Thân chào em Hải Lâm,
Tôi cũng muốn viết thư riêng để khích lệ tinh thần cầu học của em, nhưng vì vấn đề em đề cập là một vấn đề mà tôi đã công khai đăng tải từ khá lâu, đã đến với rất nhiều người đọc, nên tôi nghĩ việc tiếp nhận ý kiến phản hồi của em một cách công khai sẽ thích hợp hơn. Vì thế, trước hết tôi đã cho đăng tải các ý kiến của em tại đây. Tôi làm như vậy mà không cần hỏi ý kiến em vì hai lý do. Thứ nhất, vấn đề này hoàn toàn không giới hạn giữa em và tôi, mà là vấn đề đã được đưa ra trước số đông độc giả. Rất nhiều trang web đã đăng tải lại bài viết này của tôi, nên độc giả có quyền được biết đến những ý kiến phản hồi này. Thứ hai, mặc dù gửi đến tôi qua email, nhưng em có nói rõ là: "... Con sẽ gửi các trang mạng để họ biết được chú nói gì về họ..." Như vậy, việc tôi công khai hóa những điều này cũng phù hợp với ý muốn của em, nên không cần phải hỏi lại.
Hải Lâm thân mến,
Tôi hoan nghênh tinh thần cầu học của em khi em ngỏ ý muốn gặp tôi để học hỏi thêm, ngay cả sau khi đã chỉ ra rất nhiều "sai lầm" của tôi trong bài viết trên. Tuy nhiên, tôi cũng hơi ngạc nhiên vì không hiểu em định học hỏi gì ở một người "ăn nói ngược ngạo", "mê muội lầm lạc" cũng như "dùng ngôn từ chụp mũ" như tôi - theo nhận xét của chính em trong bài viết? Tuy vậy, tôi nghĩ rằng dù sao thì hẳn em cũng có lý do của riêng mình để nghĩ như thế, và tôi vẫn hoan nghênh nếu có dịp nào đó được gặp gỡ trao đổi cùng em.
Về những ý kiến em nêu ra trong bài viết, tuy về chi tiết có thể liệt kê ra khá nhiều, nhưng đại thể chỉ có 2 ý chính tôi thấy cần phải trả lời để giúp em hiểu đúng vấn đề; còn hầu hết những ý khác không cần đến sự hồi đáp của tôi, bởi chúng được viết ra theo lối quy chụp một chiều nên mọi sự giải thích hay tranh biện đều là không cần thiết. Lấy ví dụ như khi em bảo tôi mang bộ kinh Đại Bát Niết-bàn kính biếu Hòa thượng Thích Trí Tịnh là "ám chỉ hòa thượng dịch thuật không chuẩn", thì rõ ràng không dựa vào một tiêu chuẩn nào để tôi có thể giải thích hay tranh biện được cả, chỉ có thể nghe biết ý kiến của em như vậy mà thôi. Những điều đại loại như thế, tất nhiên người đọc hoàn toàn có sự sáng suốt của riêng mình để phán xét, tôi có nói ra cũng bằng thừa.
Về ý thứ nhất, những nghi ngại của em đều do em hiểu không đúng về bài viết của tôi, tôi trích lại bài viết của em như sau:
"Do đó, khi đọc bài “ Suy tư về vấn đề loại tăng ra khỏi Tam bảo”, con không khỏi bàng hoàng, sửng sốt khi người viết (không biết vô tình hay hữu ý) đã không ngần ngại nêu ra và khẳng định như sau: “Bởi vậy, bổn phận người cư sĩ vẫn là phải luôn cung kính đối với Tam bảo, cho dù có những kẻ lẫn lộn trong Tăng đoàn không giữ được tư cách của một vị tăng, thì đó cũng không phải việc của hàng cư sĩ có thể mang ra phê phán hay bất mãn như lời thầy G. T. đã gán cho các vị Đoàn Trung Còn và Mai Thọ Truyền trong bài viết này. Mà chuyện thầy lo "chư tăng bị loại ra khỏi Tam bảo" lại là chuyện hoàn toàn vô lý và khó hiểu.” Phải chăng ngươi viết đang cổ súy cho một niềm tin lệch lạc, trái với chánh kiến nhà Phật ?" (Hết trích)
Ở đây, câu em trích dẫn chỉ là phần cuối cùng trong một mạch văn dài, nguyên văn như sau:
Thật ra, điểm khác biệt quan trọng nhất giữa chư tăng và cư sĩ không phải ở những việc như cất chùa, giảng giải, dịch kinh, viết sách... như thầy G. T. nêu ra. Những việc này vẫn có những cư sĩ làm được và thậm chí có khi còn làm tốt hơn cả chư tăng. Những ngôi chùa lớn xưa kia đều do các vị vua chúa hoặc những người giàu có (cư sĩ) xây dựng, hoàn tất rồi mới thỉnh chư Tăng về an trú. Cư sĩ giảng kinh cho chính quý thầy ngồi nghe thì gần đây có cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám mà tôi vừa nhắc ở trên. Lớp Phật học đầu tiên của thế kỷ trước tại chùa Báo Quốc có mời ông đến giảng thường xuyên cho các vị học tăng. (Mỗi khi đi giảng ông đều mang theo kinh, sách trong cặp, bước lên xe ngồi là mở ra xem, cho đến nơi mới gấp sách lại, không bỏ phí dù chỉ một chút thời gian. Phẩm chất cao quý của ông khiến cho ai đã từng gặp cũng đều mến mộ.)
Việc dịch kinh, viết sách cũng vậy, xưa nay chưa hề có phân biệt tăng hay cư sĩ, tất cả đều có sự đóng góp tích cực cho Đạo pháp. Thế nhưng, tất cả những vị cư sĩ chân chính đều duy trì sự cung kính đối với chư tăng ni, bởi họ luôn hiểu được chỗ khác biệt quan trọng nhất giữa bản thân họ với những người đứng vào hàng Tăng bảo: Đó chính là sự nghiêm trì giới luật và đạo hạnh cao quý. Một vị tăng dù chưa từng xây chùa, giảng kinh, viết sách... nhưng chỉ cần nghiêm trì giới luật, tu tập chân chánh là đã đủ xứng đáng cho hàng cư sĩ quỳ lạy cung kính. Ngược lại, một vị tăng dù có công vận động xây dựng chùa lớn, có tài uyên bác thuyết giảng kinh luận thông suốt, nhưng nếu không sống theo đúng giới luật, không giữ được đạo hạnh, thì bản thân vị ấy đã không xứng đáng đứng trong Tăng đoàn, đã không thể xem là một phần của Tăng bảo. Sự khác biệt giữa chư tăng và cư sĩ cần phải được hiểu như thế.
Việc dịch kinh, viết sách cũng vậy, xưa nay chưa hề có phân biệt tăng hay cư sĩ, tất cả đều có sự đóng góp tích cực cho Đạo pháp. Thế nhưng, tất cả những vị cư sĩ chân chính đều duy trì sự cung kính đối với chư tăng ni, bởi họ luôn hiểu được chỗ khác biệt quan trọng nhất giữa bản thân họ với những người đứng vào hàng Tăng bảo: Đó chính là sự nghiêm trì giới luật và đạo hạnh cao quý. Một vị tăng dù chưa từng xây chùa, giảng kinh, viết sách... nhưng chỉ cần nghiêm trì giới luật, tu tập chân chánh là đã đủ xứng đáng cho hàng cư sĩ quỳ lạy cung kính. Ngược lại, một vị tăng dù có công vận động xây dựng chùa lớn, có tài uyên bác thuyết giảng kinh luận thông suốt, nhưng nếu không sống theo đúng giới luật, không giữ được đạo hạnh, thì bản thân vị ấy đã không xứng đáng đứng trong Tăng đoàn, đã không thể xem là một phần của Tăng bảo. Sự khác biệt giữa chư tăng và cư sĩ cần phải được hiểu như thế.
Và ở đây mới chính là chỗ chúng ta cần quan tâm. Chỉ cần chư Tăng nghiêm cẩn tuân theo Giới luật – như Phật từng dạy, phải lấy Giới luật làm thầy – và duy trì được nếp sống đạo hạnh, thì không có gì phải lo âu vì đám cư sĩ mê muội lầm lạc kia, làm sao họ có thể đủ sức mà "loại tăng ra khỏi Tam bảo"? Còn nếu có những vị tăng không ra tăng, giới luật không giữ theo, sống buông thả phóng túng, thì chính những người ấy đã tự loại mình ra khỏi Tăng đoàn, đã không xứng ở trong Tăng bảo, mà dù không ai loại trừ họ, thì một khi nhắm mắt xuôi tay họ cũng không thể lừa dối được luật nhân quả.
Bởi vậy, bổn phận người cư sĩ vẫn là phải luôn cung kính đối với Tam bảo, cho dù có những kẻ lẫn lộn trong Tăng đoàn không giữ được tư cách của một vị tăng, thì đó cũng không phải việc của hàng cư sĩ có thể mang ra phê phán hay bất mãn như lời thầy G. T. đã gán cho các vị Đoàn Trung Còn và Mai Thọ Truyền trong bài viết này. Mà chuyện thầy lo "chư tăng bị loại ra khỏi Tam bảo" lại là chuyện hoàn toàn vô lý và khó hiểu.
Em thấy đó, để có thể nêu ra 2 chữ "bởi vậy", tôi cần đến sự giải thích trong 3 đoạn văn trước nó. Nếu không thì "bởi vậy" là bởi những điều gì?
Và tôi rất hoài nghi việc em có thực sự đọc qua trọn vẹn đoạn văn trên hay không khi đi đến kết luận: "Phải chăng ngươi viết đang cổ súy cho một niềm tin lệch lạc, trái với chánh kiến nhà Phật ?"
Đáng buồn là những gì em viết theo sau lại cho thấy rõ em không hề đọc hết đoạn văn, hoặc nếu có đọc thì cũng không hề nhận hiểu những gì được nói lên trong đó.
Khi tôi nói rằng "người cư sĩ vẫn là phải luôn cung kính đối với Tam bảo, cho dù có những kẻ lẫn lộn trong Tăng đoàn không giữ được tư cách của một vị Tăng" thì em lại cố ý diễn giải theo hướng mang nghĩa là "phải giữ lòng cung kính với những kẻ phá giới, đội lốt tu hành". Và từ chỗ diễn giải theo ý nghĩa này, em dành trọn nhiều đoạn tiếp theo để giảng giải với tôi về "tỳ-kheo chân chánh" phân biệt với "ác tri thức" và rằng việc cung kính đối với những kẻ đội lốt tu hành là "đặt niềm tin lệch lạc", kể cả viện dẫn Kinh Niết-bàn để nói rằng "đừng liên hệ với ác tri thức" v.v và v.v... Bình tâm xét lại, tất cả những lời này thực sự không liên quan gì đến ý nghĩa trong câu văn của tôi. Chỉ riêng về mặt ngữ nghĩa thì cách hiểu sai lầm như vậy đã không thể đứng vững, còn nói gì đến việc suy xét hàm ý sâu xa? Câu văn của tôi đơn giản chỉ nói lên một điều là: "Cho dù trong Tăng đoàn có lẫn lộn những người xấu, thì người cư sĩ cũng không thể vì lý do đó mà đánh mất lòng cung kính đối với Tam bảo." Nếu em hiểu đúng như thế, hẳn đã không mất nhiều công sức biện luận, bác bỏ những điều mà không ai nói ra cả! Tôi đâu có khuyến khích mọi người phải cung kính đối với những kẻ xấu, mà là phải giữ lòng tôn kinh Tam bảo, như vậy thì sao có thể gọi là "niềm tin lệch lạc, trái với chánh kiến..." và rằng "cớ sao chú lại chủ quan nói rằng..." Việc kẻ xấu lẫn lộn vào trong Tăng đoàn chân chánh thời nào cũng có, ngay cả vào thời Phật tại thế cũng vẫn có Lục quần tỳ-kheo thường xuyên phạm giới... Nhưng không thể vì điều đó mà người cư sĩ đánh mất đi sự cung kính đối với Tam bảo. Tôi nghĩ một quan điểm như thế là hoàn toàn đơn giản và thật ra là quá rõ ràng đến nỗi chúng ta không có gì để tranh biện về nó, nếu hiểu đúng ý.
Và vì dựa trên sự nhận hiểu sai lầm như nói trên nên những đoạn văn theo sau của em cũng đều sai lệch, không cần biện giải. Chỉ cần em hiểu đúng câu văn tôi đã viết, tự khắc bao nhiêu thắc mắc sau đó đều sẽ tự chúng tan biến thôi.
Về ý thứ hai, em cho rằng tôi dùng từ "đám cư sĩ mê muội lầm lạc" là "vơ đũa cả nắm", là "ngôn từ vỉa hè", là "dùng ngôn từ chụp mũ"... v.v... và v.v...
Đây cũng lại là một cách nhận hiểu sai lầm nghiêm trọng những gì tôi đã viết ra. Nếu em thực sự đọc bài viết của tôi một cách nghiêm túc với sự nhận hiểu khách quan, chắc chắn không thể có sai lầm nghiêm trọng đến như vậy. Tại sao em không thấy rằng tôi bắt đầu dùng cụm từ "mê muội" từ lúc nào trong bài viết? Mời em đọc lại đoạn văn sau đây:
Xuất phát từ sự mê muội của một nhóm người – cứ tạm cho là như thế – mà một vị tăng phải thống thiết than van, phải hạ mình nói ra những câu như thế với hàng cư sĩ, theo tôi nghĩ quả thật là không đáng! Như thế thì còn đâu cái phẩm chất cao quý của bậc Như Lai trưởng tử, của bậc Tam giới Đạo sư? Nhất là khi thầy "lạy các vị vạn lạy, như năm xưa khi thọ giới lớn về tôi lạy bộ kinh Vạn Phật để trả ơn Tam Bảo" thì thật là lầm lẫn quá lắm! Sao lại có thể so sánh việc cúi lạy những kẻ mê muội đang làm hại đạo pháp – theo cách nhìn của thầy – với việc lạy Kinh điển để trả ơn Tam bảo?
Thế đấy, trong bài viết của mình, tác giả Thích G. T. sau khi chỉ ra vô số những điều mê muội, lầm lạc, làm hại Chánh pháp, loại bỏ Tăng bảo v.v... của những cư sĩ lập Ban Hộ Niệm, rồi đi đến kết luận thái quá sai lầm là "quỳ lạy" họ để họ "tha cho Tăng bảo". Tôi vì bác bỏ quan điểm sai lầm này nên khi biện giải đã 2 lần nhắc lại kèm theo từ ngữ "mê muội" rằng đó là theo cách nhìn của tác giả Thích G. T. đã hàm ý nêu ra trong bài viết của ông. Tôi nói "tạm cho là như thế" có nghĩa là cứ tạm giả định ông G. T. nói đúng; cũng như nói "theo cách nhìn của thầy" thì đã quá rõ rằng đó đâu phải phán đoán, quan điểm của tôi? Lẽ nào em đọc bài viết này mà không đọc bài tôi dẫn của tác giả Thích G. T. ? Hãy đọc kỹ lại toàn bài viết, xem có chỗ nào tự bản thân tôi nêu ra ý kiến phán định việc làm của các Ban Hộ Niệm là đúng hay sai hay chăng? Tôi chỉ lặp lại những gì tác giả bài viết đã nêu ra và đưa ra những giả định theo nhiều chiều để chỉ rõ những chỗ sai lầm của tác giả mà thôi, không hề đi sâu vào biện giải việc đúng sai của cư sĩ hay tăng sĩ. Nếu muốn làm việc đó, tất yếu tôi phải tìm hiểu và dẫn ra nhiều cứ liệu chính xác, đầy đủ hơn chứ không thể chủ quan phán xét.
Cách biện giải như tôi sử dụng trong bài viết là dùng chính những gì đối phương đưa ra, giả định rằng nó đúng trong một chừng mực nào đó nhưng vẫn đưa đến kết quả sai lầm, và từ đó mới bác bỏ hoàn toàn luận điểm của đối phương. Đó là một trong những phương pháp biện luận rất thông thường và sơ đẳng. Vì sao em lại quay sang gán ghép những điều giả định ấy và cho rằng chính tôi đã nói ra?
Như vậy, từ sự nhận hiểu sai lầm thứ hai này mà em đưa ra những lập luận biện giải về sự đúng sai của cư sĩ, tăng sĩ... thảy đều là lạc đề vì không liên quan gì đến ý nghĩa chính trong bài viết của tôi. Hơn thế nữa, em kết luận tôi "vơ đũa cả nắm", trong khi nếu em hiểu đúng thì dù một chiếc "đũa" mà em nói đó cũng không có trong tay tôi, có đâu là "cả nắm"?
Vì thấy em xuất phát từ sự nhận hiểu sai lầm mà viết ra bài này, nên tôi thật lòng giải thích cặn kẽ. Mong rằng em có thể sáng suốt đọc lại để thấy những chỗ sai lầm của mình. Bằng như em vẫn cứ khăng khăng theo định kiến đã có của mình thì tôi cũng chẳng biết phải làm sao! Tuy nhiên, tôi nghĩ em vẫn có thể hài lòng vì cả bài viết của em cũng như bài trả lời của tôi đều được đăng tải trọn vẹn, và mỗi người đọc chắc chắn sẽ tự có sự phán xét sáng suốt của riêng họ.
Thân chúc em luôn được nhiều niềm vui và sức khỏe.
Thân mến,
Nguyên Minh
(Nguyễn Minh Tiến)
Những từ ngữ trong bài viết của tác giả thật khó khiến cho độc giả hiểu nhầm được vì đã quá rõ ràng, trừ phi cố ý hiểu nhầm.
Trả lờiXóa"Người xuất gia dẫu tàn tệ đến nỗi chỉ là cái thây chết phá giới, không giới, sẽ đọa ác đạo, nhưng vẫn làm thiện tri thức cho nhân thiên ở chỗ có thể tuyên thuyết Phật pháp cho họ, lại vì có hình tướng và uy nghi của người xuất gia nên làm cho mọi người phát sinh cảm nghĩ quí báu". Phật không chấp nhận các vị ấy là đệ tử, nhưng không ai (dù là cư sĩ)có quyền xúc phạm họ, ngoài sự trừng trị theo giới luật của Tăng chúng thanh tịnh qua pháp Yết ma Tăng.
Trả lờiXóaĐúng lắm trước khi phê bình một bài viết cần nên đọc đi đọc lại cho kỹ ý của tác giả viết về bài ấy, vì hiểu nhầm ý tưởng tác giả như thế thật là tai hại (nếu không nói là phải bồi thường danh dự cho tác giả bài viết vì sự hiểu một cách lệch lạc này và làm cho nhiều đọc giả khác nghi ngờ về tác giả).
Trả lờiXóa