền đánh bắt cá đều cấm đến gần, như vậy mới có thể tác dụng dài lâu.
Những văn bia mà Nhan Lỗ công đã xin vua ban cho, tuy nói là hoàng đế ngự chế, nhưng thật đều do chính tay ông viết. Từ đời nhà Đường đến nay đã hơn ngàn năm, những vật mạng được cứu sống thật nhiều vô số, âm đức gieo trồng thật không bờ bến, thảy đều là nhờ công sức khai sáng của ông.
Cá khóc cảm động người
Đời nhà Tống, ông Phan Hoa là quan huyện lệnh ở Chư Kỵ, tu tập theo sám pháp Phổ Hiền, ban lệnh cấm bắt cá. Khi ông vâng chiếu sắp về kinh thành, bỗng nằm mộng thấy có hàng vạn con cá trong sông đều khóc lóc mà thưa với ông rằng: "Trưởng giả đi khỏi đây, dòng họ nhà cá chúng tôi không khỏi bị giết hại nấu nướng." Nói rồi càng khóc to, tiếng vang động trời.
Ông Phan Hoa lấy làm lạ, liền viết ra bản văn "Mộng ngư ký" (Kể lại giấc mộng nhìn thấy loài cá), rồi dặn dò vị quan kế nhiệm [tiếp tục duy trì lệnh cấm bắt cá].
LỜI BÀN
Tấm lòng của các bậc thánh nhân, lẽ nào lại không muốn cho tất cả muôn loài đều được sống an ổn? Chỉ có điều là, tình trạng của các loài [được nuôi chỉ để giết thịt] như dê, lợn, [gà, vịt...] thật khó có thể cấm người ta giết hại. Còn các loài thú như trâu [nuôi để cày ruộng,] chó [nuôi để giữ nhà], hoặc các loài [sống trong tự nhiên] dưới nước [không do người nuôi dưỡng], tất cả đều có thể ngăn cấm không cho giết hại.
Nên có sự chuẩn bị trước nhiều ngày, nêu rõ lệnh cấm. [Sau đó,] nếu có người vi phạm, mang các con vật [bị cấm giết hại] đi bán thì bất cứ ai cũng có quyền tịch thu, đồng thời đưa cả tang vật và người bán đến quan phủ xét xử. Lại cấm người dân trong khắp địa phương không được mua những con vật ấy. Nếu có người vi phạm thì cho phép người đi đường bất cứ ai nhìn thấy cũng có quyền tịch thu [đưa lên quan phủ xét xử]. Điều quan trọng là phải có sự thưởng phạt nghiêm minh, trước sau không thay đổi. Nếu có thể thực hiện nghiêm túc thường xuyên như thế thì người dân dù có muốn bắt giết vật mạng chỉ trong một ngày cũng không thể được. Như vậy gọi là ngăn cấm triệt để, chặn đứng ngay từ cội nguồn của sự giết hại.
Hai lần sống lại
Quận Ngô có viên quan Tư lý nọ bất ngờ bỗng lăn ra chết. Qua một đêm tỉnh lại, gấp rút gọi người nhà bảo đi mời quan Thái thú cùng tất cả các quan đồng liêu và thuộc cấp của mình đến, rồi khấu đầu cúi lạy tất cả mọi người mà nói: "Tôi bị bắt đưa đến âm phủ, hết lời xin tha mạng. Ban đầu họ không đồng ý, nhưng sau lại hỏi tôi: 'Ông có thể khuyên một ngàn người không ăn thịt trâu được chăng? Ta cho ông kỳ hạn 3 ngày để làm việc đó.' Nay tôi may mắn được sống lại, nhưng nếu các vị không vì tôi mà khuyên bảo dân chúng khắp vùng thì việc này không thể nào làm được."
Mọi người [không tin lời ấy là thật, nên] chỉ giả vờ hứa suông [rồi không ai làm gì cả]. Qua hết 3 ngày, quan Tư lý ấy quả thật ngã lăn ra chết. Quan Thái thú hết sức kinh hoảng, liền triệu tập tất cả quan viên trong quận, cùng nhau phát nguyện giữ giới không ăn thịt trâu, lại cho đặt sổ nơi ngã tư đường, khuyên người dân ghi tên vào đó [để phát nguyện không ăn thịt trâu]. Khi được đủ số một ngàn người, liền cho đốt danh sách ấy.
Sau giây lát, quan Tư lý liền sống lại, kể rằng: "Tôi bị người bắt dẫn đến âm phủ, Phán quan vừa nổi giận trách mắng thì có người mặc áo vàng mang sổ đến, nói đây là danh sách những người phát nguyện không ăn thịt trâu. Phán quan xem qua rồi hết sức vui mừng, nói: "Không chỉ cho ông được sống lại, còn tăng thêm tuổi thọ 6 kỷ nữa. Quan Thái thú cùng những người [phát nguyện không ăn thịt trâu] đều được phước báo vô lượng."
Quan Tư lý ấy về sau sống thọ đến trăm tuổi.
LỜI BÀN
Trong thời gian gần đây, các quan đứng đầu địa phương cũng có ban lệnh cấm giết trâu, nhưng thiếu phương pháp thực hiện. Vì thế, cho dù bảng cấm giết trâu treo khắp thị thành, mà những món thịt trâu cũng có khắp mọi nơi.
Những người làm nghề mổ trâu chỉ vì tham mối lợi. Nếu không cho họ được lợi, tự nhiên họ sẽ bỏ nghề. Nên sai phái nha dịch thay nhau kiểm soát [khắp nơi], nếu bắt được kẻ bán thịt trâu thì phạt tiền, dùng tiền đó thưởng cho người bắt được. Số tiền thưởng ấy phải lớn hơn số tiền nhận đút lót riêng tư của bọn mổ trâu. Như vậy thì nha dịch sẽ vui vẻ làm theo lệnh quan mà không nhận đút lót để bao che cho những kẻ vi phạm. Nếu không làm vậy, một khi nha dịch đã nhận của đút lót từ bọn lò mổ, thông đồng bao che cho bọn chúng thì quan viên địa phương làm sao biết được? Làm sao có thể phát hiện được?
Cấm giết trâu được tăng tuổi thọ
Trong khoảng niên hiệu Gia Tĩnh, quan Bố chánh tỉnh Phúc Kiến là Hồ Đạt mở yến tiệc chiêu đãi quan khách. Khi ấy, quan Thượng thư là Lâm Tuấn đang dự tiệc bỗng thấy choáng váng rồi hôn mê bất tỉnh, lay gọi mãi không dậy. Qua một thời gian rất lâu, tự nhiên tỉnh lại, nói: "Kỳ lạ thay! Tôi quả thật bị đưa đến âm phủ, Phán quan chính là ông tổ trong họ của tôi, quan Thượng thư Lâm Thông ngày trước đó. Ông ấy bảo tôi rằng: 'Vua Diêm La hiện nay chính là Phạm Văn Chánh, ta là thuộc hạ của ông ấy. Xưa con làm quan huyện lệnh không cấm việc giết trâu, bị giảm tuổi thọ đi một kỷ, nên hôm nay mới bắt con đến đây.' Tôi liền biện bạch: 'Khi con nhận chức huyện lệnh, thật có ban lệnh cấm giết trâu, văn bản vẫn còn đến nay.' Ông ấy ngạc nhiên nói: 'Liệu có nhầm lẫn không?' Liền lập tức ra lệnh tra xét lại. Trong chốc lát, thổ thần huyện ấy mang bảng cấm giết trâu của tôi ban ra ngày trước đến trình. Ông mừng lắm, thay tôi tấu trình lên, liền được trả lại tuổi thọ cho tôi một kỷ, sai người đưa về."
Những khách dự tiệc hôm ấy đều kinh sợ, cùng nhau phát lời thề không ăn thịt trâu nữa. Lâm Tuấn về sau quả nhiên sống thêm đúng một kỷ.
LỜI BÀN
Chỗ mong muốn của người nghèo là được giàu sang, chỗ mong muốn của người giàu sang là được tôn quý, chỗ mong muốn của người tôn quý chỉ duy nhất một điều là được sống lâu. Trong chốn u minh mờ mịt, chỉ riêng một việc giết trâu thôi, trong số những kẻ làm quan đã có biết bao người [cấm giết trâu] được tăng tuổi thọ, biết bao người [vì không cấm giết trâu] bị giảm tuổi thọ? Chỉ tiếc là âm phủ dương gian hai đường cách biệt, nên người đời không thể rõ biết được điều đó mà thôi.
Khuyên những người làm việc cửa quan
Những người làm việc ở nha môn, thường thấy người khác bị gông cùm buộc trói, hoặc bị đánh đập tra khảo, hầu như không có lòng thương xót. Cho nên họ xem việc giữ giới không giết hại lại càng là viển vông không thực tế. Vì thế, một khi có việc đi đến chốn xóm thôn thì bọn họ phóng túng không chút kiêng dè, thấy gà bắt lấy gà, gặp vịt cướp lấy vịt, thậm chí còn bức bách người dân phải bán cả con cái để có tiền cung phụng miếng ăn cho mình. Được thỏa mãn như vậy rồi lại khoa trương những việc ấy trong hàng ngũ của mình, tự cho là tài giỏi, khiến cho thói hung bạo như thế ngày càng phát triển nhiều hơn. Họ đâu biết rằng đạo trời báo ứng trả vay không sai chạy, [những kẻ hung bạo rồi] không khỏi chết vì đao gậy, hoặc bỏ mạng trong lao tù, hoặc gia nghiệp tan tành, con cháu phải nghèo đói xin ăn khắp chốn. Hết thảy báo ứng như thế đều do tâm địa độc ác hung tàn, khiến cho ngay trong đời này phải chịu những ác báo.
Vì thế, xin rộng khuyên hết thảy những kẻ có tâm lành đang làm việc trong chốn quan quyền, nên thường xuyên tạo phương tiện giúp đỡ mọi người. Thấy người khốn khổ có việc phải đến cửa quan, nên dùng lời từ hòa an ủi. Gặp kẻ thân cô thế cô chịu oan khuất, nên vì người ấy mà ra trước công đường bộc bạch oan tình. Đến như chuyện ăn uống, nói ra thật vô cùng, có biết bao nhiêu món đều có thể giúp ta ngon miệng no lòng, nếu [giết hại sinh linh vật mạng để khiến cho] trời cao phải nổi giận, sao bằng [canh rau đạm bạc mà] được hưởng phước lành, tăng thêm tuổi thọ, lại có thể giúp con cháu đời sau hưởng phúc hưng thịnh?
Người xưa nói: "Cùng một cánh tay, có thể xô ngã người, có thể nâng đỡ người; cùng một miếng ăn, có thể giết hại, có thể cứu sống." Người hiểu rõ được lý ấy, có lẽ nào lại không suy xét kỹ?
Đồng lõa với kẻ xấu bị âm phủ trách phạt
Vào năm Giáp Thân thuộc niên hiệu Sùng Trinh, Thiệu Thu Phương làm việc ở huyện Long Du. Bấy giờ quan huyện cấm việc giết mổ, bọn đồ tể trong làng sợ nha dịch tuần tra bắt gặp không để yên, liền hối lộ tiền cho Thu Phương để ngăn cản, bao che. Nhờ vậy, chúng vẫn có thể tha hồ làm việc giết mổ.
Năm Ất Dậu, vào ngày 2 tháng 4, Thu Phương chết đi, qua 7 ngày bỗng sống lại, tự nói rằng mình đã đi đến âm phủ, nhìn thấy Phán quan đang tra xét chuyện giết trâu. Bỗng có con trâu chạy đến cắn, lại thấy tên đồ tể tên Vương Thập Nhất cũng ở đó, có ý muốn đổ tội cho Thu Phương. Khi ấy, dao mổ trâu, chậu huyết bỗng nhiên hiện ra ngay trước mặt, Thu Phương liền cố hết sức kêu oan. Phán quan nói: "Cho dù ông không tự tay giết trâu, nhưng ngày hôm ấy nếu không có ông bao che, bọn đồ tể ắt phải sợ quan huyện bắt tội, chưa hẳn đã dám giết trâu." Truyền tra xét lại, thấy tuổi thọ Thu Phương chưa dứt, liền cho trả về dương gian, đợi sau khi chết sẽ trị tội.
LỜI BÀN
Đối với lệnh cấm giết mổ súc vật, nếu buông thả cho làm thì rất dễ, nhưng nghiêm cấm lại sẽ rất khó. Vì thế, một khi đã tác động khiến người khác buông thả lệnh cấm, ắt xem như tự mình đã phải nhận lấy quả báo mang lông đội sừng. Cho nên, những người có chức phận đang làm việc công phải hết sức thận trọng!
Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019
Khuyen nguoi lam quan
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hien huu nhu that da va dang
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Nhờ có sự hộ niệm cho cuộc diện kiến mặt-đối-mặt như thế, cho dù thần thức có yếu đuối thế nào đi nữa, chắc chắn không còn nghi ngờ gì là c...
-
Chính vì muốn dẫn dắt khéo léo các đệ tử mà ta khai thị nhiều pháp môn khác nhau. Laṅkāvatārasūtra Kinh Lăng già Maria Montenegro...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét