ĐỔI ĐIỀU SUY TƯ VỀ CHÚ NGUYỄN MINH TIẾN (NGUYÊN MINH) TRONG BÀI VIẾT “SUY TƯ VỀ VẤN NẠN LOẠI TĂNG RA KHỎI TAM BẢO” Ở BLOG CỦA CHÚ
(Đọc lại bài viết tại đây.)
Thưa chú, con lúc rảnh rỗi đôi khi lướt net, nhất là những trang mạng Phật giáo như “phattuonline””, “thư viện hoa sen”, “chanhtuduy”, “bửu minh”, “giacngo online”.., nhờ vậy mới đọc được bài viết trên. Bây giờ chú cho con nêu vài trăn trở nhé!
Thưa chú! Có phải rằng trong cuộc sống, niềm tin chiếm giữ một vai trò quan trọng. Niềm tin đúng đắn sẽ là động lực để ta phấn đấu và đạt những kết quả trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi niềm tin đặt không đúng chỗ sẽ trở nên nguy hại vô cùng.
Có những đôi vợ chồng hiếm muộn đặt niềm tin vào những ông này, bà nọ. Thế rồi, khi bụng họ to lên, mang áo bầu nhưng lại không có thai nhi. Họ rơi vào những bi kịch gia đình mà báo chí đã từng phản ánh. Câu chuyện vừa thương tâm, vừa hài hước và đáng trách đã dạy ta bài học về đối tượng để đặt niềm tin.
Trong đạo Phật cũng vậy, niềm tin là một trong thất thánh tài và đối tượng để đặt niềm tin cũng vô cùng quan trọng. Nhờ có niềm tin vào vị thầy mình, tin vào giáo Pháp mà ngài Milarepa đã không ngần ngại chấp nhận những thử thách vô cùng khắc nghiệt của Thầy mình và cuối cùng đã đạt giác ngộ ngay trong hiện đời.
Từ cuộc sống đến đạo pháp, niềm tin có một ý nghĩa nhất định như vậy nhưng đối tượng đặt niềm tin lại càng trở nên quan trọng hơn. Do đó, khi đọc bài “ Suy tư về vấn đề loại tăng ra khỏi Tam bảo”, con không khỏi bàng hoàng, sửng sốt khi người viết (không biết vô tình hay hữu ý) đã không ngần ngại nêu ra và khẳng định như sau:
“Bởi vậy, bổn phận người cư sĩ vẫn là phải luôn cung kính đối với Tam bảo, cho dù có những kẻ lẫn lộn trong Tăng đoàn không giữ được tư cách của một vị tăng, thì đó cũng không phải việc của hàng cư sĩ có thể mang ra phê phán hay bất mãn như lời thầy G. T. đã gán cho các vị Đoàn Trung Còn và Mai Thọ Truyền trong bài viết này. Mà chuyện thầy lo "chư tăng bị loại ra khỏi Tam bảo" lại là chuyện hoàn toàn vô lý và khó hiểu.”
Phải chăng ngươi viết đang cổ súy cho một niềm tin lệch lạc, trái với chánh kiến nhà Phật ?
Gửi chú Nguyên Minh- Nguyễn Minh Tiến!
Dù biết chú là một học giả uyên thâm, và chú tự cho rằng “còn nhiều việc dở dang đang cần hoàn tất” nhưng con cũng mong chú dành chút thời gian đọc những phản hồi này nhằm xác lập lại chánh kiến, có một cách nhìn đúng đắn về việc một số cư sĩ mà chú cho rằng đã “chối bỏ tăng đoàn”.
Như chú đã viết rồi nhưng con vẫn muốn xác định lại cách định nghĩa về một vị tỳ kheo (tăng) đích thực mà Đức Phật đã dạy trong kinh Pháp cú:
“ Đích thực bậc tỳ kheo
Không phải đi khất thực
Bậc tỳ kheo đích thực
Là sống theo giới luật”
Như vậy, có thể thấy rõ Phật không nhìn vào bề ngoài mà dựa vào phẩm hạnh để định nghĩa về một vị tỳ kheo. Theo ý nghĩa đó, một vị tỳ kheo (tăng) đích thực là người nghiêm trì giới luật, thanh tịnh, không cần biết vị ấy là ai, có mặc áo tu sĩ hay không. Từ đó, cũng có thể hiểu những người mặc đạo phục của tu sĩ nhưng lại phá giới thì dứt khoát không phải là tăng dù hiện tướng bên ngoài như thế nào đi chăng nữa. Đó chẳng qua những kẻ đội lốt tu hành, mà những đối tượng như vậy Đức Phật gọi là ác tri thức.
Khi nhìn nhận về sự tác động của mội trường đến việc hình thành nhân cách con người, ông cha ta đã đúc kết trong câu tục ngữ :
“ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Đối với những hành giả đang trên bước đường tu tập giải thoát thì lời dạy ấy cũng hoàn toàn thích hợp, đúng đắn. Thật vậy, nếu người hành giả được gần gũi thiện tri thức, thường nhận được những lời dạy đúng đắn thì sẽ nhanh chóng tiến tu trên đạo lộ giải thoát như chiếc xe được tiếp thêm nhiên liệu. Ngược lại, nếu hành giả rơi vào môi trường tu tập, liên hệ với những ác tri thức thì lâu ngày dài tháng, đạo hạnh của họ cũng bị hư hoại, tựa như ngọn đèn dầu hiu hắt trước gió, không sớm thì muộn nó cũng tắt mà thôi. Bởi lẽ, chúng ta chưa phải là bậc Thánh thì làm sao mà không bị nhiễm ô bởi những tác động bên ngoài? Đức Phật cũng từng khuyến cáo trong kinh “Đại bát Niết bàn” do chú dịch là đừng liên hệ với ác tri thức, và nhiều lời dạy của thánh Tăng vẫn còn đó, được minh chứng bởi hàng triệu triệu thế hệ hành giả, chúng ta là những người đi sau, phải nương theo lời dạy của thánh Tăng, cớ sao chú lại chủ quan nói rằng:
“Bởi vậy, bổn phận người cư sĩ vẫn là phải luôn cung kính đối với Tam bảo, cho dù có những kẻ lẫn lộn trong Tăng đoàn không giữ được tư cách của một vị tăng…” (trích đoạn viết của Chú).
Được biết chú qua pháp liệu ở trang mạng là chú tôn kính chư tăng nhưng đã dịch lại bộ kinh Đại bát Niết bàn rồi đem tận chùa Vạn Đức tặng cho chính người dịch trước đó là hòa thượng Thích Trí Tịnh, đây là thái độ kiêu mạn hay tôn kính? Hàm ý chú ám chỉ hòa thượng dịch thuật không chuẩn hay sao? Thái độ với một Phó pháp chủ như vậy thì biết chú “tôn kính” chư tăng như thế nào!?
Thế mới biết, giữa nói và làm của còn một khoảng cách xa lắm! Thế gian gọi loại người đó là ngụy quân tử, còn tệ hơn cả tiểu nhân vì họ che đậy bằng vỏ bọc thật kỹ càng, khiến nhiều người, nhiều đài, nhiều báo lầm tưởng.
Đây là lời dạy của Phật hay ý kiến, cái nhìn riêng của một học giả? Nên nhớ, Phật dạy trong kinh Tứ thập nhị chương: “ Phải thận trọng đừng chủ quan với tâm ý của ông. Tâm ý của ông không thể tin được, (vì vậy). Khi nào chứng quả A La Hán rồi mới có thể tin vào tâm ý của ông". Dù biết chú là một học giả uyên thâm nhưng có lẽ cũng chưa là bậc Thánh, sao lại vội đưa ra ý kiến chủ quan của mình?
Lại nữa, Phật dạy trong kinh Đại bát Niết bàn, phẩm Như lai tánh, quyển một: “Này bồ tát Ca Diếp! Nếu một cận sự nam biết rõ vị tỳ kheo nào phá giới thì chẳng nên cung cấp vật dụng tứ sự, chẳng nên cung kính, lễ bái, cúng dường. Nếu trong tăng chúng có kẻ phá giới, chẳng nên vì họ mặc áo cà sa mà cung kính, lễ bái.”
Theo lời Phật dạy, con chưa dám xét những người cư sĩ ly tăng là đúng hay sai, chúng ta sẽ làm rõ ở phần sau, nhưng con tự hỏi chú dựa vào đâu mà cho rằng họ là “đám cư sĩ mê muội lầm lạc”, nói như thế liệu có gọi là “vơ đũa cả nắm” hay chăng? Từ ngữ “đám cư sĩ” là ngôn từ vỉa hè lại được dùng bởi một học giả như vậy ư? Từ dùng “mê muội lầm lạc” thật là quá đáng, trong khi bản thân chú dịch kinh “Đại bát Niết bàn” mà lại nói ngược ngạo như thế! Thế mới biết, nhìn vào lập luận không trước sau như một của chú, con biết ai là kẻ “mê muội, lầm lạc” vì chú tin vào ý của mình!
Cách đây không lâu, một vị sư ở Thái Lan đã phá giới, phóng túng trong tiền tài, sắc dục. Hay xa hơn một chút, một vị tỳ kheo (xin được giấu Pháp danh) nào đó bề ngoài tỏ ra đạo hạnh, thuyết giảng rất hay nhưng lại làm điều tà vạy mà người ta phải nhờ đến chính quyền can thiệp. Chẳng lẽ với những đối tượng như thế mà ta vẫn phải cung kính, lễ bái hay sao? Nếu như thế thì thật là tai hại. Ở thế gian người ta gọi là dung túng cho cái xấu, cái ác còn đạo Pháp thì gọi là liên hệ với ác tri thức, hậu quả sẽ ra sao chắc ai cũng rõ. Vậy những người cư sĩ làm theo lời Phật dạy, tránh xa ác tri thức mà gọi là “mê muội, lầm lạc” hay sao? Và những lời nói của chú ở trên liệu còn cơ sở để đứng vững trước lời của Đức Phật và Thánh Tăng?
Gửi chú Nguyên Minh-Nguyễn Minh Tiến
Trở lại với vấn đề một số cư sĩ chối bỏ tăng đoàn, chú không phân biệt rõ ràng, không xét từng trường hợp mà vội “ vơ đũa cả nắm” rồi dùng ý kiến chủ quan của mình để phê bình, e rằng là không hợp lí. Những cư sĩ khắp nơi chắc buồn lắm khi đọc bài viết đó, vì họ bị hiểu lầm. Con sẽ gửi các trang mạng để họ biết được chú nói gì về họ bởi vì con còn nhỏ mà còn đau lòng, huống gì nhiều cư sĩ đã tu tập lâu năm!
Trở lại vấn đề, ở trường hợp thứ nhất, nếu những người cư sĩ chối bỏ tăng đoàn, từ bỏ những vị sư giới hạnh tinh nghiêm thì chúng ta phê bình, chỉ trích là việc làm đúng. Tuy nhiên, “không có lửa làm sao có khói?”
Ở trường hợp thứ hai, nếu họ là những người hư hoại giới hạnh nhiều, thì việc những cư sĩ chối bỏ tăng đoàn mà ta phê bình liệu còn đúng? Và đây là trường hợp cần xét lại. Bởi vì họ là đối tượng tôn kính của cư sĩ làm không làm đúng vai trò thì làm sao không có ý kiến, tựa như người dân thấy quan chức làm sai, cũng nêu ý phản hồi!
Phật nêu rõ tinh thần “tứ chúng đồng tu”. Thế nên, tại sao người cư sĩ lại không có quyền phê phán hay bất mãn trong khi bạn đồng tu đi lệch quỹ đạo chánh Pháp? Xét sâu xa hơn, đó là một việc thể hiện Bồ đề tâm. Vì sao vậy? Nếu họ không chối bỏ những vị sư khuyết hạnh, tiếp tục nhận những lời tà kiến thì vận mệnh tâm linh sẽ ra sao cho cả người trao và người nhận những lời dạy đó? Nếu che giấu thì giống như tiếp tay cho họ tái phạm. Vậy nên, việc chối bỏ những kẻ đội lốt tu hành nhưng làm điều tà vạy đồng nghĩa với việc cứu lấy thân căn, huệ mạng của họ. Đây hẳn là một việc làm hợp lí, đúng đắn.
Không phủ nhận một bộ phận cư sĩ ly tăng nhưng chúng ta chưa biết động cơ, thái độ của họ như thế nào thì đừng vội phán xét theo ý kiến chủ quan của mình bằng cách quy chụp mà phải phân ra từng trường hợp, dùng kinh điển mà xem xét và nếu họ ly tăng vì những người mang áo cà sa nhưng hư hoại giới hạnh thì đó không phải là ly Tăng, mà là tránh xa ma quân đội lốt thầy tu đạo Phật.
Được biết chú là một học giả có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo trong những năm qua, con không ngờ rằng chú “dùng ngôn từ chụp mũ” quá! Chú nên dùng kinh điển mà sáng soi để làm sáng tỏ vấn đề này nhằm lợi mình, lợi người. Mong một ngày gặp chú tại nhà riêng để con được học hỏi thêm.
Xã An Bình, Thành Phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
ngày 6 tháng 8 năm 2013
Nguyễn Thái Hải Lâm.
Điện thoại của con số 01243467177
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét