Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013
Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013
Hôm qua, tôi đến dự đám giỗ ở nhà người anh họ với một niềm vui đặc biệt, vừa dự đám giỗ ông ngoại vừa ăn mừng đứa con trai duy nhất của anh ấy thoát khỏi tai nạn.
Khi đến nhà, thân tộc đã có mặt đầy đủ, mọi người nói chuyện rôm rả, toàn những chuyện về tai nạn giao thông.
Vừa ngồi xuống ghế, đứa cháu trai bị tai nạn đến chào tôi. Nhìn cái đầu tóc mới mọc như lính quân trường, tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe, cháu bảo đã ổn định, chỉ phải uống thuốc duy trì cho tan máu tụ trong sọ và thuốc chống co giật. Tôi hỏi trêu cháu: Chừng nào nhậu trở lại? Cháu tôi gãi đầu cười: Dạ, hổng dám nhậu nữa, bác sĩ bắt cữ rượu. Tôi thầm nghĩ: May mà không khui hộp sọ, chứ khui ra kể như đời tàn, chục người mở hộp sọ hết bảy người như phế nhân.
Thần chú Đại bi - Bản chữ Hán
Đang suy nghĩ thì vợ của cháu cũng tới chào, nhìn cô cháu dâu vui vẻ mà tôi mừng giùm, suýt nữa thì đã mất chồng hoặc ôm cục nợ suốt cả đời. Sau lễ cúng với thức ăn toàn bằng đồ chay, ăn uống xong mọi người lần lượt ra về. Tôi nán lại nói chuyện với cô cháu dâu, ngồi nghe cháu kể chuyện về tai nạn của chồng và sự may mắn trong đường tơ kẽ tóc mà giật mình và khiến tôi càng tin tưởng vào oai lực cứu khổ, cứu nạn của Bồ-tát Quán Thế Âm.
Cháu kể, sau khi ăn tiệc mừng sinh nhật của con ở nhà, chồng cháu chở một người công nhân về trại thu mua chỉ xơ dừa cách khoảng mười lăm cây số, lúc đi thì trong người cũng có chút hơi men nhưng không đến nỗi say. Khi đến nơi, những người công nhân ở đó sau giờ làm việc ngồi nhậu lai rai, họ nói riết chồng cháu nổi hứng uống liên tục mấy ly, sau đó dù đã say, vẫn cứ cương quyết lên xe ra về, không chịu ở lại dù anh em cố khuyên can. Khi tới dốc cầu xã nhà, do say rượu lạc tay lái, tự đâm xe vào lan-can cầu, té xuống rồi không biết gì nữa. Chồng cháu được sơ cứu ở địa phương rồi chuyển lên bệnh viện tỉnh, bệnh viện tỉnh khám, chẩn đoán chấn thương sọ não đã chuyển thẳng lên bệnh viện chuyên khoa ở TP.HCM.
Tại đây, dù chồng cháu đã tỉnh lại nhưng các bác sĩ hội chẩn quyết định mổ mở hộp sọ để lấy máu tụ và cầm máu đang tiếp tục chảy trong sọ. Lúc đó cháu rất bối rối vì chỉ có một thân một mình nuôi chồng, cha mẹ chồng thì đã già không theo phụ được, tuy cháu có một người em sống ở thành phố nhưng hiện đang đi công tác lâu ngày ở nước ngoài nên có cũng như không.
Không người bàn bạc góp ý, cháu bắt buộc phải ký giấy cam kết đồng ý phẫu thuật. Chồng cháu được đưa đi làm vệ sinh, cạo đầu để chuẩn bị vào phòng mổ. Lúc đang chờ tới phiên mổ, chồng cháu hết sức lo lắng vì hiểu rằng mở hộp sọ là một phẫu thuật nặng nề, dễ để lại di chứng nên bảo cháu hỏi bác sĩ đừng mổ được không. Mặc dù đã ký giấy cam kết đồng ý phẫu thuật vẫn cố gắng gặp bác sĩ trưởng khoa xin xem lại trường hợp của chồng cháu vì thấy chồng vẫn sáng suốt, không quên điều gì cả. Dù rất bận, vị bác sĩ đó vẫn giải thích cho cháu biết trên kết quả chụp cộng hưởng từ, máu đang tiếp tục chảy trong hộp sọ, nếu không mổ lấy khối máu tụ và cầm máu thì sẽ bị chèn ép não gây nguy hiểm đến tánh mạng.
Cháu nghe giải thích xong đành chấp nhận, không có ý kiến gì thêm. Cháu về báo cho chồng biết, động viên và khuyên chồng cùng với mình niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, cầu Ngài phù hộ lúc phẫu thuật.
Chồng cháu dù đau đớn, lo lắng nhiều nhưng vẫn cùng cháu niệm danh hiệu Ngài, vì ở nhà thờ Bồ-tát Quán Thế Âm, cả hai đều rất tin tưởng vào Bồ-tát, khi đến rằm lớn hai vợ chồng đều đi chùa lễ Phật, cúng dường. Cháu thường bảo với chồng Bồ-tát Quán Thế Âm là mẹ thứ hai của mình, Ngài đã dìu dắt cháu từ nhỏ, từ ngày người mẹ sinh thành qua đời.
Lúc cả hai đang niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, cầu mong Ngài từ bi cứu khổ cứu nạn thì đột nhiên đứa em trai của cháu đang ở nước ngoài điện về. Đứa em bảo: Em đang ngủ bỗng nằm mơ thấy anh chị quỳ trước Bồ-tát Quán Thế Âm cầu nguyện, lại thấy nét mặt Bồ-tát lộ vẻ xót thương, còn anh chị thì sợ hãi khóc lóc nên điện về hỏi thăm coi có chuyện gì không. Cháu liền báo cho em mình biết tình trạng của chồng, em cháu nghe xong liền hỏi tên bệnh viện chồng cháu đang nằm rồi cúp máy, nói sẽ điện lại sau.
Tới giờ, y tá đến đẩy xe đưa chồng cháu vào phòng mổ, đột nhiên có một vị bác sĩ là phó giám đốc bệnh viện đến đề nghị xem lại trường hợp của chồng cháu. Ông ấy coi hết các kết quả cận lâm sàng, sau đó đề nghị cho kiểm tra lại, kết quả thật bất ngờ, máu đã ngừng chảy. Căn cứ vào đó, cộng với sự tỉnh táo của chồng cháu, ông ấy quyết định không cho tiến hành phẫu thuật nữa mà chuyển qua điều trị nội khoa. Nửa tháng sau, chồng cháu được xuất viện. Sau này cháu mới biết, người em trai của mình gọi điện về vị bác sĩ phó giám đốc đó - vốn là bạn thân của mình - nhờ xem giúp trường hợp của anh rể, nhờ sự can thiệp kịp thời đó mà chồng cháu khỏi phải mở hộp sọ, một phẫu thuật quá nhiều rủi ro, để lại nhiều di chứng.
“Cho tới hôm nay vẫn chưa hết ngạc nhiên vì sự can thiệp đúng lúc của vị bác sĩ đó” - cô cháu dâu của tôi nói - “chỉ chút xíu nữa thôi, nếu không có sự can thiệp đó chắc gia đình con bây giờ không biết ra sao. Nhờ em con được Bồ-tát báo mộng nên mới gọi điện về kịp lúc, Bồ-tát đúng là mẹ hiền của con”. Cháu ấy nói với đôi mắt biết ơn vô vàn.
Nghe cháu nói, tôi bỗng nhớ lại cách đây hơn ba mươi mấy năm, lúc đó nhà cháu ở gần cơ quan tôi làm việc. Mẹ cháu vì không chịu nổi sự khắt khe của cha cháu nên đã quyên sinh. Sau khi vợ chết, cha cháu mang cháu gởi cho người cô ruột nuôi, lâu lâu ông ấy mới về thăm. Nhà cô của cháu ở gần một ngôi chùa trong xã, cô ấy là một Phật tử nên cháu thường theo cô qua chùa chơi, biết hoàn cảnh cháu, thầy trụ trì rất thương, thường cho quà bánh và dạy dỗ cháu.
Một hôm, tôi ghé thăm thầy trụ trì, khi đang uống trà với thầy, thấy cháu qua chơi, thầy trụ trì bảo với tôi rằng cháu rất thông minh, các ảnh Phật, Bồ-tát chỉ dạy qua một lần là nhớ hết, cả chú Đại bi dài mà học cũng thuộc. Tôi liền hỏi thử, quả nhiên cháu trả lời rất đúng, duy khi hỏi đến ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm cháu lại nói là Mẹ Quán Thế Âm. Tôi hỏi cháu sao lại gọi là Mẹ mà không gọi là Bồ-tát, cháu trả lời vì mắt của Bồ-tát rất giống mắt mẹ cháu nên gọi như thế cho đỡ nhớ mẹ. Cháu bảo: “Mỗi lần con bị bệnh hoặc bị cha đánh đòn, mẹ nhìn con y như Mẹ Quán Thế Âm vậy!”. Tôi nghe mà xót xa cho đứa trẻ sớm bị mất đi tình mẫu tử.
Rồi thời gian trôi nhanh, tôi về hưu nên ít có điều kiện tiếp xúc với cháu. Không ngờ đứa cháu trai con người anh họ của tôi lại cưới cháu làm vợ. Sau đám cưới một thời gian, nghe ông anh họ khoe mà mừng, anh ấy nói con dâu rất ngoan hiền, hiếu thảo với cha mẹ chồng. Nhà anh xưa giờ không có thờ Phật, chỉ thờ ông bà, từ ngày con dâu bàn với gia đình thờ Phật, gia đình trở nên vui vẻ, gặp nhiều may mắn, đã mở thêm mấy điểm thu mua sản phẩm chỉ xơ dừa, làm ăn thuận lợi lắm. Bây giờ anh chỉ còn lo một điều là thằng con trai làm thì rất giỏi mà nhậu cũng quá chừng, anh chị rầy la hoài không chịu nghe, vợ nói riết cũng chưa chừa. Tôi nói: Anh cứ cầu nguyện Phật, Bồ-tát đi, lần lần đủ duyên là nó sẽ bỏ thôi!
Trước khi ra về, tôi đến bàn thờ Phật xá ba xá và ngắm nhìn pho tượng Bồ-tát Quán Thế Âm mới tinh, rực rỡ trong ánh đèn điện. Cô cháu dâu bảo: “Pho tượng Bồ-tát này con mới thỉnh vào ngày Đức Quán Thế Âm vừa qua. Trước kia nhà chỉ thờ ảnh, sau khi ở bệnh viện về, chồng con tỏ ý muốn thờ tượng Bồ-tát cho trang trọng hơn. Từ lúc có tượng Bồ-tát, ngày nào anh ấy cũng đốt nhang, lễ Phật rất chí thành, thỉnh thoảng anh ấy lại sờ vào đầu mình rồi nói: Nếu Bồ-tát không báo mộng kịp thời chắc cái xương sọ của mình còn nằm trên bệnh viện hoặc bị đem đi tiêu hủy rồi, ôi nhớ lại còn rợn tóc gáy! Sau vụ tai nạn và phát tâm thờ Bồ-tát, anh ấy đã nguyện bỏ rượu, con nghe anh ấy hứa mà rất mừng”.
Trên đường về nhà, tôi suy nghĩ mình cũng từng trải qua nhiều nạn khổ, nhờ hết lòng tin tưởng vào Phật pháp lại thường niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, trì chú Đại bi nên những nạn khổ đều vượt qua được. Nay lại chứng kiến người thân thoát khỏi tai nạn trong đường tơ kẽ tóc cũng nhờ vào oai lực cứu khổ cứu nạn của Bồ-tát, nên càng thêm tin tưởngvào thần lực và tấm lòng thương yêu chúng sanh vô hạn của Ngài. Đúng như cháu dâu tôi nói, Bồ-tát Quán Thế Âm là Mẹ từ bi của mọi chúng sanh.
Quảng Tường
(Nguồn: http://chuabuuminh.vn )
(Nguồn: http://chuabuuminh.vn )
Tiếp nhận phản hồi của độc giả về bài viết: "Suy tư về vấn nạn loại Tăng ra khỏi Tam bảo"
Thân chào em Hải Lâm,
Tôi cũng muốn viết thư riêng để khích lệ tinh thần cầu học của em, nhưng vì vấn đề em đề cập là một vấn đề mà tôi đã công khai đăng tải từ khá lâu, đã đến với rất nhiều người đọc, nên tôi nghĩ việc tiếp nhận ý kiến phản hồi của em một cách công khai sẽ thích hợp hơn. Vì thế, trước hết tôi đã cho đăng tải các ý kiến của em tại đây. Tôi làm như vậy mà không cần hỏi ý kiến em vì hai lý do. Thứ nhất, vấn đề này hoàn toàn không giới hạn giữa em và tôi, mà là vấn đề đã được đưa ra trước số đông độc giả. Rất nhiều trang web đã đăng tải lại bài viết này của tôi, nên độc giả có quyền được biết đến những ý kiến phản hồi này. Thứ hai, mặc dù gửi đến tôi qua email, nhưng em có nói rõ là: "... Con sẽ gửi các trang mạng để họ biết được chú nói gì về họ..." Như vậy, việc tôi công khai hóa những điều này cũng phù hợp với ý muốn của em, nên không cần phải hỏi lại.
Hải Lâm thân mến,
Tôi hoan nghênh tinh thần cầu học của em khi em ngỏ ý muốn gặp tôi để học hỏi thêm, ngay cả sau khi đã chỉ ra rất nhiều "sai lầm" của tôi trong bài viết trên. Tuy nhiên, tôi cũng hơi ngạc nhiên vì không hiểu em định học hỏi gì ở một người "ăn nói ngược ngạo", "mê muội lầm lạc" cũng như "dùng ngôn từ chụp mũ" như tôi - theo nhận xét của chính em trong bài viết? Tuy vậy, tôi nghĩ rằng dù sao thì hẳn em cũng có lý do của riêng mình để nghĩ như thế, và tôi vẫn hoan nghênh nếu có dịp nào đó được gặp gỡ trao đổi cùng em.
Về những ý kiến em nêu ra trong bài viết, tuy về chi tiết có thể liệt kê ra khá nhiều, nhưng đại thể chỉ có 2 ý chính tôi thấy cần phải trả lời để giúp em hiểu đúng vấn đề; còn hầu hết những ý khác không cần đến sự hồi đáp của tôi, bởi chúng được viết ra theo lối quy chụp một chiều nên mọi sự giải thích hay tranh biện đều là không cần thiết. Lấy ví dụ như khi em bảo tôi mang bộ kinh Đại Bát Niết-bàn kính biếu Hòa thượng Thích Trí Tịnh là "ám chỉ hòa thượng dịch thuật không chuẩn", thì rõ ràng không dựa vào một tiêu chuẩn nào để tôi có thể giải thích hay tranh biện được cả, chỉ có thể nghe biết ý kiến của em như vậy mà thôi. Những điều đại loại như thế, tất nhiên người đọc hoàn toàn có sự sáng suốt của riêng mình để phán xét, tôi có nói ra cũng bằng thừa.
Về ý thứ nhất, những nghi ngại của em đều do em hiểu không đúng về bài viết của tôi, tôi trích lại bài viết của em như sau:
"Do đó, khi đọc bài “ Suy tư về vấn đề loại tăng ra khỏi Tam bảo”, con không khỏi bàng hoàng, sửng sốt khi người viết (không biết vô tình hay hữu ý) đã không ngần ngại nêu ra và khẳng định như sau: “Bởi vậy, bổn phận người cư sĩ vẫn là phải luôn cung kính đối với Tam bảo, cho dù có những kẻ lẫn lộn trong Tăng đoàn không giữ được tư cách của một vị tăng, thì đó cũng không phải việc của hàng cư sĩ có thể mang ra phê phán hay bất mãn như lời thầy G. T. đã gán cho các vị Đoàn Trung Còn và Mai Thọ Truyền trong bài viết này. Mà chuyện thầy lo "chư tăng bị loại ra khỏi Tam bảo" lại là chuyện hoàn toàn vô lý và khó hiểu.” Phải chăng ngươi viết đang cổ súy cho một niềm tin lệch lạc, trái với chánh kiến nhà Phật ?" (Hết trích)
Ở đây, câu em trích dẫn chỉ là phần cuối cùng trong một mạch văn dài, nguyên văn như sau:
Thật ra, điểm khác biệt quan trọng nhất giữa chư tăng và cư sĩ không phải ở những việc như cất chùa, giảng giải, dịch kinh, viết sách... như thầy G. T. nêu ra. Những việc này vẫn có những cư sĩ làm được và thậm chí có khi còn làm tốt hơn cả chư tăng. Những ngôi chùa lớn xưa kia đều do các vị vua chúa hoặc những người giàu có (cư sĩ) xây dựng, hoàn tất rồi mới thỉnh chư Tăng về an trú. Cư sĩ giảng kinh cho chính quý thầy ngồi nghe thì gần đây có cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám mà tôi vừa nhắc ở trên. Lớp Phật học đầu tiên của thế kỷ trước tại chùa Báo Quốc có mời ông đến giảng thường xuyên cho các vị học tăng. (Mỗi khi đi giảng ông đều mang theo kinh, sách trong cặp, bước lên xe ngồi là mở ra xem, cho đến nơi mới gấp sách lại, không bỏ phí dù chỉ một chút thời gian. Phẩm chất cao quý của ông khiến cho ai đã từng gặp cũng đều mến mộ.)
Việc dịch kinh, viết sách cũng vậy, xưa nay chưa hề có phân biệt tăng hay cư sĩ, tất cả đều có sự đóng góp tích cực cho Đạo pháp. Thế nhưng, tất cả những vị cư sĩ chân chính đều duy trì sự cung kính đối với chư tăng ni, bởi họ luôn hiểu được chỗ khác biệt quan trọng nhất giữa bản thân họ với những người đứng vào hàng Tăng bảo: Đó chính là sự nghiêm trì giới luật và đạo hạnh cao quý. Một vị tăng dù chưa từng xây chùa, giảng kinh, viết sách... nhưng chỉ cần nghiêm trì giới luật, tu tập chân chánh là đã đủ xứng đáng cho hàng cư sĩ quỳ lạy cung kính. Ngược lại, một vị tăng dù có công vận động xây dựng chùa lớn, có tài uyên bác thuyết giảng kinh luận thông suốt, nhưng nếu không sống theo đúng giới luật, không giữ được đạo hạnh, thì bản thân vị ấy đã không xứng đáng đứng trong Tăng đoàn, đã không thể xem là một phần của Tăng bảo. Sự khác biệt giữa chư tăng và cư sĩ cần phải được hiểu như thế.
Việc dịch kinh, viết sách cũng vậy, xưa nay chưa hề có phân biệt tăng hay cư sĩ, tất cả đều có sự đóng góp tích cực cho Đạo pháp. Thế nhưng, tất cả những vị cư sĩ chân chính đều duy trì sự cung kính đối với chư tăng ni, bởi họ luôn hiểu được chỗ khác biệt quan trọng nhất giữa bản thân họ với những người đứng vào hàng Tăng bảo: Đó chính là sự nghiêm trì giới luật và đạo hạnh cao quý. Một vị tăng dù chưa từng xây chùa, giảng kinh, viết sách... nhưng chỉ cần nghiêm trì giới luật, tu tập chân chánh là đã đủ xứng đáng cho hàng cư sĩ quỳ lạy cung kính. Ngược lại, một vị tăng dù có công vận động xây dựng chùa lớn, có tài uyên bác thuyết giảng kinh luận thông suốt, nhưng nếu không sống theo đúng giới luật, không giữ được đạo hạnh, thì bản thân vị ấy đã không xứng đáng đứng trong Tăng đoàn, đã không thể xem là một phần của Tăng bảo. Sự khác biệt giữa chư tăng và cư sĩ cần phải được hiểu như thế.
Và ở đây mới chính là chỗ chúng ta cần quan tâm. Chỉ cần chư Tăng nghiêm cẩn tuân theo Giới luật – như Phật từng dạy, phải lấy Giới luật làm thầy – và duy trì được nếp sống đạo hạnh, thì không có gì phải lo âu vì đám cư sĩ mê muội lầm lạc kia, làm sao họ có thể đủ sức mà "loại tăng ra khỏi Tam bảo"? Còn nếu có những vị tăng không ra tăng, giới luật không giữ theo, sống buông thả phóng túng, thì chính những người ấy đã tự loại mình ra khỏi Tăng đoàn, đã không xứng ở trong Tăng bảo, mà dù không ai loại trừ họ, thì một khi nhắm mắt xuôi tay họ cũng không thể lừa dối được luật nhân quả.
Bởi vậy, bổn phận người cư sĩ vẫn là phải luôn cung kính đối với Tam bảo, cho dù có những kẻ lẫn lộn trong Tăng đoàn không giữ được tư cách của một vị tăng, thì đó cũng không phải việc của hàng cư sĩ có thể mang ra phê phán hay bất mãn như lời thầy G. T. đã gán cho các vị Đoàn Trung Còn và Mai Thọ Truyền trong bài viết này. Mà chuyện thầy lo "chư tăng bị loại ra khỏi Tam bảo" lại là chuyện hoàn toàn vô lý và khó hiểu.
Em thấy đó, để có thể nêu ra 2 chữ "bởi vậy", tôi cần đến sự giải thích trong 3 đoạn văn trước nó. Nếu không thì "bởi vậy" là bởi những điều gì?
Và tôi rất hoài nghi việc em có thực sự đọc qua trọn vẹn đoạn văn trên hay không khi đi đến kết luận: "Phải chăng ngươi viết đang cổ súy cho một niềm tin lệch lạc, trái với chánh kiến nhà Phật ?"
Đáng buồn là những gì em viết theo sau lại cho thấy rõ em không hề đọc hết đoạn văn, hoặc nếu có đọc thì cũng không hề nhận hiểu những gì được nói lên trong đó.
Khi tôi nói rằng "người cư sĩ vẫn là phải luôn cung kính đối với Tam bảo, cho dù có những kẻ lẫn lộn trong Tăng đoàn không giữ được tư cách của một vị Tăng" thì em lại cố ý diễn giải theo hướng mang nghĩa là "phải giữ lòng cung kính với những kẻ phá giới, đội lốt tu hành". Và từ chỗ diễn giải theo ý nghĩa này, em dành trọn nhiều đoạn tiếp theo để giảng giải với tôi về "tỳ-kheo chân chánh" phân biệt với "ác tri thức" và rằng việc cung kính đối với những kẻ đội lốt tu hành là "đặt niềm tin lệch lạc", kể cả viện dẫn Kinh Niết-bàn để nói rằng "đừng liên hệ với ác tri thức" v.v và v.v... Bình tâm xét lại, tất cả những lời này thực sự không liên quan gì đến ý nghĩa trong câu văn của tôi. Chỉ riêng về mặt ngữ nghĩa thì cách hiểu sai lầm như vậy đã không thể đứng vững, còn nói gì đến việc suy xét hàm ý sâu xa? Câu văn của tôi đơn giản chỉ nói lên một điều là: "Cho dù trong Tăng đoàn có lẫn lộn những người xấu, thì người cư sĩ cũng không thể vì lý do đó mà đánh mất lòng cung kính đối với Tam bảo." Nếu em hiểu đúng như thế, hẳn đã không mất nhiều công sức biện luận, bác bỏ những điều mà không ai nói ra cả! Tôi đâu có khuyến khích mọi người phải cung kính đối với những kẻ xấu, mà là phải giữ lòng tôn kinh Tam bảo, như vậy thì sao có thể gọi là "niềm tin lệch lạc, trái với chánh kiến..." và rằng "cớ sao chú lại chủ quan nói rằng..." Việc kẻ xấu lẫn lộn vào trong Tăng đoàn chân chánh thời nào cũng có, ngay cả vào thời Phật tại thế cũng vẫn có Lục quần tỳ-kheo thường xuyên phạm giới... Nhưng không thể vì điều đó mà người cư sĩ đánh mất đi sự cung kính đối với Tam bảo. Tôi nghĩ một quan điểm như thế là hoàn toàn đơn giản và thật ra là quá rõ ràng đến nỗi chúng ta không có gì để tranh biện về nó, nếu hiểu đúng ý.
Và vì dựa trên sự nhận hiểu sai lầm như nói trên nên những đoạn văn theo sau của em cũng đều sai lệch, không cần biện giải. Chỉ cần em hiểu đúng câu văn tôi đã viết, tự khắc bao nhiêu thắc mắc sau đó đều sẽ tự chúng tan biến thôi.
Về ý thứ hai, em cho rằng tôi dùng từ "đám cư sĩ mê muội lầm lạc" là "vơ đũa cả nắm", là "ngôn từ vỉa hè", là "dùng ngôn từ chụp mũ"... v.v... và v.v...
Đây cũng lại là một cách nhận hiểu sai lầm nghiêm trọng những gì tôi đã viết ra. Nếu em thực sự đọc bài viết của tôi một cách nghiêm túc với sự nhận hiểu khách quan, chắc chắn không thể có sai lầm nghiêm trọng đến như vậy. Tại sao em không thấy rằng tôi bắt đầu dùng cụm từ "mê muội" từ lúc nào trong bài viết? Mời em đọc lại đoạn văn sau đây:
Xuất phát từ sự mê muội của một nhóm người – cứ tạm cho là như thế – mà một vị tăng phải thống thiết than van, phải hạ mình nói ra những câu như thế với hàng cư sĩ, theo tôi nghĩ quả thật là không đáng! Như thế thì còn đâu cái phẩm chất cao quý của bậc Như Lai trưởng tử, của bậc Tam giới Đạo sư? Nhất là khi thầy "lạy các vị vạn lạy, như năm xưa khi thọ giới lớn về tôi lạy bộ kinh Vạn Phật để trả ơn Tam Bảo" thì thật là lầm lẫn quá lắm! Sao lại có thể so sánh việc cúi lạy những kẻ mê muội đang làm hại đạo pháp – theo cách nhìn của thầy – với việc lạy Kinh điển để trả ơn Tam bảo?
Thế đấy, trong bài viết của mình, tác giả Thích G. T. sau khi chỉ ra vô số những điều mê muội, lầm lạc, làm hại Chánh pháp, loại bỏ Tăng bảo v.v... của những cư sĩ lập Ban Hộ Niệm, rồi đi đến kết luận thái quá sai lầm là "quỳ lạy" họ để họ "tha cho Tăng bảo". Tôi vì bác bỏ quan điểm sai lầm này nên khi biện giải đã 2 lần nhắc lại kèm theo từ ngữ "mê muội" rằng đó là theo cách nhìn của tác giả Thích G. T. đã hàm ý nêu ra trong bài viết của ông. Tôi nói "tạm cho là như thế" có nghĩa là cứ tạm giả định ông G. T. nói đúng; cũng như nói "theo cách nhìn của thầy" thì đã quá rõ rằng đó đâu phải phán đoán, quan điểm của tôi? Lẽ nào em đọc bài viết này mà không đọc bài tôi dẫn của tác giả Thích G. T. ? Hãy đọc kỹ lại toàn bài viết, xem có chỗ nào tự bản thân tôi nêu ra ý kiến phán định việc làm của các Ban Hộ Niệm là đúng hay sai hay chăng? Tôi chỉ lặp lại những gì tác giả bài viết đã nêu ra và đưa ra những giả định theo nhiều chiều để chỉ rõ những chỗ sai lầm của tác giả mà thôi, không hề đi sâu vào biện giải việc đúng sai của cư sĩ hay tăng sĩ. Nếu muốn làm việc đó, tất yếu tôi phải tìm hiểu và dẫn ra nhiều cứ liệu chính xác, đầy đủ hơn chứ không thể chủ quan phán xét.
Cách biện giải như tôi sử dụng trong bài viết là dùng chính những gì đối phương đưa ra, giả định rằng nó đúng trong một chừng mực nào đó nhưng vẫn đưa đến kết quả sai lầm, và từ đó mới bác bỏ hoàn toàn luận điểm của đối phương. Đó là một trong những phương pháp biện luận rất thông thường và sơ đẳng. Vì sao em lại quay sang gán ghép những điều giả định ấy và cho rằng chính tôi đã nói ra?
Như vậy, từ sự nhận hiểu sai lầm thứ hai này mà em đưa ra những lập luận biện giải về sự đúng sai của cư sĩ, tăng sĩ... thảy đều là lạc đề vì không liên quan gì đến ý nghĩa chính trong bài viết của tôi. Hơn thế nữa, em kết luận tôi "vơ đũa cả nắm", trong khi nếu em hiểu đúng thì dù một chiếc "đũa" mà em nói đó cũng không có trong tay tôi, có đâu là "cả nắm"?
Vì thấy em xuất phát từ sự nhận hiểu sai lầm mà viết ra bài này, nên tôi thật lòng giải thích cặn kẽ. Mong rằng em có thể sáng suốt đọc lại để thấy những chỗ sai lầm của mình. Bằng như em vẫn cứ khăng khăng theo định kiến đã có của mình thì tôi cũng chẳng biết phải làm sao! Tuy nhiên, tôi nghĩ em vẫn có thể hài lòng vì cả bài viết của em cũng như bài trả lời của tôi đều được đăng tải trọn vẹn, và mỗi người đọc chắc chắn sẽ tự có sự phán xét sáng suốt của riêng họ.
Thân chúc em luôn được nhiều niềm vui và sức khỏe.
Thân mến,
Nguyên Minh
(Nguyễn Minh Tiến)
Phản hồi của một độc giả về bài viết: "Suy tư về vấn nạn loại Tăng ra khỏi Tam bảo"
ĐỔI ĐIỀU SUY TƯ VỀ CHÚ NGUYỄN MINH TIẾN (NGUYÊN MINH) TRONG BÀI VIẾT “SUY TƯ VỀ VẤN NẠN LOẠI TĂNG RA KHỎI TAM BẢO” Ở BLOG CỦA CHÚ
(Đọc lại bài viết tại đây.)
Thưa chú, con lúc rảnh rỗi đôi khi lướt net, nhất là những trang mạng Phật giáo như “phattuonline””, “thư viện hoa sen”, “chanhtuduy”, “bửu minh”, “giacngo online”.., nhờ vậy mới đọc được bài viết trên. Bây giờ chú cho con nêu vài trăn trở nhé!
Thưa chú! Có phải rằng trong cuộc sống, niềm tin chiếm giữ một vai trò quan trọng. Niềm tin đúng đắn sẽ là động lực để ta phấn đấu và đạt những kết quả trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi niềm tin đặt không đúng chỗ sẽ trở nên nguy hại vô cùng.
Có những đôi vợ chồng hiếm muộn đặt niềm tin vào những ông này, bà nọ. Thế rồi, khi bụng họ to lên, mang áo bầu nhưng lại không có thai nhi. Họ rơi vào những bi kịch gia đình mà báo chí đã từng phản ánh. Câu chuyện vừa thương tâm, vừa hài hước và đáng trách đã dạy ta bài học về đối tượng để đặt niềm tin.
Trong đạo Phật cũng vậy, niềm tin là một trong thất thánh tài và đối tượng để đặt niềm tin cũng vô cùng quan trọng. Nhờ có niềm tin vào vị thầy mình, tin vào giáo Pháp mà ngài Milarepa đã không ngần ngại chấp nhận những thử thách vô cùng khắc nghiệt của Thầy mình và cuối cùng đã đạt giác ngộ ngay trong hiện đời.
Từ cuộc sống đến đạo pháp, niềm tin có một ý nghĩa nhất định như vậy nhưng đối tượng đặt niềm tin lại càng trở nên quan trọng hơn. Do đó, khi đọc bài “ Suy tư về vấn đề loại tăng ra khỏi Tam bảo”, con không khỏi bàng hoàng, sửng sốt khi người viết (không biết vô tình hay hữu ý) đã không ngần ngại nêu ra và khẳng định như sau:
“Bởi vậy, bổn phận người cư sĩ vẫn là phải luôn cung kính đối với Tam bảo, cho dù có những kẻ lẫn lộn trong Tăng đoàn không giữ được tư cách của một vị tăng, thì đó cũng không phải việc của hàng cư sĩ có thể mang ra phê phán hay bất mãn như lời thầy G. T. đã gán cho các vị Đoàn Trung Còn và Mai Thọ Truyền trong bài viết này. Mà chuyện thầy lo "chư tăng bị loại ra khỏi Tam bảo" lại là chuyện hoàn toàn vô lý và khó hiểu.”
Phải chăng ngươi viết đang cổ súy cho một niềm tin lệch lạc, trái với chánh kiến nhà Phật ?
Gửi chú Nguyên Minh- Nguyễn Minh Tiến!
Dù biết chú là một học giả uyên thâm, và chú tự cho rằng “còn nhiều việc dở dang đang cần hoàn tất” nhưng con cũng mong chú dành chút thời gian đọc những phản hồi này nhằm xác lập lại chánh kiến, có một cách nhìn đúng đắn về việc một số cư sĩ mà chú cho rằng đã “chối bỏ tăng đoàn”.
Như chú đã viết rồi nhưng con vẫn muốn xác định lại cách định nghĩa về một vị tỳ kheo (tăng) đích thực mà Đức Phật đã dạy trong kinh Pháp cú:
“ Đích thực bậc tỳ kheo
Không phải đi khất thực
Bậc tỳ kheo đích thực
Là sống theo giới luật”
Như vậy, có thể thấy rõ Phật không nhìn vào bề ngoài mà dựa vào phẩm hạnh để định nghĩa về một vị tỳ kheo. Theo ý nghĩa đó, một vị tỳ kheo (tăng) đích thực là người nghiêm trì giới luật, thanh tịnh, không cần biết vị ấy là ai, có mặc áo tu sĩ hay không. Từ đó, cũng có thể hiểu những người mặc đạo phục của tu sĩ nhưng lại phá giới thì dứt khoát không phải là tăng dù hiện tướng bên ngoài như thế nào đi chăng nữa. Đó chẳng qua những kẻ đội lốt tu hành, mà những đối tượng như vậy Đức Phật gọi là ác tri thức.
Khi nhìn nhận về sự tác động của mội trường đến việc hình thành nhân cách con người, ông cha ta đã đúc kết trong câu tục ngữ :
“ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Đối với những hành giả đang trên bước đường tu tập giải thoát thì lời dạy ấy cũng hoàn toàn thích hợp, đúng đắn. Thật vậy, nếu người hành giả được gần gũi thiện tri thức, thường nhận được những lời dạy đúng đắn thì sẽ nhanh chóng tiến tu trên đạo lộ giải thoát như chiếc xe được tiếp thêm nhiên liệu. Ngược lại, nếu hành giả rơi vào môi trường tu tập, liên hệ với những ác tri thức thì lâu ngày dài tháng, đạo hạnh của họ cũng bị hư hoại, tựa như ngọn đèn dầu hiu hắt trước gió, không sớm thì muộn nó cũng tắt mà thôi. Bởi lẽ, chúng ta chưa phải là bậc Thánh thì làm sao mà không bị nhiễm ô bởi những tác động bên ngoài? Đức Phật cũng từng khuyến cáo trong kinh “Đại bát Niết bàn” do chú dịch là đừng liên hệ với ác tri thức, và nhiều lời dạy của thánh Tăng vẫn còn đó, được minh chứng bởi hàng triệu triệu thế hệ hành giả, chúng ta là những người đi sau, phải nương theo lời dạy của thánh Tăng, cớ sao chú lại chủ quan nói rằng:
“Bởi vậy, bổn phận người cư sĩ vẫn là phải luôn cung kính đối với Tam bảo, cho dù có những kẻ lẫn lộn trong Tăng đoàn không giữ được tư cách của một vị tăng…” (trích đoạn viết của Chú).
Được biết chú qua pháp liệu ở trang mạng là chú tôn kính chư tăng nhưng đã dịch lại bộ kinh Đại bát Niết bàn rồi đem tận chùa Vạn Đức tặng cho chính người dịch trước đó là hòa thượng Thích Trí Tịnh, đây là thái độ kiêu mạn hay tôn kính? Hàm ý chú ám chỉ hòa thượng dịch thuật không chuẩn hay sao? Thái độ với một Phó pháp chủ như vậy thì biết chú “tôn kính” chư tăng như thế nào!?
Thế mới biết, giữa nói và làm của còn một khoảng cách xa lắm! Thế gian gọi loại người đó là ngụy quân tử, còn tệ hơn cả tiểu nhân vì họ che đậy bằng vỏ bọc thật kỹ càng, khiến nhiều người, nhiều đài, nhiều báo lầm tưởng.
Đây là lời dạy của Phật hay ý kiến, cái nhìn riêng của một học giả? Nên nhớ, Phật dạy trong kinh Tứ thập nhị chương: “ Phải thận trọng đừng chủ quan với tâm ý của ông. Tâm ý của ông không thể tin được, (vì vậy). Khi nào chứng quả A La Hán rồi mới có thể tin vào tâm ý của ông". Dù biết chú là một học giả uyên thâm nhưng có lẽ cũng chưa là bậc Thánh, sao lại vội đưa ra ý kiến chủ quan của mình?
Lại nữa, Phật dạy trong kinh Đại bát Niết bàn, phẩm Như lai tánh, quyển một: “Này bồ tát Ca Diếp! Nếu một cận sự nam biết rõ vị tỳ kheo nào phá giới thì chẳng nên cung cấp vật dụng tứ sự, chẳng nên cung kính, lễ bái, cúng dường. Nếu trong tăng chúng có kẻ phá giới, chẳng nên vì họ mặc áo cà sa mà cung kính, lễ bái.”
Theo lời Phật dạy, con chưa dám xét những người cư sĩ ly tăng là đúng hay sai, chúng ta sẽ làm rõ ở phần sau, nhưng con tự hỏi chú dựa vào đâu mà cho rằng họ là “đám cư sĩ mê muội lầm lạc”, nói như thế liệu có gọi là “vơ đũa cả nắm” hay chăng? Từ ngữ “đám cư sĩ” là ngôn từ vỉa hè lại được dùng bởi một học giả như vậy ư? Từ dùng “mê muội lầm lạc” thật là quá đáng, trong khi bản thân chú dịch kinh “Đại bát Niết bàn” mà lại nói ngược ngạo như thế! Thế mới biết, nhìn vào lập luận không trước sau như một của chú, con biết ai là kẻ “mê muội, lầm lạc” vì chú tin vào ý của mình!
Cách đây không lâu, một vị sư ở Thái Lan đã phá giới, phóng túng trong tiền tài, sắc dục. Hay xa hơn một chút, một vị tỳ kheo (xin được giấu Pháp danh) nào đó bề ngoài tỏ ra đạo hạnh, thuyết giảng rất hay nhưng lại làm điều tà vạy mà người ta phải nhờ đến chính quyền can thiệp. Chẳng lẽ với những đối tượng như thế mà ta vẫn phải cung kính, lễ bái hay sao? Nếu như thế thì thật là tai hại. Ở thế gian người ta gọi là dung túng cho cái xấu, cái ác còn đạo Pháp thì gọi là liên hệ với ác tri thức, hậu quả sẽ ra sao chắc ai cũng rõ. Vậy những người cư sĩ làm theo lời Phật dạy, tránh xa ác tri thức mà gọi là “mê muội, lầm lạc” hay sao? Và những lời nói của chú ở trên liệu còn cơ sở để đứng vững trước lời của Đức Phật và Thánh Tăng?
Gửi chú Nguyên Minh-Nguyễn Minh Tiến
Trở lại với vấn đề một số cư sĩ chối bỏ tăng đoàn, chú không phân biệt rõ ràng, không xét từng trường hợp mà vội “ vơ đũa cả nắm” rồi dùng ý kiến chủ quan của mình để phê bình, e rằng là không hợp lí. Những cư sĩ khắp nơi chắc buồn lắm khi đọc bài viết đó, vì họ bị hiểu lầm. Con sẽ gửi các trang mạng để họ biết được chú nói gì về họ bởi vì con còn nhỏ mà còn đau lòng, huống gì nhiều cư sĩ đã tu tập lâu năm!
Trở lại vấn đề, ở trường hợp thứ nhất, nếu những người cư sĩ chối bỏ tăng đoàn, từ bỏ những vị sư giới hạnh tinh nghiêm thì chúng ta phê bình, chỉ trích là việc làm đúng. Tuy nhiên, “không có lửa làm sao có khói?”
Ở trường hợp thứ hai, nếu họ là những người hư hoại giới hạnh nhiều, thì việc những cư sĩ chối bỏ tăng đoàn mà ta phê bình liệu còn đúng? Và đây là trường hợp cần xét lại. Bởi vì họ là đối tượng tôn kính của cư sĩ làm không làm đúng vai trò thì làm sao không có ý kiến, tựa như người dân thấy quan chức làm sai, cũng nêu ý phản hồi!
Phật nêu rõ tinh thần “tứ chúng đồng tu”. Thế nên, tại sao người cư sĩ lại không có quyền phê phán hay bất mãn trong khi bạn đồng tu đi lệch quỹ đạo chánh Pháp? Xét sâu xa hơn, đó là một việc thể hiện Bồ đề tâm. Vì sao vậy? Nếu họ không chối bỏ những vị sư khuyết hạnh, tiếp tục nhận những lời tà kiến thì vận mệnh tâm linh sẽ ra sao cho cả người trao và người nhận những lời dạy đó? Nếu che giấu thì giống như tiếp tay cho họ tái phạm. Vậy nên, việc chối bỏ những kẻ đội lốt tu hành nhưng làm điều tà vạy đồng nghĩa với việc cứu lấy thân căn, huệ mạng của họ. Đây hẳn là một việc làm hợp lí, đúng đắn.
Không phủ nhận một bộ phận cư sĩ ly tăng nhưng chúng ta chưa biết động cơ, thái độ của họ như thế nào thì đừng vội phán xét theo ý kiến chủ quan của mình bằng cách quy chụp mà phải phân ra từng trường hợp, dùng kinh điển mà xem xét và nếu họ ly tăng vì những người mang áo cà sa nhưng hư hoại giới hạnh thì đó không phải là ly Tăng, mà là tránh xa ma quân đội lốt thầy tu đạo Phật.
Được biết chú là một học giả có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo trong những năm qua, con không ngờ rằng chú “dùng ngôn từ chụp mũ” quá! Chú nên dùng kinh điển mà sáng soi để làm sáng tỏ vấn đề này nhằm lợi mình, lợi người. Mong một ngày gặp chú tại nhà riêng để con được học hỏi thêm.
Xã An Bình, Thành Phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
ngày 6 tháng 8 năm 2013
Nguyễn Thái Hải Lâm.
Điện thoại của con số 01243467177
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Hien huu nhu that da va dang
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn. Graham là một trong ...
-
Nhờ có sự hộ niệm cho cuộc diện kiến mặt-đối-mặt như thế, cho dù thần thức có yếu đuối thế nào đi nữa, chắc chắn không còn nghi ngờ gì là c...
-
Chính vì muốn dẫn dắt khéo léo các đệ tử mà ta khai thị nhiều pháp môn khác nhau. Laṅkāvatārasūtra Kinh Lăng già Maria Montenegro...